Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 77: Hồi thứ bảy mươi bảy




Khi biết Phổ Phong trốn về núi rồi. Ngột Truật thở dài thất vọng, vội viết bổn chương gửi về nước xin quân tiếp viện.

Hôm sau, Nhạc Lôi thăng trướng truyền lệnh sai Quan Linh và Ngưu Thông lãnh ba ngàn quân làm đội thứ nhất, Lục Văn Long, Phàn Thành dẫn ba ngàn quân làm đội thứ hai, Kiết Thanh, Lương Hưng, Triệu Vân, Châu Thanh Lượng và Địch Lôi làm tả đội, còn Nghiêm Thành Phương và Ngũ Liên làm hữu đội; riêng Nhạc Lôi dẫn chư tướng đi sau, nổ ba tiếng pháo kéo thẳng đến dinh quân Phiên.

Tiểu Phiên vào phi báo, Ngột Truật lập tức dẫn hết bọn Nguyên soái và bọn Bình chương ra cự chiến.

Hai bên vừa gặp nhau là xáp vào hỗn chiến chứ không nói năng gì cả. Tuy binh Ngột Truật nhiều, nhưng vì binh Tống tấn công bốn phương tám hướng, nên không thể nào tiếp ứng kịp, hơn nữa bọn tiểu anh hùng dữ dằn quá gặp binh giết binh, gặp tướng giết tướng, đánh thôi đá lở, cát bay, trời sầu đất thảm, quân Kim ngã lăn như cây rừng khi gặp bão lớn, năm mươi vạn quân Kim chỉ còn phân nửa.

Ngột Truật đại bại kéo hết tàn quân chạy dài, Nhạc Lôi xua binh đuổi theo.

Khi qua khỏi các cửa ải đến địa phận Kim Phiên Ngột Truật chạy đã xa rồi, Nhạc Lôi truyền quân đóng trại nghỉ ngơi chờ cho lương thảo đến rồi sẽ đánh thốc qua Phiên bắt cho được Ngột Truật, đồng thời nghênh đón Nhị Đế về triều. Đây chính là nguyện vọng của Nhạc Phi, chỉ vì gian thần hãm hại nên giữa đường phải bỏ cuộc, nay Nhạc Lôi quyết nối chí cha.

Khi Ngột Truật chạy về quan ngoại liền họp các vị vương tử và các vị Bình chương lại thương nghị.

Ngột Truật nói:

- Chúng ta đại bại, binh mã chẳng còn bao nhiêu, chi bằng trở về nước chỉnh điểm thêm binh mã rồi sẽ qua

Nói rồi truyền lệnh kéo hết đám tàn quân ra đi.

Hôm ấy, tàn quân kéo về đến Giới Sơn, bỗng thấy phía trước có một đội quân đồn trú, dựng cờ hiệu nước Kim, Ngột Truật sai người tra hỏi mới hay đạo quân ấy là của Kim Quốc Sơn Sư Đà và Hàm Quản Tổng binh Liên Nhi Tâm Thiện. Hai người này dẫn quân qua trợ chiến với Ngột Truật.

Đang lúc buồn bực, Ngột Truật thấy vậy bỗng cảm thấy vui lên, vội sai tiểu Phiên vào thành phi báo.

Sơn Sư Đà và Liên Nhi Tâm Thiện lập tức đích thân ra ngoài thành đón Ngột Truật vào ngưu bì trướng, làm lễ ra mắt rồi hỏi:

- Tại sao Chúa công đi đánh Trung Nguyên lại bỏ về?

Ngột Truật đáp:

- Ta vào Trung Nguyên, lúc đầu tiến quân một cách dễ dàng thế đánh như chẻ tre, chẳng dè khi đến Châu Tiên trấn bị thằng Nhạc tiểu Nam man hưng binh đến chống cự ta. Ta giao phong với hắn đã bao nhiêu trận nhưng thảy .đều thất bại, bọn ấy quả là lợi hại, chúng giết chết mất trên hai mươi đại tướng của ta, còn năm mươi vạn quân thì hao hết phân nửa. Vì vậy nay ta phải trở về chỉnh điểm thêm binh mã rồi sẽ trở qua quyết tranh thắng bại với hắn.

Sơn Sư Đà nói:

- Nếu vậy thì để tôi chờ lũ Nam man đến đây giết cho tận tuyệt để báo thù cho Chúa công. Xin Chúa công về điều chỉnh thêm binh mã đến đây tiếp ứng cho mau, để cùng nhau đánh thốc tới Lâm An.

Hấp Mê Xi nói:

- ý kiến Nguyên soái hay lắm.

Nói rồi đề nghị với Ngột Truất để hết tàn quân lại cho Sơn Sư Đà và Liên Nhi Tâm Thiện, hai người đồn trú tại đó chờ quân Tống đến, còn Ngột Truật cùng quân sư và các vị Vương tử dắt nhau trở về Hà Vương Phủ.

Chỉ vài ngày sau Nhạc Lôi tiếp được lương thảo đầy đủ lập tức truyền quân nhổ trại kéo đến Giới Sơn, bỗng có quân tuần thám đi trước trở lại phi báo:

- Dưới chân núi Giới Sơn, có quân Kim ngăn đón, không thể tiến quân thêm nữa được.

Nhạc Lôi nghe báo liền truyền lệnh an dinh hạ trại.

Sơn Sư Đà hay tin quân Tống kéo đến, liền mặc giáp lên ngựa, cầm cây lưu kim giản nặng một ngàn hai trăm cân lướt tới trước dinh Tống khiêu chiến.

Quân vào phi báo, Nhạc Lôi hỏi chư tướng:- Có ai dám ra trận chống với Phiên tướng không?

Vừa dứt lời, đã thấy Quan Linh bước ra xin đi.

Nhạc Lôi nói:

- Tướng quân có đi xin hãy cẩn thận.

Quan Linh lên ngựa cầm đao dẫn ba ngàn quân, phất cờ nổi trống kéo ra trước trận, trông thấy tướng Phiên hình dung cổ quái, nước da đen như nhọ chảo, mặt thỏn, mõm dài và nhọn hoắt, đôi mắt lồ lộ và trắng toát trông như quỉ Dạ Xoa hiện hình, tại lớn như tai voi, miệng rộng tới mép tai, mũi lớn một cách dị thường, tóc vàng râu quắn, mới xem qua giống như Thiên Lôi giáng thế, xem lâu chẳng khác quỉ sứ dưới âm ty.

Quan Linh bước tới nhìn thẳng vào mặt đối phương nạt lớn:

- Tên kia, mi là ai, sao dám ngăn cản binh ta? Hãy nói tên cho mau để ta lấy đầu mi đem về lập công.

Sơn Sư Đà há nửa chiếc miệng hỏa lò cười ngất lên một hồi rồi đáp:

- Đại Kim Quốc thần võ Đại Nguyên soái Sơn Sư Đà là ta đây, còn mi là đứa trẻ nít nên "điếc không sợ súng". Ta cho mi biết rằng, Tống triều đang khi bại hoại, chúa tối tôi gian, chẳng bao lâu nữa cũng phải mất. Ta vâng lệnh Trời đến thâu đoạt giang san nhà Tống, mi đã không trốn đi để cho toàn tính mạng, lại còn khờ khạo qua đây xâm lấn bờ cõi ta. Ta thấy miệng mi còn hôi sữa nên chẳng nỡ giết, mi hãy về kêu người tuổi tác ra đây đánh với ta, nếu cưỡng lại chớ trách ta sao ỷ lớn.

Quan Linh nổi giận nghiến răng nói:

- Ta đã lấy lời phải trái khuyên ngươi mà ngươi nhất quyết không nghe, vậy ta phải kết liễu đời ngươi cho rồi!

Nghe nói vậy, Sư Đà vừa vung giản nhắm ngay đầu Quan Linh đánh bổ xuống. Quan Linh vội múa đao đỡ vọt ra, nhưng Quan Linh cảm thấy sức mạnh đối phương thật phi phàm, khiến Quan Linh mới đỡ một cái mà rung động toàn thân.

Nhắm thế cự không lại, Quan Linh quất ngựa chạy về, Sơn Sư Đà vừa rượt theo vừa giết quân Tống chết rất nhiều Khi vào dinh rồi kiểm điểm lại ba ngàn quân hao hết một ngàn.

Sơn Sư Đà đắc thắng đánh trống thu quân về dinh. Còn Quan Linh chạy vào ra mắt Nguyên soái Nhạc Lôi xin chịu tội.

Nhạc Lôi nói:

- Phàm chiến đấu cần nhất là phải biết rõ lực lượng của đối phương, nên khi tướng ra trận mà thất bại lỗi ấy là của bổn soái chứ tướng quân có can chi.

Gia Cát Cẩm nói:

- Hôm nay địch thắng ta, thế nào đêm nay chúng cũng đến cướp trại.

Nhạc Lôi gật đầu khen phải, rồi hai người bàn luận với nhau, bí mật truyền lệnh cho ba quân lùi lại hai mươi dặm đóng dinh, sai Quan Linh dẫn ba ngàn binh mai phục bên phải, Nghiêm Thành Phương dẫn ba ngàn mai phục bên trái, Lục Văn Long dẫn ba ngàn quân theo ngả sau kéo ra Giới Sơn chặn đường về của đối phương, còn Nhạc Lôi cùng chư tướng ở tại đại dinh, phân binh mai phục hai bên. Nhạc Lôi lại truyền lệnh, hễ nghe tiếng pháo nổ thì bốn phía đều dậy lên một lượt, xông vào.

Sắp đặt đâu đó xong xuôi, trời vừa tối, quả nhiên bên dinh Kim, Liên Nhi Tâm Thiện dâng kế với Sơn Sư Đà:

- Hôm nay quân Tống đại bại, hoảng kinh chắc không phòng bị, chúng ta đem quân đi cướp trại thế nào cũng toàn thắng.

Sơn Sư Đà khen phải nhưng lại nói:

- Bọn Nam man đa mưu, lắm kế nên Chúa công thường thường cứ bị chúng lừa, nay ta đi cướp trại phỏng như chúng phòng bị rồi thì nguy tai. Chi bằng áp dụng phương pháp lấy khách làm chủ, nghĩa là sai hai phó tướng Phương Lâm và Phương Học dẫn một ngàn binh mã giả ý đi cướp trại, còn ta với ngươi thì phân làm hai đạo chặn ngả sau của chúng nó, làm cho chúng tiến thoái lưỡng nan, hai đầu chạm địch, có phải hay hơn không?

Liên Nhi Tâm Thiện vỗ tay khen:

- Nguyên soái mưu như thần tính toán diệu kỳ chẳng ai kịp.

Sau đó Sơn Sư Đà điểm một ngàn binh mã giao cho hai phó tướng là Phương Lâm và Phương Học tiến theo đại lộ đi cướp trại, còn mình và Liên Nhi Tâm Thiện thì phân binh hai đạo sẽ lén kéo đi.

Qua đến đầu canh ba, Phương Lâm và Phương Học kéo binh đến dinh Tống cứ việc đánh thẳng vào, bỗng nghe trong dinh Tống nổ một tiếng pháo. Phương Lâm và Phương Học quay ngựa trở ra. Quan Linh từ bên phải đánh riết vào gặp quân của Sơn Sư Đà, Nghiêm Thành Phương từ bên trái đánh vào gặp quân của Liên Nhi Tâm Thiện. Hai bên đánh với nhau một trận. Quân Phiên cũng như quân Tống đều chết vô số. Sơn Sư Đà liệu thế không xong liền thu quân về, chẳng may lại gặp Lục Văn Long chặn lại đánh ác liệt một trận nữa, đến khi trời sáng, hai bên đều thu quân .

Về đến dinh, Sơn Sư Đà kiểm điểm binh tướng thì thấy phó tướng Phương Học đế bị loạn quân giết chết rồi, binh sĩ hao hết một ngàn rưỡi. Còn binh Tống cũng hao hết trên ngàn.

Sau trận ác chiến ấy, hai bên đều nghỉ binh một ngày. Qua bữa sau, Liên Nhi Tâm Thiện đến trước dinh Tống khiêu chiến.

Quân sĩ vào phi báo, Nguyên soái hỏi chư tướng:

- Có ai dám ra ngựa không?

Nghiêm Thành Phương liền lên tiếng xin đi, Nguyên soái phát ba ngàn quân, Nghiêm Thành Phương nhận lệnh kéo quân ra trước trận, trông thấy tướng Phiên mình cao một trượng, mắt đỏ ngầu như than lửa đang nung trong lò, mày rô trán trợt, đầu đội kim khôi có giắt hai chiếc lông trĩ, mình mang khôi giáp, lưng đeo dây nịt vảy rồng, cưỡi con ngựa ô truy, tay cầm hiệp phiến đao. Vừa thấy Nghiêm Thành Phương ra ngựa thì hét to như sấm động:

- Nam man kia tên gì? Nói mau!

Nghiêm Thành Phương giơ đao đáp:

- Đại Tống ngự tiền Đô Thống Nghiêm Thành Phương là ta, còn mi tên gì cũng phải nói mau lên để ta còn ra tay độc thủ.

Liên Nhi Tâm Thiện cười ha hả đáp:

- Đại Kim Quốc Hàm Quan Đại Nguyên soái Liên Nhi Tâm Thiện là ta, ngươi nghe danh ta rồi sao không xuống ngựa chịu trói cho rồi để ta khỏi nhọc công ra sức.

Nghiêm Thành Phương nạt lớn:

- Tên quỷ sứ này nói ba hoa khoác lác đến thế là cùng, hãy xem song chùy ta đây.

Vừa nói vừa vung song chùy đánh bổ tới, Liên Nhi Tâm Thiện cũng đưa đao đón đánh. Hai người đánh với nhau được bốn mươi hiệp, Nghiêm Thành Phương cảm thấy đối phương mạnh hơn nên đánh bậy một chùy rồi quay ngựa chạy thẳng vào rừng. Liên Nhi Tâm Thiện giục ngựa đuổi theo.

Nghiêm Thành Phương chạy hơn mười dặm, bỗng thấy bên mé rừng phía trước có buộc hai con ngựa, lại có hai vị hảo hán đang ngồi trên bàn thạch trò chuyện. Một vị mặt đen như than hầm, một vị mặt vàng như nghệ.

Hai người vừa trông thấy Nghiêm Thành Phương chạy đến, liền đứng dậy kêu lớn:

- Tướng quân chớ sợ, chúng tôi sẽ giúp cho một tay.

Nghiêm Thành Phương đáp:

- Phía sau có tướng Phiên đuổi theo, hắn lợi hại lắm, chẳng hay nhị vị là ai?

Người mặt đen lên tiếng đáp:

- Tôi đây là con của Đổng Tiền tên Đổng Diệu Tông, còn người này là con của Mã Hậu Vương Hoành tên Vương Bưu, chúng tôi định xuống đầu theo Nhạc nhị đệ đây.

Nghiêm Thành Phương nói:

- Tôi là huy hạ Nhạc Lôi Nguyên soái tên Nghiêm Thành Phương bị Phiên tướng đuổi theo bức quá xin nhị vị hãy cứu giùm.

Vừa nói đến đây, Liên Nhi Tâm Thiện đã đuổi theo kịp, giơ tay chỉ vào mặt Nghiêm Thành Phương nói:

- Loài Man tử kia, sao chưa xuống ngựa chịu trói cho rồi còn chạy đi đâu nữa?

Đổng Diệu Tông lập tức tung mình lên ngựa, vung xoa kích xốc tới ngăn tướng Phiên lại nạt lớn:

- Tên mọi Phiên kia, có ông Đổng đến đây đừng khoe môi múa mỏ.

Liên Nhi Tâm Thiện xoe tròn đôi mắt nẩy lửa, mắng:

- Tên tiểu quỉ này ở đâu lại dám cả gan đến đây đón đầu ngựa ta?

Vừa mắng, vừa vung đao chém tới, Đổng Diệu Tông cũng múa xoa kích đón đánh, hai ngựa giao kề đánh nhau chừng vài mươi hiệp, Đổng Diệu Tông đuối sức, miệng thở hồng hộc, Vương Bưu thấy vậy xông vào trợ chiến, nhưng Liên Nhi Tâm Thiện đánh với hai người không chút nao núng. Nghiêm Thành Phương thấy vậy liền quay ngựa trở lại, vung song chùy áp vào đánh tiếp.

Bấy giờ Liên Nhi Tâm Thiện phải tả xông hữu đột với ba con hổ dữ trông nhọc nhằn lắm, Tâm Thiện dù mạnh đến đâu cũng khó mà chống nổi với ba người, nên vội quay ngựa chạy tuốt về dinh.

Ba tướng cũng dắt nhau về dinh vào trướng ra mắt Nguyên soái. Đổng Diệu Tông, Vương Bưu đem việc con

Dương Tái Hưng là Dương Kế Châu muốn đến hiệp binh đánh Kim Phiên báo thù cha, nên bảo hai người đi trước còn y sẽ thâu góp binh mã lương thảo rồi xuống sau. Khi đi vừa đến đây bỗng gặp Nghiêm Thành Phương bèn phối hợp nhau đánh Liên Nhi Tâm Thiện chạy dài. Đầu đuôi mọi việc hai người thuật lại một hồi, Nguyên soái mừng rỡ vội ghi công cho hai người rồi truyền dọn yến tiệc đãi đằng.

Liên Nhi Tâm Thiện chạy về dinh ra mắt Sơn Sư Đà vừa thở vừa nói:

Hôm nay tôi rượt theo Nghiêm man tử suýt bắt được nó, chẳng dè lại gặp hai thằng tiểu Nam man ở đâu không biết chạy đến thình lình hùa nhau đánh rát quá tôi phải bỏ về.

Sơn Sư Đà nghe nói, lòng nóng như lửa đốt. Qua hôm sau, Sơn Sư Đà đích thân lên ngựa cầm giản đến trước dinh Tống kêu đích danh Nhạc Lôi ra đánh với mình.

Nhạc Nguyên soái vừa muốn ra binh, bỗng có Vương Anh bước ra bẩm:

- Nguyên soái chớ nên hạ mình giao phong với thằng tiểu khấu, để đệ ra bắt nó cũng đủ rồi.

Nguyên soái nói:

- Vương đệ có đi phải hết lòng cẩn thận mới được.

Vương Anh vâng lệnh cầm đao dẫn quân ra trước trận, Sơn Sư Đà trông thấy đã hét to:

- Mi có phải Nhạc Lôi đó không?

Vương Anh cười gằn đáp:

- Đời nào Nguyên soái ta lại chịu hạ mình đánh với mi. Ta đây là Tiểu Hỏa Thần Vương gia đây, hãy ráng đỡ cây đao này.

Vừa nói, vừa vung đao chém bổ tới, Sơn Sư Đà vung lưu kim giản đỡ gạt ra rồi thuận thế đánh tiếp luôn mấy giản một lượt khiến Vương Anh luýnh quýnh đỡ không kịp, liền quay ngựa chạy dài, Sơn Sư Đà giục ngựa đuổi theo.

Trong cơn nguy cấp may gặp Ngưu Cao giải lương về đến thấy Vương Anh thua chạy, liền kêu lớn:

- Có bác đây, hiền điệt đừng sợ.

Vừa nói vừa xông ra đứng cản ngang giữa đường. Sơn Sư Đà gò cương lại, nạt lớn:

- Loài mao tặc ở đâu dám đến đây đón đầu ngựa ta?

Ngưu Cao cười ngất một hồi, nói:

- Tên ngốc kia, sao mi ngu đến vậy hả? Ngưu Cao lão gia này đã lừng danh bổn bể ai lại không biết, sao mi hỏi ngớ ngẩn quá vậy?

Sơn Sư Đà nói:

- Té ra mi là Ngưu Cao đó ư? Mi lại không nghe danh Sư Đà này sao lại dám đến đây cản ngựa?

Ngưu Cao lắc đầu, đáp:

Đối với ta thì Sư Đà Sư Điếc cũng không ăn thua gì cả hễ gặp tay ta là vong mạng thôi.

Vừa nói vừa múa giản đánh hèn. Sơn Sư Đà liền đưa giản đỡ hất ra một cái thật mạnh khiến cây giản của Ngưu Cao văng bổng lên không trung cao hơn mấy trượng rồi rớt xuống trong đám cỏ.

Ngưu Cao vùng la lớn:

- Ôi chao, thằng này giỏi thiệt, phải có học trò ta đến đây thì mới có thể bắt được nó!

Sơn Sư Đà nghe nói cười ngất:

- Võ nghệ như vậy mà dạy học trò nào nên thân?

Ngưu Cao "hư'' một tiếng rồi nói:

- Ngươi ở bên Kim Phiên làm gì biết được việc bên Trung Quốc ta? Đại phàm khí lực mạnh yếu là tại trời sinh chứ không phải tại thầy dạy, thầy dạy chỉ dạy võ nghệ mà thôi chứ làm sao dạy sức mạnh được? Vì vậy thằng học trò của ta tưởng chẳng đợi cho mi thấy nó làm gì, ta nói ra đây cũng đủ cho mi hết hồn. Ôi! Cái thằng làm sao mà dũng mãnh vô song, hắn cử nổi chẳng biết mấy ngàn cân mà kể. Nó ra trận không cần mang theo đồ binh khí. Một tay cũng đủ bắt một người, một chân cũng có thể đạp chết vài ba đứa. Còn ốm yếu như mi, nó chỉ cần quát một tiếng là mi nhào xuống ngựa ngay lập tức!

Sơn Sư Đà cười gằn:

- Ngươi đừng khoác lác với ta. Trên đời này không có ai đang ngồi trên ngựa bị nạt mà té nhào cả!

Ngưu Cao nói:

- Nếu mi không tin, hãy ở đây chờ đợi để ta đi kêu nó đến đây cho mà xem.

Sơn Sư Đà nói:

- Được rồi, nếu mi lừa ta, mi có chạy lên trời cũng không khỏi, hãy đi kêu hắn đến đây, mau lên.

Ngưu Cao lại nói:

- Phàm kẻ anh hùng hảo hán thì hành động phải cho minh minh chánh chánh. Ta đi kêu học trò ta đến đây nếu đánh với mi không lại thì ta phục mi, bằng mi đánh không lại nó thì chớ trách ta; còn những lương thảo của ta để đây, mi không được động tới đấy!

Sơn Sư Đà cưới gằn đáp:

- Lương thảo của mi để đó xem như ở trong túi ta rồi, ta vội chi, hãy đi cho mau lên, đừng nói nhiều lời!

Ngưu Cao vẫn nói:

- Hãy ngồi cho vững kẻo ta kêu học trò ta đến đây, mi mà thấy sẽ té nhào đấy!

Vừa nói, vừa nhảy lên ngựa nhặt cây giản rồi nhắm hướng đông chạy tuốt.

Ngưu Cao vừa đi vừa nghĩ thầm:

- Tuy lừa hắn thoát thân được rồi, song còn lương thảo làm sao cứu được?

Còn dang suy nghĩ, bỗng thấy phía trước mặt có bụi bay mịt trời, xem kỹ lại thì quả là một đạo binh xăm xăm lướt tới có ba chữ "Cửu Cung sơn cần vương". Ngưu Cao đứng nép một bên để xem cho tường tận.

Ngưu Cao trông thấy Vương Anh giục ngựa đi kề sát một vị anh hùng, còn phía trước lại có một người đầu đội nhị long hi ngân khôi, mình mặc song sư còn cầu bạch chiến bào, tay cầm song kích, lưng buộc diêu cung, cưỡi con bạch long cu, đeo cây thanh đồng kiếm giống như Tiết Nhân Quý phục sinh, tựa Lữ ôn Hầu tái thế.

Ngưu Cao lẩm bẩm một mình:

"Phải rồi, phải rồi''. Lúc ta còn ở trên Thái Hành sơn có nghe đồn rằng, người con Dương Tái Hưng vẫn còn ở Cửu Cung sơn, nay chắc hắn nghe Nhạc Lôi đi tảo Bắc nên kéo binh đến giúp đây.

Nghĩ rồi liền bước ra kêu lớn:

- Vương hiền điệt ôi! Người đi với cháu đó phải là con của Dương Tái Hưng không?

Vương Anh nói:

- Thưa phải!

Rồi quay qua nói với Dương Kế Châu:

- Người này là Ngưu Cao lão bá đấy.

Dương Kế Châu nghe nói vội vàng xuống ngựa vòng tay nói:

- Tiểu điệt chính là Dương Kế Châu đây, chẳng hay Phiên tướng hiện giờ ở đâu?

Ngưu Cao nói:

- Thông đừng hỏi tới tướng Phiên nữa; chúng lợi hại lắm, nếu quả cháu là con của Dương Tái Hương thì phải trở về cho mau.

Dương Kế Châu ngạc nhiên hỏi:

- Cháu quyết đến đây giúp sức bình Kim Phiên, sao bá phụ lại bảo cháu trở về?

Ngưu Cao nói:

- Vì hiền điệt không rõ đấy thôi, nguyên vì tên tướng Phiên Sơn Sư Đà quá ư là lợi hại, chẳng những riêng Vương Anh thua nó mà thôi, chính bác đây cũng không thể đánh lại nó, bị nó chặn lương thảo, bác có bảo với hắn rằng: Nếu chẳng để ta đem lương thảo về thì học trò ta là Dương Kế Châu đến đây nó đủ sức bắt ngươi như chơi, Sơn Sư Đà nghe nói đã không sợ lại còn cười mỉa mai bảo tàng: "Giỏi như Dương Tái Hưng thuở trước, anh hùng vô địch mà còn bị hắn giết chết tại Tiểu Thương hà, huống chi đứa con hắn có đến đây thì chỉ cần đánh một giản là bay đầu ngay".

Vì vậy bác khuyên cháu nên tìm đường trốn tránh đi để bảo toàn tính mạng, hay có thể về trại kêu ít đứa cháu nào cho giỏi đến đánh với Sơn Sư Đà may ra mới thắng được.

Dương Kế Châu nghe nói lòng như lửa đốt, thưa:

- Xin bá phụ đừng quá khen kẻ địch, để cháu đi bắt nó cho mà xem.

Nói rồi hối quân chạy tới cho mau. Đến nơi trông thấy Sơn Sư Đà đang ngồi hiên ngang trên ngựa ra vẻ chờ đợi.

Ngưu Cao bước tới kêu lớn:

- Tên Phiên nô kia, học trò của ta đã đến đấy, mi có giỏi thì đánh với nó đi.

Sơn Sư Đà giục ngựa lướt tới, hỏi:

- Ngươi quả thật là học trò Ngưu Cao đó sao? Thế ngươi tên họ là chi?

Dương Kế Châu nói:

- Để ta lấy đầu ngươi rồi ta mới có thì giờ thong thả sẽ nói tên họ sau.

Sơn Sư Đà giận quá liền đưa giản nhắm ngay đầu Kế Châu đánh xuống, Kế Châu đưa kích đỡ văng ra rồi nhằm ngay hông đối phương đâm tới. Hễ kích đâm thì giản đỡ, giản đánh thì kích gạt ra, một qua một lại, một tới một lui; quả là tướng tài lại gặp tướng tài thật xứng đôi ngang sức, một đàng như Thành Đô tái thế, một đàng như Lã Bố trùng sinh. Hai người đánh nhau trên trăm hiệp vẫn chưa phân thắng bại.

Ngưu Cao thấy vậy kêu Sơn Sư Đà nói:

- Ngươi dở quá đánh không lại học trò ta, ta không hơi đâu đứng đây chờ đợi, thôi ta kiếu đấy.

Nói rồi hối quân sĩ đẩy xe lương chạy thẳng vào dinh Tống.

Sơn Sư Đà nổi giận, mắng:

- Loài Man tử quỉ quyệt thật!

Nói rồi bỏ Kế Châu giục ngựa đuổi theo Ngưu Cao, nhưng Kế Châu vẫn rượt theo chặn lại, buộc lòng Sơn Sư Đà phải quay ngựa lại chống cự.

Đánh thêm mười mấy hiệp nữa, Sơn Sư Đà nhắm không thể thắng nổi liền quay ngựa chạy tuốt về dinh, Dương Kế Châu không thèm rượt theo, cùng với Vương Anh trở lại theo Ngưu Cao về dinh Tống.

Nguyên soái Nhạc Lôi hay tin vội dắt hết chư tướng ra trướng nghênh tiếp. Sau khi Dương Kế Châu làm lễ ra mắt mọi người, ngồi lại nói chuyện hàn huyên, anh em lớn nhỏ đều mừng rỡ. Nguyên soái truyền thâu điểm lương thảo hối quân dọn yến tiệc ăn mừng, chuyện vãn đến khuya mới phân nhau về dinh nghỉ.

Nguyên soái Sơn Sư Đà chạy về dinh rồi, lòng nóng như lửa đốt, cố tìm cách phá cho kỳ được binh Tống.

Bỗng thấy tiểu Phiên chạy vào phi báo:

- Có Quốc sư Phổ Phong đến trước dinh xin vào ra mắt.

Sơn Sư Đà nghe báo, nghĩ thầm: Trước kia ta có nghe chúa công Ngột Truật bảo rằng y đã bị quân Tống đánh thua bỏ trốn mất rồi, hôm nay trở về đây làm gì? Hay là hắn đã có pháp thuật mới nào chăng?

Nghĩ rồi, truyền quân ra mời vào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.