Nhặt Ánh Bình Minh

Chương 36: 36: Rào Cản





Địa điểm giấu kho báu thứ nhất là ở cái hồ lần trước Lý Kinh Trọc chạy bộ tình cờ phát hiện ra.
Liễu Tức Phong nhìn quanh hồ không phát hiện được thứ gì khả nghi, liền nói với Lý Kinh Trọc: "Cậu không giấu đồ lên con vịt nào đấy chứ? Nếu có ý đồ muốn tôi cởi hết nhảy xuống nước thì ——"
"Không giấu trên vịt." Lý Kinh Trọc lập tức nói.
"Nhưng rõ ràng cậu đánh dấu ngay giữa hồ mà, chẳng lẽ là nằm dưới đáy hồ?"
"Đấy là do xê xích tỉ lệ thôi.

Một tờ giấy to bằng đó mà phải vẽ hết cả một vùng, tôi chỉ có thể đánh dấu như vậy."
Liễu Tức Phong vừa suy nghĩ vừa đi vòng quanh hồ tìm thử xem có cái cây hay tảng đá nào giấu được đồ vật không.
Lý Kinh Trọc đi cùng hắn, đi mãi, cuối cùng bọn họ trông thấy một đám trẻ con đang hồ hởi chia nhau một hộp bánh đậu xanh.

Cái hộp gỗ sơn mài có hoa văn chim phượng phỏng theo phong cách Sở Hán kia Lý Kinh Trọc tuyệt đối không thể nhận lầm, vừa nãy anh đã giấu nó sau một tảng đá lớn, không ngờ lại bị người khác tìm ra trước.
"Này." Lý Kinh Trọc nói với Liễu Tức Phong, "Chúng ta đi qua địa điểm tiếp theo đi."
Liễu Tức Phong ngạc nhiên: "Tôi chưa đút lót mà cậu đã giúp tôi rồi à?"
Lý Kinh Trọc buồn bực nhìn bọn trẻ con bên kia: "Khó báu đầu tiên của anh đang bị người ta ăn sắp xong rồi."
Liễu Tức Phong nhìn theo hướng anh chỉ đã hiểu ngay vừa xảy ra chuyện gì, bất giác thấy buồn cười: "Chậc chậc, đúng là thất sách."
Lý Kinh Trọc chán nản: "Thế mà anh cũng vui được."
Liễu Tức Phong cười nói: "Đứng đây chờ tôi."
Dứt lời hắn liền đi về phía đám trẻ, không biết đã nói gì mà lấy lại được chiếc hộp sơn mài trở về, nhưng bên trong chỉ còn một cái bánh đậu xanh và một tờ giấy.

Liễu Tức Phong bẻ bánh làm đôi, một nửa trực tiếp đưa tới trước miệng Lý Kinh Trọc, mình ăn nốt nửa kia xong mới mở tờ giấy ra xem
Trên tờ giấy viết: Quên mất lối về nửa tỉnh say, Ướm hỏi hành nhân nhà đâu đây? Cứ tìm ____ mà đi tới, Qua khe đến chỗ tùng bách dày.
Liễu Tức Phong lại cười rộ lên: "Là câu điền vào chỗ trống."
Lý Kinh Trọc bị hắn cười đến xấu hổ: "Tôi chỉ đến trình độ thế này thôi, có nhiêu đó mà đã phải tra sách mất nửa ngày đấy, nếu anh muốn câu nào sâu sắc hơn thì tự đi mà viết."
Liễu Tức Phong đổi sang vẻ đứng đắn: "Khụ, không có.

Tôi thấy được lắm, được lắm.

Ừm, là《 Ngọc lâu xuân 》của Tân Khí Tật: Cứ tìm miếu cổ mà đi tới.

Chúng ta từng đi qua hai cái miếu thổ địa, là cái nào? Qua khe đến chỗ tùng bách dày.

Chỗ này đã cách nhà khá xa rồi, bên cạnh ngôi miếu hoang còn có con suối.

Đi thôi, chúng ta đến chỗ cái miếu nhỏ trên núi."
Tuy Lý Kinh Trọc dự đoán được câu đố này không làm khó được Liễu Tức Phong, nhưng tận mắt chứng kiến trình độ tài tình nhạy bén của hắn vẫn không khỏi thấy bội phục.
Liễu Tức Phong nhanh chóng tìm thấy món quà thứ hai, là một túi thịt bò cay.

Trên túi thịt cũng gắn kèm một tờ giấy, viết: ____ ánh trăng rọi, Mặt đất như phủ sương.
Liễu Tức Phong còn chưa kịp phản ứng, Lý Kinh Trọc đã chặn trước: "Không cho cười."
Liễu Tức Phong: "Tôi không cười, câu này của cậu khó thật."
Lý Kinh Trọc: "Tôi cho rằngnó là câu đơn giản nhất chứ."
Liễu Tức Phong nói: "《 Tĩnh dạ tứ 》của Lý Bạch đến đứa con nít ba tuổi cũng biết ngâm, nhất định cậu không muốn hỏi tôi nghĩa đen rồi.

Đầu giường ánh trăng rọi, có rất nhiều phân tích về chữ "giường" này, bệ giếng, thành giếng...! Cái này chắc cậu biết, cho nên kho báu không nằm dưới chiếc giường nào cả, mà hẳn là ở bên cạnh một cái giếng nào đó.

Nông thôn nhà nào cũng đào giếng, tôi làm sao tìm được?"
Lý Kinh Trọc hỏi: "Muốn tôi gợi ý không?"
Liễu Tức Phong đang bận đắm chìm vào câu đố nên hứng thú tăng vọt, liên tục xua tay: "Đừng nói chuyện."
Lý Kinh Trọc không nói gì nữa, chỉ ngắm Liễu Tức Phong suy nghĩ thôi cũng thấy đẹp hết phần thiên hạ.

"Bên cạnh giếng thường trống trải, không có chỗ kín đủ giấu đồ." Liễu Tức Phong áp hai tay vào nhau, đầu ngón tay trái chạm chạm vào đầu ngón tay phải, trong nháy mắt cứ như mọi suy nghĩ của hắn cũng giao nhau qua đầu ngón tay, "Giếng cạn.

Chỉ có giếng cạn mới giấu được đồ.

Đi thôi."
Cứ như vậy, Liễu Tức Phong liên tiếp tìm được mấy món quà, cuối cùng chỉ còn một món.

Lúc này hắn mải mê đi tìm kho báu, tìm được một thứ lại suy nghĩ đến thứ tiếp theo, Lý Kinh Trọc phụ trách đi theo giúp hắn xách một đồng quà, nhìn hắn cầm tờ giấy đi tới đi lui.
"Lý Kinh Trọc." Liễu Tức Phong nắm tờ giấy trong tay, "Mấy câu trước đều là thơ từ, vì sao đến câu cuối cùng lại là bức tranh vẽ tôi?"
Lý Kinh Trọc nghĩ nội dung trên tranh đã chỉ rõ ràng như thế rồi, không khỏi cúi đầu để Liễu Tức Phong không nhìn được vẻ mặt mình.

Trước giờ anh chưa từng làm chuyện lấy lòng người khác, nay lại hao tâm tổn huyết bày ra hẳn một trò lớn như tìm kho báu, đến câu cuối cùng còn sợ mình ra đề thẳng thừng quá khiến Liễu Tức Phong cảm thấy mình ấu trĩ, chê mình quá ngốc.
"Anh có cần gợi ý không?" Anh hỏi.
"Đừng dụ dỗ tôi." Liễu Tức Phong nói, "Tôi muốn tự suy nghĩ."
"Trời tối rồi, chúng ta về nhà trước đã."
Liễu Tức Phong tìm ngay được một manh mối: "Ý cậu là chỗ cuối cùng này rất gần nhà đúng không, hoặc là không liên quan đến khoảng cách."
Lý Kinh Trọc không nói gì, chỉ mỉm cười.
Đi thêm một lúc, đột nhiên Liễu Tức Phong hô lên: "A."
Lý Kinh Trọc hỏi: "Nghĩ ra rồi à?"
Liễu Tức Phong gật đầu, bắt tay lục lọi hết túi quần túi áo trên người mình mất nửa ngày.
Lý Kinh Trọc nhịn cười: "Không phải ở đó đâu."
Liễu Tức Phong: "Không ở trên người tôi?"
Lý Kinh Trọc lắc đầu: "Không."
Liễu Tức Phong: "Cậu vẽ tôi mà."
Lý Kinh Trọc nói: "Ừ, nhưng không nằm trên người anh."
Liễu Tức Phong lại suy nghĩ một trận, "A."
"Nghĩ ra nữa rồi?"
Liễu Tức Phong gật đầu, sau đó dùng tốc độ sét đánh vươn tay sờ soạng lên người Lý Kinh Trọc như hải quan sân bay kiểm tra an ninh, sợ bỏ sót vật phẩm khả nghi nào đó.
Lý Kinh Trọc vội vàng trốn khỏi ma trảo của Liễu Tức Phong: "Anh sờ tôi làm gì?"
Liễu Tức Phong hỏi: "Không nằm trên người cậu à?"
Lý Kinh Trọc trả lời: "Không, anh đừng sờ nữa."
Liễu Tức Phong thất vọng buông tay ra, Lý Kinh Trọc lại nói: "Tôi vẽ anh mà sao anh tìm trên người tôi?"
"Bởi vì tranh là do cậu vẽ.

Thật ra," Liễu Tức Phong dừng một chút mới nói, "Chỉ có cậu vẽ được tôi giống đến thế."
Bỗng nhiên Lý Kinh Trọc nhớ lại ngày bọn họ vừa quen biết không lâu, ở quán trà dì Tông Liễu Tức Phong từng kể mười tám năm đầu đời, sinh nhật mỗi năm hắn đều ghé cùng một tiệm chụp một tấm ảnh.

"Về sau đến sinh nhật anh...!Anh sinh ngày nào nhỉ?" Về sau đến sinh nhật Liễu Tức Phong, anh có thể vẽ cho hắn một bức tranh mới.
Liễu Tức Phong trả lời: "Mùng mười tháng mười một, dương lịch là ngày bảy tháng mười hai, nhưng tôi không tổ chức sinh nhật bao giờ."
Lý Kinh Trọc hỏi: "Vì sao anh không mừng sinh nhật?"
Liễu Tức Phong nói: "Tôi sợ già."
Lý Kinh Trọc nhủ thầm: Lại nói vớ vẩn rồi, sau năm mười tám tuổi anh không chụp hình nữa, chẳng lẽ từ năm mười chín mới bắt đầu sợ già? Thế thì khoa trương quá.
Không.

Mười chín tuổi...!Mười chín tuổi đúng là năm Liễu Tức Phong xuất bản cuốn sách đầu tay.

Là trùng hợp hay là...
"Tức là," Lý Kinh Trọc làm như hỏi bâng quơ, "Từ năm mười chín tuổi anh bắt đầu sợ già?"
Liễu Tức Phong gật đầu cực kỳ đương nhiên: "Đúng vậy."
Lý Kinh Trọc không muốn suy đoán sau lưng, liền hỏi thẳng: "Vì anh sợ già? Thật không có liên quan gì đến quyển sách đầu tiên?"

Liễu Tức Phong hỏi ngược: "Cậu cứ luôn chăm hỏi chăm học thế nhỉ?"
"Anh trả lời vào chuyện chính đi."
Liễu Tức Phong nói: "Tôi từ chối trả lời."
Hai người rơi vào im lặng, từ lúc đó cho tới khi về đến nhà không nói với nhau thêm lời nào nữa.
Lý Kinh Trọc phá vỡ yên tĩnh trước: "Suy nghĩ ra chưa? Món cuối cùng ấy."
Liễu Tức Phong: "Về trước cửa nhà cậu tôi mới nghĩ ra luôn."
Lý Kinh Trọc: "Ở đâu?"
Liễu Tức Phong dừng bước, có chút buồn cười chỉ vào cây liễu già trước cửa.
Lý Kinh Trọc buồn bực nói: "Anh cứ cười tôi đi."
Liễu Tức Phong vội nghiêm mặt lại, "Tôi không cười đâu." Lại nói, "Cảm ơn cậu, thật đấy."
Lý Kinh Trọc giúp Liễu Tức Phong đào quyển sách tem thường niên dưới gốc cây liễu lên: "Thất Tịch vui vẻ."
"Thất Tịch vui vẻ." Liễu Tức Phong cũng nói.
Hai người đứng dưới bầu trời đầy sao, gió đêm nhẹ nhàng, liễu rủ xao động, những ngọn đèn từ nhà cửa trong thôn xa gần chớp tắt, thấp thoáng ẩn hiện.
Đột nhiên Liễu Tức Phong hỏi Lý Kinh Trọc: "Cậu có muốn gì không? Quà sinh nhật ấy."
Lý Kinh Trọc đáp: "Nếu anh xem như quà đáp lễ tôi thì không cần."
"Không phải đáp lễ.

Cậu cứ nói đi."
Lý Kinh Trọc suy nghĩ rồi hỏi: "Cái gì cũng được?"
Liễu Tức Phong cười, "Cái gì cậu cũng có thể nói, tôi tặng được không từ từ nói sau."
Lý Kinh Trọc nhìn vào mắt Liễu Tức Phong, tự nói trong lòng: Nếu tôi muốn nghe chuyện của anh thì sao? Vậy cũng được sao? Chắc là không được rồi, nhưng mà, nếu không thử một lần thì sao biết là không thể?
"Hôm nay tôi cũng muốn nghe kể chuyện." Lý Kinh Trọc dứt lời, cúi đầu trầm ngâm một lát mới ngẩng lên nhìn vào mắt Liễu Tức Phong, "Chuyện của anh, câu chuyện hoàn chỉnh của anh."
"Cái này." Liễu Tức Phong quay đầu nhìn ra xa, "Không được."
Đã trong dự kiến.

Thật sự là trong dự kiến, nhưng Lý Kinh Trọc vẫn không khỏi thất vọng, anh nghĩ, thật sự anh vẫn trông chờ vào một phép màu.

Hết thảy những việc anh làm hôm nay không phải là để đổi lấy chuyện kể của Liễu Tức Phong.

Đúng là anh muốn biết thêm về hắn, rất muốn.

Qua nhiều ngày như vậy anh vẫn chỉ chạy vòng vòng quanh thành lũy kiên cố của hắn, dường như luôn nhìn thấy đường đi vào, dường như đã ở gần lắm, nhưng rồi lại không thể vào được, làm cách nào cũng không vào được.
Đột nhiên Lý Kinh Trọc sinh ra cảm giác mệt mỏi mãnh liệt.
"Hồi còn đi học tôi từng đọc một quyển sách." Anh nhặt từ dưới đất một viên đá dẹp lia lên mặt ao ngay trước cửa nhà, viên đá nảy liên tiếp mấy lần rồi mới chìm xuống, "Nhất định là anh đã đọc rồi."
Liễu Tức Phong hỏi: "Sách tên gì?"
"《 Lâu đài 》của Kafka*." Lý Kinh Trọc lại nhặt một viên đá nữa, ném lên mặt nước, "Tôi cảm thấy mình rất giống nhân vật chính K trong cuốn sách đó.

Mọi nỗ lực của anh ta đều phí công, vĩnh viễn chỉ đi lòng vòng quanh tòa lâu đài, lúc xa lúc gần, cảm giác mình sắp vào được rồi nhưng thật ra sẽ mãi mãi không vào được.

Đến một cục đá ném xuống nước còn gây ra động tĩnh, chắc tôi không bằng được cục đá, vì sao đến một chút phản ứng anh cũng không có vậy?"
*Lâu đài - The Castle: tiểu thuyết nổi tiếng của Franz Kafka (tiểu thuyết gia và nhà văn viết truyện ngắn người Bohemia nói tiếng Đức, được giới phê bình đánh giá là một trong những tác giả có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX).

Nội dung tiểu thuyết kể về hành trình mệt mỏi, lê thê và vô vọng của nhân vật tên K trong nỗ lực để được bước chân vào một tòa lâu đài mà anh ta có giấy gọi làm việc trong đó.
Liễu Tức Phong nhìn mặt ao, không trả lời.
Phải bình tĩnh.

Phải kiên nhẫn.


Hôm nay rõ ràng đã dặn lòng phải kiên nhẫn, Lý Kinh Trọc nghĩ, đa số con đường trên đời này đều không bằng phẳng, bởi vì trước mắt là bóng tối cho nên mới phải tiếp tục bước đi.

Dư Niên từng nói không có ai thích Liễu Tức Phong quá ba tháng, đại khái là vì khó khăn chất chồng quá nhiều.

Nếu rào cản của Liễu Tức Phong dễ dàng bị phá bỏ thì cần gì chờ đến lượt anh nữa, hắn đã sớm ở bên người khác rồi.

Bởi vì khó như vậy nên tất cả những người kia mới lùi bước, anh mới có một cơ hội.
"Muộn rồi, vào nhà đi thôi." Lý Kinh Trọc quyết định không nhắc đến chuyện cái lâu đài nữa.
Liễu Tức Phong không động đậy.
"Không vào sao?" Lý Kinh Trọc nhìn về phía Liễu Tức Phong.
"Cậu hết kiên nhẫn rồi?" Liễu Tức Phong cũng nhặt lên một viên đá, nhưng không ném đi mà giữ lại ngắm nghía trong tay.
"Anh nói thế là có ý gì?" Lý Kinh Trọc nhíu mày.
Ngữ khí của Liễu Tức Phong rất bình tĩnh: "Nếu cậu không chịu nổi tôi nữa, chúng ta nên dừng ở đây đi."
Lý Kinh Trọc nén giận hỏi: "Bây giờ anh lại nói với tôi câu này? Dừng ở đây? Quan hệ của chúng ta là gì mà đòi dừng lại?"
Im lặng một hồi lâu, Liễu Tức Phong mới nhàn nhạt đáp: "Bạn bè."
Hai chữ này làm Lý Kinh Trọc hoàn toàn không áp được lửa giận nữa: "Bạn bè? Bạn mà anh nói ở đây rốt cuộc là có ý nghĩa gì? Có bạn nào mà cứ khăng khăng phải nắm tay, hôn môi, có bạn nào mà muốn cùng anh trải qua lễ Thất Tịch không? Liễu Tức Phong, anh có bạn như vậy chứ tôi thì không có." Lý Kinh Trọc cảm thấy mối quan hệ giữa hai người họ vô cùng kỳ quặc, đó là kiểu quan hệ không có nền tảng gốc rễ.

Bọn họ cùng nhau du sơn ngoạn thủy, cùng bình luận về quyển sách nào đẹp, món ăn nào ngon, thứ đồ chơi nào tinh xảo...!Chỉ cần là những chuyện râu ria mặt ngoài, không đánh vào trọng điểm là bọn họ có thể cực kỳ hào hứng làm cùng nhau, nói cùng nhau, cứ như mãi mà không thấy chán.

Nhưng một khi đã xâm nhập sâu hơn, hai người lại không cách gì nói chuyện tiếp được, thậm chí còn dẫn đến tranh cãi xung đột.
Cảm giác hời hợt này đột nhiên khiến Lý Kinh Trọc hụt hẫng, giống như cái cảm giác đi cùng một đám đông chơi bời điên cuồng vui vẻ, sau đó vẫn phải cô đơn về nhà một mình.

Những thứ trên bề mặt sẽ sớm bị gió cuốn bay sạch sẽ, cũng giống như cái cây đứng trên mặt đất, nếu không có bộ rễ to khỏe bám sâu bên dưới, trước sau gì cũng sẽ đổ ập xuống.

Ngôn Tình Hay
Liễu Tức Phong nói bọn họ là bạn bè.

Có lẽ đối với hắn anh đúng là bạn, loại bạn mà mỗi khi buồn chán có thể gọi đến tiêu khiển mua vui nhưng không có dự định cho phép họ tiến sâu vào cuộc đời mình.
Trong nháy mắt, cả tinh thần lẫn thể xác Lý Kinh Trọc đều mệt mỏi.
Liễu Tức Phong nghe hết câu hỏi của Lý Kinh Trọc, không trả lời.
Lý Kinh Trọc cúi đầu cười tự giễu: "Được...!được, chúng ta dừng ở đây." Anh từng cho rằng giao hẹn hai tháng là quá lâu, lâu đến không thể chờ được, không ngờ chưa cần đến hai tháng mà quan hệ giữa hai bên đã xuất hiện rạn nứt.
Nghĩ đến đây, thế mà Lý Kinh Trọc lại cảm thấy mình không quá phẫn nộ mà cũng không quá đau khổ, anh chỉ thấy vô cùng vớ vẩn, một người có thể đột nhiên xông vào cuộc đời một người khác, cũng có thể nói đi là dễ dàng ra đi.
Nhưng anh không muốn cứ chấm dứt như vậy.

Chuyện đáng giận là anh không muốn chấm dứt.
Liễu Tức Phong nói: "Hôm nay chắc tôi vẫn phải ở nhà cậu một đêm.

Ngày mai ——"
"Không cần gấp gáp." Lý Kinh Trọc nói, "Ngày mai tôi sẽ về trường.

Anh...!cứ từ từ.

Không, không cần phải..." Anh nói chuyện quá khó khăn nên từ ngữ hơi lộn xộn, "Không phải tôi chịu không nổi anh, chỉ là thấy hơi mệt...! Thôi tùy anh, muốn ở đâu thì ở.

Tôi chỉ hy vọng anh được vui vẻ."
Anh đã mệt mỏi tới cực điểm, không thể nói tiếp được nữa nên chỉ có thể quay về phòng.

Trong nháy mắt xoay người, anh trông thấy cánh cửa sổ khắc hoa mai trong phòng làm việc, bỗng nhiên nhớ lại ngày bọn họ mới gặp nhau: Dưới ánh nến tù mù, Liễu Tức Phong ôm một quyển sách, tóc dài buông xuống một bên, tươi cười dịu dàng hỏi mượn anh một cây nến.
—---------------
Chuyên mục ai rảnh thì đọc:
Do đang chơi giải đố không muốn làm đứt mạch truyện nên editor liều mạng cho thẳng phần dịch thơ vào văn rồi giải thích sau, đọc cũng được không đọc cũng không sao cả:D
(1)Nguyên văn bốn câu trong "Ngọc lâu xuân" mà Tiểu Lý viết trong câu đố đầu tiên:
Tuý trung vong khước lai thì lộ,
Tá vấn hành nhân gia trụ xứ.
Chỉ tầm cổ miếu na biên hành,
Cánh quá khê nam ô cựu thụ.
Dịch thơ:

Quên mất lối về nửa tỉnh say
Ướm hỏi hành nhân nhà đâu đây?
"Cứ tìm miếu cổ mà đi tới
Qua khe đến chỗ tùng bách dày!"
(Lịch sử văn học Trung Quốc (tập II), NXB Giáo dục, 2003)
Tân Khí Tật 辛棄疾: thi sĩ thời Nam Tống
(2)Câu tiếp theo là từ bài "Tĩnh dạ tứ" (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) của Lý Bạch, bài này có trong sách giáo khoa luôn chắc ai cũng biết:
Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.
Dịch thơ:
Đầu giường ánh trăng rọi,
Mặt đất như phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
(Đường thi tuyển dịch, NXB Thuận Hóa, 1997)
Căn cứ theo khảo chứng của nhiều học giả, chữ "床 – Giường" có tới 5 kiểu giải thích:
1.

Là nói về "Đài giếng" (井台), tức là mặt bệ thành giếng.

2.

Là nói về Thành giếng (井栏).

Thời cổ đại thành giếng còn được gọi là "Ngân giường" (银床).

Căn cứ theo phát hiện của các nhà khảo cổ học, vào thời Trung Quốc cổ đại, khi đào giếng nước, người ta thường dùng gỗ để ghép lại làm thành giếng.

Hơn nữa, thành giếng được làm cao hơn 1 mét, giống như một cái tủ gỗ hình vuông vây quanh miệng giếng, đề phòng không may có người ngã xuống.

Ngoài ra về cách thiết kế thành giếng này cũng có phần giống với giường ngủ đương thời.

Chính vì vậy mà nó còn được gọi là "Ngân giường".

3.

Là một cách gọi thông thường để chỉ "Cửa sổ" (窗).

4.

Là cách gọi của "Chõng tre" (坐卧).
5.

Là cách gọi của "Hồ sàng" (胡床), một loại ghế ngồi có thể gấp lại thời xưa.

Nó còn một tên gọi khác nữa là "Giao sàng" (交床) hay "Giao kỷ" (交椅).

Cho đến tận thời nhà Đường chữ "床 – Giường" vẫn được mọi người hiểu là "Hồ sàng" (胡床).

Do vậy, đa số các học giả đều nhận định chữ "床 – Giường" trong thơ Lý Bạch nên hiểu là "Mặt thành giếng".

Vậy nên, ý nghĩa chính xác của câu thơ này là trong một đêm trăng thu sáng tỏ, thi nhân đứng bên giếng nước ngẩng đầu ngắm ánh trăng, tức cảnh sinh tình viết ý thơ.

Đây cũng là lý do mà lão Liễu nói đồ không phải giấu dưới giường mà giấu bên cái giếng nào mới đúng đó..


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.