Người Đưa Tin

Chương 4: Thành phố vatican




Đó là một văn phòng khá bình dị đối với một người đầy quyền lực. Tấm thảm phương Đông phai màu do thời gian, còn rèm cửa trông nặng nề và buồn tẻ. Khi Gabriel và Donati bước vào phòng, một người nhỏ thó mặc đồ trắng ngồi đằng sau chiếc bàn lớn thô sơ đang chăm chú nhìn màn hình truyền hình. Trên đó đang chiếu cảnh bạo lực: khói lửa, những người sống sót bê bết máu đang bứt tóc khóc thương những thân thể không lành lặn của người đã chết. Giáo hoàng Paul VII, Giám mục thành Rome, Đại giáo chủ nhấn nút Dừng trên chiếc điều khiển từ xa, và hình ảnh chuyển sang màu đen. “Gabriel”, ông nói. “Rất vui được gặp lại cậu”.

Giáo hoàng chậm rãi đứng lên chìa bàn tay nhỏ - không phải là đưa mặt chiếc nhẫn lên như đối với nhiều người, mà ông lật nghiêng lòng bàn tay. Cái bắt tay vẫn chặt, và đôi mắt nhìn Gariel trìu mến vẫn trong sáng và đầy khí lực. Gariel đã quên mất Pietro Lucchesi vốn có dáng dấp nhỏ bé như thế nào. Anh nhớ lại buổi chiều hôm Lucchesi xuất hiện sau buổi họp kín bầu Giáo hoàng. Khi đó ông di chuyển trong chiếc áo lễ rộng thùng thình được chuẩn bị vội vã và hầu như không ai có thể nhìn thấy được ông từ những hàng cột bên ngoài Đại thánh đường. Một nhà bình luận trên truyền hình Ý đã gọi ông là Pietro Bất khả tư nghị. Hồng y Marco Brindini, Ngoại trưởng bảo thủ cực đoan, kẻ luôn cho rằng mình sẽ là người bước ra khỏi cuộc họp kín với bộ bạch y, đã cay đắng gọi Lucchesi là “Giáo hoàng Bất Ngờ I”.

Tuy nhiên Gabriel luôn nghĩ về hình ảnh khác của Pietro Lucchesi, hình ảnh ông đứng trên bục đại giáo đường Do Thái ở Rome phát biểu những điều mà chưa vị Giáo hoàng nào từng nói. “Chúng tôi xin thú tội và xin các bạn tha thứ cho những tội ác này cũng như những tội ác sắp bị vạch trần. Không lời nào diễn tả nổi nỗi buồn sâu sắc của chúng tôi. Trong giờ phút các bạn cần giúp đỡ nhất, khi lực lượng Đức quốc xã kéo các bạn ra khỏi nhà và lôi đi trên những đường phố xung quanh giáo đường này, các bạn đã cầu xin giúp đỡ, nhưng lời cầu xin đó bị đáp lại bởi sự thinh lặng. Vì thế ngày hôm nay, khi tôi cầu xin sự tha thứ, tôi sẽ làm theo cách này. Trong thinh lặng…”

Giáo hoàng ngồi xuống nhìn màn hình màu đen không tín hiệu tựa như nó vẫn truyền tới mắt ông những hình ảnh, những thương vong ở nơi xa xôi. “Ta đã cảnh báo ông ta không được làm điều này, nhưng ông ta không nghe. Bây giờ ông ta dự định đến châu Âu hòa giải với những đồng minh cũ. Ta cầu chúc cho ông ta, nhưng ta nghĩ cơ hội thành công rất mong manh”.

Gabriel nhìn Donati mong lời giải thích.

“Nhà Trắng thông báo cho chúng tôi tối hôm qua là Tổng thống sẽ đến đây vào đầu năm sau nhân chuyến công du tại các thủ đô châu Âu. Tổng thống đang hi vọng tạo dựng được một hình ảnh thân thiện và bớt hiếu chiến hơn nhằm sửa chữa một số tổn thất do quyết định gây chiến với Irắc”.

“Cuộc chiến ta luôn phản đối”, Giáo hoàng lên tiếng.

“Ông ấy có ghé thăm Vatican không?”. Gabriel hỏi.

“Ông ta sẽ đến Rome – đó là tất cả những gì chúng tôi biết. Nhà Trắng vẫn chưa thông báo rằng liệu Tổng thống có muốn hội kiến với Đức Thánh Cha không. Chúng tôi hi vọng lời yêu cầu sẽ được đưa ra trong khoảng thời gian ngắn nữa”.

“Ông ta sẽ không bao giờ đến Rome mà không ghé thăm Vatican”, Giáo hoàng nói. “Tín đồ Công giáo bảo thủ là một bộ phận cử tri quan trọng. Ông ta sẽ muốn một vài bức ảnh đẹp và vài lời phát biểu thiện chí từ ta. Ông ta sẽ có ảnh chụp. Còn về phần những lời nói thiện chí…”. Giọng Giáo hoàng nhỏ dần. “Ta e rằng ông ta sẽ phải tìm điều này ở nơi khác”.

Donati ra dấu cho Gabriel ngồi xuống. “Tổng thống là người thích nói chuyện thẳng thắn, theo như những người bạn Mỹ của chúng ta cho biết. Ông ta sẽ lắng nghe những gì Ngài nói, thưa Đức Thánh Cha”.

“Đáng lẽ ông ta phải lắng nghe ngay từ đầu. Ngay từ khi ông ta đến Vatican trước cuộc chiến, ta đã cảnh báo rằng ông ta đang đi trên con đường tai họa. Ta bảo rằng cuộc chiến không có lí do chính đáng vì không có mối đe doạ thực sự nào với nước Mỹ và đồng minh, rằng ông ta chưa lật tung mọi con đường tìm cách đảo ngược mâu thuẫn, rằng Liên Hợp Quốc chứ không phải Mỹ mới có đủ thẩm quyền thích hợp giải quyết việc này. Nhưng ta đã dành phần lớn vào việc giận dữ cho đoạn tranh luận lúc cuối chống lại cuộc chiến. Ta nhận định Tổng thống Mỹ sẽ mau chóng giành được thắng lợi trên chiến trường. ‘Các ngài rất mạnh,’ ta nói, ‘còn địch thủ của các ngài rất yếu’. Nhưng ta cũng tiên đoán những năm sau cuộc chiến, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với các cuộc nổi dậy bạo loạn. Ta cũng cảnh báo ông ta nếu dùng vũ lực giải quyết khủng hoảng, ông ta sẽ chỉ tạo ra sự khủng hoảng nặng nề hơn. Thế giới Hồi giáo sẽ nghĩ đó là cuộc Thập tự chinh mới của những người Thiên Chúa giáo da trắng. Khủng bố không thể bị đánh bại bởi khủng bố, mà phải do công bằng về kinh tế và xã hội đem lại”.

Giáo hoàng, sau khi kết thúc bài thuyết pháp, nhìn hai thính giả để xem phản ứng. Mắt ông đảo qua đảo lại vài lần trước khi lưu lại lên khuôn mặt Gabriel. “Hình như cậu muốn phản biện lại những gì ta vừa nói”.

“Ngài là người có tài hùng biện tuyệt vời, thưa Đức Thánh Cha”.

“Cậu là người trong gia đình, Gabriel. Cứ nói những gì mình nghĩ”.

“Lực lượng Hồi giáo cấp tiến đã tuyên bố chiến tranh với chúng ta - Mỹ, phương Tây, Thiên Chúa giáo, Israel. Theo luật của Chúa và luật của loài người, chúng ta có quyền, thật ra là có nghĩa vụ phải kháng cự”.

“Kháng cự lại những tên khủng bố bằng sự mềm mỏng và nhân đạo thì tốt hơn là bằng bạo lực và đổ máu. Khi các chính trị gia dùng đến bạo lực, bao giờ dân chúng cũng là người gánh chịu trước tiên”.

“Dường như Đức Thánh Cha tin rằng vấn đề về khủng bố và Hồi giáo cấp tiến có thể được giải quyết nếu như làm cho họ giống chúng ta hơn - rằng nếu nghèo đói, thất học, và chuyên chế không phổ biến nhiều như thế ở thế giới Hồi giáo, thì sẽ không có những thanh niên sẵn sàng hi sinh cuộc sống của mình để gây thương tật hay giết hại người khác. Họ đã nhìn thấy lối sống của chúng ta nhưng họ không muốn sống như vậy. Họ đã nhìn thấy chế độ dân chủ mà chúng ta có, nhưng lại chối bỏ. Họ xem dân chủ như một tôn giáo chống lại những điều răn của Hồi giáo, vì thế họ sẽ chống cự lại bằng cơn thịnh nộ mà họ cho là thiêng liêng. Làm sao chúng ta có thể mang đến công bằng và thịnh vượng cho những người Hồi giáo chỉ tin vào cái chết?”

“Điều này chắc chắn không thể áp đặt lên họ bằng nòng súng người da trắng”.

“Con đồng ý, thưa Đức Thánh Cha. Chỉ khi Hồi giáo tự thay đổi thì mới có công bằng xã hội và thịnh vượng đích thực trong thế giới Arập Xêút. Nhưng trong thời gian đo,á chúng ta không thể chỉ ngồi nhìn những phần tử Hồi giáo cực đoan tìm cách hủy diệt chúng ta. Điều đó, thưa Đức Thánh Cha, cũng là phi luân lý”.

Giáo hoàng nhỏm người dậy khỏi bàn mở cửa sổ lớn nhìn ra quảng trường Thánh Peter. Màn đêm buông xuống. Rome đang chuyển mình dưới chân ông.

“Ta đã đúng về chiến tranh, Gabriel, và ta cũng đúng về tương lai đang chờ tất cả chúng ta - Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, và Do Thái giáo - nếu chúng ta không chọn con đường khác. Nhưng ai sẽ lắng nghe ta? Ta chỉ là ông già trong bộ đồ tu hành sống trong lồng dát vàng. Ở châu Âu chúng ta sống như thể Chúa không tồn tại. Chống thân Mỹ là tôn giáo duy nhất của chúng ta bây giờ”. Ông quay người lại nhìn Gabriel. “Và chống người Do Thái”.

Gabriel im lặng. Giáo hoàng nói, “Luigi báo với ta rằng bên cậu vừa khám phá ta âm mưu ám sát ta. Lại một âm mưu khác”, ông nói thêm với nụ cười buồn bã.

“Con e là như thế, thưa Đức Thánh Cha”.

“Chuyện này khôi hài nhỉ? Ta là người cố gắng ngăn chặn cuộc chiến ở Irắc. Ta là người cố bắc cầu giữa Hồi giáo và Do Thái giáo. Vậy mà ta lại là người chúng muốn giết”. Giáo hoàng nhìn ra ngoài cửa sổ. “Có lẽ ta đã sai lầm. Có lẽ rốt cuộc họ không muốn có một cầu nối là ta”.

Hầu hết các buổi tối Giáo hoàng Paul VII và Đức ông Donati thường dùng bữa cùng nhau trong khu riêng dành cho Giáo hoàng với một hay hai khách mời. Donati thường cố gắng tạo không khí nhẹ nhàng, thư giãn, và thỉnh thoảng có nhắc đến công việc thì cũng chỉ giới hạn trong phạm vi những chuyện gẫu về Hội đồng Hồng y một cách kín đáo. Tuy nhiên, tối hôm đó không khí trong phòng ăn của Giáo hoàng khác hẳn. Danh sách khách mời được triệu tập một cách vội vã, không chỉ bao gồm những người bạn cũ mà còn những người chịu trách nhiệm bảo vệ Giáo hoàng: Đại uý Karl Brunner, chỉ huy Đội cận vệ Thụy Sĩ chuyên bảo vệ Giáo hoàng, Tướng Carlo Marchese bên Lực lượng cảnh sát vũ trang Carabinieri, và Martino Berlano, Phó cục an ninh Ý.

Gabriel chuyền những bức ảnh và tóm tắt thông tin cho họ bằng tiếng Ý theo giọng Áo. Bài thuyết trình của anh súc tích hơn những gì anh đã nói với Donati ở Jerusalem sáng hôm đó, và anh không nhắc đến tên Ali Massoudi. Tuy vậy, giọng điệu của anh đã khẳng định việc Tình báo Israel xem mối đe dọa là có thực và cần phải thực hiện những biện pháp bảo vệ Giáo hoàng và Toà thánh. Khi anh dứt lời, khuôn mặt những người của Lực lượng an ninh tỏ vẻ nghiêm túc, nhưng không hoảng loạn. Họ đã trải qua những chuyện như thế này nhiều lần, vì vậy, họ đã có kinh nghiệm trong việc lập nên những quy trình cần thiết để tăng cường an ninh xung quanh Đức Thánh Cha và Toà thánh Vatican khi cần thiết. Gabriel lắng nghe họ điểm lại những quy trình này. Khi họ tạm ngừng trao đổi, anh hắng giọng.

“Anh muốn đề nghị điều gì à?”. Donati hỏi.

“Có lẽ chúng ta nên dời buổi lễ ngày mai vào trong nhà - vào khán phòng Giáo hoàng”.

“Ngày mai Đức Thánh Cha sẽ tuyên phúc cho một nữ tu sỹ người Bồ Đào Nha”, Donati nói. “Chúng tôi nghĩ có thể có tới vài ngàn người hành hương Bồ Đào Nha, cộng thêm một đám đông khổng lồ như mọi buổi lễ khác. Nếu chúng ta dời buổi lễ vào phòng, nhiều người sẽ không được tham dự”.

“Thà để một vài người hành hương ở ngoài còn hơn để Đức Thánh Cha bị nguy hiểm một cách không cần thiết”.

Giáo hoàng nhìn Gabriel. “Cậu có bằng chứng cụ thể nào chứng tỏ bọn khủng bố sẽ tấn côngngày mai không?”

“Dạ không, thưa Đức Giáo hoàng. Tin tức tình báo kiểu như vậy rất khó xác minh”.

“Nếu chúng ta dời những người đi lễ vào khán phòng, và không cho những người xứng đáng tham dự buổi lễ, như vậy cũng đồng nghĩa với việc bọn khủng bố đã chiến thắng, đúng không?”

“Đôi khi nên để cho bọn khủng bố giành được chiến thắng nho nhỏ còn hơn là chúng ta phải chịu những thất bại nặng nề”.

“Dân tộc cậu vốn nổi tiếng về việc sống đối mặt với những đe dọa khủng bố mà”.

“Chúng tôi vẫn đang có những biện pháp đề phòng”, Gabriel nói. “Ví dụ không ai có thể đến nơi công cộng mà không bị lục soát”.

“Thế thì hãy lục soát những người hành hương và tiến hành những biện pháp phòng ngừa cần thiết”, Giáo hoàng đáp lại. “Nhưng ta sẽ có mặt tại quảng trường Thánh Peter chiều mai, nơi ta thực thi bổn phận của mình. Trách nhiệm của các anh là phải đảm bảo không có chuyện gì xảy ra”.

Đồng hồ mới hơn mười giờ khi Donati đưa Gabriel xuống các bậc thang dẫn từ Cung điện Tòa thánh đến Via Belverdere. Màn sương nhẹ đang buông xuống; Gabriel kéo khóa áo khoác và vắt chiếc túi du lịch lên vai. Donati không mặc áo khoác, dường như ông không cảm thấy lạnh. Mắt ông nhìn xuống đá lát đường khi họ đi ngang qua bưu điện trung tâm Vatican về phía cổng Thánh Anne.

“Anh có chắc không cần ta cho đi nhờ xe không?”

“Cho đến sáng nay tôi vẫn nghĩ mình không bao giờ được đặt chân đến nơi này một lần nữa. Tôi muốn dùng cơ hội này để đi dạo”.

“Nếu cảnh sát Ý bắt anh trước khi về tới căn hộ, hãy nói họ gọi cho tôi. Đức Thánh Cha sẽ đảm bảo cho sự an toàn của anh”. Họ rảo bước trong yên lặng một lát. “Tại sao anh không quay lại đây luôn?”

“Quay lại Ý? Tôi e rằng Shamron có những kế hoạch khác cho tôi”.

“Chúng tôi nhớ anh”, Donati nói. “Tiepolo cũng vậy”.

Francesco Tiepolo, một người bạn của Giáo hoàng và Donati, là chủ công ty phục chế tranh thành công nhất ở Veneto. Gabriel từng phục chế hai bức họa sau bàn thờ nổi tiếng nhất của Bellini cho ông. Gần hai bức thôi, anh nghĩ. Tiepolo phải tự hoàn tất bức San Giovanni Crisostomo sau khi Gabriel phải rời bỏ Venice.

“Tôi biết Tiepolo sẽ sống mà không cần tôi”.

“Thế còn Chiara thì sao?”

Gabriel, bằng sự im lặng đầy tâm trạng của mình, thầm ngụ ý rằng không muốn thảo luận với thư ký riêng của Giáo hoàng về chuyện tình cảm phức tạp của mình. Donati khôn khéo chuyển đề tài.

“Ta rất tiếc nếu anh cảm thấy Giáo hoàng gây khó xử cho anh. Ta e rằng ông không còn nhiều kiên nhẫn như ngày xưa nữa. Tất cả các Giáo hoàng đều như thế sau vài năm nắm quyền. Khi một người được bầu làm Giáo hoàng, thật khó mà không trở nên nóng nảy”.

“Đức Thánh Cha vẫn là người có tâm hồn dịu dàng như tôi gặp cách đây ba năm, Luigi. Chỉ già hơn một chút”.

“Khi được bầu ông không còn là một thanh niên nữa. Các Hồng y muốn bầu một Giáo hoàng cai quản Vatican, một ai đó giữ ấm ngai vàng của Thánh Peter trong khi những người đổi mới và phe bảo thủ cực đoan giải quyết những bất đồng. Giáo hoàng chưa bao giờ có ý định chỉ làm người cai quản, anh cũng biết rồi đấy. Ông còn nhiều việc phải làm trước khi nhắm mắt - những điều có thể không làm cho phe bảo thủ hài lòng. Rõ ràng ta không muốn nhiệm kỳ của Giáo hoàng sớm kết thúc”.

“Tôi cũng vậy”.

“Đó chính là lí do tại sao ta muốn anh là người đứng bên cạnh ông trong buổi lễ ngày mai”.

“Đội cận vệ Thụy Sĩ và Lực lượng Carabinieri có khả năng bảo vệ Giáo hoàng tốt hơn”.

“Có thể, nhưng họ chưa bao giờ trải qua một cuộc tấn công khủng bố thực sự”.

Gabriel nói. “Thường là không ai còn sống để kể lại cuộc tấn công đã xảy ra như thế nào”.

Donati nhìn Gabriel. “Anh đã từng trải qua”, ông nói. “Anh đã ở sát bên bọn khủng bố. Anh cũng nhìn thấy ánh mắt kẻ lúc chuẩn bị bấm nút kích nổ”.

Họ dừng lại khi cách cổng Thánh Anne vài thước. Bên trái là nhà thờ Thánh Anne tròn màu bơ, nhà thờ giáo xứ của thành phố Vatican; ở bên phải họ là lối vào doanh trại Đội cận vệ Thụy Sĩ. Một người lính cận vệ đứng gác ngay bên trong cổng, mặc bộ quân phục ban đêm màu xanh giản dị.

“Cha muốn tôi làm gì, Luigi?”

“Ta gửi gắm mọi việc vào đôi tay tài năng của anh. Hãy tự tìm ra vấn đề. Khi thấy điều gì không ổn, hãy tự giải quyết”.

“Dựa vào quyền gì?”

“Quyền của ta”, Donati nói quả quyết. Ông thò tay vào túi lấy một tấm thẻ mỏng ra trao cho Gabriel. Đây là thẻ căn cước trong Vatican có đóng dấu của văn phòng an ninh. “Tấm thẻ này sẽ cho phép anh vào bất cứ nơi đâu trong Vatican - dĩ nhiên ngoại trừ phòng Tàng thư. Ta e rằng không thể cho phép anh lục lọi ở trong đó”.

“Tôi đã làm thế rồi”, Gabriel nói, sau đó thả tấm thẻ vào túi áo khoác và bước ra phố. Donati chờ tại cổng Thánh Anne cho đến khi Gabriel khuất bóng trong màn đêm mới quay người lại trở về Toà thánh. Ông tự cảm thấy ngạc nhiên khi thấy mình vừa đi vừa lẩm nhẩm lời bài Hail Mary.

Gabriel băng qua sông Tiber trên cầu Umberto. Sang bờ bên kia anh quẹo trái đi về phía quảng trường Piaaza de Spagna. Quảng trường lúc đó vắng vẻ, và những bậc thang Tây Ban Nha sáng lên dưới ánh đèn trông như gỗ bóng loáng. Trên bậc thứ hai mươi tám có một cô gái đang ngồi. Tóc cô giống tóc của Chiara, và trong một thoáng Gabriel nghĩ đó thực sự là cô. Nhưng khi trèo lên cao hơn anh nhận ra đó chỉ là Nurit, người đưa thư cáu kỉnh thuộc trạm Rome. Cô ta đưa anh chìa khóa của căn hộ an toàn, và bằng tiếng Do Thái cổ, bảo rằng đằng sau những hộp thiếc trong chạn anh sẽ thấy khẩu Beretta đã lên đạn và một băng đạn dự trữ.

Anh đi nốt những bậc thang còn lại lên nhà thờ Trinità dei Monti. Căn hộ cách nhà thờ khoảng 50 thước, trên Via Gregoriana. Căn hộ có hai phòng ngủ và một sân thượng nhỏ. Gabriel lấy khẩu súng khỏi hông và vào phòng ngủ lớn hơn. Điện thoại, giống như điện thoại trong những căn hộ an toàn khác, không có chuông mà chỉ có đèn đỏ nhấp nháy cho biết đang có cuộc gọi đến. Gabriel nằm trên giường trong bộ đồ mặc đi gặp Thủ tướng, nhấc tai nghe lên bấm một số điện thoại ở Venice. Giọng phụ nữ trả lời. “Có chuyện gì?”, cô ta hỏi bằng tiếng Ý. Sau đó, khi không ai trả lời, cô ta chửi thề và dập điện thoại xuống - mạnh đến nỗi khiến Gabriel giật ống nghe khỏi tai trước khi nhẹ nhàng đặt lại xuống máy.

Anh cởi đồ và để gối dưới đầu. Khi đang thiu thiu ngủ căn phòng bỗng nhiên sáng lên bởi tia chớp. Theo bản năng anh đếm để tính toán thời gian giữa mỗi lần chớp. Anh nhìn thấy một cậu bé gầy gò có đôi mắt xanh như ngọc lục bảo đuổi theo chớp trên đồi ở Nazareth. Sấm nổ trước khi đếm đến lần thứ tư, làm rung chuyển cả tòa nhà.

Thêm nhiều tia chớp nhanh chóng theo sau, và mưa đập vào cửa phòng ngủ. Gabriel cố gắng chợp mắt nhưng vô ích. Anh bật đèn bên giường ngủ lên, mở tập hồ sơ có những tấm ảnh lấy từ máy tính của Massoudi, chầm chậm giở từ tấm này sang tấm khác, ghi nhớ chúng. Một tiếng sau anh tắt đèn và hình dung lại những bức ảnh. Chớp nhá trên đỉnh tháp chuông nhà thờ. Gabriel nhắm mắt lại nhẩm đếm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.