Ngư Trường Kiếm

Chương 24: Hung tin tây thiên xuất - Vô Nhãn quy cố hương




Về đến Lạc Dương, Kiếm Vân cho họp hội đồng trưởng lão Cái bang và tuyên bố đưa gia quyến trở về cố quận Giang Tây.

Chỉ năm tháng sau, Liễu gia trang đã được xây dựng lại trên nền cũ, cạnh giòng sông Cảm. Kiến trúc giống hệt như thời Luân Kiếm Liễu Kính Trung còn sống.

Đại Lực Cái Tô Tháo cùng hai vị Phi Ma cũng từ chức, đưa Xuyên Vân Tiên Tử Lưu Trinh về lò gốm cũ, chỉ cách Liễu gia trang mười dặm.

Tóm lại, trừ Võ Lâm Chí Tôn phải ở lại Hà Nam để đảm đương chức Minh chủ, thân quyến của Kiếm Vân đều tề tựu cả ở Giang Tây.

Sự có mặt của Phò mã điện hạ đã khiến bách tính mấy tỉnh Giang Nam mừng rỡ, nhưng lại khiến trăm quan địa phương lo ngay ngáy. Chẳng ai bảo ai mà họ đều trở thành những vị mệnh quan thanh liêm, mẫn cán, thương dân còn hơn con đẻ.

Nhờ vậy, nền hành chính bớt hà khắc, lê thứ ít gặp cảnh cường hào ác bá. Tuy nhiên, cũng có một vài người vác sớ đến kêu oan.

Kiếm Vân tránh tiếp, giao cho Vĩnh Sương công chúa đứng ra giải quyết. Nàng cũng là người đầy nhiệt huyết nên mọi việc đều thỏa đáng.

Nhất là có sự cố vấn của Nan Đề lão nhân.

Cuộc sống nhàn hạ khiến Kiếm Vân buồn chán. Ngay cả việc luyện võ hằng ngày cũng trở thành vô nghĩa. Giờ đây, chàng là người có võ công cao siêu nhất võ lâm. Ví như kẻ khổ công trèo lên đỉnh Thái Sơn, đến nơi nhìn quanh chỉ thấy có một mình mình và sợ cô độc vô cùng.

Năm nữ nhân tuyệt thế cùng đàn con thơ cũng không an ủi được nỗi cô đơn trong lòng chàng. Kiếm Vân khao khát được vẫy vùng, được chạm trán những cường địch hùng mạnh hơn chàng, được lao vào nguy hiểm để đem ba thước gươm thiêng tạo phúc cho bá tánh.

Chàng vẫn gượng cười nhưng uống rượu hơi nhiều. Nan Đề lão nhân cười bảo :

- Vân nhi đừng tưởng võ lâm sẽ mãi thanh bình khiến thanh Ngư Trường kiếm kia rỉ sét. Ta đoán rằng chỉ trong vòng tháng này phong ba sẽ lại dấy lên.

Đôi mắt Kiếm Vân bừng sáng, chàng ngượng ngùng nói :

- Đồ nhi còn quá trẻ nên cảm thấy mình về hưu hơi sớm. Thực ra cảnh chém giết nào có hay ho gì?

Nam Cung Sách nghiêm giọng :

- Đêm qua, lão phu xem thiên văn phát hiện sao hung tinh Không, Kiếp, Kình, Đà sáng rực ở hướng Tây. E rằng Thanh Hải Long Vương sẽ gặp khó khăn.

Kiếm Vân kinh hãi :

- Nếu vậy đồ nhi phải đi Thanh Hải ngay mới được.

Nam Cung Sách bùi ngùi lắc đầu :

- Trễ lắm rồi! Long Vương đã hết tuổi trời, ngươi có đi cũng không cứu được. Hơn nữa, hung tinh kia đang di chuyển dần vào trong cung, có lẽ tai họa sẽ phát khởi ở vùng Cửu Châu. Vân nhi phải ở lại để đối phó mới xong.

Kiếm Vân cau mày :

- Ân sư! Chẳng lẽ trong võ lâm lại còn có người giỏi hơn Thanh Hải Long Vương nữa sao?

Nan Đề lão nhân vuốt râu khề khà :

- Thiên hạ thiếu gì kỳ nhân dị sĩ, chẳng qua chưa đủ nhân duyên để xuất hiện đấy thôi. Bản thân ngươi mấy lần ngộ kỳ duyên thì người khác cũng có thể. Cộng thêm chút ít tham vọng là giang hồ nổi sóng ngay.

Kiếm Vân lo lắng cho nghĩa phụ nên cho gọi Truy Phong Cái Viên Long. Gã được Cái bang giao trọng trách chỉ huy năm mươi cao thủ phòng vệ Liễu gia trang. Viên Long rất vui mừng được kề cận Thái Thượng bang chủ. Dù không có nghĩa sư đồ nhưng Kiếm Vân vẫn tận tình dạy dỗ họ Viên và các cao thủ hộ viện.

Viên Long lên đến, cung kính chờ lệnh. Kiếm Vân bảo gã :

- Ngươi mau đưa tin hỏa tốc về Tổng đàn, nhờ Tư Mã bang chủ hỏi thăm tin tức Thanh Hải Long Vương. Đồng thời, phi báo cả cho Hàn minh chủ và các phái đề phòng cường địch.

Viên Long lãnh lệnh đi ngay. Nhưng chỉ sáu ngày sau, tin dữ đã bay về : Thanh Hải Long Vương tỷ võ với một lão Lạt ma và đã bị đả bại. Đối phương là Xá Lợi Tỳ Khưu, sư đệ của Đại Lai Hoạt Phật. Lão ta mới bảy mươi tuổi nhưng đã luyện thành Ngũ Sắc Xá Lợi thần công và Liên Hoa thần chưởng.

Kiếm Vân hỏi Nan Đề lão nhân :

- Ân sư! Xá Lợi Ngũ Sắc thần công và Liên Hoa thần chưởng lai lịch thề nào?

Nam Cung Sách thở dài đáp :

- Hai môn công phu ấy là tuyệt học tối thượng của Phật môn Tây Tạng. Giờ đây Xá Lợi Tỳ Khưu đã có tấm thân Kim Cương Bất Hoại và chưởng pháp lợi hại nhất thế gian.

Hàn Phụng Hương lo lắng hỏi :

- Bẩm ân sư! Chẳng lẽ trên người lão không còn nhược điểm nào nữa sao?

- Có chứ! Đó chính là đôi mắt.

Vĩnh Sương công chúa nhăn mặt :

- Mục tiêu nhỏ như vậy làm sao đả thương được?

Kiếm Vân thản nhiên bảo :

- Ngày nào Xá Lợi Tỳ Khưu tiến vào Trung Thổ, chúng ta sẽ có dịp chiêm ngưỡng thần công Kim Cương Bất Hoại.

* * * * *

Từ đó, Kiếm Vân ngày ngày khổ luyện võ công với một niềm hứng khởi ngút ngàn. Chàng không còn cảm giác tịch mịch, cô đơn vì đã có mục tiêu để vượt qua. Chàng vui mừng vì mình chẳng phải là thiên hạ đệ nhất nhân.

Lại một mùa xuân nữa trôi qua êm đềm đầy hoan lạc.

Mãi đến đầu tháng hai, Kiếm Vân mới nhận được thư của Thiên Nhất thần tăng, Phương trượng Thiếu Lâm tự. Ông báo tin rằng Xá Lợi Tỳ Khưu đã chính thức gửi thiệp đến Tung Sơn, hẹn ngày rằm sẽ đến quan chiến.

Nan Đề lão nhân lập tức dẫn Kiếm Vân, hai vị Phi Ma lên đường đi Hà Nam. Kiếm Hồng đã lên năm và rất ngoan nên Phụng Hương cũng đi theo Kiếm Vân.

Trưa ngày mười hai, năm người đã có mặt ở Tổng đàn võ lâm Tung Dương.

Võ Lâm Chí Tôn Hàn Thiên Đông vui mừng đón tiếp. Hàn minh chủ nói ngay :

- Lão phu đã cho người sang tận Thanh Hải điều tra, được Long Vương cho biết rằng Xá Lợi Tỳ Khưu quả thực đã luyện thành tấm thân bất hoại. Khương lão huynh đã đánh trúng lão mười chưởng mà không thể đả thương được. Ngược lại, Long Vương trúng ba đòn Liên Hoa thần chưởng đã rỉ máu miệng. Ông dặn dò Kiếm Vân phải thận trọng.

Kiếm Vân vui vẻ gật đầu :

- Tôn tế chẳng dám khinh xuất, nhưng đã có Mãng Xà Kim Giáp hộ thân, chắc không đến nỗi.

Nan Đề lão nhân nghiêm sắc mặt :

- Ngươi đã một lần suýt chết dưới độc chưởng của Trường Tu đại pháp sư mà còn ỷ vào bảo giáp nữa sao? Liên Hoa thần chưởng lợi hại hơn rất nhiều, đừng coi thường mà uổng mạng.

Hàn minh chủ đỡ lời :

- Lần này Xá Lợi Tỳ Khưu đến khiêu chiến Tung Sơn, đương nhiên Thiếu Lâm tự phải dốc hết lực lượng để bảo toàn thanh danh. Nghe nói bốn vị trưởng lão trăm tuổi sẽ xuất quan đối phó với Tỳ Khưu. Như vậy, chưa chắc đã đến lượt Kiếm Vân.

Đại Lực Phi Ma Tô Tháo cười ha hả :

- Giá như lão Lạt ma kia chấp nhận xa luân chiến, tại hạ cũng muốn thử vài chiêu xem sao.

Vạn Độc Ma Quân cũng nói :

- Chẳng hiểu lão ta có sợ độc không nhỉ?

Nan Đề lão nhân cười đáp :

- Tất nhiên là có! Nhưng vấn đề ở chỗ là làm sao đưa được chất độc vào người lão ta.

Sáng ngày rằm tháng tư, bọn Kiếm Vân kéo đến núi Tung sơn. Không phải chỉ có bọn chàng mà các phái bạch đạo đều có mặt. Tổng cộng không dưới hai trăm người.

Lên đến chùa, họ được Thiên Nhất thần tăng đón tiếp trọng thể, mời tất cả vào trai đường. Đây là nơi dùng bữa của cả chùa nên rất rộng rãi.

Thiên Nhất thần tăng vẫn ung dung. Không hề có chút lo âu. Ông điềm đạm chắp tay :

- A Di Đà Phật! Cảm tạ Hàn minh chủ và chư vị đồng đạo đã đến quan chiến. Tam vị sư thúc của lão nạp đã chịu xuất quan tiếp đón Xá Lợi Tỳ Khưu, có lẽ không đến nỗi thua thiệt.

Nan Đề lão nhân cười nhạt :

- Lão phu đã nghe được mùi máu phảng phất, chỉ sợ ô uế.

Nam Cung Sách là bậc kỳ nhân tuyệt thế, tài trí vô song nên lời nói rất có trọng lượng. Mọi người giật mình nhìn nhau. Thiên Nhất thần tăng lo lắng hỏi :

- A Di Đà Phật! Chẳng lẽ Xá Lợi Tỳ Khưu là bậc cao tăng Mật Tông mà lại nuôi lòng hiếu sát?

Hàn minh chủ thở dài :

- Xá Lợi Tỳ Khưu tọa quan suốt năm mươi năm ròng rã, luyện thành thần công tuyệt thế, nhưng lại xao lãng đường tu niệm tham sân si vẫn còn nhiều. Với chiêu bài tỷ võ so tài, chỉ e các phái đều phải mang nhục với lão ta mà thôi.

Bỗng có tiếng khánh ngọc vọng lên báo hiệu khách đã đến chân núi. Quần hùng vội kéo cả ra sân chùa chờ đợi.

Lát sau, phái đoàn Tây Tạng lên đến. Họ gồm năm mươi Lạt ma, đi đầu là một hòa thượng trẻ chỉ độ tứ tuần. Da dẻ ông ta trắng như ngọc và mịn màng như thiếu nữ đôi tám. Nếu ông không đứng dưới chiếc lọng vàng thì ai cũng tưởng đó chỉ là một Lạt ma cấp thấp. Nhưng không, người ấy chính là Xá Lợi Tỳ Khưu, đệ nhất cao thủ Mật Tông, và cũng có thể là thiên hạ đệ nhất nhân.

Quần hùng thấy Xá Lợi Tỳ Khưu tiến đến mức phản lão hoàn đồng, lòng không khỏi kính phục và e ngại.

Thiên Nhất thần tăng giữ lễ chủ nhà, cất tiếng chào :

- A Di Đà Phật! Bổn tự vinh hạnh được đón tiếp chư vị Phật huynh.

Xá Lợi Tỳ Khưu mỉm cười :

- Bần tăng ngưỡng mộ Thất Thập Nhị Huyền Công của Thiếu Lâm tự, mạo muội xin được chư vị thần tăng Trung Thổ chỉ giáo vài môn tuyệt học.

Thiên Nhất phương trượng điềm đạm đáp :

- A Di Đà Phật! Việc giao lưu giữa các nền võ học là chuyện nên làm, chỉ mong sao đừng gây đổ máu, trái với tôn chỉ Phật môn.

Tỳ Khưu nhếch mép cười :

- Xác phàm này chỉ là giả tạo, nếu có mất đi cũng chả sao. Chư vị cứ tận tình xuất thủ, bần tăng có thọ tương hay vong mạng cũng không hề dám oán trách.

Quần hùng rúng động vì lời nói ấy của Tỳ Khưu. Lão đã âm thầm báo trước rằng cuộc chiến sẽ rất khốc liệt.

Thiên Nhất thần tăng buồn rầu bảo :

- Phật huynh đã nói thế thì lão nạp cũng chẳng dám nhiều lời, đành đem tấm thân cát bụi này hầu tiếp vậy! Xin mời!

Ty Khưu cười khanh khách :

- Bần tăng chẳng dám mạo phạm đến Phương trượng, xin cho lãnh giáo tứ vị trưởng lão.

Thiên Nhất thần tăng nghiêm sắc mặt :

- Lão nạp cũng tự biết mình chẳng phải là địch thủ của Phật huynh, đành muối mặt mời tứ vị sư thúc xuất quan vậy.

Từ trong Đại Hùng bảo điện vang lên tiếng niệm Phật trầm trầm, và bốn lão tăng gầy gò, râu dài đến rốn chậm rãi bước ra.

Lảo tăng già nhất hòa nhã nói :

- Lão nạp là Ngộ Linh xin được lãnh giáo tuyệt học Mật Tông.

Đại trưởng lão Ngô Linh, tuổi đã chẵn trăm, khổ luyện Giáng Long thần chưởng đã chục năm nên tự tin chẳng thể bại được.

Xá Lợi Tỳ Khưu cười ngất :

- Tốt nhất là cả bốn vị cùng liên thủ, nếu không sẽ thiệt thòi đấy.

Quần hùng chấn động vì thái độ cao ngạo của lão Lạt ma kia.

Ngộ Linh trưởng lão thản nhiên đáp :

- Phật huynh cứ đả bại lão nạp trước đã.

Xá Lợi Tỳ Khưu gật đầu, quang thân tỏa làn sương ngũ sắc sáng mờ, mắt sáng lòa.

Quần hùng ồ lên kinh ngạc trước hiện tượng phi thường ấy. Lòng thầm lo sợ cho Ngộ Linh trưởng lão.

Tỳ Khưu lướt đến như ánh sao, song thủ đẩy ra những đạo chưởng kình dũng mãnh, gần hàng trăm đóa hoa sen ngũ sắc.

Ngộ Linh trưởng lão mỉm cười dùng một chiêu trong pho Giáng Long thần chưởng chống đỡ. Chưởng phong cuồn cuộn như rồng thiêng vươn móng vuốt, đánh tan phần lớn những đóa hoa sen.

Nhưng Tỳ Khưu vẫn còn lại bốn đóa vun vút bay đến, bất chấp hai chiếc móng rồng đang sắp chụp vào người. Song phương cùng trúng đòn một lượt. Ngộ Linh bị đẩy lùi hai bước mà Tỳ Khưu chỉ khẽ khựng lại và tiếp tục tấn công.

Ngộ Linh có cảm giác mình đã đánh trúng một khối bông mềm mại, thầm khiếp sợ thần công của đối phương. Ông nghiến răng đem pho tuyệt học ra thi triển, cùng Tỳ Khưu đổi đòn.

Xá Lợi Tỳ Khưu dũng mãnh vô cùng, công nhiều hơn thủ, lao vào lưới chưởng của đối phương. Cách đánh khủng khiếp này đã khiến toàn trường thất sắc.

Tiếng chưởng kình chạm nhau nổ lùng bùng, vang dậy cả sân chùa. Lão Lạt ma trúng đòn nhiều hơn nhưng vẫn chẳng hề hấn gì, ngược lại, trên mép Ngộ Linh trưởng lão đã ứa ra giòng máu đỏ tươi.

Kiếm Vân lặng lẽ quan sát pho Liên Hoa thần chưởng, có tìm ra lộ số để đối phó. Chàng thở dài bảo Nan Đề lão nhân :

- Sư phụ! Nếu đánh thêm vài chục hiệp nữa chắc Ngộ Linh trưởng lão khó mà thoát chết!

Nam Cung Sách chưa kịp trả lời thì đấu trường đã có biến cố. Song thủ Tỳ Khưu chắp lại trước ngực rồi đẩy ra một đạo chưởng kình chói lọi, tụ thành hình một đóa Liên Hoa to lớn. Đóa sen ấy nuốt chửng những đạo chưởng phong của Ngộ Linh ập vào cơ thể lão.

Ngộ Linh rú lên thảm khốc, văng ngược ra sau hai trượng, nằm lăn lóc trên mặt sân, máu miệng phun thành vòi.

Ba vị trưởng lão kia vội chạy đến xem xét, buồn rầu niệm Phật hiệu. Ngộ Linh trưởng lão đã tuyệt khí, về chốn Niết Bàn.

Tiếng niệm Phật hiệu lan khắp nơi, quần tăng bi phẫn cúi đầu, cố nén lòng sầu hận.

Xá Lợi Tỳ Khưu thản nhiên nói :

- Bần tăng chưa sử dụng chiêu Liên Hoa thần chưởng lần nào nên đã nặng tay. Cũng may chúng ta là đệ tử Phật môn nên siêu thoát sớm cũng chẳng sao.

Quần hùng ồ lên phẫn nộ. Đại Lực Ma Quân Tô Tháo bực bội bảo :

- Nếu vậy sao lão không tự sát cho sớm đi cho sớm về cõi Niết Bàn?

Mọi người đồng thanh khen phải, Tỳ Khưu ung dung đáp :

- Tự sát là điều cấm kỵ của Phật môn. Bần tăng chẳng ham sống nhưng cũng chờ đợi đủ nhân duyên mới chết được. Nếu có cao thủ nào đủ sức hóa kiếp cho bần tăng thì hay quá.

Ngộ Thiền nhị trưởng lão trầm giọng :

- Bọn lão nạp tự lượng không địch lại Phật huynh nếu đơn đấu. Vì vậy, muốn đem Tam Thế trận ra nhờ Phật huynh chỉ giáo.

Tỳ Khưu kình khí đáp :

- Nếu Thiếu Lâm tự chẳng còn ai hơn được thì bần tăng cũng không từ chối. Tuy nhiên, giả như chư vị lại thua thì xin hãy cho phép bần tăng được làm Phương trượng Thiếu Lâm tự.

Quần tăng kinh hãi ồ lên :

- Không được! Lão là người Tây Tạng mà?

Lão Lạt ma mỉm cười :

- Việc ấy không khó vì bần tăng vốn là người gốc Hán, tục danh Công Tôn Thức, thuộc giòng Công Tôn Thuật thời Hán. Bần tăng có mang theo tộc phả, chư vị nghi ngờ xin cứ tham khảo.

Thiên Nhất thần tăng đau đớn nói :

- Lão nạp quả không dám đem cơ nghiệp Thiếu Lâm ra đánh cược, đành phải bãi chiến và chịu bại.

Toàn trường im lặng như tờ, quần tăng Thiếu Lâm hổ thẹn cúi đầu. Mối nhục này sẽ đè nặng lên lịch sử Thiếu Lâm cho đến mai sau.

Xá Lợi Tỳ Khưu ngửa cổ cười khanh khách :

- Không ngờ Phật huynh lại chịu nhục chứ không chịu mất chức Chưởng môn. Bần tăng xin nghiên mình bái phục.

Lời mỉa mai khiến Thiên Nhất thần tăng rúng động. Ông buồn bã nói :

- Lão nạp không bảo toàn đưọc thanh danh bổn tự, chẳng mặt mũi nào mà sống nữa. Phật huynh chằng cần phải nhắc nhở làm gì.

Quần hùng kinh hãi ồ lên còn chư tăng thì sa lệ. Thiên Nhất thần tăng nghiêm giọng :

- Thiên Minh sư đệ sẽ thay lão nạp chấp chưởng Thiếu Lâm tự. Từ nay trở đi, các đệ tử phải khổ công rèn luyện võ nghệ để sau này không phải chịu cảnh nhục nhã như hôm nay.

Quần tăng đồng thanh niệm Phật hiệu, lệ nhỏ như mưa. Thiên Nhất thần tăng quay sang chào quần hùng lần cuối. Ông sững sờ khi thấy phu thê Kiếm Vân đã biến mất và Võ Lâm Chí Tôn cười ha hả nói :

- Phương trượng sao lại vội thoái chí như vậy? Nghe nói quý tự còn có một cao tăng hàng chữ Thiên bế quan diện bích đã ba mươi năm luyện Kim Cương thần công. Sao không mời Thiên Vân thần tăng ra đối chiêu rồi nói đến chuyện thắng bại sau.

Thiên Nhất thần tăng biết ngay đó là Kiếm Vân, Thần Tăng rầu rĩ đáp :

- Chỉ sợ uổng thêm một mạng người nữa mà thôi!

Hàn minh chủ vội truyền âm nói :

- Thần tăng đừng lo, Kiếm Vân đã có diệu kế, chẳng thể chết được đâu.

Thiên Nhất thần tăng mừng rỡ, quay lưng đi vào chùa. Lát sau, ông dẫn ra một nhà sư mực áo xám, đầu trọc lóc, thân hình khôi vĩ, râu quai nói che kín nửa mặt. Vị tăng nhân đến trước mặt Tỳ Khưu Xá Lợi chắp tay thi lễ :

- A Di Đà Phật! Bần tăng luyện Kim Cương thần công có được chút thành tựu, mong được thử sức với Phật gia. Bần tăng chỉ luyện nội công nên quyền cước kém cỏi. Vì vậy, xin tỷ đấu nội công, ai bị đẩy ra khỏi dấu chân là bại.

Tỳ Khưu đâu ngờ Kiếm Vân lại hy sinh mái tóc để giả làm sư nên vui vẻ nhận lời.

Kiếm Vân vận công cho hai chân lút sâu xuống một gang rồi đưa song thủ chờ đợi. Xá Lợi Tỳ Khưu cũng làm theo. Bốn bàn tay đan nhau, chờ đợi tiếng đếm của trọng tài.

Võ Lâm Chí Tôn cao giọng đếm từ một đến ba, hai người lập tức dồn chân khí ra lòng bàn tay. Cơ thể của Tỳ Khưu vốn được luồng chân khí Xá Lợi Ngũ Sắc thần công bảo vệ, hóa tán mọi ngoại lực. Nhưng giờ đây, tay lão bị Kiếm Vân xiết chặt, da thịt áp sát vào nhau. Chàng dồn hết mười hai thành Ly Hỏa chân khí, biến song chưởng thành hai thỏi sắt đỏ rực.

Xá Lợi Tỳ Khưu kinh hãi cố đem Xá Lợi thần công chống trả. Hơi nóng từ tay Kiếm Vân bị chặn lại, không tiến lên được. Nhưng da mu bàn tay Tỳ Khưu đã cháy khét lẹt.

Những ngón tay của Kiếm Vân bấu chặt da thịt lão, lún dần vào. Tỳ Khưu cắn răng chịu đựng được hơn nửa khắc, cuối cùng rú lên, giật mạnh hai tay, tung mình rời khỏi chỗ. Hai người đang ở thế đẩy nhau nên lão thoát ra không khó.

Quần hùng mừng rỡ reo hò vang dội. Thiên Vân đại sư lau máu miệng, vòng tay nói lớn :

- Cảm tạ Phật huynh đã nương tay.

Quần hùng phấn khởi hô to :

- Thiếu Lâm đại thắng!

Xá Lợi Tỳ Khưu tái mặt, bật cười ghê rợn :

- Bần tăng trúng kế nên đành phải chịu bại trước Thiếu Lâm tự. Sẵn có mặt Vô Trần đạo trưởng ở đây, bần tăng xin hẹn ít ngày nữa sẽ đến núi Võ Đang thỉnh giáo. Nghe nói kiếm thuật của quý phái cao siêu nhất võ lâm Trung Thổ, nếu không được thưởng lãm sẽ uổng phí chuyến đi của bần tăng. Xin cáo biệt!

Dứt lời, Tỳ Khưu cùng đám Lạt ma hạ sơn. Mọi người nhìn theo với ánh mắt nặng trĩu ưu tư.

Lúc này Kiếm Vân đã hộc ra một búng máu, lảo đảo quỵ xuống. Thiên Nhất thần tăng vội nhét vào miệng chàng một viên Đại hoàn đan, và truyền công hỗ trợ.

Mọi người lo lắng xúm lại chờ xem. Lát sau, Kiếm Vân hồi phục thở dài bảo :

- Xá Lợi Tỳ Khưu đã đả thông Sinh Tử huyền quan nên công lực sâu như biển. Nếu lão chịu đựng được nửa khắc nữa thì tại hạ đã thua rồi.

Thiên Nhất thần tăng cảm kích nói :

- Liễu thí chủ liều thân bảo toàn thanh danh cho bổn tự, lão nạp cùng các đệ tử Thiếu Lâm xin đê đầu bái tạ.

Gần ngàn tăng chúng đồng thanh cúi đầu niệm :

- Công đức vô lượng!

Nan Đề lão nhân cười khà khà :

- Thiếu Lâm tự tượng trưng cho chính khí võ lâm, Vân nhi có khổ cực một chút cũng chẳng sao. Chỉ lo Xá Lợi Tỳ Khưu đến Võ Đang sơn thì ai sẽ đối phó đây?

Vạn Độc Ma Quân cả cười :

- Tiếc là Liễu công tử đã cạo đầu, nếu không lại giả làm đạo sĩ đánh thêm trận nữa.

Mọi người bật cười vang.

Võ Lâm Chí Tôn nghiêm giọng :

- Sự việc hôm nay mong chư vị giữ kín cho!

Họ đồng thanh hứa sẽ thủ khẩu như bình.

Sau lễ hỏa táng Ngộ Linh, các phái giã từ, rời khỏi núi Thiếu Thất. Họ hứa với phái Võ Đang rằng sẽ có mặt khi Tỳ Khưu cho biết ngày giờ.

Bọn Kiếm Vân theo Hàn minh chủ về Tổng đàn võ lâm ở Tung Dương, quây quần bên bàn tiệc bàn bạc.

Nan Đề lão nhân cau mày nói :

- Lạ thực! Vì sao Xá Lợi Tỳ Khưu vào Trung Nguyên lại không khiêu chiến với Kiếm Vân hoặc Hàn đại ca mà lại nhắm và hai phái Thiếu Lâm và Võ Đang? Ai chẳng biết Vân nhi mới là người có võ công cao nhất Trung Nguyên?

Vạn Độc Ma Quân trầm ngâm bảo :

- Lão phu có cảm giác rằng Xá Lợi Tỳ Khưu cố tình khích bác để Thiên Nhất phương trượng phải tự sát.

Nan Đề lão nhân giật mình :

- Chẳng lẽ Lân lão đệ nghĩ rằng Thiên Minh đại sư lên làm Phương trượng sẽ có lợi cho Tỳ Khưu?

Lân Đính mỉm cười :

- Lão phu chẳng dám nói chắc. Có điều, khi Hàn minh chủ bảo Thiên Nhất thần tăng rằng trong chùa còn có Thiên Vân đạo sĩ, lão phu tình cờ đang nhìn về phía hàng ngũ Thiếu Lâm. Lão phu thấy ai cũng cười hoan hỉ, chỉ riêng Thiên Minh đại sư sa sầm nét mặt. Lão phu xuất thân từ Ma đạo nên rất nhạy bén với các hiện tượng gian trá, liền chăm chú nhìn mãi. Thiên Minh cũng biết điều ấy nên không hé dám có cử chỉ gì. Nếu không Xá Lợi Tỳ Khưu đã biết Thiên Vân chính là Liễu công tử giả trang. Tuy nhiên, lão phu xin nhắc lại rằng đây chỉ là nghi vấn mà thôi.

Hàn minh chủ cười bảo :

- Vậy chúng ta cứ chờ xem sách lược của Tỳ Khưu đối với Võ Đang thế nào rồi hãy kết luận.

Kiếm Vân nghiêm giọng :

- Bất kể lão Lạt ma ấy có âm mưu gì thì cũng có ngày sẽ khiêu chiến với chúng ta. Điều quan trọng là làm sao đối phó đây? Tiểu tôn tự lượng Ngư Trường kiếm cũng không đả thương được lão.

Nan Đề lão nhân nhăn mặt :

- Vân nhi nói không sai! Kiếm pháp của ngươi chỉ đến tấn công vào tâm thất, trong khi nhược điểm của lão ta lại nằm ở đôi mắt. Trong võ lâm, chỉ có một người duy nhất chọn mắt làm mục tiêu của mình, đó là Vô Nhãn kiếm khách Yến Phi. Ông ta bị thông manh từ thuở lọt lòng, khi nhìn ai cũng chỉ thấy ánh mắt là rõ nhất. Vì vậy, Yến Phi đã sáng tạo mấy chiêu kiếm chuyên để đâm mù mắt người khác.

Hàn minh chủ góp lời :

- Ta thì cho rằng Yến Phi bị tật ở mắt nên sinh lòng đố kỵ những người sáng mắt. Do đó, lão ta mới nghĩ ra loại kiếm pháp vô nhân tính ấy. Đã có năm mươi mấy người bị lão biến thành đui mù.

Kiếm Vân nóng ruột hỏi :

- Nhưng hiện giờ lão ta đang ở đâu?

Nam Cung Sách cười đáp :

- Ba mươi năm trước, Vô Nhãn kiếm khách đã bị lệnh tôn, Luân Kiếm Liễu Kính Trung cùng các Chưởng môn bạch đạo vây đánh, nhốt vào một sơn cốc ở vùng núi Linh Sơn Hồ Nam. Phía ngoài được ta phong tỏa bởi một trận kỳ môn.

Tô Tháo lầu bầu nói :

- Thế thì chắc lão ta đã chết rục xương từ lâu rồi còn gì?

Kiếm Vân kiên quyết bảo :

- Nếu lão có chết thì cũng lưu lại bí kíp, đồ nhi và Phụng Hương phải đến đấy xem thử mới được.

Nan Đề lão nhân gật đầu :

- Hai người đi là đủ rồi. Bọn ta ở lại chờ xem Xá Lợi Tỳ Khưu đối xử với phái Võ Đang thế nào.

Ông bèn chỉ dẫn cho Kiếm Vân cách xuất nhập trận pháp. Hai người ở lại một đêm, sáng ra khởi hành đi Hồ Nam ngay.

Hàn Phụng Hương đã che chiếc đầu trọc của Kiếm Vân bằng chính mái tóc cắt ra. Đương nhiên, sau khi chế tác lại thành mái tóc giả, nó không được dài như cũ, và chỉ ngắn đến vai. Với dải khăn xanh buộc ngay trán, trông Kiếm Vân khác hẳn ngày thường. Nàng khúc khích cười bảo :

- Bốn nàng kia mà phát hiện tướng công trọc đầu, chắc sẽ bật ngửa ra mà bất tỉnh mất.

Kiếm Vân mỉm cười :

- Ta chỉ sợ đám tiểu hài không nhận ra phụ thân thôi!

Hai vợ chồng vui vẻ dong ruổi nói cười luôn miệng và nhìn nhau say đắm. Đã lâu rồi họ không có dịp sánh đôi, Kiếm Vân có đến năm vị phu nhân nên thời gian riêng tư với Phụng Hương rất hiếm hoi.

Chàng vẫn hết lòng yêu thương Phụng Hương như ngày nào. Nàng chính là mối tình đầu của chàng trai sơn dã, ngây ngô, chất phác. Mỗi lần nhắc đến kỷ niệm xưa, hai người cùng bật cười và cảm thấy yêu thương nhau nhiều hơn.

Sau nửa tháng bôn hành, phu thê Kiếm Vân đến Trường Sa. Đây là buổi trưa, họ ghé vào Hồ Nam đại tửu điếm dùng bữa.

Lúc xuống ngựa, Kiếm Vân nhận ra dưới bóng mát của cây liễu, cạnh vệ đường có một lão nhân cao lớn, y phục rách rưới. Râu tóc của lão bạc trắng và rối bù như tổ quạ, đôi mắt mờ đục khép hờ cùng cây gậy trúc trong tay chứng tỏ rằng lão bị tật nguyền.

Lão nhân này có lẽ không hoàn toàn khiếm thị nên bước thẳng đến trước mặt Kiếm Vân, trầm giọng bảo :

- Lão phu thèm rượu mà túi chẳng có tiền. Chẳng hay công tử và phu nhân có vui lòng đãi già này một bầu được chăng?

Kiếm Vân là người nhân hậu, kính lão nên vui vẻ đáp :

- Tại hạ cũng đang thiếu người đối ầm, kính thỉnh lão trượng cùng vào.

Thái độ của chàng rất trung thực và không hề gượng ép.

Lão nhân hài lòng gật gù :

- Xem ra lão phu chẳng đến nỗi nhìn lầm người!

Lão ung dung theo đôi vợ chồng trẻ vào tửu điếm. Bước chân của lão rất vững vàng và không cần phải dùng gậy trúc để dò đường. Dường như lão ta cầm cây gậy ngắn kia với một mục đích khác?

Bọn tiểu nhị xum xoe mời khách an tọa, trong bụng vô cùng kỳ quái khi thấy cặp vợ chồng quá quý phái này lại dễ dàng tiếp đãi một lão già rách rưới, mù lòa.

Kiếm Vân cười bảo :

- Lão trượng thích loại danh tửu nào xin cứ gọi. Tại hạ vốn không sành rượu.

Lão nhân thản nhiên gọi :

- Tiểu nhị! Cho lão phu một vò Trung Sơn thanh tửu và món cá chép Động Đình hồ chưng tương.

Phụng Hương cũng gọi thêm vài món hợp với khẩu vị của nàng và Kiếm Vân.

Rượu đem ra trước, tiểu nhị mở nắp vò, mùi rượu thơm tỏa ngát.

Gã cười nịnh :

- Lão gia quả là bậc tửu thần. Vò rượu này đã lên đến bốn mươi năm và chánh hiệu Trung Sơn.

Lão nhân cười nhạt :

- Ngươi định bịp lão phu đấy ư? Nghe mùi lão phu cũng biết nó chỉ chừng mười năm mà thôi.

Kiếm Vân nghiêm giọng :

- Nếu còn vò nào lâu năm hơn nữa cứ việc đem ra, giá cả không thành vấn đề.

Ánh mắt uy nghiêm của chàng khiến gã tiểu nhị run bắn, ôm vò rượu chạy vào trong. Lát sau, chưởng quỹ đích thân mang ra một vò khác. Lão cười hề hề :

- Bẩm công tử! Đây là vò thanh tửu năm mươi năm, nếu nói sai tiểu nhân xin biếu không.

Lão mở nắp, rót vào chung cho khách. Lão nhân thông manh nếm thử, khoan khoái gật đầu :

- Hảo tửu! Đúng là rượu Trung Son năm mươi năm.

Lão nâng chén mời phu thê Kiếm Vân. Uống xong lão vui vẻ nói :

- Loại thanh tửu (rượu trong) này có từ thời nhà Hán, nổi tiếng nhất là đất Trung Sơn. Lão phu suốt đời chỉ uống loại rượu này. Đã lâu không được thưởng thức, nay uống vào nghe lòng sảng khoái phi thường.

Nghe lão nói với khẩu âm Giang Tây, Kiếm Vân dọ hỏi :

- Dường như lão trượng là người Giang Tây, sao lại lưu lạc đến Trường Sa?

Lão nhân buồn rầu đáp :

- Công tử nhận xét không sai. Lão phu quê ở Thượng Nhiên, xa nhà đã lâu nay muốn trở lại cố hương để gửi nắm xương tàn.

Phụng Hương lặnh lẽ mở bọc hành lý lấy ra ba thỏi vàng mười lượng, đặt trước mặt lão nhân rồi thỏ thẻ :

- Đường về Thượng Nhiên còn hơn ngàn dặm, lão trượng nên mua một con ngựa đỡ chân.

Lão nhân hấp hái đôi mắt mờ đục, sững sờ lẩm bẩm :

- Chẳng lẽ trên đời này vẫn còn người tốt?

Lão nhặt ba nén vàng nhét cẩn thận vào thắt lưng, không thèm nói lời cảm tạ. Và lão âm thầm quan sát thấy đôi vợ chồng trẻ kia chẳng hề phật ý.

Lão nhân tiếp tục ăn uống, cùng Kiếm Vân thù tạc. Lão không nói gì thêm, dáng điệu như suy nghĩ về một vấn đề nan giải. Bỗng lão thở dài hỏi :

- Công tử và phu nhân đều mang kiếm chắc cũng là khách võ lâm, lại chẳng phải là người Hồ Nam, vậy nhị vị định đi đâu?

Kiếm Vân cười đáp :

- Bọn tại hạ định đến núi Linh Sơn du ngoạn một chuyến.

Lão nhân mỉm cười, uống cạn chén rượu rồi cáo biệt :

- Lão phu nóng ruột về quê, phải đi mua ngựa ngay mới được. Hy vọng còn có ngày gặp lại.

Nói xong, lão bỏ đi một nước.

Phụng Hương cười bảo :

- Vị lão trượng này tính tình cao ngạo, lúc khốn cùng vẫn không hề nhún dù chỉ nửa lời, thật đáng khâm phục!

Kiếm Vân thở dài :

- Nhựng người mang cơ thể khiếm khuyết thường có tính bất thường. Ta cho rằng lão cũng là người võ lâm và có một quá khứ khá là oanh liệt.

Phụng Hương tiếp lời chàng :

- Nếu Vô Nhãn kiếm khách Yến Phi không bị nhốt ở Linh Sơn thì chắc thiếp đã cho rằng người này chính là lão ta.

Kiếm Vân giật mình suy nghĩ và lẩm bẩm :

- Lẽ nào lại tấu xảo đến như vậy?

Phụng Hương vui vẻ nói :

- Chúng ta cứ đến sơn cốc dưói chân núi Linh Sơn sẽ rõ thực hư, hơi đâu tướng công phải suy nghĩ làm gì cho mệt óc.

Nàng gọi tiểu nhị tính tiền rồi cùng Kiếm Vân sang khách điếm đối diện tửu quán.

Tắm gội xong, Phụng Hương đòi trượng phu dắt đi du ngoạn cảnh Trường Sa. Kiếm Vân mỉm cười, nhìn nàng đắm đuối rồi bồng ái thê lên giường.

Sau một lần sinh nở, cơ thể Phụng Hương nảy nở, tròn trịa hơn xưa. Nàng sung sướng lắng nghe da thịt rạo rục dưới bàn tay phu tướng. Nhìn vào đáy mắt Kiếm Vân, nàng cảm nhận được một tình yêu nồng nàn, sâu sắc. Bất giác những giận hờn thầm kín trong lòng tan biến cả.

Tuy chàng đa mang, có đến năm vợ, nhưng Phụng Hương hiểu rằng mình được chàng yêu thương mãnh liệt nhất.

* * * * *

Trưa hôm sau, phu thê Kiếm Vân có mặt trước sơn cốc, dưới chân núi Linh Sơn.

Cửa cốc bị che kín bởi hàng trăm tảng đá lớn, đủ mọi hình thù. Từ ngoài nhìn vào chỉ thấy một rừng toàn đá ngổn ngang, hỗn loạn.

Cỏ gai, bụi rậm mọc đầy giữa các khối đá nên hai người phải dùng kiếm phá đường vào trận. cũng may không có độc xà, độc vật gì cả.

Hơn khắc sau họ mới vào đến bên trong. Té ra sơn cốc này rất rộng lớn, diện tích có đến hàng mười mẩu.

Nơi đây cây cỏ tốt tươi, hoa xuân nở rộ. Trên vách phía Đông còn có cả một thác nước trắng xóa đang đổ xuống.

Thoang thoảng đâu đây mùi thơm của quả chín, và thỉnh thoảng lại có vài chú thỏ xám chạy ngang.

Phụng Hương cười bảo :

- Phong cảnh nơi đây quả là xinh đẹp! Vô Nhãn kiếm khách bị giam giữ chốn này cũng chỉ như ẩn dật lâm tuyền mà thôi.

Kiếm Vân cười mát :

- Nương tử quả là khéo ví von. Thực ra, cái đáng sợ nhất ở sơn cốc này chính là sự cô đơn, tịch mịch. Dù có đủ nước và lương thực, người ta cũng sẽ chết vì nỗi buồn cô độc.

Bỗng từ trong khoảnh rừng trước mặt vọng ra tiếng cười ha hả :

- Tiểu tử nói hay lắm! Nhưng cũng có người đã quá quen với nỗi cô đơn nên chẳng thể chết vì tịch mịch được.

Phụng Hương biến sắc :

- Tướng công! Té ra Yến lão vẫn còn sống!

Kiếm Vân xiết tay nàng trấn an rồi cao giọng :

- Vãn bối là Liễu Kiếm Vân, cùng chuyết thê Hàn Phụng Hương xin được bái kiến Yến tiền bối.

Yến Phi gằn giọng hỏi :

- Hai ngươi chắc là hậu bối của Luân Kiếm Liễu Kính Trung và Võ Lâm Chí Tôn Hàn Thiên Đông, nên mới biết đường vượt trận?

- Thưa phải! Tiên phụ đã thất lộc hơn hai mươi năm. Còn Hàn lão gia giờ đã là Minh chủ võ lâm. Nay Xá Lợi Tỳ Khưu từ Tây Tạng vào Trung Thổ gây trường sát kiếp, vãn bối được lệnh đến đây để tìm di học Vô Nhãn kiếm pháp của tiền bối. Nhưng không ngờ tiền bối vẫn khang kiện, vậy xin hãy vì võ lâm mà đối phó với Tỳ Khưu.

Yến Phi cười nhạt :

- Phế ngôn! Các phái đã giam cầm lão phu suốt ba mươi năm dài, mối hận ấy vẫn luôn cánh cánh bên lòng. Vậy hà tất lão phu phải xuất lực vì họ?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.