Người Đưa Tin

Chương 13: Luân đôn




Tôi cần một bức Van Gogh, Julian”.

“Ai mà không cần, bạn thân mến”.

Isherwood kéo cổ tay áo lên nhìn đồng hồ. Bây giờ là mười giờ sáng. Giờ này mọi ngày anh đang có mặt tại phòng triển lãm tranh, chứ không phải đi dạo dọc theo công viên Thánh James. Anh dừng bước một lát ngắm đàn vịt bơi trên mặt nước tĩnh lặng về phía đảo. Gabriel dùng cơ hội này đảo mắt quanh công viên xem họ có bị theo dõi không. Sau đó anh nắm khuỷu tay Isherwood kéo về phía đường Kỵ Binh.

Họ là một cặp không tương xứng, giống như những nhân vật đến từ những bức họa khác nhau. Gabriel mặc quần jeans đen và đi giày êm không gây ra tiếng động khi di chuyển. Tay anh thọc vào túi áo khoác ngoài bằng da, vai nghiêng về phía trước, còn đôi mắt xanh đảo khắp công viên. Isherwood, lớn hơn Gabriel mười lăm tuổi và cao hơn anh vài cen-ti-mét, mặc bộ vest sọc trắng và áo khoác ngoài bằng len. Những lọn tóc muối tiêu xòa ra bên ngoài cổ áo khoác, nó nâng lên rồi hạ xuống theo mỗi nhịp sải bước dài nhưng không chắc chắn. Có điều gì đó chênh vênh trong dáng đi của Julian Isherwood. Như mọi khi, Gabriel luôn phải cưỡng lại mong muốn thò tay ra giữ anh ta lại cho chắc.

Họ đã biết nhau 30 năm. Cái họ đầy chất Anh-Isherwood và dáng người cao lêu nghêu đặc trưng của dân Anh đã giúp anh ta che giấu sự thực trái ngược. Julian có quốc tịch và hộ chiếu là ở Anh, nhưng sinh ở Đức, được nuôi dưỡng ở Pháp và theo đạo Do Thái. Chỉ một vài người bạn tin cẩn biết rằng hồi nhỏ Isherwood được hai người chăn cừu xứ Basque đưa qua núi Pyrenees đầy tuyết phủ sang nước Anh tị nạn. Rằng cha anh, một người bán tranh nổi tiếng ở Paris tên Samuel Isakiwitz, đã bị giết tại trại tử thần Sobibor cùng mẹ. Có một việc khác Isherwood cũng giấu những người cạnh tranh trong thế giới nghệ thuật Luân Đôn - và hầu hết những người khác. Trong thuật ngữ của Văn phòng, Julian Isherwood là sayan, một người ủng hộ tự nguyện theo đạo Do Thái. Anh được Shamron tuyển mộ với lí do duy nhất: giúp xây dựng và duy trì vỏ bọc của một điệp viên duy nhất rất đặc biệt.

“Người bạn Mario Delveccio của tôi sao rồi?” Isherwood hỏi.

“Biến mất không còn dấu vết”, Gabriel nói. “Tôi hi vọng vụ bại lộ của tôi không gây cho anh khó khăn nào”.

“Cho đến giờ vẫn chưa có gì”.

“Không có lời đồn đại nào trên đường? Không có câu hỏi khó xử nào trong các cuộc đấu giá? Không nhân viên MI5 nào ghé thăm?”

“Ý cậu muốn hỏi những người ở Luân Đôn có xem tôi như là điệp viên đắc lực của Israel không à?”

“Đúng vậy”.

“Ở mặt trận này mọi thứ rất yên ắng. Nhưng thật ra lúc đó chúng ta cũng không phô trương mối quan hệ với nhau nhiều. Đó không phải là phong cách của cậu. Cậu không phô trương về bất cứ điều gì. Cậu là một trong vài nhà phục chế tranh giỏi nhất thế giới, vậy mà không ai biết điều này. Thật tiếc”.

Họ đến góc đường Great George. Gabriel chuyển hướng sang bên phải vào Lối đi lồng chim.

“Ai biết về chúng ta ở Luân Đôn, Julian? Ai biết anh có mối quan hệ chuyên môn với Mario?”

Isherwood nhìn hàng cây rũ xuống dọc vệ đường. “Thật ra là rất ít người. Có Jeremy Crabbe tại Bonhams. Anh ta vẫn rất giận dữ với cậu vì cậu đã lấy bức họa Rubens trước mũi anh ta”. Isherwoob đặt bàn tay dài xương xẩu lên vai Gabriel. “Có người đã đặt mua bức tranh này. Tất cả những gì tôi cần là vẽ”.

“Tôi đã quét vécni lên bức tranh hôm qua trước khi rời Jerusalem”, Gabriel nói. “Tôi sẽ dùng một trong những công ty chuyển phát hàng đầu để nhận được nó càng nhanh càng tốt. Anh sẽ có bức tranh vào cuối tuần. Tiện thể, anh nợ tôi 150 ngàn bảng”.

“Hóa đơn gửi trong thư, bạn thân mến”.

“Còn ai nữa không?”. Gabriel hỏi. “Còn ai khác biết về chúng ta?”

Isherwood suy nghĩ một lát. “Gã Oliver Dimbleby xấu xa”, anh nói. “Cậu nhớ Oliver không? Tôi giới thiệu cậu với hắn tại nhà hàng Green khi chúng ta đang dùng bữa trưa. Một nhà bán tranh nhỏ không mấy danh tiếng ở đường King. Hắn đã từng có lần nài tôi bán lại cho hắn phòng triển lãm tranh”.

Gabriel vẫn còn giữ tấm danh thiếp dát vàng hợm hĩnh mà Oliver đã nhét vào tay anh. Khi đó Oliver hầu như không nhìn về phía anh. Oliver là như thế.

“Tôi đã giúp Crabbe nhiều trong những năm qua”, Isherwood nói. “Những kiểu giúp đỡ mà chúng tôi không thích nói đến trong ngành. Còn đối với Oliver Dimbleby, tôi đã giúp hắn dọn dẹp sạch sẽ đống bầy hầy hắn tạo ra với một cô bé làm trong phòng tranh mình. Tôi nhận cô bé tội nghiệp vào. Cho cô bé một công việc. Cô ta bỏ tôi qua nhà bán tranh khác. Những cô gái của tôi cô nào cũng thế. Tôi có gì khiến phụ nữ bỏ đi nhỉ. Tôi là mục tiêu dễ chinh phục, chắc vậy. Hẳn phụ nữ sẽ nhận thấy điều này. Chỗ của cậu cũng thấy thế. Và Herr Heller chắc chắn cũng không là ngoại lệ”.

Herr Rudolf Heller, một người đầu tư rủi ro đến từ Zurich, là một trong những bí danh ưa thích nhất của Shamron. Đó chính là tên ông dùng khi tuyển mộ Isherwood.

“Nhân tiện, ông sao rồi?”

“Ông gửi đến anh lời chào”.

Gabriel hạ mắt xuống nhìn vỉa hè ẩm ướt. Một cơn gió lạnh từ công viên thổi lá rụng cuốn lên từ dưới chân họ.

“Tôi cần một bức Van Gogh”, Gabriel nhắc lại.

“Được rồi, tôi đã nghe cậu nói về điều này rồi. Vấn đề là tôi không có bức Van Gogh nào. Nếu cậu quên thì tôi nhắc lại cho cậu nhớ, phòng tranh Isherwood chỉ chuyên về các bậc thầy thời xưa. Nếu cậu muốn một bức theo trường phái Ấn tượng, cậu phải đi chỗ khác”.

“Vậy báo cho tôi biết tôi có thể tìm bức đó ở đâu”.

“Trừ phi cậu dự định ăn trộm, hiện tại trên thị trường không có bức nào - ít nhất theo tôi biết là vậy”.

“Nhưng không đúng thế, đúng không, Julian? Anh có biết về một bức Van Gogh. Cách đây cả thế kỷ anh có kể cho tôi nghe một lần - câu chuyện về bức tranh trước đây chưa ai biết mà cha anh đã thấy ở Paris giữa hai cuộc chiến”.

“Không chỉ mình cha tôi”, Isherwood nói. “Tôi cũng đã thấy bức tranh. Vincent vẽ bức này ở Auvers trong những ngày cuối cùng của đời ông. Có lời đồn bức tranh này có thể làm hư hại thanh danh ông. Vấn đề là bức tranh không để bán, và có lẽ chẳng bao giờ được bán. Gia đình đó đã nói với tôi rất rõ họ không dự định chia tay với bức tranh. Họ rất kiên quyết và muốn giữ bí mật về sự tồn tại của bức tranh”.

“Kể tôi nghe lại câu chuyện đi”.

“Bây giờ tôi không có thời gian, Gabriel. Tôi có cuộc hẹn lúc 10 giờ 30 phút tại phòng tranh”.

“Hủy cuộc hẹn đi, Isherwood. Kể tôi nghe về bức tranh đó”.

Isherwood băng qua cầu thang bộ bắc ngang qua hồ vào phòng trưng bày tranh của anh trong công viên St. James. Gabriel thọc tay sâu hơn vào túi áo khoác bước theo anh.

“Cậu đã phục chế tranh ông ấy bao giờ chưa?”. Isherwood hỏi.

“Vincent à? Chưa bao giờ”.

“Cậu biết bao nhiêu về những ngày cuối đời của ông?”

“Cũng như mọi người”.

“Vớ vẩn, Gabriel. Đừng đóng vai kẻ ngốc với tôi. Bộ óc cậu giống Từ điển Grove về Nghệ thuật”.

“Lúc đó là mùa hè năm 1890 phải không?”

Isherwood gật đầu với vẻ đồng ý của một chuyên gia. “Cậu tiếp tục đi”.

“Sau khi Vincent rời bệnh viện tâm thần ở Saint-Rémy, ông đến Paris để thăm Theo và Johanna. Ông thăm một vài phòng tranh và trưng bày, và dừng lại tại cửa hàng bán dụng cụ vẽ Père Tanguy để kiểm tra một vài bức vải vẽ ông cất ở đó. Ba ngày sau ông bắt đầu cảm thấy chán nơi này, vì thế ông lên tàu đi Auvers-sur-Oise, một nơi cách Paris hai mươi dặm. Ông nghĩ Auvers là nơi lí tưởng, rằng cảnh đồng quê yên tĩnh sẽ rất thích hợp với công việc sáng tác, và nó vẫn gần Theo, nguồn mạch kinh tế và tình cảm của ông. Ông thuê phòng ở nhà trọ Café Ravoux và nhờ bác sỹ Paul Gachet theo dõi sức khỏe”.

Gabriel nắm tay Isherwood và cùng nhau họ lao qua làn xe cộ trên đường Mall tiến vào đường Marlborough.

“Ông bắt đầu vẽ ngay lập tức. Phong cách cũng như tâm trạng ông trở nên bình tĩnh và dịu dàng hơn. Sự buồn bực và bạo lực đặc trưng trong hầu hết các tác phẩm của ông ở Saint-Rémy và Arles không còn nữa. Sức sáng tạo của ông mạnh mẽ đến mức khó tin. Trong vòng hai tháng ở Auvers, ông đã vẽ hơn tám mươi tác phẩm. Mỗi ngày một bức. Có vài ngày đến hai bức”.

Họ quẹo vào đường King. Gabriel đột nhiên đứng sững lại. Ngay trước mặt họ, đi dọc trên vỉa hè về phía lối vào nhà đấu giá Christie là Olver Dimbleby. Isherwood quẹo gấp vào đường Bury và tiếp tục từ chỗ Gabriel dừng lại.

“Khi Vincent không cầm cọ vẽ, người ta thường thấy ông tha thẩn trong phòng riêng ở trên nhà trọ Café Ravoux hay ngồi chơi tại nhà Gachet. Gachet là người góa vợ hai con, cậu con trai 15 tuổi và cô con gái vừa bước qua tuổi 21 khi Vincent đến Auvers ở”.

“Marguerite”.

Isherwood gật đầu. “Cô là một cô gái xinh đẹp, và rất say mê Vincent. Cô đồng ý ngồi làm mẫu cho ông - không may là không có sự đồng ý của cha mình. Ông vẽ cô trong vườn của gia đình, mặc đầm trắng”.

“Bức Marguerite Gachet trong vườn”, Gabriel nói.

“Khi cha cô phát hiện ra, ông nổi cơn lôi đình”.

“Nhưng cô vẫn làm mẫu cho ông”.

“Đúng vậy”, Isherwood tán thành. “Bức vẽ thứ hai là Marguerite chơi đàn piano. Cô ấy cũng xuất hiện trong bức Trong rừng có hai bóng người, một tác phẩm mang tính tượng trưng sâu sắc được một vài sử gia nghệ thuật cho là lời tiên đoán cái chết của chính ông. Nhưng tôi tin đó chính là Vincent và Marguerite sánh bước dọc theo lối đi trong nhà thờ – đó là linh cảm của Vincent về đám cưới”.

“Có bức vẽ thứ tư về Marguerite à?”

“Marguerite Gachet tại bàn trang điểm”, Isherwood đáp. “Bức đẹp nhất trong số này. Chỉ vài người biết đến sự tồn tại của nó hoặc đã từng được nhìn thấy nó. Vincent vẽ bức này vài ngày trước khi chết. Sau đó nó biến mất”.

Họ bước tới đường Duke và đi qua lối hẹp vào sân lát gạch có tên gọi là Mason’s Yard. Phòng tranh của Isherwood chiếm một gian nhỏ theo kiểu Victoria ở góc xa, nằm kẹp giữa công ty vận chuyển nhỏ của Hy Lạp và quán rượu toàn những cô gái xinh đẹp lái xe tay ga. Isherwood chuẩn bị băng qua sân vào phòng tranh thì Gabriel nắm ve áo anh kéo đi theo hướng ngược lại. Khi họ đi quanh sân băng qua những chỗ râm lạnh lẽo, Isherwood nói về cái chết của Vincent.

“Vào tối 27/7, Vincent trở lại nhà trọ Café Ravoux và loạng choạng lên lầu để về phòng. Bà Ravoux đi theo ông và phát hiện ông đã bị bắn. Bác sỹ dĩ nhiên là Gachet. Ông quyết định để viên đạn trong bụng Vincent và cho gọi Theo tới Auvers. Khi Theo tới buổi sáng hôm sau, ông thấy Vincent đang nằm trên giường hút thuốc. Ông chết trong ngày hôm đó”.

Họ bước ra khoảnh sân có ánh nắng mặt trời chói chang. Isherwood che mắt bằng bàn tay dài.

“Rất nhiều câu hỏi không lời giải đáp được đặt ra về vụ tự tử của Vincent. Người ta không rõ ông lấy súng ở đâu, hay địa điểm chính xác ông tự bắn mình. Cũng có những câu hỏi về động lực thúc đẩy ông làm việc này. Có phải vụ tự tử là để chấm dứt thời gian dài chiến đấu chống lại bệnh điên? Hay ông cùng quẫn vì nhận được thư của Theo báo rằng anh không thể vừa chu cấp cho ông cùng lúc với vợ con của anh ta? Hay Vincent quyết định dùng mạng mình để khiến các tác phẩm của ông nổi tiếng và bán chạy? Tôi chưa bao giờ hài lòng vì những giả thuyết này. Tôi nghĩ chuyện này phải có liên quan đến Gachet. Hay đúng hơn là với con gái của Gachet”.

Họ lại bước vào khoảng sân bị bóng râm che phủ. Isherwood hạ tay xuống.

“Trước ngày Vincent tự bắn mình, ông đã đến nhà Gachet. Hai người cãi lộn dữ dội, và Vincent dùng súng đe dọa Gachet. Đâu là nguyên nhân vụ tranh cãi? Sau đó Gachet nói rằng nó có liên quan đến một bức vẽ. Tôi nghĩ nguyên nhân là về Marguerite. Có lẽ có liên quan đến bứcMarguerite Gachet bên bàn trang điểm. Đây là một tuyệt phẩm, một trong những bức chân dung đẹp nhất của Vincent. Dáng ngồi và bối cảnh rõ ràng tượng trưng cho một cô dâu trong đêm tân hôn. Một người như Paul Gachet không thể nào bỏ qua ý nghĩa hiển nhiên của bức tranh. Nếu ông đã thấy bức tranh - không có lí do ông chưa thấy - ắt hẳn ông đã vô cùng giận dữ. Có lẽ Gachet bảo với Vincent rằng chuyện có một đám cưới với con gái mình là không thể. Có lẽ ông cấm không cho Vincent được vẽ con gái mình. Có lẽ ông cấm Vincent gặp lại Marguerite. Chúng ta biết là Marguerite không có mặt tại đám tang của Vincent, mặc dù ngày hôm sau người ta thấy cô đầy nước mắt đặt hoa hướng dương lên mộ ông. Cô không bao giờ kết hôn, và sống như một ẩn sỹ tại Auvers cho đến cuối đời vào năm 1949”.

Họ băng qua lối vào phòng tranh của Isherwood và tiếp tục đi.

“Sau cái chết của Vincent, những bức vẽ của ông trở thành tài sản của Theo. Ông chuyển những tác phẩm Vincent đã vẽ tại Auvers về lưu giữ ở Père Tanguy thuộc Paris. Chẳng bao lâu sau cái chết của Vincent, Theo cũng qua đời, và những bức họa trở thành tài sản của Johanna. Không người bà con nào của Vincent muốn lấy tác phẩm của ông. Anh trai của Johanna nghĩ chúng không đáng giá và đề nghị đốt những bức họa này”. Isherwood nói. “Cậu có tưởng tượng được không?”. Anh lại đẩy mình về phía trước bằng sải chân dài. “Johanna lập danh sách những tác phẩm và làm việc không mệt mỏi để xây dựng danh tiếng của Vincent. Chính nhờ Johanna mà Vincent được coi là hoạ sĩ vĩ đại. Nhưng có một sự bỏ sót quan trọng trong danh sách những tác phẩm được biết đến của Vincent”.

“Marguerite Gachet bên bàn trang điểm”.

“Chính xác”, Isherwood đồng ý. “Đây là tai nạn hay sự cố tình? Dĩ nhiên chúng ta sẽ không bao giờ được biết, nhưng tôi có một giả thuyết. Tôi nghĩ rằng Johanna biết bức vẽ đã góp phần gây nên cái chết của Vincent. Dù gì đi nữa, nó được bán với giá rẻ mạt trong vòng một năm sau cái chết của Vincent và không có ai còn được nhìn thấy nó nữa. Đây cũng là lúc cha tôi bước vào câu chuyện”.

Họ hoàn tất vòng đi dạo đầu tiên vòng quanh sân và bắt đầu vòng đi thứ hai. Bước đi của Isherwood chậm lại khi anh kể về cha mình.

“Trong tim mình bao giờ ông cũng là người Berlin. Ông muốn ở đó mãi mãi. Dĩ nhiên chuyện này là không thể. Cha tôi nhìn thấy dông bão nổi lên nên mau chóng rời bỏ thành phố. Cuối năm 1936, chúng tôi đã rời Berlin và chuyển đến Paris”. Anh nhìn Gabriel. “Thật không may ông cậu không làm như vậy. Ông là một họa sỹ vĩ đại. Cậu xuất thân từ một gia đình danh giá, cậu bé của tôi ạ”.

Gabriel nhanh chóng thay đổi chủ đề. “Phòng tranh của cha anh nằm trên rue de la Boétie đúng không?”

“Đúng vậy”. Isherwood đáp. “Rue de la Boétie là trung tâm thế giới nghệ thuật thời đó. Paul Rosenberg có phòng tranh tại số 21. Picasso và Olga sống bên kia sân tại số 23. Georges Wildenstein, Paul Guillaume, Josse Hessel, Étienne Bignou - tất cả mọi người đều ở đó. Phòng tranh của Isakowitz nằm kế bên phòng tranh của Paul Rosenberg. Picasso là ‘Chú Pablo” của tôi. Ông ấy thường cho tôi xem ông ấy vẽ, còn Olga hay cho tôi sôcôla đến khi tôi phát ngấy”.

Isherwood cho phép mình mỉm cười trong chốc lát, nhưng nụ cười ấy nhanh chóng nhạt đi khi anh tiếp tục câu chuyện về cha mình ở Paris.

“Người Đức đến vào tháng năm 1940 bắt đầu cướp bóc. Cha tôi thuê lâu đài ở Bordeaux bên địa phận thuộc phe Vichy và chuyển phần lớn các bức tranh của ông về nơi này. Chúng tôi nhanh chóng theo ông. Người Đức vượt qua khu vực không chiếm đóng năm 1942, và những vụ bắt bớ trục xuất bắt đầu. Chúng tôi bị kẹt. Cha tôi trả tiền cho hai người chăn cừu xứ Basque đưa tôi vượt núi tới Tây Ban Nha. Ông đưa tôi một vài tài liệu để mang theo, danh mục các tác phẩm và hai quyển nhật ký. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông”.

Có tiếng còi xe lớn trên đường Duke; những con chim bồ câu bay tán loạn trên khoảnh sân có bóng râm.

“Mãi nhiều năm sau tôi mới đọc những quyển nhật ký. Trong một quyển cha tôi đã kể về một bức tranh ông trông thấy ở Paris tại nhà một người tên là Isaac Weinberg”.

“Marguerite Gachet bên bàn trang điểm”.

“Wienberg bảo với cha tôi rằng ông ta mua bức tranh từ Johanna không lâu sau khi Vincent chết và đã tặng vợ làm quà sinh nhật. Cha tôi hỏi Isaac liệu ông có muốn bán không, và Isaac trả lời là không. Ông dặn cha tôi không được nhắc về bức tranh cho bất kì ai. Cha tôi đã làm theo lời ông ấy”.

Điện thoại di động của Isherwood reo, nhưng anh phớt lờ.

“Vào đầu những năm 1970, ngay trước khi tôi gặp anh, tôi đang đi công tác tại Paris. Tôi có vài giờ rảnh rang giữa các cuộc hẹn, nên quyết định đến tìm Isaac Weinberg. Tôi đến địa chỉ ở quận Marais được ghi trong quyển sổ tay của cha tôi, nhưng Weinberg không ở đó. Ông đã mất mạng trong chiến loạn. Nhưng tôi gặp con trai ông, Marc, và kể với anh ta về đoạn trong quyển nhật ký của cha tôi. Ban đầu anh ta phủ nhận cậu chuyện, nhưng cuối cùng cũng nhượng bộ cho tôi xem bức tranh sau khi bắt tôi thề phải giữ bí mật mãi mãi. Tôi hỏi liệu anh ta có muốn bán nó không. Anh ta từ chối”.

“Anh chắc chắn đây là tác phẩm của Vincent?”

“Không mảy may nghi ngờ”.

“Kể từ hồi ấy đến giờ anh không quay lại đó?”

“Ngài Weinberg đã nói rất rõ sẽ không bao giờ bán bức tranh. Tôi thấy không cần thiết”. Isherwood dừng lại quay sang đối diện với Gabriel. “Được rồi, bạn thân mến. Tôi đã kể anh nghe mọi chuyện. Bây giờ anh kể tôi nghe chuyện này là như thế nào”.

“Tôi cần bức hoạ đó của Van Gogh, Julian”.

“Để làm gì?”

Gabriel nắm tay áo của Isherwood dẫn anh ta về phía cửa phòng tranh.

Có tấm bảng gắn bộ đàm kế bên cánh cửa kiếng có bốn cái nút và bốn bảng tên tương ứng. Một tấm bảng ghi: PHÒNG TRANH ISHERWOOD: CHỈ TIẾP KHÁCH CÓ HẸN. Isherwood mở cửa bằng chìa khóa và dẫn Gabriel lên cầu thang trải thảm xơ xác. Trên đầu cầu thang là hai cánh cửa nữa. Ở bên trái là một đại lý du lịch làm ăn không mấy phát đạt. Người chủ, một cô gái già tên là Archer, đang ngồi tại bàn dưới tấm áp phích có hình một cặp nam nữ đang vui vẻ nô đùa trong làn nước xanh ngắt. Cô thư ký mới nhất của anh, một cô gái đáng thương tên Tanya, nhìn họ chăm chú khi Isherwood và Gabriel bước vào. “Đây là ông Klein”, Isherwood giới thiệu. “Ông muốn xem vài bức tranh trên lầu. Không ai được phép quấy rầy chúng tôi. Như vậy mới là cô gái ngoan, Tanya yêu mến ạ”.

Họ bước vào cầu thang máy có kích cỡ một trạm điện thoại, và bấm nút đi lên. Họ đứng sát nhau đến nỗi Gabriel có thể ngửi thấy mùi rượu vang đỏ tối hôm qua trong hơi thở của Isherwood. Một vài giây sau, thang máy rung rung dừng lại và cánh cửa mở ra kêu kẽo kẹt. Phòng trưng bày của Isherwood nửa sáng nửa tối, chỉ được chiếu sáng bởi ánh mặt trời rọi vào qua khung cửa sổ trên mái nhà. Isherwood ngồi xuống chiếc đi văng bọc nhung ở giữa phòng trong khi Gabriel đi chầm chậm quanh phòng ngắm các bức tranh. Những bức tranh gần như vô hình trong bóng tối nhưng anh biết chúng rất rõ: bức Venus của Luini, Lễ Thánh đản của Perino del Vaga, Lễ rửa tội Chúa Jesu của Bordone, một bức tranh phong cảnh rực rỡ của Claude.

Isherwood mở miệng định cất tiếng nói nhưng Gabriel đưa tay lên môi và móc ra từ túi áo khoác một đồ vật nhìn có vẻ giống một chiếc điện thoại Nokia thông thường. Nó thật sự là một chiếc điện thoại Nokia nhưng có thêm một vài chức năng không dành cho những người bình thường, như thiết bị dò tín hiệu GPS và thiết bị có thể phát hiện sự hiện diện của máy phát tín hiệu. Gabriel đi vòng quanh phòng lần nữa, lần này mắt anh nhìn vào điện thoại. Sau đó anh ngồi xuống kế bên Isherwood, bằng giọng nhỏ nhất có thể, Gabriel nói cho anh ta biết lí do tại sao mình cần bức Van Gogh.

“Zizi al-Bakari?”. Isherwood hỏi với vẻ không tin. “Một tên khủng bố khát máu? Cậu chắc không?”

“Ông ta không gài bom, Julian. Ông ta cũng không chế bạo bom. Nhưng ông ta trả tiền hoá đơn, và dùng đế chế kinh doanh của mình để giúp cho hoạt động của những tên khủng bố và vận chuyển trang thiết bị đi toàn cầu. Trong thế giới ngày nay việc này cũng xấu xa như trực tiếp thực hiện hành động khủng bố. Thậm chí còn tệ hơn”.

“Tôi gặp ông ta một lần, nhưng chắc ông ta không nhớ. Tôi đã đến dự bữa tiệc tại dinh cơ của ông ta ở Gloucestershire. Bữa tiệc thật vĩ đại. Cả biển người. Chẳng thấy Zizi ở đâu. Ông ta chỉ xuất hiện vào phút cuối giống Gatsby chết tiệt. Được vây quanh bởi các vệ sỹ, thậm chí là ở ngay trong nhà mình. Một gã kì lạ. Mặc dù vậy ông ta là người sưu tập rất đam mê, đúng không? Nghệ thuật. Phụ nữ. Bất cứ cái gì tiền có thể mua được. Kẻ săn mồi, tôi nghe người ta nói về ông ta như vậy. Tôi chưa bao giờ từng làm ăn với ông ta. Sở thích của Zizi không phải ở tranh của những bậc thầy. Zizi thích trường phái Ấn tượng và những tác phẩm hiện đại. Tất cả những người Arập Xêút đều như vậy. Họ không thích hình tượng Thiên Chúa giáo trong tranh của các bậc thầy thời xưa”.

Gabriel ngồi xuống kế bên Isherwood. “Ông ta không có bức Van Gogh nào, Julian. Ông ta có hé lộ rằng mình đang tìm kiếm, nhưng không phải bất cứ bức tranh Van Gogh nào ông ta cũng thích. Ông ta muốn một bức thật đặc biệt”.

“Theo tôi biết, ông ta mua tranh rất kỹ tính. Ông ta có thể chi hàng đống tiền, nhưng luôn chi một cách khôn ngoan. Ông ta có bộ sưu tập sánh ngang với một bảo tàng, nhưng bây giờ tôi mới được biết là ông ta không có tác phẩm nào của Van Gogh”.

“Cố vấn nghệ thuật của ông ta là một người Anh tên Andrew Malone. Anh biết ông ta không?”

“Thật không may, Andrew và tôi biết nhau rất rõ. Ông ta đào bới rất sâu vào túi tiền của Zizi. Đi nghỉ trên du thuyền của Zizi. Chiếc du thuyền ấy to như chiếc Titanic chết tiệt. Andrew rất lươn lẹo và có tính cách dơ bẩn”.

“Như thế nào?”

“Ông ta ăn hai bên, bạn thân mến ạ”.

“Ý anh là sao, Julian?”

“Andrew có bản hợp đồng độc quyền với Zizi, có nghĩa là ông ta không được nhận tiền từ bất cứ người bán hay sưu tập tranh nào. Đó là cách những đại gia như Zizi chắc chắn rằng lời tư vấn họ nhận được không bị ảnh hưởng bởi những mâu thuẫn về quyền lợi”.

“Malone đã làm gì?”

“Tống tiền, ăn hoa hồng nước đôi”.

“Anh chắc chứ?”

“Chắc chắn, bạn thân mến ạ. Mọi người ở đây biiết rằng nếu muốn làm ăn với Zizi, phải trả tiền phí qua cửa cho Andrew Malone”.

Isherwood bỗng nhiên đứng dậy đi dọc phòng.

“Vậy kế hoạch của cậu là gì? Nhử hắn ra khỏi ổ bằng bức tranh của Van Gogh à? Nhử bức tranh trước mặt ông ta và hi vọng ông ta cắn câu? Nhưng sẽ có điều gì khác ở cuối cần câu, đúng không? Một trong những điệp viên của cậu?”

“Một thứ gần giống vậy”.

“Cậu dự định tiến hành công việc ngông cuồng này ở đâu? Theo tôi đoán là ở đây à?”

Gabriel nhìn quanh căn phòng một cách hài lòng. “Đúng vậy”, anh nói. “Tôi sẽ làm công việc này êm thấm thôi”.

“Tôi sợ điều này lắm”.

“Tôi cần một nguời môi giới”, Gabriel nói. “Một người có danh tiếng trong ngành. Một người tôi có thể tin tưởng”.

“Tôi làm trong lĩnh vực tranh của các bậc thầy, không phải các họa sỹ theo trường phái Ấn tượng”.

“Điều này không ảnh hưởng đến một thương vụ kín tiếng như vụ này”.

Isherwood không tranh cãi. Anh biết Gabriel nói đúng. “Cậu đã tính đến hậu quả dành cho tôi nếu vụ làm ăn của cậu thành công chưa? Tôi sẽ là người bị đánh dấu. Tôi có thể xử những vụ như Oliver Dimbleby, nhưng bọn al-Qaeda khát máu lại là một chuyện khác”.

“Dĩ nhiên chúng tôi phải lo sự an toàn cho anh sau khi thành công”.

“Tôi rất thích cách nói giảm của cậu, Gabriel. Cậu và Shamron luôn tìm cách nói giảm để mọi việc nhẹ nhàng hơn khi sự thật trở nên quá khủng khiếp. Họ sẽ treo giá lên đầu tôi. Tôi phải đóng cửa tiệm. Phải chạy trốn”.

Gabriel không bị lay động bởi những lời phản đối của Julian. “Anh không còn trẻ nữa, Julian. Anh gần kết thúc con đường của mình rồi. Anh không có con cái. Không người thừa tự. Ai sẽ thừa kế phòng tranh. Thêm nữa, anh nên suy nghĩ một chút về mức hoa hồng anh nhận được trong vụ bán riêng một tác phẩm trước đây chưa từng được biết đến của Van Gogh. Thêm vào đó là việc bán những tác phẩm anh hiện có. Mọi việc còn có thể tệ hơn nhiều, Julian”.

“Tôi đang hình dung ra một biệt thự xinh đẹp ở miền nam nước Pháp. Một cái tên mới. Và một đội an ninh của Văn phòng chăm sóc tôi trong lúc về già”.

“Nhớ để dành phòng cho tôi”.

Isherwood ngồi xuống lại. “Kế hoạch của cậu có một lỗ hổng lớn. Cậu sẽ dễ lừa lão khủng bố đó hơn là mua bức Van Gogh. Giả sử bức tranh đó vẫn còn là tài sản của nhà Weinberg, điều gì làm cậu nghĩ họ sẽ chịu bán nó?”

“Ai nói gì về việc bán những bức tranh nhỉ?”

Isherwood mỉm cười. “Tôi sẽ lấy địa chỉ cho cậu”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.