Nhặt Ánh Bình Minh

Chương 2: 2: Góp Nhặt Lần Thứ Nhất Nhà Cũ





"Em muốn tạm nghỉ học một năm."
Đây là lần thứ ba Lý Kinh Trọc lặp lại những lời này.

Hai lần trước, một lần là nói với cha mẹ, lần còn lại là với giáo viên hướng dẫn, lúc này anh đang đứng trong phòng giáo vụ làm thủ tục bảo lưu.
Giấy tờ đã ký tá xong xuôi, thủ tục bảo lưu hoàn thành rất nhanh gọn, thế là lần đầu tiên trong cuộc đời Lý Kinh Trọc có một kỳ nghỉ dài hẳn một năm.
Cha mẹ ở cách màn hình di động hỏi anh, một năm này dự định làm gì.
Anh nói, quê nội gần hồ Động Đình* có một ngôi nhà cũ tổ tiên để lại, ông bà nội đã lên thành phố sống cùng cha mẹ an hưởng tuổi già, nơi đó giờ bỏ trống, không bằng để anh trở về dọn dẹp một lượt, đọc mấy quyển sách, làm chút công việc ruộng vườn.
*Hồ Động Đình (洞庭湖) là một hồ lớn, nông ở phía Đông Bắc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Đây là hồ điều hòa của sông Dương Tử (tức sông Trường Giang).

Kích thước của hồ phụ thuộc vào mùa, nhưng về tổng thể nó là một trong số bốn hồ nước ngọt có diện tích bề mặt lớn nhất tại Trung Quốc.
Cha anh trong điện thoại đốt một điếu thuốc, nương thời gian châm lửa nuốt hết những câu thuyết giáo định nói vào trong bụng, lúc bóp tắt thuốc mới miễn cưỡng mỉm cười: "Việc nhà còn chưa động tay ngày nào, con mà làm được ruộng?"
Lý Kinh Trọc vẫn nghiêm mặt, chỉ hơi nhếch môi: "Cầm lưỡi liềm lưỡi hái chắc sẽ không khó bằng cầm dao giải phẫu."
Cha Lý vừa định mở miệng, mẹ Lý đã đưa mắt ra hiệu, vội cướp lời: "Mẹ thấy vậy cũng được, thôi nghỉ ngơi mấy ngày đi.

Cứ cắm đầu học mãi sớm muộn gì cũng học cho đổ bệnh."
Cha mẹ Lý Kinh Trọc là sinh viên xuất thân nông thôn lên thành phố từ những năm 80, có niềm tin vững chắc rằng tri thức sẽ thay đổi vận mệnh, chăm chỉ lao động sẽ sớm sung túc dư dả.

Mục tiêu thời trẻ của bọn họ rất đơn giản mà chính xác: Bám trụ thành phố, lập gia đình, trước hết là mua nhà, sau đó mua xe, cho các con điều kiện giáo dục tốt nhất có thể.

Từ ngày Lý Kinh Trọc bắt đầu học đại học, bọn họ đã thấy hướng đi cuộc đời mình trọn vẹn đúng đắn: Thu nhập trung lưu, gia đình hòa thuận, con cái thi đậu vào trường y danh giá.
Người Trung Quốc thường xuyên nhắc đến tính kế thừa, thế hệ sau phải tốt hơn thế hệ trước, châm ngôn trong phim truyền hình hay nói thế nào?
Đại khái là: "Một gia đình, từ thế hệ này sang thế hệ khác phải từ gà thành dê, từ dê thành trâu, thế mới gọi là tốt.

Không thể từ trâu xuống dê rồi xuống gà được, người sau kém hơn người trước, cuối cùng sẽ trở thành gà bay trứng vỡ." ①
Nhưng không ngờ có một ngày, đứa con trai ưu tú chưa từng tùy hứng ngày nào lại đột ngột mở miệng nói muốn quay về cái nơi mà trước kia bọn họ dốc hết toàn lực chạy trốn.
Lại còn ở tận một năm.

Không ai biết Lý Kinh Trọc đang suy nghĩ gì.
Lý Kinh Trọc trở về phòng ngủ thu dọn hành lý, gần như không mang theo đồ đạc đáng kể, chỉ gom hết chồng tiểu thuyết vô dụng trên bàn cho vào va li, trong mớ sách còn kẹp một quyển sổ bệnh án.
Anh không nói lời từ biệt bất kỳ người nào, mua một tấm vé xe lửa, trở về quê quán giữa dòng người ngược xuôi đông đúc.
Lý Kinh Trọc lấy chìa khóa dự phòng mà ông bà để lại trước khi dời lên thành phố, mở cánh cổng bằng gỗ sơn son đã phai màu đầy vết lốm đốm loang lổ ra.
Âm thanh "kẽo kẹt" vang lên, cửa dần dần mở rộng, trước mắt anh là một chùm ánh sáng từ giữa khe hở mái ngói chiếu xuống, bên trong chùm sáng là vô số bụi bặm nổi lơ lửng khiến người ta ngửi ra được mùi vị nhà cửa cũ kỹ đã lâu không có người coi sóc.
Vị trí anh đang đứng là giữa gian chính, ngày xưa dùng làm nơi thết đãi khách khứa đến nhà.
Lý Kinh Trọc kéo va li rẽ qua cánh cửa nhỏ bên sườn đông nhà chính, lại băng qua hai gian phòng ngủ mới đến một căn phòng xa nhất ở phía đông.

Nơi đó chỉ có một bộ bàn ghế gỗ đào và một giá sách bằng gỗ cây dương, trên giá sách đặt mấy quyển sách trẻ em cũ cùng một cái ống rửa bút dính mực đã khô, mấy cây bút lông trọc lóc vứt vương vãi ở bên cạnh.
Đây là phòng học ông bà sắp xếp cho anh để làm bài tập vào những ngày còn nhỏ về quê nghỉ hè, sau này lớn lên không trở về nữa, căn phòng thường được bà nội tận dụng làm kho chứa tạm mấy thứ linh tinh.
Anh còn nhớ rõ, trước kia trên vách tường phòng học này có treo bức tranh một vị công tử theo phong cách truyền thống được anh vẽ cách đây rất lâu.

Lúc ấy thầy dạy vẽ nhìn vị công tử vô song tay ôm quyển sách, khen một hơi ba tiếng "Tốt", khen xong còn trêu ghẹo: "Bốn đứa con trai hết ba đứa vẽ nữ, chỉ có em là không giống ai."
Chỉ có em là không giống ai, thật sự là một lời thành sấm.
Lý Kinh Trọc không nhớ nổi lần cuối cùng trở về bức tranh có còn ở đây không, bởi vì thời gian quá lâu.

Dù sao lúc này trên tường đã trống hoác, cũng chẳng rõ nó biến mất từ lúc nào.

Anh nhớ dưới góc tranh còn được đóng ấn ba chữ "Lý Kinh Trọc" chứng minh bức tranh này không phải tác phẩm của danh họa nổi tiếng, không chừng ai đó quét dọn nhà cửa cảm thấy quá vướng chỗ nên xử lý rồi cũng nên.
Anh đi tìm một miếng giẻ lau chùi sạch sẽ bàn ghế, sau đó đặt sách trong va li lên bàn.
Đang là giữa hè thời tiết oi bức, phải đẩy cửa sổ phòng ra để thông khí một chút.
Cửa sổ bằng gỗ chạm hoa mai có lắp kính mờ, từ bên trong không thể nhìn thấy bên ngoài nên anh không biết gần cửa đang có người.

Nếu biết, với tính cách của mình, anh thà tình nguyện chịu nóng cũng không muốn chạm mặt nói chuyện với người ta.
Người đứng ngoài cửa sổ tuổi trên dưới bốn mươi, có lẽ bằng lứa với cha mẹ anh, đúng lúc gánh nước đi ngang qua, nhận ra Lý Kinh Trọc mới hô to: "Nhóc con nhà Lý đấy à, về làm gì đấy?"
Lý Kinh Trọc đáp: "Về nhà dưỡng bệnh ạ."
Người nọ thả đòn gánh xuống, chân xỏ dép lê loẹt quẹt đi đến gần, nhìn trái rồi nhìn phải, đánh giá: "Tay chân đầy đủ, sức dài vai rộng, bệnh chỗ nào?"
Lý Kinh Trọc đứng yên trước cửa sổ cảm thấy không cần phải nhiều lời, người trước mặt này nhìn chỉ hơi quen quen đến tên còn không nhớ, anh giật nhẹ khóe miệng, nở nụ cười xã giao có lệ.
Người nọ thấy không có gì thú vị, miệng lẩm bẩm mấy câu tiếng địa phương không rõ là gì, nhấc đòn gánh lên đi mất.

Nếu là trước đây, Lý Kinh Trọc nhất định sẽ miễn cưỡng cười nói vài ba câu, không chừng còn đi tìm chút trà mời người ta vào nhà uống chén nước.
Nhưng bây giờ cái gì anh cũng không muốn làm.
Lý Kinh Trọc không muốn lại đụng mặt ai nữa, lập tức đóng cửa sổ, lấy một quyển sách ra đọc, đọc một hơi say sưa đến khuya, nhiệt độ dần dần hạ xuống.

Sách sắp đi đến đoạn kết, đột nhiên đèn trên bàn chớp lên một cái, tắt ngúm.

Lý Kinh Trọc cầm sách ngồi ngẩn vài giây, nhớ ra ở quê thỉnh thoảng sẽ cúp điện, đành đi sang gian bếp bên sườn phòng phía tây tìm nến và bật lửa.
Nến đặt trong tủ chén bát, bật lửa đặt trên bệ bếp gần bếp củi, Lý Kinh Trọc dựa vào ký ức nhanh chóng tìm thấy đồ cần tìm, đốt một cây nến soi đường quay trở lại phòng học.
Đốt nến trong phòng kín có khả năng trúng độc khí CO, Lý Kinh Trọc lại phải mở cửa sổ gỗ ra.

Gió nhẹ bên ngoài thổi vào từng đợt, trăng treo trên trời cong như lưỡi đao, sáng đến dọa người.
Chuyện càng dọa người hơn là dưới ánh trăng đột nhiên xuất hiện một người đàn ông đứng trước cổng chính nhà anh, trong tay cầm một quyển sách, hình như đang có ý định gõ cửa.

Người kia chưa kịp gõ đã thấy Lý Kinh Trọc bên trong cửa sổ, ánh nến nhẹ nhàng lay động, chiếu lên gương mặt anh lúc tối lúc sáng.
Lý Kinh Trọc đứng ở nơi sáng, đối phương trong chỗ tối không thấy rõ mặt, thân hình cao gầy nhìn qua không giống như nông dân bản địa.

Lý Kinh Trọc khởi động điện thoại đã tắt máy từ lâu, ấn sẵn số báo cảnh sát, ngón tay cái dừng trên nút gọi đi.
"Đừng sợ." Dường như người kia biết ý định của anh, "Vừa mới cúp điện, tôi thấy bên cửa sổ nhà này có ánh nến nên tính sang mượn tạm một cây."
Giọng nói trầm thấp ôn hòa, đúng là dễ khiến người yên tâm.
Lý Kinh Trọc nói với người đàn ông vẫn đứng yên đằng xa không nhúc nhích: "Anh cứ ở đó chờ, tôi đi lấy nến." Nói xong lập tức đóng cửa sổ lại, chốt kỹ.
Anh vòng về phòng bếp cầm thêm mấy cây nến rồi quay lại phòng học.

Lúc mở cửa sổ ra, đối phương vẫn còn đứng nguyên tại chỗ.

Lý Kinh Trọc nói: "Tôi lấy nến rồi đây, có cần bật lửa không?"
"Tôi có bật lửa." Người kia lịch sự hỏi, "Bây giờ tôi đến gần được chưa?"
Lý Kinh Trọc nói: "Đến đây đi."
Nói xong, anh nhìn đối phương chầm chậm đi tới.

Người càng ngày càng tiến gần, dáng vẻ hiện ra cũng ngày càng rõ, cho đến khi dừng lại dưới mái hiên cửa sổ, Lý Kinh Trọc nhìn thấy một gương mặt mà mỗi phân mỗi tấc đều cực kỳ cân xứng, mái tóc dài buộc lỏng tự nhiên, trong lòng cả kinh làm tay run lên một cái, ngọn nến trên tay suýt thì rơi xuống đất.
"Coi chừng!" Người thanh niên hô khẽ, một tay vội đỡ lấy cổ tay Lý Kinh Trọc, tay kia giữ ngọn nến đang cháy dở, sách vốn cầm trên tay đã văng ra từ lúc nào.
"Sợ đến vậy cơ à?" Không còn nguy cơ xém lửa lên đồ đạc, ngữ khí của người khách lạ bắt đầu hơi nâng lên mang theo trêu chọc thiện ý, nói xong mới buông cổ tay Lý Kinh Trọc ra, nhặt sách dưới đất lên thong thả vỗ vỗ bụi đất.
Quyển sách kia được đóng gáy bằng chỉ, lúc rơi xuống bị bẩn mất một tờ.

Thanh niên một tay cầm sách, tay kia dừng trên vết bẩn phủi mãi không đi, cúi đầu lẩm bẩm một câu: "Đáng tiếc."
Quá giống.
Nếu không giống như vậy tay Lý Kinh Trọc đã không run, tay anh luôn rất ổn, chưa bao giờ gây ra sai sót.
Dáng vẻ của người trước mắt cúi đầu cầm sách, bên mái còn vương một sợi tóc chưa buộc hết cứ như vậy rũ xuống, rõ ràng chính là tư thái của vị công tử trong bức tranh Lý Kinh Trọc vẽ ngày nhỏ.
Thanh niên ngẩng đầu lên phát hiện ra Lý Kinh Trọc vẫn đang nhìn mình, liền hỏi: "Có chuyện gì vậy?"
"Tôi đột nhiên nhớ ra mình làm mất một bức tranh vẽ ngày xưa." Lý Kinh Trọc lắc đầu, đưa hết mấy cây nến trên tay cho đối phương, "Thế này đã đủ chưa?"
Người kia nghe thấy Lý Kinh Trọc nhắc tới bức tranh, đáy mắt bỗng nhiên nổi lên chút sóng gợn.

Sau khi nhận nến nói cảm ơn, hắn làm như nghĩ ra chuyện gì, chợt hỏi một câu: "Cậu là cháu trai trưởng nhà ông Lý?"
Lý Kinh Trọc đáp "Ừ" một tiếng: "Có gì không?"
Thanh niên cầm một cây nến lên nhóm lửa từ nến trên tay Lý Kinh Trọc, lúc này hai đóa hoa lửa đồng loạt phe phẩy, hai bóng người trên vách cũng nhẹ nhàng đung đưa.
"Không có gì, cảm ơn." Buổi đêm yên tĩnh, giọng người thanh niên cũng bị đè thấp theo, "Muộn rồi, tôi về trước đây, trời sáng lại đến mời cậu uống trà."
Nhưng chỉ đi được vài bước, bỗng dưng hắn dừng lại xoay người.

Lý Kinh Trọc còn đứng bên cửa sổ nhìn theo, hoa mai khắc trên song cửa cũng bị ánh nến nhuộm thành màu cam vàng tựa như từng đóa hoa nở rộ trong đêm tối.
Hắn quay về đứng trước cửa sổ, sau một lúc im lặng mới nhìn thấy trên bàn học gỗ của Lý Kinh Trọc khắc một chữ "chào", liền cười rộ lên: "Phá hoại đồ đạc mà khắc khéo quá nhỉ."
Lý Kinh Trọc cúi đầu nhìn, cũng không nhịn được mỉm cười: "Hồi nhỏ học theo anh Tấn đấy."
Nhưng nụ cười biến mất rất nhanh, hai người lại rơi vào im lặng.
Một lúc lâu sau cuối cùng thanh niên kia mới lên tiếng: "Vốn không định nói, mà có nói sợ cậu cũng không tin." Dừng một lát, "Hóa ra là tranh cậu vẽ.

Vì cậu là tác giả cho nên tôi mới nghĩ, hay thôi thì nói phứt đi."
Lý Kinh Trọc chờ nghe đoạn sau.
"Thật ra bức tranh đó không bị mất." Thanh niên lại dừng thêm một trận, hình như đang suy nghĩ xem kế tiếp phải nói thế nào, mà những lời tiếp theo của hắn đúng là khiến cho dáng vẻ suy tư do dự kia rất hợp lý, "Chỉ là...!Xin lỗi, tôi là người từ trong bức tranh bước ra, nhưng không thể quay về tranh được nữa.

Cho nên, chắc là không thể trả tranh lại cho cậu được rồi."
—----------------
Lời tác giả:
① Xuất phát từ 《 Sống 》của Dư Hoa, nguyên văn như sau:

[ "Trước kia tổ tông nhà họ Từ nuôi một con gà con, gà lớn lên biến thành ngỗng, ngỗng lớn lên thành dê, nuôi dê lớn lại biến thành trâu.

Nhà họ Từ chúng ta lớn mạnh như vậy đấy."
Giọng cha như rít lên, ông dừng một lát rồi nói tiếp:
"Vào tay cha, trâu nhà họ Từ biến thành dê, dê lại thành ngỗng.

Rơi vào tay mày, ngỗng trở thành gà, giờ đến cả gà cũng không giữ nổi." ]
(Dư Hoa (sn 1960) là một nhà văn xuất sắc của văn học hiện thực Trung Quốc hiện đại, "Sống" là một trong những cuốn sách tiêu biểu của ông viết về cuộc đời của một người nông dân tên Phú Quý từ lúc trẻ tới lúc về già, bối cảnh là xã hội Trung Quốc thời kỳ đổi mới.

Tác phẩm này đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành phim điện ảnh năm 1994.)
—------------------------
Chuyên mục Có khi bạn biết rồi:
Cái này không liên quan gì đến nội dung truyện nên dui thì đọc còn không thì nhẹ nhàng bỏ qua XD
Nếu có ai thấy cái tên "Hồ Động Đình" nghe quen thuộc thì đúng rồi đấy, vì cái hồ này không những hay xuất hiện trong lịch sử và văn học Trung Hoa mà còn xuất hiện trong truyền thuyết của dân tộc Việt.

Trong wikipedia có một đoạn thế này:
"Vua Kinh Dương lấy con gái vua Động Đình là Long Nữ đẻ ra thái tử Sùng Lãm.

Thái tử Sùng Lãm lại kết hôn với công chúa Âu Cơ con vua Đế Lai.

Khi vua Kinh Dương băng hà, thái tử Sùng Lãm lên nối ngôi vua tức vua Lạc Long, đổi tên nước là Văn Lang.

Nước Văn Lang Bắc tới hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp biển Đông Hải."
"...tộc Việt gồm có trăm họ khác nhau, mang tên Bách Việt.

Những tên như Âu Việt, Lạc Việt, Đông Việt, Nam Việt, Việt Thường đều thuộc Bách Việt cả.

Cái tên trăm họ, hay trăm Việt (Bách Việt) phát xuất từ huyền thoại nói vua Lạc Long sinh ra trăm con.

Trăm có nghĩa là toàn thể, tất cả, chứ không hoàn toàn là con số như ta tưởng ngày nay..."
Hay nói cách khác, Long vương dưới hồ Động Đình là ông ngoại của Lạc Long Quân lol Cái này trong truyền thuyết Lĩnh Nam chích quái cũng có nói, mà mình đọc lâu lắm rồi nên không nhớ quá rõ nữa.
Mừng năm mới, hôm nay được nghỉ nên có 2 chương XD.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.