Người Tôi Yêu, Nay Đã Bạc Đầu

Chương 8




Dương Quân ở lại chơi với Du Dao mấy ngày rồi chuẩn bị quay về. Vốn là hai vợ chồng cô giúp con trai trông cháu, vì vắng nhà mấy ngày nên nhờ bảo mẫu chăm nom, kết quả cháu ngã bệnh, Dương Quân và chồng đều lo lắng. Hơn nữa trong khoảng thời gian này Dương Quân quá kích động, khiến cơ thể bắt đầu biểu tình, bác sĩ riêng của cô lại không ở đây nên Du Dao bảo họ trở về.

Dương Quân áy náy kéo tay Du Dao: “Bao giờ cháu mình khỏi bệnh thì bọn mình sẽ quay lại thăm cậu, ở cùng cậu thêm một thời gian nhé.”

Du Dao cười nói: “Không cần đâu, bà cụ nhà cậu mau mau về chăm sóc sức khỏe đi! Đừng có chạy qua chạy lại làm gì, nếu nhớ mình thì hai ta có thể video call tán chuyện, với công nghệ bây giờ thì nhất định không khác gì đang gặp mặt trực tiếp, mình cảm thấy như vậy rất tuyệt.”

Bà cụ Dương Quân mếu xệch: “Cậu chê mình già chứ gì?”

Khủng khiếp thật, đã lên chức bà nội rồi mà vẫn còn xị mặt như cô nhóc ở nhà trẻ ngày nào. Có người nói, dù phụ nữ có bao nhiêu tuổi thì vẫn chỉ là đứa trẻ ở trước mặt người yêu, nhưng Du Dao thấy câu này áp dụng với bạn thân cũng chẳng sai. Dương Quân của hiện tại hiển nhiên vẫn còn là một cô gái thích làm nũng.

Du Dao nhăn nhó ra mặt, song lại nói: “Sao có thể chứ, đến lão Giang mình còn không chê thì sao có thể chê Quân Quân nhà mình được!”

Trước khi lên máy bay, Dương Quân vẫn lưu luyến nhìn Du Dao: “Nếu cậu có thể đến nhà mình chơi thì tốt biết bao.”

Đây là chuyện bất khả thi, bởi vì Du Dao vẫn còn đang ở thời kỳ quan sát, trong nửa năm này không được phép xuất ngoại.

“Được, chừng nào mình đi được thì chắc chắn sẽ đến thăm cậu liền.” Nghe Du Dao nói thế, Dương Quân mới vui hơn chút đỉnh, lúc bị ông cụ nhà mình hò, cứ đi được một bước là cô lại quay đầu nhìn bạn như thể sẽ không còn gặp lại. Nhìn bạn tốt đi xa, Du Dao thầm nghĩ, có lẽ Dương Quân đang nhớ đến ngày mà cô biến mất nhiều năm về trước.

Trước khi cô ra ngoài đi chợ không lâu thì từng nhận được điện thoại của Dương Quân, hai người hẹn nhau đi xem một bộ phim mới ra rạp rồi tiện thể dạo phố, tựa như những lần trước đó, thế rồi cô mất tích. Trong bốn mươi năm cô biệt tăm, ngoài Giang Trọng Lâm, Dương Quân cũng đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ, dù không phải từng giây từng phút đều nhớ đến cô, nhưng chỉ cần nhớ thì trong lòng chắc chẳng dễ chịu gì.

Tựa như một cái gai ghim trong lòng.

“Nhớ đợi mình đến thăm cậu nhé!” Du Dao bỗng hô to, rồi cô trông thấy bà cụ ở bên kia nhảy cẫng lên, ra sức vẫy tay với cô, có vẻ rất phấn khởi.

Lần đầu tiên sau khi vượt thời gian, Du Dao cảm thấy may mắn, may mà chỉ là bốn mươi năm, may mà Giang Trọng Lâm và Dương Quân vẫn còn sống, may mà cô vẫn còn cơ hội gặp lại họ. Nếu chẳng may vượt xa hơn, cô thật không dám nghĩ đến cảnh tất cả những người cô quen biết đều đã nhắm mắt xuôi tay cùng nỗi tiếc nuối, không được nhìn nhau cả một lần cuối cùng.

“Chúng ta đến một nơi trước đã nhé.” Giang Trọng Lâm lái xe rời khỏi sân bay.

“Đi đâu cơ?” Du Dao ngờ vực nhìn anh. Chắc anh sẽ không dẫn cô đi nơi nơi để hoài niệm thời thanh xuân như Dương Quân đấy chứ!?

Sự thật chứng minh, Giang Trọng Lâm không có chung cảm xúc ấy. Anh tới tiệm hoa mua cúc trắng, Du Dao vỡ lẽ, thế là cô bắt đầu im lặng.

Giang Trọng Lâm không đến nghĩa trang mà đến bia tưởng niệm liệt sĩ ở Hải Thành. Bởi vì hôm nay là ngày thường nên xung quanh chẳng có mấy người. Du Dao đứng trước bia tưởng niệm, Giang Trọng Lâm đưa bó cúc trắng cho cô, nói: “Bố em không lập bia mộ, tro cốt của ông ấy được chôn ở sau chỗ này.”

Du Dao vô cảm nhìn tấm bia tưởng niệm to lớn, lần lữa không đặt hoa lên.

“Sau khi em mất tích được bảy năm, ông ấy hy sinh trong một lần truy bắt tội phạm, đồng nghiệp đã gửi lại lời trăn trối của ông ấy cho anh.”

“‘Cả đời tôi cống hiến cho lý tưởng và công lý, chưa từng làm chuyện xấu nào, ai cũng bảo tôi là một cảnh sát tốt, nhưng tôi chẳng mấy tự hào về điều đó mà chỉ cảm thấy hổ thẹn, bởi để trở thành một cảnh sát tốt, tôi đã không làm tròn bổn phận của một người chồng, người cha, hậu quả là vợ con ly tán. Sau khi tôi chết, đừng chôn tôi chung với vợ con, tôi nghĩ họ chẳng muốn gặp lại tôi đâu’, đây là lời trăn trối của ông ấy.” Giang Trọng Lâm thuật lại.

Đôi môi Du Dao mấp máy, muốn châm chọc rằng người này vẫn còn rất biết thân biết phận, nhưng khi nhìn tấm bia đá lạnh băng thì cô lại không nói nên lời.

Hồi nhỏ quan hệ giữa hai bố con rất tốt, lúc còn học ở nhà trẻ, cô luôn tự hào nói với tất cả các bạn rằng bố mình là một vị anh hùng vĩ đại, cho dù ông thường xuyên vắng nhà, thỉnh thoảng bỏ lỡ những buổi họp phụ huynh và ngày sinh nhật của cô, nhưng mẹ nói bố đang giúp đỡ những người gặp khó khăn giống như siêu nhân, vì thế cô tha thứ cho người bố luôn bề bộn công việc của mình.

Sau này lớn dần, cô mới biết bố chẳng phải siêu nhân lợi hại gì mà hầu hết chỉ làm những việc lặt vặt không đáng kể, nhà này cãi nhau, nhà kia mất đồ, ông đều muốn chen chân vào, về đến nhà, cởi bộ đồng phục cảnh sát kia ra rồi, ông vẫn không thể an tâm làm trụ cột của cả nhà, đồng hương có chuyện gì cũng nhiệt tình giúp đỡ, bỏ rơi gia đình của mình.

Lần đầu tiên Du Dao cảm thấy bất mãn với ông là hồi cô còn học tiểu học, nhà bọn họ cần đổi bình ga, cô lại thấy bố bê bình ga giúp một người hàng xóm lạ, để mặc người mẹ gầy yếu của cô vã mồ hôi khiêng lên lầu. Khi ấy cô nghĩ, bố không thấy hai mẹ con họ cũng cần ông ư?

Đó chỉ là một việc nhỏ, nhưng việc nhỏ nhặt tích tụ càng nhiều thì ắt sẽ có ngày bùng nổ. Và điểm bùng nổ ấy chính là cái chết của mẹ.

Năm Du Dao lên cấp hai, mẹ lại mang thai lần nữa, bố cô mừng rơn, dành thời gian ở nhà nhiều hơn một chút. Du Dao học nội trú, mỗi tuần chỉ có thể về một lần, lần nào cô cũng ngồi ngắm cái bụng của mẹ, chờ mong ngày em trai chào đời.

Gần đến ngày sinh dự kiến, tuy Du Dao lo sốt vó nhưng bố nói ông đã xin nghỉ vài bữa để ở nhà chăm sóc mẹ. Song kết quả thì sao? Cuối tuần Du Dao được về nhà, vừa hớn hở mở cửa ra, đập vào mắt cô là thi thể của mẹ.

Bà đã chết tròn một ngày. Máu nhuộm đẫm nửa người dưới, vết máu kéo dài từ nhà vệ sinh ra tới tận phòng khách. Du Dao gần như có thể tưởng tượng cảnh bà đã không cẩn thận ngã sấp xuống trong nhà vệ sinh như thế nào, gắng nhịn đau bò ra ngoài, muốn vào phòng khách gọi điện thoại cầu cứu. Nhưng có lẽ là do cú ngã quá hiểm nên bà kiệt sức, không thể gọi nổi cuộc điện thoại cầu cứu kia, lẳng lặng trút hơi thở cuối cùng ở nơi này.

Túi xách và chìa khóa trong tay Du Dao rơi xuống đất, cô lao đến chạm vào thi thể lạnh ngắt của mẹ, sờ lên vùng bụng bầu đã chết lặng. Cô gọi mẹ liên hồi như phát điên, nhưng bà đã không thể trả lời cô được nữa, bà sẽ không còn nở nụ cười dịu dàng, và cũng sẽ không gọi cô là bé cưng nữa. Mắt cô đỏ ngầu, tìm thấy chiếc di động của bà lọt thỏm trong khe hở sofa, bấm số gọi cho bố.

Cô vừa khóc vừa gọi, phải đến lần thứ ba thì mới nghe thấy giọng của bố.

“Bố đang ở đâu?” Du Dao nghiến răng nghiến lợi hỏi.

Trong tiếng ồn ã truyền đến từ xung quanh, ông cất giọng nói đượm vẻ mệt mỏi: “Làm sao thế? Con về rồi à? Bên này xảy ra vấn đề nên bố phải xuất cảnh, tối nay bố sẽ về…”

Du Dao ngắt lời ông, gần như hét đến rách họng: “Bố đã hứa là sẽ ở nhà chăm sóc mẹ cơ mà? Bố đã hứa là sẽ ở nhà cơ mà?!”

Người ở đầu dây bên kia cuối cùng cũng nhận thấy điều bất thường: “Sao thế, mẹ con làm sao à, mẹ chuyển dạ rồi hả? Con báo cho bà ngoại trước đi, bố về… về ngay…”

Du Dao dập máy. Cô không muốn nghe thêm bất kỳ lời nào từ miệng người đàn ông này nữa, kẻ dối trá! Kẻ dối trá đã hại chết mẹ và em trai!

Kế đến, cô gọi cậu và bà ngoại đến xử lý thi thể. Mẹ qua đời vì mất quá nhiều máu sau khi hôn mê, còn bé trai trong bụng thì chết vì ngạt. Sau khi người đàn ông kia về đến nhà, ông ta quỳ xuống khóc rống lên, cô chỉ lạnh lùng nhìn ông ta khóc, chẳng hề gọi bố.

Nhiều năm về sau, cô không bao giờ cất tiếng gọi bố nữa, bắt đầu cố ý chọc giận, không nghe lời ông ta, ông ta không thích gì cô sẽ làm cái nấy, chỉ mong ông ta chết quách đi cho xong.

Giờ thì ông ta đã chết thật rồi.

Cũng không phải Du Dao muốn khóc, mà là tâm trạng cô rất phức tạp, khó có thể diễn tả thành lời.

Trời bỗng nổi gió, hai bên xào xạc tiếng lá. Cuối cùng Du Dao bước lên, nhẹ nhàng đặt bó cúc trắng trước bia, mở miệng nói: “Cả đời ông bận làm anh hùng, cho đến lúc mất cũng là vì nhẽ ấy, cũng xem như hoàn thành được lý tưởng sống của bản thân. Cầu nhân đắc nhân[1], tôi sẽ không đánh giá gì cả, hy vọng đến phút cuối ông không hối hận vì điều đó.”

[1] 求仁得仁 (Cầu nhân đắc nhân): Thành ngữ, nghĩa là cầu nhân đức liền đạt được nhân đức, không thẹn với lòng thì sẽ không có gì tiếc nuối, cũng có ý chỉ việc thực hiện lý tưởng và nguyện vọng.

Cô biết bố cô là một người tốt, nhưng cho dù ông ta đã qua đời, cô cũng sẽ không làm hòa với ông ta, càng sẽ không quay lại nơi này.

Hai người đều giữ vững lập trường của mình, không ai hối hận.

Đích đến tiếp theo là một nghĩa trang cách bia tưởng niệm khá xa. Trong xe còn rất nhiều cúc trắng, tuy Giang Trọng Lâm chưa nói gì nhưng Du Dao cũng đoán ra anh định đưa cô đi gặp ai, vì thế cô chủ động ôm hoa vào lòng.

Đầu tiên, họ thăm mộ phần hợp táng của bố mẹ Giang Trọng Lâm. Du Dao dâng hoa, gọi bố gọi mẹ rồi lạy ba cái. Bố mẹ anh là một đôi vợ chồng văn minh, mang đậm khí chất của phần tử trí thức cao cấp, đặc biệt, mẹ Giang đối xử với cô vô cùng tốt.

Tiếp đó là mộ của bà ngoại, trong người lớn thì ngoài mẹ ra, cô thích nhất là bà ngoại. Sau khi mẹ mất, cô không muốn ở lại căn nhà đó nữa nên chuyển đến sống với bà ngoại nửa năm, nếu không phải cậu mợ có ý kiến thì có lẽ cô đã ở lâu hơn thế. Năm cô lên cấp 3, bà qua đời vì bệnh.

Cạnh đó là mộ của mẹ và… của cô.

Giang Trọng Lâm lẳng lặng nhìn cô lướt qua mộ của từng người thân, cuối cùng dừng mắt trên mộ của cô. Anh nói: “Vì nghĩa trang cũ bị di dời nên bố em đã chuyển mộ của mẹ và bà ngoại đến đây, lúc em mất tích được năm năm, bố đã xây mộ cho em.”

Người đàn ông kia lập bia mộ cho cô, còn anh thì lại treo tin tìm người suốt bốn mươi năm ròng.

“Nhìn tấm bia này em cứ thấy là lạ sao ấy.” Du Dao lau nước mắt, cố gắng giữ vững giọng.

“Ừm, hôm nay đến đây ngoài để em gặp người thân ra thì anh còn định dỡ bỏ bia mộ này nữa.” Giang Trọng Lâm đáp.

Du Dao thuận miệng bảo: “Cứ giữ lại đi, đằng nào sau này chẳng dùng đến.”

Giang Trọng Lâm nhìn cô như thể đang nhìn một đứa trẻ nói năng không suy nghĩ, mặt anh nghiêm lại, giọng có phần trách cứ: “Không được nói bậy.”

Du Dao: “…” Cô thử tưởng tượng đến phản ứng của Giang Trọng Lâm phiên bản trẻ, nhất định anh sẽ cau mày khẽ bảo “Em đừng nói vậy”, dẫu đang giận thì vẫn có vẻ dịu dàng, cô chỉ cần ghẹo một tí là cười ngay, chẳng 

Được lắm, Giang Trọng Lâm có tuổi quả nhiên cứng hơn hẳn.
Phù Hoa có lời:

Đây chính là lý do vì sao Dao Dao trở về rồi lại không hỏi thăm bố mẹ trước.

Mộng tròn bốn mươi năm, chẳng còn mấy tri giao.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.