Người Mẹ Trinh Trắng

Chương 16




10 giờ đêm đó, tôi nhận được điện thoại của Cường, cậu ta bảo đang ở ngoài khu nhà trọ của tôi. Tôi không suy nghĩ gì chạy ra, quên cả cầm ô. Cường đứng dưới hiên trước một ngân hàng cách khu trọ của tôi vài bước chân. Tóc cậu ta hơi ướt, áo mưa vắt trên xe, thấy tôi thì giơ tay lên vẫy vẫy. Tôi chạy qua hỏi: “Mưa thế này không về nhà còn đến đây tìm tôi làm gì?”

Cậu ta cười cười: “Vừa đi liên hoan với mấy đứa trong lớp về.”

“Nhân dịp gì?”

“Tất nhiên là một dịp đặc biệt, Vân đoán xem.”

“Sinh nhật à?”

Cường lắc đầu, nụ cười vẫn không biến mất. Tự nhiên tôi nhớ ra một điều, tay bất giác túm lấy cánh tay cậu ta, mắt mở to kinh ngạc: “Không phải cậu đã…trúng…trúng…”

Cường hiểu ý tôi, gật gật đầu: “Ừ, tớ giành được học bổng toàn phần rồi. Thật bõ công cắm đầu cắm cổ học cả tháng trời.”

Miệng tôi cũng từ từ nở ra một nụ cười: “Chúc mừng nhé! Cậu giỏi thật đấy, được đi học ở Anh, ngưỡng mộ quá! Thế bao giờ thì đi?”

Cường tắt cười, nhìn tôi bằng ánh mắt xa lạ, lại có vẻ như trách móc, rồi nhẹ nhàng nhả ra mấy chữ: “Vân muốn tớ đi lắm à?”

Tôi há miệng định nói nhưng lại không biết phải nói gì, rõ ràng câu hỏi đó của Cường không chỉ đơn giản có như thế. Tôi gượng cười: “Chẳng phải cậu rất mong có được suất học bổng này sao?”

“Đúng là tớ đã rất mong, nhưng mà tớ lại tìm được một lí do giữ chân mình ở lại.”

Tôi không phải con ngốc, đương nhiên biết cậu ta đang muốn nói điều gì, nhưng cái nhìn chằm chằm của cậu ta khiến tôi không biết phải làm gì.

Đột nhiên Cường kéo tay tôi, miệng lại cười tươi như cũ: “Đi, đi ăn đêm.”

“Thôi, muộn rồi, với cả tôi ăn mặc thế này…” Nhìn lại tôi mặc bộ đồ ở nhà, còn Cường mặc áo sơ mi, quần jean đàng hoàng, chẳng xứng tí nào.

Cường vẫn cười như cũ: “Không sao mà.” Rồi cậu ta nhảy lên xe, mặc áo mưa, đội mũ bảo hiểm.

Tôi vẫn đứng đực ra, tiếp tục lấy một lí do khác: “Không có mũ bảo hiểm.”

Dường như biết trước tôi sẽ nói như thế nên cậu ta trả lời luôn: “Không cần, phạm luật một lần cũng được. Trùm áo mưa lên không ai thấy đâu. Phạt thì tớ chịu cơ mà. Đi nhanh lên.”

Không còn cách nào từ chối, tôi miễn cưỡng leo lên xe Cường, vì phải trùm áo mưa nên tôi lại tiếp tục miễn cưỡng ngồi sát vào cậu ta hơn lúc bình thường.

Trời mưa nên đường xá cũng thưa thớt người qua lại, ai nấy cũng chỉ vội vàng để trở về nhà, mặc dù mưa đã không còn lớn như lúc chiều nhưng cũng đủ làm ướt người. Tôi mặc quần áo mỏng manh nên hơi lạnh, bàn tay dính nước mưa cũng lạnh toát. Cứ như Cường hiểu thấu cơ thể tôi vậy, cậu ta luồn tay trái ra sau nắm lấy tay tôi kéo ra phía trước. Tôi hơi giật mình, muốn rụt tay lại nhưng lại bị cậu ta giữ chặt.

“Đừng có tiết kiệm hơi ấm như thế chứ, nên chia sẻ cho bạn với. Mưa lạnh thế này!”

Bàn tay Cường cũng lạnh như tay tôi nhưng lớn hơn, bao gọn lấy tay tôi, một cảm giác ấm áp diệu kỳ lan tỏa xuống tận đáy lòng.

Chúng tôi cùng ăn cháo gà ở một quán ven đường, cùng ngắm mưa rả rích bên ngoài. Cảm giác ấm áp càng tăng lên khi cả hai ngồi sát cạnh nhau chứ không ngồi đối diện như mọi lần. Tôi vẫn còn nhớ hôm đó bà chủ quán nhìn chúng tôi đầy ngưỡng mộ: “Nhiều khi cô cũng muốn trở lại thời trẻ như các cháu. Vui phết!”

Cường khoác tay lên vai tôi: “Cô thấy bọn cháu đẹp đôi không ạ?”

Bà chủ gật gật đầu: “Đẹp đẹp!”

Tôi hất tay Cường ra: “Bọn cháu là bạn thôi cô ạ!”

Cường nghiêng đầu nhìn tôi: “Không phải ngượng. Vân đã ăn cháo của người ta rồi, nhẫn cũng đã đeo rồi, bây giờ còn chối cái gì?”

“Cái gì? Ăn ăn cái gì? Nhẫn đấy là…”

“Là là cái gì? Tự Vân đeo vào chứ tớ có ép đâu? Tớ không biết, Vân không trốn được đâu.”

Nhìn chúng tôi cãi nhau qua lại, bà chủ quán vừa làm vừa cười, lúc thanh toán tiền còn bớt cho chúng tôi 5 nghìn lẻ.

Trên đường về, Cường vẫn diễn lại màn cũ, kéo tay tôi vòng qua hông nhưng lần này tôi bạo dạn hơn, dùng cả hai tay ôm cậu ta, đầu áp vào lưng cậu ta. Ôm thế này tôi mới thấy Cường gầy gầy, nhìn bình thường thì khỏe khoắn, hóa ra người toàn xương.

“Cậu gầy thật đấy!” Tôi nói.

Cường hơi ngoái đầu lại, giọng như đùa: “Sao? Vân xót à?”

“Ừ, xót chứ!” Giọng tôi nhẹ bẫng như một tiếng thì thầm và cảm nhận được người Cường hơi cứng lại, có lẽ là ngạc nhiên. Tôi không muốn trốn tránh hay lừa gạt chính tình cảm của mình, cái gì đến thì hãy cứ để cho nó đến thật tự nhiên, cứ để nó dâng trào. Thúy nói đúng, hãy cứ yêu kẻo sau này lại hối tiếc vì tuổi xuân sẽ chẳng bao giờ quay trở lại.

Cường đi chậm, chiếc xe nhẹ nhàng lướt đi trong màn mưa mỏng. Bàn tay cậu ta siết chặt lấy tay tôi, giọng nhỏ nhẹ và nghiêm túc: “Vân, tớ thích Vân.”

Tôi mỉm cười, tôi không biết là Cường có thể cảm nhận được nụ cười của tôi sau lưng cậu ta không nhưng tôi vẫn mỉm cười và chỉ trả lời lại bằng một tiếng: “Ừm.”

Tôi biết Cường chắc chắn hiểu ý tôi, cậu ta rất thông minh nên chắc chắn sẽ hiểu, bởi vì có những thứ không nhất thiết phải nói ra thành lời nhưng ý nghĩa của nó còn lớn hơn. Có thể tình cảm của chúng tôi lúc đo chỉ đơn thuần là thích vì yêu là một cái gì đó quá thiêng liêng mà chúng tôi chưa thể chạm đến, nhưng tôi biết sẽ không dừng lại ở đó vì trong tôi và Cường đều có cái gì đó đang lớn dần lên.

Và trong đêm mưa ấy, tôi và Cường cứ lặng lẽ đi trên đường, mặc kệ những chiếc xe khác vội vã ngang qua. Tôi cứ ôm Cường như thế, Cường cứ nắm tay tôi như thế, cứ chậm chạp rong ruổi như thế và còn cả giọng hát vụng về, yếu ớt của tôi.

“Chiều này trên phố chợt có cơn mưa bay.

Giọt mưa vội vã nhẹ rơi mắt người,

Mưa có vui như em và anh?

Và mưa vẫn thế nhẹ lắm khi bên anh

Vì mưa cũng biết từ trong tim này,

Mưa với anh tới sao ngọt ngào…”

Mãi tới bây giờ những khoảnh khắc đẹp ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi, thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến nó và cười ngây ngô. Giống như những khoảnh khắc đó chỉ vừa mới xảy ra ngày hôm qua, giống như tôi vẫn là đứa sinh viên năm 2 ngốc nghếch ngày nào, giống như nụ cười tươi sáng của Cường vẫn còn ở ngay trước mắt mà chỉ cần vươn tay ra là tôi có thể chạm vào khuôn mặt cậu ấy.

Trong cuộc đời này, hẳn là có nhiều chuyện chúng ta không muốn nhớ đến nhưng mọi thứ lại luôn đi ngược lại mong muốn, càng không muốn nhớ thì nó càng in đậm, dần dần trở thành một con đường mòn in sâu trong não, muốn xóa cũng không xóa được. Tôi đã từng muốn quên Cường, quên đi những tháng ngày tươi đẹp đó nhưng tôi nhận ra rằng mình vốn dĩ không thể quên và cũng không muốn quên. Tại sao phải cố gắng quên đi những khoảnh khắc khiến mình hạnh phúc? Nếu những kỷ niệm đó đã làm tôi hạnh phúc trong quá khứ thì hãy cứ để nó chiếm giữ một góc trong trái tim, để tôi có thể mỉm cười mỗi khi nhớ lại.

Cũng đã hơn 4 năm trôi qua kể từ ngày ấy, tôi đã có cuộc sống riêng, bây giờ Bo là tất cả với tôi, tôi cũng chỉ cần có thằng bé. Nhìn nó chạy tới chạy lui chơi đùa, cái chân ngắn tũn nhún nhún bước những bước dài sà vào lòng tôi, úp cái mặt nhỏ trắng hồng vào bụng tôi rồi ngẩng đầu cười nắc nẻ: “Mẹ, mẹ bế Bo quay quay đi!”

“Quay quay sẽ bị chóng mặt.” Tôi nhéo cái mũi xinh xắn của thằng bé.

“Bo không chóng mặt đâu. Mẹ quay quay Bo đi mẹ.” Nó với cánh tay lên đòi tôi bế.

Tôi bế xốc thằng bé lên nhưng không quay tròn mà vỗ mấy cái vào mông nó: “Cuối tuần mẹ đưa Bo đi đám cưới cô Thúy nhé! Bo có thích không?”

Bo ngây thơ hỏi lại: “Đám cưới là gì hả mẹ?”

“Đám cưới là cô Thúy của con đi lấy chồng, cô và một chú nữa sẽ cùng sống với nhau như mẹ và Bo.” Tôi từ từ giải thích.

Thằng bé đảo mắt suy nghĩ một lát rồi hỏi tôi: “Thế bao giờ mẹ đám cưới ạ?”

Tôi ngây người nhìn Bo, trong giây lát tôi không biết phải trả lời nó như thế nào, hình như câu hỏi quá khó đối với tôi. Khi nào thì tôi sẽ đám cưới?

Bước chân của ai đó đặt lên thềm nhà cùng với một giọng nam trầm làm tôi giật mình đôi chút: “Bo có thích chú đám cưới với mẹ con không?”

Tôi vừa ngẩng đầu thì Bo đã rời khỏi vòng tay tôi, chạy đến bên người đàn ông ngoài cửa, miệng reo lên: “Chú Trí!”

Anh cúi người bế Bo lên, ánh mặt trời của buổi chiều muộn từ bên ngoài hắt lên bờ vai rộng của anh làm tôi không nhìn rõ đôi mắt anh lúc đó nhưng nụ cười sáng lạn trên môi anh đổ lên mắt tôi thì rất rõ ràng.

Tôi cười gượng, như sợ anh hiểu lầm: “Em đang giải thích cho Bo biết thế nào là đám cưới.”

Anh gật đầu, ngồi xuống ghế: “Anh biết. Ở tuổi này, Bo sẽ thắc mắc rất nhiều thứ, đúng không?”

“Vâng, nó cũng giống như chúng ta hồi bé thôi mà.” Rồi tôi chuyển chủ đề: “Anh ở lại đây ăn cơm tối với mẹ con em nhé!”

Anh Trí nhún vai: “Nếu em đã mời thì anh cũng không khách sáo.”

Nghe nói đến ăn cơm, Bo quay ngoắt mặt vào lồng ngực anh Trí: “Bo chưa đói đâu mẹ ạ!”

Tôi ung dung đáp: “Vậy Bo cũng không cần ăn xúc xích luôn đúng không?”

Thằng bé phản ứng ngay, quay lại, chỉ chỉ vào cái bụng tròn xoe: “Bụng Bo sôi sôi, Bo phải ăn xúc xích mới được mẹ ạ!”

Cả tôi và anh Trí đều phì cười, tôi vươn tay xoa xoa cái bụng thằng bé: “Con heo béo lẻo mép này, dù bụng con có sôi thì mẹ cũng phải nấu cơm đã.”

Tối hôm ấy, mẹ con tôi đã tiếp đãi anh Trí bằng một bữa cơm rất đầm ấm, mặc dù không có đồ ăn đắt tiền, cao sang nhưng chứa đựng cả tấm lòng. Anh ngồi ăn cơm rất vui vẻ, có lẽ đã lâu anh không có một bữa cơm gia đình đúng nghĩa. Tôi có thể nhìn thấy niềm vui mừng xen lẫn khao khát ẩn hiện trong đôi mắt anh. Cái cách anh chăm sóc cho Bo lúc ăn cơm khiến tôi thực sự tin rằng anh coi thằng bé là con trai anh. Anh từng nói với tôi rằng, anh không thể gặp con trai mình, anh không muốn làm đảo lộn cuộc sống của con và người vợ cũ. Nếu thằng bé muốn coi người đàn ông mà mẹ nó yêu là bố thì hãy cứ để nó làm như thế, anh không muốn để con trai mình suy nghĩ nhiều, miễn là người đàn ông đó đừng ngược đãi thằng nhỏ là được rồi. Tôi có thể hiểu anh đau lòng đến cỡ nào, cùng lúc mất đi cả vợ lẫn con, cho nên chẳng thể trách khi anh nhìn thấy Bo thì anh lại yêu thương nó đến vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.