Người Yêu Cũ Thấy Tôi Ăn Lẩu Một Mình

Chương 52




Dịch: Hạnh

Lo xong buổi họp báo của “Bát Tiên vượt biển” tại Thượng Hải, Diệp Dương lên máy bay về ngay trong đêm.

Trước khi trở về, cô sắp xếp dành thời gian đi thăm bố mẹ.

Sau khi tới Thượng Hải, cô vẫn không thu xếp đến gặp họ được.

Cửa hàng bánh bao của bố mẹ Diệp Dương chỉ cách cổng ga tàu điện chừng năm mươi mét.

Cửa hàng nằm ở khúc ngoặt, hai bên lối rẽ có tới bảy tám quán ăn, nào quán nước, nào quán bán rượu bán thuốc, có cả vài tiệm malatang và bánh rán nữa.

Cửa hàng của bố mẹ nhỏ xíu, chỉ độ mười mét vuông.

Vì không có cửa sổ nên dù đang là ban ngày nhưng bên trong rất tối tăm.

Bố mẹ cô sáng thì bán bánh bao, trưa chiều bán thêm cả phở lạnh, mỳ lạnh và miến chua cay.

Trước kia khi tới Thượng Hải công tác Diệp Dương cũng từng tới thăm bố mẹ, nếu thời gian dư giả, cô còn giúp bố mẹ trông hàng, bán bánh.

Thật ra cô rất thích làm việc chân tay.

Những lúc không cầm cự nổi ở Bắc Kinh nữa, cô từng nghĩ tới chuyện thu dọn đồ đạc, tới Thượng Hải phụ giúp bố mẹ bán bánh, nhưng cuối cùng vẫn thấy thật kỳ cục nên cô đành gạt ý nghĩ này đi.

Trong cửa hàng có hai chiếc bàn xếp, thi thoảng lại bắt gặp một, hai khách hàng dùng bữa bên trong, nhưng hầu như họ đều chỉ mua mang đi.

Bố mẹ rất vất vả. Diệp Dương biết. Mỗi lần tới thăm họ cô lại thấy không đành lòng, Diệp Dương từng nhiều lần gọi cho Diệp Khoan, bảo cậu tới giúp bố mẹ. Cậu là thanh niên khỏe khoắn trẻ trung, cũng không ai mong cậu trở thành trụ cột của cửa hàng, nhưng giúp một tay cho vơi bớt gánh nặng của bố mẹ thì cũng chẳng phải chuyện khó khăn.

Diệp Khoan bảo cứ đứng bán đồ cả ngày thì chán lắm, cậu không tới.

Lần nào Diệp Dương cũng chỉ muốn cho cậu một cái bạt tai.

Tuy vậy, nếu bố mẹ nhọc nhằn cực khổ có một phần là vì cô thôi thì cô sẽ đau lòng tới chết. Nhưng họ không làm vì cô, nên nhiều khi cô không để bản thân mình quá mềm lòng, chỉ hết sức hoàn thành nghĩa vụ của một cô con gái là được.

Diệp Dương không báo với bố mẹ trước khi ghé. Thấy cô bất ngờ tới thăm, bố mẹ cô khá vui mừng.

Vừa vui vừa bứt rứt, như đang đón tiếp một vị khách từ xa ghé thăm chứ chẳng phải con gái mình.

Bọn họ chào hỏi nhau vô cùng khách sáo. Bố mẹ hỏi công việc của cô sao rồi, cô hỏi chuyện làm ăn của bố mẹ thế nào, rồi vậy là cuộc trò chuyện chấm dứt. Bầu không khí thoáng phần lúng túng, Diệp Dương cố tìm chuyện để nói, bảo mình đói rồi, nhờ bố mẹ múc cho một bán phở lạnh.

Lúc Diệp Dương ngồi xuống ăn phở lạnh, mẹ cô là bà Tưởng Chí Liên cũng ngồi trên chiếc ghế đối diện, nhìn cô ăn một hồi, bà mới từ từ tìm đề tài để trò chuyện.

Tưởng Chí Liên nói gần Tết hai ông bà sẽ đính hôn cho Diệp Khoan, hỏi cô thấy sao.

Lúc Diệp Khoan ngoài hai mươi, Tưởng Chí Liên đã muốn đính hôn cho cậu rồi.

Tưởng Chí Liên nghĩ sau khi kết hôn, có gia đình rồi, có khi Diệp Khoan lại tiến bộ hơn cũng nên.

Nhưng Diệp Khoan không chịu, Diệp Dương cũng không muốn.

Diệp Dương nghĩ người đã không có chí tiến thủ thì dù có kết hôn cũng chẳng tự nhiên tiến bộ được. Đến lúc có con mà Diệp Khoan còn không chịu trưởng thành thì bao nhiêu áp lực sẽ đè cả lên lưng bổ mẹ. Mà quả thực là một Diệp Khoan ở tuổi hai mươi còn quá nhỏ, đâu đã biết gì, cô bèn đề nghị để Diệp Khoan lớn thêm chút nữa hẵng bàn. Giờ bốn năm đã trôi qua, Diệp Khoan vẫn y như thế, Diệp Dương đã thông suốt rồi. Đời người muôn hình vạn trạng, không phải ai cũng muốn leo lên cao, có những người chỉ loanh quanh tại chốn cũ suốt kiếp, nhưng đó cũng là một cách sống, cứ kệ cậu thôi.

Tưởng Chí Liên thấy Diệp Dương không có ý kiến gì mới lại nhắc đến chuyện của cô.

Diệp Dương không muốn cãi cọ với mẹ vì chuyện này, vậy nên nghe mấy câu đầu cô đã ngắt lời bà, nói mình có người yêu rồi, giờ cô đang sống chung với anh.

Tưởng Chí Liên rất ngạc nhiên, bà vội hỏi anh là người ở đâu, bao nhiêu tuổi, gia đình thế nào.

Diệp Dương đáp anh là người Bắc Kinh, ba mươi tuổi, không biết gia đình ra sao.

Tưởng Chí Liên sợ cô lừa bà, bèn đòi xem ảnh. Diệp Dương tìm ảnh Trương Kiền cho họ xem.

Tưởng Chí Liên và chồng cầm điện thoại nhìn mấy lượt, thấy người này quá tốt so với tưởng tượng của họ, chợt không thốt nổi tiếng nào.

Diệp Dương vùi đầu ăn phở lạnh.

Tưởng Chí Liên luôn cho rằng con gái mình kén chọn, tìm người yêu thì đòi người phải vừa đẹp trai vừa nhiều tiền, hôm nay xem ảnh, thấy người này ưa nhìn thật, bà bèn quả quyết mình đã đoán đúng. Ngập ngừng một hồi, Tưởng Chí Liên kìm lòng không đậu bèn nói: “Muốn sống lâu dài với người ta thì đừng có nhìn mỗi mặt không, đẹp trai không mài ra mà ăn được đâu con ạ. Giống bố con kia kìa, mặt mũi tử tế nhưng đầu óc rỗng tuếch, làm gì cũng hỏng, làm gì cũng dở, chừng này tuổi rồi mà chỉ có thể thức khuya dậy sớm bán bánh bao với mẹ.”

Diệp Dương nhìn bà, nói: “Con không thích anh ấy vì anh ấy đẹp trai. Chỉ trùng hợp người con thích lại ưa nhìn thôi, chẳng lẽ con lại chê người ta?”

Rõ là Tưởng Chí Liên không tin, bà dặn đi dặn lại: “Người đẹp đẽ lắm thị phi, bố con thật thà thế mà vẫn gây chuyện đấy thôi. Không có bản lĩnh thì đừng mù quáng đâm đầu vào, đến lúc khổ chỉ có mình con khổ thôi.”

Thời còn trẻ bố Diệp Dương từng phạm sai lầm thật, ông ngoại tình. Người tình của ông trẻ trung xinh đẹp, thấy bố Diệp Dương ưa nhìn, tính tình thật thà đôn hậu, bèn xúi bẩy ông ly hôn để cưới bà ta. Khi ấy bố Diệp Dương có ý ly hôn thật, chỉ là lúc đó Diệp Dương và Diệp Khoan đã ra đời rồi, gia đình lại sống chết không chịu nên hai ông bà mới không chia tay. Nhưng dù không chia tay thì chuyện này đã trở thành tâm bệnh của Tưởng Chí Liên. Tiêu chuẩn của Tưởng Chí Liên với con rể là phải trái ngược chồng mình. Không cần đẹp, người đẹp toàn là bình hoa, hơn nữa còn lắm thị phi.

Diệp Dương nói: “Chuyện còn chưa đâu vào đâu, nghĩ nhiều cũng vô ích, thôi thì cứ thuận theo tự nhiên.”

Tưởng Chí Liên thấy cô không để ý lại đâm khó chịu: “Có phải con vừa mới tốt nghiệp đâu, sắp ba mươi rồi đấy, phải để tâm đi chứ. Không kết hôn được thì đừng yêu đương linh tinh, phí thời gian.”

Diệp Dương thấy mẹ mình lại chuẩn bị nổi đóa bèn đặt đũa lên chiếc bát nhựa, rút một tờ giấy ra lau miệng, cô nói: “Mẹ, tối nay con phải lên máy bay, không ở lại lâu được, con đi đây.”

“Trời ơi trời ơi, con đừng đi vội.” Tưởng Chí Liên thấy cô toan bỏ đi bèn tức tốc chuyển đề tài, “Tết năm nay con có về không?”

Diệp Dương lắc đầu: “Con có một dự án phải làm xuyên Tết, chắc không về được đâu.”

Tưởng Chí Liên cũng không vòng vo nữa, bà nói thẳng: “Em con cưới vợ, nhà mình lại phải bỏ ra một khoản tiền, mấy năm nay tiền bố mẹ kiếm được phải gom góp trả nợ hết rồi, giờ cũng chẳng còn mấy của để dành. Con có còn tiền không, nếu còn thì cho bố mẹ vay một ít, qua đợt này bố mẹ sẽ trả con.”

Diệp Dương nghe mẹ lại nhắc đến tiền, mặt cô lạnh tanh: “Nó là người kết hôn mà chẳng lẽ không chịu bỏ một xu sao, không có tiền thì đừng cưới, lại phiền lụy đến người nhà.”

Tưởng Chí Liên thích Diệp Khoan hơn Diệp Dương nhiều, đây là sự thật không thể chối bỏ. Vì Diệp Khoan ăn nói rất khéo, dù có làm được hay không thì cứ khoác lác vênh váo trước đã rồi tính sau, cậu nịnh nọt dỗ dành Tưởng Chí Liên, khiến lúc nào bà cũng vui phơi phới. Mà trước khi nói gì thì Diệp Dương đều phải nghĩ xem mình có làm được không. Không làm được thì cô nhất quyết không chịu lên tiếng, vậy là dù Diệp Khoan chẳng ra gì, Tưởng Chí Liên cũng cảm thấy cậu giỏi hơn Diệp Dương. Thấy Diệp Dương nói con trai mình vậy, bà bèn bênh chằm chặp ngay: “Con xem con nói kìa, chẳng lẽ con định để nó lêu lổng cả đời à? Nó kết hôn thì bố mẹ cũng đỡ nhọc lòng, về sau nó có sống thế nào thì bố mẹ cũng không phải lo nữa.”

Diệp Dương không tin lời mẹ mình, nhưng cô không muốn bóc trần bà: “Bố mẹ có bao nhiêu?”

Tưởng Chí Liên thấy cô lung lay, biết đã có hy vọng, bà bèn kiên quyết: “Đây không phải chuyện nhỏ, nhiều cái cần tiền lắm, con cho bố mẹ vay được bao nhiêu?”

Nghe vậy, Diệp Dương mất hết khẩu vị, cô cất lời: “Lương tháng của con chỉ có từng này thôi, Bắc Kinh đắt đỏ, không tiết kiệm nổi tiền. Con biết nhà mình khó khăn, nhưng con cũng khó khăn. Nhiều nhất con chỉ đưa trước bố mẹ tiền mừng con chuẩn bị cho nó thôi, còn lại thì con không có đâu.”

Tưởng Chí Liên thấy cô kiên quyết vậy mà lửa giận lại bốc ngùn ngụt: “Con đi làm bảy tám năm mà chỉ có mấy đồng thôi sao? Không muốn cho vay thì thôi, chứ đừng bảo không có tiền. Tôi và bố cô có làm lụng cực khổ đến chết cũng không vay tiền cô nữa.”

Thấy bà uy hiếp mình, Diệp Dương cũng giận: “Tiền lương con chỉ có thế thôi, vốn đã chẳng tiết kiệm được bao nhiêu rồi, tiền để dành chỉ trông vào thưởng cuối năm. Nhưng con bỏ hết tiền thưởng ra cho mẹ và bố rồi, bố mẹ còn muốn thế nào nữa? Còn nữa, con nhắc lại một lần, nếu bố mẹ cần tiền thì bao nhiêu con cũng đưa, nhưng bố mẹ đừng có nghĩ tới chuyện lấy một đồng từ tay con cho Diệp Khoan. Con không có đâu. Bố mẹ cam tâm chịu khổ vì nó là chuyện của bố mẹ, con không có cái nghĩa vụ đó.”

Tưởng Chí Liên tức giận tới nỗi cả người run lẩy bẩy, bà chỉ thẳng mặt cô: “Cô đừng chỉ có nói mồm, giờ tôi và bố cô cần tiền sao cô không cho?”

Diệp Dương cảm thấy mình hơi quá khích, cô bình tĩnh lại rồi nói: “Ý con bảo là nếu bố mẹ không có cái ăn, không có chỗ ngủ, hay là mắc bệnh, chắc chắn con sẽ đưa tiền cho bố mẹ. Nhưng con không quan tâm tới chuyện Diệp Khoan mua nhà hay kết hôn.”

Tưởng Chí Liên la toáng lên: “Hai đứa là chị em mà, cô giúp nó, nó giúp cô, đâu cần phải tách bạch rõ ràng như vậy.”

Diệp Dương gắng sức bình tĩnh: “Mẹ, con không mong nó giúp con, con chỉ mong nó tự lo cho mình, đừng liên lụy đến bố mẹ là được.”

Tưởng Chí Liên thấy thái độ cô đã mềm mỏng mà lửa giận cũng vơi bớt chút đỉnh, bà nửa dỗ dành, nửa uy hiếp: “Nếu bố mẹ lao lực vì nó đến chết thì về sau chỉ có hai chị em con nương tựa nhau thôi. Chi bằng giờ con ráng giúp đỡ em trai mình, bố mẹ còn khỏe là cái phúc của hai con.”

Diệp Dương khựng lại, cô nói: “Không phải trước đó chúng ta đã bàn con sẽ mừng nó ba tháng lương sao, mừng nó năm mươi nghìn tệ vẫn chưa đủ à? Bố mẹ cũng đừng bảo bố mẹ sẽ mừng lại con, nó cho con được một nghìn tệ thôi thì con cũng mừng rơi nước mắt.”

Tưởng Chí Liên vốn tưởng cô chỉ mừng mười nghìn tệ thôi, nào ngờ lại là năm mươi nghìn, bá hé miệng nhưng không thốt nổi thành lời.

Diệp Dương bỏ thẳng tới sân bay, tới nơi rồi, cô định gửi thông tin chuyến bay cho Trương Kiền, nhưng cuối cùng vẫn đành thôi. Xuống máy bay cô mới nhắn anh mình quên không gửi giờ bay, mà cô cũng đã đến nơi rồi, anh không phải tới đón cô nữa.

Về công ty Diệp Dương mới nhận được tin nhắn trả lời của anh, chỉ có một chữ: “Ừ.”

Hôm sau cô phải gửi bản thảo và đăng bài trên tài khoản truyền thông số chính thức, công việc chồng chất, mà Lâm Thiên Nhất lại đi hẹn hò với Biên Tử rồi, chỉ khổ cho Diệp Dương phải giám sát công việc một mình.

Giám sát mọi người làm việc xong xuôi rồi cô mới xách vali về nhà.

Về đến nhà, tắm rửa xong, cô vào bếp làm một bát sủi cảo, lúc đang ngồi ăn cô nghĩ tới chuyện nhà mình, rồi lại nghĩ đến Trương Kiền. Cô thật sự cảm thấy hai bên như hai thế giới song song. Ngẩn ra một hồi, cô nhắn tin cho anh: “Em nhớ anh.”

Lát sau, anh trả lời: “Hôn em.”

Thường thường cô chẳng lạ gì hai chữ này. Nhưng nghĩ tới cảm giác lúc hôn anh, cô lại thấy tim mình ấm áp, như thể anh đang thật sự hôn cô vậy.

Cô đặt điện thoại xuống, tiếp tục ăn sủi cảo.

Hôm sau, thu xếp xong công việc cho buổi họp báo, Diệp Dương gọi điện cho chủ nhà để thương lượng trả phòng.

Cô ký hợp đồng thuê nhà một năm, đặt cọc một tháng, trả tiền thuê theo quý, chủ nhà nói cùng lắm chỉ có thể trả lại cô tiền thuê, không trả tiền cọc được.

Chuyện này đúng là lỗi của Diệp Dương, cô không có gì để cự nự.

Trước khi quyết định dọn đi, Diệp Dương hẹn Biên Tử đi ăn cơm.

Giờ cô bạn này đang trong giai đoạn yêu đương nồng nhiệt, lúc nào cũng nở nụ cười hiền từ như một bà mẹ. Khi đang ăn cơm, điện thoại cô ấy cứ rung lên không dứt, chốc chốc Biên Tử lại kể với Diệp Dương Lâm Thiên Nhất đã làm chuyện gì đó đáng yêu, đã nói thứ gì đó dễ thương.

Diệp Dương những tưởng một người từng trải như Biên Tử sẽ thích kiểu đàn ông sâu lắng, trưởng thành, nào ngờ bạn mình lại si mê Lâm Thiên Nhất thật thà đứng đắn.

Diệp Dương lấy làm lạ, bèn hỏi cô ấy thích gì ở Lâm Thiên Nhất.

Biên Tử bèn kể cho cô hay, có lần cô ấy và Lâm Thiên Nhất đi tàu điện ngầm, Lâm Thiên Nhất đã trò chuyện cùng vài người công nhân trên tàu.

Thường thì người lịch sự đều sẽ không tỏ vẻ khinh thường dân lao động, nhưng nếu bắt gặp người ta trên tàu điện ngầm họ vẫn sẽ né tránh, chứ đừng nói là trò chuyện thoải mái. Nhưng Lâm Thiên Nhất lại chẳng hề để tâm tới chuyện này.

Biên Tử cảm thấy Lâm Thiên Nhất có một tấm lòng chân thành trong sáng, thậm chí còn rất đáng yêu,

Nghe vậy là Diệp Dương hiểu ngay. Đúng là sự nhiệt tình của Lâm Thiên Nhất rất công bằng, anh sẽ không bao giờ thay đổi thái độ vì khác biệt thân phận địa vị, điều này đúng là rất quý giá. Ít ra thì nó cũng chứng minh anh không phải kiểu người thiển cận.

Nói xong chuyện Lâm Thiên Nhất, Diệp Dương bèn nói cho Biên Tử nghe việc mình chuyển tới ở chung cùng Trương Kiền. Cô vốn mong Biên Tử sẽ động viên mình, nào ngờ Biên Tử lại tạt cho cô một gáo nước lạnh. Biên Tử nói: “Sống chung là thử thách với tất cả các cặp đôi, cứ liên tục đụng mặt nhau, không có không gian mà bay bổng tưởng tượng, không có cảm giác hồi hộp căng thẳng, lúc nào cũng chuyện dầu muối củi gạo tầm thường, chẳng mấy chốc cảm xúc mãnh liệt sẽ tiêu tan. Mà hai người lại mới quay về với nhau, không có nền móng tình cảm, tình yêu chín năm trước lại càng như lâu đài cát, nếu cậu gây dựng tiếp trên cái nền ấy thì tớ e kết quả không được như ý đâu.” Rồi Biên Tử bồi thêm, “Đương nhiên tớ nói không phải để cậu thấy bi quan, nhưng dẫu sao cũng phải chuẩn bị tâm lý, làm lại từ đầu là một ván bài mạo hiểm, xác suất thành công cũng chỉ bằng trúng xổ số thôi.”

Diệp Dương thở dài, cô cười: “Thôi tớ nghĩ cậu nên gọi Thiên Nhất tới đây, tớ cẩn một người có chủ nghĩa lạc quan để tiếp niềm tin.”

Biên Tử cũng bật cười: “Vậy cậu có muốn nghe lời khuyên của tớ không?”

Hai mắt Diệp Dương sáng rỡ: “Cậu nói đi.”

Biên Tử đáp: “Đừng vội ân ái.”

Diệp Dương sững sờ.

Biên Tử nhấp một ngụm bia rồi chầm chậm giải thích: “Ban đầu khi ở chung, hai người sẽ có cảm giác mới mẻ, ít chung đụng thân mật sẽ giúp kéo dài cảm giác mới mẻ ấy thêm đôi chút. Trong khoảng thời gian này, cậu phải gắng mà bồi dưỡng tình cảm, tình cảm đủ rồi hẵng làm, nếu không khi kích thích biến mất, hai cậu chỉ có thể dứt áo bỏ đi thôi.” Rồi cô nói thêm, “Tớ thấy có vẻ anh ấy là người từng trải trong chuyện tình cảm, chắc cũng phải hiểu điều này. Trừ khi anh ấy chỉ muốn kích thích, không quan tâm tới hậu quả.”

Trên đường về, Diệp Dương cứ nghĩ mãi những lời Biên Tử nói, càng ngẫm nghĩ cô càng thấy có lý. Thậm chí cô còn hơi hối hận vì ban đầu đã tùy tiện ân ái với anh. Nhưng khi đầu cô thật sự không nghĩ tới chuyện hai người sẽ sống cùng nhau, cô chỉ muốn giải quyết nhanh gọn thôi.

Vào đến khu chung cư, cô bước tới trước tòa nhà, tiến lên nấc thềm trước cổng, đang định nhấn mật mã thì điện thoại đút trong túi áo khoác đã rung lên. Rút ra xem, thấy người gọi là Trương Kiền, cô bèn nghe máy.

Trương Kiền lời ít ý nhiều: “Quay lại đi.”

Trương Kiền thoáng ngạc nhiên, trong lúc quay người lại, cô nghĩ có khi anh đã tới đây rồi, tim cô chợt đập rộn lên. Cô đưa mắt tìm kiếm bóng anh theo bản năng, loáng thoáng thấy có người đang đứng trong đình ngắm cảnh của hàng cây xanh trước tòa nhà. Người ấy đang cầm điện thoại, màn hình lập lòe ánh sáng như ánh sao đêm. Diệp Dương chưa kịp nhìn kỹ thì giọng anh đã vọng lên qua điện thoại: “Em thấy chưa?”

Tim Diệp Dương đập thình thịch. Cô cúp máy, bước về phía đình ngắm cảnh.

Đình ngắm cảnh có ba nấc thềm. Anh đứng ở bậc thang thứ hai. Diệp Dương vừa lại gần đã ngửi thấy mùi thuốc lá, cô chun mũi, hỏi: “Sao anh lại tới đây?”

Trương Kiền không đáp lời cô, anh hỏi: “Em quên thật sao?”

Câu hỏi không đầu không đuôi này khiến cô bần thần, hồi lâu cô mới ý thức được anh đang hỏi chuyện lúc trở về từ Thượng Hải cô không để anh tới đón, cô bèn bật cười, nhưng lại không đáp mà chỉ khoác tay anh: “Chúng ta đi dạo một lát đi, em vẫn rất thích nơi này.”

Cô không muốn nói, Trương Kiền cũng không truy hỏi, anh chỉ nắm lấy tay cô, kéo cô sang bên phải, rồi lại để cô khoác lấy tay mình. Diệp Dương bèn hỏi anh: “Anh đợi bao lâu rồi, sao không gọi cho em, lỡ hơn mười giờ em mới về thì chẳng phải anh phải đợi thêm một tiếng nữa sao?”

Trương Kiền dửng dưng đáp: “Vậy đành chịu thôi.”

Tim Diệp Dương thắt lại, cô cười: “Em tưởng lúc hẹn hò thì mẫu đàn ông trẻ tuổi có sự nghiệp như anh cũng hành xử y như trong công việc, chỉ quan tâm tới năng suất mà bỏ bẵng lãng mạn, không ngờ anh lại kiên nhẫn tới vậy.”

Trương Kiền thủng thẳng: “Vậy tức là em có thành kiến với mẫu đàn ông trẻ tuổi có sự nghiệp.”

Diệp Dương bật cười: “Không phải là nhờ anh mà em đã sửa lại thành kiến rồi đó sao?”

Trương Kiền lại hỏi: “Em đã bàn xong chuyện trả phòng chưa, khi nào em dọn tới?”

“Em bàn xong rồi.” Diệp Dương hỏi, “Sắp tới anh có phải đi công tác không?”

Trương Kiền suy nghĩ: “Thứ Tư thứ Năm tuần sau anh phải đi Hong Kong.”

Diệp Dương gật đầu: “Vậy thứ Tư em sẽ xin nghỉ để chuyển nhà.”

Bước chân Trương Kiền khựng lại, anh hỏi: “Tại sao?”

Diệp Dương giải thích: “Em không muốn anh giúp em chuyển nhà, cũng không muốn anh nhìn em chuyển tới nhà anh. Em muốn nhân lúc anh không có ở đây để lẳng lặng chuyển đến, đợi đến khi anh trở về, phát hiện nhà mình có thêm một người, chắc chắn anh sẽ rất mừng rỡ.”

Trương Kiền thoáng thấy khó hiểu: “Kế hoạch này rất hay, nhưng nếu em muốn để anh bất ngờ thì đáng ra không nên nói cho anh biết chứ?”

Diệp Dương mỉm cười: “Em cũng muốn khiến anh hoàn toàn bất ngờ lắm, nhưng em không biết địa chỉ, không biết mật mã nhà anh, cũng chẳng biết lịch trình công việc anh thế nào, chắc chắn em không thực hiện được kế hoạch này. Nhưng dù hiệu quả có kém đi chút đỉnh thì cũng khá hơn là anh chuyển nhà giúp em hay là nhìn em chuyển vào nhiều.”

Thật ra cô vừa dứt lời thì kế hoạch này đã có hiệu quả rồi. Vì Trương Kiền đã kìm lòng không đậu, bắt đầu tưởng tượng ra bóng cô tiến vào nhà mình, thậm chí anh còn thầm chờ mong ngày thứ Năm tuần sau mau đến. Khi trở về từ Hong Kong, anh mở cửa nhà, rồi sẽ nhìn thấy một bức tranh.

Khi đó đã là nửa đêm, đèn phòng khách tắt ngóm, nguồn sáng duy nhất đến từ màn hình TV, nó lờ mờ soi sáng khung cảnh phòng khách, mà khi ấy cô đang cuộn tròn trên sofa, như một chú mèo, lặng im không một tiếng động.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.