Người Ở Bên Tay Trái Của Tôi

Chương 25: 25: Chương 82





Điều tôi thấy lạ ấy là Trịnh Dương rất thích uống trà.
Một chàng trai 18 tuổi không thích uống Coca, Sprite hay Fanta mà lại thích trà, chẳng lẽ không kỳ lạ ư?
Tôi rất tò mò về những loại trà có màu sắc khác nhau trong bình giữ nhiệt của anh: trà xanh, vàng, đỏ sẫm và những chiếc lá bồng bềnh bồng bềnh trong chén trà mang theo mùi thơm nhẹ xông thẳng vào mặt.
Có lẽ do sự tò mò của tôi quá đỗi rõ ràng, cuối cùng anh ấy cũng trịnh trọng cho tôi một lời giải thích, đó là vì ông nội thích.
Lúc nói chuyện, anh ấy đứng bên cạnh tôi, chúng tôi đang đứng trên sân thượng tòa nhà Âm nhạc của Học viện Nghệ thuật, vừa phơi nắng vừa ngắm nhìn những con phố nhộn nhịp bên ngoài khuôn viên trường.

Ánh mặt trời chiếu xuống chúng tôi, cơn gió mùa đông mang theo chút mát mẻ.
“Ông nội anh là người thích uống trà, ngày nào ông cũng dùng chiếc ấm sành nhỏ màu tím để pha trà, nhắm mắt ngồi trên chiếc ghế mây ngoài sân phơi nắng.

Xung quanh ông chỉ toàn là hoa hồng và giàn nho, còn có một con mèo tên là ‘Lão Hổ’.

Ông nội thương anh nhất.

Trong ba đứa cháu, anh không phải là cả cũng không phải là út nhưng ông lại thương anh nhất.

Bởi vì ông nói, anh là đứa trẻ đơn độc nhất.” Anh ấy hơi khựng lại.
“Ngày xưa anh bị nói lắp, nói năng không rõ, còn vì nói lắp nên thường xuyên có người nhại lại rồi cười nhạo.

Anh trốn tránh, không muốn chơi với ai cả.

Tâm hồn anh trưởng thành hơn những đứa trẻ cùng tuổi, anh chẳng thấy vui chút nào.

Vì thế anh là đứa cháu khiến ông nội lo lắng nhất.

Ông đã dùng gần hết tuổi già để cố gắng giúp anh phát âm chuẩn.

Ông bắt đầu cùng anh tập nói những từ ‘cây táo, mặt trời, hoa’ đến ‘đòn gánh, băng ghế dài’.

Tới khi anh phát âm càng rõ ràng thì ông nội đã già rồi.

Ông ở trong bệnh viện, thời gian ngày càng ít…” Ánh mắt anh dần trở nên xa xôi: “Khoảng thời gian ấy anh chuẩn bị thi cấp ba, ông không cho anh tới thăm ông.


Ông nói ông rất khỏe, tất nhiên là anh không tin.

Cho đến một buổi tối nọ, gió thổi mạnh, anh đang mơ ngủ thì bị mẹ đánh thức rồi chạy tới bệnh viện, lại chỉ thấy bác sĩ và y tá đang rút bình oxy…”
Anh hơi ngẩng đầu lên, dõi mắt nhìn ra xa: “Trong lễ tang của ông, anh không khóc, rất nhiều người thấy anh là đồ vô lương tâm.

Nhưng bọn họ không biết anh chỉ đang hối hận, hối hận đến độ nước mắt cũng không có.

Bởi vì trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, anh lại không ở bên cạnh ông.”
“Có lẽ anh bắt đầu uống trà từ khi đó, uống Thiết Quan Âm, trà Long Tĩnh mà khi còn sống ông thích nhất.

Tháng 4 hằng năm, anh lại mua Trúc Diệp Thanh [1] tới đổ quanh mộ, sau đó ngồi một bên trò chuyện với ông.

Tùy tiện nói gì đó, chỉ cần không ngừng nói là được.

Vì biết ông nội thích nghe anh nói cho nên anh quyết định học chuyên ngành phát thanh dẫn chương trình để nói cho mọi người nghe.

Anh tin rằng nhất định ông có thể nghe thấy…” Giọng anh dần nhỏ lại.
[1] Trúc Diệp Thanh là một loại thuộc họ trà xanh.

Đây là sản phẩm nổi tiếng của Nga Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Trong ánh nắng ban mai ấm áp, tôi cúi đầu nhìn dòng người qua lại bên dưới, từ đầu đến cuối không nói câu nào.
Tôi không nói cho anh ấy biết rằng lúc nghe anh kể lại câu chuyện kia, đột nhiên có một ngọn lửa nhỏ bùng lên trong lòng tôi —— Chúng tôi đều là những đứa trẻ thiếu thốn tình thương, chúng tôi lớn lên trong sự cô độc, nhạy cảm lại yếu ớt, cố chấp lại ngoan cường.

Chúng tôi đều khát khao được quan tâm lại rất muốn quan tâm đến người khác.
Có lẽ đến lúc này tôi không thể không thừa nhận rằng Trịnh Dương có rất nhiều thứ khiến tôi khâm phục và tán thưởng: Ví dụ như kiên cường, chăm chỉ và chưa bao giờ từ bỏ.

Có nhiều khi tôi thấy anh ấy cứ đọc mãi một chữ không ngại phiền hà chỉ để tìm được cách phát âm chuẩn xác nhất.

Anh ấy là một người có ước mơ cực kỳ bền bỉ, có lẽ thành tích học tập không quá xuất sắc nhưng anh có thể kiên trì vì chuyên ngành mình yêu thích.

Vẻ ngoài tốt tính và nội tâm mạnh mẽ hòa hợp trên người anh một cách kỳ lạ.

Anh ấy và Trương Dịch là hai kiểu người hoàn toàn khác nhau.
Tự nhiên lại nhớ đến Trương Dịch, chẳng hiểu sao lại nhớ tới cậu ấy.
Trong nháy mắt đó, trong lòng bỗng nhói một cái, giống như vải gấm hảo hạng lại bị rút mất một sợi chỉ ở ngay vị trí quan trọng nhất.
Khoảng thời gian ấy, buổi tối tôi và Trịnh Dương thường cùng nhau ngắm sao.

Chúng tôi đứng trên sân thể dục, ngẩng đầu tìm kiếm sao Bắc Cực, sao Bắc Đẩu, chòm sao Tiên Hậu sau đó ngâm một vài bài thơ yêu thích.
Đoạn ngâm tôi thích nhất là một đoạn tên là [2] đã từng thịnh hành trong vô số trường học.

Bản đầu tiên tôi được nghe là bản của Kiều Trăn và Đinh Kiến Hoa, những năm tháng xa xôi và sâu lắng, một chút cảm xúc ấm áp hòa vào âm nhạc êm dịu.
[2] Bài thơ này là tác phẩm kinh điển mà những người yêu thích ngâm thơ nhất định phải chọn.

Nó được viết vào khoảng năm 1986.

Bản dịch thơ dưới đây do bạn Vong Nguyệt dịch.
Đó là những câu thơ đầy ắp vết sẹo và yêu thương, từng chữ một, trôi theo năm tháng phù du.
“Năm 22 tuổi, anh bò ra khỏi đầm lầy của tuổi trẻ, như một chiếc đàn ghi ta đầy vết xước, mù mịt trong cuộc đời lạc lõng —— và rồi em đến…” Giọng anh trầm thấp, đượm chút ưu thương của năm tháng.

Trong nháy mắt ấy, chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ đến Trương Dịch.
Giọng tôi nhẹ nhàng: “Em đi về phía anh.”
“Với ánh mắt sáng long lanh như bông hoa chuông.”
“Anh nói rằng anh thích đôi mắt của em.”
“Xóa sạch nỗi cô đơn trần trụi của anh.” Dần dần trở nên nặng nề.
“Cô đơn? Tại sao anh luôn cô đơn?”
“Đó là sự thật.”
“Thật vậy chăng?”
“Lần đầu tiên.”
“Là lần đầu tiên sao?”
“Những ngón tay ấm áp của mặt trời.”
“Ấm áp và êm dịu…”
“Nhẹ nhàng.”

“Nhẹ nhàng…”
“Chạm vào anh.”
“Có chạm vào anh không?”
Chúng tôi đang đối đáp lời kịch, dồn dập đọc qua đoạn này, khoảnh khắc tôi ngẩng đầu nhìn anh, trùng hợp là anh ấy cũng đang nhìn tôi.

Chúng tôi như hai kẻ đã từng quen biết nhau thật lâu để rồi giờ đây đột nhiên tiến lại gần nhau.

Những tiếng thở dài ấy như thăm dò, với tốc độ hơi vội vàng, như đang trăn trở muốn tâm sự một điều gì đó.
“Vì vậy, chuyện quá khứ không bao giờ đóng băng hy vọng nữa.”
“Chuyện quá khứ không bao giờ đóng băng hy vọng nữa…”
“Anh cầm bài hát của mình lên.”
“Cầm bài hát của mình lên…”
“Cầm lên một chuỗi nốt nhạc đã buông xuống.”
“Cầm lên một chuỗi nốt nhạc đã buông xuống.”
“Bước vào một buổi hoàng hôn ngày xuân.”
“Buổi hoàng hôn ấy, là một buổi hoàng hôn yên ả.”
“Và trong buổi hoàng hôn ấy, chuyến xe sẽ không còn lỡ hẹn.”
“Đừng lỡ hẹn nữa, đừng bao giờ lỡ hẹn nữa.”
Lúc ngâm tới đây, tôi ngẩng đầu, nhìn ánh mắt sáng rỡ của Trịnh Dương.

Anh đứng trên đài cao, mắt nhìn về phương xa, thâm tình và trìu mến.
Anh tiếp tục ngâm: “Buổi tối tháng tư đó, không có trăng cũng không có sao.”
“Không có sao, cũng không có trăng.

Đêm đó rất bình thường.”
“Anh dùng những trải nghiệm nơi đầm lầy để trao đổi với những chuyện quá khứ của em.”
“Ai cũng không thể quên được những vũng bùn nơi đầm lầy, những câu chuyện đau lòng.”
“Ngay lúc này, em đã trở thành sự ẩm ướt trong võng mạc của anh.”
“Em lật một tập thơ trên đầu gối, một tập thơ của Whitman.”
“Anh cảm thấy, em như một chú chim trắng thuần khiết.”
“Em đang nghĩ, anh đang suy nghĩ gì.”
“Anh biết rằng chiếc lồng xinh đẹp đã giam cầm em, đó cũng là nơi nuôi dưỡng nỗi cô đơn hiu quạnh và sự trầm tĩnh tốt đẹp của em.”
“Đúng vậy, nó đã giam cầm và nuôi dưỡng em.”
“Anh biết, em cũng không ngờ rằng sẽ đột ngột cất cánh bay lần đầu tiên vào một buổi sáng, hơn nữa lúc ấy vừa hay trời đổ cơn mưa.”
“Đúng vậy, lần đầu tiên ấy cất cánh bay đã gặp mưa.”
“Anh biết rằng, nước mưa làm ướt lông vũ, làm nặng trĩu đôi cánh, và cũng khiến em đau lòng.”
“Đúng vậy, hạt mưa đã khiến em đau lòng.”

Khi ngâm tới đây, tôi chợt thấy một sự trùng hợp kỳ diệu —— Đúng vậy, một chú chim màu trắng bị mắc mưa trong lần đầu tiên cất cánh bay.

Đó là một ẩn dụ tinh tế —— cô gái tựa như con chim trắng lần đầu tiên yêu một người, lại yêu đến mức bầm dập và kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần.
“Em không phát hiện ra sao?”
“Anh đang nhìn em à?”
“Mạch đập ấm áp của anh như đang mời gọi một sự thôi thúc không thể nói ra!”
“Thật muốn muốn ngước mắt lên để ngắm nhìn anh…”
“Nhưng em đã không ngẩng đầu lên.”
“Không ngẩng đầu… Em vẫn đang xem tập thơ của Whitman.”
“Đúng vậy, anh biết mà, anh không phải là một tảng đá, cũng không phải là một bờ đê.”
“Không phải là một tảng đá, cũng không phải là một bờ đê.”
“Cũng không phải là một cây lớn vững chắc mà em có thể dựa vào.”
“Cũng không phải là một cây lớn vững chắc.”
“Nhưng nếu như em bằng lòng…”
“Anh nói rằng, nếu như em bằng lòng…”
“Anh sẽ dùng bờ vai tuy chẳng rộng lớn nhưng can đảm và một một trái tim chân thành được nuôi dưỡng bởi cao nguyên để chống đỡ cho em một mảnh trời vĩnh viễn không còn đau thương.” Anh ấy nhìn tôi, giọng điệu kiên định mà mạnh mẽ.
“Anh nói nếu như em bằng lòng ư?”
“Đúng vậy, nếu như em bằng lòng!”
“Em —— bằng lòng…” Tôi nghe thấy âm thanh của mình nhỏ dần, rồi lại nhỏ dần.
Chúng tôi không ai nói chuyện, chỉ lặng lẽ đứng trên sân thượng.

Kỳ nghỉ đông bắt đầu, học sinh lần lượt rời khỏi khuôn viên trường, trong khuôn viên yên tĩnh chỉ có thể nhìn thấy những ngôi sao cũng lặng yên, thỉnh thoảng có thể nghe thấy tiếng kèn xô-na yếu ớt từ ký túc xá của giáo viên.
Dường như tôi có thể nghe thấy tiếng tim đập của anh ấy, điều đó khiến tôi bối rối.
Một lúc lâu sau, anh nói: “Đi thôi.”
Tôi đi theo anh, nhảy từ trên đài cao xuống.

Bước chân của anh rất lớn, tôi đi đằng sau, dần dần nới ra một khoảng cách.
Khi tới dưới nhà dì Tống, anh quay đầu nhìn tôi đi đến.

Giọng anh vẫn bình tĩnh như cũ: “Lên lầu đi, anh về đây.”
Tôi gật đầu bước lên lầu mà không thèm nhìn lại anh.

Tôi vừa bước mạnh, đèn cảm biến trên cầu thang lần lượt sáng lên.

Tôi biết anh ấy nhất định đang đứng bên dưới nhìn những ngọn đèn này và sẽ rời đi cho đến khi đèn ở tầng 4 sáng.
Anh ấy là người tốt, tôi biết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.