Người Cô Độc

Chương 8




Kenny không ngừng cười vì câu nói đùa này của ông cho đến khi họ bước vào hiệu sách. Cậu ta muốn mua một cái gọt bút chì. Họ có bán chúng với các màu đỏ, xanh lá, xanh biển và màu vàng, được bọc bởi một lớp ni lông bên ngoài. Kenny chọn cái màu đỏ.

“Giáo sư cần mua gì vậy?”

“Không gì cả.”

“Ý thầy là, thầy đi bộ cả quãng đường đó chỉ để nói chuyện với em sao?”

“Dĩ nhiên rồi. Sao không chứ?”

Kenny có vẻ ngạc nhiên và cảm kích một cách chân thành. “Nếu vậy thì, em nghĩ mình nên đền bù chút gì đó cho thầy. Thầy chọn đi, em sẽ trả tiền.”

“Nhưng mà... thôi được. Cảm ơn cậu.” George hơi đỏ mặt như thể ông vừa được tặng một đóa hồng. Ông chọn cái gọt bút chì màu vàng.

Kenny mỉm cười. “Em đã nghĩ thầy sẽ chọn màu xanh biển.”

“Tại sao?”

“Chẳng phải màu xanh biển là biểu trưng của tâm linh và đạo đức sao ạ?”

“Điều gì khiến cậu nghĩ tôi muốn trở thành người đạo đức? Còn cậu? Màu đỏ ư?”

“Màu đỏ là biểu trưng của điều gì ạ?”

“Đam mê và dục vọng.”

“Không giỡn?”

Họ đứng trong yên lặng, mỉm cười thân mật. George cảm thấy, ngay cả khi những câu nói lấp lửng này đã không đưa họ đến gần với sự thấu hiểu lẫn nhau hơn thì ít nhất bản thân sự mơ hồ, sự sẵn sàng nhảy bổ vào những suy đoán hiểu lầm cũng đã là một kiểu thân mật của nó. Kenny trả tiền và vẫy tay làm một cử chỉ hàm ý tự nhiên thân thiện khó xác định, “Gặp lại giáo sư sau.”

Cậu quay lưng bỏ đi. George lượn lờ trong nhà sách thêm một vài phút để người ta khỏi nghĩ rằng ông đuổi theo Kenny.

Nếu ăn uống được xem như lễ ban phước lành thì nhà ăn của khoa chắc hẳn phải được so sánh với nơi thờ phụng lạnh lẽo hoang vắng và trơ trụi của phái Giáo hữu. Không có bất kì thứ gì ở đây mang đến sự ấm cúng, ngon lành mà ta cần khi dùng bữa. Căn phòng này là mọi thứ đối lập với một nhà hàng. Nó quá sạch với những chiếc bàn nhựa và nhôm; quá gọn gàng với những sọt rác kim loại màu nâu để đựng khăn ăn và cốc giấy đã dùng; và trái ngược với tiếng rì rầm huyên náo của phòng ăn sinh viên, nó quá yên tĩnh. Sự yên tĩnh của nó khiến ta bơ phờ, xấu hổ và bồn chồn. Và căn phòng này thậm chí không tạo ra được sự trang nghiêm và đứng đắn, như ở Oxford hay Cambridge với những hàng ghế cao, thể hiện qua độ tuổi của những chủ nhân sở hữu nơi đây. Hầu hết những người này còn quá trẻ, George là một trong những người già nhất.

Chúa ơi, thật đáng buồn, buồn khi phải nhìn thấy sự ủ rũ và chiến bại trên không ít những khuôn mặt nơi đây, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Tại sao họ có thể có những xúc cảm đó về cuộc sống của mình? Ừ thì họ được trả lương không xứng đáng. Ừ thì họ không sở hữu những tài sản quý giá về mặt thương mại. Ừ thì họ không được giao du với những nhân viên tập đoàn lớn. Nhưng chẳng phải được ở cùng những sinh viên trẻ, những người mới chỉ bước qua một phần ba cuộc đời, mỗi ngày cũng là niềm an ủi phần nào sao? Chẳng phải được trở nên hữu dụng, góp phần tạo nên một thế hệ công nhân mới, thay vì chạy quanh để thỏa mãn người tiêu dùng, cũng là một niềm mãn nguyện? Chẳng lẽ việc được là một trong số ít những trí thức trên đất nước này không hủ bại không là điều không có nghĩa lý gì?

Rõ ràng là không đối với những kẻ u sầu này. Họ có thể hạnh phúc hơn nếu dám thử đi tìm nó. Nhưng họ đã chấp nhận công việc này và giờ phải mắc kẹt với nó. Họ đang lãng phí thời gian và cuộc sống quý báu ở đây trong khi đáng lẽ họ nên học cách lừa lọc, chộp giật và gian dối. Họ đã tự tách mình ra khỏi số đông xã hội - những kẻ môi giới, vụ lợi và cơ hội - bằng việc chăm chỉ thu lại những kiến thức vô bổ và khô cằn. Vô bổ là điều mà những tên thương nhân gọi đống kiến thức của các trí thức, vì chúng có thể sống, thậm chí sống rất tốt mà không cần đến nó. Chúng gọi những giáo sư này là lũ khờ. Biết nhiều thì có tác dụng gì nếu không thể kiếm tiền từ nó? Và đáng buồn là các giáo sư trẻ ủ dột này cũng gần như đồng tình với chúng. Họ thầm thấy xấu hổ vì đã không khôn ngoan, xảo trá hơn.

George bước đến quầy phục vụ. Trên quầy là những nồi thịt hầm nghi ngút khói mà các cô phục vụ đang hì hụi múc ra kèm với rau và súp. Hoặc bạn có thể chọn sa lát và bánh hoa quả, hoặc bánh thạch rau câu nửa trong suốt lấm tấm những vân xanh trông đến kì cục. Đang nhìn chằm chằm vào những chiếc bánh thạch với vẻ trầm trồ sửng sốt, ngạc nhiên như thể đang ngắm một con vật thú vị sau lớp kính trong nhà trưng bày bò sát, là Grant Lefanu, giáo sư vật lý trẻ thích làm thơ. Grant là phần đối lập của sự ủ dột, ở cậu không có định nghĩa về sự chán chường, dù chỉ là một chút. George mến cậu. Cậu ta nhỏ và gầy, cặp kính cận dính chặt trên sông mũi và hàm răng đều, rộng, nụ cười hơi điên điên phấn kích. Bạn có thể dễ dàng hình dung Grant như một kẻ khủng bố dưới thời Nga Hoàng một trăm năm về trước. Nếu có cơ hội, cậu ta sẽ có thể trở thành một anh hùng cuồng tín, nghe theo lệnh mà không chút ngần ngại, sẵn sàng làm bất cứ điều gì. Cuộc trò chuyện của những sinh viên xanh xao mắt đỏ hoe, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, trong ly trà và điếu thuốc ở phòng thay đồ nửa đêm hôm trước, mà có thể chỉ là chuyện phiếm, hoàn toàn ngây thơ, cũng có thể được cậu ta biến thành hành động vào sáng hôm sau với những quả bom được ném ra, miệng hò hét những câu khẩu hiệu, cảnh sát khai hỏa, những cậu thanh niên trẻ mơ mộng nông nổi bị kéo lê vào hầm tối. Trên khuôn mặt Grant, bạn thường xuyên bắt gặp nụ cười thường trực, nụ cười của sự ngượng ngùng vì đã diễn đạt ý mình một cách sơ sài, thô tục. Cậu ta giống như người trầm cảm hay nói lẩm bẩm một mình, rồi đột nhiên hét toáng lên.

Kể ra thì mới gần đây, Grant đã thể hiện hành động của một anh hùng. Cậu ta được mời ra tòa để làm nhân chứng biện hộ cho một người bán sách bị bắt khi đang bán sách khiêu dâm cổ điển của những năm 20. Ngày xưa, các văn hóa phẩm kiểu này chỉ có thể tìm được ở đất Latin, nhưng giờ đây, sau hàng loạt những cố gắng, nó đang đấu tranh quyền được các thanh niên Mỹ ngấu nghiến đọc (George không thực sự chắc nếu đó có phải là cùng một loại sách mà ông đã đọc khi còn trẻ trong chuyến du lịch Paris của mình hay không.

Ông vẫn còn nhớ rằng ông đã ném bỏ một cuốn sách đen vào sọt rác khi đọc đến cảnh ân ái nóng bỏng. Dĩ nhiên không phải ông cổ hủ; cứ để họ viết những câu chuyện quan hệ thể xác trần trụi nếu họ thấy cần, và cứ để mọi người đọc nếu họ thấy muốn. Chỉ là, nói thực, ông thấy nó nhàm chán và không có thẩm mỹ cho lắm. Tại sao các nhà văn đương đại này không trung thành với đề tài lành mạnh cũ, ví dụ như về các chàng trai trẻ chẳng hạn?).

Tính anh hùng của Grant Lefanu trong vụ kiện này thể hiện qua sự bảo vệ của cậu cho cuốn sách mà không màng đến rủi ro nghề nghiệp của mình. Sau sự khẳng định của một thành viên có vị trí quan trọng, một nhân viên cấp cao ở Cao đẳng Bang San Tomas rằng, cuốn sách này là bẩn thỉu, đồi trụy và nguy hiểm, đến lượt Grant được mời lên thẩm chứng. Khi được luật sư bên nguyên thẩm vấn, cậu đã biện luận ngược lại so với ý kiến của vị đồng nghiệp. Tòa cảnh, cáo ba lần, yêu cầu cậu nói rõ ràng hơn, Grant buột miệng chỉ trích rằng vấn đề không phải ở cuốn sách, mà ở những kẻ cổ hủ nhằm vào nó, đó mới là những kẻ thực sự bẩn thỉu, đồi trụy và nguy hiểm. Để khiến tình trạng tệ hơn nữa, một trong những nhà báo phái tự do nhân quyền địa phương đã vui sướng tường thuật lại vụ việc, gán cho cán bộ cấp cao kia vai trò của một ông già phản động và bóp méo lời khai của ông thành một lời lăng mạ cá nhân, đồng thời miêu tả Grant như một anh hùng trẻ đại diện cho tự do nhân quyền. Vậy nên giờ đây, trong Cao đẳng Bang San Tomas này dấy lên một câu hỏi mà không ai trả lời được, liệu Grant có giữ được cái ghế của mình sau khi năm học kết thúc hay không?

Grant đối đãi với George như với người bạn đồng chí cùng lật đổ chính quyền, một lời khen mà George không chắc mình có xứng đáng được nhận hay không, vì với thâm niên, với quyền lợi để được khoác lên mình bộ dạng của một người Anh lập dị, và trên hết là với chút thu nhập ngoài của ông, George có thể đủ sức chi trả để nói bất cứ điều gì ông muốn trong khuôn viên Cao đẳng Bang này. Không như Grant tội nghiệp, chẳng có thu nhập riêng, lại còn cô vợ và ba đứa con lỡ sinh ra cần được chu cấp.

“Có gì mới?” George hỏi cậu đầy ngụ ý, “Dạo này kẻ thù đang mưu tính gì?”

“Anh biết những khóa học cho các sinh viên cảnh sát? Toda, chuyên viên từ Washington đang chỉ cho chúng 20 cách để phát hiện ra bọn Cộng sản.”

“Không giỡn.”

“Muốn đi xem không? Chúng ta có thể hỏi hắn ta vài câu hóc búa.”

“Mấy giờ?”

“Bốn rưỡi.”

“Không được rồi. Tôi phải vào thành phố trong một tiếng nữa.”

“Tiếc thật.”

“Tiếc thật,” George tán thưởng, nhưng kì thực thấy nhẹ nhõm. Ông không chắc đây có phải là một trò thử gan hay không. Đã không ít lần, bằng giọng nửa đùa nửa thật, Grant ngỏ ý rủ ông đi phá đám cuộc họp của Hội John Birch[25], hút cần sa ở Watts với thi sĩ vô danh tài giỏi nhất nước Mỹ, đi gặp một người có chức quyền trong Hồi giáo Da đen. George không thực sự nghi ngờ Grant chỉ muốn thử mình. Vì thực tế, Grant đã làm không ít việc như vậy từ trước đến nay, và đơn giản là cậu chưa từng nghĩ George có thể sợ. Nhiều khả năng cậu chỉ nghĩ George viện cớ không đi cùng vì ông thấy nhàm chán.

[25] Hội John Birch là một tổ chức chính trị Mỹ ủng hộ quan điểm chống Cộng sản. Chủ yếu được miêu tả như một hội bảo thủ cực đoan.

Trong lúc di chuyển về phía cuối quầy phục vụ, mà cả hai người đã chỉ lấy mình cà phê và sa lát (George muốn giảm cân, còn sự thèm ăn của Grant thì cũng nhỏ như người của cậu), Grant kể cho George nghe về bạn cậu ta, người đã nói chuyện với một số chuyên gia ở hãng máy tính lớn. Những chuyên gia này nói rằng, chẳng có gì là to tát nếu xảy ra chiến tranh, vì số người sống sót vẫn sẽ đủ để vận hành đất nước. Dĩ nhiên, những người sống sót sẽ là những người có tiền và có tầm ảnh hưởng lớn, bởi vì họ sẽ có những nơi trú ẩn vững chắc hơn, không phải loại mà những kẻ lừa gạt vẫn bán với giá rẻ mạt. Các chuyên gia đó nói, khi xây dựng nơi trú ẩn, nên tìm đến ít nhất ba đơn vị thi công khác nhau, có thế thì mới không ai biết được bạn đang xây gì; vì nếu có ai đồn thổi bạn có một nơi trú ẩn an toàn tuyệt đối, tốt hơn những người khác thì họ sẽ để xô đến đó đòi trú cùng. Cũng với lí do đó, bạn nên suy nghĩ thực tế và đi mua một khẩu tiểu liên ngay. Không có thời gian cho sự ủy mị.

George cười trong sự mỉa mai vừa đủ, vì đó là điều mà Grant mong đợi. Nhưng trò đùa này như bóp nghẹt trái tim ông. Trong tất cả những cuộc khủng hoảng năm 20, 30, và cuộc đại chiến, mỗi sự kiện đã hằn sâu vào George như một nỗi ám ảnh không bao giờ biến mất. Điều khủng khiếp khi đó là nỗi sợ về cái chết. Giờ chúng ta lại có một nỗi sợ hãi đáng kinh hoàng hơn, nỗi sợ của sự sinh tồn. Sự sinh tồn trong Kỷ Hoang tàn, nơi mà sẽ là tự nhiên để ông Strunk bắn gục Grant, vợ và ba đứa con của cậu, vì tội lôi thôi lếch thếch nằm trong cửa hàng thực phẩm, vì họ đang rất đói và có thể trở nên nguy hiểm với ông và đống đồ ăn. Không có thời gian cho sự ủy mị.

“Cynthia kìa,” Grant nói khi họ bước trở lại phòng ăn, “Anh muốn ngồi cùng cô ấy không?”

“Có nhất thiết không?”

“Chắc là có.” Grant cười bồn chồn. “Cô ấy thấy chúng ta rồi.”

Đúng là Cynthia Leach đang vẫy tay với họ. Cô ta là một người New York trẻ đẹp, tốt nghiệp Sarah Lawrence, con gái của một gia đình giàu có. Có lẽ một phần do muốn chọc tức bố mẹ nên cô đã cưới Leach, giáo viên lịch sử ở đây. Cuộc hôn nhân của họ trông có vẻ khá hạnh phúc. Mặc dù gầy gò và trắng ởn, nhưng Andy không yếu đuối chút nào; đôi mắt tối màu lấp lánh đầy quyến rũ và cậu ta có vẻ uyển chuyển nhẹ nhàng của một người tập thể dục trên giường khá thường xuyên. Cậu ta không thích giao lưu xã hội nhiều nhưng sẵn sàng chịu đựng để cho Cynthia vui. Họ thường xuyên tổ chức tiệc, và mọi người đều tham dự, vì đồ ăn và thức uống rất thịnh soạn, cảm ơn túi tiền của Cynthia, và Andy cũng khá được lòng mọi người, Cynthia cũng không tệ, vấn đề duy nhất của cô là cô nghĩ về mình như một thành viên của xã hội thượng lưu phương Tây. Cô luôn cố tỏ ra quý phái, nhưng thực tế, cô chỉ đơn thuần là trịch thượng quá lố.

“Andy cho tôi leo cây,” Cynthia nói với họ. Khi họ vừa ngồi xuống bàn nơi cô ngồi, cô quay sang Grant, “Vợ anh sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi.”

“Hử?” Grant cười một cách dữ dội thái quá.

“Chị ấy chưa kể với anh?”

“Không một lời.”

“Thật sao?” Cynthia có vẻ thất vọng. Rồi lại tươi tỉnh ngay. “Ôi, có thể vì chị ấy giận tôi. Tôi nói với chị ấy rằng họ cho trẻ con ở đây ăn mặc thật kinh khủng.”

“Nhưng tôi chắc là cô ấy cũng có cùng quan điểm với cô. Cô ấy luôn miệng nói về chuyện đó.”

“Chúng đang đánh mất tuổi thơ của mình,” Cynthia nói, không thèm nghe Grant. “Chúng đang trở nên quá già so với lứa tuổi của mình. Những bộ quần áo chải chuốt, hở hang, son phấn lòe loẹt. Tháng trước tôi có đi Mexico, như thể tôi được hít thở bầu không khí trong lành sau một thời gian dài đằng đẵng. Ôi, không biết dùng lời lẽ nào để mô tả. Lũ trẻ ở đó thật sống động, thật giản dị. Chúng không biết đến lo âu, chúng đơn giản là cứ nở như hoa.”

“Có điều là...” Grant mở miệng nói, hiển nhiên là bắt đầu phản bác lại Cynthia. Vì lẽ đó mà cậu ta lại bắt đầu lắp bắp, không ai nghe nổi cậu ta. Và Cynthia chọn cách không hơi sức đâu mà tìm hiểu cậu ta nói gì.

“Và cái đêm mà chúng tôi quay trở lại từ biên giới. Trời hỡi, liệu tôi có bao giờ quên được nó? Tôi tự nói với chính mình, hoặc là những người này bị điên hoặc là tôi điên. Tất cả bọn họ có vẻ như đang chạy, theo cách mà họ chạy trong các phim tài liệu câm cũ. Rồi con bé lễ tân ở nhà hàng, chưa bao giờ tôi thực sự hiểu được sự cay độc khi gọi họ như thế. Cái cách mà con bé cười chúng tôi. Rồi hàng đống thực đơn mà không có một món nào nuốt nổi. Rồi những thằng bé phục vụ quái gở như xác chết, chẳng mang gì đến ngoài cốc nước lọc và cứ từ chối nói chuyện với tôi. Tôi thật không thể nào tin nổi mắt mình. Ồ chưa hết, đêm đó chúng tôi ngủ tại một trong những nhà nghỉ khủng khiếp vừa mới xây. Tôi có cảm giác như thể nó chỉ vừa mới được nhấc lên khỏi nền một nhà máy rồi đặt vào đây một phút trước khi chúng tôi đến vậy. Nó chẳng ăn nhập gì hết với xung quanh. Ý tôi là, sau khi ở những khách sạn kỳ diệu ở Mexico, mỗi khách sạn mang một vẻ đẹp huyền bí riêng, thì nhà nghỉ này thật là phi thực tế.”

Một lần nữa, Grant có vẻ như sắp sửa đưa ra một sự phản kháng. Nhưng lần này tiếng lầm rầm của cậu ta còn nhỏ hơn lần trước. Ngay cả George cũng chẳng hiểu cậu ta nói gì. George hớp một ngụm đầy cà phê, cảm thấy tác dụng của nó tới cái dạ dày hầu như trống rỗng của ông và thấy mình đột nhiên lâng lâng. “Thật là, Cynthia thân mến của tôi,” ông nghe chính mình kêu lên. “Tại sao cô có thể nói chuyện một cách vô lý lạ thường đến vậy?”

Grant ngạc nhiên cười khúc khích. Cynthia trông có vẻ vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Cô ta là loại du côn thích sự thách đố, nó gãi ngứa cho thói hung hăng trong cô.

“Thật là, cô mất trí rồi hả?” George như thấy chính mình đang chạy băng băng trên đường bay êm ả, vui vẻ cất cánh. “Chúa ơi, cô nói như thể một tên trí thức người Pháp mới đặt chân đến New York lần đầu vậy. Đó chính là những gì mà hắn ta cũng sẽ nói, phi thực tế. Nhà nghỉ ở Mỹ dĩ nhiên là phi thực tế rồi. Cô gái của tôi ơi. Cô biết và tôi biết, nhà nghỉ của chúng ta cố tình được xây dựng một cách phi thực tế - nếu cô bắt buộc phải dùng cái từ ngu dại đó - vì một lý do rất đơn giản, căn phòng của nhà nghỉ ở Mỹ không phải là căn phòng của một khách sạn, vì nó là một căn phòng, rõ ràng, chấm hết. Căn phòng, nó có ba chiều, nếu cô vẫn chưa rõ. Nó là biểu tượng cho phong cách sống của chúng ta. Phong cách sống của chúng ta là gì? Là một tập hợp được xây dựng bởi những sự đo lường, các tính thiết thực và các cách sử dụng những nguồn lực vừa đủ, không nhiều hơn, không ít hơn. Tất cả những gì ta có để cung ứng cho nhu cầu thiết yếu của bản thân. Nhưng thử nói như vậy với người phương Tây xem. Nó sẽ làm cho họ sợ đến chết khiếp. Sự thực là, cách sống của chúng ta là quá khắc khổ so với họ. Chúng ta xé nhỏ chiếc máy bay vật chất to lớn ra thành từng mảnh tượng trưng thiết yếu. Vì sao ư? Vì đó là bước cơ bản đầu tiên. Cho đến khi chiếc máy bay to lớn đó còn chưa được định nghĩa, còn chưa được đặt vào đúng chỗ mà nó phải đến thì tâm trí của chúng ta sẽ còn mãi mãi không được giải phóng, chúng ta sẽ mãi mắc trong vòng luẩn quẩn và những mối lo cơm áo gạo tiền nhỏ nhặt mới của cuộc sống. Có người sẽ nói đó là điều hiển nhiên. Người Mỹ ngu xuẩn nhất cũng có thể hiểu ra điều đó, dù chỉ bằng trực giác. Nhưng người châu Âu lại gọi chúng ta là không có nhân tính - hay có lẽ họ thích dùng từ không chín chắn hơn, mà theo tôi thì còn khiếm nhã hơn rất nhiều - bởi chúng ta đã hiện thực hóa một cách phũ phàng thế giới của những khác biệt cá thể, giết chết sự lãng mạn và giết chết niềm tin vào những tác động khách thể trong cuộc sống của họ. Chúng ta đã phủ nhận sự cổ súy tín ngưỡng già nua cổ hủ được sản sinh ra từ mảnh đất của họ, phủ nhận sự phù hoa của những người mẫu chân dài ngất ngưởng của Paris hào nhoáng và những cánh đồng nho êm đềm. Lẽ tự nhiên họ sẽ không từ bỏ, họ sẽ không ngừng nghỉ để cố chứng minh rằng chúng ta đã sai, bằng những tuyên truyền tôn giáo đáng mửa của họ. Nếu có lúc họ thành công, đó sẽ là dấu chấm hết cho nước Mỹ. Đó mới là sự lật đổ mà Ủy ban điều tra các hoạt động chống Mỹ nên để tâm tới. Người châu Âu ghét chúng ta, vì chúng ta nghỉ hưu để sống bên trong bốn bức tường, ẩn dật vào những hang động để suy tư. Chúng ta ăn những bữa ăn tượng trưng, ngủ những giấc ngủ tượng trưng, và tiêu khiển cũng chỉ là tượng trưng - những điều đó khiến cho họ khiếp hãi, khiến cho họ thịnh nộ và ghê tởm. Vì họ không thể nào hiểu được. Họ không ngừng hét lên, ‘Chúng là những cái xác sống’. Họ bắt chính họ phải nghĩ như vậy bởi bằng không họ sẽ phải thừa nhận rằng người Mỹ có thể sống như thế này, vì xã hội chúng ta đi trước họ hay thậm chí là đi trước tất cả mọi nơi khác trên trái đất này đến cả năm trăm năm, cả nghìn năm. Tóm lại, về bản chất, chúng ta là những sinh vật có linh hồn. Cuộc sống của chúng ta nằm ở tâm trí chính chúng ta. Đó là lý do vì sao chúng ta thỏa mãn với những vật chất tượng trưng như căn phòng nhỏ trong nhà nghỉ chẳng hạn. Còn bọn họ lại sợ những sự tượng trưng, họ trân trọng giá trị vật chất bởi vì bọn họ là những người theo chủ nghĩa duy vật đáng khinh.”

Một lúc trước khi kết thúc cuộc khẩu chiến này, George đã nhìn thấy, như thể ông ở tít trên cao ngó xuống, Andy Leach đang bước vào phòng ăn. Đó quả thực là sự cứu cánh đúng lúc, vì George thấy năng lượng của mình đã hết, động cơ đã ngừng chạy. Nên giờ với kỹ năng của một cựu phi công, ông nhẹ nhàng trượt xuống hạ cánh một cách hoàn hảo. Và cái hay của nó là, họ sẽ nghĩ ông dừng nói vì lịch sự khi thấy Andy đến.

“Tôi có bỏ lỡ gì không?” Andy cười toe toét hỏi.

Một người biểu diễn xiếc không có màn che sân khấu giũ xuống để che cho anh ta trong lúc anh ta chuẩn bị tiết mục tiếp theo ngay sau đó. Giữ thăng bằng trên xà đu cao chót vót mà bên dưới là những vòng lửa đang hừng hực cháy, người nghệ sĩ sáng chói như một ngôi sao. Nhưng giờ, khi chạm đất, không còn ánh hào quang lung linh của đèn pha sân khấu rọi vào, không còn những pha thót tim ngoạn mục để thu hút sự ngưỡng mộ của khán giả, thì anh ta trở nên vô hình, họ đều đang hướng mắt về phía những chú hề mới ra sân khấu, nếu có ai liếc nhìn về phía anh ta thì cũng thấy anh thật mờ nhạt, anh ta vội vã bước qua hàng ghế dài về phía lối ra. Không còn ai vỗ tay hoan hô anh ta nữa. Cũng chẳng ai thèm liếc nhìn anh ta.

Cùng với sự mờ nhạt, George cảm thấy một sự mỏi mệt đang dấy lên bao trùm lấy ông, mà không hẳn là khó chịu lắm. Cơn thủy triều sức sống của ông đang chìm xuống, kéo theo ông đi cùng. Đột nhiên ông thấy mình già nua hơn nhiều. Ông bước đi hoàn toàn khác về phía bãi đỗ xe, ông không còn nhún nhảy, di chuyển cánh tay và bờ vai rệu rã, mỏi mệt. Ông chùng xuống. Chân bước liêu xiêu, đầu cúi gập, miệng giãn ra, các thớ thịt trên hai gò má xệ xuống. Khuôn mặt ông toát ra vẻ đờ đẫn vô hồn. Ông rên rỉ từng cơn như tiếng ong vo ve quanh tổ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.