Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 34: 34: Lưỡng Tình Tương Duyệt





Từ ngày có Bách Phúc, Lý Vi không còn than buồn chán nữa.
Tuy Bách Phúc chỉ mới có ba tháng tuổi, nhưng cứ như thể trời sinh cái gì cũng biết.

Nó không cần người chỉ dạy từng tí một phải đi vệ sinh ở đâu, lần nào cũng rất thông minh nhảy vào cái chậu bé mà Tiểu Hỉ Tử chuẩn bị sẵn cho nó.

Trên chậu đặt hai miếng ván gỗ, nó xòe bốn cẳng đứng vững, rồi tè vào trong chậu.
Thêm nữa, tuy người chăm lo cho sinh hoạt hằng ngày của nó là Tiểu Hỉ Tử, và trong phòng có rất nhiều người khác nữa, song nó chỉ nhận mỗi Lý Vi và Tứ a ca.

Ngoài mệnh lệnh của hai người, nó không còn nghe lời của một ai khác.

Ngọc Bình gọi nó lại, nó chẳng khi nào đoái hoài.

Mà chỉ cần Lý Vi vừa nhìn nó, chưa cần gọi tên nó, nó đã hí hửng chạy tới ngay.
Thật là tinh khôn!
Hơn hết, chiếc chó này không sủa ầm ĩ bao giờ.

Lần nào cũng sủa rất khẽ rất khẽ, tiếng sủa non nớt làm tim gan người nghe tan chảy cả đi.
Lý Vi yêu nó bằng chết mất thôi.

Buổi sáng vừa bảnh mắt ra đã gọi Bách Phúc.

Lúc ngồi trong sân phơi nắng, Bách Phúc chơi lăn tú cầu ngay trước mặt nàng.

Khi ra hoa viên tản bộ, nó cũng lăng xăng chạy quanh Lý Vi, rõ ràng chưa từng dạy nó đi theo, mà nó đã tự biết.

Cái chân nhỏ ngắn cũn chạy phăng phăng như một tia chớp, bộ lông trên người khiến nó thoạt trông hệt một quả bóng lông biết lăn.
Tứ a ca cũng thường hay sang thăm nó, đôi khi bận quá không sang được bèn sai Tô Bồi Thịnh ẵm Bách Phúc qua chơi.

Hiếm khi hai người còn ngồi bàn nhau chuyện phân bổ thời gian vì một chú chó: buổi sáng, lúc Lý Vi chưa dậy, Bách Phúc có thể đến thư phòng với Tứ a ca; buổi trưa, khi nàng ngủ trưa, Tiểu Hỉ Tử sẽ ẵm Bách Phúc sang thư phòng; buổi tối, hai người lại cùng chơi đùa với nó.
Lý Vi còn đau đầu chuyện vắcxin phòng bệnh, nhưng chuyện này thực là không cách nào làm được, biết đi đâu tìm các loại vắcxin 5 trong 1, 7 trong 1 ở thời Thanh này đây? Đành phải tự an ủi mình rằng: chó cỏ vốn mạnh khỏe sẵn, hẳn không mắc vấn đề gì lớn lao.

Dù sao chỉ cần không cho nó gặp những con chó khác là được.
Chó con ba tháng đã bắt đầu thay răng, răng này phải thay liên tục đến khi một tuổi.

Lý Vi lôi số vải vụn trước kia cất đi không dùng ra, cắt hết thành những mảnh dài, sau đó bện thành những bím vải như trên Taobao có bán, cho Bách Phúc mài răng.

So với hạng bình dân dùng loại hàng phế phẩm như nàng, Tứ a ca lại hào phóng vung tay bảo thiện phòng rửa sạch, luộc chín và phơi khô các thứ móng dê, móng bò, xương lợn, xương khớp, rồi đưa cho Bách Phúc gặm chơi.
Đặt thứ ấy với thắt bím vải lên bàn cân, hiển nhiên là Bách Phúc thích móng dê hơn rồi ok?
Lý Vi đành giương mắt nhìn mười mấy thắt bím vải tự tay mình bện bị Bách Phúc ghẻ lạnh, còn các loại xương móng do Tứ a ca chuẩn bị lại được Bách Phúc tha đi chạy khắp nơi mỗi ngày, mà tim như tan nát.
Có điều Bách Phúc vẫn rất nể mặt chủ nhân, lúc nàng cầm thắt bím đùa ghẹo, người ta vẫn sẵn lòng chạy lại chơi với nàng một chốc gọi là cổ vũ.
Bách Phúc, mày là tốt nhất!
Có Bách Phúc rồi, Lý Vi lưng không mỏi, chân không nhức nữa, đến cái bụng cứ lớn lên từng ngày cũng chẳng còn thấy nặng nề.

Cứ trò ta ném mày nhặt với Bách Phúc trong hoa viên, có khi chơi được cả buổi chiều.


Liễu ma ma vẫn thường trăn trở chuyện Lý cách cách ăn uống ngon miệng quá, sợ em bé nặng cân đâm ra khó sinh, song bà ta lại không dám để Lý cách cách bị đói như với Tống cách cách.
Nay thấy Lý Vi ngày ngày đã chịu ra ngoài đứng một lúc thì thực là phải thở phào một hơi.

Bà ta sai người đem ghế, đệm và các thứ đồ khác theo, để Lý Vi chơi ở hoa viên lúc nào thấy mệt, còn có chỗ ngồi xuống nghỉ, nghỉ xong lại chơi tiếp.
Vì Bách Phúc, Tiểu Hỉ Tử hầu hạ nó cũng thành người mới nổi trong tiểu viện.

Lý Vi trông nó còn nhỏ, người cũng ốm o, đáng thương nhất ấy là một đứa bé thế này vừa gặp người khác đã đắp ngay nụ cười lên mặt.

Giỏi xem sắc mặt người như thế, ngày xưa nhất định đã chịu trăm bề đắng cay.
Vậy nên nàng bèn nhắc Ngọc Bình quan tâm nó nhiều hơn, những chuyện ăn chuyện uống, ngày thường cũng đừng thấy nó là đứa hầu chó mà cho là thua kém một bậc.
Ngọc Bình cũng sợ Triệu Toàn Bảo trong bụng khó chịu, cố ý đi thăm hắn, nhân tiện nhắc nhở hắn: tuy Tiểu Hỉ Tử là đứa hầu chó thôi, nhưng cũng là người Tứ a ca đích thân cử tới.
Triệu Toàn Bảo biết rõ trong lòng, chỉ e Tiểu Hỉ Tử này được đưa vào đây cốt để k ích thích hắn.

Nên sao dám bất mãn? Vội vàng tỏ ý với Ngọc Bình rằng sẽ dạy dỗ Tiểu Hỉ Tử đàng hoàng.

Nỗi sợ dần tràn khắp lòng hắn, về sau cách cách sinh con rồi, thân phận lẫn địa vị được đà nước lên thuyền lên, người hầu từ đó càng ngày càng nhiều, hắn không thể giữ vững được chỗ đứng của mình, chẳng biết sau này rồi sẽ gặp phải kết cục gì.
Vì điều ấy, hắn cũng phải nỗ lực trở thành tâm phúc của cách cách!
Tiểu Hỉ Tử họ Trần, nguyên danh là Trần Khê.

Lý Vi nghe tên liền đoán: có phải phía trước nhà nó có một dòng suối nhỏ hay không? Sau lại nghe nó bảo lúc mẹ nó chửa nó cứ thèm ăn cá, cha nó bèn đi ra con suối nhỏ đầu làng mò cá luôn, đến khi nó chào đời thì đặt tên là Trần Khê.
Về phần một đứa nhỏ còn cha mẹ song toàn sao lại lưu lạc đến chốn cung đình làm thái giám, kể ra chắc chắn cũng vô cùng bi thảm.
Sau khi vào cung, Tiểu Hỉ Tử trải qua hai nơi song vẫn chưa dịp nào được lộ diện trước mặt chủ tử; khi làm kẻ hầu ở phòng chó mèo cũng rất cần cù, biết hiếu kính đại thái giám đứng trên, nhận cha nhận ông, khéo miệng nịnh người và cũng được việc.

Do đó đại thái giám thêm phần thương tình nó.

Tứ a ca đến xem chó, chọn tới chọn lui rồi chọn trúng Bách Phúc, lại muốn tìm một đứa hầu bé tuổi cùng theo qua phục vụ.

Đại thái giám bèn đẩy nó ra.
Đêm trước khi đi, Tiểu Hỉ Tử hầu đại thái giám ngâm chân, bóp vai, đấm lưng.

Cuối cùng bật khóc dập đầu bảy, tám cái với đại thái giám.
"Gia gia, tôi ra ngoài rồi sẽ không quên người.

Bao giờ người muốn ra, Tiểu Hỉ Tử sẽ đi đón, chăm sóc cho người tận phút lâm chung."
Đại thái giám nói: "Ta ở trong cung thoải mái lắm, hầu bọn bà mèo ông chó này nhàn hạ biết bao nhiêu.

Bọn nó không biết đánh đập chửi rủa, thiếu ăn thiếu uống cũng không rối rít ầm lên...!Tiểu Hỉ Tử, mày được số may.

Ra ngoài rồi hãy hết sức hầu hạ, đừng giở những trò dối gian trí trá.

Chủ tử chịu dùng tới mày, mày phải dốc gấp một trăm phần tâm huyết báo đáp chủ tử.

Thế phận nô tài mày mới có lối ra.


Hãy ghi nhớ lời gia gia, ta đã suy ngẫm đạo lý này cả đời, chỉ là...!chẳng đến lượt ta thôi..."
Nói xong đại thái giám lệ tràn đẫm má.

Lão đã dành cả đời mình trong chốn thú vật này, lâu đến độ lão tưởng như mình cũng là súc sinh, cho tí cái ăn cái uống là mừng huýnh.

Thuở trẻ dại ham cái nhàn nhã, không thị phi ở nơi đây.

Lớn tuổi rồi mới sực ngộ ra, có không cam, thì cũng đã muộn màng.

Chẳng có chủ tử nào lại muốn sai sử một nô tài già, cuộc đời này của lão chỉ đành đến vậy thôi.
Tiểu Hỉ Tử vào phủ Tứ a ca, ở thư phòng của tiền viện nghe Trương Đức Thắng chỉ dạy đôi câu, không gì ngoài: dụng tâm làm việc, hầu chó tử tế, đừng xỏ lá ba qu3; rồi thì Lý chủ tử là người mềm lòng, hiền lành, dễ hầu, vân vân.

Sau đó ôm Bách Phúc và được dẫn vào tiểu viện.
Cuộc sống trong tiểu viện tốt hơn nhiều so với những gì nó tưởng tượng.

Lý cách cách đúng thực rất dễ hầu, vừa gặp mặt đã hỏi tên tuổi, bảo nó gầy gò quá, dặn Ngọc Bình tỷ tỷ mỗi bữa cho nó thêm ít thịt ăn, còn thưởng nó bạc, làm áo bông mới cho nó.

Các tỷ tỷ như Ngọc Bình nhất nhất nghe lời cách cách, nên luôn chiếu cố cho nó.
Trái ngược, người khiến nó đâm lo lại là Triệu Toàn Bảo, người mà nó gọi tiếng "ca ca".

Cùng là thái giám, nó biết Triệu Toàn Bảo ắt không vui vẻ gì khi phải san sẻ đi một phần thương yêu của cách cách cho nó.
Nhưng đã vào đây rồi, nó buộc phải cắm được rễ ở nơi cách cách.

Vậy nên đêm đầu tiên đến, nó mới hăm hở đi múc nước rửa chân cho Triệu Toàn Bảo, hết rửa chân thì bóp vai, còn quỳ xuống thề bồi rằng sẽ giao nộp toàn bộ tiền tiêu vặt hằng tháng của mình cho Triệu Toàn Bảo.
Triệu Toàn Bảo nhíu mày nói: "Tiểu viện của chúng ta không có những lệ ấy.

Để cách cách biết thì không hay."
Tiểu Hỉ Tử vừa nghe đã hiểu, vội đáp: "Ca ca khách sáo quá, về sau đệ đệ còn nhiều việc cần xin nhờ ca ca đây." Rồi lại cầm bạc Lý Vi thưởng đi mua một lọ thuốc hít bằng ngọc lưu ly đem tặng cho Triệu Toàn Bảo, đầy ắp bên trong là loại thuốc hít thượng hạng, thấy hắn chịu nhận mới thở phào.
Hơi thu đậm dần.

Lúc bụng Lý Vi bước vào tháng thứ bảy, Liễu ma ma bèn báo lại với đại ma ma ở trên, cử người bắt đầu bố trí phòng sinh.

Vì ngày dự sinh rơi vào khoảng trước sau tết, song thai bảy tháng thì rủi ro tăng cao, nên từ bây giờ mỗi buổi sáng phòng sinh đều được đốt lò cho ấm, đệm chăn màn trướng cũng đem đi ủi nóng, phơi nắng mỗi ngày, tránh sinh khí ẩm làm sản phụ vào dùng lại nổi mẩn ngứa.
Đại ma ma mở nhà kho lấy nhân sâm cho Liễu ma ma, nếu đã khởi động rồi thì phải ngay lập tức bắt tay vào cắt nhân sâm thành miếng đem nấu canh.

Bên Nội vụ phủ cũng báo chuyện chọn nhũ mẫu, chọn người xong đưa sang còn phải để Tứ a ca và phúc tấn cùng xét một lượt.
Bị bầu không khí ấy ảnh hưởng, tinh thần Lý Vi cũng căng ra.

Nhằm giảm bớt áp lực, nàng bèn chơi với Bách Phúc.

Hiện giờ Bách Phúc đã lớn hơn một chút, đang ở thời kỳ phát triển xương cốt, trông chẳng những gầy, mà lông tóc nom cũng xơ xác vì thay lông.


Làm tâm trạng nó xuống dốc không phanh, núp mình trong ổ chó suốt mấy ngày liền.
Lý Vi bèn may quần áo chó cho nó, với kiểu áo choàng nhỏ rất đơn giản, chỗ cổ và bụng khâu sợi dây thắt lại là xong.

Bách Phúc mặc vào, vừa chạy một cái là áo tuột xuống dưới bụng, làm Lý Vi ôm bụng cười rúc ra rúc rích, cười rồi lại ngưng, ngưng một lúc lại cười tiếp.

Nay nàng chỉ sợ hễ cười là đứa nhỏ tọt luôn ra ngoài.
Sinh con ở độ tuổi nhỏ thế này thực là khủng khiếp.

Đôi lúc nàng nghĩ nếu mình không được biết những kiến thức của hiện đại, giống một phụ nữ cổ đại thực thụ, có lẽ nàng sẽ thả lỏng hơn.

Giờ đây hễ nhìn Liễu ma ma dẫn người đi thu xếp phòng sinh cổ đại, là nàng cảm thấy vào đấy sinh con chẳng khác nào chịu án tử hình! Không có thuốc cấp cứu, không có truyền máu, không có điện tâm đồ.

Lúc ấy nếu đứa nhỏ không lọt ra được, những người này sẽ làm gì khi thậm chí còn chẳng biết rạch tầng sinh môn*! Chứ càng đừng nói là sinh mổ...
*Một thủ thuật để mở rộng âm đ*o cho thai nhi lọt ra dễ dàng.
Gần đây Tứ a ca sang chỗ phúc tấn nhiều hơn, thi thoảng buổi trưa tới thăm Lý thị.

Chủ yếu vì bụng nàng lớn, khiến Tứ a ca thấy thật lạ lẫm làm sao.

Mấy hôm nay chàng nhận ra rằng, lâu lâu Lý thị lại nhìn về phòng sinh với vẻ sợ sệt.

Để trấn an nàng, tối đó chàng ngủ lại chỗ nàng.
Kết quả, đêm xuống, chàng phát hiện Lý thị lén khóc.
Tiếng khóc len lén của Lý thị không phải kiểu khẽ giọng nức nở, mà vốn không hề phát ra chút âm thanh nào khi nàng chỉ lặng im ch ảy nước mắt.

Vì bụng nàng càng ngày càng lớn, nên nay toàn phải nằm nghiêng.

Nàng nghiêng mình vào trong, mặt đối mặt với vách tường, thoạt trông như ngủ say sưa lắm.

Nhưng lúc Tứ a ca sống trong cung đâu ít lần giả ngủ, nghe đến cả tiếng hít thở của nàng cũng bặt tăm, sao còn chẳng biết nàng đương giả vờ?
Lặng lẽ ló người qua xem, thì thấy ngay Lý thị mở trừng hai mắt, thở dè từng hơi chậm rãi vì sợ chàng phát hiện, ngay tiếng hít hà nghẹn ngào cũng tiêu tan dưới những nhịp thở thả thật chậm của nàng.

Rồi dòng nước mắt cứ ròng ròng chảy xuống, đẫm ướt nửa bên gối đầu.
Tứ a ca thấy nàng khóc như thế, thoạt tiên lấy làm kinh hãi, không biết nàng đã khóc bao nhiêu lâu rồi, những lần khóc trước đoán chừng cũng không một đứa a hoàn hầu hạ nào nhận ra.

Sau đó là thấy giận, thai lớn thế này rồi vẫn dám để mình buồn bã đến vậy, quá hại sức khỏe!
Chàng nhẹ nhàng vuốt xuôi lưng nàng, chầm chậm chạm vào vai nàng xoay người nàng lại.

Trong màn, chỉ còn thấy những vệt nước mắt sáng choang đầm đìa khắp khuôn mặt Lý thị.
Tứ a ca dịu dàng cất giọng: "Sao thế? Đói bụng à?" Chàng nói đùa chẳng đúng thời điểm gì cả, cốt vì muốn chọc cho nàng vui.

Nhiều lúc con người ta đau lòng quá, pha tí trò vui là đã xua tan được hết mọi nỗi buồn.
Nhưng Lý thị hôm nay không buồn tát nước theo chàng, nàng nói cả một đoạn hết sức nghiêm túc: "Dận Chân, nếu thiếp chết đi, khi nào chôn thiếp, chàng hãy dặn người ta dựng mộ thiếp quay về hướng Đông được không?" Ấy là hướng nhà nàng ở kiếp trước.

Cha mẹ nàng giờ đây xa cách nàng hàng mấy trăm năm, chẳng biết chết ở đây rồi liệu có xuyên về được nữa hay không?
Lời Lý thị nói làm tim Tứ a ca một thoáng như rơi xuống giếng sâu, "Nói bậy nói bạ!" Chàng cao giọng mắng.
Ngọc Bình và Trương Đức Thắng đứng bên ngoài gác đêm đều giật bắn mình.

Trương Đức Thắng ngó cửa, tay ra hiệu cho Ngọc Bình gõ cửa, bị nàng ta lắc đầu cản lại.
Đợi thêm đã.

Ngọc Bình làm khẩu hình.
Trong màn, Tứ a ca bình tĩnh lại, nghiêm mặt nhìn Lý Vi: "Những lời kiểu này không được nói bừa bãi! Thần Phật trên trời đang nhìn cả đấy!" Mắng xong, chàng ôm lấy nàng, nắm tay nàng cùng đặt lên bụng: "Nàng nỡ bỏ con ư?"

Lúc này đây Lý Vi thấy mình thật quá đỗi vô tâm...!Con chưa ra đời, khiến nàng cảm tưởng như đây chỉ là một giấc mơ thôi.

Hiện giờ nàng thực sự không cảm thấy đứa nhỏ trong bụng đáng để mình sẵn sàng mạo hiểm tính mạng.

Thú thật, nếu đổi thành nhà nàng ở hiện đại, thì nàng đã nắm lấy tay mẹ mà rằng: Con không muốn sinh nữa, đáng sợ quá mẹ ơi!
Giờ nàng chỉ muốn nói với Tứ a ca: Tôi không muốn sinh nữa!
May mắn thay, lý trí chưa lúc nào rời bỏ nàng, để nàng luôn luôn ghi tạc một điều rằng Tứ a ca không phải người có thể hoàn toàn bao dung cho nàng, không phải mặc nàng nói gì cũng không nổi giận.
Tứ a ca thấy Lý thị lặng thinh, kìm lòng không đặng thủ thỉ vào tai nàng: "Nàng nỡ bỏ ta ư?"
Nỡ chứ sao không.
Lúc này nếu có người nói với nàng rằng chết rồi là được quay trở về hiện đại, Lý Vi nghĩ, nàng nhất định sẽ bất chấp không hề chần chừ.

Tứ a ca là niềm tin và sự an ủi cho cuộc sống của nàng ở cổ đại, không kém gì tia sáng le lói chốn địa ngục, nhưng vẫn có cơ hội lên thiên đường thì sao? Nima ai còn thèm luyến lưu địa ngục nữa chứ!
Thậm chí không nhất thiết phải là thiên đường, cho nàng một cơ hội quay về nhân gian thôi là nàng sẽ sayonara (vĩnh biệt) Tứ a ca ngay ~ ~ ~ ~
Tứ a ca là tấm vé số hàng tỷ, nhưng nếu ai hỏi nàng muốn tiền hay muốn mạng, nàng dám chắc là:...!Muốn mạng.
Lý Vi thấy mình đã phụ tấm chân tình của Tứ a ca, nếu là Lý thị bản gốc, ắt hẳn sẽ không như nàng, sinh có đứa con thôi đã muốn bỏ chạy.

Những phê phán bản thân, cộng thêm sợ hãi, cộng thêm nhiều điều khúc mắc, tạo nên một mối rối tung phức tạp, Lý Vi bèn rúc đầu vào lòng Tứ a ca.
Hic hic hic...!xin lỗi chàng...
Nghe Lý thị chui vào lòng mình lẩm bẩm tiếng xin lỗi, Tứ a ca mềm lòng, không trách cứ nàng nữa, ôm nàng khẽ vỗ về: "Nàng còn nhỏ dại, chưa hiểu chuyện mới sợ như thế.

Phụ nữ ai cũng phải bước qua ải này, mai sau các con của nàng và gia trưởng thành, nàng sẽ thấy nỗi sợ của hiện tại buồn cười biết bao."
Buồn cười chỗ nào? Chả buồn cười tí nào! Sinh của nợ này ra mà dám bất hiếu là nàng XXXX luôn!
Bấy giờ Tứ a ca cũng nghĩ đến chuyện Lý thị còn quá nhỏ tuổi, rất đỗi khờ dại, sợ ngày ngày nàng nghĩ quàng nghĩ xiên, nên hôm nào cũng sang thăm nàng, buổi tối cũng nghỉ luôn tại chỗ nàng.

Phát hiện nàng lén khóc thì xoay nàng lại khuyên lơn dỗ dành, còn lấy Tống thị ra để cổ vũ nàng: Tống tỷ tỷ như nàng sinh rất thuận lợi kia mà.
Nhưng chàng nhận ra sau khi khuyên kiểu đó, Lý thị luôn lẳng lặng lườm chàng.

Lại ghen.

Tứ a ca bó tay, đành đổi đối tượng ví dụ sang tiểu cách cách ở chỗ phúc tấn.

Ba, năm hôm là chàng thăm tiểu cách cách một lần, bèn bảo với Lý thị rằng tiểu cách cách đáng yêu cỡ nào, cái tay cái chân bé xíu, cái mũi cái miệng tí hin, biết nhìn người lớn, biết thổi bong bóng, dạo gần đây còn đang học nói bi bô.
Thấy nhắc tới tiểu cách cách là nàng nghe rất chăm chú, Tứ a ca bèn kể tiểu cách cách tốt chỗ này, hay chỗ nọ suốt cả ngày.
Để chuyển hướng chú ý của nàng đi, đúng lúc Nội vụ phủ đã chọn nhũ mẫu xong xuôi, phúc tấn xét xong đưa sang cho chàng xem, chàng liền cho Lý thị xem.

Bước đầu tiên trong khâu chọn nhũ mẫu là phải xét xem gia cảnh có trong sạch hay không, từng sinh mấy đứa con, mấy đứa còn sống, hiện giờ nuôi con có khá không; lại xem bát tự và tuổi có chỗ nào khắc nhau không, con người có tươi tắn sáng sủa hay không, vân vân.
Ngờ đâu khi chàng đưa cho Lý thị, Lý thị thoáng liếc danh sách người được chọn rồi nhìn chàng, con mắt lóe lên ắt là có điều muốn nói.
Tứ a ca đặt danh sách xuống: "Sao thế?"
"...!Thiếp muốn tự cho con bú." Lý thị cúi đầu kéo ngón tay chàng bảo.
"Vớ vẩn!" Tứ a ca nhíu mày nói, "Nàng là chủ tử, sao lại tự cho được!" Nghĩ đến Tống thị, tức thì bồi thêm một câu: "Tiểu cách cách của Tống thị vì yếu người mới thế!" Sau đó trừng mắt nhìn nàng, xem nàng có dám tự trù ẻo con mình vừa sinh ra đã yếu người hay không.
Đương nhiên Lý Vi sẽ không làm thế, nhưng họa chăng dạo này mang thai làm nàng khờ đi mất, liền nói: "Con uống sữa của thiếp mới thân với thiếp!" Đoạn hai con mắt trợn lên trừng lại Tứ a ca, rồi vội vã cúi đầu: "...!Thiếp muốn tự cho mà, để thiếp cho đi."
Tứ a ca nhìn tay mình bị đôi tay nàng nắm siết, bộ vuốt nhỏ bấu chặt vào chàng, xoắn lấy những ngón tay chàng thiếu điều thắt thành nút.
Đã sợ thế rồi lại còn cứng miệng!
Tứ a ca thở dài một hơi, Lý thị này! Tật to chưa khi nào có, vấn đề nhỏ cứ đẻ ùn ùn!
Chàng ngồi xuống ôm nàng, nhìn bụng nàng đã lớn đến độ có hơi đáng sợ, nói: "Vẫn phải chọn nhũ mẫu." Đoạn thấy dáng điệu toan phản bác của Lý thị, bèn dựng ngón tay đặt lên môi nàng, nói: "Buổi tối nàng không thể cho bú, nên ban ngày nàng cho, tối sẽ để nhũ mẫu cho."
Thế là, Lý thị nở nụ cười như xuân về hoa nở, nhẹ nhõm cả người.
Tứ a ca nhìn nàng, bất giác cũng cười theo, hỏi: "Giờ thì vừa ý rồi chứ?"
Nàng liền khúc khích cười ngả vào lòng chàng.
Ôm trong lòng một cục cưng bự thế này, ngoài cửa sổ gió thu thổi xào xạc, chàng lại thấy trong phòng ấm nồng ý xuân.
Một tháng sau, Lý thị sinh hạ một tiểu cách cách..


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.