Ngày Đầu Tiên

Chương 24




Cảng Blair

Chúng tôi lại lên đường, ngồi vào bàn tại sân hiên của một quán kem và mời viên phi công cùng thưởng thức.

Đầu thế kỷ hai mươi, Cảng Blair trở thành điểm neo đậu của các chiến hạm Hoàng gia hộ tống lính của họ về phía mặt trận trong cuộc chiến Anh-Myanma đầu tiên. Thủy thủ đoàn của các tàu cập bờ thường bị những thổ dân trên đảo nổi dậy chống lại quân xâm lược tấn công. Khi đế chế thực dân Anh bắt đầu tan rã, các lực lượng quân phản nghịch người Ấn cung cấp cho chính phủ của Bệ hạ nhiều tù binh hơn là các nhà tù của ngài có thể chứa. Một nhà giam cải tạo được xây dựng trên cảng nơi chúng tôi đang đứng. Các đồng hương của tôi đã bắt người dân đảo này chịu bao điều tủi nhục, và họ đã trút lên những người bị họ bắt giữ bao nhiêu hung bạo? Những đòn tra tấn, cách đối xử tàn bạo và giá treo cổ là số phận thường ngày của những tù nhân của nhà giam cải tạo; phần lớn tù nhân bị giam giữ vì duy nhất lý do chính trị. Nền độc lập của nước sở tại đã chấm dứt những điều ghê gớm này. Giữa biển Andaman, Cảng Blair đã trở thành một điểm nghỉ mát dành cho du khách bản địa. Phía trước chúng tôi có hai đứa trẻ đang đánh chén cây kem ốc quế trong khi hai bà mẹ tìm trong các cửa hiệu một chiếc mũ hay một chiếc khăn tắm biển. Khi liếc nhìn cái nhà giam cải tạo này, vì trên cảng vẫn hiện lên mấy bức tường nhà giam, tôi tự hỏi có ai còn nhớ đến những người đã chết tại đây nhân danh tự do.

Đến cuối bữa ăn, viên phi công giúp chúng tôi tìm một chiếc thuyền nhỏ sẽ chở chúng tôi tới Narcondam. Một chủ tàu đồng ý cho chúng tôi thuê một trong những thuyền máy cao tốc. May thay, ông ta cũng chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Keira lưu ý là cứ đà này chuyến đi rốt cuộc sẽ khiến tôi phá sản và cô ấy có lý.

Trước khi ra khơi, tôi hỏi viên phi công liệu có thể cho tôi mượn thiết bị định vị được không, tôi viện cớ không thạo vùng này và sợ rằng chiếc la bàn gắn trên tàu là không đủ. Ý nghĩ cho tôi mượn thiết bị định vị chẳng khiến viên phi công thích thú gì, ông ta đáp rằng, nếu tôi đánh mất nó, chúng tôi sẽ không thể quay về Trung Quốc. Tôi hứa sẽ hết sức thận trọng.

Thời tiết thật lý tưởng và biển lặng sóng; với hai động cơ ba trăm mã lực trang bị cho chiếc thuyền, chúng tôi sẽ cập đảo Giếng địa ngục lâu nhất là trong vòng hai tiếng nữa.

Keira ngồi ở mũi thuyền. Ngồi vắt vẻo trên thành thuyền, cô ấy tận hưởng ánh nắng và làn gió mơn man. Cách bờ biển vài hải lý, sóng nổi lên và buộc cô ấy phải vào khoang lái với tôi. Chiếc thuyền lao nhanh, lướt trên ngọn sóng. Khi chúng tôi nhìn thấy bờ biển đảo Narcondam hiện ra trước mắt đã là sáu giờ chiều. Tôi vòng quanh hòn đảo nhỏ xíu và phát hiện bãi biển ở cuối một vũng nơi có thể đẩy thuyền lên bờ cát.

Tại chân ngọn núi lửa, Keira dẫn đầu. Chúng tôi phải leo bảy trăm mét xuyên qua các bụi cây trước khi đến được đỉnh. Chuyện này không dễ dàng gì. Tôi bật thiết bị định vị và nhập vào đó tọa độ mà Erwan và Martyn đã cung cấp.

Luân Đôn

13o26’50”B, 90o15’52”Đ.

Sir Ashton gập tờ giấy người trợ lý vừa đưa cho lại.

- Cái này nghĩa là gì?

- Tôi không rõ, thưa ngài, và tôi phải thú nhận là mình chẳng hiểu gì cả. Xe của họ đang đỗ trong một con phố tại Linh Bảo, phía bắc Trung Quốc và nó nằm chết gí ở đó từ sáng hôm qua. Họ chỉ nhập các tọa độ này vào thiết bị định vị gắn trên xe, nhưng tôi không cho là họ đến địa điểm này bằng đường bộ.

- Tại sao?

- Bởi vì tọa độ này sẽ dẫn họ tới một hòn đảo nhỏ nằm giữa biển Andaman; không dễ gì tới đó bằng ô tô, ngay cả với một chiếc xe hai cầu.

- Hòn đảo đó có gì đặc biệt?

- Đúng ra là chẳng có gì hết, thưa ngài, đó chỉ là một hòn đảo nhỏ xíu có núi lửa. Ngoại trừ vài con chim, đảo hoàn toàn không có người sinh sống.

- Và ngọn núi lửa trên đảo còn hoạt động không?

- Không, thưa ngài, nó đã không phun trào thêm lần nào kể từ hơn bốn nghìn năm nay.

- Chúng đã rời Trung Quốc để đến hòn đảo khốn kiếp ấy ư?

- Không, chưa đâu, thưa ngài, chúng tôi đã xác minh tại tất cả các hãng hàng không, không hề có dấu vết gì của họ; hơn nữa, theo thiết bị theo dõi chúng tôi đã gắn lên đồng hồ đeo tay của nhà vật lý thiên văn thì họ vẫn ở trung tâm thành phố Linh Bảo.

Sir Ashton đẩy chiếc ghế bành đang ngồi lùi lại rồi đứng dậy.

- Trò đùa này kéo dài đủ rồi đấy! Đặt cho tôi một vé trên chuyến bay đầu tiên tới Bắc Kinh. Cứ một chiếc ô tô và hai người nữa đón tôi tại sân bay Bắc Kinh. Đã đến lúc chấm dứt toàn bộ chuyện này trước khi quá muộn.

Sir Ashton lấy sổ chi phiếu từ trong ngăn kéo bàn làm việc và rút ra một cây bút từ túi áo vest.

- Cậu cứ thanh toán tiền mua vé máy bay bằng thẻ tín dụng cá nhân, tôi để cậu tự ghi trên tấm séc này số tiền cần thiết để trả lại cậu. Tôi muốn người ta không biết tôi đi đâu. Nếu có ai tìm cách gặp tôi, nhớ ghi lại lời nhắn, nói với họ rằng tôi đang mệt và tôi về nông thôn nghỉ ngơi tại nhà bạn.

Đảo Giếng địa ngục

Tôi đã tính toán là bốn tiếng nữa màn đêm sẽ buông xuống. Tôi không muốn đi biển trong đêm tối, vậy là chúng tôi sẽ không còn nhiều thời gian. Keira là người đầu tiên lên đến đỉnh núi.

- Anh nhanh lên, tuyệt lắm, cô ấy giục.

Tôi rảo bước leo để lên gặp cô ấy. Cô ấy không quá lời chút nào, một hệ thực vật phong phú phủ đầy miệng núi lửa. Một chú chim tu căng bị chúng tôi làm phiền vút bay lên trời. Tôi kiểm tra thiết bị định vị, độ chính xác của nó là năm mét. Điểm đang nhấp nháy gần sát vị trí trung tâm màn hình, chúng tôi không còn xa đích mấy nữa.

Tôi ngắm nhìn cảnh vật bên dưới và phát hiện ra rằng mình có thể bỏ qua thiết bị định vị mượn của viên phi công. Chính giữa núi lửa hiện ra một khoảnh đất nhỏ không hề có cỏ mọc.

Keira bước vội tới đó. Tôi không được phép lại gần.

Cô ấy quỳ xuống và bới đất. Cô ấy cầm một hòn đá nhọn, vạch ra một hình vuông và bắt đầu đào; các ngón tay cô ấy xới lên toàn bụi, nữa và nữa.

Một tiếng đồng hồ trôi qua, Keira vẫn chưa ngừng đào bới. Một gò đất nhỏ đã mọc lên cạnh cô ấy. Cô ấy đã thấm mệt, trán nhễ nhại mồ hôi, tôi muốn đào tiếp thay Keira nhưng cô ấy ra lệnh cho tôi không được lại gần; thế rồi, cô ấy bỗng gào lên gọi tên tôi.

Trong bàn tay cô ấy lấp lảnh một mảnh vật liệu trơn nhẵn và cứng như gỗ mun, hình dạng gần như tam giác, màu sắc cũng giống gỗ mun. Keira tháo sợi dây đang đeo quanh cổ, đưa chiếc mặt dây chuyền gần sát lại và hai mảnh hút vào nhau trước khi nhập thành một.

Vừa khít vào nhau, chúng liền đổi màu. Từ màu đen của gỗ mun ngả sang màu xanh lơ của trời đêm. Bỗng nhiên hàng triệu điểm phát sáng lấp lánh trên bề mặt của hai mảnh vừa hợp lại, hàng triệu ngôi sao, như cách chúng hiện ra trên bầu trời cách đây bốn trăm triệu năm.

Tôi cảm thấy dưới những ngón tay mình hơi ấm của đồ vật. Các điểm đó ngày càng lấp lánh và trong số chúng, có một điểm lấp lánh rõ hơn các điểm khác. Phải chăng đó là ngôi sao của ngày đầu tiên, ngôi sao mà tôi đã rình đợi từ thuở ấu thơ, ngôi sao tôi đã đi tìm trong lúc lưu lạc lên các cao nguyên của Chilê?

Keira nhẹ nhàng đặt đồ vật xuống đất. Cô ấy ôm tôi rồi hôn tôi. Trời vẫn sáng, tuy nhiên, dưới chân chúng tôi vẫn lấp lánh cái đêm đẹp nhất mà chúng tôi chưa từng thấy trong đời.

Không dễ gì tách hai mảnh ra làm đôi lần nữa. Chúng tôi đã chia nhau mỗi người cầm một mảnh mà kéo thật lực nhưng vô ích, món đồ vẫn không suy suyển.

Rồi độ lấp lánh giảm đi và tắt hẳn. Lần này, chỉ cần dùng sức một chút là tách được hai mảnh ra.

Keira lại đeo sợi dây lên cổ, còn tôi cất mảnh kia vào túi áo.

Chúng tôi nhìn nhau, ai nấy đều tự hỏi sẽ xảy ra chuyện gì, nếu một ngày nào đó chúng tôi tập hợp đủ năm mảnh ghép.

Linh Bảo, Trung Quốc

Chiếc Lisunov hạ cánh xuống đường băng và chạy trên bánh xe đến lán đỗ riêng. Viên phi công giúp Keira xuống máy bay. Tôi trả cho ông ta những đồng đô la cuối cùng và cảm ơn ông ta đã đưa chúng tôi trở về bình yên vô sự. Người nhân viên hãng lữ hành đang chờ chúng tôi cùng chiếc mô tô. Ông ta thả chúng tôi xuống chỗ đậu xe và hỏi chúng tôi có hài lòng về chuyến đi không. Tôi liền hứa sẽ không quên giới thiệu khách cho hãng lữ hành của ông ta. Vui mừng, ông ta niềm nở cúi chào từ biệt chúng tôi rồi quay về cửa hiệu.

- Anh còn sức để lái xe không? Keira vừa hỏi tôi vừa ngáp.

Tôi không dám thú nhận với cô ấy là mình đã thiu thiu ngủ từ lúc bay qua Lào.

Tôi xoay chìa khóa và chiếc xe hai cầu khởi động.

Chúng tôi phải đi lấy hành lý vẫn để lại chùa và tranh thủ dịp đó để cảm ơn vị trụ trì đã đón tiếp chu đáo. Chúng tôi ngủ lại chùa một đêm cuối cùng rồi lên đường trở lại Bắc Kinh ngay ngày hôm sau. Chúng tôi muốn quay về Luân Đôn càng sớm càng tốt, sốt ruột được xem hình ảnh mà mảnh ghép mới sẽ chiếu lên một khi được để dưới ánh đèn laser. Chúng tôi sẽ khám phá ra chòm sao nào đây?

Trong khi lái xe dọc sông Hoàng Hà, tôi ngẫm nghĩ về tất cả các chân lý mà vật kỳ lạ này sẽ tiết lộ cho chúng tôi. Dĩ nhiên là tôi đã có sẵn vài ý tưởng trong đầu, nhưng trước khi cho Keira biết tôi muốn chờ đến lúc về lại Luân Đôn và tận mắt chứng kiến hiện tượng đã.

- Ngay ngày mai, anh sẽ gọi cho Walter, tôi bảo Keira. Cậu ấy sẽ phấn khích chẳng kém gì chúng ta đâu.

- Em sẽ phải nhớ gọi cho Jeanne, cô ấy đáp.

- Em không liên lạc với chị ấy lâu nhất là bao lâu?

- Ba tháng ạ! Keira thú nhận.

Một chiếc xe hòm to đùng theo sát xe chúng tôi. Tài xế đã nháy đèn pha xin vượt nhưng vô ích, con đường hình chữ chi quá hẹp. Một bên là vách núi, bên kia là lòng sông Hoàng Hà, tôi giơ tay ra hiệu cho hắn, tôi sẽ rẽ cho hắn vượt ngay khi có thể.

- Không gọi điện cho ai đó không có nghĩa là ta không nghĩ tới họ, Keira tiếp.

- Vậy thì tại sao lại không gọi cho họ? tôi hỏi.

- Đôi khi khoảng cách không cho phép tìm ra lời lẽ thích đáng.

Paris

Ivory thích quãng thời gian này trong tuần khi ông đến chợ quảng trường Aligre. Ở đó ông quen từng chủ hiệu, Annie chủ hiệu bánh, Marcel chủ hiệu pho mai, Étienne hàng thịt, ông Gérald hiệu ngũ kim, người từ hai mươi năm nay vẫn luôn bày trên quầy hàng của mình một sự mới lạ tuyệt vời. Ivory yêu Paris, hòn đảo nơi ông sinh sống nằm giữa sông Seine, và khu chợ, quảng trường Aligre, với kiến trúc hình vỏ tàu úp ngược.

Khi trở về nhà, ông đặt cái túi mang theo lên bàn bếp, tỉ mẩn sắp xếp số hàng ít ỏi mua được rồi vừa sang phòng khách vừa gặm một củ cà rốt. Điện thoại đổ chuông.

- Tôi muốn chia sẻ cùng ông một thông tin đang khiến tôi phiền lòng, Vackeers nói.

Ivory đặt củ cà rốt xuống mặt bàn thấp và lắng nghe người bạn thường chơi cờ cùng ông.

- Sáng nay chúng tôi đã họp lại, hai nhà khoa học đã khiến hội đồng phải tò mò. Họ đang ở Linh Bảo, một thành phố nhỏ của Trung Quốc, nhiều ngày qua họ không có động tĩnh gì. Không ai hiểu họ tới đó làm gì, nhưng họ đã nhập vào thiết bị định vị các tọa độ kể ra cũng hơi khác thường.

- Tọa độ nào thế? Ivory hỏi.

- Một hòn đảo nhỏ vô danh tiểu tốt ngoài khơi Andaman.

- Có phải trên đảo này có một ngọn núi lửa không? Ivory hỏi.

- Quả vậy, sao ông biết?

Ivory không đáp.

- Chuyện gì khiến ông phiền lòng hả Vackeers?

- Sir Ashton cáo mệt, ông ta không dự họp. Tôi không phải là người duy nhất lo lắng về điều này, không ai bị bịp và thái độ chống đối của ông ta đối với bản kiến nghị đã được hội đồng bỏ phiếu thông qua.

- Ông dựa vào đâu mà nghĩ là ông ta nắm được nhiều thông tin hơn chúng ta?

- Sir Ashton có nhiều bạn bè ở Trung Quốc, Vackeers đáp.

- Ban nãy ông nói thành phố đó là Linh Bảo phải không?

Ivory cảm ơn Vackeers đã gọi cho mình. Ông ra đứng tì khuỷu tay vào ban công và ở lại đó một lúc để suy nghĩ. Bữa ăn ông định nấu sẽ phải chờ vậy. Ông vào phòng ngủ và ngồi xuống trước màn hình máy tính. Ông đặt chỗ trên chuyến bay tới Bắc Kinh cất cánh lúc bảy giờ tối và vé tàu liên vận tới Tây An. Rồi ông chuẩn bị một túi hành lý và gọi một chiếc taxi.

Đường Tây An

- Lẽ ra anh nên để hắn vượt lên cho xong.

Tôi đồng ý với Keira, nhưng chiếc xe đang bám sát chúng tôi chạy quá nhanh để tôi có thể phanh lại mà đường thì vẫn quá hẹp để nó vượt lên trước. Gã tài xế nóng vội kia nên chờ thêm một lúc nữa, tôi quyết định lờ những hồi còi của gã đi. Đến một chỗ rẽ, đường đang dốc mà gã thì sáp lại gần một cách nguy hiểm và tôi nhìn thấy cửa tản nhiệt của chiếc xe hòm đang to dần lên trong gương chiếu hậu.

- Em cài dây an toàn vào đi, tôi bảo Keira, thằn đần này sắp cho chúng ta xuống rãnh rồi.

- Lái chậm lại đi, Adrian, em van anh đấy.

- Anh không thể chậm lại được, hắn đang theo sát chúng ta!

Keira quay lại và nhìn vào kính xe.

- Họa là điên mới chạy xe thế này!

Lốp nghiến kèn kẹt và chiếc xe hai cầu hơi lạng đi. Tôi điều chỉnh được hướng xe và ấn lên nút tăng tốc để bỏ lũ điên ấy lại đằng sau.

- Không thể thế được, chúng vẫn đăng sau chúng ta, Keira nói, gã đang lái xe vừa ra hiệu cho em khá bất nhã.

- Em đừng nhìn chúng nữa, bám cho chắc vào. Em cài dây an toàn chưa?

- Rồi ạ.

Dây an toàn của tôi chưa cài nhưng tôi không thể buông vô lăng ra được.

Chúng tôi cảm thấy một cú va chạm mạnh đẩy bắn xe mình ra đằng trước. Những kẻ truy đuổi chúng tôi đang chơi trò ô tô đụng, các bánh sau của xe trượt sang một bên và vách núi cào vào cửa bên Keira ngồi. Cô ấy bám thật chặt đai cầm đến nỗi các đốt ngón tay chuyển màu trắng bệch. Chiếc xe hai cầu bám đường được chăng hay chớ, tới mỗi chỗ ngoặt chúng tôi lại bị văng đi. Một cú húc mạnh nữa lại khiến chúng tôi chệch hướng, chiếc xe đang bám sát chúng tôi cuối cùng cũng lùi lại phía sau trong gương chiếu hậu, nhưng tôi vừa mới đưa xe trở lại trục đường thì chiếc xe hòm lại sáp tới gần. Thằng đểu lại chiếm được ưu thế. Kim trên công tơ mét xe chúng tôi tiến lại gần vạch bảy mươi dặm, một vận tốc không thể kham nổi trên một con đường địa hình khúc khuỷu quanh co thế này. Chúng tôi sẽ không bao giờ qua được chỗ ngoặt tiếp theo.

- Phanh lại đi, Adrian, em van anh đấy.

Cú húc thứ ba còn mạnh hơn hai lần trước, cánh phải xe cọ vào vách đá, đèn pha vỡ toang hoác vì cú va chạm. Keira lùi sâu vào lòng ghế. Chiếc xe hai cầu bắt đầu xoay nghiêng và quay ngược lại. Tôi trông thấy lan can cầu vỡ vụn khi chúng tôi đâm vào nó; trong thoáng chốc tôi có cảm tưởng chúng tôi đang từ dưới đất vươn đậy, chúng tôi bất động, bị treo lủng lẳng giữa trời, thế rồi các bánh trước dấn xuống vực. Vòng lộn nhào đầu tiên khiến ô tô lật ngửa, xe trượt dọc theo con dốc về phía sông. Chúng tôi đụng phải một mỏm đá, vòng lộn nhào tiếp theo khiến xe lại đứng trên bốn bánh, nóc xe đã bẹp dúm và xe tiếp tục trượt về phía vực sông mà tôi không thể làm gì để cứu vãn tình thế. Thân một cây thông đang gần sát lại với tốc độ chóng mặt, chiếc xe hai cầu lại xoay nghiêng, vừa kịp tránh thân cây; dường như không gì có thể khiến chúng tôi dừng lại. Chúng tôi đang lao về phía một sườn đất dốc, cửa tản nhiệt của xe bị hất tung lên trời, chiếc xe lượn một vòng rồi tôi nghe thấy một tiếng động inh tai, tiếp đó là một chấn động mạnh. Chiếc xe hai cầu vừa lao xuống sông Hoàng Hà.

Tôi lập tức quay sang Keira, trán cô ấy có một vết cứa sâu đang tứa máu, nhưng cô ấy vẫn tỉnh táo. Chiếc xe vẫn nổi lềnh bềnh, nhưng chuyện này sẽ không kéo dài lâu, nước đã ngập nắp máy rồi.

- Phải ra khỏi đây thôi, tôi kêu lên với Keira.

- Em bị kẹt rồi, Adrian.

Sau cú va chạm, ghế hành khách đã trượt ra khỏi rãnh, không thể với tới chuôi của đai an toàn. Tôi thu hết sức lực kéo ra nhưng không thể thay đổi được gì. Chắc là xương sườn của tôi đã gãy, mỗi lần hít thở, một cơn đau dữ dội lan khắp lồng ngực, tôi đau không tả nổi, nhưng nước đang dâng cao và cần phải giúp Keira thoát khỏi gọng kìm đang siết chặt lấy cô ấy.

Nước vẫn dâng cao, chúng tôi cảm thấy nó ở bàn chân, kính chắn gió bắt đầu biến mất.

- Đi đi, Adrian, đi đi trong khi còn kịp.

Tôi quay lại để tìm thứ gì đó có thể xé toạc cái đai này. Cơn đau nhói lên, tôi hụt hơi, nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc. Tôi cúi xuống đầu gối của Keira để cố thử mở hộc đựng găng. Cô ấy đặt tay lên gáy tôi và vuốt ve tóc tôi.

- Chân em tê cứng rồi, anh không thể đưa em ra khỏi đây đâu, cô ấy thì thầm, giờ anh phải đi đi.

Tôi ôm đầu cô ấy trong tay mình và chúng tôi hôn nhau. Tôi sẽ không bao giờ quên hương vị của nụ hôn ấy.

Keira nhìn chiếc mặt dây chuyền của mình và mỉm cười.

- Hãy giữ nó, cô ấy nói với tôi. Chúng ta đã không mất ngần ấy công sức vô ích.

Tôi không cho cô ấy tháo nó ra khỏi cổ, tôi sẽ không đi đâu hết, tôi sẽ ở lại đây cùng cô ấy.

- Em đã muốn gặp lại Harry một lần cuối, cô ấy nói.

Nước vẫn tiếp tục ngập khoang xe, dòng nước chậm rãi cuốn lấy chúng tôi.

- Trong phòng thi hôm ấy em không hề quay cóp, cô ấy bảo tôi. Em chỉ muốn thu hút sự chú ý của anh, bởi vì ngay từ lúc đó em đã thích anh rồi. Ở Luân Đôn, đi đến đầu phố là em quay lại; nếu một chiếc taxi không đi ngang qua đó thì em đã quay lại nằm ngủ bên anh rồi; nhưng em sợ, sợ vì đã quá si tìn, bởi lẽ, anh biết đấy, em đã quá yêu anh.

Chúng tôi ôm riết lấy nhau. Chiếc xe tiếp tục chìm sâu. Ánh sáng ban ngày cuối cùng cũng biến mất. Giờ thì nước đã dâng đến vai chúng tôi. Keira rùng mình, nỗi sợ vừa nhường chỗ cho nỗi muộn phiền.

- Anh đã hứa với em một danh sách, giờ anh phải nói thật nhanh cho em biết đi.

- Anh yêu em.

- Vậy thì đây đúng là một danh sách hay ra trò, anh không thể tìm ra danh sách nào hay hơn đâu.

Tôi sẽ ở lại bên em, tình yêu của tôi, tôi sẽ ở lại bên em đến cùng, và cả sau đó nã. Tôi sẽ không bao giờ rời xa em. Tôi đã ôm hon em trong khi nước sông Hoàng Hà nhấn chìm chúng tôi, và trao em hơi thở cuối cùng của tôi. Không khí trong phổi của tôi là không khí của em. Em đã nhắm mắt khi nước phủ kín mặt hai ta; tôi đã giữ mắt mình mở cho đến giây phút cuối cùng. Tôi đã lên đường tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi thời thơ ấu ở tận cùng thế giới, về phía những ngôi sao xa xôi nhất, và em ở đây, ngay bên cạnh tôi. Em đã mỉm cười, hai cánh tay em bám vào vai tôi và tôi không còn cảm thấy đau nữa, tình yêu của tôi. Vòng ôm của em lỏng dần, và đó là những khoảnh khắc cuối cùng tôi lưu giữ về em, những ký ức cuối cùng của tôi, tình yêu của tôi, tôi đã bất tỉnh sau khi mất em.

Hydra

Tôi đã viết kín đặc những trang vở này từ Hydra, ngồi trên khoảng sân hiên này, nơi tôi thường quan sát biển.

Tôi đã tỉnh lại trong một bệnh viện thuộc Tây An, năm ngày sau vụ tai nạn. Tôi được nghe thuật lại rằng các ngư phủ đã cứu mạng tôi khi đưa tôi ra khỏi chiếc xe hai cầu vừa kịp lúc, trước đó họ đã trông thấy chiếc xe lao xuống sông. Chiếc xe đã bị nước cuốn đi; người ta không tìm thấy xác của Keira. Đó là chuyện cách đây ba tháng. Không một ngày nào trôi qua tôi không nghĩ đến cô ấy. Không đêm nào tôi nhắm mắt mà không có cô ấy nằm bên cạnh. Tôi chưa từng biết đến nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau thiếu vắng cô ấy. Mẹ tôi không còn lo lắng về chuyện gì nữa, như thể bà đoán được rằng không nên chồng chất thêm nỗi buồn phiền đã tràn ngập ngôi nhà của hai mẹ con tôi. Buổi tối, hai mẹ con cùng nhau dùng bữa trên khoảng sân hiên nơi tôi viết lách. Tôi viết, bởi đó là cách duy nhất tôi có để làm Keira sống lại. Tôi viết bởi mỗi lần tôi nói về Keira, cô ấy liền hiện ra, như một vong linh thủy chung. Tôi sẽ không bao giờ còn ngửi thấy mùi da thịt cô ấy khi cô ấy ngủ kề bên, tôi sẽ không còn nghe thấy tiếng cô ấy cười lanh lảnh khi cô ấy giễu sự vụng về của tôi, tôi sẽ không còn nhìn thấy cô ấy đào bới đất tìm kiếm một kho báu, cũng không còn được thấy cô ấy nuốt vội vàng những thứ kẹo bánh như thể người ta sắp tịch thu của cô ấy đến nơi, nhưng tôi có hàng nghìn kỷ niệm về cô ấy, hàng nghìn kỷ niệm chung về chúng tôi. Chỉ cần tôi khép mắt là cô ấy lại hiện ra.

Thỉnh thoảng, dì Elena đến thăm chúng tôi. Ngôi nhà nói đúng ra là vắng vẻ và hàng xóm láng giềng tỏ ra kín đáo. Thỉnh thoảng, Kalibanos đi qua con đường trước nhà, để thăm con lừa của lão, lão nói thế, nhưng tôi biết không phải vậy. Chúng tôi ngồi xuống một băng ghế và cùng nhìn ra biển. Lão cũng từng yêu, chuyện cách đây lâu rồi. Không phải một dòng sông ở Trung Quốc đã mang người phụ nữ của lão đi mất, mà chỉ là một cơn bệnh, nhưng nỗi đau mà chúng tôi chia sẻ cùng nhau là một và tôi nghe được trong sự im lặng của lão là lão vẫn còn yêu bà ấy.

Ngày mai Walter sẽ từ Luân Đôn tới đây, từ khi tôi về đây tuần nào hắn cũng gọi cho tôi. Tôi không thể quay lại Luân Đôn. Tản bộ trên con phố nhỏ nơi bước chân Keira vẫn còn vang vọng, đẩy cánh cửa kính của căn nhà, đẩy cánh cửa phòng ngủ nơi chúng tôi đã ngủ, là việc quá sức tôi. Keira nói đúng, chi tiết nhỏ nhất cũng đánh thức nỗi đau.

Keira là một phụ nữ lạ lùng, cương quyết, đôi khi bướng bỉnh, cô ấy ngốn ngấu cuộc sống với sự ngon miệng có một không hai. Cô ấy yêu nghề nghiệp của mình và trân trọng các cộng sự. Cô ấy có một bản năng không thể mắc sai lầm và một tính cách hết sức khiêm nhường. Cô ấy là bạn tôi, là người tình, người phụ nữ mà tôi yêu thương. Tôi đã đếm những ngày chúng tôi được ở cùng nhau, ngay cả khi con số đó quá ít ỏi, tôi biết chúng sẽ đủ để lấp đầy quãng đời còn lại của tôi, giờ thì tôi muốn thời gian trôi thật nhanh.

Khi đêm đến, tôi nhìn lên bầu trời và nhìn nó theo một cách khác. Có lẽ một ngôi sao nữa vừa được hình thành trong chòm sao xa vời vợi. Một ngày kia tôi sẽ lại tới Atacama và sẽ tìm ra nó trong thấu kính của kính viễn vọng, dù nó có ở đâu trong vòm trời rộng này tôi cũng sẽ tìm ra và đặt tên cho nó.

Tôi sẽ viết cho em danh sách ấy, tình yêu của tôi ạ, nhưng để sau này, bởi để làm thế cần phải sống đời tôi trọn vẹn đã.

Walter đã đi tàu cao tốc đến hồi trưa. Tôi ra cảng đón hắn. Chúng tôi lao vào ôm nhau và khóc rưng rức như hai thằng nhóc con. Dì Elena đang đứng trên bậc tam cấp cửa hàng, và khi ông chủ quán cà phê kế bên hỏi dì xem cả hai chúng tôi bị làm sao vậy, dì bảo ông ta đi mà lo cho khách hàng của mình ấy, ngay cả khi sân hiên của quán cà phê vắng tanh vắng ngắt.

Walter không hề quên cách cưỡi lừa. Trên đường, hắn chỉ ngã có hai lần, mà lần đầu tiên thực ra không phải do lỗi của hắn; khi chúng tôi về đến nhà, mẹ tôi đã chào đón hắn như thể thằng con thứ của bà mới bước vào nhà. Bà ghé tai hắn thì thầm, nghĩ là tôi không nghe thấy, rằng dù sao thì hắn cũng nên nói cho bà biết sớm hơn. Walter hỏi bà đang nói đến chuyện gì. Bà nhún vai rồi thì thầm tên của Keira.

Walter là một gã hài hước. Dì Elena đến dùng bữa cùng chúng tôi, trong bữa ăn hắn đã làm cho bà ấy cười đến mức rốt cuộc tôi cũng phải bật cười theo. Nụ cười ấy đã thổi bùng lên sắc màu cuộc sống trên gương mặt mẹ tôi. Bà đứng dậy, lấy cớ đi dọn bàn, và khi đi ngang qua chỗ tôi ngồi, bà vuốt má tôi.

Sáng hôm sau, và cũng là lần đầu tiên kể từ khi cha tôi mất, bà kể với tôi nỗi buồn đau của bà. Chính bà cũng chưa viết xong danh sách của mình. Rồi bà nói với tôi một câu mà tôi sẽ không bao giờ quên. Mất ai đó ta yêu thương là điều thật kinh khủng, nhưng điều tệ nhất là chưa bao giờ gặp được một ai như thế.

Đêm buông xuống Hydra. Dì Elena ngủ lại trong phòng dành cho khách tới thăm, mẹ đã lui về phòng riêng. Tôi dọn sẵn chiếc tràng kỷ ở phòng khách cho Walter. Chúng tôi ngồi trong sân hiên và uống một ly ouzo.

Hắn hỏi tôi cảm thấy thế nào và tôi đáp rằng tôi cảm thấy khá hơn tôi có thể. Tôi vẫn còn sống. Walter nói hắn vui gặp tôi. Hắn cũng nói hắn đem đến cho tôi một thứ, một kiện hàng được gửi đến Học viện cho tôi. Kiện hàng đến từ Trung Quốc.

Đó là một thùng các tông to, đóng dấu bưu điện Linh Bảo. Bên trong là hành lý chúng tôi đã để lại chùa. Một chiếc áo len chui đầu Keira thường mặc, một chiếc lược chải đầu, một vài thứ quần áo và hai túi nhỏ đựng ảnh.

- Có hai chiếc máy ảnh dùng một lần, Walter nói với tôi bằng giọng ngập ngừng. Tôi đã mạn phép rửa ảnh ra. Tôi không biết liệu có nên đưa lại cho anh tất cả chỗ ảnh này không, có lẽ thời điểm này là quá sớm.

Tôi đã mở túi đựng đảnh đầu tiên. Keira đã cảnh báo tôi, chi tiết nhỏ nhất cũng khơi lại nỗi đau. Walter tế nhị để tôi lại một mình. Hắn đi ngủ. Tôi đã mất gần hết đêm để xem những kỷ niệm mà Keira và tôi lẽ ra phải khám phá sau khi trở về Luân Đôn. Giữa đám ảnh này, có một vài bức ảnh chụp vào cái ngày chúng tôi bơi mình trần trên sông Hoàng Hà.

Hôm sau, tôi dẫn Walter ra cảng, tôi đã mang theo bên mình những bức ảnh. Tại sân hiên của quán cà phê, tôi đã cho hắn xem ảnh, tôi phải kể cho hắn nghe lai lịch của từng bức. Câu chuyện mà tôi và Keira đã trải qua, từ Bắc Kinh cho tới đảo Narcondam.

- Vậy là hai người đã tìm ra mảnh ghép thứ hai.

- Mảnh thứ ba, tôi đáp. Những kẻ đã sát hại Keira cũng đang giữ một mảnh.

- Biết đâu họ không phải là kẻ gây tai nạn?

Tôi cầm đồ vật trong túi áo và đưa cho hắn xem.

- Không thể tin được, hắn thì thầm. Khi nào anh đủ dũng khí quay lại Luân Đôn, cần phải nghiên cứu kỹ nó.

- Không, làm thế chẳng ích gì đâu, vẫn luôn thiếu một mảnh, nó đang yên nghỉ ở đáy sông rồi.

* * *

Walter cầm lại túi nhỏ đựng ảnh rồi xem từng tấm một hết sức chăm chú. Hắn đặt hai tấm ảnh cạnh nhau trên mặt bàn và hỏi tôi một câu lạ lùng.

Trên hai bức ảnh, Keira đang tắm, tôi nhận ra địa điểm chụp. Hắn lưu ý tôi là trên một trong hai bức, bóng của hàng cây bên bờ sông đổ về bên phải, còn trên bức ảnh kia, bóng cây đổ sang trái. Trên bức ảnh đầu tiên, khuôn mặt Keira không tì vết, trên bức thứ hai, trán cô ấy có một vết sẹo lớn. Tim tôi ngưng đập.

- Anh có nói với tôi là chiếc ô tô đã bị dòng chảy cuốn đi và người ta không tìm thấy xác của cô ấy đúng không? Vậy thì tôi không muốn gợi ra trong anh những hy vọng gây nên nỗi xót xa, tuy vậy, tôi tin là anh nên quay lại Trung Quốc càng sớm càng tốt, Walter gợi ý.

Tôi sửa soạn hành lý ngay trong buổi sáng hôm đó. Chuyến tàu tốc hành đi Athene khởi hành lúc mười hai giờ trưa, và chúng tôi đã kịp ngồi lên tàu vào phút cuối. Tôi đã tìm được một chuyến bay tới Bắc Kinh khởi hành vào cuối ngày. Tôi đi Trung Quốc, Walter trở lại Luân Đôn, hai chúng tôi khởi hành gần như cùng giờ.

Tại sân bay, hắn bắt tôi hứa sẽ gọi cho hắn ngay khi biết thêm tin tức gì về Keira.

Trong khi chúng tôi nói lời từ biệt trên lối đi, hắn tìm thẻ lên máy bay. Hắn lục hết các túi rồi nhìn tôi với vẻ rất lạ.

- À phải rồi, hắn nói với tôi, suýt thì tôi quên. Một nhân viên chạy vặt đã gửi cái này đến Học viện cho anh. Rõ ràng là tôi đang đóng vai bưu tá đến cùng mà. Anh sẽ đọc cái này trên máy bay.

Hắn giao lại cho tôi một phong bì gắn xi có đề tên tôi và khuyên tôi nên chạy thật nhanh nếu không muốn lỡ chuyến bay.

QUYỂN HAI

Cơ trưởng vừa cho phép chúng tôi cởi bỏ dây an toàn. Cô tiếp viên hàng không đẩy chiếc xe đựng đồ uống trên lối đi, phục vụ đồ giải khát cho các hành khác ngồi hàng đầu.

Tôi lấy từ trong túi ra lá thư Walter vừa đưa cho rồi bóc niêm.

Adrian thân mến,

Chúng ta đã không có dịp nào để thực sự quen biết nhau và tôi lấy làm tiếc về điều đó, cũng như tôi lấy làm tiếc về sự kiện bi thảm mà cậu đã phải trải qua tại Trung Quốc. Tôi đã may mắn được kề cận Keira. Đó là một phụ nữ tuyệt vời và tôi có thể hình dung nỗi đau buồn của cậu lớn thế nào. Người cứu cậu không phải là dân chài lưới mà là các vị sư đang tắm trên sông đúng vào lúc xe của cậu lao xuống đó. Chắc cậu đang tự hỏi làm sao tôi biết được sự thể này? Cậu không thể nhớ được, bởi khi ấy cậu vẫn đang bất tỉnh, nhưng tôi đã tới bệnh viện thăm cậu. Chính tôi đã làm những điều cần thiết để đảm bảo cậu được hồi hương ngay khi tình trạng sức khỏe cho phép. Tại sao ư? Bởi tôi cảm thấy mình có một phần trách nhiệm về những gì đã xảy đến cho cậu. Tôi là một lão già, khi xưa cũng giống như cậu, say mê với những nghiên cứu mà cả hai người đã tiến hành. Tôi đã giúp Keira trong khả năng cho phép, đã thuyết phục cô ấy đừng bỏ cuộc, và tôi đoán rằng không có cô ấy, cậu sẽ muốn dừng mọi việc lại. Tôi biết cô ấy mong cậu tiếp tục. Cần phải làm vậy, Adrian ạ. Sẽ là bất công nếu như cô ấy hy sinh tính mạng mà không đổi lại được gì. Điều cậu sắp khám phá ra có lẽ sẽ vượt xa khuôn khổ cuộc sống của bản thân cậu, và tôi dám chắc nó sẽ trả lời được hai câu hỏi cậu vẫn luôn đặt ra cho mình.

Qua nhiều năm nghiên cứu, tôi đã phát hiện một bản văn khác có lẽ không liên quan gì đến cuộc điều tra mà cậu đang theo đuổi. Đó là một bản văn ít người có thể tham khảo.

Nếu tôi không thể khiến cậu đổi ý, vậy thì đừng đọc tờ gấp tôi gửi kèm thư này, tôi xin cậu. Biết về nó sẽ gây nguy hiểm. Tôi tin vào quan niệm về danh dự của cậu, tôi biết là nó không hề suy suyển. Trong trường hợp ngược lại, hãy đọc nó, và tôi dám chắc một ngày nào đó cậu sẽ hiểu.

Cuộc sống có trí tưởng tượng phong phú hơn tất cả chúng ta cộng lại, đôi khi nó mang đến những phép lạ nho nhỏ, mọi chuyện đều có thể, chỉ cần tin như thế bằng tất cả tâm sức của mình.

Chúc thượng lộ bình an, Adrian.

Người bạn tận tâm của cậu

Ivory.

Tôi lại mở túi nhỏ đựng ảnh ra để xem thêm lần nữa bức ảnh đã nhen nhóm trong tôi cái hy vọng điên rồ là Keira vẫn còn sống.

Tôi mở tờ giấy thứ hai trong lá thư của Ivory...

“Truyền thuyết kể rằng một đứa trẻ nằm trong bụng mẹ đã biết toàn bộ bí mật của Tạo hóa, về nguồn gốc của thế giới cho đến ngày tận thế. Lúc ra đời, một vị sứ vả ghé qua nôi của đứa trẻ và đặt một ngón tay lên môi nó để nó không bao giờ tiết lộ điều bí mật đã được phó thác, bí mật của sự sống. Ngón tay đặt lên môi vĩnh viễn xóa đi ký ức của đứa trẻ để lại một dấu vết. Dấu vết này tất cả chúng ta đều có ở môi trên, trừ tôi.

Ngày tôi sinh ra, vị sứ giả đã quên ghé thăm tôi, và tôi vẫn còn nhớ mọi chuyện.”

Gập tờ thư của Ivory lại, tôi nhớ lại cuộc trò chuyện cùng Keira trong buổi tối dưới bầu trời sao đẹp tuyệt vời, trên đường tới Cornouailles.

- Adrian, anh chưa bao giờ hỏi chúng ta từ đâu đến sao? Anh chưa từng mơ ước khám phá liệu sự sống là thành quả của một sự tình cờ hay do bàn tay của Chúa sao? Sự tiến hóa của chúng ta có ý nghĩa gì? Phải chăng chúng ta chỉ là một chặng về một nền văn minh khác?

- Còn em, Keira, em chưa từng mơ ước được biết bình minh bắt đầu từ đâu sao?

Chuyến bay cất cánh từ Athene đi Luân Đôn báo chậm hơn một tiếng đồng hồ. Rốt cuộc chiếc thang lên máy bay cũng kéo lên. Một chiếc điện thoại đổ chuông. Cô tiếp viên hàng không quở trách vị hành khách ngồi ghế hạng nhất đang nhận cuộc gọi, nhưng vị này hứa sẽ trao đổi thật ngắn gọn.

- Cậu ta phản ứng thế nào khi xem những bức ảnh?

- Nếu là ông, ông sẽ phản ứng thế nào?

- Cậu giao cho cậu ta bức thư rồi chứ?

- Rồi ạ, vào lúc thích hợp, chắc cậu ấy đang đọc thư.

- Vậy tôi có thể rút ra kết luận là cậu ta lại lên đường. Cảm ơn cậu, Walter, cậu đã làm một việc tốt đấy.

- Không có gì, Ivory, được làm việc cùng ông là một niềm vinh hạnh mà.

Biển Égée mờ dần dưới cánh máy bay, mười tiếng nữa tôi sẽ tới Trung Quốc...

Sắp ra mắt...

ĐÊM ĐẦU TIÊN

Cảm ơn

Pauline.

Louis.

Susanna Lea và Antoine Audouard.

Emmanuelle Hardouin.

Raymond và Danièle Levy.

Nicole Lattès, Leonello Brandolini, Antoine Caro, Élisabeth Villeneuve, Élisabeth Franck, Arié Sberro, Sylvie Bardeau, Tine Gerber, Lydie Leroy, Joël Renaudat, và toàn bộ ê kíp của Nhà xuất bản Robert Laffont.

Pauline Normand, Marie-Ève Provost.

Léonard Anthony và toàn bộ ê kíp của ông.

Katrin Hodapp, Marion Millet, Marie Garnero, Mark Kessler, Laura Mamelok, Lauren Wendelken, Kerry Glencorse.

Brigitte và Sarah Forissier.

Kamel, Carmen Varela.

Frédéric Lenoir, cuốn Chuyên luận nhỏ về lịch sử các tôn giáo (NXB Plon) đã gây cảm hứng cho câu nói của Ivory trang 112 và 113.

***
Đọc tiếp Đêm Đầu Tiên

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.