Nguyên Thủy Chiến Ký

Chương 1-2: Đằng trước ơi, khố da tụt rồi




Trong hang đá có hơn hai mươi đứa bé đang nằm ngang dọc, bảy tám đứa đang đắp chung một tấm da thú mỏng đã cũ bị thủng nhiều lỗ, những đứa còn lại không đắp chung, có đứa có chăn da thú của riêng mình, có đứa thì nằm co ro một bên, cho dù là có chăn hay đang nằm co ro thì tất cả đều đang ngủ rất say.

Do lâu ngày không được dọn dẹp, người nằm ngủ lại nhiều nên trong hang bốc lên một mùi rất khó ngửi. Lỗ thông gió ở xung quanh có ánh nắng chiếu qua, miễn cưỡng chiếu sáng một ít cho hang động.

Ở một nơi sát bên trên hang, ngay dưới lỗ thông gió, một đứa bé mặc da thú cũ nát đang nằm ngủ, nhưng khác với những đứa kia ở chỗ, nằm ngủ bên cạnh đứa bé này còn có một con chó lớn gần bằng nó.

Thiệu Huyền mở to mắt, ngắm nhìn ánh mặt trời chiếu qua vai mình, dụi dụi mắt, leo lên thu dọn mớ cỏ khô dưới chân mình. Nhìn thấy hành động của Thiệu Huyền, con chó to lúc nãy nhắm mắt nằm bên cạnh vội ngồi dậy, ngoan ngoãn đứng kế bên, tiện cho Thiệu Huyền dọn mớ cỏ khô lúc nãy bị nó nằm đè lên.

Sau khi cuộn cỏ khô lại, Thiệu Huyền một tay ôm bó cỏ khô, một tay dắt sợi dây buộc chó rồi đi ra khỏi hang.

Không hiểu sao anh lại lạc đến chỗ giống như một bộ lạc thời tiền sử này, trở thành một thằng nhóc sống trong bộ lạc nơi thâm sơn cùng cốc, cơ thể ban đầu của thằng nhóc này rất yếu ớt, có lẽ vừa mới ốm khỏi không bao lâu, từ lúc Thiệu Huyền tỉnh lại trong cơ thể này đến nay đã hơn nửa năm rồi, nếu không quen thì cũng phải cắn răng mà chịu, sống tiếp mới là quan trọng nhất.

Thiệu Huyền chưa bao giờ nghĩ sẽ đến một nơi như thế này, nơi này khác xa với những gì anh biết về bộ lạc thời kỳ đồ đá, người ở đây nhìn bề ngoài không có gì đặc biệt nhưng thể chất thì thật phi phàm.

Từng nhìn thấy một người bình thường một tay vác một tảng đá to bằng vại nước đi lại bình thường trên đường chưa?

Từng nhìn thấy một người bình thường không dùng công cụ gì nhảy một phát lên ngọn cây cao hơn mười mét hái quả rồi nhảy xuống mà vẫn đứng vững chưa?

Dù gì kiếp trước Thiệu Huyền chưa được gặp, thì kiếp này… ngày nào cũng được gặp!

Còn về hang đá mà lúc nãy anh bước ra, có tên ban đầu là “Hang Trâu Nằm”, bởi vì nhìn cái hang có hình dáng giống hệt như một con trâu đang nằm, cái tên này là thầy phù thủy của bộ lạc năm xưa đã đặt tên, nhưng trải qua nhiều năm, thời gian thay đổi, bộ lạc ngày càng phồn thịnh phát triển, mọi người đều ra ngoài xây nhà riêng, cái hang này cuối cùng trở thành nơi ở của trẻ mồ côi trong bộ lạc, từ đó người trong bộ lạc đều gọi đây là “Hang Mồ Côi”, những đứa bé ở trong đó đều không có người thân chăm sóc, người trong bộ lạc cũng không muốn giữ lại, nói tóm lại “Hang Mồ Côi” chính là trại trẻ mồ côi của bộ lạc.

Sau khi Thiệu Huyền đến nơi này thì không hề gặp người của bộ lạc khác, nghe nói vùng núi này chỉ có một mình bộ lạc “Sừng Đỏ” của họ thôi.

Một bộ lạc cô lập, sống tự cung tự cấp.

Dắt theo con chó, Thiệu Huyền lững thững đi.

Chẳng bao lâu đã nhìn thấy những ngôi nhà gỗ với kích thước khác nhau, trong đó có một số căn được xây từ gỗ, đá và bùn, so với những ngôi nhà trước đó thì nhà xây bằng gỗ đá to hơn một chút, trông có vẻ kiên cố hơn, những ngôi nhà này có thể được xem là nhà giàu ở cả vùng núi này.

Cho dù là “nhà giàu” làm bằng gỗ hay bằng đá thì trong mắt của Thiệu Huyền cũng là những kiến trúc trông chẳng ra làm sao. Nhưng mà, sau khi ở đây một thời gian thì Thiệu Huyền cũng rất mong có được một ngôi nhà gỗ của riêng mình, chỉ là hiện tại chưa thể nào thực hiện được.

Lúc này đã có người ra ngoài làm việc, đàn ông thì mang công cụ bằng đá của mình ra mài, để dành lần đi săn kế tiếp có thể mang dao đá theo, còn phụ nữ thì cũng có việc của riêng mình, chẳng hạn như may da thú, phơi lương thực…

Thiệu Huyền đi đến đâu thì ánh mắt của mọi người đều hướng theo đến đó, không phải họ nhìn Thiệu Huyền mà là nhìn vào sinh vật đang được anh dắt đi, ánh mắt của họ đầy vẻ thèm thuồng, nuốt nước bọt liên tục. Trong mắt của họ thì thứ mà Thiệu Huyền đang dắt chính là một khối thịt, đủ cho họ ăn vài bữa, ánh mắt những con người đầu tắt mặt tối làm việc mà luôn đói bụng này lộ rõ sự ghen tị. Nhưng những người đó nhìn thấy thứ đeo trên cổ con vật kia thì đành phải kiềm chế ý định muốn đến cướp đi của mình. Đó là tấm văn bài của “phù thủy”, có nghĩa con vật này là của thầy phù thủy, họ không dám động vào. Trong mắt họ, Thiệu Huyền cũng chỉ là đang giúp thầy phù thủy trông nom con vật này.

Thật ra, con vật đi bên cạnh Thiệu Huyền là một con sói, sống trên núi, nhưng khi còn bé nó bị một chiến sĩ của bộ lạc bắt được trong lúc đi săn, đem về đưa cho Thiệu Huyền ăn, đúng lúc đó thầy phù thủy của bộ lạc đi ngang, để lại cho anh một mảnh văn bài có ký hiệu phù thủy rồi bỏ đi, Thiệu Huyền bèn đặt tên cho con sói ấy là Caesar, cùng tên với con chó mà Thiệu Huyền nuôi ở kiếp trước, anh nuôi Caesar hệt như nuôi một con chó cho đến hiện tại.

Tư duy của người ở đây cũng thật kỳ lạ, rõ ràng họ rất xem trọng thầy phù thủy, nhưng nhìn thấy thầy phù thủy tặng cho Thiệu Huyền mảnh văn bài xong mà thái độ của họ đối với Thiệu Huyền vẫn không hề thay đổi, cùng lắm chỉ là cố gắng nhẫn nhịn không đem Caesar đi làm thịt thôi, còn những việc khác thì vẫn như cũ, vì dù sao thầy phù thủy cũng không nói mọi người phải giúp đỡ Thiệu Huyền. Thầy phù thủy là nhân vật lớn đến thế, làm gì có thời gian quan tâm một đứa trẻ, thời gian trôi qua, mọi người cũng dần quen với việc có một thằng bé cứ dắt theo một con sói, Caesar từ một con sói răng mọc chưa đủ nay đã lớn thế này rồi mà thầy phù thủy vẫn chưa hề xuất hiện lại.

Nhưng có một điều khiến những người ở đây khó chịu chính là, Thiệu Huyền sao lại gọi Caesar là chó?

Chó là gì?

Nhưng thắc mắc này không kéo dài bao lâu, vì mọi người cũng không có thời gian để ý, có thời gian đi để ý thì thà đi làm việc khác quan trọng hơn: tìm thức ăn.

Thiệu Huyền đã quen với ánh mắt xung quanh, cứ xem như không có gì, tiếp tục dắt Caesar đi, người trong bộ lạc dù có thèm thuồng cách mấy cũng không dám đến cướp, cũng giống như Thạch Kỳ từng nói, thầy phù thủy có địa vị rất cao trong bộ lạc. Còn về việc tại sao thầy phù thủy sống tận ở “khu quyền quý” tít trên ngọn núi, địa vị cao nhất nhì bộ lạc ấy lại đem văn bài quý giá tặng cho một đứa trẻ ngủ trong Hang Mồ Côi không ai quan tâm như Thiệu Huyền, là do lúc đó Thiệu Huyền đã nói một từ “nuôi dưỡng”. Lúc đó ý của Thiệu Huyền muốn nói đợi nuôi cho Caesar lớn hơn một chút rồi hẵng giết thịt, đúng lúc thầy phù thủy đi ngang nghe được, đồng ý cho Thiệu Huyền nuôi nó, để ngăn người trong bộ lạc cướp nó đi, thầy phù thủy để lại một mảnh văn bài, đeo lên cổ của Caesar.

Vị phù thủy ấy rất có hứng thú với việc nuôi dưỡng, nhưng nửa năm nay ông ấy đi mà chưa thấy xuất hiện lại. Thế nên, ấn tượng của Thiệu Huyền đối với ông ấy chính là… một ông già vô trách nhiệm. Ông nghĩ nuôi sói dễ lắm sao? Mỗi ngày bị đám người ấy nhìn bằng con mắt ghen tị, nếu không có tâm lý vững thì đã bị bệnh tâm thần từ lâu rồi.

Nói tóm lại, việc nuôi Caesar hoàn toàn là một sự ngẫu nhiên.

Cuộc sống sao vất vả thế! Tuy vấn đề lương thực ở Hang Mồ Côi đều do bộ lạc giải quyết, nhưng đói vẫn cứ đói.

Thiệu Huyền buồn bã thở dài, nhìn về phía trước, đột nhiên mở to mắt.

Phía trước là một người đang vác một cây gậy đá, dài khoảng hai mét và có hình dạng giống một cây gậy bóng chày nhưng thô hơn nhiều, thứ này thật sự rất nặng, theo tiêu chuẩn ở kiếp trước của Thiệu Huyền mà nói thì cho dù có vác lên được cũng sẽ rất vất vả, nhưng người ấy chỉ vác nhẹ nhàng giống như đang vác một cây cuốc, vừa đi lên núi vừa ngáp, có lẽ đi gặp đám người săn bắt để bàn chuyện đi săn.

Đây chính là người ở đây, một người bình thường ở đây. Còn đối với Thiệu Huyền thì anh thuộc về đám người yếu ớt còn chưa thức tỉnh được lực tô-tem, đợi sau khi anh lớn lên đến hơn mười tuổi, thức tỉnh được lực tô-tem rồi thì mới có thể được xem là một chiến sĩ bình thường góp sức cho lực lượng săn bắt của bộ lạc. Lực tô-tem chính là tiêu chuẩn duy nhất để xác định xem một người có thể trở thành chiến sĩ săn bắt được không.

Còn về việc làm sao mới có được lực tô-tem thì Thiệu Huyền không rõ, có lẽ đến lúc đó sẽ biết.

Lúc này, ông chú với bộ dạng chưa tỉnh ngủ vác theo cây gậy đá đi đằng trước kia không hề biết rằng cái khố da mà mình đang mặc đã sắp tụt đến tận đầu gối rồi, giữa thanh thiên bạch nhật mà lại lộ hết cả hàng ra, nhưng những người xung quanh nhìn thấy cũng không ai có phản ứng gì.

Thiệu Huyền không nhịn được nữa, vội hét lên: “Chú vác gậy đi đằng trước ơi, khố da của chú tụt rồi!””

Người đi đằng trước đợi đến khi Thiệu Huyền gọi đến lần thứ ba mới vừa ngáp vừa ngoái đầu lại, nhìn Thiệu Huyền một lượt, ánh mắt dừng ở Caesar khoảng nửa phút, rồi mới cúi đầu nhìn cái khố bị tụt của mình, sau đó bình tĩnh kéo lên, thắt dây lại, tiếp tục vác gậy đi lên núi.

Thiệu Huyền không muốn nhiều chuyện nữa.

Đối với người trong bộ lạc mà nói thì lễ nghĩa liêm sỉ, cái đó là cái thứ gì? Có ăn được không? Không ăn được thì quan tâm làm quái gì!

***

(1) Tô-tem: Tô-tem giáo hay vật tổ giáo là niềm tin rằng mỗi con người hay mỗi nhóm người (như thị tộc, bộ lạc) có một mối liên hệ hoặc kết nối tâm linh với vật thể khác như cây cối hoặc động vật, thường được gọi là "vật thể tinh thần" hay "tô-tem"

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.