Ngôi Làng Linh Thiêng

Chương 2: Cây gạo cổ thụ (2)




Buổi sáng thằng Nguyên dậy ăn tạm củ khoai luộc rồi đi bộ đi gặp Sư thầy. Trước khi đi bà Cả đã đưa nó ít hương hoa mà bà phải dậy từ sớm đi ra chợ mua để nó mang đi lễ.Thời ấy không phải nhà nào cũng có xe đạp, nhà thằng Nguyên nghèo như vậy, cái xe đạp với nó là cả niềm mong ước xa vời.

Đi bộ gần chục km thằng Nguyên thấy rất mỏi chân, vậy mà mẹ nó thi thoảng gánh rượu đi bán ở cách nhà 15km, nó thấy bà giỏi thật. Đi mãi cuối cùng thằng Nguyên cũng tới cổng chùa, ngôi chùa cổ kính nằm cạnh chân đê cách xa khu dân cư, phải phóng tầm mắt ra xa mới thấy thấp thoáng những ngôi nhà. Thằng Nguyên cúi người chắp tay khi đi qua cổng chùa, nó bước vào trong và tìm sư thầy. Nó nhìn thấy Sư thầy đang tỉa cây trong sân chùa, nó lên tiếng chào:

- - Chào thầy ạ, con mới tới.

- - Nguyên à con, vào đây với thầy. - Sư thầy nói với thằng Nguyên.

- - Dạ, mẹ con có ít hương hoa xin dâng lên Đức Phật, mong thầy dâng giúp con. - Thằng Nguyên lễ phép nói.

- - Ừ, để thầy thắp hương khấn Phật, chỉ có thầy trò mình ở đây, con không phải khách sáo đâu. - Sư thầy nói, vốn dĩ thầy sống rất giản dị, không câu nệ tiểu tiết, thêm nữa thầy coi thằng Nguyên như ruột thịt của mình.

- - Dạ vâng ạ.

Sư thầy và thằng Nguyên đi vào phía sau chùa, nơi đây có một gian nhà nhỏ làm nơi sư thầy sinh hoạt. Hồi ấy bao cấp kinh tế khó khăn, mặt khác chính quyền rất nghiêm khắc với việc lễ bái, vì thế ngôi chùa nào cũng thiếu thốn đủ thứ. Nhiều khi Sư thầy phải trồng cây, trồng rau, cấy lúa trong khuôn viên chùa để duy trì cuộc sống.

Thằng Nguyên nói chuyện với Sư thầy, nó kể đầu đuôi sự tình mấy hôm nay cho thầy nghe, nghe xong thầy nói:

- - Có thể bạn con hợp với con, cũng có thể do con có căn làm việc âm, không phải ai cũng gặp ma và nhìn thấy ma. Giờ con ít tuổi nhiều chuyện còn chưa hiểu được, trước mắt con cứ yên tâm đi, thầy sẽ cầu trời khấn Phật giúp con bình an.

- - Dạ, con cảm ơn thầy.

- - Giờ chúng ta ra rửa chân tay, rồi chỉnh tề vào lễ Phật. - Sư thầy nói.

- - Vâng ạ.

Hai người đi ra giếng nước rửa sạch sẽ chân tay rồi Sư thầy dẫn thằng Nguyên vào trong chùa lễ Phật. Thằng Nguyên tuy không hiểu gì, nhưng mỗi lần vào chùa, nhìn thấy tượng Phật là nó rất tĩnh tâm, nó cảm thấy cực kỳ thư thái và cảm giác an toàn tuyệt đối.

Thực ra nhiều điều Sư thầy không muốn nói với nó, vì nó còn nhỏ, mà bà Cả trước đây đã từng xin với Sư thầy rằng " Con xin thầy giúp con, con già rồi chỉ có duy nhất thằng Nguyên là con độc nhất, giờ chồng con mất sớm, thằng Nguyên sau này phải lấy vợ sinh con chứ không thể đi tu được, mong thầy cứu giúp nó."

Sư thầy đã nhìn ra được căn số của thằng Nguyên, nhưng thầy hiểu rằng thằng Nguyên không thể đi tu được, không chỉ bởi mong muốn của bà Cả, mà còn ở chính con người thằng Nguyên, có những điều mà hiện tại thầy không muốn nói ra với thằng Nguyên.

Sau khi lễ Phật xong sư thầy dẫn thằng Nguyên ra ngoài vườn, thầy lấy cuốc rồi cùng thằng Nguyên đào khoai lang. Thầy muốn cho thằng Nguyên ít khoai mang về ăn. Vừa làm thầy vừa nói chuyện với thằng Nguyên:

- - Con có từng nghe câu " Thần cây Đa, ma cây Gạo chưa"?

- - Dạ con nghe rồi ạ.

- - Ừ, cái đó có thật đấy con, nhất là cây cổ thụ lâu năm. Cây Gạo ở làng con đã có từ rất lâu rồi, con tuyệt đối không được trèo lên những cây cổ thụ như cây Đa, cây Gạo rồi chặt hay bẻ cành của nó.

- - Vâng, con hiểu ạ.

- - Sống ở đời phải tu nhân tích đức con nghe chưa, lòng con giờ chưa tĩnh đâu, đừng giữ sự thù hằn trong lòng.

- - Vâng ạ. - Thằng Nguyên ngạc nhiên, nó nghĩ chẳng lẽ Sư thầy đi guốc trong bụng nó.

Hai thầy trò đào được một lúc thì có tiếng một số Phật tử gọi thầy, thầy bảo thằng Nguyên đào tiếp, còn thầy vào tiếp Phật tử. Hôm nay mồng một Âm lịch chắc các Phật tử đi lễ. Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc sao không đi lễ từ hôm qua, hoặc sáng sớm hôm nay. Đó là điều thông dụng hiện nay, nhưng thời ấy thì khác. Miền Nam vẫn còn chiến tranh, Miền Bắc thì thời bao cấp, nhiều nhà ăn còn đói lấy đâu đi lễ chùa. Một số rất ít Phật tử đi lễ, mà họ cũng phải tranh thủ buổi trưa đi chùa lễ rồi chiều lại phải về làm việc.

Thằng Nguyên đào một lúc rồi mang khoai vào rửa, nó rửa luôn mặt mũi chân tay. Nó gặp vài ba Phật tử đi lễ và giúp thầy chùa làm cơm chay, nó lễ phép chào hỏi, những người này đã quá quen với nó, ai cũng biết thằng Nguyên là để tử chưa xuất gia của thầy.

Buổi trưa thằng Nguyên ăn cơm chay với muối vừng Sư thầy, thầy trò ăn rất ngon miệng. Buổi chiều Sư thầy đi ra đầu đường nhờ người đi đường đèo thằng Nguyên về, đường xa lại mang theo bao khoai lang thằng Nguyên không thể đi bộ về được. Trước khi về Sư thầy có căn dặn thằng Nguyên một số việc phải làm, nó nghe kỹ và nhớ như in trong đầu. Được người chở xe đạp về nhà thằng Nguyên rất thích thú, nó mong ước một ngày cũng được tự mình đạp xe, được sở hữu một chiếc xe đạp.

- -----------------------------------------------------------------

Về đến nhà thằng Nguyên nghe bà Cả kể một chuyện lạ, một số người dân làng Đình Long buổi sáng tinh mơ vắng vẻ ra sông chỗ gốc cây Gạo cổ thụ gánh nước thì bị trượt ngã, may mắn không ai bị đuối nước. Cái Ly con của ông Khá thì đêm nào cũng mơ thấy thằng Tư gọi ra gốc Gạo chơi. Người dân làng đồn rằng do thằng Tư bị ngã chết trẻ nên linh hồn nó cứ lởn vởn quanh chỗ nó rơi xuống. Gặp ai đi một mình ra sông giặt giũ hoặc gánh nước là vong hồn của thằng Tư sẽ kéo người đó xuống sông.

Ông Khá là một quân nhân xuất ngũ, lại từng ở quân y. Ông không bao giờ tin chuyện ma quỷ, ông cho rằng cái Ly bị ám ảnh do chứng kiến thằng Tư ngã xuống. Còn dân làng đi gánh nước bị rêu trơn trượt chân ngã chứ không hề có vong hồn nào kéo họ cả. Thời ấy cũng nhiều người ủng hộ ông Khá, cho rằng những người bị ngã đồn thổi mê tín dị đoan vớ vẩn.

Sau vài ngày kể từ khi thằng Tư mất thì cái Ly mới ra đường chơi, đôi mắt nó thâm quầng sưng húp. Đám thằng Huy rồi anh em thằng Phát, Đạt rất chăm chỉ bầy trò để cho cái Ly nó vui.

Thằng Nguyên thấy cái Ly như vậy cũng buồn, nó rất quý cái Ly, coi cái Ly như em mình. Hồi thằng Tư chưa mất bọn nó hay chơi chung với nhau. Thằng Nguyên lại gần chơi cùng cái Ly thì bị anh em thằng Phát, Đạt xua đuổi:

- - Tránh xa bọn tao ra thằng kia, đồ không có bố lêu lêu.

- - Các anh không được nói anh Nguyên như vậy. - Ly bênh vực thằng Nguyên.

- - Em chơi gì vợ nó, thằng ấy bố chết, mẹ thì bán rượu lậu, rồi suốt ngày đi lễ bái. - Thằng Huy nói với cái Ly em gái nó.

- - Bọn mày thật quá đáng. - Thằng Nguyên nắm chặt tay, nó không thể nhịn nhục nổi nữa.

- - Không phải à lêu lêu thằng không cha. - Thằng Phát cười cợt trước mặt thằng Nguyên.

... Bụp... Á...á..

Tiếng kêu của thằng Phát vang lên khi bị thằng Nguyên đấm vào mặt. Lập tức thằng Đạt và một số thằng khác xông vào đánh thằng Nguyên, thằng Huy chỉ đứng ngoài vỗ tay. Ông Khá là người nghiêm khắc vì thế thằng Huy rất ít khi đánh nhau, nó chỉ chọc tức hoặc xúi giục thằng khác đánh nhau thôi.

Sau một hồi đấm đá thì thằng Nguyên cũng bầm tím khắp người, bọn kia thấy nó nằm một chỗ thì bỏ đi, Ly cũng bị thằng Huy kéo đi mặc dù cô gào khóc muốn giúp thằng Nguyên.

Đau đớn khắp người thằng Nguyên cố đứng dậy về nhà, lần này thì nó không giấu được bà Cả nữa, bà hỏi chuyện thằng Nguyên kể lại sự tình. Bà Cả ôm lấy thằng Nguyên rồi hai mẹ con cùng khóc, vừa khóc bà vừa nói:

- - Khổ thân con tôi quá huhu, mẹ con mình thân cô thế cô chúng nó bắt nạt huhu. Sau này con lớn lên nhớ đẻ thật nhiều con để chúng nó có anh có em.

Thằng Nguyên khóc gật gật cái đầu, câu nói ấy lại in sâu vào tâm trí nó. Bà Cả đứng dậy đi tìm chai rượu ngâm thuốc để bóp vết thương cho thằng Nguyên. Rượu nhà nấu, thuốc là những cây lá thuốc nam trồng trong vườn nhà, chứ nhà nó làm gì có tiền mua. Bà Cả từ ngày mất chồng bà ở vậy nuôi thằng Nguyên, đến giờ đã mười năm. Bà là người theo lễ Phật vì luôn giữ đức hạnh một lòng thờ chồng nuôi con. Dù có khó khăn cỡ nào bà cũng không từ bỏ đường đi của mình.

Đêm hôm ấy trời quang mây tạnh, gió vẫn rét nhưng không còn giá buốt như những ngày trước nữa. Cái Ly đang ngủ với bà Khá thì nghe tiếng người gọi ở bên ngoài sân:

- - Ly ơiiii, Ly ơiiii ra chơi với anh.

Cái Ly bật dậy như phản xạ rồi trèo qua bà Khá đi ra ngoài sân, bà Khá vẫn ngủ say không biết gì. Cái Ly mở cánh cửa được làm bằng tre già ra, rồi nó bước ra sân. Bên ngoài sân không thấy ai, nhưng lại có bóng người ở cổng, tiếng gọi vọng vào:

- - Ly ơiiii, raaaaa đâyyyy.

Cái Ly bước theo tiếng gọi ra cổng, rồi nó cứ thế đi theo tiếng gọi từ xa vọng lại.

Bà Khá dậy đi vệ sinh thì không nhìn thấy con gái của mình đâu thì châm đèn dầu tìm quanh nhà, khi không thấy cái Ly đâu bà mới hốt hoảng gọi ông Khá:

- - Mình ơi, sao em không thấy con Ly đâu?

- - Chắc nó đi vệ sinh. - Giọng ngái ngủ của ông Khá.

- - Em tìm khắp nhà, ra cả sân vườn tìm rồi không thấy, mà cửa cổng lại thấy mở toang. - Bà Khá nói.

- - Vậy phải ra đường tìm, sao còn đứng đó. - Ông Khá hốt hoảng bật dậy, vội vàng mặc áo rồi cùng bà Khá đi tìm cái Ly.

Hai vợ chồng ông bà Khá chia đôi mỗi người chạy một hướng, bà Khá cầm đèn dầu chạy vào giữa làng, còn ông Khá cầm cái đèn pin có được từ trong quân ngũ chạy ra hướng bờ sông. Nhà ông Khá gần như là nhà đầu tiên của làng, nhà ông còn ở phía ngoài của cổng làng, đi một đoạn nữa sẽ ra đến bờ sông nơi có bậc kệ lên xuống và cây Gạo cổ thụ.

Bà Khá tìm quanh không thấy đâu liền nhờ hàng xóm láng giềng đi tìm giúp, khi ấy bà Cả và thằng Nguyên cũng chạy đi tìm. Thằng Nguyên nhanh chóng phi ra phía bờ sông, nó rất lo lắng cho Ly, chỉ sợ chậm trễ là có chuyện xảy ra. Ra tới bờ sông nó thấy ông Khá đang đi dọc bờ sông soi đèn tìm kiếm. Nó gọi to:

- - Bác Khá, cháu Nguyên đây, đã thấy Ly chưa?

- - Chưa thấy? Cháu đi tìm giúp bác. - Ông Khá hét to trả lời.

Thằng Nguyên cầm ngọn đuốc xuống dưới bậc kệ cuối cùng sát dòng nước rồi căng mắt ra tìm kiếm. Nó chỉ sợ Ly đã ngã xuống sông, như vậy cơ hội tìm thấy con bé an toàn là rất nhỏ nhoi. Nó nhớ lại những lời Sư thầy dặn rồi chắp tay quỳ xuống ngay chỗ thằng Tư trước bị ngã và lẩm bẩm khấn bái:

- - Tư ơi, tao biết mày nghe thấy tao, mày ra đi vội vàng quá tao cũng rất buồn, mày thì vẫn còn vương vấn trần thế, nhưng tao cầu xin mày, mày để cho cái Ly nó được sống tiếp trên đời....

Tiếng gió từ sông thổi vào như những tiếng người từ xa vọng lại, những lùm cây trên bờ đê đung đưa theo gió làm thằng Nguyên cực kỳ căng thẳng, nó liên tục cầu trời khấn Phật cho mọi sự an lành.

...Bộp...

Tiếng hoa gạo rụng xuống ngay sát người làm thằng Nguyên giật mình, nó từ từ nhìn lên phía trên cây Gạo cổ thụ, một khung cảnh rùng rợn khiến nó không khỏi buốt lạnh sống lưng. Thằng Nguyên lờ mờ nhìn thấy trên một cành cây to có một mái tóc dài xòe ra buông thõng, một đứa bé gái trông như một oan hồn đang ngồi vắt vẻo trên cành.

- - Bác Khá ơiiii, cháu thấy Ly rồi. - Thằng Nguyên hét rất to.

Mọi người nghe thấy chạy hết lại về phía thằng Nguyên, chỉ một loáng hai ba người lớn đã đứng cạnh gốc cây Gạo. Thằng Nguyên chỉ tay lên trên cây, mọi người lấy đèn pin soi lên theo hướng tay nó thì thấy con Ly, chính là con Ly đang ở trên cành cây to. Ông Khá nhanh chóng trèo lên cây. Sau một hồi chật vật thì cuối cùng mọi người cũng đưa được con Ly xuống mặt an toàn. Lúc này con Ly mới tỉnh dậy, nó ngơ ngác hỏi mọi người:

- - Sao bố đưa con ra đây làm gì?

- - Con không nhớ gì à? - Ông Khá hỏi.

- - Không ạ.- Con Ly tròn mắt trả lời.

- - Thôi về nhà đã, thông báo mọi người tìm thấy cái Ly rồi, không phải đi tìm nữa. - Ông Khá nói với người dân làng rồi đưa cái Ly về.

Thằng Nguyên cũng đi theo mọi người về làng, nó vẫn cảm thấy như có người ngồi vắt vẻo trên cây Gạo nhìn xuống quan sát từ nãy giờ.

Về nhà ông Khá mọi người bàn tán xôn xao thì bị ông Khá gạt đi. Ông bảo đây là hiện tượng mộng du mà khoa học đã chứng minh được rồi. Ông Khá cảm ơn mọi người rồi bảo mọi người giải tán. Thằng Nguyên về nhà nó thì bà Cả bảo nó:

- - Chắc là thằng Tư dắt con Ly đi đấy, lúc con tìm thấy con Ly có hiện tượng gì lạ không?

- - Con ra sông không tìm thấy cái Ly, con liền nhớ lời Sư thầy dặn dò lên con khấn bái, rồi đột nhiên có một cái hoa Gạo rụng xuống ngay chỗ con đứng, thế là con nhìn lên cây mới loáng thoáng thấy cái Ly trên đó.

- - Vậy là đúng rồi, rõ ràng do linh hồn thằng Tư gây ra, con có căn số nên mới cảm nhận được. - Bà Cả khẳng định.

- - Thôi ngủ đi mẹ, con sợ lắm rồi. - Thằng Nguyên rùng mình rồi đi ngủ. Dù can đảm tới mức nào thì nó vẫn còn là trẻ con.

Bà Cả không ngủ, bà đi ra vườn nấu rượu sớm để tránh bị soi mói. Bà suy nghĩ về những gì xảy ra gần đây, bà tin rằng con trai bà nhất định sẽ có thể gặp và nói chuyện với những linh hồn một ngày không xa.

Còn tiếp...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.