Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 22: Hồi thứ hai mươi hai




Nhạc Phi nghĩ thầm: “Không hiểu người lạ mặt này vào nhà ta có việc gì!”.

Sau khi để gói đồ xuống, người ấy thở một hồi rồi nói:

- Chẳng biết đây có phải là nhà Nhạc Phi không?

Nhạc Phi gật đầu:

- Dạ đúng! Chẳng hay ngài hỏi Nhạc Phi tôi có chuyện gì?

Người ấy nghe nói, vội quỳ thụp xuống đất lạy và thưa:

- Tiểu đệ đây nghe danh tôn huynh đã lâu, muốn đến học thêm chút ít võ nghệ, mãi đến hôm nay mới tìm gặp được. Nếu tôn huynh vui lòng cho kết nghĩa kim bằng, đệ sẽ ở lại đây để đợi lúc nào rảnh rang nhờ huynh chỉ cho đôi chút võ nghệ. Chẳng hay ý tôn huynh ra sao?

Nhạc Phi nói:

- Người muốn vậy thì tôi rất sẵn lòng, nhưng không biết quí danh tính là chi, năm nay bao nhiêu tuổi?

Người ấy đáp:

- Đệ là Hồng Quảng tên Vu Công, năm nay được hai mươi hai tuổi.

Nhạc Phi nói:

- Vậy tôi lớn hơn một tuổi.

Hai người ra giữa trời, lạy tám lạy kết nghĩa kim bằng rồi Vu Công lấy ra hai trăm lượng bạc trao cho Nhạc Phi, nhưng Nhạc Phi từ chối không chịu nhận lãnh. Vu Công nài nỉ nói:

- Đã là nghĩa đệ huynh, của em với của anh cũng như một, xin tôn huynh đừng câu nệ.

Nhạc Phi từ chối năm bảy phen không được bất đắc dĩ phải tạm nhận số bạc ấy, đem vào trong giao cho mẹ tạm cất giữa rồi trở ra chuyện vãn với bạn mới.

Vu Công lại hỏi:

- Chẳng biết nhà có mâm to không, xin đại huynh cho đệ mượn ba cái.

Nhạc Phi vào trong lấy ba cái mâm to ra trao cho Vu Công. Vu Công vội nhắc một cái bàn ra để giữa nhà, sắp ba cái mâm lên, đoạn mở khăn gói lấy ra mười lượng vàng ròng để vào một mâm, một mâm nữa thì để một bộ tinh hồng chiến bào và một sợi dây Dương Chỉ Ngọc Lung Linh. Cuối cùng thò tay vào túi móc ra một phong thư để lên trên rồi nói với Nhạc Phi:

- Xin đại huynh đến tiếp thánh chỉ.

Nhạc Phi cau mày tỏ vẻ trách móc:

- Hiền đệ làm như vậy thiệt là hồ đồ. Đệ chưa nói rõ nguyên do gì cả lại bảo tôi đi tiếp thánh chỉ là nghĩa gì? Vậy chớ thánh chỉ của ai? Đệ nên phân tỏ cho minh bạch rồi ta mới tiếp, bằng không thì thôi.

Vu Công nói:

- Xin thú thật cùng tôn huynh, đệ chẳng phải là Vu Công mà là Vương Tá làm chức Đông Thắng Hầu, bộ hạ của Thông Thành Vương ở Động Đình hồ tỉnh Hồ Quảng. Bởi trong triều vua chúa hôn muội, tin dụng kẻ gian nịnh, xa lánh tôi trung lương, làm cho dân chịu cảnh lầm than, trăm họ điêu linh, kho tàng trống rỗng. Mới vừa rồi Nhị Đế đều bị Ngột Truật bắt đem về đất Bắc. Hiện nước nhà không vua, bá tính không biết phải trông mong vào đâu, bốn phương đều ly loạn.

Nhân đó chúa của đệ là Dương My ứng theo mệnh trời, thuận theo lòng người, toan khôi phục Trung Nguyên cho trăm họ yên nhờ. Bởi Chúa công ái mộ tài văn võ của đại huynh nên sai đệ đến đây mời đại huynh đến Động Đình hồ cùng lo gìn giữ giang san nước nhà. Vậy xin đại huynh thu nhận lễ vật này, lo đồ hành trang lên đường cho sớm.

Nhạc Phi nghe Vương Tá nói một hồi lấy làm ngao ngán, giận đến căm gan, nhưng rủi lỡ kết nghĩa kim bằng, nên phải dằn lòng đáp:

- Vương Tá quả là đứa to gan thật! Cũng may là ta đã lỡ kết nghĩa kim bằng với ngươi, nếu không ta bắt ngươi đem nạp quan ắt phải khốn. Ta đây là Nhạc Phi, tuy nghèo khổ chẳng tài cán chi, chớ đã sinh trưởng nơi đất Tống thì nỡ lòng nào tham giàu sang, đem thân làm tôi giặc. Hơn nữa ta đã nhậm chức Thừa Tín Lang của triều đình, làm sao lại bỏ đạo quân thần theo về với quân phản chúa được? Thôi đừng nhiều lời vô ích, hãy mang tất cả lễ vật này về đi.

Vương Tá năn nỉ:

- Xin đại huynh nghĩ lại xem. Người xưa có nói: Thiên hạ là chung há của phải riêng một người nào, hễ ai có đức lớn thì được, còn người đã được rồi mà bất nhân thiếu đức ắt phải mất. Huống chi nay Nhị Đế chẳng những là hôn quân mê muội lại đã bị Ngột Truật giam cầm bên Kim Phiên. Nay dân trong nước không có chúa, thiên hạ loạn ly. Mạnh ai nấy xưng hùng, xưng bá, có ai dám chắc giang sơn này sẽ về tay ai? Đây là thời buổi anh hùng xuất thân, hào kiệt đồ vương định bá, sao đại huynh chưa chịu lo hai chữ công danh với đời còn đợi đến chừng nào nữa? Mong đại huynh nghĩ lại chớ có chấp nê mà bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một này, uổng lắm.

Nhạc Phi đáp:

- Đấng làm trai lập đại chí khác nào khách má hồng phải kiên gan trinh liệt để giữ mình. Nhạc Phi này đã quyết một lòng sống thì làm tôi nhà Tống, chết cũng làm ma đất Tống, dù cho vật đổi sao dời cũng không thể sờn lòng, đổi dạ. Giá như Lục Cổ, Tiêu Hà có tái sinh cũng uổng công uốn ba tấc lưỡi. Nay ta nghĩ tình anh em muốn lưu ngươi lại chơi vào ba ngày, nhưng vì lời yêu cầu trái lý tưởng, sẽ có chỗ hiềm nghi sinh lời dị nghị bất tiện. Vậy ngươi hãy sớm dời gói về bẩm lại với chúa ngươi đừng mong tưởng đến ta nữa vô ích. Riêng đối với ngươi, ta đã kết nghĩa kim bằng thì chờ khi nào ta ra giúp Tống trào, ta ra trận giao phong, anh em mình sẽ gặp nhau.

Vương Tá thấy Nhạc Phi trước sau chỉ một lời, lòng dạ cứng hơn sắt đá, khó bề thuyết phục nên lo thu góp đồ đạc gói lại toan ra về.

Nhạc Phi vội chạy vào thưa với mẹ:

- Thưa mẹ, xin mẹ làm ơn trao giùm gói bạc con gửi khi nãy lại cho con.

Bà An Nhân lấy bạc trao ra, Nhạc Phi tiếp lấy đem trả lại cho Vương Tá và nói:

- Xin giao số bạc này lại cho ngươi luôn thể.

Vương Tá ngạc nhiên nói:

- Những vật này của Chúa công tôi đi lễ nghênh triệu đại ca, nếu đại ca không lãnh thì tôi đem về giao lại cho chúa công tôi. Còn bạc này là của riêng đứa em này kính tặng đại huynh, sao lại trả?

Nhạc Phi cười ha hả:

- Cũng vì nghĩa huynh đệ mà ngươi tặng số bạc ấy cho nên ta vui lòng nhận lấy. Nay ngươi lên đường về quê, ta cũng vì nghĩa ấy mà tặng cho ngươi lên đường làm lộ phí. Nếu ngươi từ chối chẳng chịu lãnh thì đâu phải huynh đệ!

Vương Tá biết Nhạc Phi chẳng chịu nhận của mình, nên lấy bỏ vào túi rồi từ giã Nhạc Phi lên đường.

Nhạc Phi tiễn chân Vương Tá ra khỏi ngõ mới trở vào.

Bà An Nhân hỏi:

- Con bảo người bạn của con muốn ở lại đây chơi vài bữa, sao chẳng lưu giữ người lại đãi một bữa cơm, lại để cho người vội vàng ra đi như vậy?

Nhạc Phi đáp:

- Thưa mẹ, nghĩ đến việc ấy làm cho cho bận lòng. Bởi khi mới đến, người ấy bảo là quyết tìm con để học thêm chút võ nghệ, nên kết thành nghĩa huynh đệ. Nào dè ý muốn gá nghĩa như vậy để dụ con làm điều bất chính. Y chính là bộ hạ của quân phản vua, bội chúa Dương My ở Động Đình hồ tên là Vương Tá, đến đây muốn mời con theo chúng, bị con từ chối nên y phải ra đi.

Bà An Nhân nghe nói, bỗng tưởng nhớ đến một chuyện vội bảo Nhạc Phi:

- Con hãy đi sắm sửa hương đèn để tại trung đường rồi mẹ ra đó sẽ hay.

Nhạc Phi vâng lời me, sắm sửa đặt bàn hương án tại giữa nhà rồi trở vào bẩm với mẹ:

- Thưa mẹ, hương án con sắp đặt đã xong.

Bà An Nhân liền dắt Lý Thị ra, mẹ con cùng quỳ trước hương án vái lạy tổ tông, rồi sai Nhạc Phi quỳ xuống và bảo Lý Thị mài mực. Bà trịnh trọng nói:

- Nay me thấy con chẳng nhận lễ vật của quân phản tặc, cam chịu cảnh thanh bần, chẳng ham trọc phú, ấy là một điều hay, mẹ mừng rỡ vô cùng. Song mẹ e lúc mẹ qua đời lại có quân bất chính nó đến dụ dỗ con, nếu như con thất chí nghe lời chúng làm điều bất trung, bất hiếu, thì có phải đem cái danh tiết nửa đời làm hư trong một lúc chăng? Vì vậy nay mẹ kính cáo với trời đất tổ tông, để thích trên lưng con bốn chữ “Tận trung báo quốc”, là ý muốn cho con được nên bậc trung thần. Khi mẹ có thác đi rồi mọi người nức tiếng khen bà An Nhân này khéo dạy con mới nên danh tận trung báo quốc, như vậy có phải là danh thơm muôn thưở mà mẹ đây cũng được ngậm cười nên chín suối không?

Nhạc Phi nói:

- Thánh nhân có nói: Mình vóc tóc da là của cha mẹ, chẳng nên hủy hoại là điều hiếu trước tiên. Nay mẹ dạy con thì con ghi nhớ, chẳng phải thích chữ làm gì.

Bà An Nhân nói:

- Chớ nên nói bậy. Nếu như ngày sau có có làm điều phi pháp, bị quan bắt khảo tra thì con có nói được với quan là mình vóc của con là của cha mẹ, không nên hủy hoại không?

Nhạc Phi nói:

- Mẹ nói rất chí lý, vậy mẹ hãy thích chữ đi.

Dứt lời, Nhạc Phi cởi áo ra, bà An Nhân lấy bút viết vào lưng con bốn chữ “Tận trung báo quốc” rồi lấy kim xâm vào. Cuối cùng lấy mực hòa giấm thoa lên để cho bốn chữ ấy không bao giờ phai mời,

Nhạc Phi đứng dậy lại mẫu thân rồi ai về phòng nấy mà an nghỉ.

Lại nói về việc Tri huyện Từ Nhân lãnh chỉ cùng lễ vật về đến huyện Thang Âm rồi vội vã đem đến nhà Nhạc Phi.

Đến nơi, Từ Nhân sai quân gõ cửa. Nhạc Phi vừa chạy ra đã thấy quan Từ Tri huyện, chàng mừng rỡ mời vào trung đường.

Từ Nhân nói:

- Hiền khiết hãy dọn bàn hương án mà tiếp chỉ.

Nhạc Phi nghe vậy nghĩ thầm:

- Lạ thật, hôm trước Vương Tá đến đây bảo ta tiếp thánh chỉ, hôm nay Từ Tri huyện cũng đến sai ta tiếp thánh chỉ. Vả lại Nhị Đế bị bắt, trong triều đình không có vua, vậy thì thánh chỉ của ai mà bảo ta tiếp? Đây chắc là tên gian tặc Trương Bang Xương đã tiếm ngôi rồi, hắn sợ ta nên lập kế lừa ta đây.

Nghĩ vậy, chàng xá quan huyện và hỏi:

- Nay Hoàng Thượng và Thiếu đế đều ở bên đất Bắc. Chẳng hay cái này là chiếu chỉ của ai? Xin đại nhân nói cho minh bạch thì tôi mới dám lãnh.

Từ Nhân nói:

- Hiền khiết chưa hay biết gì cả sao? Cửu Điện hạ Khương Vương nhờ ngựa đất đưa qua Hiệp Giang, nay đã lên ngôi tại Kim Lăng, ấy là Đại Tống Tân quân, hiệu Cao Tông thiên tử đó.

Nhạc Phi nghe nói mừng rỡ vội quỳ xuống mà nghe chỉ dụ.

Từ Nhân mở thánh chỉ ra trịnh trọng đọc:

”Nay nước nhà bị cơn ly loạn, giặc Kim xâm lấn bờ cõi, Nhị Đế bị bắt, tôn miếu tan tành, trẫm nhờ trời phật phù hộ chẳng dứt nhà Tống, nên được ngựa đất độ qua sông, các quan ủng hộ, lên ngôi tại Kim Lăng. Lúc này là lúc vui tôi ta nằm gai nếm mật mà khôi phục giang sơn, trả mối thù quốc sỉ. Ngươi là Nhạc Phi văn võ song toàn, tài đáng dùng việc lớn, nên trẫm sai Từ Nhân đem vàng ròng và lễ vật đến đón ngươi. Ngươi phải lập tức đến lãnh chức, để có thể đem tài trí của mình ra trừ lũ hôi tanh, đón Nhị Đế còn bị giam cầm nơi sa mạc, cứu sinh linh qua cơn lửa đỏ. Tiếp được chỉ này ngươi hãy đến cho mau kẻo trẫm mỏi lòng trông đợi.”

Từ Nhân đọc xong thánh chỉ trao cho Nhạc Phi. Chàng giơ hai tay tiếp lấy để trên hương án.

Từ Nhân lại nói:

- Việc quân gấp lắm, hiền khiết phải lo thu xếp lên đường cho kịp hôm nay. Tôi ở đây chờ đợi, mong hiền khiết sắp đặt việc nhà rồi cùng lên đường.

Nhạc Phi đáp:

- Nếu có thánh chỉ thì tôi đâu dám trễ nải , xin ngài hãy ngồi đây chờ tôi một tý.

Nói rồi thi lễ vật đem vào nhà sau, mời mẹ ra ngồi và thưa:

- May Cửu Điện hạ là Khương Vương đã lên ngôi tại Kim Lăng, lại sai Từ Tri huyện đem lễ vật đến đón con, nên con phải vào bái biệt mẹ để lên đường.

Bà An Nhân nói:

- Nay con được triều đình trọng dụng, cũng là nhờ ơn thầy con dạy dỗ. Vậy con phải lạy mà từ biệt linh vị của thầy con trước đã.

Nhạc Phi vâng lời liền rót ngự tửu đế nơi bàn thờ thầy cúng vái, đoạn rót thêm một chén nữa đem cúng tổ tông.

Các việc xong xuôi, chàng rót một chén, quỳ xuống dân lên cho mẹ. Bà An Nhân tiếp lấy cầm nơi tay nói:

- Nay mẹ uống chén rượu này là ý muốn cho con ra sức với triều đình, hết lòng vì nước để nêu danh vào sử xanh, con chớ có quên.

Nhạc Phi cúi đầu đáp:

- Con xinh kính vâng lời mẹ.

Nói rồi đứng dậy rót một chén khác trao cho Lý thị và nói:

- Hiền thê có uống được chén rượu này không?

Lý thị đáp:

- Nếu là chén rượu nghĩa nhân thì tại sao thiếp lại không uống được?

Nhạc Phi đáp:

- Tôi vốn con một, anh em không có, nay vì nước phải đi xa, còn một mình mẹ già ở nhà, hiền thê phải thay mặt tôi mà phụng dưỡng và dạy dỗ trẻ thơ cho nên người. Nếu được như vậy, mới có thể uống chén rượu này.

Lý thị đáp:

- Đó là bổ phận của thiếp, tướng công khỏi phải dặn. Xin tướng công an tâm lo tròn phận sự làm trai, thiếp nguyện không làm phụ lòng tướng công đâu.

Nói rồi giơ hai tay tiếp lấy chén rượu uống cạn một hơi.

Lúc ấy quan huyện Từ Nhân đứng ngoài nghe rõ đầu đuôi, tấm tắc khen thầm:

- “ Cả nhà trung hiếu như vậy thật là hiếm có. Nay tân vương đã tìm được người hiền để khôi phục lại giang sơn rồi.”

Từ Nhân liền sai kẻ tùy tùng đem áo giáp của Nhạc Phi để trên lưng ngựa, còn binh khí thì có người khiêng theo.

Sau khi Nhạc Phi bái biệt mẫu thân và từ giã Lý thị rồi sắp sửa ra đi, bỗng thấy quan tay cầm roi, tay dắt ngựa bước tới nói:

- Xin hiền khiết lên ngựa.

Nhạc Phi tỏ ý khiêm nhường:

- Ngài làm như vậy tôi đâu dám.

Từ Nhân đáp:

- Hiền khiết chớ có khiêm nhường. Đến như Thiên tử còn muốn đến đây đón hiền khiết huống hồ lão đây. Ngặt vì Thiên tử mới lên ngôi chẳng lẽ đi xa, nên mới ban cho lão ba chén ngự tửu sai lão thay mặt đến đây cầu hiền khiết chẳng khác nào Tiêu Hà cầu hiền ngày xưa, xin hiền khiết chớ nên chối từ.

Nhạc Phi tỏ lời cáo lỗi rồi tung mình lên ngựa, còn Từ Nhân cũng giục vó câu theo sau.

Sắp sửa lên đường, bỗng thấy Nhạc Vân chạy ra quỳ trước đầu ngựa.

Nhạc Phi ngạc nhiên hỏi:

- Con theo cha làm gì?

Nhạc Vân nói:

- Con theo cha lên đường và muốn hỏi cho biết chẳng hay cha định đi đâu và làm việc gì?

Nhạc Phi đáp:

- Chỉ vì cha thấy con còn thơ ấu, sợ e bịn rịn chẳng nỡ phân ly nên không muốn cho con biết, nay con biết rồi thì cha phải nói cho con nghe. Nay Tân Vương triệu cha đi dẹp giặc bảo vệc giang sơn, con ở nhà hiếu thuận với bà nội và kính phụng mẹ con, săn sóc mấy đứa em học hành kinh sử, chớ nên chơi bời mà hư thân đấy.

Nhạc Vân nói:

- Con kính vâng lời cha dạy, nhưng cha nhớ khi ra trận đừng nên giết hết quân giặc.

Nhạc Phi hỏi:

- Tại sao vậy?

Nhạc Vân nói:

- Hãy để dành một nửa cho con giết với.

Nhạc Phi quát:

- Thôi, con đừng nói bậy, hãy trở về cho mau.

Nhạc Vân liền đứng dậy chạy thẳng vào nhà. Từ Tri huyện nói với Nhạc Phi:

- Bây giờ xin hiền khiết đi trước để lão phu trở về sắp đặt rồi sẽ theo sau.

Nói rồi trở về nhà sắm sửa lương thảo rồi giục ngựa tiếp theo, cùng Nhạc Phi nhắm theo hướng Kim Lăng.

Đi chẳng mấy ngày đã đến Kim Lăng, hai người cùng nhau vào cửa Ngọ môn đợi chỉ. Quan Hoàng môn vào tâu, Cao Tông cả mừng liền hạ chỉ triệu vào.

Từ Nhân dắt Nhạc Phi vào triều kiến xong, vua Cao Tông phán:

- Nhờ có Từ khanh nhọc nhằn lặn lội, nay trẫm ban vàng lụa để thưởng công, khanh hãy về Thang Âm lo lắng việc quan, chẳng bao lâu nữa trẫm sẽ gia thăng quyền tước cho khanh.

Từ Nhân tạ ơn lui ra rồi trở về huyện Thang Âm.

Vua Cao Tông thấy Nhạc Phi tướng mạo khôi ngô quả là một nhân tài hùng tráng, vua mừng thầm quay qua hỏi các quan:

- Hôm nay Nhạc Phi đã đến đay, ta nên phong làm chức chi?

Tông Trạch tâu:

- Nhạc Phi nguyên có chức cũ là Thừa Tín Lang.

Cao Tông nói:

- Ấy là chức của phụ vương ta phong khi trước, nay trẫm phong làm chức Đô Thống lĩnh ấn Tiên phong, đợi chừng nào có công hãy thăng thưởng thêm.

Nhạc Phi tạ ơn, vua Cao Tông truyền dọn yến tiệc thết đãi Nhạc Phi rồi lấy ra năm bức hình cũ của vua vẽ sẵn chỉ cho Nhạc Phi xem và nói:

- Đây chính là năm anh em Hồ Hãn ở bên Kim quốc. Chúng nó là kẻ thù số một của chúng ta, khanh hãy nhìn cho kỹ. Nếu có gặp chúng chớ có bỏ qua.

Nhạc Phi lãnh mệnh, Cao Tông lại hỏi:

- Nay Đại Nguyên soái Trương Sở chưởng quản binh quyền, khanh hãy đến dinh người mà hiệu dụng.

Nhạc Phi tạ ơn rồi lui ra tìm đến phủ Trương Nguyên soái.

Trương Sở vừa trông thấy Nhạc Phi đã mừng rỡ khôn cùng, vội sai Nhạc Phi ra chốn giáo trường lựa chọn binh mã.

Nhạc Phi vâng lệnh ra giáo trường chọn lọc kỹ lưỡng được sáu trăm quân. Nguyên soái thấy chàng chọn được ít quá nên sai Nhạc Phi vào trong dinh mình lựa thêm. Nhưng khi vào dinh, chàng chỉ lựa thêm được hai trăm tên nữa thôi, cộng tất cả là tám trăm người, chàng vào ra mắt Nguyên soái.

Trương Sở thấy chàng lựa chọn được ít quá bèn nói:

- Bao nhiêu binh mã mà chẳng lựa được một nghìn sao?

Nhạc Phi thưa:

- Tám trăm quân ấy đều là những tinh binh, tưởng cũng đủ dùng rồi.

Nguyên soái sai Nhạc Phi dẫn tám trăm quân ấy đi tiên phong rồi quay lại hỏi chư tướng:

- Có ai dám dẫn đạo quân thứ hai đi theo ứng cứu không?

Hỏi luôn mấy lượt mà không thấy một ai lên tiếng, Nguyên soái cả giận gắt:

- Thế thì cả bọn này đều là quân tham sống sợ chết, không kẻ nào muốn ra sức với triều đình. Thôi để ta gọi đích danh sai đi mới được.

Trương Sở bèn gọi tên Sơn Đông Tiết Đại Sứ Lưu Dự.

Lưu Dự lên tiếng bước ra. Nguyên soái nói:

- Ngươi hãy dẫn bản bộ binh mã làm đạo thứ hai đi tiếp sau Nhạc Phi rồi ta sẽ dẫn đại binh đi làm tiếp ứng.

Lưu Dự không biết làm sao phải gắng gượng dẫn quân đi.

Sắp đặt binh mã đâu đó xong xuôi, qua bữa sau Trương Nguyên soái dẫn Nhạc Phi và Lưu Dự vào triều từ giã hoàng thượng. Bỗng có quan tuần thành chạy vào báo:

- Hiện có quân cường đạo vào đánh phá cửa Nghi Phụng lại đòi cho được Nhạc Phi ra trận.

Cao Tông nghe tâu liền hạ chỉ sai Nhạc Phi ra dẹp giặc.

Nhạc Phi lãnh chỉ rồi dẫn tám trăm quân xông ra trước trận, xem thấy bên đối phương, lâu la vô số, tất cả đều cầm đoản côn và cuốc xẻng, khí thế mạnh mẽ, lại thấy một viên tướng cưỡi ngựa xông ra. Người này mặt xanh, răng lộ, mười phần hung ác. Nhạc Phi gò cương cầm thương chuẩn bị đối phó với kẻ thù và quát lớn:

- Loài cường đạo ở đâu đến đây chịu chết, hãy nhận một thương của Nhạc Phi ta đây!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.