Nắm Tay Em Tìm Bầu Trời Nhỏ An Yên

Chương 1: Sợi chỉ đỏ




Tiếng chuông báo thức từ điện thoại đánh thức Nhi dậy khỏi một giấc ngủ sâu. Dụi mắt, Nhi với lấy cái điện thoại trên bàn ngủ để tắt đi tiếng chuông đáng ghét ấy. Giấc mơ đẹp đang mơ đã bị cắt ngắn. Xung quanh Nhi bây giờ không phải là một bờ biển mà là bốn bức tường của thực tế.

Chỉ mới 6 giờ rưỡi sáng.

Nhi vươn vai rồi thở dài, ước gì hôm nay không phải là thứ Hai.

Nhi muốn được ngủ nướng, muốn được nằm trên giường cho tới khi nào hết mệt thì thôi, nhưng trách nhiệm không cho phép Nhi làm thế.

Cảm giác cả người uể oải, nhưng Nhi cũng cố bước xuống giường rồi đi vào nhà tắm. Trên đường đi tiện tay với lấy sợi thun trên bàn để cột gọn mái tóc dài ngang lưng của mình.

Vào nhà tắm, Nhi nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân. Nhìn vào gương để nhìn bộ dạng của mình trông tệ như thế nào, Nhi thấy đôi mắt hai mí to của mình nay đã có thêm vài đường mí. Làn da trắng của Nhi cho thấy rõ quầng thâm dưới mắt, kết quả của mấy đêm liền không ngủ đủ giấc. Thở dài, Nhi vội đi ra và vào phòng để thay đồ, mặc vào chiếc đầm màu xanh biển yêu thích của mình mà nay Nhi cảm thấy đã hơi rộng. Dạo này lại ốm hơn tí rồi. Bước đến bàn trang điểm, Nhi thoa lên tí kem chống nắng khắp mặt và cổ, một tí son màu hồng lợt lên môi, rồi vội ra ngoài để ghé vào một căn phòng đối diện phòng mình, nơi mà có lý do vì sao những đêm qua Nhi không thể chợp mắt.

Nhẹ nhàng mở cửa, Nhi nhìn vào chiếc giường nhỏ trong căn phòng màu xanh lam. Vẫn yên ắng và tĩnh lặng. Nhi bước vào trong và tiến đến chiếc giường. Con bé vẫn đang ngủ say như thiên thần, tay vẫn ôm con thỏ bông mà con bé vẫn ôm ngủ từ nhỏ.

Nhi nhìn vào đồng hồ trên tường, kim chỉ 7 giờ kém 5.

Nhi ngồi xuống cạnh chiếc giường và đặt một nụ hôn lên má của con bé. Hai má con bé phúng phính, nhưng đỏ ửng do nhiệt độ thân thể đang nóng vì sốt. Nhi lấy tay đặt lên trán của con bé, so sánh nhiệt độ của hôm nay và hôm qua thì thấy có phần nào đó đỡ hơn nhiều. May quá, Nhi nghĩ, như vậy đi làm cũng thấy an tâm hơn.

Nhi đi ra khỏi phòng và đóng cửa lại rồi xuống nhà để chuẩn bị đi làm. Xuống nhìn khắp nhà không thấy mẹ đâu, Nhi nhìn ra ngoài sân thì thấy thấy mẹ đang tưới nước cho mấy chậu hoa lan của mẹ.

“Chào mẹ.” Nhi nói, rồi rẽ vào nhà bếp mở tủ lạnh tìm nước uống.

Thấy Nhi thức sớm hơn mọi ngày, mẹ hỏi. “Hôm nay con dậy sớm thế? Đã đến giờ đi làm đâu?”

“Hôm nay có khách hẹn trước giờ làm việc. Người ta hỏi con có thể gặp sớm không vì họ cũng phải đi làm. Con đành đồng ý.” Sau khi uống nước, Nhi đóng tủ lạnh lại và lấy cái áo khoác để trên yên xe mặc vào.

“Làm gì thì làm, vẫn phải giữ gìn sức khỏe con nhé. Sắp hai mươi lăm rồi, đừng để mẹ lo hoài chứ. Con gầy nhiều rồi đấy.”

“Mẹ đừng lo, con tự lo được mà. Thôi con đi kẻo trễ.” Nhi đội mũ bảo hiểm và cầm chùm chìa khoá để trên nóc tủ giày. “Mẹ trông An Yên hộ con.”

“Ừ, con đi cẩn thận. Lát An Yên dậy rồi mẹ đút cháo nó ăn.”

Chào mẹ, Nhi dắt xe ra khỏi nhà và chạy đi. Trời buổi sáng sớm của tháng Hai khá mát mẻ, làm Nhi cũng thấy dễ chịu hơn khi chạy xe. Sống ở cái đất Sài Gòn này cũng được hơn mười năm, nhưng Nhi luôn nhớ những mùa lạnh ở Hà Nội. Sài Gòn thì quanh năm là mùa nóng, chỉ vào những dịp cuối năm thì mới có chút gió lạnh. Chạy xe tới đầu đường, Nhi dừng lại ở một xe bánh mì và mua một ổ bánh mì xíu mại mang theo. Đường từ nhà chạy tới công ty cũng tầm 15 phút, một tay Nhi cầm lái, tay còn lại ăn bữa sáng của mình. Thật ra cũng có thể đợi đến công ty mà ăn, nhưng mà Nhi muốn thưởng thức ổ bánh mì khi nó còn nóng giòn.

Khi đến công ty cũng là lúc Nhi vừa ăn xong. Gọi là công ty nghe thật lớn, nhưng mà nơi Nhi làm chỉ là một văn phòng nhỏ Nhi thuê lại trên tầng 12 của một toà nhà. Mới đầu Nhi cũng chỉ tính tìm một cửa tiệm nhỏ ở đâu đó để thuê, nhưng Nhi lại thích cái ý tưởng có một văn phòng thật cao. Khách tìm đến khi đi thang máy từ tầng trệt đến tầng 12 sẽ có đủ thời gian để suy nghĩ rằng có chắc chắn là muốn tìm đến Nhi giúp đỡ hay không.

Bởi công ty của Nhi làm về dịch vụ mai mối. Có lẽ, vào thời điểm này, sẽ có nhiều người suy nghĩ sao Nhi lại mở một công ty như thế. Nhưng vì Nhi cũng đã chán với việc làm quản lý ở một nhà hàng, nơi mà Nhi thấy rất nhiều người thường hay đến ăn một mình, đôi khi đưa mắt nhìn những cặp đôi có vẻ như cũng mong muốn được như họ. Sau một thời gian theo dõi, một ý định chợt loé lên trong đầu, và Nhi quyết định nghỉ làm để thành lập công ty này. Công ty được mở ra với tiêu chí giúp những ai muốn tìm cho mình một người bạn nhưng lại quá bận rộn trong cuộc sống. Lúc đầu mẹ và chị cũng không đồng ý với quyết định của Nhi, vì thời buổi này người ta có thể lên mạng mà tìm bạn, vừa nhanh mà vừa không mất tiền. Ai mà lại muốn đến một công ty để trả tiền và nhờ giúp đỡ? Nó như đi ngược với thời gian.

Nhưng Nhi vẫn giữ vững ý định của mình. Vì Nhi biết sẽ có những người giống như Nhi, có khi sẽ không có thời gian để phải lo cho những việc khác trong cuộc sống bộn bề này. Thủ tục gửi đến công ty rất đơn giản, khách chỉ cần điền hồ sơ nộp cho công ty, và nhiệm vụ của Nhi sẽ là đọc những hồ sơ ấy, cố gắng tìm kiếm hai người thích hợp nhất để sắp xếp một vài cuộc gặp mặt cho họ. Từ đó thì tuỳ vào mỗi người, Nhi chỉ có thể đưa ra lời khuyên và lắng nghe tâm sự khi họ cần. Nếu như hai người không hợp với nhau, thì trách nhiệm của Nhi là phải giúp đỡ họ cho đến khi nào tìm được một nửa kia thì thôi. Phí thì tuỳ theo thời gian của từng hồ sơ.

Nghe khó tin vậy đó, thế mà hơn một năm từ ngày thành lập công ty đến nay, Nhi cũng đã kết duyên cho khá nhiều cặp. Có vài cặp vừa bế con đến thăm Nhi để cảm ơn cũng như cho Nhi gặp mặt kết tinh tình yêu của họ. Tuy quyết định mở công ty này của Nhi khá là liều lĩnh và nó cũng không phải một ngành nghề có thu nhập cao chót vót, nhưng nó mang lại niềm vui cho Nhi, và đủ dư để lo cho An Yên.

Nghĩ tới An Yên, Nhi nở một nụ cười nhỏ. Đứa con gái mới đây đã sắp lên năm.

Chạy xe xuống tầng hầm để gửi thì thấy chỉ mới có vài chiếc xe đậu. Bác bảo vệ trông xe thấy Nhi đến sớm cũng thắc mắc hỏi. Nhi chào bác và giải thích rằng mình có hẹn với khách sớm hơn mọi ngày. Đưa tay vào cái giỏ đang đeo và lấy điện thoại ra, Nhi thấy đã gần 7 giờ rưỡi. Lật đật, Nhi chạy lại thang máy và lên công ty cho kịp giờ.

Lấy chìa khoá mở cửa, Nhi bước vào công ty và đi thẳng vào một căn phòng nhỏ, nơi làm việc của mình. Công ty của Nhi không nhiều nhân lực, chỉ có một chị làm kế toán và một chị phụ trách những việc chung. Hôm nay vì Nhi đến sớm nên hai chị vẫn chưa đi làm.

Tranh thủ thời gian khách vẫn chưa đến, Nhi lấy hồ sơ của người đó ra và đọc lại. Vị khách tên Tú, giới tính nữ, hai mươi bảy tuổi, hiện đang làm bác sĩ thú y tại một bệnh tư do chính mình mở. Phần giới thiệu bản thân, vị khách này ghi rằng mình là một người giỏi lắng nghe, khá tự lập và yêu gia đình. Sở thích được ghi là thích đi du lịch, nấu ăn, ngắm mưa, nghe những chương trình tâm sự trên đài radio. Có vẻ là một cô gái khá lãng mạn. Lật ra trang thứ hai, Nhi đọc thêm về phần giới thiệu lặt vặt. Điều gây chú ý nhất là, vị khách này có ghi một dòng chữ ở cuối hồ sơ.

Ba mẹ muốn nộp đơn nên chiều lòng ba mẹ.

Những trường hợp như thế này thì khá khó để có thể tìm cho họ một người bạn thích hợp, vì chuyện này phải chính bản thân mình muốn thì mới có kết quả khả quan, nhưng Nhi sẽ cố gắng. Hôm nay gặp mặt Nhi dự định sẽ hỏi thêm vài điều để hiểu hơn về người khách này.

Nhi đưa tay lên sờ vào mặt như thói quen và phát hiện mình vẫn chưa xong phần trang điểm. Mở hộc tủ của bàn làm việc, Nhi lấy ra một miếng dán sẹo nhỏ và dán nó lên má trái của mình.

Đây là cách Nhi sử dụng để các khách hàng đến công ty sẽ không để ý đến mình. Vì nếu nói về bề ngoài, Nhi là một cô gái khá xinh với từng nét hài hoà. Những ngày khi mới mở công ty, đã không ít khách hàng ngỏ lời muốn làm quen với Nhi. Mới đầu còn từ chối từng người, nhưng chuyện này cứ tái diễn đến nỗi Nhi phải dùng đến kế này. Nhi dán một vết sẹo giả lên má để làm cho gương mặt mình xấu đi. Và quả nhiên, sau đó chẳng còn ai hỏi đến. Nhờ vậy mà Nhi không còn sợ mang rắc rối vào mình. Nhi vừa không muốn có quan hệ tình cảm với khách hàng, vừa không muốn lao vào một mối tình nào. Nhi nghĩ cho An Yên, lỡ như người ấy không yêu thương con bé, đối xử không tốt với con bé thì sao? Rồi nếu như cứ lo yêu mà lơ là đến An Yên thì cũng tội nghiệp con bé lắm. Càng nghĩ Nhi càng chỉ muốn ở vậy nuôi con.

Ngồi đợi gần 10 phút nữa thì Nhi nghe tiếng chuông treo trên cửa reng lên, báo hiệu có người bước vào. Đứng lên chỉnh lại chiếc đầm, Nhi tiến ra ngoài đón khách. Vừa ra, Nhi thấy một người đàn ông và một người phụ nữ đã có tuổi, đang đứng xem những bức hình của các cặp đôi đã thành công được treo trên tường. Ngoài ra còn có một người, nhìn phía sau Nhi cứ tưởng là một người con trai vì vóc dáng cao, cách ăn mặc cũng như kiểu tóc để ngắn, nhưng khi người đó quay mặt lại thì Nhi mới biết là con gái. Chẳng lẽ đây là Tú?

Sao trong trí tưởng tượng của Nhi, Tú là một cô gái có nét mặt dịu dàng, tóc rất dài, rất thơ mộng. Còn người này thì tóc ngắn bồng bềnh, chân mày rậm, đôi mắt khá hút hồn, hình ảnh của người khách này có phần nào đó lãng tử. Sao Nhi cảm thấy có gì đó...không đúng lắm.

Nhi mãi lo suy nghĩ, chưa kịp nói lời chào, thì vị khách đó đã lên tiếng trước.

“Xin chào. Mình có hẹn với Nhi.” Giọng của người khách này trầm và ấm.

“Mình là Nhi đây.” Nhi trả lời.

“À chào Nhi. Mình là Tú.” Tú đưa tay ra bắt với Nhi. “Đây là ba mẹ mình, hôm nay cũng muốn đến để chắc chắn rằng mình có đăng ký và không trốn đi đâu.” Tú nháy mắt có vẻ như muốn đùa. Ba mẹ Tú chuyển sự chú ý qua Nhi và chào hỏi với Nhi. Nhìn hai bác trông rất phấn khởi. Nhi mời cả ba vào văn phòng của mình, đóng cửa lại và bật điều hoà lên. Nhi cũng không quên tiến lại phía cửa sổ và kéo màn lên để ánh nắng vào văn phòng, cho căn phòng thêm sáng sủa. Sau khi tất cả đã ngồi xuống ghế, mẹ của Tú lên tiếng đầu tiên.

“Con xem có ai thích hợp giới thiệu với Tú nhà bác với. Nó năm nay hai mươi bảy rồi mà vẫn chưa dẫn ai về ra mắt ba mẹ. Nó là con gái nữa nên bác không yên tâm lắm. Không hiểu sao nghề nghiệp cũng khá và ổn định nhưng đến giờ vẫn chưa có ai. Bác có người bạn nói rằng con gái của chỉ cũng nhờ qua công ty của con mà tìm được người yêu nên bác thúc nó đi đăng ký.”

“Mình ơi,“ ba Tú nói, “Mình cứ từ từ để cô này làm việc.”

Nhi cười. “Không sao đâu ạ, con hiểu tâm trạng của phụ huynh mà.” Rồi Nhi nhìn vào Tú. “Chào Tú, không biết ngoài những điều Tú đã ghi trong hồ sơ, thì Tú có muốn yêu cầu hay bổ sung gì thêm không? Có điều gì mình cần biết thêm để mình có thể chọn ra một vài người tốt nhất cho bạn gặp mặt?”

Tú nhìn Nhi một hồi như suy nghĩ gì đó, rồi hỏi. “Có thể nào chỉ gặp nhau mỗi tuần một lần là được không? Vì mình cũng bận lắm.”

“Cái này khi Tú gặp người thích hợp rồi thì tùy hai bạn chọn và xắp sếp thời gian gặp nhau.” Nhi trả lời.

“Con bé này, như vậy thì làm sao phát triển tình cảm.” Mẹ Tú nói.

“Mẹ à, tìm người yêu bằng cách này thì cũng làm sao phát triển tình cảm.” Tú nói với mẹ.

Nhi cũng đoán được ca này không hề dễ vì người đăng ký hoàn toàn không tự ý mà chỉ chiều lòng bố mẹ. Nhưng nghe Tú nói như vậy thì Nhi cảm thấy hơi tự ái. Dù sao công ty của Nhi cũng đã giúp được cho nhiều người.

“Tú đừng nghĩ vậy nhé. Mình đã giúp được rất nhiều cặp đôi rồi đấy.” Nhi vừa nói vừa gượng cười.

“Nhi có chắc chắn rằng họ sẽ sống cùng nhau đến răng long đầu bạc không?” Tú hỏi, như thử thách Nhi đưa ra câu trả lời xác thực cho việc đó.

“Chưa có cặp nào chia tay cả.” Nhi trả lời tự tin.

Tú nhún vai. “Không đoán được tương lai.”

“Vậy cho mình xin hỏi, bạn có muốn mình giúp hay không?” Nhi hỏi, bỗng có tí bực bội vì vị khách này có vẻ như không tin tưởng vào khả năng làm việc của Nhi cũng như là công ty.

“Có! Có chứ!” Mẹ Tú vội vã nói với Nhi rồi quay sang mắng Tú. “Tú! Mẹ nói rồi, nếu trong năm nay con không dẫn ai về giới thiệu với ba mẹ là ba mẹ hứa gả con cho con trai của thím có vựa gạo ngoài chợ đó nha. Thím ấy hỏi mẹ lâu rồi.”

Nghe tới đây Tú liền thở dài. “Mẹ à, thời đại này mẹ còn hứa hôn nữa sao. Con không thích. Đâu phải nói cưới là cưới. Phải có tình cảm chứ.”

“Mẹ chỉ lo cho con gái sau này không có chỗ dựa.” Mẹ Tú chau mày, như trách Tú tại sao không hiểu cho nỗi lòng của một người mẹ.

“Con đâu có cần dựa dẫm vào ai.” Tú lầm bầm, có vẻ chán ngấy với cái ý nghĩ của mẹ, rằng con gái lớn rồi thì phải lấy chồng.

Ba Tú lấy chân đá chân với Tú, nhắc nhở. Tú bặm môi, biết mình không thể nào chống đối. “Vậy Nhi cứ dựa vào những điều trong hồ sơ là được rồi.” Tú nói, đành chịu với số phận. “À, có gì nói luôn với bạn đó là mình không thích hôn hít hay nắm tay đâu. Càng không thích ôm. Nói chung là tất cả các đụng chạm thể xác.”

Nhi nhướng mày, cảm thấy cô gái này thật lạ.

“Được, mình sẽ ghi chú và cố gắng tìm những ai thích hợp với sở thích và tính cách của bạn.”

“Vậy mình xong chưa?” Tú hỏi, giọng điệu như muốn rời khỏi đây càng sớm càng tốt.

“Giờ bạn ra ngoài cho mình chụp một tấm hình thẻ nhé, rồi đóng tiền ký hợp đồng là xong. Bên mình sẽ lo hết. Quán ăn địa điểm gặp mặt cũng sẽ do bên mình lo chi phí. Khi bạn cảm thấy hợp với một người nào đó thì lúc đó nhiệm vụ của bên mình mới xong.”

Tú nhoẻn miệng cười. ”Chắc là phải gặp rất nhiều người rồi.” Xong trong đầu có câu hỏi mới, Tú lên tiếng hỏi. “Rồi làm sao chắc chắn được người đó không phải kẻ giết người hay một tên biến thái nào đó?”

“Tú đừng lo, bên mình kiểm tra kĩ lắm. Gia thế của những người đăng kí đều được bên mình đi tìm hiểu trước khi sắp xếp gặp mặt. Như Tú, mình được biết bạn là con một trong gia đình, lấy bằng bác sĩ thú y và có một thời gian làm việc ở nước ngoài trước khi về nước mở bệnh viện thú y riêng. Tài chính dư dả đủ cho bạn vừa sắm tặng ba mẹ một chiếc xe hơi mới có đúng không?”

“Chà, cũng hay đấy.”

“Cho nên Tú cứ yên tâm với công ty của mình nhé, mình uy tín lắm.”

Tuy nét mặt Tú có chút hơi khó hiểu, nhưng Tú cũng gật đầu. Nhi đứng dậy, hướng dẫn Tú ra ngoài, nơi mà có một tấm bảng màu trắng để chụp hình. Chụp xong, Tú và mẹ của mình tranh nhau thanh toán tiền phí cho Nhi, và dĩ nhiên mẹ là người luôn luôn thắng. Mẹ Tú chọn hẳn gói đặc biệt cho con gái của mình. Có nghĩa là, Nhi sẽ có trách nhiệm với khách hàng này cho đến khi khách hàng đồng ý thì thôi. Nhi cũng sẽ có trách nhiệm thường xuyên gặp gỡ khách hàng để trao đổi, góp ý, giúp đỡ, và làm tròn trách nhiệm của một người mai mối.

Đó giờ chỉ có khoảng năm người đóng tiền cho gói đặc biệt. Bốn người trong số họ đều rất khó tính, và ca nào cũng phải mất vài tháng thì họ mới hài lòng. Người còn lại thì huỷ hợp đồng giữa chừng với lý do rằng đã có người yêu đồng giới tính và chỉ muốn tìm một ai đó che đậy đi mối quan hệ của mình. Nhưng sau nhiều đêm nằm suy nghĩ cảm thấy làm như vậy rất tồi và không công bằng cho mọi người nên đã quyết định rút hồ sơ.

Còn Tú, Nhi không biết vị khách này sẽ mất bao lâu.

Khi cả nhà họ ra về, thấy có thời gian rảnh, Nhi gọi điện về cho mẹ hỏi thăm tình hình của An Yên.

“An Yên dậy chưa mẹ?”

“Rồi, nó đang ngồi ăn cháo, ngoan lắm.”

“Mẹ đưa điện thoại hộ con.” Sau khi nghe tiếng chuyền điện thoại, Nhi nói. “An Yên à, mẹ đây. An Yên ăn cháo có ngon không?”

“Cháo của bà ngon lắm ạ.” Con bé nói, giọng ngọng nghịu pha lẫn giữa hai miền Nam Bắc.

“An Yên ăn ngoan, chiều mẹ về mẹ mua mì hoành thánh cho con ăn nhé.”

“Dạ vâng ạ.”

“Có muốn nói gì với mẹ nữa không?” Nhi hỏi.

Chờ một vài giây sau, con bé lên tiếng. “Tối qua An Yên lại thấy mẹ Hạ.”

“Trong giấc mơ của con à?”

“Mẹ Hạ tặng cho con một đoá hoa.”

“Con có nói con yêu mẹ Hạ không?”

“Có ạ.”

“Ngoan. Thôi mẹ cúp máy nhé. Con ở nhà nghe lời bà.”

“An Yên chào mẹ.”

Cúp máy, Nhi nhìn vào tấm hình của An Yên được đặt trên bàn. Đứa con gái này cũng sắp năm tuổi rồi. Và cũng đã gần bốn năm Hạ ra đi.

Nhi nhớ lại người bạn thân của mình mà mắt ngấn lệ vì xúc động. Từ lúc học cấp hai thì Nhi và Hạ đã là đôi bạn rất thân. Hạ mồ côi cha mẹ nên từ nhỏ đã sống với dì. Dì của Hạ thì đã già, cũng không mấy yêu thương cho nên Hạ sống rất thiếu thốn tình cảm của gia đình. Lên cấp ba, Hạ luôn lao vào những mối tình mà Hạ cho rằng người con trai ấy rất yêu mình, chỉ để cuối cùng là mang về sự đau khổ, mặc cho Nhi hết mực khuyên bảo.

Năm hai mươi tuổi cũng là năm Hạ chạy đến nhà khóc lóc với Nhi và kể rằng mình đã có thai, và dĩ nhiên rằng người con trai đó từ chối việc cái thai là của mình. Hắn là con trai nhà giàu, lớn hơn Hạ gần mười tuổi, đã có bạn gái và gia cảnh của người bạn gái này cũng rất khá giả. Từ đầu khi Hạ quen người này, Nhi đã biết Hạ sẽ không nhận được cái kết tốt đẹp như mong muốn. Nhưng những lời mật ngọt của hắn ta làm Hạ xiêu lòng và bỏ ngoài tai hết tất cả những lời khuyên răn từ Nhi, từ mọi người.

Đến cuối cùng, Hạ bị hắn bỏ rơi khi Hạ phát hiện mình mang thai hơn bốn tháng. Do không nỡ bỏ đứa con này, và với suy nghĩ rằng nếu như sinh đứa bé ra thì hắn ta sẽ quay lại với Hạ, nên Hạ quyết định giữ đứa bé. Tưởng rằng cái giai đoạn quyết định khó khăn đã qua, thế mà ông trời thật bất công, trong lúc mang thai Hạ lại phát hiện mình bị ung thư xương khi cái thai qua tháng thứ năm. Bác sĩ đã đưa ra lời khuyên bỏ đứa bé để Hạ có thể làm hoá trị duy trì sự sống, nhưng Hạ không muốn dứt bỏ đứa con đã ở với mình trong suốt năm tháng. Thế nên hằng ngày, Hạ ráng chống chọi với bệnh tật, không thuốc thang không hoá trị để cái thai được phát triển an toàn.

Ngày sinh đứa bé, Hạ đặt tên cho con bé là An Yên, với hy vọng rằng cuộc sống của con bé sẽ được an lành và bình yên hơn mình. An Yên sinh ra chỉ nặng vỏn vẹn một kí mốt, chỉ nằm trong bụng mẹ được bảy tháng là phải ra đời.

Lúc ấy, con bé phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt suốt gần một tháng. Hạ sau khi sinh liền bắt đầu làm hoá trị liệu để chữa bệnh nên không thể cho An Yên bú. Những ngày ấy, Nhi vừa đi học, vừa đi làm thêm, xong xuôi mọi việc lại vào bệnh viện túc trực giúp Hạ chăm sóc cho An Yên. Cũng may Nhi có mẹ giúp đỡ, cách ngày là vào thăm, giúp Nhi chăm sóc cho con bé. Hằng ngày Nhi đều mang bình sữa đi khắp các phòng xin sữa mẹ cho An Yến uống. Con bé sinh thiếu tháng, nên cho dù cực cách mấy Nhi cũng muốn An Yên được uống sữa mẹ. Biết được hoàn cảnh của mẹ con Hạ, những người mẹ ở bệnh viện đều vui vẻ tặng sữa cho con bé.

Đến khi An Yên có đủ sức khoẻ để xuất viện, Nhi quyết định mang con bé về nhà chăm sóc giúp Hạ cho tiện, trong khi Hạ thì vẫn phải ở lại bệnh viện để chữa bệnh.

Mấy ngày đầu khi mới mang An Yên về nhà, Nhi hoàn toàn lạ lẫm với việc chăm sóc cho một đứa trẻ sơ sinh mà không có sự giúp đỡ của các cô y tá ở bệnh viện. Chăm được vài ngày Nhi mới cảm thấy rằng việc này không hề dễ dàng tí nào. An Yên rất hay quấy khóc buổi tối, và khi con bé bú sữa thì một bình nhỏ thôi cũng bú rất lâu. Có nhiều đêm Nhi vừa phải học bài để hôm sau đi thi, vừa phải ru cho An Yên ngủ. Mẹ cũng giúp Nhi nhiều lắm, nhưng vì mẹ đã bận với An Yên cả ngày nên vào buổi tối Nhi muốn để mẹ ngủ cho ngon. Nhiều khi yếu đuối vừa nhìn con bé mà Nhi vừa khóc. Khóc cho người bạn của mình từ ngày sinh An Yên đến giờ vẫn chưa được gần con quá lâu, khóc cho An Yên vừa mới ra đời đã không có cơ hội được gần và bú sữa mẹ. Khóc vì cảm thấy bản thân thật sự bất lực.

Nhưng dần Nhi cũng làm quen được với việc này. Có lẽ con bé cảm nhận được và hiểu rõ thân phận của mình. An Yên ít quấy khóc hơn, và cũng bắt đầu bú rất ngoan. Những ngày trong tuần, Nhi đi học, đi làm về là tranh thủ ghé vào thăm Hạ. Cuối tuần thì mới được dịp bế An Yên vào viện thăm mẹ Hạ.

Cứ như thế kéo dài gần một năm. Bệnh tình của Hạ tuy làm hoá trị nhưng sau một thời gian cũng không thấy tình hình khả quan hơn. Khi biết mình sắp không chống chọi được lâu nữa, Hạ đã tâm sự với Nhi suốt cả buổi tối. Hạ hy vọng Nhi có thể nhận An Yên về nuôi như con của mình. Vì Hạ mồ côi cha mẹ, người dì lại ngoài bảy mươi, chẳng có ai Hạ có thể yên tâm giao đứa bé cho cả. Lúc Hạ đưa ra ý định đó với Nhi, Nhi cũng rất bất ngờ và cũng suy nghĩ nhiều lắm. Nhi chỉ mới hai mươi mốt tuổi, chưa đủ lớn để gánh vác một trách nhiệm quá lớn lao này. Làm sao có thể nuôi một đứa bé khi chính mình vẫn còn là một đứa con nít?

Tối hôm đó khi đi về nhà, Nhi đã suy nghĩ suốt cả quãng đường. Có thể nào tìm đến hắn ta, bố của An Yên? Nhưng nếu hắn ta không nhận con, và nếu sau này Hạ mất đi thì cơ hội lớn là người ta sẽ đưa An Yên vào cô nhi viện hay những trung tâm bảo trợ trẻ em, lại sống một cuộc sống như mẹ của nó. Nhi chăm sóc cho An Yên cũng đã gần một năm, đã lỡ thương, thử hỏi làm sao đành lòng để con bé vào trung tâm bảo trợ trẻ em. Người đàn ông kia trên danh nghĩa mang tiếng là cha của đứa trẻ cũng không đáng tin vì từ những ngày đầu hắn đã ruồng bỏ đứa con này.

Thế nên sau vài ngày nài nỉ và cuối cùng cũng nhận được sự ủng hộ của mẹ và chị, Nhi nhận An Yên làm con nuôi để hoàn thành tâm nguyện của người bạn thân. Bây giờ, An Yên đã có một mái ấm, có mẹ, có dì, và có bà ngoại thương yêu.

Tiếng chuông reng ngoài cửa đưa Nhi ra khỏi những suy nghĩ về quá khứ. Đi ra ngoài văn phòng, Nhi thấy chị Trang và chị Diễm đã đến. Hôm nay chị Trang, kế toán của công ty, mang vào một giỏ nho trông rất ngon mà chị bảo rằng lúc sáng đi chợ sớm mới mua được với giá tốt. Chị đưa cho Nhi một bịch, nhờ Nhi gửi biếu mẹ.

Công ty của Nhi tuy nhỏ, nhân sự cũng ít, nhưng được cái ai cũng thân như người nhà.

Nhi trở lại văn phòng và bắt đầu xem xét số hồ sơ mà gần đây công ty nhận được. Độ tuổi trẻ nhất là hai mươi mốt và cao nhất là bốn mươi ba. Nhìn qua thì thấy có hai người có vẻ thích hợp. Một bạn hai mươi bảy tuổi, cũng bằng tuổi Tú, đang làm DJ ở một quán bar. Người còn lại ba mươi ba, hiện đang làm tại một ngân hàng. Trong hồ sơ của họ có ghi một vài sở thích khá giống với Tú. Nhi đã tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của hai người này và lý lịch hoàn toàn sạch sẽ. Trong hồ sơ, anh bạn DJ có ghi rằng tuy là làm việc ở một môi trường không phải là không có cơ hội tìm bạn, nhưng anh ta muốn tìm một người hướng đến một mối quan hệ nghiêm túc và lâu dài. Anh ta đã chán ngấy những mối tình trong quán bar, mà anh cho rằng những cô gái ở đó chỉ luôn đùa cợt với tình yêu. Còn anh bạn làm tại ngân hàng thì có một cuộc sống khá bận rộn, và cũng không giỏi làm quen bạn mới nên mới tìm đến công ty giúp đỡ. Quyết định cho anh chàng DJ và Tú gặp gỡ đầu tiên, Nhi liền gọi điện liên lạc với anh chàng kia. Sau năm tiếng reng, anh ta bắt máy với giọng còn ngái ngủ. Nhi liền cảm thấy có lỗi vì có thể đêm qua anh ta làm việc rất khuya.

“Xin lỗi bạn, mình gọi điện hơi sớm, nhưng mình từ công ty Sợi Chỉ Đỏ. Tuần trước bạn nộp hồ sơ, hôm nay mình nghĩ mình có một bạn thích hợp và muốn sắp xếp cho hai bạn gặp mặt.”

“Công ty gì?” Anh ta hỏi, chưa tỉnh ngủ.

“Công ty mai mối Sợi Chỉ Đỏ đây ạ.”

“À, rồi, bên bạn cứ sắp xếp đi ha, sao cũng được.” Nói rồi anh ta cúp máy, không một lời chào hỏi. Có hơi bất ngờ, nhưng Nhi cũng không dám trách vì dù sao Nhi cũng gọi hơi sớm.

Liên lạc xong với bạn DJ này, Nhi mở tập hồ sơ của Tú ra lần nữa để tìm số điện thoại của Tú. Nhi lưu số vào điện thoại mình rồi bấm nút gọi. Nhưng chuông reo mãi mà Tú không bắt máy, Nhi đành tắt cuộc gọi và gửi cho Tú một tin nhắn.

Mình là Nhi của công ty Sợi Chỉ Đỏ. Khi nào rảnh bạn gọi lại cho mình nhé.

Tin nhắn được gửi đi và chưa đầy một phút sau, Nhi nhận lại cuộc gọi từ Tú. Vừa bắt điện thoại, Nhi đã nghe được tiếng chó sủa ở bên đó.

“Xin lỗi, Nhi gọi mình hả?”

“Mình gọi để nói chuyện về buổi gặp gỡ đầu tiên của bạn. Bạn có rảnh để nói chuyện không?”

“Nhi đợi chút.” Tú nói, rồi Nhi nghe thấy tiếng ồn càng ngày càng nhỏ, và cuối cùng là nghe tiếng đóng cửa.

“Mình vừa cho tụi nhỏ ăn, mà thấy số lạ gọi tới nữa nên không bắt.”

“À không sao. Mình chỉ muốn hỏi là tối ngày mai hay mốt bạn có rảnh không? Mình muốn sắp xếp một cuộc gặp gỡ cho bạn.”

“Uhm... Người kia như thế nào?”

“Bằng tuổi bạn, làm DJ.”

“DJ à? Cũng thú vị nhỉ.”

“Vậy Tú chọn ngày mai hay mốt?”

“Mai cũng được.”

“Okay. Vậy mình sẽ sắp xếp nhé. Có gì chiều tối mình thông báo với Tú một lần nữa.”

“Cho mình hỏi là buổi gặp gỡ này chỉ có hai người thôi hả?”

“Đúng rồi bạn. Sẽ chỉ có hai người thôi.”

Tú im lặng một vài giây như để suy nghĩ việc gì đó rồi nói tiếp. “Vậy không biết mình muốn Nhi đi với mình có được không? Mình chưa quen với mấy việc này lắm.”

Lời đề nghị chợt đến làm Nhi không biết trả lời như thế nào.

“Nếu Nhi cần, mình có thể trả thêm tiền, xem như là làm việc ngoài giờ.”

“Không phải là chuyện đó. Chỉ là...” Nhi nghĩ đến An Yên. Nếu đi tối thì An Yên ở nhà ra sao, Nhi đã đi làm cả ngày không có thời gian bên con bé rồi. Nhưng Tú là người khách đặc biệt của công ty, từ chối cũng không được.

“Okay Tú.” Nhi nói, đành đồng ý. “Mình sẽ đi với bạn, nhưng mình giới thiệu xong thì ngồi ở một bàn khác nhé. Để hai bạn tiện nói chuyện.”

Sau khi hai bên đồng ý, Nhi cúp máy, kết thúc một buổi sáng với vị khách kì lạ.

***

Tú đi qua lại trong văn phòng của mình. Vậy là ngày mai phải đi “xem mắt” rồi. Tú càng nghĩ đến chuyện này thì càng cảm thấy nó nực cười, vì Tú biết có đi gặp bao nhiêu người thì cũng sẽ không có kết quả. Tú biết bản thân mình muốn gì, và những gì Tú muốn chắc chắc không nằm trong những người công ty Sợi Chỉ Đỏ đã chọn và sẽ chọn. Toàn bộ vấn đề đều nằm ở chỗ, những người Tú sắp phải gặp đều không nằm ở giới tính làm Tú rung động.

Tú là con gái, và từ lúc nhận thức được tình cảm thì Tú chỉ có cảm giác với những người con gái khác.

Hồi học cấp ba thì Tú cũng được khá nhiều bạn trai theo đuổi. Thời ấy mái tóc của Tú còn dài, không phải ngắn như bây giờ. Với đôi mắt to bồ câu và sóng mũi cao thanh thoát, cũng hiểu được vì sao các bạn trai đều chú ý đến Tú. Nhưng các bạn ấy không biết rằng, Tú cũng chỉ để ý đến các bạn nữ khác mà thôi. Những tình cảm gà bông của thời học sinh, Tú đều trải qua đủ, nhưng Tú luôn giấu trong lòng, vì Tú biết cái tình cảm của mình, nói ra sẽ bị phản đối và từ chối nhiều hơn là chấp nhận.

Năm mười tám tuổi lên đại học thì Tú qua Úc du học. Ở bên đó, Tú được tự do hơn, và cũng không bị gò bó trong bộ đồng phục áo dài của trường cấp ba nữa. Tú đi cắt tóc và thay đổi phong cách ăn mặc. Không còn nữ tính so với Tú của trước đây, nhưng Tú cảm thấy tự tin và thoải mái hơn rất nhiều. Về phần ba mẹ, cả hai vào thời gian đầu đều không quen, mẹ còn giận Tú mấy ngày, không chịu nói chuyện điện thoại vì Tú cắt đi mái tóc dài mà mẹ luôn muốn Tú để. Nhưng rồi thời gian cũng xoa dịu những nỗi buồn và ba mẹ cũng quen dần với hình ảnh mới của Tú, tuy thỉnh thoảng mẹ vẫn hay nói với Tú, “Ước gì con để lại tóc dài.”

Với phản ứng của ba mẹ như vậy, dĩ nhiên là Tú vẫn giấu họ về việc mình thích con gái.

Học xong đại học, Tú đi làm gần một năm để tích luỹ thêm kinh nghiệm rồi liền quay về Việt Nam. Mặc dù ở nước ngoài Tú được tự do hơn, nhưng Tú nhớ ba mẹ, nhớ nhà, nhớ Sài Gòn. Mỗi lần về thăm ba mẹ là lại không muốn đi tiếp. Thế nên khi có cơ hội quay về luôn, Tú quyết định dọn dẹp đồ và trở về với gia đình. Bảy năm ở nơi đất khách quê người cũng đã quá đủ.

Năm hai mươi lăm tuổi Tú trở về và mở bệnh viện thú y của riêng mình. Tú vừa chữa bệnh cho thú cưng của mọi người, vừa cứu trợ và cưu mang các bé không nhà không chủ. Cuộc sống bận bịu, cho nên đến tận bây giờ ở tuổi hai mươi bảy, Tú vẫn chưa chính thức có người yêu. Khi ở bên Úc, Tú cũng quen biết vài người bạn học chung trường, nhưng Tú đều không cho mình dành quá nhiều tình cảm vào họ vì Tú biết sẽ có một ngày rồi mình cũng sẽ quay đi. Những cái hôn, những lời hứa cũng chỉ là thoáng qua. Có lẽ vì sự ích kỷ đó của Tú mà giờ đây chẳng ai còn liên lạc với nhau.

Tiếng điện thoại của Tú lại reo lên và lần này là của một người khách quen. Giọng hối hả, người khách đặt lịch tối nay sẽ mang con mèo nhà mình đến mổ lấy mèo con và triệt sản. Tú cho người khách đó cái hẹn rồi đi ra ngoài, tiếp tục một ngày của mình.

Ngày mai, có thể cuộc sống của Tú sẽ bắt đầu bị xáo trộn hơn. Công ty Sợi Chỉ Đỏ đâu có ngờ, Tú sẽ không bao giờ hài lòng với những người mà họ sẽ cho Tú gặp mặt. Bước đi đầu tiên đã sai, thì làm sao mang lại kết quả đúng cuối cùng. Tú sẽ không nói gì hết, và hy vọng rằng qua một thời gian mẹ sẽ bỏ cuộc.

Rồi Tú và cái công ty đó có thể đường ai nấy đi.

-Hết chap.1-

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.