Nắm Tay Em Tìm Bầu Trời Nhỏ An Yên

Chương 10: Tô màu cho nắng tháng tư




Ngày hôm sau khi đến trường đón An Yên, cô giáo trao cho Nhi một phong thư với dòng chữ "Kính gửi phụ huynh học sinh". Cô giáo giải thích rằng đây là thư mời của nhà trường về chuyến đi cắm trại sắp tổ chức. Nếu phụ huynh đồng ý cho học sinh tham dự thì điền đơn đăng ký và nộp lại cho nhà trường vào ngày mai.

Về nhà mở phong thư ra xem, Nhi thấy đây là chuyến đi cắm trại nhà trường tổ chức cho cả học sinh và phụ huynh. Mỗi gia đình có thể đăng ký tối đa hai người đi cùng, và nhà trường khuyến khích cả bố mẹ đều nên đăng ký vì chuyến đi này hứa hẹn sẽ có nhiều hoạt động cho cả gia đình.

Nhi nhìn vào địa điểm của chuyến đi: Hồ Cốc, Vũng Tàu.

“An Yên ơi,“ Nhi gọi. Con bé đang ngồi tô màu trên bàn ăn liền ngước lên nhìn Nhi. “Trường sắp cho con đi biển nữa này.”

Mặt con bé sáng bừng. “An Yên sắp được đi biển nữa!”

“Mẹ điền đơn nhé. Không có bà nên chỉ có mẹ đi với con thôi.”

“An Yên có thể nào rủ bác sĩ Tú đi với An Yên không mẹ?”

Nhi cũng không còn ngạc nhiên khi người con bé nghĩ đến là Tú nữa.

“Lần trước đi biển, An Yên không sợ vì có bác sĩ Tú.”

Nghe con bé nói vậy, Nhi lấy điện thoại trong túi ra và tìm số điện thoại của Tú. Nhi bấm gọi và đưa cho An Yên, “Đây, con hỏi cô đi. Mẹ không biết đâu nhé.”

Nhi hết cách rồi. Nuôi con gần năm năm mà không bằng người ta thương vài ngày.

Nhưng mà thật lòng thì cũng dễ hiểu vì sao An Yên lại quý Tú như vậy. Sự chân thành của Tú với con bé, người ngoài nhìn vào cũng có thể cảm nhận được.

Sự chân thành của Tú đối với Nhi, Nhi cũng cảm nhận được. Nhưng Nhi chỉ cho đó là tính cách của Tú, với ai thì Tú cũng vậy.

“Là An Yên ạ.” Nhi nghe con bé nói. Chắc Tú đã bắt máy.

“Tú đi chơi với An Yên nha.”

“Không phải đi chơi, mà là đi cắm trại ở trường.” Nhi nhắc.

“Dạ Tú đi cắm trại với An Yên nha.”

Con bé nghe Tú nói gì đó rồi hỏi Nhi. “Khi nào mình đi thế mẹ?”

“Thứ Hai tuần sau.”

“Mẹ nói là thứ Hai, tức là sau Chủ Nhật đó ạ.” An Yên trả lời Tú.

“Con hỏi xem cô sắp xếp đi được không, nếu cô bận thì thôi.” Nhi mang một đĩa lê đã gọt ra cho An Yên ăn.

“Có An Yên và có mẹ,“ con bé bốc một miếng lê bỏ vào miệng, “Và giờ có Tú nữa!”

Tú đồng ý rồi sao?

“Dạ vâng ạ. An Yên thích Tú nhất trên đời!”

Bây giờ cả cái câu này con bé cũng dành cho Tú luôn rồi. Nhi chợt cười. Đúng là Nhi chịu thua Tú về khoản dỗ dành con nít.

“Mẹ ơi cúp rồi ạ.” An Yên đưa điện thoại cho Nhi.

“Cô nói sao?” Nhi hỏi.

“Tú nói nhất định sẽ đi.”

“Sao con gọi tên cô trống không vậy, An Yên?”

“Vì Tú là bạn của An Yên mà.” Con bé ngây thơ giải thích.

“Mẹ không thích vậy. Con phải xưng hô cho lễ phép.”

An Yên có hơi buồn, nhưng cũng vâng lời.

“Cô không bận sao?” Nhi hỏi tiếp.

“Tú... Bác sĩ Tú nói có mẹ và An Yên thì bác sĩ Tú nhất định sẽ đi.”

Tự dưng câu nói đó lại làm Nhi mỉm cười. Thấy An Yên đứng nhìn mình, Nhi trút bỏ nụ cười rồi nói với An Yên, “Được rồi. Bây giờ mẹ điền đơn cho con.”

Nhi mang lá đơn ra bàn ngồi viết. Điền thông tin của mình và An Yên xong, nhìn xuống phần điền thông tin cho người thứ hai lại thấy trên đó ghi rằng "Thông tin của bố".

Nhi lấy bút gạch ngang qua chữ bố và ghi vào "người thân".

Nhi có thể xem Tú là người thân của An Yên, vả lại ghi vậy thì nhà trường sẽ không thắc mắc gì nhiều.

Bỏ lá đơn vào lại trong phong bì, Nhi mở ba lô của An Yên và cất vào đó. Nhi dặn con bé phải nhớ nộp cho cô vào ngày mai, nếu không nộp thì sẽ không được đi. Con bé lấy cây bút lông vẽ lên tay một phong bì. Nhi hỏi thì con bé giải thích rằng để mai thấy sẽ không quên đưa cho cô giáo.

An Yên vào tháng sau sẽ lên năm, không biết con bé còn giữ được sự ngây thơ này trong bao lâu nữa.

Nhi lại hôn má con bé một cái. “Đừng bao giờ lớn nha con.”

***

Sau buổi cơm tối, Nhi và An Yên đón chờ một vị khách.

Tối nay là ngày học đàn đầu tiên của An Yên. Nhi đã lau dọn cây đàn thật kĩ càng để chuẩn bị cho buổi học hôm nay. Đúng như hẹn, khoảng 8 giờ Nhi nghe được tiếng bấm chuông bên ngoài. Nhi dẫn An Yên ra chào thầy và mời Đăng vào nhà. Con bé nhìn Đăng với ánh mắt hơi ái ngại nhưng rồi cũng lễ phép cúi đầu chào.

“Con gái xinh quá.” Đăng nói với Nhi. Nhi nói lời cảm ơn rồi rót nước mời khách. Đăng ngồi xuống trò chuyện với An Yên một hồi để làm quen và cũng để cho con bé thư giãn trước buổi học.

“Cháu tên gì?” Đăng hỏi.

“An Yên ạ.”

“Thế An Yên năm nay bao nhiêu tuổi?”

Con bé đếm từng ngón tay rồi giơ lên năm ngón. “Dạ năm ạ.”

“Vì sao cháu muốn học đánh đàn?”

“Vì An Yên muốn được giống mẹ ạ.”

Đăng gật đầu. “Thế thì bây giờ mình bắt đầu nhé.” Đăng dắt tay An Yên lại chiếc đàn đã được chuẩn bị sẵn. Nhi đi theo sau để xem Đăng có cần mình chuẩn bị thêm gì không rồi Nhi sẽ trốn sang chỗ khác để cho An Yên học. Nhi biết con bé mà có mình ở cạnh sẽ không chú tâm được. Vì là ngày đầu nên Đăng hướng dẫn cho An Yên biết vị trí của từng nốt nhạc trước. Con bé lạ lẫm đọc theo thầy, từng ngón tay bé xíu ấn xuống phím đàn. Nốt nhạc đầu tiên vang lên. “Đô” con bé đọc lớn. Nhi nhìn theo mỉm cười rồi yên tâm bước lên lầu, vào phòng của mình.

Nhi cầm điện thoại nhắn tin cho Tú.

Cảm ơn Tú đã nhận lời An Yên nhé. Con bé vui lắm.

Nhi liền nhận được tin trả lời của Tú.

Tú rất sẵn lòng mà.

Ngồi trong phòng, Nhi vẫn có thể nghe được tiếng đàn từ dưới nhà vọng lên. Điều này làm Nhi cảm thấy vui. Tuy những tiếng đàn của con bé còn rời rạc, còn chưa hoàn chỉnh, nhưng nó khiến cho Nhi thấy nhẹ lòng và thoải mái. Rồi sẽ có một ngày, con bé sẽ biết chơi những bài mà Hạ đã từng yêu thích.

Một tin nhắn lại đến.

Tú: Tú có cần chuẩn bị gì không Nhi?

Nhi nhớ lại những gì ghi trong lá đơn. Phụ huynh và học sinh sẽ đi xe của nhà trường. Tất cả mọi thứ nhà trường sẽ lo, phụ huynh chỉ đóng tiền cho học sinh tham gia.

Nhi: Không cần gì hết Tú. Chắc chỉ mang một, hai bộ đồ và dụng cụ vệ sinh cá nhân là được.

Rồi Nhi chợt nhớ đến vết thương của Tú.

Nhi: Vết thương của Tú sao rồi? Hôm nay đã đỡ hơn chưa?

Tú: Hôm nay có hơi sưng một chút, vết bầm cũng đậm hơn, nhưng vì vết cắt không sâu lắm nên chắc sẽ mau lành thôi.

Tú: Cảm ơn em.

Nhi bỗng thấy lòng xốn xang.

Em ư? Nhi để ý có đôi lúc Tú không dùng tên để gọi mình nữa mà thay vào đó Tú dùng em. Nhi biết rõ mình nhỏ tuổi hơn Tú, thì việc gọi em là điều đương nhiên, nhưng không hiểu sao ngay từ đầu Tú và Nhi đã không gọi nhau như thế. Bây giờ Tú chuyển đổi cách xưng hô, Nhi cảm thấy nó có chút gì đó thân mật.

Một tiếng gọi em nghe thật thân thương.

Nhi mang máy tính xách tay ra ngồi làm việc. An Yên chỉ học một tiếng rưỡi mỗi buổi nên Nhi vừa làm vừa canh đồng hồ, cho đến khi hết giờ học thì Nhi đóng máy lại và bước xuống nhà. Hỏi thăm Đăng về buổi học đầu tiên của An Yên, Đăng bảo con bé rất ham học, nhưng vì còn bé nên Nhi phải động viên nhiều để An Yên tự giác luyện tập.

Và Nhi chợt nhớ chuyện ngày mai mình đã sắp xếp buổi hẹn cho Đăng và một cô gái.

“Ngày mai do có cuộc hẹn nên mình chuyển ngày học của An Yên qua chiều thứ bảy được không ạ?”

“Được chứ.” Đăng nói. “Nhi ngày mai ở nhà tập cho cháu nhớ nốt nào ở phím nào. Thứ bảy mình lại tiếp tục.”

“Dạ vâng cảm ơn thầy.” Nhi gọi An Yên. “Chào thầy ra về kìa con.”

“An Yên chào thầy ạ.”

Đăng gật đầu, rồi chào Nhi ra về.

Tối đó sau giờ cơm, An Yên lại chiếc đàn và ngồi ở đó tập đánh những nốt đã được học hôm nay. Nhi không nhắc nhở gì mà con bé tự động làm. Nhi đến bên ngồi cạnh con bé rồi cũng để tay lên những phím đàn, chơi một đoạn nhạc cho An Yên nghe. Hai mắt con bé dõi theo đôi tay của Nhi lướt trên từng phím đàn.

“Mẹ đàn giỏi quá.”

“Khi con học được một thời gian, con cũng sẽ đàn được như mẹ vậy.” Nhi cầm lấy bàn tay phải của An Yên và dẫn từng ngón tay của con bé qua từng phím. Từng nốt nhạc vang lên chậm rãi. An Yên bặm môi chú tâm nhìn theo mẹ.

“Bài này hồi đó mẹ Hạ của con rất thích đấy. Con ráng học, rồi một ngày nào đó, mẹ sẽ thu âm những gì con đàn và mình cùng mang ra cho mẹ Hạ nghe nhé.”

An Yên nghe thế liền rất hứng thú. “Dạ mẹ, An Yên sẽ học thật giỏi.”

Nhi cùng An Yên ngồi bên chiếc đàn thêm một lúc nữa. Nhi đàn cho con bé nghe thêm vài bản nhạc. Tuy có nhiều lúc Nhi quên bài, đánh sai nốt, nhưng lần nào xong thì An Yên cũng vỗ tay hết mình. Cuộc sống đôi khi chỉ cần có thế. Có ai đó luôn ở cạnh và động viên mặc dù mình có phạm sai lầm. Những phút giây như lúc này chỉ những ai may mắn mới được trải qua. Hôm nay, Nhi là một trong số những người may mắn đó.

***

Chiều hôm sau, Nhi ra ngoài vườn tưới cây chăm sóc cho mấy chậu lan của mẹ. Lúc sáng mẹ gọi, Nhi có kể cho mẹ nghe về ngày đầu học đàn của An Yên và việc nhà trường tổ chức đi cắm trại. Mẹ có hơi tiếc vì không thể cùng tham dự, nhưng dặn Nhi phải nhớ chụp nhiều hình gửi mẹ xem.

Rồi Nhi chợt nghe tiếng xe dừng trước cổng nhà.

Nhìn ra ngoài, Nhi thấy Đăng vừa ghé.

Vậy cuộc hẹn công ty sắp đặt ra sao rồi?

“Nhi.” Đăng gọi vọng vào.

“Chào thầy Đăng.” Nhi ra mở cổng. “Cuộc hẹn kia sao rồi ạ?”

“Cô ấy nhắn hẹn lại vào ngày mai. Xin lỗi, anh không báo trước với Nhi mà chạy qua luôn, vì trên đường đi mới nhận được điện thoại của cô ấy.” Đăng gác chống và bước xuống xe. Lúc này nhìn Nhi, Đăng phát hiện một điều gì đó lạ, nhưng chưa rõ là điều gì. Dắt xe vào khoảng sân, Đăng quay sang hỏi Nhi.

“Hôm nay đến đột xuất thế này thì Nhi có bận việc gì không?”

“Không ạ.” Nhi cười. “Mẹ con em cũng chỉ luẩn quẩn ở nhà thôi.”

Đăng nhận ra được điều gì khác biệt rồi.

“Ơ, sao cái sẹo của Nhi đi đâu mất rồi?”

Hốt hoảng, Nhi đưa tay lên sờ vào má mình. Quả nhiên không có. Vậy là Nhi đã quên. Hôm nay cứ nghĩ sẽ không ai đến nhà nên lúc sáng Nhi cũng chẳng động đến nó. Nhi vội xoay mặt đi, tự dưng thấy xấu hổ. Cái cảm giác để người khác biết được bí mật lớn của mình thật không dễ chịu chút nào.

Nhi nghe tiếng Đăng cười. “Thì ra chỉ là giả sao? Đáng yêu vậy.”

“Chẳng qua...chẳng qua là...” Nhi cố tìm lời giải thích, nhưng Đăng vỗ vào vai của Nhi và nói. “Được rồi, Nhi không cần giải thích gì đâu. Đó là chuyện của Nhi.” Đăng bước vào nhà, cho qua việc đó như chưa từng thấy điều gì. Nhi thầm cảm ơn Đăng. Nếu phải giải thích cái lý do thì chắc hẳn sẽ có nhiều người cho rằng Nhi thật ngốc nghếch và trẻ con.

Nhi bước lên phòng gọi An Yên dậy để xuống học đàn. Con bé còn ngái ngủ, nhưng vẫn phấn khởi cho một buổi học mới. Hôm nay Nhi còn quay lại một vài đoạn phim để làm kỷ niệm và gửi cho mẹ xem.

Không biết vì lí do gì, Nhi gửi cho cả Tú.

An Yên học đánh đàn. Nhi viết trong tin nhắn. Con bé nói sau này sẽ biểu diễn cho Tú xem.

Từ đó đến giờ, Nhi không có thói quen khoe con với ai, nhưng giờ đây Nhi lại muốn Tú biết được An Yên ngoan và giỏi như thế nào.

Một tiếng rưỡi sau, buổi học thứ hai kết thúc. An Yên hôm nay nhớ rõ các nốt hơn và đã đánh các phím một cách mạnh dạn hơn. Đăng đã khen con bé là “Học sinh nhỏ tuổi giỏi nhất mà thầy đã từng dạy” làm con bé rất vui. Nhưng cũng đúng, An Yên là học sinh nhỏ tuổi duy nhất của Đăng nên lời nói đó không phải là không có căn cứ.

Trước khi ra về, Đăng giao bài tập cho An Yên, dặn là lần sau đến, Đăng sẽ kiểm tra xem An Yên có nhớ được hết các nốt không. Con bé chào thầy xong rồi lại chạy vào ngồi bên cây đàn. Nhi mở cổng để Đăng đẩy xe ra.

“Cảm ơn thầy Đăng nhé. Em sẽ giúp cháu học bài.” Nhi nói.

Đăng cười rồi đưa tay lên chỉ vào bên má trái của mình. “Nhi đừng gắn lên vết sẹo giả đó nữa. Trông Nhi như giờ xinh lắm. Nhi cứ thế này là sẽ có khối anh chàng theo đuổi đấy.”

Oái ăm thay, đó cũng là cái lý do mà Nhi phải mang lên cái vết sẹo giả này.

“Phụ nữ nên tận hưởng tuổi thanh xuân em ạ. Qua đến ba mươi là thấy không còn nhiều thời gian rồi.”

Nhi không nói gì nhiều, chỉ dạ vâng rồi tiễn Đăng ra về.

Thật ra như thế nào mới được gọi là tận hưởng tuổi thanh xuân đúng cách? Phải chăng đó là những chuyến đi du lịch, những hành trình từ ngày này qua tháng nọ cùng bạn bè? Hay là những mối tình lãng mạn mà con người nên được trải qua trong thời gian còn được cho là ở trong tuổi thanh xuân?

Năm Nhi hai mươi tuổi, An Yên có mặt trên thế giới này.

Thời gian cứ thế mà trôi qua.

Nhưng nếu cho Nhi có cơ hội để chọn lại tất cả, Nhi vẫn sẽ chọn đứa con gái bé bỏng của mình.

***

Sáng thứ bảy, Nhi đưa An Yên sang thăm Nguyệt.

An Yên biết mình được đi gặp Tú và em Nguyệt nên ăn sáng rất nhanh. Lần này Nhi muốn đưa An Yên theo cũng vì bà vắng nhà nên không ai trông con bé, vả lại dù sao cũng nhờ con bé nên mới biết mà cứu Nguyệt. Nhi phải cho con bé thấy việc làm của mình đã hái được kết quả như thế nào.

Đến nơi, bệnh viện hôm nay không đông như mọi ngày cuối tuần khác, chỉ có nhóm sinh viên vẫn đều đặn ở đó; và vẫn như thường lệ, họ nhìn Nhi với những ánh nhìn trông không thân thiện lắm. Nhi nắm tay An Yên đi qua họ và đến gõ cửa phòng làm việc của Tú nhưng không thấy có phản hồi. Nghĩ chắc Tú không có trong đó, Nhi dắt An Yên qua phòng giữ mấy đứa nhỏ để tìm. Nhìn vào cửa kính, quả nhiên là Tú đang ở trong. An Yên nhón chân lên để xem mẹ đang nhìn cái gì. Cái cửa kính có phần hơi cao so với thân hình nhỏ nhắn của con bé.

“Mẹ ơi An Yên muốn xem.” Con bé gọi Nhi sau khi cố gắng nhìn vào trong nhưng vẫn không thấy được gì vì chưa đủ cao. Mỉm cười, Nhi bế An Yên lên để con bé có thể thấy. Tú đang cho Nguyệt ăn. Hôm nay trông Nguyệt có sức sống hơn hẳn. Tuy vẫn còn nằm trong chuồng nhưng Nhi thấy đuôi của bé đã vẫy vui mừng.

An Yên ở ngoài nhìn vào và vẫy tay với Tú. Do đứng quay lưng lại lên Tú không thấy cả hai. An Yên lên tiếng gọi. “Tú ơi!”

“Bác sĩ Tú.” Nhi nhắc nhở.

“Dạ, bác sĩ Tú ơi!”

Tú ngoảnh đầu nhìn lại. An Yên toe toét cười và vẫy tay bên ngoài. Thấy hai người, Tú phấn khởi mở cửa đi ra. Tú biết An Yên không thể vào trong. Trong này tụi nhỏ được thả đi lại quanh phòng nên An Yên không ăn mặc kín thì vào đây không an toàn.

“Chào Nhi. Chào con, An Yên.” Tú xoa đầu con bé.

“Nguyệt khoẻ không Tú?” Nhi hỏi.

“Hôm nay bé ăn đồ ăn được rồi, nhưng còn hơi sợ sệt.”

Nhi nhìn vào phòng, theo dõi Nguyệt qua cửa kính. Thấy Nhi muốn vào, Tú ngỏ lời giữ An Yên để Nhi vào thăm.

“Để An Yên ở đây với Tú, Nhi vào trong đi.”

Gật đầu, Nhi để con bé xuống đất.

Tú nắm lấy tay An Yên rồi nói với Nhi. “Tú dẫn An Yên qua cửa hàng tiện dụng mua chút đồ ăn nha.”

“An Yên có đòi gì Tú cũng đừng mua nhé.” Nhi dặn dò Tú.

Có vẻ con bé không hài lòng với những gì Nhi vừa nói. Con bé chau mày và nói, “An Yên không hư.”

“Mẹ biết An Yên ngoan.” Nhi hôn vào má con bé rồi đi vào phòng với Nguyệt.

Có thời gian riêng với An Yên, Tú nắm tay dẫn con bé ra khỏi bệnh viện và đi vào cửa hàng để mua đồ ăn. Tú lấy vài bịch bánh, vài chai nước. An Yên không đòi mua gì, nhưng Tú thấy con bé mãi ngắm cây kẹo mút màu hồng.

“Con muốn ăn hả An Yên?”

Con bé lắc đầu. “An Yên không có hư.”

“Ăn một cây kẹo không có hư đâu.” Tú nháy mắt rồi cầm lấy cây kẹo đưa cho An Yên. “Xem như là bí mật giữa hai chúng ta nhé.”

An Yên nhìn qua lại, cứ như là sợ bị ai phát hiện rồi mới dám nhận lấy cây kẹo từ Tú. Khi ra thanh toán tiền, con bé vẫn nắm chặt cây kẹo, chưa dám mở ra ăn.

“Bây giờ mình xách đồ lên nhà. Cô dẫn An Yên lên xem nhà cô chịu không?”

An Yên ngước lên nhìn toà nhà cao và cảm thấy hiếu kỳ. “Bác sĩ Tú ở đây sao?”

“Ừ, ở tầng bảy. An Yên lên sẽ thấy được thành phố.” Tú đưa tay cho An Yên nắm. Con bé một tay cầm cây kẹo, tay còn lại cầm chặt tay Tú. Chiếc thang máy lên đến tầng bảy thì phát ra tiếng chuông nhẹ, báo hiệu đã đến nơi. Tú tra chìa khoá vào ổ để mở cửa, cho An Yên thấy được nơi ở của mình ra sao.

Nhà Tú không to, vừa đủ cho một hoặc hai người ở. Phòng ngủ và phòng làm việc nằm ở bên trái, còn bên phải là phòng bếp và phòng khách. Điều Tú thích ở căn hộ này là cái cửa kính lớn mà Tú có thể nhìn ra thành phố. Bất kể sáng hay tối, cảnh quan ngoài ấy đều đẹp. Có vẻ đó cũng là điều An Yên thích vì con bé đi đến bên cửa kính, hai tay đặt lên tấm kính và nhìn ra ngoài.

“Con thấy thế nào?” Tú đến bên An Yên và hỏi.

“Đẹp ạ.” Con bé nhìn chăm chăm vào những nhà lớn nhỏ ở phía ngoài. “Nhà của An Yên đâu rồi bác sĩ Tú?”

“Ở đây không thấy được nhà An Yên đâu. Nhà An Yên ở xa lắm.” Tú đi vào nhà bếp đế cất đồ vừa mua ở cửa hàng rồi lại ghế ngồi. An Yên đi theo Tú và trèo vào lòng Tú, một việc làm bây giờ đã hết sức là tự nhiên với con bé.

“Bác sĩ Tú, An Yên muốn hỏi.”

“Con hỏi đi.”

“An Yên gọi bác sĩ Tú là Tú thì có không lễ phép không ạ?”

Tú suy nghĩ rồi trả lời con bé. “Thông thường thì người nhỏ không được gọi người lớn bằng tên. Trước tên, con phải thêm vô từ danh xưng gì đó để không bị xem là vô lễ.”

“An Yên xem bác sĩ Tú là bạn nên mới gọi như vậy thôi. An Yên không có hư đâu.”

Tú biết. An Yên luôn rất lễ phép. Cách nói chuyện của An Yên cho Tú thấy Nhi đã dạy dỗ con bé rất tốt. Trẻ con thì luôn ngây thơ và hồn nhiên, suy nhĩ cũng rất khác người lớn. Tú nghĩ có nhiều chuyện cũng có thể phá lệ, chẳng hạn như cách An Yên muốn gọi Tú vậy.

“Nếu An Yên xem cô là bạn, thì con cũng có thể gọi là Tú, như mẹ vậy.” Tú nói với An Yên.

“Thật sao ạ?” Con bé ngước lên nhìn Tú, hai mắt to tròn.

“Thật. Tú cho phép An Yên nhé.”

“Dạ Tú. An Yên là bạn của Tú. Tú là bạn của An Yên.” Con bé giơ hai tay lên sung sướng, như vừa được nhận một món quà có giá trị.

Thấy bây giờ cũng chỉ có mình và An Yên, Tú muốn hỏi con bé vài điều. “An Yên này, Tú hỏi con cái này.”

Con bé bây giờ đang chăm chú mở giấy bọc cây kẹo mút ra.

“Sinh nhật của mẹ là vào ngày nào An Yên biết không?”

“Dạ biết chứ. Sinh nhật của mẹ sau sinh nhật của An Yên.”

Con bé vẫn không gỡ được bọc giấy, Tú cầm lấy làm giúp.

“Tú muốn biết ngày, An Yên có biết không?”

“Sinh nhật của mẹ vào ngày mười một tháng Sáu. Sinh nhật của An Yên là ngày mười tháng Năm.”

Vậy là bây giờ được biết thêm một điều về Nhi nữa. Tú lẩm nhẩm ghi nhớ trong đầu. Hôm nay đã là giữa tháng Tư rồi.

“Cảm ơn An Yên nhé. Thôi bây giờ mình đi xuống với mẹ kẻo mẹ trông.”

Tú lại bàn lấy chai nước và vài bịch bánh mình mua sẵn cho Nhi rồi dắt tay An Yên xuống lầu và đi vào bệnh viện. Vào trong Tú thấy Nhi đang đứng nói chuyện với Linh. An Yên chạy lại khoe với mẹ về cây kẹo và về việc mình vừa được Tú cho lên nhà tham quan. Nhi có trách nhỏ An Yên vì sao lại vòi cô mua kẹo thì Tú đến giải cứu, nói với Nhi rằng vì mua đồ người ta tặng cho. Tú nháy mắt với An Yên và con bé mỉm cười.

“Tú mua cho Nhi nè.” Tú đưa chai nước và cái bao trong đó có đựng mấy bịch bánh. “Ở trong nhà bếp hôm nay không có bánh trái gì để ăn hết.”

“Ơ,“ Linh lên tiếng. “Của em đâu?”

“Tú không có nghĩ đến...” Tú gãi đầu

Nhi mở bao ra và lấy ra hai bịch bánh bông lan đưa cho Linh. “Nè em, chị ăn không hết đâu.”

“Em giỡn đó.” Linh cười. “Bác sĩ Tú mua cho chị mà, chị giữ ăn đi. Em thấy bác sĩ Tú rất là quan tâm chị luôn đó.”

“Thì...thì nghĩ Nhi chạy đường xa đến đây, trời lại nắng nóng.” Tú giải thích.

Biết Tú có lòng, Nhi nói lời cảm ơn Tú. Nhìn vào đồng hồ trên điện thoại thấy đã gần trưa, Nhi chào tạm biệt Tú để đưa An Yên đi mua một số đồ cho buổi cắm trại tuần sau. Tú đưa Nhi và An Yên ra xe, không quên dặn dò Nhi phải lái xe cẩn thận.

Trên đường chạy về, Nhi thấy có một tờ giấy vàng được dán ở cạnh xe của mình. Đợi dừng đèn đỏ, Nhi gỡ nó ra xem. Chữ viết của ai đó Nhi không nhận ra được, nhưng những gì viết trên đó thì làm Nhi có chút buồn.

Tránh xa bác sĩ Tú ra. Đừng tưởng có thể mang con của mình đến đây để lấy lòng bác sĩ Tú. Cô không xứng. Vết sẹo trên gương mặt cô rất tởm.

Nhi vò tờ giấy lại thành cuộn tròn trong tay rồi cho nó vào túi áo. Nhi đoán tờ giấy này có thể do một trong những người trong nhóm sinh viên đó viết. Từ đầu đến giờ, họ không hề thích Nhi, tuy Nhi không có làm gì đến họ. Nghe Linh nói họ hâm mộ Tú, vậy có phải vì họ thấy Tú có phần quan tâm đến Nhi nên mới không thích Nhi đến vậy?

Nhi ghé siêu thị mua vài thứ như kem chống nắng, dầu gội, sữa tắm loại nhỏ để tiện đem đi. Nhi cũng lấy một vài hộp bánh nhỏ, đủ ăn cho hai ngày.

Phải, chuyến đi này mọi người sẽ phải ở qua đêm.

Nhi cũng chưa biết họ sẽ dàn xếp chỗ ngủ như thế nào, nhưng Nhi nghĩ nhà trường sẽ sắp xếp chu đáo.

Chạy về đến nhà, Nhi cho tờ giấy lúc nãy vào sọt rác. Nhi quyết định những chuyện này thì mình không nên để tâm đến. Nhi cũng không còn quá trẻ con để đi tìm người này đàm phán. Người này cũng đã nghĩ sai về Tú và Nhi rồi, hai người chỉ là bạn bè thôi mà.

Đúng rồi, Nhi sẽ không để những lời nói đó làm mình buồn lòng.

***

Ngày đi cắm trại cũng đến thật nhanh. Theo như đã nhất trí từ đêm hôm trước, hôm nay Tú sẽ đến nhà đón Nhi và An Yên rồi cùng đi đến trường. Lúc sáng khi vừa thức dậy, An Yên đã rất tươi tỉnh vì biết hôm nay là ngày đi biển cùng Tú. Nhi cho An Yên tự chọn trang phục để mặc. Con bé chọn cái quần ngắn màu hồng cùng với chiếc áo màu trắng có hình con mèo. An Yên đòi mang theo con thỏ bông, nhưng Nhi không đồng ý vì lỡ lạc mất thì sẽ không thể tìm lại được.

“Chị đi chơi với Tú.” An Yên thì thầm với thỏ. “Khi về chị sẽ kể em nghe nhé.”

Nhi búi tóc con bé lên, trông con bé nhìn người lớn hẳn. Kéo cái vali xuống dưới nhà, Nhi dựng nó ở trước cửa và vào nhà bếp lấy nước và bánh bỏ vào ba lô của mình.

Tầm 7 giờ rưỡi, Tú đến nhà. An Yên đang ngồi ăn cái bánh liền bỏ ăn và chạy ra chào đón Tú. Tú cúi người xuống để ôm lấy An Yên, khen con bé hôm nay ai làm tóc cho mà đẹp thế. Con bé cũng biết xấu hổ, chạy vào ôm mẹ. Nhi đưa cái bánh cho An Yên, bắt con bé ăn hết để cả ba có thể lên đường đến trường.

Khoảng 8 giờ hơn, học sinh và phụ huynh đã tập hợp đông đủ tại sân trường. Chuyến đi lần này có đến hai chiếc xe buýt lớn, mỗi xe có tầm hai mươi học sinh và phụ huynh của các em. Đa số những người đi theo đều là bố mẹ của học sinh. Có vài trường hợp là chỉ có bố hoặc mẹ đi một mình. Có mình gia đình Nhi là rủ thêm bạn, mà trên tờ đơn thì được ghi là người thân.

Tú, Nhi và An Yên được xếp ngồi vào một dãy hai ghế. Hai cái ghế đủ to để ba người có thể ngồi thoải mái. Mới đầu vì An Yên thích được nhìn phong cảnh nên con bé muốn ngồi ở trong cùng, để Nhi ngồi giữa và Tú ngồi ngoài. Sau một đoạn đường đi, có lẽ nhìn phong cảnh đã chán nên con bé ngủ gật. Xe di chuyển nhiều đoạn gồ ghề nên con bé cứ gật lên gật xuống, trông vừa tội vừa thương. Nhi bế An Yên ngồi lên người mình để con bé có thể dựa vào ngủ thoải mái hơn.

Tú cũng nhắm mắt một chút, khi mở mắt ra thì trên xe đã không còn ồn ào tiếng trẻ em cười nói, chỉ còn tiếng nhạc thiếu nhi được phát ra. Tú nhìn quanh, thấy các bé đều đã ngủ. Phụ huynh thì có người ngủ, có người dùng điện thoại. Tú nhìn qua Nhi, phát hiện Nhi cũng đã tựa vào cửa kính và ngủ lúc nào. Trời nắng đang chiếu vào chỗ Nhi và An Yên đang ngồi, thấy thế nên Tú nhè nhẹ chồm qua mở tấm màn che nắng, rồi càng hết sức nhẹ nhàng dùng tay chuyển đầu Nhi tựa vào vai mình.

Làm xong, thấy cả hai vẫn ngủ say, Tú mỉm cười một mình.

Đến nơi, nhà trường được khu nghỉ dưỡng chào đón nồng hậu. Tú có thể thấy nhà trường đã giữ đúng với chủ đề “cắm trại“. Ở trên bãi cát là từng khu vực được dựng lên với nhiều trò chơi khác nhau. Xa xa họ có chuẩn bị các cây củi thật cao dành cho việc đốt lửa trại. Nhưng có điều nãy giờ Tú chưa nghe họ thông báo gì về việc phòng ốc.

“Xin mời phụ huynh và các bé tập hợp.” Một thầy giáo nói vào loa. Khi mọi người tập hợp đầy đủ, thầy giáo đó nói tiếp. “Nhà trường xin chào đón các vị phụ huynh và các con đến với ngày hội Cắm Trại Mùa Xuân. Hôm nay là ngày dành cho gia đình mà nhà trường muốn tạo ra cho các vị phụ huynh và các con. Nhà trường biết nhiều khi cuộc sống của chúng ta quá bận rộn mà chúng ta không có nhiều thời gian để có thể cùng nhau sinh hoạt và vui chơi tập thể. Mọi người hãy nhìn qua những lá cờ được cắm trên cát.” Thầy giáo giới thiệu. “Đó là những trò chơi các gia đình có thể tham gia. Khi hoàn thành một trò chơi, gia đình đó sẽ nhận được một vỏ ốc. Qua ngày hôm sau, mười gia đình nào có nhiều vỏ ốc nhất sẽ có quà thưởng.”

Một tràng vỗ tay vang lên. Các bé phấn khởi muốn bắt đầu cuộc chơi ngay, nhưng thầy giáo còn một thông báo khác. “Về việc phòng ở, vì chủ đề của chúng ta là cắm trại, nên nhà trường đã chuẩn bị cho mỗi gia đình một cái lều để các con có thể trải nghiệm một chuyến đi cắm trại thực thụ là như thế nào.”

Lều sao? Tú có hơi hoảng. Mỗi gia đình chỉ được một cái lều sao?

“Nhà trường sẽ phát lều trước, nhưng đến tối khi dọn dẹp chỗ trên bãi cát thì chúng ta mới có chỗ để dựng lều nhé.”

Lúc này, có hai cô giáo cầm lều đi phát cho từng gia đình. Tú nhận một cái lều, rồi nhìn qua Nhi. Nét mặt Nhi cũng khó đoán, nhưng Tú nghĩ chắc Nhi cũng không ngờ chỉ có mỗi một cái lều làm chỗ ngủ. Tú hơi bối rối, nhưng thấy đây không phải là lúc phải lo lắng. Đến tối rồi tính.

Đồ đạc của mọi người được tập trung lại một căn chòi lớn, trong đó có sắp xếp rất nhiều ghế cho mọi người nằm nghỉ ngơi. Nhi mở giỏ lấy tuýp kem chống nắng ra bôi lên cho An Yên rồi bôi cho chính mình. Bôi xong, Nhi đưa sang cho Tú.

“Tú có bôi hồi sáng rồi.”

Nhi lắc đầu. “Không. Người ta nói sau mấy tiếng là phải bôi lại rồi.” Nhi cho một chút kem ra bàn tay rồi bôi lên hai cánh tay của Tú. “Đây này, chưa gì mà em thấy đã đỏ rồi này.”

Tú như đứng hình.

Nhi vừa xưng em đó.

Tú không biết là Nhi có nhận ra điều đó hay không.

Nhi vẫn đang thoa kem cho Tú. An Yên thấy thế cũng tham gia. Con bé lấy tuýp kem xịt đầy lên lòng bàn tay của mình rồi bôi lên người Tú. Thấy Tú giật mình, con bé cười sung sướng.

“An Yên à, nhiều quá!” Nhi nói, xong lấy bớt một số kem trên tay Tú rồi thoa lên mặt và cổ của Tú. Nếu như chuyện lúc nãy làm Tú đứng hình thì bây giờ Tú đã thật sự bất động. Hai tay Nhi ôm khuôn mặt Tú, cho đều kem ra khắp mặt tránh vùng mắt rồi Nhi đi xuống cổ. Điều này làm Tú rùng mình. Tú hy vọng Nhi không nhận ra điều đó.

Đợi một hồi cho kem thấm, cả ba cùng nhau ra bãi cát xem có thể tham gia trò chơi nào. Ở cột cờ đầu tiên, đó là trò nhảy bao bố. Đã có ba gia đình xếp hàng chơi. Họ phát một cái bao bố to vừa cho hai người. Trò này Tú xung phong chơi với An Yên.

Vào trong bao bố, Tú và An Yên đợi tiếng còi vang lên và nhảy. Con bé còn nhỏ, chỉ nhảy được phạm vi ngắn so với những nhà kia có các bạn trai chơi nhưng con bé rất có cố gắng. Ở hai bên của Tú, các gia đình khác vượt lên, để Tú và An Yên đang ở thứ chót.

“Cố lên!” Nhi hô to từ vạch đích. “Hai người cố lên!”

“Mẹ gọi chúng ta kìa An Yên. Cố lên con.” Tú nói. Con bé gật đầu, quyết tâm về đích. Tú đếm một hai ba để hai người cùng nhảy một lượt. Cứ như thế từng chút, từng chút cũng đã hoàn thành lượt chơi. An Yên có hơi buồn khi về đích cuối cùng, nhưng khi con bé biết được ai hoàn thành cũng được một vỏ ốc thì đã phấn khởi trở lại.

Trò chơi thứ hai Nhi tham gia với An Yên. Họ phát cho mỗi người một cái muỗng và trên đó là một quả trứng. Người chơi chỉ cần mang quả trứng về an toàn bằng cách giữ thăng bằng cho quả trứng bằng cán muỗng. Trò này không gây khó khăn cho Nhi và An Yên là mấy. Nhi dặn con bé cứ chậm rãi mà đi, vì đây không phải là trò chơi thắng thua mà để xem mình có thể hoàn thành cuộc chơi hay không. Cuối cùng hai người không về nhất nhưng vẫn được một vỏ ốc.

Trò thứ ba đòi hỏi sức mạnh. Mỗi đội chơi được phát cho một cái ly nhỏ, và một người sẽ phải chạy xuống biển hứng nước, mang lên đưa cho bé con đổ vào cái xô. Đến khi nào đầy xô sẽ thắng cuộc. Tú một lần nữa đề nghị được chơi với An Yên. Cả hai xếp vào hàng cùng với bốn đội khác. Khi tiếng còi được thổi lên, Tú lấy hết sức chạy thật nhanh xuống biển để hứng nước rồi chạy về với An Yên. Một lần, hai lần, ba lần, rồi bốn lần, dần những lần sau đó Tú cũng cảm thấy mệt. Tú nhìn qua những đội khác, có đội cũng đã bắt đầu đi bộ, có đội vẫn còn chạy nhanh lắm.

“Tú ơi! An Yên đợi Tú nè!” An Yên la to.

“An Yên! Sao con lại gọi trống không nữa rồi!” Nhi nhắc nhở. Tú cười và cố hết sức chạy thật nhanh lần cuối xuống biển và chạy về với An Yên. Con bé đã gọi thế thì Tú không thể làm con bé thất vọng được. Chỉ còn lần cuối nữa. Tú tăng tốc hứng nước và chạy về. An Yên lấy ly nước từ Tú và đổ vào xô. Nước đã đầy. Lần này An Yên và Tú đã về nhất. Con bé nhảy dựng lên, ôm Tú cứng ngắc. Khi người giám thị phát cho An Yên cái vỏ ốc, con bé tự hào nói. “Tú lấy về cho An Yên đó.”

“An Yên!” Nhi lên tiếng vì nghe con bé cứ gọi tên Tú như vậy, nhưng Tú lắc đầu. “Tú cho phép con bé đó. Gọi như vậy nghe gần gũi hơn, đúng không An Yên?”

Con bé tươi cười gật đầu rồi kéo tay Tú qua cột cờ kế bên để chơi tiếp.

Với trò này chỉ cần hai người lớn tham gia là chính.

Tất cả các bé đứng ở đích. Một người sẽ bị bịt mắt và cõng người còn lại. Người được cõng sẽ dẫn đường cho người kia vượt chướng ngại vật an toàn đến với con. Chướng ngại vật được nhà trường dùng là những cái xô để trước mặt. Người cõng phải tránh những cái xô đó để về đích thành công.

Trò này lúc đầu Nhi có hơi phân vân để tham gia, nhưng An Yên đã chạy lại đích để đứng chờ hai người. Thấy các gia đình khác cũng đã đứng vào vạch, Nhi đành giúp Tú bịt mắt lại rồi để Tú cõng lên người. Tự dưng được gần Tú như vậy làm Nhi thấy hồi hộp, tiếng còi thổi khi nào mà Nhi cũng không để ý, cho đến khi Tú lên tiếng hỏi phải đi như thế nào thì Nhi mới thấy những đội khác đã xuất phát.

“Tú đi thẳng tầm bốn bước là đi sang phải.”

Tú làm theo lời Nhi.

“Rồi bây giờ cứ đi thẳng đi.” Nhi nói. “Đi tiếp. Tiếp. Giờ bước sang trái.”

Tú nghe tiếng An Yên hô hào rất gần. Nhi bỗng cười làm Tú thắc mắc.

“Gì vậy Nhi?”

“Con bé đang nhảy lắc lư trông thật đáng yêu.” Rồi bỗng nhiên Nhi giấu mặt vào vai Tú.

“Sao nữa vậy Nhi?”

“Người ta chụp hình, xấu hổ quá.”

“Đâu, người ta chụp ở đâu?”

“Trước mặt kia kìa.” Nhi thì thầm.

“Tú hỏi cho biết để mà cười lên hình mới đẹp chứ.”

Nhi đánh nhẹ vào vai Tú. “Còn giỡn nữa.”

“A đau.” Không phải vì Nhi đánh đau mà vì Tú vừa đá phải cái xô. Nhi xin lỗi Tú rồi hướng dẫn Tú về đến đích. An Yên chạy ra ôm cả hai người. Cả ba không biết đã về đích thứ mấy nhưng điều này không quan trọng. An Yên nhận thêm được một vỏ ốc nữa.

Sau trò này Nhi đề nghị đi tìm gì đó để ăn. Vào nhà hàng, Nhi và Tú đồng ý gọi cơm chiên cho cả ba. Khi đặt món, Nhi không quên dặn họ đừng bỏ hành. Việc này cho cả An Yên và Tú.

Ăn no xong và nghỉ ngơi một lúc, chờ trời chiều đã mát, An Yên lại muốn tiếp tục tham gia những trò chơi. Nhi ít khi thấy con bé năng nổ đến vậy. Dường như hôm nay con bé vui lắm. Phải chăng con bé cảm nhận được cảm giác gia đình đông vui?

Khoảng gần 5 giờ chiều, khi nhà trường thông báo chỉ còn khoảng 30 phút nữa là các trò chơi sẽ được dọn dẹp để dành lại chỗ trống cho tối nay, An Yên chạy đến một cột cờ và đòi chơi trò chơi của trạm này.

Tú và Nhi nghe xong thể lệ chơi đã muốn bỏ cuộc.

Đơn giản lắm, ba người chỉ cần chuyền hết năm thanh đá vào ly là được.

Nhưng mà phải chuyền bằng miệng.

Tú nhìn Nhi, hỏi ý qua ánh mắt. Nhi thấy An Yên vui quá, lại không nỡ từ chối con bé. Không sao, Nhi tự nhủ. Chơi trò chơi thôi mà. Tất cả là vì An Yên.

Mỗi đội nhận được năm thanh đá từ trọng tài. Năm thanh đá dài bằng ngón tay cái, nhưng đối với Nhi là đã quá nhỏ. Nhờ có gió biển nó đã bắt đầu chảy.

Trọng tài thổi còi để bắt đầu cuộc chơi. An Yên lấy lên thanh đá đầu tiên rất dễ và chuyền cho Nhi. Nhi run run chuyền cho Tú. Tú cố gắng lấy thanh đá càng nhanh càng tốt, và thanh đá đầu tiên đã qua. Thanh đá thứ hai cũng được chuyền qua an toàn. Thanh đá thứ ba An Yên lấy có phần khó khăn hơn vì nó đã chảy nước. Khi Nhi lấy được nó để chuyền qua Tú, nó đã trở nên rất ngắn. Tú cũng phải mất một thời gian mới lấy được nó để thả vào ly.

An Yên ngậm thanh đá thứ tư lên. Nhi thấy đá đã bắt đầu tan và chảy từng giọt nước. Nhi lấy thanh đá từ An Yên mà xém làm nó rớt vì trơn. Lần này chuyền cho Tú, Nhi như muốn nín thở. Tú không thể nào lấy được thanh đá mà giữ khoảng cách an toàn. Càng loay hoay tìm cách thì nó càng tan nhanh. An Yên ở cạnh thì hô hào kêu gọi mẹ mau chuyền cho Tú. Con bé đang rất nóng lòng.

Nhi gật đầu, cẩn thận chuyền thanh đá qua nhưng Tú vẫn cố giữ khoảng cách để không chạm môi. Thấy đang mất thời gian mà đá càng ngày càng chảy, Nhi lấy hai tay giữ mặt Tú rồi tiến lại gần hơn. Tim Tú lúc này như có ai đó kích ngòi và nó đã sắp nổ tung. Tú thấy Nhi nhắm mắt lại, và Tú cũng làm theo. Tú cuối cùng cũng giữ được viên đá đó, đồng thời cùng lúc ấy môi Tú đã chạm nhẹ vào môi Nhi.

Nếu như lúc đó thời gian có thể đứng lại để Tú gặm nhấm những gì vừa xảy ra thì tốt quá. Nhưng không, không có thời gian cho việc đó vì những gì xảy ra tiếp theo đối với Tú có lẽ là một trong những điều sẽ làm Tú nhớ suốt đời.

Thanh đá cuối cùng nó đã chảy đến còn rất nhỏ. Đối với An Yên thì Nhi lấy không có vấn đề gì, nhưng đối với Tú, mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Thanh cuối cùng là thanh nhỏ nhất. Cũng như lúc nãy, Nhi lấy hai tay ôm mặt Tú để chuyền thanh đá qua. Đá đã nhỏ, mà lại trơn nên cách duy nhất lúc này muốn chuyền nó qua là môi cả hai phải chạm nhau.

Nhi đồng ý với việc đó, dù sao cũng đã đi đến cuối. Nhi cho môi mình đến gần hơn. Tú vẫn gặp khó khăn trong việc ngậm thanh đá về phía mình, một là vì nó trơn quá, hai là vì Tú đang rất run. Môi Tú chạm nhẹ một lần, nhưng Tú không thể lấy nó. Tú thử lần nữa, và vẫn thất bại.

Nhi thấy đã đến lúc mình phải ra tay. Nhi đặt môi mình sát vào môi Tú trong lúc hai mắt nhắm chặt. Tú cảm giác như có một dòng điện vừa chạy từ trên người mình xuống chân. Tú vẫn không lấy được thanh đá. Thấy đã hết cách, Nhi dùng ngón tay cái của mình vỗ nhẹ vào môi Tú, ra hiệu cho Tú mở to miệng hơn một chút. Không biết như thế nào mà Tú hiểu ý của Nhi. Khi Tú hé miệng ra, Nhi dùng lưỡi đẩy thanh đá qua bên Tú. Lúc Nhi lấy môi ra khỏi môi Tú, Tú có thể thề rằng Tú đã cảm nhận được Nhi đã hôn mình rất nhẹ. Rất rất nhẹ.

Cảm giác của Tú lúc này ư? Cứ như vừa được người ta trao cho huy chương vô địch thế giới ở tất cả các cuộc thi.

“Tú? Tú phải nhả viên đá ra mới được tính.” Nhi nhắc nhở.

Tú quên mất. Vội nhả thanh đá vào ly, giờ đây nó chỉ còn chút xíu.

An Yên mừng rỡ nhảy nhót. Con bé chạy lại giám thị để lấy cái vỏ ốc cuối cùng. Tú thì ngượng đỏ cả mặt, chẳng dám quay sang nhìn Nhi.

Buổi chiều hôm đó đã kết thúc bằng một cách đáng nhớ như thế.

Tối đó sau khi đốt lửa trại, nhà trường khuyến khích các bé nên đi ngủ sớm để ngày mai còn một ngày vui chơi. Tú đảm nhận nhiệm vụ dựng lều, bởi khi đi học ở nước ngoài Tú cũng đã từng nhiều lần đi cắm trại cùng bạn bè. An Yên hâm mộ Tú về những khoản này. Có nhiều việc Tú làm, con bé cho rằng chỉ có người hùng giỏi như Tú mới làm được.

Trời cũng đã tối nhưng cũng may gió biển thổi vào không lạnh. Xung quanh những chiếc lều được dựng là những dây đèn được bật sáng để tạo nên cảm giác ấm áp. Mỗi lều cũng được phát một cái mền để giữ ấm. Nhi vào trong lều nằm với An Yên để cho con bé ngủ. Tú chưa muốn ngủ, và cũng chưa muốn vào trong lều trong lúc này nên Tú ngồi ở ngoài ngắm ra biển.

Thật ra đại dương biển cả vào ban đêm còn đáng sợ hơn ban ngày gấp trăm lần.

Tú nhìn lên trời. Hôm nay trời nhiều sao, thứ mà ở thành phố ít có cơ hội mà thấy được. Tiếng sóng biển vỗ về vào bờ như tiếng ru thần kỳ làm con người ta muốn ôm ai đó mà ngủ. Tú đưa mấy ngón tay lên chạm vào môi mình và nhớ về chuyện xảy ra lúc nãy. Phải chi đó không chỉ là một trò chơi. Phải chi Tú có thể ôm hôn Nhi trước bãi biển thơ mộng này.

Đến khi nào thì ước mơ không còn là mơ ước nữa?

Nghe tiếng lục cục ở phía sau, Tú xoay lại thì thấy Nhi đang cúi người bước ra khỏi chiếc lều. Nhi đến ngồi cạnh Tú, rồi cũng đưa mắt ra nhìn phía chân trời đen nghịt. Cả hai không nói lời gì trong một thời gian dài. Dường như Nhi cũng chất chứa nhiều tâm sự.

“An Yên ngủ rồi hả Nhi?” Tú lên tiếng hỏi.

“Ngủ rồi. Vui chơi cả ngày nên vừa nằm một hồi là ngủ ngay.” Nhi nói.

Cả hai lại lặng thinh, trả lại âm thanh cho những cơn sóng. Tú bốc lên một nắm cát trong tay và cho cát từ từ rơi xuống. Cứ như thế làm đi làm lại, cho đến khi có đủ dũng khí để hỏi Nhi một câu.

“Em đã từng yêu ai đó chưa?”

Nhi nhìn qua Tú. Tú biết Nhi đang nhìn qua Tú nhưng Tú không đủ gan dạ để nhìn lại. Rồi Tú nghe Nhi trả lời.

“Nếu không tính An Yên thì chưa từng.”

Tú lấy một hơi dài. “Em nghĩ sao nếu có một người yêu một người nhưng vì nhiều lý do mà không thể nói ra?”

“Người đó đã chắc chắn về tình cảm đấy chưa?” Nhi hỏi.

“Đã chắc lắm rồi. Ngày nào cũng được nhắc nhở về cái cảm giác ấy.” Tú vẽ một hình trái tim trên cát.

“Vậy thì với lý do gì mà lại sợ?”

“Nhiều lý do phức tạp mà nói ra không phải ai cũng hiểu. Người đó sợ nói ra rồi thì cả một cái nhìn cũng không thể nhìn nữa.”

“Thế thì đừng nói.”

“Em nghĩ thế sao?” Lúc này Tú mới nhìn sang Nhi.

“Đừng nói.” Nhi lập lại. “Biết đâu người kia cũng chưa muốn nghe hoặc chưa sẵn sàng.”

Tú gật đầu. “Em nói đúng. Nhưng người đó chỉ muốn biết rằng với một trăm phần trăm, thì người đó có phần trăm nào cơ hội hay không?”

Nhi không trả lời Tú. Tú biết mình đã trông mong quá nhiều. Hình trái tim trên cát lúc nãy Tú vẽ, giờ Tú cho thêm một đường dài ngay giữa. Từ đầu đã không có cơ hội mà.

Nhi đứng dậy rồi đi vào trong lều. Tú thở dài nhìn lên bầu trời. Những ngôi sao lúc nãy giờ đây cũng bị mây che mất. Sao lúc chiều còn có cảm giác như đã chiến thẳng tất cả, giờ đây lại cảm thấy như bị thả xuống tận vực sâu.

Đêm nay chắc là một đêm dài.

“Tú à?” Nhi gọi nhỏ từ phía sau làm Tú bất ngờ. Quay người lại, Tú thấy Nhi đang ló đầu từ trong lều nhìn ra. Đầu tóc có hơi rối, da có hơi ửng đỏ vì dang nắng cả ngày, nhưng Tú yêu tất cả những thứ ấy.

Tú mỉm cười. Làm bạn cũng được. Chỉ cần có thể ở cạnh và quan tâm đến Nhi là Tú đã thấy mãn nguyện.

“Tú?” Nhi gọi lần nữa.

“Tú nghe đây.”

“Em thấy... Nếu như chỉ có một phần trăm cơ hội thì người đó cũng đừng nên bỏ cuộc. Biết đâu có một ngày, người kia sẽ sẵn sàng và một phần trăm đó sẽ trở thành một trăm phần trăm.”

Tú đã đáp xuống vực thẳm rồi.

Nhưng lúc này ánh mặt trời đã chiếu sáng cứu rỗi Tú dưới vực thẳm lạnh lẽo đó.

-Hết chap. 10-

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.