Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên

Chương 25: Sự thất truyền của Viên Minh Viên




Mỗi người từng đến Viên Minh Viên đều nhìn thấy một phong cảnh giống nhau, đó là một vùng đổ nát hoang tàn sau khi bị chiến tranh thiêu đốt. Đương nhiên, đây là cách nhìn bằng con mắt thiển cận. Nếu như nhìn nhận bằng tâm hồn sâu sắc, thì bạn sẽ thấy đây là một tòa hải thị thần lâu[12]. Thời gian là ảo ảnh, có thể làm ký ức vỡ vụn, cũng có thể ghép lại ký ức.

[12] Hải thị thần lâu: chỉ ảo ảnh.

Viên Minh Viên từng được ca ngợi là “vạn viên chi vương” (vua của vạn khu vườn), bắt đầu từ ngày bị hỏa hoạn đã tạc lại vết sẹo không thể xóa mờ trong lồng ngực của lịch sử, khiến cả thành Bắc Kinh và toàn thể Trung Quốc đều đau đớn trong vết bỏng. Hòn đá dưới chân bạn còn lưu lại hơi ấm tàn dư sót lại sau vụ cháy, chốn đồng ruộng mênh mông lại hàm chứa một sự tỉnh táo như bị rút cạn kiệt. Khói lửa bao trùm bầu trời Viên Minh Viên, khiến bạn không thể suy tưởng một cách vui vẻ thoải mái. Có lúc, làm một người sâu sắc, lại không đạm bạc trầm ổn được như một người nông cạn.

Viên Minh Viên từng là thiên đường chốn nhân gian, giàu có tú lệ và huy hoàng, nhưng thiên đường đã bị cháy trụi. Sau hỏa hoạn, Viên Minh Viên chỉ còn lại tàn cục ngổn ngang, vị đế vương ngày xưa bị trọng thương và phải chạy trốn, còn ai có thể chuyển bại thành thắng? Nó không còn đứng tách biệt với thói tục nữa, không còn quốc sắc thiên hương nữa, bắt đầu từ khoảnh khắc bị hủy hoại dung nhan, nó đã bị định sẵn kết cục không thể tiếp tục khuynh quốc khuynh thành. Một vị đế vương cởi bỏ long bào, gỡ vương miện xuống, đánh rơi quyền trượng, còn có thể thống trị thiên hạ, hô hoán phong vân chăng? Trời cao lấy lại quyền lực hô mưa gọi gió của ngài, từ đây, đến tư cách của một bình dân bách tính cũng chẳng còn nữa. Có lẽ, đã từng có một Viên Minh Viên mang phong cách vương gia, không cam chịu làm một người bình thường, còn sống lúc nào cũng phải huy hoàng đỉnh thịnh, chết đi cũng phải rực rỡ thành tro.

Khi bạn khóc thương cho nó, đau lòng vì nó, bi phẫn thay nó, thì nó lại thức tỉnh một cách ngạo nghễ. Sau khi đá ngọc đều đã tan thành bụi tro, giấc mộng tàn vẫn còn lưu dấu, cho nên nó chẳng hề cô đơn. Trong những tháng ngày sóng yên khói lặng, gìn giữ vùng gò hoang này, gìn giữ lầu gác trống không, mặc người đời cảm thán hồi tưởng, thậm chí nghĩ muôn ngàn cách để gương vỡ lại lành. Đây là kỳ nguyệt thực dài nhất trong lịch sử, chỉ là sau cơn trầm luân, trăng lại càng sáng tỏ hơn xưa.

Vẫn nói, mây khói thoảng qua, thế nhưng rõ ràng có thể tìm thấy bóng dáng rơi rớt của chuyện cũ ngày xưa trên những tảng đá xếp chồng. Trong khoảng không gian rộng lớn này, vẫn thấp thoáng vương khí tàn dư. Những kỳ trân dị bảo đã bị cướp sạch, bị thay thế bằng sự tàn khuyết, vỡ vụn một cách ung dung, hoa lệ, Viên Minh Viên đã chảy cạn máu, chỉ còn lại linh hồn là chưa từng bị rút đi. Đi tìm hình bóng của ngày hôm qua trong linh hồn còn ở lại, Viên Minh Viên khô héo dần dần đầy tràn trong ký ức.

Viên Minh Viên ra đời vào những năm Khang Hy, trưởng thành trong vương triều Ung Chính, rực rỡ trong thời thịnh thế Càn Long. Vua Ung Chính còn giải thích rất cặn kẽ rõ ràng hai chữ “Viên Minh”: Viên mãn mà tinh diệu, ấy là sự hợp thời hợp lẽ của người quân tử vậy; sáng suốt mà chiếu khắp, ấy là trí tuệ của bậc thông đạt vậy. Những người dân tộc Mãn Châu sống trên đại mạc hoang vu, thích ngắm rừng xanh biển biếc, khi mới bước chân vào Tử Cấm Thành, họ bị giam cầm bởi những kiến trúc tường đỏ ngói xanh, trong lòng đã nảy sinh sự chán ghét và mỏi mệt. Thế nên, họ trưng thu rất nhiều ruộng đồng hồ nước để tu sửa và xây dựng vườn cảnh ở ngoại ô thành Bắc Kinh.

Viên Minh Viên nằm ở ngoại ô phía tây thành Bắc Kinh, vùng đất tập trung dầy đặc các vườn cảnh, tựa như ẩn chứa long mạch của hoàng tộc khiến đế vương các đời si mê không dứt. Khi mới cho xây vườn, hoàng đế Khang Hy không hề ngờ rằng Viên Minh Viên sẽ đạt tới tình trạng phồn thịnh như thế, và càng không ngờ, thời đại thịnh vượng của Đại Thanh hơn một trăm năm sau sẽ gặp phải một kiếp nạn thế này. Nước đầy sẽ tràn, trăng tròn sẽ khuyết, khi đến như thủy triều dâng, khi đi như thủy triều rút, cơn sóng ào ạt mạnh mẽ này đã đầy tràn đến mức vô tiền khoáng hậu vào thời thịnh thế Càn Long, và nó cũng dần dần tiêu biến trong vương triều của ngài. Đến nay, chúng ta chỉ có thể ôn lại giấc mộng xuân trong vườn Viên Minh trên những ký hiệu của lịch sử, những gì mà thời gian có thể để lại cho chúng ta thực sự chỉ Thế Âmà thôi.

Lịch sử vẫn như xưa, chèo thuyền mà đi tới, nhất định sẽ vớt được những mảnh vỡ chìm sâu dưới đáy thời gian. Đứng trên những tảng đá bị vứt bỏ, chạm tay vào những dấu vết của Tây Dương Lầu, đi qua luồng gió chống chếnh, kết hợp những ký ức vụn vặt của Viên Minh Viên với nhau. Không còn tồn tại nữa có nghĩa là đã từng tồn tại, chỉ cần bạn đến với một trái tim vui vẻ hiền hòa là có thể khôi phục nguyên trạng những tảng đá chất đống, những vật cũ ngổn ngang, khôi phục nguyên trạng cảnh tượng thịnh vượng của năm nào.

Viên Minh Viên, là một quần thể vườn cảnh hoàng gia kết hợp kiến trúc vườn cảnh cổ điển Trung Quốc và vườn cảnh châu u. Có bốn mươi danh thắng nổi tiếng hấp thu tinh hoa của vườn cảnh trong thiên hạ, thu thập sự tuyệt diệu của vạn vật tự nhiên, chứa đựng xúc cảm của gió mây nhân gian, những địa điểm truyền kỳ và thần thánh, hùng vĩ và tráng lệ của nó thì chữ nghĩa và hội họa đều không thể nào tả xiết được. Chỉ có thông qua tư duy sáng suốt cởi mở, xuyên qua lĩnh vực rộng lớn của tinh thần mới có thể ngắm hết vẻ lộng lẫy của Viên Minh Viên.

Bạn nhìn thấy một khu vườn của vạn vườn - nơi trăm sông đổ về một biển, thì sao có thể không kinh ngạc mà cảm thán trước sự bác đại tinh thâm của văn hóa dân tộc Trung Hoa? Người ta đã dùng tài nghệ kỹ năng thần thông tinh diệu đến đâu mới có thể sáng tạo điêu khắc nên khu vườn cảnh tuyệt thế này? Giữa mây khói tàn lụi, sao không thể quên được năm xưa nó đã từng đỉnh thịnh và giàu có đến nhường nào. Có lẽ, chỉ có thời thịnh thế Khang Càn mới có được khí phách vững chãi ấy, mài vàng ròng thành mực nước, rẩy khắc một vùng trời chói lọi.

Rẽ đám cỏ dại, ánh tà dương đang cản tầm mắt, hồn phách Viên Minh Viên đã và đang quay về trước sự nhiệt tình kêu gọi của vô số du khách. Trong Cần Chính Thân Hiền Điện vẫn còn nhìn thấy bóng dáng của hoàng đế Ung Chính đang cắm cúi phê duyệt tấu chương, vị quân vương tin thờ Phật giáo này có thể đã từng tu đạo tham Thiền ở chốn Bồng Lai Dao Đài chăng? Trong cung điện Tây Dương vàng son chói lọi phải chăng chính là tổ ấm tình yêu mà Càn Long xây tặng cho Hương phi? Vị giai nhân lạnh lùng tuyệt sắc ấy bị cầm tù trong giấc mộng hoàng thất phồn hoa, cho đến lúc chết đi, linh hồn còn có thể tỏa ra mùi thơm kỳ lạ hay không?

Giữa mê trận Hoàng Hoa[13], từng ngọn đèn hoa sen chiếu sáng cả bầu trời Đại Thanh, khi hoàng đế Càn Long say đắm vui vẻ trong mê cung, sao có thể đoán được sự mơ hồ của thế sự? Trên đỉnh cao rạng rỡ của vương triều, cho dù là hoàng đế cũng không thể tiên tri được, những gì họ có thể làm chỉ là ôm ấp yến oanh, giãi bày hết niềm vui sướng bình sinh. Thế nên, trong đầm hoa sen, ngài nhẹ nhàng vung mái chèo là đến được Giang Nam, nhìn thấy mưa khói hoa lạnh, nhìn thấy đình viện thâm sâu.

[13] Hoàng Hoa trận là một mê trận hình chữ nhật, mô phỏng mê cung kiểu Tây, kiến trúc trung tâm là một ngôi đình kiểu Tây có tám mặt. Mê trận phía Nam Bắc dài 89 mét, phía Tây Đông rộng 59 mét, tường trận tổng cộng kéo dài hơn 1600 mét, xung quanh trồng các bụi cây thấp, cho nên mê trận dễ vào khó ra. Trung tâm của Hoàng Hoa trận xây đình đài cao, khi giải trí, hoàng đế thường ra lệnh cho thái giám bày trò trốn tìm trong Hoàng Hoa trận, còn mình ngồi trên đài cao để xem. Thời kỳ thịnh vượng của Viên Minh Viên, tương truyền vào đêm Trung thu, hoàng đế cử hành lễ hội hoa đăng tại đây, các cung nữ tay cầm đèn hoa sen bằng lụa vàng, đi đi lại lại trong mê trận, người nào đến được viên đình ở trung tâm trước tiên sẽ được ban thưởng. Vì Thế Âmê trận này được gọi là Hoàng Hoa trận.

Rất nhiều vườn cảnh và danh hồ như thủy mặc của Giang Nam đã bị nhuộm màu trong khung cảnh Viên Minh Viên từ lâu, mưa khói làm ẩm ướt long bào của Càn Long, sương sớm thấm đẫm xiêm áo của Hương phi. Khi trăng sáng chìm trong lòng nước, liệu họ có biết giấc mộng Đại Thanh sẽ mau chóng bị những người Tây Dương lặn lội vượt biển lớn đánh thức hay không? Hóa ra, bờ bên này và bờ bên kia chỉ cách nhau một dòng nước mà thôi.

Khi cơn hỏa hoạn tựa như thủy triều dâng trào, cho dù bạn đã trốn vào tận sâu của tiên cảnh Thiền Phật ở chốn Bồng Lai Dao Đài, náu mình trong xuân sắc Võ Lăng chốn suối Đào Hoa thì cũng bị chôn vùi. Viên Minh Viên thứ gì cũng có, được sở hữu những thứ tốt nhất thế gian, vậy mà khi khiếp nhược lại chẳng chống chọi nổi một ngọn lửa. Khi liên quân Anh Pháp phá vườn xông vào, hoàng đế Hàm Phong đang trên đường cuống quýt chạy trốn. Gót sắt Bát Kỳ rốt cuộc đã hiểu rằng giáo mác và cung tên không địch nổi với đạn pháo Tây Dương. Vì kinh sợ mà đào vong, cờ chiến tan nát vì pháo đạn đốt cháy, liên quân Anh Pháp giẫm lên thi thể của tướng sĩ quân Thanh mà tiến lên phía trước.

Viên Minh Viên tựa như một trang giấy mỏng manh, chúng không cần mất công thổi lửa mà vẫn có thể xua quân tiến vào, cướp bóc phá phách bằng sạch muôn ngàn bảo vật hoàng gia lưu giữ, cuối cùng, đốt một ngọn lửa lớn, thắp sáng cả bầu trời đế quốc Đại Thanh. Nếu không phải là nỗi đau cắt da cắt thịt, vương triều Đại Thanh ngủ mê man suốt trăm năm có lẽ vẫn không thể thức tỉnh giấc mộng này. Thế nhưng, tỉnh giấc vào lúc này liệu có phải đã quá muộn rồi chăng? Họ chỉ có thể cử hành lễ chôn cất nỗi bi thương trong ván cờ thảm bại này, sau đó, đen tối vẫn hoàn đen tối, đau đớn vẫn hoàn đớn đau, ngu muội vẫn hoàn ngu muội.

Mối họa này thực sự là do Càn Long gieo rắc sao? Khi Khang Hy ý thức được sự tân tiến phát triển của văn hóa phương Tây rồi sẽ có ngày trở thành mối lo của Trung Quôc, Càn Long vẫn còn cố chấp cho rằng đế quốc Đại Thanh chính là ông vua của thế giới. Trong vườn Viên Minh, ngài mặc ý thỏa sức, đổi giang sơn lấy rượu nồng hoan ca. Khi bạn nhận thấy sự cố chấp nhiệt tình xây dựng Viên Minh Viên của Càn Long, liệu có nhìn thấy Tần Thủy Hoàng dựng cung A Phòng, Tùy Dạng để đào Đại Vận Hà hay không? Nếu không phải vạch một nét mực màu tô đậm trong sử sách, làm sao có thể đổi lấy sự huy hoàng được cả thế gian ngưỡng mộ? Rốt cuộc chẳng ai ngờ rằng, công trình kiến trúc vĩ đại ấy lại bị thiêu cháy thành tro trong một giấc mộng chưa bao giờ tỉnh thức?

Ngọn lửa lớn cháy rừng rực ba ngày ba đêm không ngừng nghỉ, khói mù mịt nghi ngút bao trùm cả thành Bắc Kinh, làm cay xè muôn vạn đôi mắt của con dân Trung Quốc. Sự nhu nhược của vương triều Đại Thanh đã bị ngọn lửa Viên Minh Viên soi tỏ, không chừa lại điều gì. Sau khi toàn thân dập nát, ai sẽ đến trị thương cho nó? Thế nhưng, chẳng ai sẽ lau máu và lệ của Viên Minh Viên, mảnh đất cháy đen đó đã tàn tạ lại càng tàn tạ hơn.

Khi quốc nạn đến nơi, có bao nhiêu người bước vào Viên Minh Viên tro bụi mịt mù, nhặt lại những viên ngói vỡ cháy sém đó, không phải để đánh thức ký ức đau buồn, mà là để che chắn cho khu vườn nhà mình. Họ không đến trị thương, mà ngược lại, nhân cơn hỏa hoạn để hôi của cướp bóc, đó là vì thương đau đã khiến họ tê liệt hay sao? Những người đã bước qua mảnh đất này còn có thể đứng giữa càn khôn sáng láng nói mình thanh bạch hay không? Viên Minh Viên vô tội, nó đã từng bị người khác làm tổn hại, đã từng bị chính mình làm tổn thương. Nước mắt cạn khô, không còn đau buồn nữa; cuối cùng rồi những người đi trước thời đại sẽ đánh thức nó, những trái tim có lòng thương xót sẽ bảo vệ nó.

Cung đàn Đại Thanh đã đứt, lại có người tấu một khúc đã thất truyền trên cây đàn không dây. Viên Minh Viên đúng là chỉ còn lại một vùng hoang vu lạnh lẽo không tinh thần, không tình cảm hay sao? Không, không phải, nó rõ ràng đang giữ gìn một cách có tình có nghĩa khu vườn cảnh bị tàn phá của chính mình. Khu vườn cảnh trống không này vẫn còn đang hít thở, những phiến đá dưới chân vẫn còn hơi ấm, bạn có cảm nhận được chăng? Có lẽ sẽ có một ngày, sự trống rỗng của Viên Minh Viên sẽ được lấp đầy, sẽ tái hiện lại được cảnh tượng huy hoàng của “vua của vạn vườn”. Có lẽ tháng ngày tương lai nó vẫn giữ dáng vẻ hoang vu như trước, không phải để cho bạn đau lòng, không phải để nhắc nhở bạn nhớ đến điều gì đó, chỉ đơn giản là tồn tại trong lịch sử mà thôi.

Sắc chiều vây bủa, trăng treo bầu không, vầng trăng sáng treo lửng lơ trên bầu trời Viên Minh Viên năm ấy, cũng tròn như lúc này.

Điệu cũ Thành Nam

Ở Bắc Kinh, thời gian là một đám khói mù, luôn đem đến cho người ta một loại ảo giác: Dường như đến lúc nằm mơ cũng mơ thấy tình cờ gặp gỡ một vị đế vương nào đó, đến nằm mơ cũng phải ngang tàng, cũng phải cao quý. Những gì nhìn thấy đều là phong cảnh phú quý vàng son trong cung đình, những gì lưu lại đều là hồi ức trong hoàng thất. Nhưng không biết vẫn còn có một nơi gọi là Thành Nam, chiếm cứ nửa giang sơn của Bắc Kinh, nơi đó hội tụ phong tục của bách tính, cất giữ tình dân thuần phác đơn sơ.

Thành Nam, là một cách gọi đầy thâm tình ngụ ý, khiến người ta bước vào trong không gian hoài cổ một sát na, tỏa ra một không khí cổ xưa mộc mạc. Trong mơ, đế vương trở thành bình dân, trút bỏ long bào, khoác áo vải lên người, vứt bỏ tôn quý để trở về thuần phác. Bạn phát hiện ra rằng, đời người vốn là trạng thái nóng lạnh đan xen, ngũ vị đầy đủ. Trong khoảng thời gian già đi, sẽ hoài niệm lại một câu chuyện cũ Thành Nam, như thể tìm thấy cố hương ở nơi chân trời góc bể, cả hai đều thân tình giản dị mà cảm động tới tận tâm can.

Thành Nam của Bắc Kinh là một cuốn sách ghi chép những chuyện thế thái nhân tình, là một tấm ảnh cũ thuật lại chuyện xưa, là một quyển tranh vẽ phong tục rơi rớt đầy bụi bặm của tháng năm, cũng là một bộ Hý khúc cổ chuyên diễn xướng các làn điệu Kinh xoang Kinh vận. Câu chuyện của Thành Nam, có chuyện rơi trong chén một quán trà, có chuyện lại vang lên trong tiếng chiêng trống của sân khấu kịch, có chuyện phơi trên sào phơi quần áo trong tứ hợp viện, còn có chuyện lẫn trong mưa khói của những ngõ hẻm.

Nơi đây dường như từng có lữ khách nào ngang qua, bước vào trong Thành Nam, bạn liền như được thêu lên khung cảnh cổ xưa nguyên thủy này, cảm thấy mình cũng là một người Bắc Kinh chính gốc, tổ tiên đời đời sinh sống ở Thành Nam, sống dưới chân hoàng thành, chưa từng rời đi nơi khác. Thế nên, bạn có tính cách của người Thành Nam, bạn kiên trì gìn giữ linh hồn cổ kính này, không muốn bị các trào lưu thời thượng làm kinh hãi sực tỉnh. Dưới bánh xe lịch sử bon bon, Thành Nam cũng có rất nhiều biến đổi, thế nhưng lòng dân, phong tục của dân trong đời sống phố thị thì vẫn y như năm nào.

Đi vào ngõ hẻm, cũng như lần giở những câu chuyện xưa cũ mà vẫn nồng hương, một hơi ấm quen thuộc ùa tới phả vào mặt. Ánh dương soi rõ những hạt bụi bay trong không khí đang run rẩy rớt xuống những viên ngói, bạn ngắm nhìn vẻ cổ kính nhuộm màu thời gian này, thậm chí mê đắm một nhúm rêu xanh mướt mát vừa mới mọc trong góc tường. Con ngõ cổ này tựa như không có điểm kết thúc, những người khách qua đường đến và đi lướt qua bạn, họ bước chân hối hả, thế nhưng cả đời vẫn chẳng thể đi ra khỏi ngõ hẻm phồn tạp này.

Cô gái có đôi mắt linh lợi trong veo ấy có thể chính là Tiểu Anh Tử trong “Chuyện cũ Thành Nam[14]”, ánh mắt sáng rực của nàng lôi kéo những hồi ức ấu thơ ngây ngô, một chút lòng thành đã làm rung động muôn vạn người đi đường. Những người phu kéo xe tay đi đi lại lại trong khung cảnh đó phải chăng chính là Tường lạc đà[15], người Thành Nam ngồi trên xe đang mơ những giấc mơ của mình, còn anh đang mơ được sở hữu một chiếc xe kéo. Cho dù giấc mơ của họ thành hiện thực hay tan vỡ, họ đều là những người không thể nào xa rời khỏi Thành Nam.

[14] “Chuyện cũ Thành Nam” (Thành Nam cựu sự) là tuyển tập truyện ngắn tự xuất bản của nữ nhà văn nổi tiếng Lâm Hải m, lấy cuộc sống từ năm bảy tuổi đến năm mười ba tuổi của mình làm bối cảnh, xuất bản năm 1960. Toàn bộ tập sách thông qua đôi mắt trong sáng thơ ngây của Anh Tử, để quan sát những vui buồn giận dữ, bi hoan ly hợp của thế giới người lớn, nỗi sầu muộn nhàn nhạt và nhớ nhung sâu lắng đã làm xúc động hết thế hệ độc giả này đến thế hệ độc giả khác, trở thành tác phẩm tiêu biểu trong các sáng tác của bà. Sau này, tác phẩm được đạo diễn Ngô Di Cung chuyển thể thành phim và đã đạt nhiều giải thưởng, có sức ảnh hưởng lớn.

[15] Tường lạc đà hay còn gọi là Lạc đà Tường Tử, một nhân vật trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Lão Xá.

Nơi đây hội tụ biết bao bình dân áo vải, trong số đó có những đào kép Lê Viên[16], cũng không thiếu người ở tay sai, thậm chí còn có rất nhiều kỹ nữ cư trú ở đây. Thế nhưng, không thể vì sự hèn mọn tầm thường của đời sống mà bóp méo bôi nhọ cuộc đời họ, xóa bỏ ký ức về họ trong lịch sử. Bởi vì trong sự hỗn loạn của chốn ngõ hẻm cũng ẩn tàng rất nhiều huyết thống quý tộc, linh hồn tao nhã. Nơi đây từng lưu giữ sự ấm áp trong cơn hoạn nạn, tình nghĩa rút đao tương trợ, khi chìm đắm ở nơi đây, cái người ta bị cảm nhiễm hẳn là vô vàn tình người chân thật.

[16] Lê Viên: Nơi Đường Huyền Tông dạy các cung nữ hát múa, sau dùng để chỉ sân khấu hát kịch nói chung.

Khói lửa Thành Nam mịt mù dày đặc, nhưng bạn không thể nào kháng cự được thói đời đã khói lửa hun nhiễm. Đứng giữa dòng người hỗn tạp, còn có thể suy ngẫm một cách trầm tĩnh, phát hiện ra suốt nhiều năm qua, thứ mà ta theo đuổi lại không phải là sự nhàn nhã không tranh cầu với thế gian, mà là một kiểu nhân sinh đơn giản và hài hòa. Thành Nam áo vải là nơi có thể xếp đặt linh hồn mình yên ổn, có thể gửi gắm tuổi xuân của mình ở đó, thoạt nhìn tưởng như khói bụi mờ mịt giăng kín, nhưng thực ra hết thảy lại đứng ở bên ngoài.

Một quán trà cổ kính sẽ lay gọi những tình cảm hoài cổ nào đó trong sâu thẳm nội tâm của bạn thức tỉnh, bước qua ngưỡng cửa tuế nguyệt là nhìn thấy bóng dáng Lão Xá[17]. Những bộ bàn ghế gỗ của quán trà vẫn còn tốt như trước, nhưng lại bị khách dùng thời gian lau đến sáng bóng, sạch sẽ không một hạt bụi. Thưởng thức một bình trà trong pha bằng những câu chuyện kể, như thể đang thưởng thức nhân sinh trăm vị, hương trà thanh đạm ấy càng làm say lòng người hơn là vị rượu nồng cay.

[17] Lão Xá (1899 - 1966): Nhà văn Trung Quốc, đại diện tiêu biểu cho dòng văn học Kinh phái.

Ở nơi đây, có thể mặc sức bộc bạch sự cô độc đã tích tụ lâu ngày trong trái tim, cũng có thể một mình tự tận hưởng nỗi tịch liêu giữa đám đông ồn ã. Đây là nơi nghỉ ngơi của linh hồn, bạn có thể sống uổng phí ngày hôm qua, tiêu ma ngày tháng, lần nữa ngày mai mà không một chút lo ngại, những gì đã từng có và mất đi đều không còn quan trọng nữa. Bởi vì, không ai có thể so đo với bạn, khoảnh khắc này, khoảnh khắc chếnh choáng ngất ngây này, đã hoàn toàn thuộc về bạn.

Ở Thành Nam mọc lên rải rác vô số hội quán cũ, lầu kịch cũ to có nhỏ có, chúng đã diễn vô số câu chuyện, đã khép lại biết bao mộng cũ Lê Viên. Trong sân khấu của Thành Nam, nếm trải văn hóa phố thị, đồng thời nhìn qua một bức rèm là có thể thường thức được văn hóa của hoàng thành. Thực ra, khoảng cách giữa Thành Nam và hoàng thành chỉ là một bức tường cổ mỏng manh và dễ vỡ, dưới cùng một bầu trời, chúng thậm chí còn có thể nghe thấy hơi thở của nhau.

Bước vào ngõ hẻm cổ kính của Thành Nam, trong quá khứ đã trôi qua như nước chảy mây trôi, hồi tưởng lại một đoạn nếp cũ nền xưa của chốn kinh kỳ, kiếm tìm những anh hùng trong Kinh kịch. Họ dùng các kỹ thuật biểu diễn như thay đổi khuôn mặt, hát nói, bước đi, phất tay áo, dáng điệu… để chinh phục lòng người, đồng thời cũng là để vượt qua chính mình. Sức hấp dẫn của Hý khúc chính là khiến những anh hùng đã chết, những câu chuyện đã cũ kỹ theo thời gian sống lại trong những vở kịch, lần nữa dốc hết vào sinh mệnh, nuôi dưỡng tâm hồn.

Một đoạn “Bá Vương biệt Cơ[18]” đã tạo nên vai diễn tuyệt thế vô song của Mai Lan Phương, kỹ thuật hát nói lên bổng xuống trầm, thành thục đầy đặn, phong thái uyển chuyển dịu dàng của ông đã từng chấn động cả kinh thành. Họ từng bình phẩm chuyện quốc gia đại sự trên sân khấu, nhìn tân khách nhiệt tình kích động dưới khán đài, linh hồn đôi bên giao thoa gặp gỡ lẫn nhau, phô bày bằng hết thời gian vô hạn trong kịch quán Lê Viên. Tháng năm âm thầm đổi thay, những diễn viên nổi danh đã từng uy vũ hùng tráng rời sân khấu trong bối cảnh bốn mặt Sở ca, tin rằng trải qua sự trầm lắng của lịch sử, phượng hoàng tới Niết Bàn, họ sẽ lại lên sân khấu trong sự náo nhiệt của tiếng trống chiêng rộn rã.

[18] “Bá vương biệt Cơ”: Tên một vở kịch nổi tiếng, kể về giai đoạn Hán Sở tranh hùng, Hán vương nghe theo kế sách của Trương Lương, hội họp với chư hầu đánh Sở. Khi Sở vương đóng quân ở Cai Hạ, quân ít lương thực hết, bị quân Hán bao vây vòng trong vòng ngoài. Bá vương Hạng Vũ không ngủ được, bỗng nghe bốn phía tiếng Sở ca vang lên, hóa ra là mưu kế của Trương Lương. Trương Lương biết quân sĩ của Hạng Vũ đều là người đất Sở, thế nên sai quân Hán cao giọng hát Sở ca, để làm lay động lòng quân. Hạng Vũ nghe xong kinh hoàng, than rằng: “Lẽ nào Hán vương đã lấy được đất Sở? Tại sai người Sở trong quân Hán lại nhiều đến thế?”. Thế nên ông bước xuống giường, uống rượu trong lều. Bá vương có người thiếp yêu là Ngu Cơ và con ngựa quý Ô Chuy, đã khẳng khái sầu thảm hát ca, hát rằng: “Sức nhổ núi chừ, khí trùm đời. Thời vận không may chừ, Chuy không chạy. Ngựa không chạy chừ, làm sao được. Ngu Cơ ơi Ngu Cơ, biết làm sao?”. Ngu Cơ múa theo tiếng ca, Bá vương trông thấy, tự biết mình sẽ bại, nước mắt ròng ròng. Tả hữu nhìn thấy Bá vương biệt Cơ đều khóc lóc thảm thiết theo.

Mộng cũ Lê Viên tự nó có tình cảm, còn chốn đình viện thâm sâu lại im lìm không tiếng động. Những khu tứ hợp viện nằm khuất sâu trong ngõ hẻm phủ đầy gió bụi của lịch sử, như một người già đã trải qua hết những nỗi tang thương, bình thản kể lại câu chuyện mây gió của Thành Nam. Những sân vườn nơi đây có nhiều nét tương tự với sân vườn ở Giang Nam, hoa hạnh mưa khói cũng rải rác khắp nơi, cũng ẩn chứa ánh trăng vằng vặc; nhưng lại khác với Giang Nam ở chỗ, nó thiếu những con đường nhỏ quanh co uốn lượn, mà thay vào đó là khí khái đơn giản mà lớn lao của chốn kinh thành.

Kiến trúc tứ hợp viện áp dụng kết cấu đối xứng theo phương thức truyền thống Trung Quốc, tọa bắc hướng nam, hai bên phía đông tây là nhà ngang. Trên cửa sổ, cột nhà đều vẽ và chạm khắc trang trí một số hình vẽ mang ngụ ý tốt lành, ví dụ như “tùng hạc diên niên”, “hỷ thước đăng mai”, “phúc thọ song toàn”… Bách tính ở Kinh thành sinh sống trồng hoa trồng cỏ trong khuôn viên tứ hợp viện, mấy đời chung sống dưới một mái nhà, sống một đời sống hết sức thanh nhàn thảnh thơi, cùng hưởng chung niềm vui của đạo luân thường. Họ đem những lời cầu nguyện, những mong ước tốt đẹp khắc vào trong những bức bình phong chạm hoa kiểu cũ, đem những câu chuyện bình thường khóa vào trong những ngăn kéo bằng gỗ, tứ hợp viện chính là nơi cư trú của sinh mệnh, là cố hương của tâm hồm.

Ở Bắc Kinh, cho dù Thành Nam hay Thành Bắc đều tập trung vô số toà nhà tứ hợp viện, cho dù vương công quý tộc hay bình dân áo vải, họ đều sống cuộc sống tự kiếm tìm niềm vui trong những khoảng sân hoặc hoa lệ hoặc giản đơn thô lậu này. Lão Xá đã từng sống, Lỗ Tấn đã từng sống, Lương Khải Siêu đã từng sống, Mai Lan Phương đã từng sống, Tề Bạch Thạch đã từng sống, còn có vô sô danh nhân và muôn vàn bách tính không biết tên đã từng sống ở tứ hợp viện tựa như một phong cảnh không thể biến mất khỏi nơi này, ở Kinh thành, vĩnh viễn dõi trông và bảo vệ cho giấc mộng của họ.

Đi giữa phong cảnh và cảnh vật cổ xưa sâu sắc nơi Thành Nam của Bắc Kinh, vẫn còn khu chợ Thiên Kiều mang đậm đặc sắc Bắc Kinh xưa, đều cắm rễ đâm chồi trong Kinh thành. Cho dù trào lưu thời đại đã sớm như gió xuân quét qua toàn bộ thành phố Bắc Kinh, nhưng vẫn không thể cuốn đi sạch sẽ những nền nếp cũ của Thành Nam. Bởi vì sự mới mẻ không thể thay thế được sự cổ xưa thuần phác, cũng như những tòa nhà cao tầng chót vót không thể thay thế được những khuôn viên tứ hợp viện, tương lai không thể thay thế được quá khứ.

Dẫu có một ngày, Thành Nam sẽ phải đối diện với vận mệnh bốn mặt Sở ca, nhưng chúng ta hãy tin rằng, nhất định sẽ có một ngõ hẻm, một quán trà, một lầu kịch, một khu tứ hợp viện được lưu lại trong lịch sử, cho dù đơn độc giữa đời, nhưng vẫn tồn tại một cách rõ ràng, mang tới cho người đời những sự vật, hiện tượng chân thực, mà không phải là những hồi ức hư ảo. Trong thời đại tôn sùng sự đơn giản, trở về cái chân thực, bảo vệ và giữ gìn văn vật cổ xưa này, còn có giá trị đến mức khiến người ta lo lắng? Chúng ta đang giữ gìn những kỳ tích mà xưa kia hủy hoại, đang cố gắng trân trọng những gì xưa kia đánh mất, đang lựa chọn dũng cảm trước những gì xưa kia sợ hãi, Thành Nam của Bắc Kinh sẽ vĩnh viễn không để cho cái mới thay thế cái cũ, để những vết thương nuốt chửng niềm vui.

Có người nằm mộng dưới ánh nắng mặt trời của Thành Nam, có người lại đi tìm giấc mộng trong những tháng ngày của Thành Nam. Bạn đang ở Thành Nam kể lại câu chuyện quá khứ, mà tương lai sẽ có người kể lại câu chuyện của bạn. Trong vẻ đẹp cổ xưa này, đến luân hồi cũng đáng được vui vẻ thanh thản, bởi vì những gì biến mất có thể trở lại, những gì ly tan có thể hội tụ. Trong ngõ hẻm sâu thẳm của Thành Nam đó, không biết ai là người đang hát khúc “bên ngoài trường đình, bên con đường cổ, cỏ thơm xanh biếc tận chân trời”, một khúc “Ly biệt” đã lôi kéo biết bao cảm động kết tụ trong đáy tim, bạn đến với trái tim, bạn làm nhòa ướt khung cảnh phía xa bằng đôi mắt mông lung. Khi tiễn biệt, có cuộc tiễn biệt bi tráng hoang lạnh như tiễn Kinh Kha trên sông Dịch Thủy, lại có cuộc tiễn biệt tình nghĩa ấm áp như ngắt cành liễu gửi tặng cố nhân. Nhưng tiễn biệt ở Thành Nam, lại là nỗi buồn chẳng biết bằng hữu đã lưu lạc phương trời nào, lại là sự lạnh lẽo một bình rượu đục uống cho bằng hết.

Là ai đã nạm sắc chiều tà lên những vật cũ của Thành Nam, và lại là ai đã khắc hoàng hôn của Thành Nam lên những dấu tích của thời gian, gió đêm lướt qua bờ dương liễu, tịch dương còn mãi ngoài núi xanh. Đứng trên con đường cổ nhân sinh lưu luyến, giữ mãi khung cảnh không lời của Thành Nam, thời gian đã mài mòn tuổi xuân, nhưng thời gian lại chưa từng già đi. Bạn hãy nhìn xem, Thành Nam vẫn là Thành Nam của năm ấy, chuyện cũ vẫn là chuyện cũ của ngày hôm qua.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.