Nhất Phẩm Giang Sơn

Quyển 1 - Chương 27: Bắt đầu tôi luyện




Thấy Trần Hi Lượng vì muốn thuyết phục mình đọc sách, mà ngay cả quảng cáo từ của Chân Tông Hoàng đế cũng đem ra, Trần Khác không nhịn được phải âm thầm cười trộm…Dù sao kiếp trước hắn cũng đã là một người trưởng thành hai mươi tuổi. Làm sao mà không hiểu được một đạo lý đơn giản như vậy? Ai cũng biết triều đình Đại Tống có hai giai cấp. Một giai cấp gồm quân và sĩ phu, còn những người còn lại thì thuộc một giai cấp.

Làm quan trong triều Đại Tống, không những có địa vị, có tôn nghiêm, có bổng lộc cao, hơn nữa còn coi như có được một kim bài miễn tử nữa - Đây là một quốc gia không giết sĩ phu. Cho dù có phạm pháp thì nặng nhất cũng chỉ là tước chức quan, lưu đày. Cũng không xét nhà , không liên lụy tới ai, càng không cần phải lo lắng sẽ có ngày mình bị buộc phải tự sát. Nếu không những người đọc sách đời sau làm sao lại hướng về Đại Tống như vậy?

Không cần phải nói tới cái khác, Hoàng đế tự làm công tác quảng cáo, đó chắc chắn là có một chút sai lệch chính sách. Trừ khi những người kia thật sự có thể đoán trước, nếu nói người không đọc sách mà có thể ra làm quan thì tuyệt đối là chuyện không thể nào.

Nhưng là một người thương buôn, điều đầu tiên phải đoán được ý nghĩ của khách qua sắc mặt và lời nói. Thứ hai là phải biết không lộ ý nghĩ của mình ra ngoài mặt. Tâm tư của Trần Hi Lượng cũng không có gì khó đoán. Đáng thương cho những tấm lòng của người làm cha mẹ. Chỉ mong con mình học hành cho thật tốt. Thực tế hai người cũng không có mâu thuẫn gì. Nhưng ở kiếp trước, Trần Khác cũng không muốn bị ai quản chế. Hắn cũng biết không thể nào tự do không việc gì ràng buộc. Hắn thường bày ra bộ dáng lười học là muốn chờ Trần Hi Lượng đưa ra những điều kiện ưu đãi, cố gắng tranh thủ được thêm nhiều tự do.

Sự chừng mực này phải nắm bắt tốt, nếu không một khi chọc giận Trần Hi Lượng thì mọi việc coi như hỏng hết rồi.

Cái này gọi là ‘Quân tử có thể bị gạt bằng những lí do chính đáng hợp lí’ …

Quả nhiên, Trần Hi Lượng đã bắt đầu đưa ra điều kiện:
- Chỉ cần con học xong bài tập mỗi ngày. Thời gian còn lại con có thể muốn làm gì thì làm.

- Nếu mỗi ngày đều phải hoàn thành xong bài vở thì thời gian còn dư lại rất ít.
Trần Khác mặc cả nói:
- Không bằng cứ cách một khoảng thời gian thì sẽ kiểm tra một lần, như vậy đối với phụ thân cũng tốt.

- Con muốn có nhiều thời gian như vậy làm gì?
Trong ấn tượng của Trần Hi Lượng. Đứa nhỏ này đã lớn như vậy rồi, còn muốn chơi đùa cả ngày sao?

- Không dám dối gạt phụ thân…
Trần Khác cũng thuận tiện nói ra những việc mình làm mấy ngày qua.

Trần Hi Lượng lúc đầu nghe được rất tức giận, muốn quật cho tên tiểu tử to gan lớn mật này một trận. Nhưng sau khi nghe hắn đã truyền thụ kỹ thuật xào rau cho Thái Truyền Phú để y có thể nuôi mẹ già, Trần Hi Lượng rất cảm động:
- Ông chủ Thái đó thật sự là một hiếu tử. Con có thể giúp đỡ ông ấy cũng có thể coi như là tích một chút công đức.
Nói xong vỗ vỗ đầu của hắn nói:
- Hóa ra ngày hôm qua con đã làm việc này, nếu nói thẳng ra thì chẳng phải không có chuyện gì rồi sao? Cần gì phải gạt cha.

“…”Trần Khác nịnh nọt khe khẽ nói:
- Con không nghĩ phụ thân có thể thông suốt như vậy.

- Cha con vốn là một người thông suốt mà.
Quả nhiên, Trần Hi Lượng rất dễ chịu, cười ha hả nói:
- Con có thể đi dạy y làm bếp, nhưng việc góp vốn thì khỏi đi. Quân tử không lợi dụng lúc người khác gặp khó khăn. Chúng ta chỉ cần thu hồi đủ vốn là được.

“…”Trần Khác trong lòng thầm nói phụ thân đúng là xem thường tiền bạc mà, kiên trì nói:
- Sau này nhà chúng ta cũng cần phải có khoản thu vào. Không thể nào tất cả đều dựa vào phụ thân được. Hay là cứ góp vốn với ông ta trên danh nghĩa đi, dù sao mình không chèn ép ông ta là được.

- Như vậy chờ y kinh doanh tốt lên rồi mới tính.
Trần Hi Lượng cũng không phải là người cứng nhắc. Ông nghĩ lại cũng thấy rất có lý. Nếu không may mình gặp bệnh nặng, bọn nhỏ cũng không đến mức bị chết đói, liền dặn dò nói:
- Đến lúc đó nếu người ta đã có khả năng trả nợ. Mà vẫn đồng ý cho chúng ta góp vốn thì cũng không được coi là lợi dụng người khác gặp khó khăn.

Trần Khác có chút miễn cưỡng trả lời:
- Phải, toàn bộ đều nghe theo phụ thân.

-Vậy năm ngày kiểm tra bài học một lần.
Trần Hi Lượng không biết việc này có đúng không. Nhưng ông cũng rất chờ mong vào thành công của hắn. Bởi ông cảm nhận được trên người Trần Khác có một sức sống mãnh liệt.

- Hay là mười ngày đi…

-Hừm…
Trần Hi Lương trả lời bằng giọng mũi nằng nặng.

-Năm ngày thì năm ngày…
Trần Khác quyết đoán không mặc cả nữa.


Trần Khác vẫn có chút xem thường Trần Hi Lượng. Quân tử tuy rằng có thể lừa gạt, nhưng cũng không ngu ngốc chút nào. Trong ước định của hai cha con, Trần Hi Lượng vẫn để lại hậu chiêu. Tuy trong ước định nói rõ năm ngày kiểm tra một lần. Nhưng số lượng học nhiều hay ít còn tuy thuộc vào ông.

Cổ nhân có nói học hành phải cố hết sức, sao có thể để cho hắn nhàn nhã như vậy được?

Hơn nữa, lão Trần muốn xem Tam Lang nhà mình và Nhị Lang của Tô gia ai tài giỏi hơn.

Sau khi đã suy nghĩ kĩ càng, ông quyết định sẽ nâng cao yêu cầu đối với Trần Khác. Cụ thể là việc đặt ra quy định với chương trình học. Trần Hi Lượng đã từng tiến hành kiểm tra toàn bộ tri thức của Trần Khác. Kết quả phát hiện thấy tri thức của hắn còn tốt hơn so với mong muốn. Nhưng các kiến thức tối thiểu thì lại rất mù mờ.

Ở thời đại này, Kinh học được gọi là đại hoc, học các văn tự ngôn ngữ được xem là tiểu học. So với người Tống, Trần Khác có được kiến thức của người hiện đại. Cho nên phân tích vấn đề càng thêm toàn diện, suy xét càng thêm mới mẻ độc đáo. Hắn lúc nhỏ lại được đọc các điển tịch Nho gia, cho nên có giải thích, trình bày và phát huy đối với sự tinh tế của ngôn ngữ, ý nghĩa cũng sâu xa hơn so với đám bạn cùng tuổi. Thậm chí so với Trần Hi Lượng cũng không thua kém.

Nhưng tri thức của Trần Khác không hình thành một hệ thống mà rất rải rác. Đối với một số kinh nghĩa có hiểu biết rất sâu sắc, một số kinh nghĩa lại xuyên tạc rất lợi hại, có một số lại ù ù cạc cạc không biết gì… Tuy nhiên, Trần Hi Lượng lại cảm thấy việc này rất bình thường. Bởi vì ông chưa bao giờ giảng giải qua kinh nghĩa cho hắn. Chỉ cho hắn ngâm nga người lần.

Đây không phải là do Trần Hi Lượng lười biếng, mà là do phương pháp dạy học thời này là như vậy. Thứ nhất, khi bắt đầu học tập phải có cơ sở thật vững chắc. Thứ hai, những lời này đều do thánh nhân nói nên đều rất triết lý và nội hàm. Cho nên không thể cứ dăm ba câu là có thể nói rõ ra hết được. Học trò cần phải tự mình thể ngộ. Sau đó đợi khi học vấn của mình tiến lên một tầng cao khác. Do học vấn đã vững vàng, đến khi nghe giảng kinh nghĩa sẽ có thể giải thích nghi hoặc.

Dù thế nào,Trần Hi Lượng cũng đã cho rằng ngộ tính của Trần Khác cực cao, khả năng suy xét cũng rất mạnh. Dưới tình huống không có lão sư dạy, vẫn có thể tự mình nghĩ ra được nhiều thứ như vậy. Nhất định là một nhà thông thái!

“Khổng phu tử lúc nhỏ cũng chỉ như vậy thôi…” Làm một người phụ thân cũng không phải chưa từng có ý nghĩ này. Nếu ông biết, Trần Khác xuất sắc như vậy là do đã đọc các bộ sách trên internet của kiếp trước. Thì không biết ông thất vọng ra sao.

Nhưng biểu hiện của Trần Khác ở tiểu học rất thê thảm.

Cái gọi là tiểu học, nghĩa là học sinh ở trường phải học được phân biệt hình thể của chữ, thông hiểu được âm vận , hiểu rõ giải nghĩa trong sách cổ.

Đầu tiên là phân biệt hình dáng chữ. Chữ viết của Trần Khác rất xấu, hầu như không nhìn ra được… Việc này cũng không phải vấn đề gì lớn. Người xưa cũng không phải tập viết từ lúc còn nhỏ. Bọn họ cho rằng khi còn bé xương cốt mềm dễ tổn thương, cho nên phải chờ lớn lên một chút, mới bắt đầu tập viết chữ. Bắt đầu từ lúc khoảng chừng mười tuổi, mà Tam Lang còn chưa đến mười tuổi.

Việc phiền toái thật sự ở việc ‘Thông hiểu âm vận’ và ‘Hiểu rõ giải nghĩa từ sách cổ’. Âm vận chính là cách đọc chữ viết. Cái gọi là giải nghĩa từ trong sách cổ nghĩa là dùng chữ để giải thích. Việc trước là cơ sở cho việc sau, nếu không thông hiểu âm vận thì không thể thực sự giải nghĩa từ trong sách cổ.

Ở đây Trần Khác cảm thấy rất phiền phức. Bởi vì ở thời cổ đại, khu vực nam bắc bị ngăn trở. Giọng nói phân biệt cũng rất rõ ràng. Vì sợ Trần Hi Lượng phát hiện sơ hở, cho nên trước mặt Trần Hi Lượng hắn cố gắng ít nói.

Nhưng muốn biết đọc biết viết, gieo vần đúng thì phải nắm vững được thanh và âm điệu của người thời nay. Kinh khủng hơn là, ngoại trừ phải nắm giữ thanh vận của người Tống, còn phải nắm giữ thanh vận của cổ nhân... Đời Đường có âm vận người Đường, đời Hán có âm vận người Hán, Tiền Tần có âm vận của Tiền Tần. Nếu không thể nắm giữ được thanh âm điệu của thời đại đó thì không thể lý giải văn tự của thời đại đó…Bởi vì những giải từ nghĩa, thông thường cần phải thông qua giọng nói mới hiểu rõ được vấn đề.

Thực ra, người đời Tống bản thân không quan tâm đến tiểu học, đều không miệt mài nghiên cứu hàm nghĩa của kinh văn. Cũng không tìm tòi thăm dò thanh vận của người xưa. Nhưng đây là nói về các sĩ tử bình thường. Còn những người có thành tựu trong học vấn, thì ‘thông âm vận học’ và ‘huấn hỗ học’ đều rất giỏi. Bởi vì tiểu học là nền móng cơ sở của Đại học. Nếu nền móng cơ sở không tốt, thì kiến trúc thượng tầng đương nhiên không thể vững vàng.

Trần Hi Lượng kiên trì cho rằng, không hiểu văn tự, thanh vận, huấn hỗ, thiên văn, lịch pháp, số thuật, không thể đọc sách cổ thì cũng chỉ có thể coi là học vẹt không thể nào tài giỏi như người xưa.

Ông muốn đào tạo Tam Lang nhà mình thành một Đại nho!


Đã tìm ra vấn đề, đương nhiên phải hốt thuốc đúng bệnh. Trần Hi Lượng mở ra một phần bài tập – mô phỏng chính văn ‘Quảng Vận’ một lần.

Cái được gọi là “Quảng Vận” chính là ‘Đại Tống trùng tu quảng vận’. Bao gồm năm quyển, là một bộ tự điển âm vận do quan phủ chủ trì biên soạn thời khai quốc, cũng là một bộ tự điển âm vận nổi tiếng được tổng kết lại từ nhiều thế hệ. Sách bao gồm hai mươi sáu ngàn một trăm chín mươi bốn chữ. Cộng thêm một trăm chín mươi mốt ngàn sáu trăm chín mươi hai chữ trong phần chú giải. Trên cơ bản là ai cũng nản, chỉ nhìn thôi đã cảm thấy kinh sợ làm sao có thể hứng thú học cho được?

Việc này đương nhiên không phù hợp với triều Tống, đem khoa cử làm thành mục tiêu mở rộng sự nghiệp nhất. Cho nên trong thời của Chân Tông, vì để cho sĩ tử có thể dễ nhớ thuộc lòng và nắm vững, giảm độ khó của việc dự thi. Lễ Bộ đã ban hành ‘ Vận lược’ tương đối giản lược, chỉ có bốn mươi chín ngàn năm trăm chín mươi chữ, ít hơn ‘Quảng vận’ rất nhiều.

Nhưng Trần Hi Lượng có yêu cầu rất cao với Tam Lang. Cho nên đã bỏ qua ‘Vận lược’ và trực tiếp để Tam Lang học ‘Quảng Vận’.

Tam Lang nhìn năm quyển tự điển âm vận. Tính toán thời gian, mỗi ngày phải chép lại một quyển. Phải dùng lối chữ Khải viết, một chữ cũng không được viết ẩu. Trần Khác trong lòng cười điên cuồng “Như vậy là không muốn cho ta làm cái gì khác sao?”

Hắn đưa ra ý kiến kháng nghị. Nhưng Trần Hi Lượng khẽ nhấc khăn che mặt lên, lộ ra bộ mặt nghiêm khắc không chút biểu tình nói:
- Dựa theo ước định, chỉ cần con có một lần không hoàn thành bài tập thì sẽ bị hủy bỏ đặc quyền!
Nói xong cười lạnh nói:
- Thay vì than vãn không bằng nhanh chóng bắt đầu viết chữ đi!

- A…
Tam Lang kêu thảm một tiếng. Các huynh đệ vốn đều rất hâm mộ việc hắn có thể tranh thủ một ít tự do, nhưng bây giờ tất cả đều cảm thấy rất thông cảm với hắn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.