Nàng Iđo

Chương 18




Những ngày sau đó, I-đo không buồn nhìn đến Tro-bo.

Tro-bo cũng chẳng hỏi nàng có sao không. Họ chỉ chào hỏi nhau lịch sự như những người không quen nhau. Họ ngồi bên bàn ăn hoặc ngồi trong phòng khách cứ như những người chỉ biết nhau sơ sơ. Câu chuyện của họ chỉ là Tro-bo cần hỏi nàng dăm đôi câu, còn I-đo chỉ trả lời ngắn gọn là không hoặc có mà thôi.

Ngay hôm sau khi xẩy ra chuyện trên, I-đo đã sang hàng xóm và xin lỗi nàng bị bất ngờ chóng mặt, cần phải đi nằm. Còn chồng nàng đã xin đến vào dịp khác vì hiện thờ chồng nàng đang quá bận.

Hai vợ chồng giáo sư chỉ mỉm cười rồi vị giáo sư nói:

- Xin chúc mừng cô!

I-đo không hiểu vì sao ông ấy lại chúc mừng.

I-đo cũng tỏ ra nhẫn nại, cố gắng trong việc đi thăm nhà bạn bè họa sĩ của Tro-bo. Có lần nàng nói với Tro-bo:

- Ngài cứ đi, đi một mình đi nếu ngài cảm thấy ở nhà khó chịu. Còn tôi, sau này tôi sẽ đi.

Tro-bo cũng chẳng hỏi sự khó chịu đó là gì? Chàng còn đang bận. Suốt từ sáng đến tối chàng làm việc chăm chỉ ở trong phòng. Nhiều nhất chàng chỉ đi khỏi nhà khoảng một tiếng vội vã, lúc trở về trên tay chàng cũng có những xấp giấy to, giấy nhỏ. Rồi chàng lại vào phòng làm việc. Chỉ có sau buổi chiều tà đến buổi tối là chàng đi khá lâu thôi. Chàng cũng không hề nói là chàng đi đâu.

- Các bạn trai đang đợi tôi, - một lần chàng nói, - tiểu thư cứ ăn tối đi, đừng đợi.

Từ hôm đó chàng đi tối thường xuyên hơn.

Nếu như ăn tối ở nhà, chàng cũng thường thường từ phòng làm việc ra với quyển vở vẽ, và đặt nó bên cạnh đĩa ăn. Trong khi đợi, chàng luôn tay vẽ vào quyển vở đó. Ăn xong, chàng lại đi đến tận nửa đêm mới về nhà. Bây giờ thảng hoặc lắm mới có buổi tối chàng về sớm và vào phòng kéo đàn vi-ô-lông. I-đo không nghe tiếng đàn của chàng, cứ như giữa hai tâm hồn họ có một cánh cửa duy nhất thì đã bị đóng kín. Nàng thường ở trong bếp và nàng thực sự thấy nhẹ người vì Tro-bo không nhắc nàng chơi pi-a-nô nữa.

Một buổi trưa họ đang làm món thịt băm nhồi bắp cải thì Ka-ti mỉm cười lắc đầu nói:

- Những người Hung đặc biệt khác người Đức chúng con, thưa quí bà, ngay cả thiên thần của họ cũng khác.

- Thiên thần ư? em nói đến thiên thần gì?

- Thiên thần ở trên trời ấy, ở nước con người ta hãy vẽ các thiên thần có cánh như cánh chim màu trắng hoặc nhiều màu sặc sỡ.

- Ở nước tôi cũng vậy Ka-ti ạ.

- Cũng có thể, nhưng mà con thấy ông chủ lại vẽ cánh thiên thần như cánh con dơi ấy. – Cô ta cười khúc khích.

I-đo không biết Ka-ti nói gì bởi vì từ hôm đáng sợ đó, I-đo không bén mảng vào phòng Tro-bo nữa. Nàng cũng không thiết xem chàng vẽ gì.

Giờ đó, Tro-bo không có nhà. I-đo đi vào phòng vẽ để xem thử. Nàng cũng ngạc nhiên không kém Ka-ti khi thấy hình một người phụ nữ khỏa thân to bằng nửa người thật trên nền vải hồng thắm đặt trên bảng vẽ. Chân tay giang ra. Trên vai thiên thần có một đôi cánh như cánh dơi vậy. Đầu của thiên thần đang ngoái lại chỉ thấy có sống mũi. Mớ tóc buông dài, bay rối tung phủ xuống tận bắp chân, tóc che phần lớn những chỗ kín của cơ thể.

- Ông chủ vẽ cái cô gái người I-ta-li-a đấy, - Ka-ti nói, - cái cô mà chiều nào cũng đến ấy.

Ý nghĩ I-đo chợt lóe sáng: như vậy cô gái khỏa thân để vẽ sao? Nhưng dù thế thì cũng kinh khủng! và cái cô gái nom bẩn thỉu kia lại không thấy trơ tráo ngượng ngùng!

Từ lúc đó, I-đo dịu dàng hơn với Tro-bo. Họ đã đi thăm hỏi những người bạn thân thiết. Ở đó I-đo cũng được nghe họ nói chuyện về mẫu vẽ bây giờ thuê đắt quá, nhất là các mẫu khỏa thân. Nàng đã biết mẫu vẽ là cái gì, và làm mẫu vẽ thì phải khỏa thân thường xuyên như là người ta phải tắm hàng ngày.

Chị vợ của anh Mi-key cũng tự khoe:

- Hồi trẻ, chồng chị chẳng phải đi thuê mẫu đâu. Chị làm mẫu cho anh ấy vẽ đấy. – Rồi mỉm cười chị nói thêm. – Tất nhiên là chỉ vẽ khi mặc trang phục thôi.

Các nghệ sĩ hội họa, điêu khắc Muy-chen ở tương đối đặc biệt, như vợ chồng nhà Mi-key cũng chỉ sống trên tầng xép áp mái, cái nơi mà chỉ các học trò thuê, còn những người giúp việc cũng chẳng buồn thuê đó để ở. Các họa sĩ thuê một khoảng rộng sát mái, rồi xây tường toóc-xi trên trần làm một phòng tranh rộng; Cửa sổ rất nhiều và cả ở trên trần nhà để lấy ánh sáng chiếu xuống. Nhà ở của vợ chồng Mi-key có một phòng rộng thông thống như vậy. Căn phòng đó vừa làm phòng ngủ, vừa làm phòng ăn, phòng trẻ và cả phòng vẽ nữa. Đồ gỗ trong nhà cũng đặc biệt. Các ghế cũng không đồng dạng mà nó nhiều kiểu. Đồ gỗ toàn loại tầm tầm. Còn các tấm thảm thì đóng như đi nhặt ở các hiệu tạp hóa. Các bức tường của họ không thể đoán được là màu gì. – Trên tường treo toàn các tranh nho nhỏ màu sắc sặc sỡ như là chính vua của các loài vẹt bầy biện phòng vậy. Nhưng trên giá vẽ đã có một bức họa lớn được bắt đầu. Trông như một trận đánh Hi-lạp, chỉ mới có hai ba màu thôi. Bên dưới bức tường thành có hai người hiệp sĩ to bằng người thật đứng.

Có một con chó nhỏ chạy ra đón họ trước tiên, khi Tro-bo dẫn I-đo bước vào. Rồi đến một chú bé da rám nâu quãng tám tuổi, giống hệt Mi-key chạy ra đón. Nó vỗ hai tay vào nhau kêu lên:

“Chú Tro-bo, Đức chúa đưa chú Tro-bo đến!”

- Em ngạc nhiên phải không I-đo? – chị Mi-key mỉm cười hỏi, - chắc em thấy lạ vì anh chị đã ở như thế này chứ gì? Anh chị cũng chẳng có nhiều con, mà anh Mi-ket lại ở nhà này quen rồi, từ hồi còn độc thân kia. Anh ấy chẳng muốn đổi nhà này lấy một căn nhà khác cũng tầng áp mái nhưng có năm phòng. Chị cũng chẳng muốn làm anh ấy mất vui. Nếu như anh ấy sống ở tầng hầm, thì chị cũng phải ở với anh ấy thôi. Vì tình thương yêu em ạ, mà chị cũng chẳng cần giải thích với em điều ấy mà làm gì. Anh chị cảm thấy ở đây như trong tổ ấm, anh chị sống với nhau được chín năm rồi đấy.

Mi-key không có nhà. Chị Flô-ra nói trong tháng ba này, anh ấy có việc ở ngoài làm thường xuyên. Anh ấy phải đi vẽ các bức họa nhỏ để kiếm tiền sinh sống. Chỉ có hôm nào trời mưa gió, anh ấy mới làm việc ở nhà vẽ bức tranh lớn này. Chị nói với con trai:

- Pe-ti con hãy mang con chó xuống nhà đi! Không phải ai cũng thích con chó của con đâu.

Còn nhà ở của chị điêu khắc Ô-phê-li-a đẹp hơn của vợ chồng anh chị Mi-key. Chị có căn nhà bốn phòng, có phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ và phòng làm việc riêng.

Nhưng không phải những cái chân nến nom rất quý phái trong nhà chị làm cho I-đo bị quyến rũ, mà chính là cô bé gái con chị, một cô bé bẩy tuổi xinh như một con búp bê tóc nâu, tay ôm một cái chăn nhỏ màu xanh vào phòng khách tìm mẹ, để mẹ cho đi ngủ.

- Bé Kla-ri của chúng tôi đấy. – Chị chủ nhà giới thiệu khi thấy mắt I-đo sáng lên mừng rỡ. – Cháu đang bị đau họng một chút nhưng không sao, hôm nay cháu mới phải đi nằm sớm đấy.

Cô bé đỏ mặt e thẹn. Bé xinh xắn giống hệt mẹ, cứ như một nụ hoa hồng mới nhú bên cạnh bông hoa hồng nở to sắp héo.

I-đo ôm cô bé vào lòng, băn khoăn nói với Tro-bo.

- Sao anh không nói cho em biết là anh chị ấy có con nhỏ để em mang đến cho cháu ít kẹo làm quà chứ.

Tro-bo thanh minh:

- Thì chính anh cũng không biết, bởi vì anh cũng mới quen với anh chị Im-re ở tại trung tâm hội họa thôi mà.

Sau những cuộc thăm viếng đó, các chị cũng đến thăm nhà I-đo và họ nhanh chóng kết bạn với nhau thân thiết. Đôi khi họ lại còn đến chơi cả năm người một lúc. Họ chuyện trò, họ đánh đàn, họ ca hát. Những lúc như vậy, Tro-bo cũng từ phòng làm việc bước sang nói dăm ba câu xin lỗi các chị, nào là công việc đang bận quá, các chị cứ ngồi chơi tự nhiên với I-đo. Sau đó chàng lại lui vào phòng làm việc.

Các chị họa sĩ đều hiểu cái say sưa của người nghệ sĩ tạo hình một khi đang làm một cái gì đó. Thậm chí đốt đèn làm cả ban đêm. Họ chuẩn bị tranh để mang ra phòng triển lãm. Cũng không được phép tò mò hỏi người họa sĩ đang vẽ gì?

Các chị lại tiếp tục chuyện trò.

Thỉnh thoảng chị hàng xóm người Đức của I-đo cũng sang nhập hội. I-đo nói tiếng Đức khá tốt, nói theo giọng của người Áo. Nhưng nàng ít nói chuyện, bởi nàng vẫn còn bỡ ngỡ khi nghe sự huyên náo, những câu chuyện của người phụ nữ ngoài cuộc đời sao khác xa với những câu chuyện ở trong trường nội trú của nàng. Tất nhiên, phụ nữ với nhau, họ nói cả những điều thầm kín nữa. Những chuyện như vậy, I-đo đỏ mặt im lặng nghe. Nếu bị hỏi, nàng tìm cách lẩn tránh.

Buổi gặp gỡ đầu tiên, họ toàn kể chuyện họ đã làm quen, tìm hiểu với chồng họ ở đâu, từ bao giờ? Chị hàng xóm kể chị bắt đầu quen chồng chị từ khi chị còn đi học phổ thông. Cô bé Dô-zê-phin đang đi ngoài đường thì có một người dắt con dê già màu đen đi qua. Cô bé sợ quá, chúi vào một góc cổng, vừa lúc đó một chú bé quãng mười ba tuổi đến bên an ủi cô:

- Em đừng sợ, nếu như con dê chạy đến gần em, anh sẽ đá nó.

Thế là họ quen nhau. Ngày hôm sau, giờ đi học chú bé ấy chào Dô-zê-phin và cả hai cùng đỏ mặt. Hôm sau nữa, chú bé ấy tiễn cô bé từ trường về nhà. Ở bên cổng cả hai đều đỏ mặt khi chú bé nắm lấy tay Dô-zê-phin. Mười năm sau, họ cưới nhau mà không một trở ngại vướng mắc gì.

Chị Mi-key cũng không chịu kém trong việc nhắc lại kỉ niệm. Đối với chị thì việc chị lấy anh Mi-key y như chị là người đánh cá bắt được con cá sộp vậy. Một hôm, chị và các cô bạn cùng tuổi đang ngồi liên hoan trong vườn Fô-nhô-đi. Các bạn gái thi nhau than phiền các chàng trai thời nay họ chỉ rập rình muốn tán tỉnh chơi bời thôi chứ không có ý định cưới vợ.

“Mình thì chỉ cần mỉm cười thôi là sẽ có một chàng trai yêu mình, còn nếu như mình muốn thì người đó sẽ trở thành chồng mình, dĩ nhiên mình cũng phải thích người đó!”. – Chị đã khẳng định với các bạn gái điều đó.

Các cô bạn gái nhìn chị vẻ nghi ngờ, không tin, có cô lại còn cười mỉa mai nữa, bởi vì lúc đó chị đã hai mươi ba tuổi, tất nhiên, chị chưa lấy chồng là vì chị chưa ưng ai trong đám đến cầu hôn, chị còn chọn lựa.

Các cô gái không tin. Thấy thế chị liền bảo:

- Kia kìa, trên bờ hồ có ba chàng trai trẻ đang đi lại gần đây. Ở đó có cậu em trai mình. Các bạn hãy quyết định đi, mình sẽ làm cho anh chàng nào trong số đó chỉ sau một giờ nữa sẽ chạy theo mình?

Các chàng trai lúc đó đang còn ở khá xư, khuôn mặt họ không thể nhìn rõ được. Các cô gái đã chỉ tay vào một anh chàng mặc chiếc quần trắng để chị chọn làm người yêu theo đuổi chị.

Em trai chị lúc đó đang là sinh viên năm thứ nhất trường luật. Ngày nào em chị cũng mang về một – hai cậu bạn trai. Các chàng trai ấy là những người rất thân tình và tự nhiên. Khi đó ba chàng trai vừa vặn đi đến gần, chị thấy chàng trai mặc quần trắng kia trông hình thức trẻ hơn chị, dưới nách anh cặp một quyển vở. Theo lời giới thiệu của em trai chị, thì anh ấy là học sinh trường mỹ thuật. Lúc đó, chị cũng không hề nghĩ sẽ lấy anh ấy làm chồng, mà chị chỉ muốn chứng minh cho các cô gái ở đó thấy anh ấy sẽ theo đuổi chị như thế nào. Chị nhìn anh ấy chăm chú, nói chuyện với anh ấy, mỉm cười với anh ấy. Ngày hôm sau, anh ấy đã mang hoa đến tặng chị. Sang ngày hôm sau nữa, anh ấy đã đến đứng vẽ trước nhà chị. Rồi mùa thu, anh ấy nói chuyện với chị rằng con đường sự nghiệp của anh ấy sẽ chấm dứt nếu anh ấy không đến Muy-chen học, nhưng anh ấy không có gan để chị ở nhà một mình. Trước tâm sự tha thiết như vậy của chàng trai tội nghiệp, thì chị biết làm sao được?... Làm sao lại có thể để cho anh ấy hỏng sự nghiệp vì mình kia chứ…?

Chị điêu khắc cũng kể câu chuyện, chị ấy lấy chồng ra sao.

- Bây giờ đến lượt em kẻ đi, - chị Dô-zê-phin quay sang I-đo nói, - chuyện cưới chồng của em lf tin thời sự nóng hổi nhất còn gì. Vòng hoa cưới của các em còn chưa héo hết.

Chị Ô-phê-li-a nhỏ nhắn, vui sướng vỗ tay:

- Kể đi, kể từng chút một nhé!

I-đo cố lấy vẻ thản nhiên như diễn viên trên sân khấu để che lấp đi sự bối rối trong lòng:

- Chúng em quen biết nhau từ một bài ca. – Nàng mỉm cười nói. – Tất nhiên các chị biết bài ca đó, nhưng chị Dô-zê-phin chưa biết, vì thế, em sẽ đánh đàn bài đó cho các chị nghe.

Nàng đến bên cây đàn pi-a-nô, ngồi xuống rồi bắt đầu đánh bài Con chim én của tôi hãy bay đi. Nàng tự nhủ thầm, sau bài ca dài này thì mọi người sẽ quên mất và không bắt nàng kể tiếp. Không những nàng đánh bài đó một cách chính xác, mà nàng còn thêm vào các biến tấu nữa. Tất nhiên, trái tim nàng đang hành hạ đôi tay nàng trên phím đàn. Sau những nốt êm ả như tiếng sáo có những nốt nhẹ tô điểm, dưới đôi tay nàng, bản nhạc vang lên như một lời than thở. I-đo nhập hồn vào bản nhạc và giai điệu cứ thế mạnh hơn lên, dồn dập như tiếng sáo gọi bầy. Rồi lại uể oải, mệt mỏi, bản nhạc như đang diễn tả ý nghĩ của nàng, ước muốn của nàng: giá như sự việc xảy ra như thế này… Rồi lại mệt mỏi, dày vò, tiếng nhạc lắng xuống, rồi lại bay bổng lên như thức dậy. Nàng nhập hồn hoàn toàn vào bản nhạc đang chơi mà không biết rằng mình đã chơi rất khác bản nhạc chính của nó, nhưng các chị ngồi nghe không ai dám cựa quậy, nói nhỏ câu nào.

Cánh cửa phòng làm việc của Tro-bo bỗng mở ra, chàng thò đầu nói nhỏ:

- Tôi sẽ ra với các chị.

Rồi chàng ra đứng ở cạnh cánh cửa, đôi mắt mở to, vẻ mặt kinh ngạc nhìn I-đo với chiếc đàn pi-a-no. Nét mặt I-đo đầy vẻ mơ màng. Nàng cúi đầu, kết thúc bản nhạc đẹp đẽ tuyệt diệu.

- Thật là tuyệt! – các chị phụ nữ vỗ tay khen.

Tro-bo vẫn đứng đó ngơ ngẩn nhìn “vợ” chàng.

- Chú hãy mang đàn vi-ô-lông ra đây! Chị Mi-key nói.

- Đúng rồi, hoà tấu đi! – Chị Ô-phê-li-a cũng tán thành, chị vui sướng như nhảy lên khi tưởng tượng được nghe hai người hòa tấu.

Một vài phút sau, Tro-bo bước sang với cây đàn trên tay. Chàng đưa mắt vẻ lấy làm tiếc nhìn cây đàn thiếu mất hai dây.

Sau khi các chị khách về rồi, có một ông già râu quai nón trắng, dáng người buồn rầu đến bấm chuông cửa nhà Tro-bo. Ông già mặc bộ quần áo rất thời trang, người gày gò, tóc của ông dài chấm vai, không hề cắt tỉa những búp tóc lượn sóng màu trắng. Đôi mắt nhỏ, màu đen. Trong tay ông có cầm một bó hoa bảo ngọc nhỏ, đẹp, bọc trong một tờ giấy báo mua của hiệu hoa.

Lúc đó, Tro-bo đang ở đang ở nhà một mình. I-đo đã tiễn các chị khách ra về, rồi qua chơi bên nhà chị Dô-zê-phin bởi chị hàng xóm cứ bắt I-đo sang theo để chị khoe với chồng chị rằng I-đo đã đánh một bản nhạc Hung hay tuyệt và anh chưa bao giờ được nghe.

- Ô, bác Bo-laz! - Tro-bo sung sướng nhảy xuống đón ông già, - lạy chúa lòng lành thế là lại có dầu cho cây đèn cháy rồi! Nào bác vào đây! Bác ngồi xuống đi, cháu mừng quá.

- Ừ, đúng là có dầu cho cây đèn đời bác đấy, nhưng mà có ít thôi. - Ông già mỉm cười, ngồi xuống, - bác chỉ có đủ sức để đến đây cảm ơn vợ của cháu thôi. Vì rằng... Mà bác nghe thấy Ka-ti bảo cô ấy không có nhà. Bác rất tiếc, bởi bác muốn cảm ơn cô ấy... Đây, cháu cắm bó hoa này vào cốc hộ bác.

- Cám ơn vợ cháu ư? - Tro-bo ngạc nhiên, - sao lại thế?

- Thế cháu không biết gì ư? Không phải cháu bảo cô ấy đến nhà bác ư?

- Không! Chuyện gì vậy?

- Thế không phải cháu đã nghĩ tới bác ư?

Tro-bo sờ cằm kinh ngạc.

- Cháu ư?

- Thế thì không phải cháu rồi. - Cái hôm cháu đến thăm bác ấy, trưa hôm sau chính vợ cháu đã đến, cô ấy mang cho bác một ca xúp. Một ca xúp còn nóng và ngon. Trông cô ấy thật giống thiên sứ của đức chúa từ đầu đến chân. Cô ấy còn dọn dẹp phòng cho bác. Tro-bo, cháu được chúa ưu ái quá, đức chúa đã chia cho cháu một thiên thần phù trợ. Nhưng cô ấy đi đâu rồi?

Tro-bo vẫn còn sửng sốt khó tin.

- Cháu không biết, chắc cô ấy qua chơi nhà hàng xóm.

- Sau đó ngày nào cô ấy cũng đến, nếu không đến được, cô ấy lại cho người hầu mang đến... Không, Tro-bo, bác không dám nhận lòng tốt của cô ấy đâu. Cả cuộc đời bác đã kinh tởm những sự làm ơn rồi. Bác khó lòng nói lên từ cám ơn. Trong cuộc đời bác đã không thể chịu nổi một sự ràng buộc nào kể cả mối liên quan vợ chồng, hoặc bất cứ một sự hàm ơn nào. Thực ra, bác cũng chưa bao giờ gặp được một thiên thần nào như vợ cháu cả.

- Thôi bác đừng băn khoăn nữa! Bác hãy vào đây với cháu và xem cháu đã làm gì nhé. Tốt nhất, bác hãy góp ý cho tranh của cháu nhé.

Chàng dẫn ông già vào phòng làm việc.

Trên hai cái giá vẽ to, có sẵn hai bức tranh. Một bức toàn cảnh một gia đình bình dân đang ngồi quanh bàn. Giữa bàn có một chiếc đèn dầu. Khuôn mặt mọi người đã đựơc vẽ màu hồng sữa. Đó là hai người đàn bà và ba người đàn ông. Một chú bé đứng sau lưng họ. Một người đàn ông đang đọc, còn các khuôn mặt khác đều hướng về phía ông ta.

Bức tranh kia là người phụ nữ có đôi cánh dơi. Cả hai bức gần như đã đến độ kết thúc.

- Bác hút thuốc đi, thuốc này nhẹ thôi!

Ông già nhìn các bức tranh chăm chú. Ông châm một điếu xì gà rồi lại nhìn các bức tranh.

- Cái gì thế này? Bức tranh này mang chủ đề gì? ông già chỉ vào bức tranh người phụ nữ có đôi cánh.

- Đó là đề tài nói lên sự suy nghĩ. Bác không hiểu ư, bác Bolaz? Với bức tranh này cháu đã vẽ hàng mấy tuần nay rồi. Còn bức tranh kia cháu vẽ không có mẫu. Nhưng bác hãy góp ý chủ yếu cho cháu về tranh người phụ nữ này, cháu rất mong đợi những ý kiến của bác.Liệu bức tranh đó có thành công không? Nhưng mời bác ngồi xuống đây đã. Khoan, bác đợi chút, cháu đặt cho bác chiếc gối dựa lưng. Nào, tên của bức tranh này là: Con dơi. Từ thuở nhỏ, cháu đã thấy những người nông dân hay treo một con dơi ở cửa chuồng súc vật, hoặc trên cánh cổng. Tất nhiên để trừ tà ma. Cháu còn nhớ cảm giác cháu đã luôn thương xót con vật nhỏ đó...

- Tôi hiểu rồi. Đó là một ý nghĩ đẹp đấy.

- Từ tình thương ấy, cháu đã nẩy sinh ra tư tưởng vẽ một con dơi dưới hình hài một phụ nữ. Ở đây, dưới mắt cá tay và cá chân của cô ta, cháu sẽ vẽ những chiếc đinh đâm vào, từ chỗ đóng đinh đó, dòng máu nhỏ sẽ chảy ra.

- Thú vị đấy, mới đấy.

- Phía sau cô ta có thể nhìn thấy tấm ván màu xám mờ ảo, như là cô ta bị đóng đinh lên đó. Trông tấm ván đó giống như như là bức tường cổng, hoặc là trên một cánh cửa, nhưng tất nhiên sẽ được nhân cách hóa đẹp hơn sự thực. Ngoài ra, sau lưng cô ta còn có thể nhìn thấy cái gì nữa? Cháu rất hồi hộp, lo lắng, cháu sợ sự vụng về sẽ làm hỏng tổng thể, bởi đã hai năm qua cháu không hề cầm tới cây bút vẽ.

- Thế còn bức tranh kia?

- Tên nó sẽ là: Buổi đọc kinh thánh. Trên bức tranh này đã diễn tả đầy đủ. Người đàn ông này đọc quyển kinh thánh, còn tất cả mọi người đều thành kính lắng nghe. Những khuôn mặt, những đôi mắt sẽ được đặc tả thành công nếu cháu vẽ được vẻ thành kính của họ đúng như là cháu đã tưởng tượng ra...

Ông già vẫn ngồi trầm ngâm suy nghĩ.

- Hừm... ừ....ừ...

- Cháu rất muốn biết, trong bức tranh này còn thiếu gì nữa? Cháu cũng cảm thấy nó còn thiếu gì đó mà cháu chưa tìm ra được.

- Ừ... tất nhiên...

- Vì thế cháu đã dừng bức tranh này lại và vẽ sang bức Con dơi. Về chủ đề tư tưởng của bức tranh không thể nào tồi được.

Ông già gật đầu:

- Tốt đấy, cả hai chủ đề tư tưởng đều hay cả.

- Ồ nếu vậy, cháu rất mừng!

- Cháu thật là hạnh phúc vì ở mới ở tuổi này mà cháu đã bắt đầu suy nghĩ và làm những chủ đề lớn như vậy.

- Vâng ạ, quả là như cháu đã chạm đến năng lượng nguyên tử vậy.

- Hồi còn trẻ, bác cũng có những tư tưởng lớn như thế này, nhưng rốt cuộc bác chẳng làm được tác phẩm nào lớn hơn các bức chân dung được. Ngay cả khuôn mặt con người cũng có nhiều hình dạng... nhiều cách thể hiện cái nhìn, nét mũi, nét cằm, quầng tối dưới mắt, đường cong trên mặt... Màu sắc và đường nét của khuôn mặt. Cháu đã bao giờ nhìn thấy những bức chân dung đẹp chưa? Bác chưa bao giờ thấy đấy.

Ông phẩy tay rồi nói tiếp:

- Tất cả các chân dung đã có đều như là đi găng tay da mà vẽ lên tường gỗ hoặc lên sứ vậy. Giữa làn da mặt của tuổi bốn mươi khác xa với tuổi hai mươi biết bao. Làn da mặt buổi chiều khác xa với làn da buổi sáng. Ánh sáng trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi khác với ánh sáng trên khuôn mặt vừa rửa sạch. Ánh sáng chiều khác nhau thì có nhiều nét môi cũng khác nhau. Cháu hãy ngồi nghe một buổi hòa nhạc đi, và hãy ngắm nhìn các bà các cô ngồi xem, nhưng chỉ nhìn các đôi môi thôi sẽ thấy sự khác biệt đến chừng nào của mỗi đôi môi.

- Cháu cũng đã từng nhìn như, ở buổi hòa nhạc, bác Bo-laz ạ.

- Nhưng mà đấy là cháu mới chỉ nhìn các đường nét đôi môi thôi. Cần phải nhìn cả màu sắc, và nhìn cả các bóng đổ của nó nữa. Lúc bấy giờ, da mặt của họ màu gì nữa, bác đã thấy tất cả. Mỗi một màu sắc, đường nét, hoặc bóng đổ tuyệt vời đều in trong trí nhớ bác, bác ngẩn ngơ, hồi hộp về những điều mà thế giới không nhìn thấy ấy. Bác cũng đã nghĩ ra một khuôn mặt lý tưởng. Bác đã tưởng tượng nhiều, và đã vẽ nhưng vì miếng bánh kiếm sống nên bác lại mang chúng đi bán. Rồi sau đó, bác không thể vẽ được gì khác nữa ngoài các bức chân dung. Nhưng không phải vẽ nghệ thuật mà là … vẽ như truyền thần vậy… để kiếm sống!

Ông lắc đầu. Điếu xì gà tắt ngấm trên tay ông.

Tro-bo chăm chú nghe như nuốt từng lời, chàng cố tìm xem ý ông già nói gì để học tập.

Cuối cùng ông già ngẩng đầu lên và đưa mắt nhìn hai bức tranh rồi lại nhìn sang tro-bo.

- Cả hai bức tranh này đều chưa tốt. Nào, không phải vội vứt đi đâu. Bác nói đây là lời nói của một người bạn lớn tuổi chứ không phải là của một nhà phê bình. Tư tưởng chủ đề của cháu rất đẹp, nhưng cách thể hiện ra còn tồi. Nếu bức tranh này mà cháu đề tên là đọc kinh thánh thì không đúng. Đây chưa phải là kinh thánh. Có thể tên nó chỉ là “Thầy giáo Pê-ter” chẳng hạn. Hơn nữa cháu sử dụng cây đèn dầu ở đây cũng không may rồi. Bóng đậm nhạt giữa sáng và tối ở cây đèn dầu sẽ có ranh giới rõ rệt vì thế cháu không làm nổi được chủ đề tư tưởng đâu. Nếu là bác, bác sẽ vẽ buổi đọc kinh vào ban ngày, ánh sáng xuyên qua cửa sổ. Phía trên đầu họ, ánh sáng càng cao sẽ càng sáng hơn, và bức tranh sẽ có tên là: Ngày chủ nhật lễ phục sinh. Còn kinh thánh sẽ được thể hiện vào những mảng khối, vào cái bàn chẳng hạn. Sau nữa những khuôn mặt ở đây đều thành kính tôn nghiêm cả ư, cả đứa trẻ này ư? cháu hãy biết nét mặt của mội đứa trẻ, khoảng ba - bốn tuổi chỉ chú ý đến trò chơi mà thôi, ví dụ như chú ta đang cho con mèo con…

- Cám ơn bác, cháu hiểu ý bác, - Tro-bo lắp bắp.

- Thế còn bức tranh kia, tên nó là gì?

- Tên bức tranh là Con dơi.

- Tên đó hợp đấy. Nhưng cái chưa hay của bức tranh là thế chân tay giang ra theo hình chữ X. Tro-bo thân mến, đó là một phong cách không được đẹp mắt.

Tro-bo im lặng lắng nghe, đôi mắt đầy vẻ biết ơn của chàng nhìn như dán vào mặt ông già Bo-laz.

Ông già lắc đầu:

- Tro-bo này, cháu hãy nhìn xem, cháu vẽ một chủ đề trừu tượng, một hình ảnh không có thật, thì cháu không được vẽ màu sắc cơ thể cô gái này giống như trên thực tế. Cháu hãy dùng nền của bức tranh màu xanh trong… màu như ánh trăng chiếu xuống ấy. Còn về hình khối, sai lầm ở chỗ cháu để cho hai chân choãi ra. Bức tranh vẽ nghệ thuật hơn nếu như cô gái này chỉ có hai cổ tay bị đóng giang ra hai bên, còn hai cổ chân không bị đóng đinh mà sẽ thả lủng lẳng bên nhau và không còn một chút sự sống nào, đôi chân gầy guộc chứ không phải đôi chân đầy đặn, đẹp đẽ như một nữ diễn viên này. Tất nhiên cháu phải tìm một người mẫu khác…

- Cám ơn bác, thực lòng cháu cảm ơn bác, bác Bo-laz thân mến ạ.

- Bác cũng mừng vì cháu đã hiểu ý bác, chứ những họa sĩ trẻ khác mà nghe lời bác góp ý thì mũi cứ hỉnh lên coi thường.

Ông đứng lên, thở dài như là những người già thường thở mỗi khi đã mệt mỏi.

- Bác là một người già bảy mươi tuổi, bác biết rằng nếu như bác nói với ai: “cái chỗ này sai, chỗ kia chưa hay” thì ngay lập tức người ta sẽ cảm thấy như đó không phải lỗi trên bức tranh mà là lỗi của cái đầu họ. Họ không nhận thức được lợi ích của cái người già góp ý mà sửa, trái lại họ nghe, bị dày vò đau khổ. Sự thật mất lòng mà ! Rồi những người đó, có khi lại thiếu tự tin trong cuộc sống. Tro-bo cháu đừng có cảm thấy như vậy. Cháu không phải là người bất tài. Cháu chỉ không có được năm mươi năm làm nghệ thuật như bác mà thôi, nhưng rồi, cháu sẽ có! Với tuổi trẻ, cháu sẽ có những tư tưởng mạnh dạn, nhưng muốn có kinh nghiệm thì phải đợi có thời gian tích lũy. Đức chúa phù hộ Tro-bo của bác. Bác rất tiếc là không được nói chuyện với cô vợ bé nhỏ, dịu dàng, thiên thần yêu dấu của cháu, nhưng cháu hãy nói lại với cô ấy rằng bác gửi tới cô ấy sự biết ơn sâu sắc.

- Bác hãy hút thuốc đi.

- Cám ơn, bác không quen hút xì-gà.

Nói rồi ông già đặt điếu thuốc xuống chiếc gạt tàn.

Tro-bo cầm lấy chiếc mũ, đội lên đầu, và với thái độ thân thiết, ân cần, chàng dìu ông già đi ra cửa. Khi đã ở ngoài đường, ông già lại nói với Tro-bo:

- Cháu hãy tự tìm hiểu mình đi, với trái tim chân thành, bác khuyên cháu hãy tự khẳng định mình. Tất cả mọi người đều có cách nhìn, cách sống khác nhau, nhưng điều căn bản nhất là tất cả những nghệ sĩ thực thụ đều phải tìm cho mình một cái mới, một sự sáng tạo mà chưa có ai tìm ra. Hoặc nếu như đã có người tìm ra, thì mình phải là người hoàn thiện. Bác làm sao mà biết trước được cháu đang dự định vẽ gì? Nếu như bác biết trước thì không có gì là mới nữa, phải không nào.

Ông đập đập cây gậy, đứng dừng lại.

Từ cuối phố có một người phụ nữ cầm chiếc ô che nắng màu trắng chạy tới, đó là chị phụ nữ trẻ mắt đen nhỏ, chị Mi-lus-ka vợ không cưới của Ken-đer. Chị chạy lại gần họ.

- Ô xin chào bác Bô-laz! Xin chào anh Tro-bo! Có tin lớn đây! Một tin vĩ đại! – chị thở hổn hển mặt đỏ bừng.

Tro-bo mỉm cười hỏi:

- Anh Ken-đer bán tranh ư?

- Đâu có! Bắt đầu từ sáng hôm nay, tôi đã là bà Ken-đer rồi, vợ của ông Ken-đer. Vợ trong giá thú.

- Tôi xin chúc mừng chị.

- Anh hãy về nói với I-đo nhé. Tôi đã khóc nhiều, bởi vì một lần, tôi tra hỏi anh Ken-đer xem làm sao mà I-đo lại không đến thăm nhà chúng tôi, không làm mẹ đỡ đầu cho con chúng tôi. Sau khi biết lý do, tôi đã réo to: “Em sẽ bỏ anh ngay lập tức nếu như anh không nghĩ đến chuyện cưới em”. Thế là anh ấy đứng bật dậy và chúng tôi định đi đến gặp vị linh mục, nhưng lúc đó đã là nửa đêm rồi. Hôm sau, từ sáng sớm tôi đã giục giã anh ấy, rồi tôi cũng thu dọn đồ đạc của tôi, tôi khóc nức nở, tôi gói ghém rồi lại khóc. Anh ấy bực bội ném cây bút xuống vừa chửi lẩm bẩm, kết thúc xong bức vẽ. Chỉ hôm nay hoặc ngày mai là chúng tôi sẽ lấy được giấy đăng ký.

Hai người đàn ông lắng nghe và mỉm cười khi thấy chị nói liền một mạch. Chị vợ Ken-đer đôi mắt nhỏ sáng long lanh hạnh phúc chia tay họ, còn họ tiếp tục trên con đường.

Họ im lặng bước đi, Tro-bo trầm ngâm suy nghĩ sau đó chàng quay sang khoác tay ông già:

- Cháu sẽ nói cho bác nghe về những dự định cháu đang ôm ấp. Một lần, cháu đi xem hai bức tượng và trong tâm hồn cháu tràn ngập suy nghĩ, sẽ dựng hình họa, một là nhóm vũ nữ của Car-pô. Còn bức kia là của Ber-the-li-er. Cháu sẽ nói, cháu đã nhìn thấy chìa khóa của nghệ thuật là gì: đó là sự mê hồn. Bây giờ cháu định đến đây để học nghệ thuật điêu khắc, thế nhưng có hai bức tranh tác động mạnh đến cháu, đó là bức Ma-ri-a của Dag-nal Bou-ve-ret. Còn bức kia của Boc-klin có tên là Trò chơi của sóng. Sự tuyệt vời của nó ở đâu? Bởi vì trên bức tranh của Boc-klin chỉ thấy một cánh tay phụ nữ trên mặt nước.

Ông già dừng lại mỉm cười:

- Ở tuổi bảy mươi, tôi cũng tìm thấy ở đó có sự tuyệt diệu, mê hồn.

- Đó cũng là sự mê hồn ư? Đúng vậy không?

- Đúng đấy. Nhưng không phải cách vẽ của bức tranh thể hiện mê hồn. Mà chính chủ đề của nó là tuyệt vời. Tro-bo thân mến, điều đó đã tồn tại trong nghệ thuật. Sự quyết định là ngọn lửa thần mà trong đó sẽ tôi luyện được kim cương. Ngọn lửa nhỏ thì ra kim cương nhỏ. Ngọn lửa mạnh thì ra kim cương to. Nhưng chúng ta nói cho rõ hơn nhé: sự tuyệt đỉnh chính là cảm giác rung động của tâm hồn khi xem những bức tranh nghệ thuật tồn tại vĩnh viễn, những thích thú rung động khiến cho người ta cứ muốn nhìn dù cho hôm nay, ngày mai hay là mãi mãi trong đời người.

Ông bước đi rồi lại nói:

- Cũng như những của gia bảo của nhà giàu ấy, họ sẽ để lại những trang sức làm bằng vàng ròng, đồ bằng ngà voi, ngọc trai mà với kho báu đó sẽ làm cho cuộc đời con cháu họ lên tới tuyệt đỉnh vinh quang và sẽ được lưu truyền lại cho con trai, con gái họ, cho thế giới và mãi mãi… Nghệ thuật cũng vậy, hãy cho nó ra đời và làm sao cho nó tồn tại vĩnh viễn… đấy cháu hãy nghĩ như vậy…

Ông dừng bước, nói giọng to hơn.

- Nhưng nghệ thuật cũng không phải là thứ rẻ tiền hơn những đồ châu báu. Không, không phải vậy, người ta đã phải trả một món tiền kinh khủng cho nghệ thuật. Ôi, cả tuổi trẻ của tôi, tôi đã vui mừng trả giá cho nó! Nhiều đau khổ, dày vò, nhiều thiếu thốn, nhiều chông gai, nhiều thời gian, ôi cái giá…

Ông lại bước tiếp, đầu lắc lư buồn bã.

- Nhưng mà ta lại có cảm giác không phải trả tiền, không phải trả giá cho sự tuyệt đỉnh trong ta. Bởi ta đã đặt tâm hồn của ta lên bức vẽ, lên bức tượng, lên bản nhạc, lên những vần thơ. Thế đấy, còn bây giờ (ông dừng lại, cài chiếc cúc áo khoác của Tro-bo như muốn gửi gắm mọi tâm tư cho chàng). – Những rung động của ngọn gió nghệ thuật đẹp đẽ thì tất cả mọi người đều có thể cảm thụ được, nhưng không phải ai cũng biết thể hiện những rung động đó lên giấy, lên bút, lên màu, lên đất đá, chỉ có các nghệ sĩ mà thôi! Các nghệ sĩ, nghệ sĩ chân chính! Những người nghệ sĩ chân chính nhất sẽ thành công nhất, những người đã biết thể hiện những rung động đẹp nhất ra bằng giấy tờ màu sắc, hình khối, câu cú vần điệu, và để nhiều người cảm thụ được cái hay, cái đẹp.

Ông lại chống gậy đi tiếp.

Tro-bo cứ ngẩn ngơ nhìn ông, như là lần đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng của thế giới.

Rồi chàng lại chìm sâu vào suy nghĩ, không nghe ông già nói gì. Chỉ khi đến trước cổng nhà ông già, thì chàng mới lại nghe ông già đang nói đến độ đậm nhạt, và khoảng tối mịn màng của một khuôn mặt, cái cổ người phụ nữ trắng trong như không có máu chảy bên trong.

- Nhưng mà tôi có thể nhìn thấy mẫu như vậy ở đâu chứ? – Ông già thốt lên vẻ cay đắng, - chỉ có da mặt các cô thiếu nữ là mịn màng, và chỉ có ở trong bệnh viện mới có màu trắng trong như vậy. Không, tôi chưa thể chết được nếu như tôi chưa vẽ được một vẻ mặt như thế!

Một tuần sau ông già đã chết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.