Người Đưa Tin

Chương 19: Luân đôn




Công việc thực sự bắt đầu cuối buổi sáng ngày hôm sau khi Julian Isherwood, một nhà buôn bán tranh danh tiếng ở Luân Đôn, nhấc máy điện thoại gọi tới khu chung cư Knightbridge tìm Andrew Malone, cố vấn nghệ thuật độc quyền của Zizi al-Bakari. Người trả lời điện thoại là một người phụ nữ, giọng còn ngái ngủ, thông báo rằng Malone đã ra nước ngoài.

“Trốn chạy pháp luật à?”. Julian hỏi, cố gắng hài hước để làm nhẹ bớt tình huống khó xử.

“Thử gọi di động cho ông ấy xem”, người phụ nữ nói rồi dập điện thoại xuống.

May mắn thay, Isherwood có điện thoại di động của Malone. Anh lập tức quay số, và theo lời hướng dẫn, để lại một mẩu tin nhắn ngắn gọn. Gần cuối ngày Malone mới hạ cố gọi lại cho anh.

“Tôi đang ở Rome”, hắn nói giọng nhỏ nhẹ. “Một vụ lớn. Rất lớn”.

“Cũng không ngạc nhiên lắm, Andrew. Anh toàn làm ăn lớn thôi mà”.

Malone dẹp câu nói cầu cạnh của Isherwood sang một bên. “Tôi chỉ có ít thời gian”, hắn nói. “Tôi giúp gì được đây, Julie?”

“Tôi nghĩ mình có một thứ cho anh. Thực ra là cho khách hàng của anh”.

“Khách hàng của tôi không sưu tập Bậc thầy Thời xưa”.

“Thứ tôi có cho khách hàng của anh không phải là Bậc thầy Thời xưa. Đây là một bức thuộc trường phái Ấn tượng. Nhưng không phải loại Ấn tượng nhan nhản khắp nơi. Anh hiểu ý tôi không? Bức họa rất đặc biệt, Andrew. Một thứ mà chỉ vài ba nhà sưu tập trên thế giới dám mơ đến việc sở hữu nó, và khách hàng của anh thuộc số này. Tôi hy vọng anh là người đầu tiên chiêm ngưỡng nó - ưu tiên đấy nhé. Anh có hứng thú với vụ này không, hay tôi nên tìm người khác?”

“Nói thêm đi, Julie”.

“Xin lỗi, ông bạn tốt, nhưng đây không phải là thứ có thể trao đổi trên điện thoại. Hẹn gặp ăn trưa ngày mai nhé? Tôi sẽ đãi”.

“Mai tôi đi Tokyo mất rồi. Một nhà sưu tập có bức Monet chủ tôi muốn mua”.

“Vậy ngày kia thì sao?”

“Đó là ngày tôi nghỉ ngơi sau chuyến bay. Chúng ta hẹn gặp thứ năm, được không?”

“Anh sẽ không hối hận về chuyện này đâu, Andrew”.

“Hối hận là những thứ cản bước chúng ta. Chào, Julie”.

Isherwood cúp máy nhìn người đàn ông vai rộng có mái tóc vàng dâu đang ngồi ở phía bên kia bàn. “Làm rất tốt”, Uzi Navot nói. “Nhưng lần tới hãy để Zizi đãi bữa trưa”.

Gabriel không ngạc nhiên khi nghe tin Andrew Malone đang ở Ý, anh đã cho người theo dõi hắn gần một tuần nay. Một bức điêu khắc Degas đã lọt mắt xanh Zizi và Malone phải đến thành phố Eternal để đàm phán mua lại nó. Nhưng đêm thứ hai hắn ta ra đi tay trắng và bay sang Tokyo. Nhà sưu tập vô danh sở hữu bức Monet mà Malone muốn mua không ai khác hơn chính là nhà công nghiệp nổi tiếng Monto Watanabe. Trông vẻ thất bại hiện trên khuôn mặt Malone khi rời căn hộ của Watanabe, Gabriel kết luận là vụ thương lượng đã không có kết quả tốt. Tối hôm đó Malone gọi cho Isherwood và thông báo mình sẽ ở lại Tokyo một ngày lâu hơn dự tính. “Tôi e rằng chúng ta phải hoãn cuộc hẹn lại”, hắn nói. “Tuần tới được không?”. Gabriel, người đang mong mọi việc trôi chảy, hướng dẫn cho Isherwood đẩy nhanh cuộc gặp, nên cuộc gặp chỉ bị hoãn lại thêm một ngày, từ thứ năm sang thứ sáu, mặc dù Isherwood cũng nhượng bộ bằng cách hẹn gặp vào cuối buổi trưa để Malone có thể chợp mắt vài tiếng. Quả thực Malone có ở lại Tokyo thêm một ngày, nhưng trạm theo dõi Tokyo không thấy hắn liên lạc gì thêm với Watanabe hay đại diện của Watanabe.

Mãi đến chiều tối thứ năm Andrew Malone mới quay trở lại Luân Đôn, dáng vẻ thất thần, theo lời Eli Lavon thì trông hắn giống hệt cái xác không hồn thanh lịch trong bộ quần áo trang nhã của nhà may Savile Row nổi tiếng. Khoảng 3 giờ rưỡi chiều hôm sau, xác chết ấy lướt vào cửa nhà hàng Green ở phố Duke, rồi yên vị tại góc bàn nơi Isherwood đang đợi. Nhận ly rượu vang trắng từ tay Isherwood, Malone cất tiếng:

“Này, chúng ta đi thẳng vào vấn đề nhé! Anh có món gì béo bở cho tôi à? Kẻ nào đem đến món hàng đó thế? Nâng ly thôi!”

Một tiếng rưỡi sau, khi Isherwood đến thì Chiara đang đứng đợi ở đầu cầu thang. Nhà buôn tranh khệnh khạng leo lên những bậc thang mới trải thảm, tay cầm hai chai vang trắng tuyệt hảo mua bằng tiền của Gabriel. Chiana bảo anh rẽ trái, nơi từng là khu văn phòng của công ty du lịch Archer. Ở đó, một nguời Israel phụ trách cho Gabriel đang đợi anh. Isherwood cởi áo khoác, mở nút áo sơ mi, để lộ một thiết bị ghi âm nhỏ gắn chặt vào ngực bằng dây thắt lưng co giãn.

“Tôi không thường hành động thế này trong buổi hẹn đầu tiên với khách hàng đâu”, Julian nói.

Anh chàng Israel vừa gỡ máy ghi âm ra vừa mỉm cười. “Thế còn món tôm hùm thì sao?”

“Hơi dai, nhưng cũng không đến nỗi tệ”

“Ông đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, thưa ngài Isherwood. Rất tốt”.

“Tôi nghĩ chắc đây là phi vụ cuối cùng. Còn bây giờ, hi vọng khi ra ngoài, tôi không bị bắn bể sọ”.

o O o

Đáng lý đoạn ghi âm phải được truyền đi một cách đảm bảo hơn, nhưng cũng giống như Adrian Carter, Gabriel vẫn có chút gì đó cổ hủ, lạc hậu, anh khăng khăng đòi tải thông tin vào một đĩa mềm và xách tay đến nhà an toàn Surrey. Hơn tám giờ tối, thứ mà mọi người nóng lòng chờ đợi mới được giao tận nơi. Gabriel bỏ đĩa vào ổ đĩa vi tính và nhấn nút Play. Dina nhảy chồm lên ghế sô-pha, Yaakov ngồi co chân trên ghế bành, tay chống cằm, háo hức lắng nghe. Đêm đó đến phiên Rimona phải nấu ăn. Vừa nghe giọng Andrew Malone là cô gọi với sang từ nhà bếp, bảo Gabriel vặn to tiếng lên để nghe cùng.

o O o

“Này Julian, anh tưởng tôi là thằng khờ à?”

“ Đó là món đồ có thật, Andrew ạ. Tôi tận mắt thấy rồi”.

“Anh có ảnh của nó không?”

“Tôi không được phép chụp ảnh nó”.

“Ai là chủ bức tranh đó?”

“Chủ nhân muốn giấu tên”.

“Dĩ nhiên rồi, nhưng là ai mới được chứ, anh bạn Julian của tôi?”

“Tôi không thể tiết lộ danh tính của chủ nhân. Xin được đặt dấu chấm hết ở đây. Cô ấy tin tưởng uỷ thác tôi làm đại diện cho việc giao dịch này”.

“Cô ấy? Vậy là phụ nữ à?”

“Bức tranh đã ở cùng với một gia đình trong ba thế hệ, và hiện tại do một phụ nữ nắm giữ”.

“Gia đình thế nào hả Julian, tiết lộ cho tôi chút thông tin đi”.

“Gia đình người Pháp. Và đấy cũng là tất cả những gì tôi có thể cho anh biết”.

“Tôi e rằng nếu chỉ có thế thì rất khó lòng thực hiện giao dịch được, anh bạn Julian ạ. Ít ra anh phải cho tôi biết cái gì đó cụ thể hơn. Tôi chẳng thể nào đi tay trắng về gặp ông chủ Zizi của tôi được. Ông ta sẽ nổi cáu ngay lập tức. Nếu muốn Zizi nhập cuộc chơi, thì phải chơi theo luật của ông ấy”.

“Tôi không lo ngại chuyện ấy, Andrew ạ. Tôi tìm đến anh đầu tiên vì tôi ưu ái anh nhất. Nói thật tôi chẳng để ý gì đến luật của Zizi. Tôi cũng chẳng cần ông ta. Nếu tôi loan tin ra thị trường rằng tôi đang giữ một bức tranh vẫn chưa trình làng của Van Gogh, thì bảo đảm tất cả dân sưu tập, viện bảo tàng trên trái đất này sẽ tự tìm đến tôi, dâng tiền cho tôi. Anh nên nhớ kỹ điều đó”.

“Thứ lỗi cho tôi, Julie. Tôi mệt mỏi vì cả tuần này bù đầu với công việc. Chúng ta bắt đầu lại câu chuyện nhé!”

“Sẵn lòng thôi”.

“Anh có thể trả lời vài câu hỏi của tôi chứ?”

“Còn phải xem anh hỏi gì nữa”.

“Tôi sẽ bắt đầu bằng câu đơn giản nhất. Cho tôi biết bây giờ bức tranh ấy đang ở đâu? Ở Pháp hay Anh?”

“Ở ngay tại Luân Đôn này”.

“Trong phòng tranh của anh à?”

“Không”.

“Bức tranh thể loại gì? Phong cảnh? Tranh tĩnh vật? Hay chân dung?”

“Chân dung”.

“Tự họa?”

“Không”.

“Nam hay nữ?”.

“Nữ”.

“Hay thật. Thế được họa lúc đầu khởi nghiệp hay sau này?”.

“Sau này”.

“Tại thị trấn Saint-Rémy hay là Auvers?”

“Tranh hoàn thành vào những ngày cuối đời của danh họa tại Auvers”.

“Không phải anh đang nói đến bức danh họa bí ẩn Marguerite Gachet đó chứ, Julian?”

“Đã đến lúc chúng ta phải gọi món ăn rồi”.

“Quỷ quái thật. Anh cho tôi câu trả lời được chứ? Có phải anh đang nói đến bức họa Marguerite Gachet không?”

“Nãy giờ tôi đã cố gắng trả lời đúng theo cam kết của chúng ta, và tôi không thể nói thêm điều gì được nữa. Nếu anh muốn biết bức tranh đó thế nào, mời anh đến xem tận mắt”.

“Anh mời tôi đến xem ư?”

“Không phải anh mà là ông chủ của anh”.

“Ông chủ tôi bận bịu suốt”.

“Tôi đã chủ định dành 72 giờ để anh và ông chủ anh suy nghĩ về đề nghị này. Sau đó, tôi sẽ chính thức loan tin rộng rãi”.

“Không hay tí nào. Ông chủ tôi không thích bị áp đặt tối hậu thư như vậy”.

“Đó không phải là tối hậu thư, chỉ đơn giản là việc làm ăn. Ông ấy hiểu điều đó hơn ai hết”.

“Tiền bạc ra sao?”

“Tám mươi lăm triệu”.

“Tám mươi lăm triệu à? Thế thì anh tìm Zizi là đúng người rồi. Thời buổi bây giờ tiền bạc hơi khó kiếm một chút. Tôi cũng chẳng nhớ lần cuối người ta trả đến tám mươi lăm triệu cho một món hàng là lúc nào nữa? Anh có nhớ không?”

“Chắc chắn bức tranh sẽ đáng giá với từng xu mà Zizi bỏ ra”.

“Nếu quả thật như những gì anh nói, và nếu bức tranh vẫn còn trong tình trạng tốt, tôi sẽ lập tức đưa tiền cho anh theo đúng những gì anh yêu cầu. Lâu nay ông chủ tôi vẫn tìm kiếm một bức tranh đúng với giá trị của nó. Tôi nghĩ anh biết phải không? Đó cũng là lý do anh tìm đến tôi trước tiên. Anh thừa hiểu chúng ta có thể hoàn tất việc giao dịch này trong một buổi chiều. Không phải đấu giá, không qua báo chí. Chẳng phải hỏi han gì về cô chủ nhân người Pháp nhỏ bé và mai danh ẩn tích của anh. Tôi chính là con gà đẻ trứng vàng mà anh đang tìm kiếm, và tôi nghĩ anh hiểu phải cho con gà này chút lợi nhuận chứ nhỉ?”

“Anh đang muốn nói gì hả Andrew?”

“Tôi không cần giải thích thêm”.

“Nhưng tôi quả thật không hiểu. Anh có thể nói rõ hơn chút không?”

“Tôi đang nói đến tiền, Julian ạ. Tôi đang nói đến một miếng bánh thật nhỏ cắt ra từ một ổ bánh thật to”.

“Anh muốn được chia phần à? Tham gia chia phần, theo cách người Mỹ thường nói”.

“Xin đừng đề cập đến người Mỹ ở đây. Hiện thời, ông chủ của tôi không thích nhắc đến kiểu cách của người Mỹ”.

“Vậy thì thế nào gọi là chia phần?”

“Như thế này, để tránh việc tranh cãi, tôi xin giải thích như sau: phần hoa hồng bán tranh của anh là 10 phần trăm, đồng nghĩa anh nhận được một khoản hời tám triệu rưỡi đô trong chỉ một buổi chiều. Còn về phần mình, tôi chỉ mong sẽ có 10 phần trăm trên 10 phần trăm của anh. Mà cũng chẳng phải tôi xin xỏ gì, tôi xứng đáng có phần đó. Anh phải trả cho tôi, nếu như anh tham gia cuộc chơi này”.

“Theo những gì tôi được biết, anh là cố vấn nghệ thuật duy nhất của Zizi. Và chắc hẳn Zizi phải trả lương cho anh hậu hĩnh lắm. Anh đang sống nhờ vào tiền của ông chủ Zizi, thoải mái thư giãn trên đất của Zizi. Ông ta trả công cho anh nhiều như thế vì không muốn anh kiếm chác thêm trên các khoản giao dịch khác. Nhưng rõ ràng là anh đang bắt cá hai tay, có phải không Andrew? Chuyện này đã bao lâu rồi? Anh đã ăn chia được bao nhiêu tiền của Zizi rồi hả?”

“Đó không phải là tiền của Zizi. Đó là tiền của tôi. Zizi không biết được, khuất mắt trông coi mà”.

“Lỡ ông ta biết thì sao? Ông ta sẽ đày anh đến thung lũng cát Empty Quarter rồi để mặc anh cho lũ kền kền phanh thây”.

“Chính xác, anh bạn của tôi. Và tôi hi vọng vì lẽ đó anh sẽ không tiết lộ một lời nào với ông ta. Tôi trao tặng anh 7 triệu rưỡi đô chỉ trong một buổi chiều. Không đến nỗi tệ nhỉ. Xem như chúng ta đã thỏa thuận xong. Và cùng làm giàu, anh nghĩ sao?”

“Thôi được Andrew. Anh sẽ có 10 phần trăm của anh. Nhưng tôi cần gặp mặt ông chủ Zizi quý phái của anh trong vòng 72 tiếng nữa, nếu không thì xem như chấm dứt giao dịch”.

Gabriel bấm dừng đoạn thu âm, và điều chỉnh nghe lại phần cuối.

“Nhưng rõ ràng là anh đang bắt cá hai tay, có phải không Andrew? Chuyện này đã bao lâu rồi? Anh đã ăn chia được bao nhiêu tiền của Zizi rồi hả?”

“Đó không phải là tiền của Zizi. Đó là tiền của tôi. Zizi không biết được, khuất mắt trông coi mà”.

“Lỡ ông ta biết thì sao? Ông ta sẽ đày anh đến thung lũng cát Empty Quarter rồi để mặc anh cho lũ kền kền phanh thây”.

“Chính xác, anh bạn của tôi. Và tôi hi vọng vì lẽ đó anh sẽ không tiết lộ một lời nào với ông ta”.

Gabriel tắt chương trình, lấy đĩa ra khỏi máy.

“Tên Malone này đểu kinh lên được”. Yaakov nhận xét.

“Đúng vậy”, Gabriel đồng tình, dù anh đã biết điều này từ lâu.

“Anh nghĩ có nên để ai đó báo cho Zizi biết không”, Dina hỏi. “Như vậy cũng hợp lý thôi”.

“Đúng vậy” Gabriel vừa nói vừa cất đĩa vào túi. “Sẽ có ai đó báo cho Zizi. Nhưng không phải là chúng ta”.

Đó là 72 giờ dài nhất mà họ từng trải qua. Toàn là những cảnh báo và hứa hẹn, có lúc tưởng như chắc chắn sẽ thực hiện nhưng rồi lại bị hủy bỏ chỉ trong chốc lát. Malone lúc là người dọa dẫm, lúc lại van xin. “Ông chủ Zizi rất bận rộn”, hắn thông báo vào chiều thứ bảy. “Bây giờ ông đang bận một vụ làm ăn lớn, chắc phải đi Delhi ngay hôm nay và bay thẳng đến Singapore ngày mai. Có khi giữa tuần sau ông ấy mới có mặt ở Luân Đôn”. Nhưng Isherwood vẫn cương quyết giữ ý định của mình, cánh cửa cơ hội duy nhất cho Zizi sẽ chính thức khép lại lúc 5 giờ chiều, và sau đó Zizi tự đi mà tìm kiếm ở mọi ngóc ngách.

Chiều muộn chủ nhật, Malone gọi điện thoại và thông báo tin buồn rằng Zizi đang lấy giấy thông hành. Gabriel không lo lắng vì điều này nhiều lắm, bởi vì cùng chiều hôm đó nhóm đặc vụ đóng tại văn phòng công ty du lịch Archer đã nhìn thấy một người đàn ông Arập sang trọng khoảng 30 tuổi, lảng vảng do thám xung quanh khu vực Mason’s Yard. Sau khi xem hình kẻ khả nghi, Lavon đã xác định được danh tánh của hắn là Jafar Shakuri, từng là lính cảnh vệ Arập Xêút, hiện là thành viên của nhóm cận vệ cấp cao cho Zizi. “Hắn đang đến”, Lavon nhận xét. “Zizi luôn thích chơi trò đánh đố”.

Cuộc điện thoại họ mong đợi cuối cùng cũng đến vào lúc 10 giờ 22 phút sáng hôm sau. Đầu dây bên kia là giọng Andrew Malone, và dù không nhìn thấy mặt, họ thừa biết ông ta rất vui vẻ. Zizi đang trên đường đến Luân Đôn, và có thể ghé ngang qua phòng tranh của Isherwood lúc 4 giờ 30 phút. “Zizi cũng có vài quy tắc”, Malone nói trước khi gác máy. “Không rượu bia, không thuốc lá. Hãy sắp xếp hai cô gái ăn mặc lịch sự, chỉnh tề để đón tiếp ông ấy. Zizi thích phụ nữ đẹp, nhưng phải là đẹp duyên dáng. Và ông chủ Zizi của chúng tôi là người của tín ngưỡng, ông ấy dễ phật lòng”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.