Năm Tháng Huy Hoàng

Chương 1: [quyển 1 - Hẹn ước] chương 1: Kịch hay mở màn




Năm 300 sau công nguyên, cũng là năm Vĩnh Khang thứ nhất, nhà Tây Tấn.

Thời tiết đầu hè thật dễ chịu, nắng chiếu rực rỡ, gió đưa mát mẻ, sau giờ trưa, cảm giác biếng nhác ru ngủ xâm lấn.

Ngọn Uất Sơn ngoài thành Lạc Dương tuy không cao nhưng cây cối um tùm, rậm rạp. Trên đỉnh núi có am ni cô nho nhỏ, vẻ thanh tịnh, u nhã nổi bật giữa rừng vắng.

Trên ngọn đồi tuy không cao nhưng đủ để quan sát tường tận người qua lại dưới chân núi, hai người nam và một người nữ đang chăm chú nhìn về phía con đường lên núi tịnh không một bóng người.

Cô gái cài trên tóc một cọng lông trắng, dài miết, váy đỏ nhức mắt, đai vàng thắt eo thon, đường cong mĩ miều, làm xiêu lòng người. Sống mũi cao, đôi mắt sâu, làn da trắng, và ánh mắt xanh ngọc bích của loài mèo Ba Tư cho hay, nàng đích thị là người ngoại quốc.

Cạnh nàng là chàng trai cao lớn trong màu áo thiên thanh, dáng vẻ thư sinh, đối lập với thân thể tráng kiện và thân thủ bất phàm. Ngũ quan như được đúc tạc, vẻ điển trai khiến người ta lạc hồn. Chỉ có điều, tuấn tú là thế nhưng chàng lúc nào cũng nghiêm nghị, lạnh lùng.

Đứng bên chàng cũng là một chàng trai trẻ trung, tuổi chừng đôi mươi, trán quấn dải băng màu đen, làn da thô ráp, tóc xoăn nâu hạt dẻ, tuy đường nét gương mặt không cuốn hút bằng người kia, nhưng khí khái anh hào chẳng hề thua kém. Bộ trang phục màu đen càng tôn thêm thân hình lực lưỡng, cơ bắp cuồn cuộn đầy mê lực.

Lúc này, cả ba người đang chăm chú trông xuống con đường núi ngoằn ngoèo, khúc khuỷu. Bỗng một cỗ xe ngựa xinh xắn chầm chậm gõ nhịp chạy tới, thân xe nạm đồng hình một con dê, ánh kim loại lấp lánh, từ xa đã thấy rõ.

Thiếu nữ Tây Vực cười trêu: "Dương nhi đến rồi!"

Chàng áo xanh lạnh lùng thinh lặng, ánh mắt phức tạp, vẫn chăm chú nhìn xuống cỗ xe ngựa lăn bánh trên con đường núi.

Chàng áo đen băn khoăn hỏi: "Chiêu bài cũ rích, liệu có thành công?"

Thiếu nữ Tây Vực phì cười: "Tuy là "bổn cũ soạn lại" nhưng hàng ngàn năm qua vẫn phát huy tác dụng, hiếm cô gái nào thoát được."

Chàng áo đen nhìn sang chàng áo xanh, hỏi lại lần cuối: "Ra tay chứ?"

Chàng áo xanh vẫn dán mắt vào cỗ xe, vẻ trầm lặng, chậm rãi gật đầu. Chàng áo đen rút ra hai mảnh vải đen, một để che đi mái tóc xoăn màu hạt dẻ, một để bịt mặt, xong xuôi, chàng rút gươm, lao xuống chân núi.

Vừa trông theo bóng áo đen thấp thoáng dưới núi, thiếu nữ Tây Vực vừa cười khúc khích, vỗ vai người bên cạnh: "Kịch hay sắp mở màn."

Chàng áo xanh gạt bàn tay đặt trên vai mình ra, ánh mắt vẫn bám riết cỗ xe ngựa đang chầm chậm lăn bánh, đáy mắt thâm trầm của chàng chợt lóe lên một tia u uẩn.

Tuy vẻ ngoài không lộng lẫy xa hoa, nhưng từng chi tiết trên cỗ xe đều tinh xảo, trang nhã. Nhìn kỹ mới biết, ngay cả trang phục của phu xe cũng được may từ loại tơ tằm cao cấp. Chỉ cần có chút hiểu biết về các gia tộc quyền quý trong thành Lạc Dương thì sẽ nhận ra ngay biểu tượng nạm đồng hình con dê trên thân xe và hình thêu trên cổ tay người phu xe, và đoán được đây chính là xe ngựa của nhà họ Dương ở Thái An.

Từ triều đại của Ngụy Văn Đế Tào Phi đã đặt ra chế độ Cửu Phẩm Trung Chính, triều đình ban phẩm tước cho quan viên dựa vào gia thế của họ. Quan lại hàng thượng phẩm không có chuyện xuất thân nghèo hèn. Quan lại hàng hạ phẩm không có bậc học sĩ. Sĩ phu khác thường dân, con cả khác con thứ, rất rõ ràng, rạch ròi, không thể sai lệch một li một lai.

Có thể nói đây là thời đại mà người ta "đọ cha", "đọ mẹ".

Ngài Phạm Chẩn thời Nam triều từng nói, người ta lúc sinh ra thì đều như hoa nở trên cành, nhưng gió thổi hoa bay bốn phương tám hướng, có bông theo gió lùa vào đình viện lầu các, đậu lại trên nhung gấm lụa là. Lại có bông dính trên bờ đất, rớt xuống hố phân. Ý muốn nói, xuất thân sang hèn của con người đều do phước phận, may rủi, phải xem ngươi may mắn được cho đầu thai vào bụng của người mẹ nào.

Dương Hiến Dung thật may mắn, vì mẫu thân nàng là con thứ của người chính thất nhà họ Tôn ở Sơn Đông, còn phụ thân nàng là quan đại thần trong triều, Thượng thư lang Dương Huyền Chi.

Nàng là con chính thất, được phụ mẫu rất mực cưng chiều, như thế để thấy địa vị của nàng trong phủ họ Dương. Và, nhắc đến nhà họ Dương ở Thái An, người thời đó không ai không hay, đó là một trong bảy gia tộc tiếng tăm lẫy lừng triều Tấn.

Có câu trải ba đời mới xuất hiện một gia tộc quyền quý, quả không sai. Dương gia chính là danh gia vọng tộc theo đúng chuẩn mực. Từ thời Đông Hán đến thời Ngụy Tấn, gia tộc này đời nào cũng có người làm quan lớn trong triều, hưởng bổng lộc hai nghìn thạch (đơn vị tiền bạc thời cổ đại) trở lên, và đều là các quan thanh liêm, đức độ, tiếng lành đồn xa. Muốn kết thông gia với nhà họ Dương nếu chỉ dựa vào sự giàu có e là chưa đủ, còn phải học cao hiểu rộng. Con gái út của danh sĩ cuối thời Đông Hán - Sái Ung đã được gả cho nhà họ Dương.

Nhắc đến nàng dâu họ Sái này, không thể không biên thêm về bà. Bà không chỉ có người chị gái là nữ văn sĩ trứ danh đương thời - Sái Văn Cơ, mà con trai và con gái bà cũng đều là những nhân vật lẫy lừng trong lịch sử. Người con gái Dương Huy Du của bà được gả cho Tư Mã Sư - con trai cả của Tư Mã Ý. Sau này Tư Mã Viêm soán ngôi xưng đế, đã truy tôn thụy hiệu cho Tư Mã Sư là Cảnh Hoàng đế, Dương Huy Du được truy tôn thụy hiệu là Cảnh Hiến Hoàng thái hậu. Người con trai Dương Hỗ của bà là danh tướng thời Tây Tấn, trọng thần của Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm. Câu nói nổi tiếng của Dương Hỗ được người đời sau truyền tụng rộng rãi, ấy là: "Chuyện trong đời, nào có mấy lúc được như ý!" Câu nói này khiến nhiều người không khỏi cảm khái, một đại soái ca, một đại danh tướng, một đại tài tử như Dương Hỗ mà vẫn nhiều lúc không được như ý, thì chúng ta, đám người thường dân áo vải, chân lấm tay bùn có gì mà phải than vắn thở dài.

Dương Hỗ là đường bá của Dương Huyền Chi - phụ thân Dương Hiến Dung. Còn Hoàng thái hậu Dương Huy Du là người bà họ gần của nàng. Với các bậc tiên tổ hiển hách như thế, lại thêm truyền thống sinh ra toàn soái ca mỹ nữ tài mạo song toàn của nhà họ Dương, có thể nói, Dương Hiến Dung thuộc tầng lớp cậu ấm cô chiêu, sinh ra đã "ngậm thìa vàng". Nhưng ai đâu ngờ, đại tiểu thư cành vàng lá ngọc ấy lại đang bày tỏ thái độ bất bình với nàng thị nữ tên Xuân Nhi trong cỗ xe ngựa của họ, về thời đại "đọ cha, đọ mẹ" đáng ghét này.

"Lang Gia Vương chỉ ghé thăm lão gia thôi mà, tiểu thư việc gì phải tức tốc đến chỗ Vô Chủ Sư Thái giờ này!" Nói vậy nhưng Xuân Nhi cũng hiểu, cứ dăm ba bữa Lang Gia Vương lại chạy đến Dương phủ thì chắc chắn không phải để đàm đạo nhân tình thế thái với người cha lúc nào cũng rao giảng đạo lý cương thường của Dương Hiến Dung.

Dương Hiến Dung chớp chớp cặp mắt lanh lợi của nàng và nói: "Vì ta không muốn hắn nuôi mãi hy vọng. Mấy gã vương tôn công tử con nhà ấy không phải mối lương duyên ta trông đợi."

Xuân Nhi bĩu môi: "Dương gia là gia tộc quyền quý, tiểu thư không thể lấy ai khác ngoài các vương tôn công tử con nhà đâu!"

Tiểu thư nhà họ Dương năm nay đã mười bảy tuổi, không thể trì hoãn hôn sự được nữa. Con gái các nhà quyền quý khác mới mười hai - mười ba tuổi đã tính chuyện gả bán, mười lăm - mười sáu tuổi đã trở thành mệnh phụ phu nhân. Nhưng nhà họ Dương thì khác, hôn sự của Dương Hiến Dung vẫn treo lơ lửng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng sắp tới có lẽ không thể trì hoãn thêm. Cứ xem cái cách ngài Dương Huyền Chi dạo gần đây đi lại thăm hỏi liên lục các gia tộc lớn và hoàng thân quốc thích nhà Tư Mã thì biết, chắc chắn ngài đang kén chọn rể hiền. Nhưng không ai biết, rốt cuộc ngài đã ưng bụng công tử nhà nào.

Dạo này Dương Hiến Dung rất khó chịu khi phải nghe chuyện hôn nhân của mình. Cho dù mẫu thân từng hứa sẽ thuận theo ý nàng, cho dù phụ thân không phải là một người gia trưởng, bất chấp ý nguyện của con cái, nhưng thân làm trưởng nữ trong gia đình, nàng không thể có nhiều lựa chọn.

Nghĩ đến đám công tử con nhà khiến người ta phát ốm, hay đám họ hàng nhà Tư Mã giàu có mà thiếu đạo đức kia, Hiến Dung chỉ biết ôm đầu thở dài: "Cái chế độ phân biệt sĩ phu và thường dân này thật đáng ghét..."

Xuân Nhi vội vàng che miệng nàng lại: "Kìa tiểu thư, không nên dùng từ khiếm nhã như vậy!" Nhác thấy dáng ngồi của Hiến Dung, Xuân Nhi lắc đầu ngao ngán: "Và còn dáng ngồi của tiểu thư nữa, cũng phải sửa đi."

Lúc này, Hiến Dung đang ngồi khoanh chân.

Vào thời đó, người ta có thói quen ngồi chiếu, bàn ghế chưa xuất hiện ở trung nguyên, mà mới chỉ được sử dụng trong mộ số bộ lạc người Hồ ở phương Bắc. Người trong các gia tộc quyền quý chỉ có hai tư thế ngồi, hoặc là đặt mông lên gót chân, hai tay ngay ngắn trên đầu gối, lưng thẳng, mắt nhìn thẳng. Đây là tư thế ngồi thường ngày. Hoặc dựng thẳng người lên, mông không chạm chân, đây là tư thế chuẩn bị đứng dậy hoặc chuẩn bị đón khách.

Hiến Dung tỏ ra đau khổ: "Nhưng nếu ngồi lâu, tư thế nửa ngồi nửa quỳ ấy sẽ làm cho hai chân tê dại."

Xuân Nhi nghiêm mặt: "Phải cố chịu thôi!"

Hiến Dung lí lắc đảo tròng mắt, rồi nàng duỗi thẳng chân, ngồi theo ý mình.

Xuân Nhi sợ hãi: "Sao tiểu thư lại duỗi chân ra như thế, tư thế này còn khó coi hơn cả ngồi xổm. Chỉ có đám người thô lỗ mới ngồi như vậy."

Đừng nói ngồi xổm, ngay cả ngồi duỗi thẳng hai chân, hay ngồi ôm đầu gối đều bị xem là hành vi của những kẻ ít học thời đó.

Hiến Dung tươi cười thu chân lại, nàng ngó sang tư thế ngồi chuẩn mực của Xuân Nhi, le lưỡi đùa: "Người nào không biết sẽ bảo rằng muội là tiểu thư đó."

Là tỳ nữ có vai vế cao nhất trong một gia đình quyền quý, ngoài cách ăn mặc, lời nói cử chỉ của Xuân Nhi còn ra dáng một tiểu thư con nhà hơn cô chủ. Đó là vì nàng thường xuyên phải đóng vai tiểu thư nhà nàng.

Xuân Nhi không biết phải làm gì với Hiến Dung, chỉ đành thở dài: "Tiểu thư thật là..."

Lời nàng chưa dứt, cỗ xe bỗng rung lên, bên ngoài truyền vào tiếng ngựa hí và tiếng kêu thảng thốt của phu xe: "Kẻ nào!?"

Cỗ xe rung lên mấy hồi mới dừng lại. Hiến Dung và Xuân Nhi chưa kịp hoàn hồn đã nghe vang lên tiếng đấu đá bên ngoài và tiếng kêu thảm thiết của phu xe. Phản ứng đầu tiên của Hiến Dung là: "Gặp cướp ư?"

Xuân Nhi sợ hãi thu mình trong góc, không dám động đậy. Dương Hiến Dung thì trái lại, nàng không phải kẻ chỉ biết ngồi chờ chết. Nàng kìm lại hơi thở gấp gáp của mình, rút cây trâm cài trên tóc, lấy hết can đảm, vén rèm cửa xe. Nàng vừa thò được nửa đầu ra bên ngoài thì một bàn tay to lớn kéo mạnh rèm cửa, rồi một nam tử áo đen, tay vác gươm định trườn vào trong xe. Cả hai đều bị bất ngờ vì cuộc chạm trán ở khoảng cách rất gần ấy. Nam tử áo đen đưa mắt quan sát Xuân Nhi đang run cầm cập trong góc xe. Ánh mắt gã di chuyển sang thiếu nữ ăn vận cầu kỳ hơn, và xác định người thiếu nữ xinh đẹp đang trợn tròn mắt nhìn gã kia chính là mục tiêu của hôm nay.

Nhân lúc gã áo đen còn đang phân vân do dự, Hiến Dung lập tức chớp thời cơ, cây trâm bạc trong tay, nàng ra sức đâm mạnh vào mắt kẻ địch. Trò thừa cơ ra đòn bất ngờ này tất nhiên không thành công. Gã áo đen nhanh nhẹn né tránh. Hiến Dung lỡ đà, suýt ngã khỏi xe.

Tưởng tượng cảnh mặt mình sẽ sưng vù như mặt heo, nàng cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Sớm biết thế này thà ngồi yên ngoan ngoãn cho rồi. Đúng lúc gương mặt nàng chuẩn bị tiếp đất, thì cổ áo bị túm lấy dữ dằn, rồi nàng bị kéo giật trở lại.

Trong đầu nàng vừa nảy ra ý nghĩ: "Tên cướp này vẫn còn có chút nhân tính", thì bỗng thấy không thể thở nổi. Cổ họng nàng bị xiết chặt, hai tay vừa giữ chặt cổ áo, cổ họng nàng vừa phát ra những tiếng kỳ quái. Gã áo đen giật mình, lập tức thả nàng ra. Hiến Dung vừa hổn hển vừa ho khan. Nàng trông thấy bóng phu xe Dương Tú đang nằm bất động bên đường, trên trán có vệt máu lớn, hình như đã ngất xỉu.

Hiến Dung vung cây trâm, quát lớn: "Kẻ nào to gan chặn đường cướp xe nhà họ Dương!"

Tuy khí thế bức người, nhưng thực lực so sánh thấy cách xa rõ rệt. Gã áo đen nhếch môi cười khinh bỉ, bàn tay nhanh như chớp tóm lấy Hiến Dung. Nàng chưa kịp phản ứng thì cây trâm đã nằm gọn trong tay gã.

Hiến Dung định mở miệng quát: "Ngươi!", bỗng nàng đưa mắt ra sau lưng gã áo đen, vui mừng reo lên: "Dương Tú, sao bây giờ ngươi mới đến!"

Gã áo đen quay lại nhìn, sau lưng gã không có ai hết. Hiến Dung thừa dịp nhảy ra khỏi xe ngựa. Gã áo đen quay đầu nhìn theo bóng Hiến Dung đang tháo chạy, gã lắc đầu ngán ngẩm và khẽ lầm bầm: "Đồ yêu tinh quỷ quyệt..."

Hiến Dung vén cao váy, chạy thục mạng trên đường núi. Lúc này thì nàng bất chấp phong phái cần có một tiểu thư khuê các. Tiếc là nàng chỉ như một chú thỏ con, tốc độ tuy nhanh nhưng sải chân lại ngắn. Nàng vừa chạy vừa ngoái đầu nhìn lại, chẳng hề đề phòng phía trước, nên đã thình lình đâm sầm vào một vòm ng.ực của ai đó. Vòm ng.ực người này rắn đanh như đá khiến mũi nàng đau điếng. Nàng dừng lại xoa mũi, vừa ngó lên lập tức đơ dại. Gã áo đen cao lớn đang khoanh tay trước ngực nhìn nàng.

Nàng có thấy hắn đuổi theo sau đâu nhỉ, hắn chạy lên phía trước từ khi nào? Trong đầu Hiến Dung không kìm được suy nghĩ: công phu lợi hại thế này mà đi làm cướp, thật đáng tiếc!

Tuy gã bịt mặt khiến nàng không thấy rõ biểu cảm, nhưng nhìn cặp mắt đang nheo lại của gã, Hiến Dung đoán chắc gã đang cười. Nàng lập tức lùi lại mấy bước, cười cười: "Này người anh hùng, ta cho ngươi tất cả ngọc ngà châu báu của ta, hãy thả bọn ta đi được không?" Có câu mềm nắn rắn buông, lúc này cần gì giữ thể diện. Hiến Dung vốn là người thông minh.

Gã áo đen chẳng thèm đáp lời. Hiến Dung quyết định chủ động ra tay. Nàng vội vàng tháo hết khuyên tai, vòng tay, đặt cả xuống đất. Trang sức tuy không nhiều, nhưng món nào cũng được đặt làm ở nhà họ Tiền nức danh thành Lạc Dương về đồ trang sức. Chỉ riêng mấy món nạm ngọc đã có thể đổi được rất nhiều tiền. Nếu là bọn cướp đường thông thường, thì bấy nhiêu là đủ thỏa mãn chúng rồi. Ấy thế mà gã áo đen vẫn lạnh lùng, không mảy may động lòng. Gã chỉ khẽ liếc qua mấy món trang sức trên mặt đất, khóe mắt hắt lên tia khinh bỉ.

Đây chính là thời cơ!

Nhân lúc gã áo đen đang mải nhìn số trang sức dưới đất, Hiến Dung lẳng lặng đưa tay ra sau bốc lấy một nắm cát, ném thẳng vào mặt gã. Nhưng gã đã có sự đề phòng, nhanh nhẹn né đầu. Chớp lấy cơ hội này, Hiến Dung quay đầu bỏ chạy.

Nhìn theo bóng dáng khó coi khi đang cắm đầu chạy trốn của một tiểu thư danh gia vọng tộc, gã áo đen cảm thấy ái ngại cho nàng. Gã rút cây roi dài dắt bên hông, phi lên mấy bước. Cây roi dài uốn lượn như loài rắn, quấn lấy cổ chân Hiến Dung, nàng ngã bổ nhào.

Thấy nàng quá ư thê thảm, gã áo đen có chút hối hận, định bụng bước tới đỡ nàng dậy, nhưng gã lập tức kìm lại.

Mặt mũi lấm lem đất cát, Hiến Dung gắng gượng đứng lên, nhưng chân nàng bị trẹo. Nàng ngồi phệt xuống đất, nhăn mặt đau đớn. Gã áo đen ngồi xổm trước mặt nàng, chăm chú quan sát nàng như quan sát con mồi mà hắn săn được.

Tuy trong lòng sợ hãi, Hiến Dung vẫn trừng mắt, cố giữ giọng bình tĩnh: "Thôi đừng chơi trò mèo vờn chuột nữa. Rốt cuộc ngươi muốn gì?"

Gã này từ đầu đến cuối không nói một lời, như thế không có lợi cho thương lượng. Hiến Dung muốn dụ hắn nói ra điều gì đó, để nàng có thể đánh giá tình hình trước mắt. Điều mà nàng không ngờ là, gã áo đen không nói không rằng, chỉ chìa tay ra định chạm vào má nàng. Lẽ nào gã không định cướp của mà định cướp người? Nếu vậy thì nguy quá!

Hiến Dung vừa ngượng vừa giận, nàng quay mặt đi: "Nếu như, nếu như ngươi định..." Nàng không thể thốt ra cụm từ khiến nàng sợ hãi, nàng chỉ có thể nhấn mạnh quyết tâm của mình: "Ta sẽ cắn lưỡi tự vẫn, quyết không cho ngươi đạt được ý đồ!"

Gã áo đen chăm chú nhìn gương mặt quả quyết của Hiến Dung, ánh mắt nàng rất kiên định, đó là thái độ quyết tử. Lúc trước nàng giống như một con cáo gian xảo, nhưng vì yếu đuối, chỉ có thể nghĩ ra vài trò lừa đảo vặt vãnh. Nhưng lúc này, nhìn sắc mặt nàng, gã nhận ra, có lẽ nàng không dọa chơi đâu, khi lâm vào cảnh khốn cùng, nàng sẵn sàng lựa chọn cái chết.

Hiến Dung nhắm nghiền mắt lại, chờ đợi thời khắc phán quyết của số phận. Thân là tiểu thư nhà họ Dương, nàng không thể bị làm nhục, đành phải tự vẫn để bảo toàn tiết hạnh của bản thân và thanh danh của dòng họ. Bởi vì nếu nàng bị hủy hoại, thì dù không bằng lòng, người ta cũng sẽ treo nàng lên xà ngang. Đây vốn là nỗi bi thương của nữ giới trong thời đại này.

Bỗng đâu vang lên tiếng quát lớn: "Buông cô ấy ra!"

Đó là thanh âm hay nhất nàng từng nghe trong đời mình. Giọng nói cao vút, vang động, như từ trời cao dội xuống, gieo vào lòng nàng biết bao hi vọng. Hiến Dung bừng tỉnh, cả nàng và gã áo đen cùng nhìn về một hướng. Trang nam tử khí phách hiên ngang, dáng đứng lừng lững giữa con đường núi, tay cầm trường kiếm, bộ y phục màu thiên thanh của chàng bay bay trong gió, dáng vẻ tuấn tú, bất phàm. Ánh mặt trời bao bọc thân thể chàng, hắt xuống cả một vùng sáng lạn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.