Nguyệt Hiên

Chương 7: Ưu tư




Hai mươi ngày sau, ngày mười lăm tháng sáu, tin tức về vụ cướp đã về đến kinh thành. Đức vua nghe xong giả vờ đùng đùng nổi giận, không cần chờ bá quan tâu rỗi, đức vua ra lệnh cho tể tướng họ Lâm lập tức chuẩn bị một vạn binh mã thảo phạt Vọng Nguyệt trại. Ai nấy nghe xong trong lòng cũng rúng động, bá quan văn võ trong triều ai cũng biết, trại chủ Vọng Nguyệt trại thật ra là ai. Họ không thể nào ngờ lần này hoàng thượng vì nghĩa đã bất dung tình.

Buổi thiết triều tan, đức vua gọi Lâm tể tướng ở lại, còn tất cả người khác được phép ra về.

Đứng giữa khoảng trống thênh thang còn lại ba người, đức vua, tể tướng vào một lão công công đã mấy đời phục vụ hoàng gia. Đức vua quay nhìn lão công công với ánh mắt nhu mì, lão lập tức hiểu ý, cúi người lùi khỏi Kim Loan điện. Khoảng không gian mênh mông bây giờ chỉ còn lại hai người, một trẻ, một trung niên.

- Lâm ái khanh hôm nay sắc diện dường như không được tốt, khanh bất mãn với mệnh lệnh ta vừa ban ra hay sao?

- Không phải, thưa hoàng thượng.

- Lòng của ta thế nào, thiết nghĩ khanh phải là người hiểu hơn ai hết chứ.

- Thần rất hiểu.

- Vậy thì tốt, trong hoàng cung lạnh lẽo này chỉ có khanh là có thể phân ưu cùng ta. Ta có khanh cũng không thấy quá cô đơn buồn chán.

Lâm tể tướng cúi mặt đợi chờ những lời vàng ngọc của long nhan, ông có thể đoán được những gì vị hoàng đế này sắp nói mỗi khi mở đầu câu chuyện bằng những lời như vậy. Ông biết nhưng ông vẫn cố nhẫn nhịn để lắng nghe, bởi vì việc lắng nghe chính là bổn phận của bầy tôi tớ, dù lời kia có là vàng là ngọc hay sình bùn.

Đức vua thở dài buông từng tiếng nói ưu tư:

- Đã hơn hai năm kể từ ngày hoàng huynh rời khỏi đây, cũng ngần ấy thời gian ta trị vì thiên hạ. Nỗi đau ly cách, nỗi cô độc của quân vương, liệu mấy ai trên đời này có thể hiểu. Lâm hiền khanh…

- Có hạ thần.

- Khanh có biết, làm một quân vương như ta có những thứ không thể tự mình làm được, có những nỗi niềm không thể nói cùng ai. Khanh có hiểu không?

- Phải chăng người rất thương hoàng huynh, không muốn tổn hại hoàng huynh nhưng vì sự tôn nghiêm của bản thân, người không thể không làm gì trước hành động đó của hoàng huynh. Người cảm thấy lo lắng khi mệnh lệnh đã trót ban ra?

Đức vua lắc đầu:

- Không. Đó cũng chưa hẳn là điều khiến ta cảm thấy ray rứt không an. Điều khiến cho ta ngày ngày đau đáo là làm sao để muôn dân thiên hạ có thể an nhàn, đủ đầy, no ấm. Dù cho ta phải hy sinh những người quan trọng nhất của mình, ta cũng cam tâm. Hai tháng trước, Bảo Định Giang đê vỡ, ngàn người sống cảnh điêu linh, phía tây nam nửa năm trước xảy ra quân phiến loạn, tạo nên vô số thương vong. Ta thật lòng rất muốn đích thân đến đó, chính tay mình chăm sóc những bá tánh bị thương, tự tay dẹp yên loạn lạc, nhưng ta không thể…

- Hoàng thượng, người là ngọc thể, không thể hạ mình làm việc đó, huống hồ nơi đó xa nơi đây như vậy. Hoàng cung một ngày cũng không thể vắng người.

- Đúng vậy. Ta chỉ có thể đứng ở trên cao nhìn xuống, ta không thể rời khỏi nơi này vì muốn Đại Quyển quốc được yên, ngày ngày ta phải truyền những mệnh lệnh tối thượng làm an lòng thiên hạ, ta không đến những nơi chiến loạn, thiên tai được dù cho lòng rất muốn. Ta thật sự thương cho con dân của ta… Bảo Định Giang, mấy ngàn người sống trong cảnh đói khổ sau trận lũ kinh hoàng, ta lo lắng nhưng ngoài những mệnh lệnh mở quốc khố cứu đói cho dân, lệnh cho quan lại địa phương giúp đỡ cho dân ta không làm được gì nữa cả. Nhưng ta biết, những mệnh lệnh của ta ban ra, những xe lương chuyển đi, khi đến nơi, thứ mà người dân có được chỉ là những chén cháo loãng không thể loãng hơn, không bạc tiền, nhà cửa bị sập không thể xây cất lại. Ta biết nhưng không làm gì được, kiểm tra sổ sách báo cáo lên mọi thứ nhất định được viết rằng: quốc ngân đã đi đến nơi về đến chốn. Người dân được cơm ăn áo mặc, đủ, đầy.

Lâm tể tướng lặng người một lúc chừng như chưa hiểu hoặc chưa muốn hiểu hỏi lại:

- Ý của hoàng thượng là…

- Ta có thể thương dân như con nhưng quan nhân địa phương dưới tay ta thì không thương dân như con. Những xe quan ngân cứu tế đến tay dân đã bị lấy mất rất nhiều, ta biết những điều đó nhưng ta không thể bắt tội bọn chúng, ta không tận mắt thị sát thì không thể răn dạy chúng. Còn cho người tìm chứng cứ để trách tội chúng, thì việc cuối cùng chỉ có thể cách chức hết tất cả bọn người đó, làm vậy thì sau này ai sẽ đứng ra làm quan phụ mẫu đây? Ta cũng biết, nếu thay toàn bộ bọn nô tài ấy bằng những con người khác, mọi chuyện vẫn sẽ không thay đổi, bởi vì đó là sự cố hữu của lòng người, lo sợ và tham lam.

Lâm tể tướng chỉ biết im lặng lắng nghe.

- Có biết ta nói với khanh những chuyện này để làm gì hay không?

- Thần… ngu muội.

- Khanh là vị quan đầu triều, là người hiểu ta nhất nên hôm nay ta muốn khanh giúp ta phân ưu. Ta đang muốn tìm một cách nào đó để không phải cách chức, không phải trách phạt mà lũ nô tài vẫn ngoan ngoãn thương dân như con như lòng ta vậy, ta muốn khanh nghĩ cách giúp ta. Khanh luôn là người bên cạnh để phân ưu cho phụ vương của ta mấy mươi năm qua, lần này khanh giúp ta có được không?

- Điều đó, e rằng thần không thể…

- Ta cũng biết khanh không thể, bởi vậy hai năm qua ta để cho hoàng huynh thay ta làm những việc mà ta còn trăn trở.

Lâm tể tướng ngẩn người.

- Ta không thể đích thân đến bên cạnh con dân khoác lên người họ tấm áo, trao vào tay họ thuốc men, cho họ gạo trắng khi khốn cùng, nên ta để cho hoàng huynh thay ta làm việc đó. Nếu phải nói thật lòng, có lẽ trên đời này không ai có thể khiến ta tin tưởng ngoài hoàng huynh nên ta để cho huynh ấy tự do tự tại chăm dân thay ta bấy lâu nay. Đó là nguyện ước và cũng là lý do hoàng huynh rời khỏi ta, rời khỏi hoàng cung để đến với muôn dân. Trong hai huynh đệ bọn ta, huynh ấy mới thật sự là vua của đất nước này, còn ta thì không phải, ta chỉ là kẻ bù nhìn, là con rối của lũ nô tài.

Lâm tể tướng sụp quỳ xuống đất:

- Xin hoàng thượng tha tội.

Đức vua bình thản hỏi:

- Khanh có tội gì?

- Thần quản lý những quan nhân dưới trướng không nghiêm nên khiến hoàng thượng phải bận lòng, đó là tội của thần.

- Đứng lên đi. Khanh nhận tội về mình cũng không thay đổi được gì, dù ta có tìm một người khác thay vào vị trí của khanh, bọn nô tài kia cũng vẫn như vậy, chúng có suy nghĩ, có tham vọng của chính mình. Bản tính đó dù chết cũng không thay đổi.

Bàn tay của đức vua nắm lấy cánh tay Lâm tể tướng nâng lão đứng dậy.

- Vì sự tôn nghiêm của một vì quân vương, vì sự bình an cho thiên hạ ta không chọn xuất thêm nhiều ngân khố để cứu tế để đám nô tài nơi đó cứ được lợi mà người dân vẫn chẳng được no lòng, ta để cho hoàng huynh hai lần cướp cống phẩm phân phát cho bá tánh bị thiên tai, vì ta tin rằng chỉ huynh ấy mới đủ khả năng làm như vậy. Ta càng không muốn bắt tội bọn nô tài đó vì chúng cũng vì sự sống mới làm như vậy, cách chức đi người mới lên cũng sẽ vì sự sống mà làm như vậy. Lâm ái khanh…

- Có hạ thần.

- Lần này đến Vọng Nguyệt trại, ta chỉ muốn khanh làm một việc đó là nói cho hoàng huynh ta biết, kể từ bây giờ Vọng Nguyệt trại phải biến mất khỏi thế gian vì dù cho huynh ấy có làm gì với số bạc đó đi nữa tiếng vẫn là cướp của vua, tội không thể nào dung thứ.

- Hoàng thượng chỉ muốn thần chuyển lời chứ không phải quét sạch Vọng Nguyệt trại sao?

- Đúng vậy. Ta vẫn còn muốn dùng đến huynh ấy, vẫn muốn cho huynh ấy thực hiện ước vọng của mình. Vọng Nguyệt trại có thể không còn nhưng Vọng Nguyệt trại đệ nhị, đệ tam sẽ vẫn có thể thay ta làm những việc ta muốn nhưng không thân chinh được.

- Nghe những gì hoàng thượng vừa nói thần mới biết thần quả thật xưa nay chưa từng hiểu người, chưa từng hiểu hoàng huynh của người. Nói đúng hơn thần đã hiểu lầm hoàng huynh của người. Chỉ có Nguyệt nhi đêm ngày tin tưởng, đêm ngày đợi chờ hoàng tử Kim Long trở về, cùng nó nên duyên. Vậy mà đến cuối cùng, Lâm gia của thần vẫn hiểu lầm ngài ấy…

- Nhắc đến Lâm tiểu thư mới nhớ, dạo này nàng ấy vẫn khỏe chứ?

Lâm tể tướng thở dài, đức vua kinh ngạc:

- Nàng ấy không khỏe sao?

Lâm tể tướng lắc đầu:

- Hai ngày trước Nguyệt nhi nghe được tin tháng trước nhị hoàng tử đến dự lễ tỷ võ chiêu phu của Phan huyện lệnh, nự nhi rất buồn nhốt mình trong phòng và khóc rất nhiều.

- Huynh ấy đến chỉ để đoạt nàng tiểu thư ấy về cho vị bằng hữu chứ nào phải huynh ấy cưới cho mình.

Lâm tể tướng kinh ngạc:

- Điều đó là thật sao? Nhưng Nguyệt nhi không biết chuyện đó, nó những tưởng nhị hoàng tử thay lòng đổi dạ. Sau khi khóc một ngày một đêm, đứa con rồ dại đó uống độc dược để kết liễu mạng mình đến hôm sau khi không nghe tiếng khóc nữa, thần cho người phá cửa vào thì Nguyệt nhi đã trở thành người của thế giới bên kia.

_o0o_

Tả ngạn Bảo Định Giang.

Giữa buổi tiệc mừng công sau khi ngôi nhà cuối cùng bị sập đã được xây cất lại. Toàn Phong đang ngồi trên ghế, tay bưng chén rượu đầy, không hiểu sao chén rượu vô cớ rơi xuống đất vỡ tan tành. Gương mặt Toàn Phong thẫn thờ một cách kỳ lạ. Lão nhị ngồi bên cạnh hốt hoảng gọi:

- Đại ca sao vậy?

Hỏi đến lần thứ ba, Toàn Phong mới giật mình lắc đầu đáp:

- Không… không có gì, mọi người tiếp tục thôi. Lấy giúp ta cái chén khác là được.

_o0o_

Nơi Kim Loan điện, đức vua cũng lặng người một lúc lâu. Lâm Như Nguyệt – con gái của Lâm tể tướng là người hoàng huynh chàng rất yêu, trong đêm náo loạn hoàng cung năm trước, trước lúc rời đi hoàng huynh vẫn nhắc nhở chàng hãy chiếu cố cho nàng. Vậy mà Như Nguyệt ngày nay lại vì hiểu lầm mà tự tận. Đức vua khẽ thở dài nén nổi đau lòng, chàng biết mình vừa phụ lòng mong mỏi của hoàng huynh.

- Như Nguyệt thật khờ. Hoàng huynh biết chuyện hẳn sẽ đau lòng lắm.

- Thần cũng nghĩ vậy nhưng trước sau gì nhị điện hạ cũng biết, hoàng thượng cho phép thần cho nhị điện hạ hay tin.

- Ừ.

Lâm tể tướng nói vậy vì lão không biết đức vua và hoàng huynh có khả năng đặc biệt là tâm ý tương thông, người này biết chuyện cũng có nghĩa là người kia cũng đã biết chuyện. Vừa rồi khi Lâm tể tướng nói rằng Như Nguyệt đã chết, lúc đức vua nghe thấy, hoàng huynh của chàng cũng biết. Đức vua cũng biết, ngay khi hoàng huynh biết chuyện, chén rượu trên tay rơi xuống đất vỡ tan tành.

Một mối tình khắc cốt ghi tâm, khi biết rằng đã không thể nên đôi vì âm dương cách biệt mấy ai lại chẳng đau lòng.

Nhị hoàng, tam hoàng và Như Nguyệt là những đứa trẻ cùng lớn lên bên nhau, nếu nói rằng yêu không ai biết ai trong hai người con trai ấy yêu nàng nhiều nhất nhưng nàng lại chọn nhị hoàng. Nhị hoàng lại chọn muôn dân thiên hạ. Dù tam hoàng có trỡ thành người trên vạn người nàng cũng chẳng thay đổi tấm tình, lựa chọn tam hoàng để trở thành mẫu nghi thiên hạ. Nàng vẫn một lòng một dạ với nhị hoàng để bây giờ tức tưởi chết đi. Để lại nỗi đau như xé nát cõi lòng cho những người còn sống.

Lâm tể tướng đi rồi, đức vua lững thững trở về ngự thư phòng làm nốt những công việc hàng ngày là phê duyệt tấu chương. Lão thái giám khi nãy lui ra bây giờ bám theo sau chờ đức vua sai bảo, đó là bổn phận của lão. Đức vua đang đi, chợt quay người lại hỏi lão một câu:

- Ta biết họ yêu nhau, nhưng nhẫn tâm chia cách hai người bọn họ, bây giờ nàng không còn, cả huynh ấy và ta chỉ còn lại nỗi đau. Việc làm của ta trước đây là sai hay đúng? Có phải ta đã sai, có phải tất cả tội lỗi đều do ta gây ra không?

Lão thái giám chỉ biết im lặng cúi đầu không biết trả lời sao. Có lẽ lão không hiểu đức vua đang nói đến vấn đề gì nên không thể đáp cũng không dám hỏi lại vì nét mặt đức vua hôm nay xem ra rất bi thương. Cũng có thể lão biết đức vua đang nói đến chuyện gì nhưng lão chỉ là phận bề tôi, không biết nên luận bàn hay không, nên sau một hồi suy nghĩ lão chọn cúi đầu và im lặng.

Đức vua chừng như không chờ đợi lắm câu trả lời của lão nên hỏi xong liền cất bước đi tiếp về phía ngự thư phòng. Lão thái giám vẫn cứ im lặng, lầm lũi bước nhanh theo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.