Nhạt Màu

Chương 17




Tụng Nhiên gỡ được gánh nặng xu hướng tính dục này xuống, có thể thẳng thắn làm gay trước mặt Hạ tiên sinh, thế nên tâm trạng của cậu rất tốt. Hậu quả chính là cậu nói chuyện càng rộn ràng hơn.

Hạ Trí Viễn thích nghe cậu nói chuyện phiếm, nên anh bèn dạng chân ngồi tựa trên sô pha, trả lời câu được câu không với cậu. Nhân tiện anh cũng quan sát trạng thái chiếc quần lót của mình, hi vọng có thể bình tâm tĩnh khí, tiêu trừ tình dục, tạm thời coi như là một thử thách tu hành.

Tiếc là không có hiệu quả gì.

Tụng Nhiên không biết "Tình hình lúng túng" của Hạ Trí Viễn bên kia. Cậu vừa nói chuyện vừa đi vào phòng bếp chăm sóc cho nồi vịt già hầm gừng của mình, thuận tay rắc mấy hạt cẩu ký vào, lại nhặt nửa quả táo khi nãy còn ăn dở lên cạp "Rộp rộp": "Ầy Hạ tiên sinh này, một thẳng nam như anh bị bạn cùng phòng kéo đi giả làm gay, trên mặt vẽ lá cờ cầu vồng, còn hô khẩu hiệu giơ biểu ngữ cầm băng rôn này nọ, liệu anh có cảm giác có một cánh cửa của thế giới mới đã mở ra không?"

Hạ Trí Viễn đồng ý: "Quả thực là có một chút."

Tụng Nhiên hỏi: "Vậy anh không sợ bị người khác hiểu lầm hả?"

"Tại sao phải sợ? Đồng tính luyến ái cũng có phải là chuyện gì tồi tệ đâu." Hạ Trí Viễn cười: "Tụng Nhiên, có lẽ cậu còn có chút hiểu lầm với tôi, tôi không thẳng như cậu tưởng tượng đâu."

Cạch.

Điện thoại tuột khỏi tay Tụng Nhiên, suýt nữa là rơi vào nồi cùng tắm với em vịt trong đó.

Tụng Nhiên quýnh lên vội điên cuồng mò mẫm trên bệ bếp, cứu chiếc điện thoại đang không ngừng xoay về, rồi nghe thấy Hạ Trí Viễn nói: "Tôi nghiêng về việc đồng ý với một lý thuyết: Xu hướng tính dục không hề rõ ràng như hai màu đen trắng. Số người thẳng hoặc cong trăm phần trăm là số ít, xu hướng tính dục của đa số người nằm giữa hai hướng, khác nhau là bên nào chiếm nhiều hơn mà thôi."

"Ặc... Vậy, vậy anh... Bên nào nhiều hơn?"

Đầu lưỡi Tụng Nhiên biến thành món đậu phụ nghìn nút thắt*.

*Là một món ăn phổ biến ở khu vực Giang Nam.

Hạ Trí Viễn thản nhiên trả lời: "Lúc mười bảy mười tám tuổi, tôi đã từng vô cùng tự tin với xu hướng tính dục của mình, cảm thấy mình không hề có khả năng là đồng tính. Về sau, có lẽ là mười năm trước, tôi thực hiện thang đo Klein* một lần ở câu lạc bộ, kết quả thu được khiến tôi hơi kinh ngạc: Yếu tố dị tính luyến ái chiếm chủ đạo, nhưng thỉnh thoảng cũng có thể tiếp nhận việc quan hệ với người đồng giới. Năm ngoài, tôi đã làm một kiểm tra xu hướng tính dục chuẩn xác hơn ở chỗ bác sĩ, kết quả cũng giống vậy: Tôi không hoàn toàn bài xích quan hệ đồng tính. Cho nên, nói một cách chính xác thì tôi không phải là một thẳng nam thuần túy."

*Thang đo Klein: Năm 1985, trong quyển Lựa chọn song tính luyến ái, Fritz Klein trình bày một thang đo gọi là thang đo thiên hướng tình dục Klein dùng để đo lường kỹ hơn thiên hướng tình dục bằng cách mở rộng thang Kinsey đã có trước đây. Thang này phân loại lịch sử tình dục từ 1 (hoàn toàn dị tính) đến 7 (hoàn toàn đồng tính). Khi một người tham gia thang đo khảo sát này, họ sẽ xác định mình "Chủ yếu là dị tính, thỉnh thoảng đồng tính" ở mức 2, "Chủ yếu là đồng tính, thỉnh thoảng dị tính" ở mức 6 và các khoảng giữa hai mức này. Ở giữa, mức 4 là "Dị tính và đồng tính là ngang nhau".

Có thể đọc thêm ở đây: https://howlingpixel.com/i-vi/L%C6%B0%E1%BB%9Bi_Klein

Tay trái Tụng Nhiên cầm muôi, tay phải cầm điện thoại, giật mình không kịp phản ứng.

Đây, đây là tình huống gì?

Hạ tiên sinh hậu sinh khả úy, cũng quang minh chính đại "Come out" với cậu đấy ư? Nhưng tại sao Hạ tiên sinh lại phải chủ động nói cái này? Hai bên cùng để lộ xu hướng tính dục của mình, độ ám chỉ quá nghiêm trọng rồi.

Trong đầu Tụng Nhiên suy nghĩ lung ta lung tung, lúc thì thấy Hạ tiên sinh "Có ý khác", đang ngấp nghé đóa cúc non của cậu. Lúc cậu lại cảm thấy mình không biết xấu hổ, dám tự luyến đến nỗi cho Hạ tiên sinh một vở diễn nội tâm. Cậu không biết lúc này nên phản ứng ra sao, thế là giấu đầu hở đuôi cố gắng đổi chủ đề, thảo luận tối nay ăn gì với Hạ Trí Viễn. Cuối cùng cậu mượn lý do sắp phải đưa đồ ăn ra, muốn gọi Bố Bố dậy, vội vàng cúp máy.

Hạ Trí Viễn nghe tiếng tút tút báo cúp máy vang lên bên tai, không nhịn được cười.

Tụng Nhiên, em sợ cái gì?

Ngay đến tôi cũng nghe ra có chỗ không thích hợp.

Chúng ta là hàng xóm đối diện, sau này cơ hội gặp mặt nhau rất nhiều. Chờ đến khi tôi có suy nghĩ muốn xuống tay với em, đến lúc đó em sợ cũng không muộn.

Hôm đó sau bữa ăn, Bố Bố lại nằm nhoài bên cạnh Tụng Nhiên mè nheo muốn cậu kể chuyện.

Tụng Nhiên lấy một cuốn sách trong chồng sách ra, nhưng Bố Bố khép sách lại, nũng nịu dâng lên món đồ chơi mới: "Anh ơi, em vẫn chưa biết chuyện về con thỏ này đâu, hôm nay anh kể về nó đi ạ."

Tụng Nhiên nhìn chằm chằm con thỏ kia, hơi sầu muộn.

Mặc dù cậu đã từng đọc rất nhiều truyện cổ tích, còn vẽ tranh minh họa cho chúng nữa, có điều không giỏi sáng tác truyện. Nhưng đứa bé Bố Bố này có một niềm tin rất đặc biệt, bé cho rằng mỗi đồ chơi mình nhận được đều đang sống, có cha mẹ, có anh chị em, có quá khứ tuyệt vời. Chỉ khi biết được câu chuyện về đồ chơi, bé mới có thể thật sự thành bạn bè với chúng.

Tụng Nhiên muốn bảo vệ sự hồn nhiên của Bố Bố, nên mỗi lần gặp tình huống này cậu đều vắt hết óc để sáng tác một câu chuyện, dù cho chuyện đó không dài, chỉ bảy tám câu cũng được.

Lúc này cậu ngẫm nghĩ rồi nói: "Hồi nãy anh gọi điện thoại cho ba em, đúng lúc ba em kể chuyện về con thỏ nhỏ này cho anh. Vậy anh sẽ kể cho em nghe, chịu không?"

"Hả?" Mắt Bố Bố sáng lên, bắt lệch trọng điểm:"Anh lén lút gọi điện thoại cho ba ba nhé!"

"Cái gì mà lén lút chứ, bọn anh quang minh lỗi lạc đấy nhé!" Tụng Nhiên nhíu mày, dọa Bố Bố: "Em nghịch nguyên ngày, nào là chạy lung tung, nào là hứng nước, chẳng lẽ anh không nên báo cáo với ba em à?"

Bố Bố không vui, bé chu miệng lên kháng nghị: "Anh, mách lẻo là không đúng."

Tụng Nhiên bật cười: "Lừa em đó, sao anh lại mách lẻo được? Anh khen em nguyên một trăm câu đó nha. Ba em cực kỳ vui vẻ, nói muốn kể chyện để khen thưởng em. Tiếc là khi đó em đang ngủ, còn giờ thì em tỉnh mà ba em lại ngủ, nên anh sẽ kể lại cho em nghe."

Bố Bố ngạc nhiên mở to hai mắt: "Ba ba cũng kể chuyện cổ tích hả anh?"

Tụng Nhiên gật đầu: "Có chứ. Ba em lợi hại như vậy, chuyện gì cũng làm được cả. Lần này ba em kể... Ừm, "Chuyện một con thỏ tai thẳng và một con thỏ tai cụp."

Bố Bố vội vàng đứng lên dùng hai tay dâng con thỏ vải mềm mại kia: "A, nhân vật chính ở chỗ này nè, anh nhanh kể đi, em đang nghe."

Thế là Tụng Nhiên nắm hai cái tai mềm của con thỏ, kể cho Bố Bố nghe một câu chuyện.

Câu chuyện này xảy ra trong một khu rừng rậm rộng lớn.

Trong rừng có một bầy thỏ nhỏ. Chúng có đôi mắt tròn như ngọc ruby, cái đuôi như một viên tuyết, còn cả một cặp tai thật dài thật dài dựng thẳng lên. Điều quan trọng nhất là mỗi một con thỏ đều giống nhau như đúc, tựa như một dãy con dấu đóng trên tờ giấy, chẳng tìm ra điểm khác biệt. Cho nên, bình thường những con thỏ này thích nhất là chơi một trò chơi, đó là mặt đối mặt bắt chước động tác của nhau, tựa như đang soi gương.

Nhưng mà, có một con thỏ nhỏ không thể chơi trò chơi này, bời vì nó không giống với mọi người.

Tai của nó bẩm sinh đã cong, rũ xuống hai bên đầu, không thể nào dựng thẳng được. Những con thỏ khác đều cười nhạo nó, nói đôi tai nó thực xấu. Mà nó cũng cảm thấy mình mọc một đôi tai chẳng xinh đẹp gì.

Một đôi tai đẹp là phải dựng lên, vì sự thật nó rành rành trước mắt – Trừ nó, mỗi con thỏ khác trong rừng đều có đôi tai dựng.

Thế là bắt đầu từ một ngày nào đó, con thỏ cụp tai bắt đầu quyết tâm thay đổi mình.

Ngày đầu tiên, nó tìm hai sợi dây thừng buộc lên tai rồi treo mình lên cành cây lúc la lúc lắc, nom như một chiếc xích đu. Nó nghĩ: Nếu cứ kéo tai cả ngày thế này, hẳn tai cũng phải thẳng chứ nhỉ?

Một ngày trôi qua, Thỏ Cụp Tai cởi dây ra hưng phấn lắc lắc đầu, nhưng lại phát hiện tai mĩnh vẫn cụp như cũ. Nó chạy đến hỏi bà Thỏ Phù Thủy, bà Thỏ Phù Thủy nói cho nó biết, Thỏ ngốc, tai dựng lên được là nhờ xương sụn, sao dây thừng có thể kéo thẳng lên được?

Thế là ngày thứ hai, Thỏ Cụp Tai tìm hai que gỗ cột tai vào đó. Lần này, rốt cuộc nó cũng biến thành một con thỏ tai thẳng. Nó vui đến nỗi xoay mấy vòng tại chỗ. Nhưng que gỗ dễ bị tuột, chỉ cần đi nhanh một chút hoặc nhảy nhảy mấy lần, nó sẽ rơi xuống đất, lỗ tai cũng rũ xuống theo.

Thân là một con thỏ, sao có thể không chạy không nhảy được.

Chú thỏ tai cụp này của chúng ta thích nhất là chạy nhảy cơ.

Ngày thứ ba, Thỏ Cụp Tai nản chí vô cùng, đành phải mua một chiếc băng đô có đôi tai thẳng. Nó cuộn hai lỗ tai cụp của mình thành hai cục nho nhỏ rồi cố nhét vào trong băng đô. Nó đau lắm, đau đến nỗi rơi nước mắt, nhưng lại cho rằng điều này rất đáng, vì bây giờ rốt cuộc nó cũng trở thành một con thỏ tai thẳng hợp với chúng bạn.

Nó chen vào đám thỏ, muốn chơi trò soi gương với mọi người. Nhưng những con thỏ tinh mắt lập tức phát hiện được sơ hở, bèn mắng nó lừa đảo rồi đuổi nó khỏi bầy thỏ.

Thỏ Cụp Tai thật sự buồn bã. Nó lẻ loi trơ trọi đi trong rừng, nó ghét đôi tai mình, ghét đôi mắt mình, ghét cả cái đuôi và móng vuốt nữa.

Rốt cuộc có một ngày, Thỏ Cụp Tai vừa rét vừa đói gặp một bầy thỏ khác.

Bầy thỏ này rất kỳ quái, dáng vẻ của chúng nó không hề giống nhau. Có con mắt đỏ ngầu, có con mắt đen láy, có con lông trắng mềm mềm, có con lại lông xám. Có con đầu to như gốc cây, con lại đầu nhỏ như cây nấm. Đương nhiên, tai của chúng cũng khác nhau, có con tai dựng thẳng, con lại rũ xuống hệt như hai cây chổi nhỏ quét đất.

Thỏ Cụp Tai vội vàng chạy đến chào hỏi, lũ thỏ kia vui vẻ đón nhận nó.

Ở đây không có người nào cảm thấy tai cụp là một chuyện kỳ quặc, bởi vì dù ít hay nhiều thì mỗi người đều có chỗ không bình thường. Trước giờ chúng nó cũng không chơi trò soi gương, vì trò này thật sự quá ngu ngốc. Bọn chúng chơi đào hang, trồng rau, thi chạy, đây mới là những trò thuộc về một đám thỏ.

Ở đây, Thỏ Cụp Tai nhỏ nhận được rất nhiều thiện ý.

Thỏ Mắt Đen đưa cho nó một miếng bánh ngọt cà rốt quý giá, Thỏ Đầu To đưa cho nó một lá rau to thật to có thể che mưa, Thỏ Lông Xám đưa cho nó một chiếc ghế bện bằng cỏ khô mềm mại. Những con thỏ này, cho dù mắt có đỏ hay không, lông có trắng không, tai có thẳng không, chúng đều là những người bạn giúp đỡ lẫn nhau.

Thỏ Cụp Tai nhỏ cũng không còn tự ti về đôi tai của mình nữa.

Bây giờ, nó cảm thấy mình là một con thỏ nhỏ vừa xinh đẹp lại vừa đáng yêu, rất được người ta yêu thích.

Bố Bố nghe kể xong thì nhanh chóng ôm thỏ vào lòng, vuốt vuốt cặp tai cụp rồi an ủi nó: "Đừng buồn nhé, em là con thỏ tốt nhất đấy, anh sẽ luôn thích em!"

Tụng Nhiên hỏi bé: "Thế Bố Bố thích bầy thỏ nào nào? Bầy thứ nhất hay bầy thứ hai?"

Bố Bố đáp cực kỳ dứt khoát: "Bầy thứ hai ạ!"

Tụng Nhiên hỏi vì sao, Bố Bố nghiêng đầu nói: "Dáng vẻ giống nhau thì chán lắm ạ. Ai cũng mắt đỏ, lông trắng, tai dựng, em không muốn như thế."

Bé hỏi lại: "Thế còn anh thì sao, anh thích bầy nào?"

Tụng Nhiên cười: "Anh cũng thích bầy thứ hai, vì anh chính là con thỏ cụp tai kia."

"Nói dối, anh đâu phải!" Bố Bố lẩm bẩm đứng lên rồi nhanh trí giơ tay sờ tai Tụng Nhiên: "Nè, tai anh vẫn ở đây mà, có cụp xuống đâu."

Tụng Nhiên nắm tay Bố Bố, ôm bé và cả con thỏ bông kia vào ngực.

Bé cưng bốn tuổi hơn mười lăm kg, nặng trình trịch, khiến người ta thấy ấm áp và an tâm.

Tụng Nhiên nói: "Dù anh không có đôi tai cụp, nhưng mà anh có một chỗ không giống với những người khác. Lúc trước anh rất buồn, cứ cảm thấy bản thân mình chỗ nào cũng tệ, chỗ nào cũng khiến người ta ghét. Hôm nay lúc gọi điện thoại nói chuyện với ba em, ban đầu anh cho là ba em sẽ ghét anh cơ. Nhưng ba em lại rất văn minh, chẳng hề nói nặng lời đến một câu, trái lại còn luôn an ủi anh."

"Giống như bầy thỏ thứ hai hả anh?" Bố Bố ngẩng đầu nhìn cậu.

Tụng Nhiên gật đầu: "Ừ."

Bố Bố rất kiêu ngạo, bé vỗ vỗ ngực nhỏ, phấn khích nói: "Đương nhiên rồi, ba là ba em mà. Em thích anh như vậy, nhất định ba em cũng sẽ thích anh rồi. Anh đừng lo lắng nhé, em và ba em đều là bầy thỏ thứ hai. Anh tốt như vậy, em và ba sẽ vĩnh viễn ở cùng một chỗ với anh."

Đôi mắt trẻ con sáng như sao Mai, lại thăm thẳm như trời đêm, dường như nói một câu vĩnh viễn là thật sự có thể thành vĩnh viễn.

Trong mắt Tụng Nhiên ươn ướt, nhưng cậu cố nhịn xuống, cười nói: "Được, chúng ta phải vĩnh viễn ở cùng một chỗ."

___________________________

Người post: Yến Nhi

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.