Mười Tội Ác 1: Bóng Ma Đêm Mưa

Chương 10: Chân tướng




Đích đến của quá trình tìm kiếm chính là điểm xuất phát khi bắt đầu – Thomas Stearns Eliot.

Đây chính là hiện trường thứ nhất của vụ hung án giết người xẻ thây.

Mùi thối nồng nặc bủa vây khắp gian phòng. Bát đũa ngổn ngang trên bàn, những món ăn vốn rất thịnh soạn giờ đều đã rữa nát, biến chất.

Bao Triển chú ý đến một chi tiết: Trong phòng có ba người chết nhưng trên bàn lại bày những bốn đôi đũa!


Cảnh sát dùng máy cưa để mở khóa chống trộm, rồi lấy búa đập vỡ cánh cửa bên trong. Một mùi hôi thối khiếp người xộc thẳng vào mũi, dòi bọ bò lổm ngổm đến nỗi không còn chỗ trống mà đặt chân. Tô My chụp một vài bức ảnh, gập người cố nén cảm giác buồn nôn. Bao Triển thay bộ trang phục cách ly P3 loại dùng một lần, đeo găng tay cao su không bột, xách theo hộp đựng dụng cụ giám định bước vào trong phòng.

Họa Long theo sau, anh chỉ lên bàn ăn đầy thức ăn đã rữa nát và pha trò: “Ồ! Bốn món mặn, một món canh! Đúng là đãi ngộ dành cho các cán bộ ở nông thôn nhá!”

Chuyên gia giám định cúi xuống nhìn, nói: “Toàn thịt người đấy! Anh muốn nếm thử không?”

Bao Triển lấy kẹp thận trọng gắp mấy con dòi, bỏ vào túi đựng tang vật. Một bác sĩ pháp y đi ra đóng chặt cửa lại để đề phòng ruồi nhặng bay ra ngoài. Ruồi nhặng và dòi bọ trên hiện trường vụ án có thể giúp cảnh sát phán đoán thời gian tử vong.

Sau khi hoàn tất quá trình giám định hiện trường ở phòng khách, Họa Long nhẹ nhàng mở cửa phòng tắm. Một cảnh tượng rùng rợn đập thẳng vào mắt anh!

Cảnh tượng ấy thê thảm khiến người ta phải ngoảnh mặt quay đi mà vẫn thấy da đầu tê bì. Nước hòa lẫn máu trong bồn tắm đã biến thành màu đen, bề mặt đông đặc. Trong bồn có ba người chết, một phụ nữ, một bé gái và bộ khung xương của một thi thể không đầu. Vào khoảnh khắc cánh cửa bật mở, lũ ruồi nhặng túa ra như ong vỡ tổ, tiếng đập cánh nghe “ong ong”. Lũ ruồi bay đi để lộ ra ba thi thể đã phân hủy ở mức độ cao. Phần biểu bì và các tổ chức tế bào của tử thi đã mềm nhũn, chảy kéo sợi như kẹo mạ, một cánh tay buông thõng ngoài bồn tắm, bề mặt da sùi bong bóng thể hiện quá trình rữa nát rất rõ ràng. Phần ngực và phần mặt của tử thi chi chít lỗ thủng nhỏ, dòi chui ra lúc nhúc.

Trên nền nhà tắm là dịch lỏng vàng khè chảy ra sau khi tử thi rữa nát, chúng hòa lẫn với máu tạo thành màu vàng cam trông đến ghê tởm.

Cạnh bồn tắm có một con dao gọt hoa quả.

Điều tra viên còn phát hiện thấy hai con dao đang nằm trên thớt, một con dao thái rau và một con dao chặt xương, trên lưỡi dao đều đọng vết máu. Xem ra đó chính là hung khí được hung thủ sử dụng để chặt xác nạn nhân.

Cửa sổ phòng bếp không có rèm, ngoài cửa sổ là một tòa nhà khác. Chúng ta có thể tưởng tượng khi hung thủ giết người băm xác trong phòng bếp thì người láng giềng ở tòa nhà đối diện không hề nghĩ rằng miếng thịt mà hung thủ đang thái lại là thịt người.

Cạnh thùng rác đặt trong nhà bếp có một cuộn túi nilon màu đen, loại túi giống hệt với chiếc túi nilon mà hung thủ vụ băm xác 11.9 từng sử dụng để đựng hơn hai ngàn miếng tử thi.

Trên ga giường ở phòng ngủ cũng có vết máu, vết máu nằm ở gần giữa, nghiêng về phía cuối giường. Tô My chụp ảnh, chỉ vào vết máu rồi hỏi: “Sao không phải tia máu bắn tung tóe mà lại là vũng máu đọng nhỉ?”

Một nữ pháp y giàu kinh nghiệm giải thích: “Nếu nạn nhân chết trên giường là nam thì có lẽ chúng ta không thể tìm thấy dương v*t của anh ta trên thi thể. Rất có khả năng kẻ đó đã giằng đứt nó ra.”

Tô My rỉ mồ hôi lạnh, cô rùng mình: “Phải căm hận đến mức nào mới có thể trả thù dã man đến vậy!”

Nữ pháp y cười nhạt thếch: “Cũng có thể không phải là căm hận mà vì quá yêu!”

Cảnh sát lấy từng món ăn đặt trên bàn làm mẫu vật, một chuyên gia giám định xẻ đôi viên sủi cảo, trong sủi cảo lộ ra một sợi tóc hơi quăn. Nữ pháp y liếc nhìn một thoáng rồi nói với Tô My: “Giờ mọi người đã biết nhân bánh làm bằng gì rồi nhé!”

Tô My bụm miệng mà không kìm được cảm giác lợm giọng: “Oẹ! Không thể chịu nổi!”

Máy tính trong phòng ngủ vẫn bật! Tô My chụp ảnh lại rồi lấy dấu vân tay trên chuột máy tính, sau đó cô đeo găng tay lắc con chuột mấy cái, màn hình thoát khỏi chế độ tạm nghỉ và sáng lên. Nền màn hình là ảnh bông hồng mới hái đỏ thắm, nổi lên hình nền là ảnh chụp chung của một người phụ nữ và một bé gái, nom họ có vẻ là hai mẹ con.

Trên màn hình còn hiển thị một trang web được để ở chế độ thu nhỏ. Tô My mở ra thì phát hiện đó là một bức thư điện tử trống trơn.

Đột nhiên Tô My chợt nhớ ra điều gì, tinh thần cảnh giác cao độ của cảnh sát khiến cô linh cảm trong máy tính có thể sẽ lưu giữ những bí mật liên quan đến vụ án. Tô My nhấn chuột phải, chọn mục paste, trên màn hình liền hiện ra một đoạn nội dung đã được copy. Đó là một bức thư. Sau khi đọc xong, Tô My gọi mọi người lại. Bao Triển và Họa Long các điều tra viên khác lập tức chạy đến vây quanh cô.

Tô My thuật lại vắn tắt nội dung bức thư. Cô kể bằng ngữ điệu không thể tin nổi: “Trời ạ! Hai người bạn trên mạng trải qua tình một đêm. Sau đó cô gái về nhà phát hiện mình mang bầu nhưng lại không muốn bỏ cái thai đó đi. Cô âm thầm sinh con, rồi nuôi đứa bé đến năm nó bốn tuổi. Suốt bốn năm đó, anh chàng kia không hề hay biết mình đã có một đứa con. Mãi mấy hôm trước, cô gái mới nói cho anh kia biết bí mật mà mình luôn giấu kín trong lòng. Nhưng dường như cuối cùng cô gái không gửi thư mà xóa nó đi. Có điều trước khi xóa cô ấy lại lưu nó vào một file khác…”

Bao Triển nhận xét: “Tâm lí của cô gái này rất mâu thuẫn!”

Khi ấy, giáo sư Lương và lãnh đạo chính quyền ủy ban thành phố cũng lái xe đến hiện trường. Thường ngày giáo sư chỉ ngồi trong văn phòng chỉ đạo từ xa, nay ông đích thân đến tận nơi chứng tỏ trong lòng ông rất sốt ruột muốn biết tiến triển mới nhất. Bao Triển báo cáo vắn tắt với giáo sư và lãnh đạo thành phố về diễn tiến của vụ án và kết quả giám định bước đầu tại hiện trường: Phát hiện thấy ba thi thể trong nhà tắm, trong đó có một thi thể không đầu. Có lẽ đó chính là nạn nhân của vụ băm xác 11.9 Hoàng Bách Thành, nhưng vẫn cần xét nghiệm AND để chứng thực. Hai tử thi còn lại là cặp mẹ con, chính là Hạ Vũ Bình và con gái, nguyên nhân tử vong đều do cắt cổ tay, mất máu quá nhiều dẫn đến vong mạng.

Lãnh đạo thành phố bàng hoàng hỏi: “Lại chết thêm hai mạng người nữa sao? Thế hung thủ là ai?”

Bao Triển nói: “Tôi phân tích và cho rằng Hạ Vũ Bình đã giết hại Hoàng Bách Thành, nhưng trước mắt chưa thể xác định nguyên nhân cái chết của cô ta và con gái là do tự sát hay bị sát hại. Trên hiện trường xuất hiện một điểm rất đáng ngờ, trong phòng có ba tử thi nhưng trên bàn ăn lại có bốn đôi đũa, điều đó chứng tỏ khả năng trong phòng còn có mặt một nhân vật bí ẩn nữa.”

Giáo sư Lương chợt hỏi: “Có phát hiện thấy chứng cứ gì liên quan đến vụ băm xác 19.1 không?”

Bao Triển lắc đầu: “Trước mắt chưa phát hiện thấy chứng cứ trực tiếp.”

Giáo sư Lương nói: “Tôi đã xem sổ hộ khẩu của Hạ Vũ Bình. Cô ta ba mươi sáu tuổi, người Lam Kinh. Tôi nghĩ nếu Điêu Ái Thanh còn sống đến thời điểm này thì có lẽ cô ấy cũng ba mươi sáu tuổi rồi nhỉ?”

Một viên cảnh sát vỗ đầu như thể nhớ ra điều gì: “Hạ Vũ Bình à? Tôi biết cô này! Cô ta tốt nghiệp trường đại học Lam Kinh, là bạn cùng trường với Điêu Ái Thanh. Có lẽ cô ta cùng nhập học một năm với Điêu Ái Thanh. Năm nay Hạ Vũ Bình ngoài ba mươi tuổi, chưa kết hôn, làm nghề bán vé xe, nghe nói cô ta nhận nuôi một đứa con, ở nhà thường gọi là Quýt nhỏ.”

Lãnh đạo thành phố nghi ngờ: “Bạn cùng trường sao? Cả hai lại cùng học ở trường đại học Lam Kinh à? Thật là trùng hợp!”

Tô My báo cáo tiếp: “Tôi phát hiện thấy một bức thư điện tử đã bị xóa bỏ ở phần thư nháp trong máy tính của Hạ Vũ Bình. Bức thư có một câu mang tính uy hiếp, chắc anh từng nghe nói đến vụ án băm xác 19.1 ở thành phố Lam Kinh rồi nhỉ? Tôi biết một chút nội tình vụ án. Nếu anh dám phụ lòng tôi và con gái, tôi sẽ băm anh ra thành ngàn mảnh, vứt vào thùng rác y hệt như vụ băm xác 19.1 kia!”

Căn phòng cạnh phòng của Hạ Vũ Bình là căn hộ cho thuê, quanh năm không có ai ở, cảnh sát liên hệ với chủ nhà đề nghị cho thành phố trưng dụng địa điểm này để làm văn phòng tạm thời của tổ chuyên án. Bộ chỉ huy tạm thời được đặt tại đồn công an khu vực sở tại.

Vụ án bị rò rỉ ra ngoài, người dân sống quanh đó liền ùn ùn kéo đến trước cổng nhà Hạ Vũ Bình. Mọi người đứng ngoài vạch kẻ giới nghiêm của cảnh sát xôn xao bàn tán. Trên mái nhà và tầng thượng đều có người đứng lổn nhổn, thậm chí có người còn lấy ống nhòm quan sát tình hình xảy ra bên trong hiện trường gây án.

Các kết quả giám định hiện trường càng đi vào chiều sâu thì tình tiết của vụ án càng dần sáng tỏ. Cảnh sát phát hiện thấy những phần thi thể. Trong túi rác có những thanh quẩy khô cong queo và một hộp sữa đã uống hết. Trong ngăn kéo bàn trang điểm có một thỏi son đỏ. Son đỏ, sữa bò, vết dầu chiên quẩy chính là những manh mối về vụ án băm xác 11.9 mà cảnh sát hiện đang nắm trong tay.

Các chuyên gia giám định dấu vết tìm dấu chân đi tất nhuốm máu của bé Quýt nhỏ nhờ vào thiết bị định vị. Sau khi dọn sạch hết đám dòi bọ trên sàn nhà, các chuyên gia bắt đầu tiến hành kiểm nghiệm bằng ánh sáng phát quang Luminol, họ nhìn thấy đôi tất dính máu chạy từ phòng tắm ra cửa, rồi đứng trên ban công một lát, cuối cùng lại chạy ngược về phòng tắm. Từ vị trí của dấu chân và vết bàn tay trong phòng khách có thể suy đoán cô bé từng qùy gối trên nền đất cầu xin tha mạng.

Lãnh đạo thành phố tò mò hỏi: “Cô bé cầu xin ai tha mạng? Hung thủ ư?”

Bao Triển nói: “Rất có thể bé gái đó cầu xin mẹ mình tha mạng.”

Bao Triển mô phỏng lại hành vi phạm tội tại hiện trường. Lần này anh đóng vai bé gái. Người mẹ ra ngoài vứt xác, bé gái nằm ngủ một mình trên chiếc giường một trong nhà, lúc này trời vẫn chưa sáng rõ, trong phòng tối om, bé gái tỉnh dậy, nó mở to đôi mắt chứa đầy vẻ khiếp đảm nhìn vũng máu trên chiếc giường đôi ngay bên cạnh. Bé gái bước vào phòng tắm, cảnh tượng khủng khiếp hiện ra trước mắt khiến nó sợ hãi khóc nức nở, trong bồn tắm là một thi thể không đầu. Đứa bé sợ hãi đến cùng cực, nó cố hết sức chạy ra ngoài mở cửa, rồi đứng trên ban công, nó đi đôi tất trắng, trong lúc chạy nó giẫm phải vũng máu trên sàn nhà và để lại vết chân trên suốt dọc đường chạy từ phòng tắm tới ban công. Bé gái mặc chiếc váy ngủ màu trắng, khuôn mặt trắng nhợt, nó nhìn màn đêm tối lờ mờ qua những nan sắt sừng sững chắn trước mặt, nó sợ đến mức không khóc nổi nữa, chỉ trân trân đứng đó bất động. Mẹ bé gái đã về! Lúc bấy giờ bé gái mới dám òa khóc thật to. Người mẹ vội vàng bịt miệng con gái, lôi nó trở về phòng khách, rồi lấy dao ra, bắt con gái nhắm mắt lại.

Bé gái sợ hãi quỳ xuống dập đầu lạy mẹ xin tha mạng, vừa dập đầu vừa cầu cứu: “Mẹ ơi! Đừng giết con! Mẹ ơi! Đừng giết con!”

Nhưng người mẹ vẫn nhẫn tâm hạ dao cứa một đường lên cổ tay nhỏ xíu của cô con gái mới bốn tuổi, sau đó cô ta ôm con bước vào trong bồn tắm.

Người mẹ cũng cắt tay tự sát, ba người lẳng lặng ngồi bất động trong bồn tắm.

Bé gái ngồi trong bồn, khe khẽ gọi mẹ, tiếng gọi càng lúc càng nhỏ dần, yếu dần, rồi tắt hẳn.

Có lẽ khi ấy người mẹ sẽ nói với con gái câu này: “Con biết không? Người ngồi bên cạnh chính là cha con đấy!”


Ánh nhìn nghệ thuật có mặt khắp mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Bằng con mắt nghệ thuật, chúng ta có thể tưởng tượng thế này về cả quá trình vụ án 11.9.

Máu bay lên khỏi mặt đất, thịt trở về, cơ thể khôi phục hình dạng ban đầu và sống lại. Lá cây rời cành xoay theo chiều gió, cánh hoa rơi rụng tơi bời bay trở lại thân cây theo quá trình trôi ngược của dòng chảy thời gian.

Năm 2004, hai chú ốc sên gặp mặt, chúng chạm râu vào nhau.

Hơn ba mươi tuổi nhưng vẫn chăn đơn gối chiếc, Hạ Vũ Bình liền đăng quảng cáo tuyển đối tượng kết hôn trên mạng xã hội, nỗi khổ não của những nàng gái ế quá lứa lỡ thì, áp lực của gia đình, miệng lưỡi của thế tục những lời giục giã của bạn bè thân thiết khiến cô chỉ muốn nhanh chóng cáo biệt đời độc thân, tìm một đối tượng ưng mắt rồi gả phắt cho xong. Đối tượng tìm đến cô khá nhiều, nhưng cô lại dùng ánh mắt của công chúa kén phò mã để chọn chồng tương lai cho mình, cũng bởi vậy nên chẳng ai lọt vào mắt xanh của cô. Mãi đến khi cô gặp Hoàng Bách Thành…

Hoàng Bách Thành là bác sĩ ngoại khoa sống ở thành phố kế bên. Trong mắt cô, mọi điều kiện của gã đều rất tuyệt vời, có nhà, có xe, lương tháng hơn chục ngàn tệ, nom mặt mũi lại đầy vẻ tri thức.

Sau một thời gian trò truyện trên mạng, họ bắt đầu yêu nhau.

Đó là mối tình đầu của cô!

Có những người đàn bà cả đời không yêu ai, nhưng hễ yêu một người là vô cùng si mê, đắm đuối.

Thời gian đó, cô cứ ngỡ bàn phím máy tính nở đầy hoa rực rỡ, hai người dốc bầu tâm sự với nhau hết ngày dài cho đến đêm thâu, họ nhung nhớ, quyến luyến như đôi tri kỉ tự kiếp nào.

Hạ Vũ Bình ngàn vạn lần không ngờ Hoàng Bách Thành lại là một gã lừa đảo.

Trong mục kết bạn tìm đối tượng kết hôn thường có một số gã chuyên lừa tình, bọn họ lợi dụng tin đăng kí kết bạn trên mạng làm mồi câu, rồi điên cuồng lừa tình lừa tiền. Hoàng Bách Thành lại vừa vặn là một trong số đó. Gã đã có vợ nhưng lại mạo danh mình là trai tân, cuối cùng gã đã phải trả giá bằng cả tính mạng vì hành vi lừa đảo của mình.

Hoàng Bách Thành đi công tác ở Lam Kinh. Hạ Vũ Bình đến nhà ga đón gã.

Họ gặp nhau vào một ngày mưa, gã và cô che chung một chiếc ô, sóng vai đi bên nhau. Mưa càng lúc càng nặng hạt, họ dừng chân bên mái hiên ven đường. Gã ôm cô, dịu dàng xoa nhẹ sống lưng ướt lướt thướt nước mưa của cô. Cô ao ước xiết bao thời gian mãi mãi ngưng đọng ở khoảnh khắc này, mãi mãi ngừng lại ở hành động này. Hai người đứng yên bất động như hai pho tượng.

Hạ Vũ Bình không có vẻ ngoài ưa nhìn, nhưng khi gió trêu đùa tà váy của cô, cuốn nó bay bay theo chiều gió thì nom cô lại thoáng nét dễ thương, nhất là khi nước mưa khiến bóng lưng của cô ướt mèm, trông cô càng cô đơn hơn bao giờ hết.

Trong căn phòng của nhà nghỉ, trên chiếc giường với chăn chiếu xô lệch như vừa xảy trận chiến, họ đã trao gửi yêu thương. Gã vào phòng vệ sinh, ngẩng đầu nhìn mình trong gương và cười nhếch mép. Người đàn bà trên giường giờ mềm như sợi bún nằm thở dốc. Người đàn bà yêu lần đầu đã lần đầu được trải nghiệm thế nào là cảm giác cao trào, những cú va chạm của gã khiến cô phải rên xiết. Cô thích vô cùng cảm giác tuyệt vời này.

Hoàng Bách Thành nói rằng mình phải ra nước ngoài nửa năm, nhân tiện nhập lậu một lô thiết bị y tế từ nước ngoài về, ngặt nỗi trong tay hiện lại thiếu tiền nên gã muốn vay tạm Hạ Vũ Bình một ít. Gã nói sau khi về nước họ sẽ kết hôn. Hạ Vũ Bình nhẹ dạ tin lời nói dối của gã Don Juan, cô mang gần hết số tiền mình tiết kiệm được suốt bao năm nay đưa cho gã. Họ ở bên nhau một tuần lưu luyến không muốn rời xa. Rồi từ đó Hoàng Bách Thành biến mất như bốc hơi vào không trung. Hạ Vũ Bình mất hết mọi phương thức liên lạc với gã.

Thế mà, cô lại phát hiện mình có mang.

Cô bắt đầu điên cuồng tìm gã, nhưng tìm đâu cũng không thấy bóng dáng. Cô không biết địa chỉ gia đình cũng như địa chỉ nơi gã công tác. Số điện thoại gã cho cô không thể liên lạc được nữa, còn biểu tượng avatar của gã luôn trong trạng thái offline. Cô chỉ còn cách gửi thư điện tử cho gã hết lần này đến lần khác trong vô vọng.

Nhưng cô thường tự an ủi mình thế này: “Anh ấy ra nước ngoài rồi! Mình phải kiên nhẫn đợi anh ấy về!”

Trời lại chẳng mấy khi chiều lòng người! Cái bụng lùm lùm của cô mỗi lúc một lớn dần, nỗi tủi nhục của gái không chồng mà chửa khiến cô càng thêm áp lực. Bạn bè và đồng nghiệp bắt đầu lời ong tiếng ve, họ quan tâm đến cô hơn mức bình thường, thử dò la thông tin qua những lời cô kể để chứng thực phỏng đoán của mình. Cô tức điên người trước thái độ quan tâm giả tạo của họ đến nỗi có những lúc cô từng muốn phá bỏ cái thai.

Nhưng khi Hạ Vũ Bình ngồi trên chiếc ghế nhựa trên hành lang của bệnh viện phụ sản, chờ đến lượt mình làm tiểu phẫu, thì tiếng khóc của một em bé sơ sinh văng vẳng vọng đến tai cô. Cô khẽ gật như khẳng định cho câu trả lời nằm sẵn trong đầu, bao nhiêu hoang mang và do dự trào lên giờ bỗng nhiên biến sạch trơn. Lúc bác sĩ gọi đến tên cô thì thấy hành lang vắng tanh không còn bóng người. Trên đường rời khỏi bệnh viện, cô tự nhủ: “Dẫu anh ta là kẻ lừa tình thì cùng lắm mình làm mẹ đơn thân nuôi con suốt đời!”

Tình yêu khiến con người trở nên mù quáng, tình yêu cũng khiến con người trở nên cuồng dại. Người con gái chìm đắm trong bể ái tình là người con gái ngốc nghếch nhất trần đời!

Nhưng tình yêu là gì thì chẳng ai định nghĩa được.

Cô xin phép đơn vị cho nghỉ phép vài tháng rồi âm thầm sinh con. Người đàn bà ấu trĩ và ngây thơ là cô nói với mọi người rằng đứa trẻ này cô mới nhận về nuôi, nhưng người nào cũng ý nhị mỉm cười trước lời thanh minh của cô và sự xuất hiện kì bí của đứa trẻ. Họ không gật cũng không lắc.

Cô thường cảm thấy một nỗi bi thương luôn dâng trào trong lòng, tim đau ngâm ngẩm.

Hạ Vũ Bình hay ngồi thẫn thờ để mặc bầu vú giỏ sữa tong tong giữa canh khuya. Cô là nhân viên bán vé ở trạm xe, mỗi khi nhìn thấy biển xe của thành phố kế bên, cô lại có suy nghĩ bồng bột rằng muốn trèo lên chiếc xe đó. Đã bao lần cô nói với con gái: “Mẹ sẽ dẫn con đến một nơi, mẹ muốn tìm bố của con.” Thực ra xe không hề chuyển động, nó chỉ đứng yên trên mặt nước dập dềnh của thành phố, mặc cho bèo dạt mây trôi cuốn nó đến nơi mà con người muốn đến.

Nhiều năm sau đó, cô đều dùng tiếng sấm để cảnh báo gã đàn ông biến mất kia rằng trong im lặng cũng có tiếng sấm, cô dùng ánh sét để cảnh báo gã trong màn đêm không chỉ có bóng tối. Suốt bốn năm trời, cô luôn ra sức tìm gã. Cô ước ao được ôm gã vào lòng biết bao, ôm cho đến khi gã thành một cuộn không khí, cho đến khi cả hai cùng già nua, cho đến khi xương sườn lộ cả ra ngoài và gió luồn qua khoang ngực. Cô ước ao được nhìn thấy gã đứng dưới ô, muốn nhìn thấy gã trong màn mưa như thác đổ. Giống như bốn năm trước, gã cùng cô che chung một chiếc ô đứng trong mưa. Cô gói ghém thật kĩ tình cảm của mình, trước khi cô lùi về kỉ phấn trắng và giấu nó vào trong một tảng đá.

Hạ Vũ Bình chẳng mang theo hành lí gì ngoài một nụ cười và một đứa trẻ. Cô đặt chân lên hết chiếc xe này đến chiếc xe khác tới thành phố kế bên.

Cô dùng cách ngốc nghếch nhất là mang ảnh của người tình đến từng bệnh viện khắp thành phố đó, hỏi từng phòng khám, từng bác sĩ, cuối cùng trời cũng nhỏ lệ thương tình cho phép cô tìm thấy gã.

Tối hôm ấy, trong ánh đèn ấm áp ở một ngôi nhà nọ có ba người ăn tối bên nhau, ti vi đang chiếu chương trình thời sự.

Ngoài cửa sổ, mưa đổ ào ào, có người đàn bà lặng lẽ chứng kiến tất cả những cảnh ấy, tay cô còn dắt một bé gái.

Ánh chớp rạch bầu trời, tiếng sấm nổi lên ì ùng, mây đen kéo đến cuồn cuộn báo hiệu một trận mưa dữ dội chuẩn bị ập xuống.

Cậu con trai nói với Hoàng Bách Thành: “Bố ơi! Hình như ở ngoài có người nhòm vào nhà mình! Trông ghê lắm!”

Hoàng Bách Thành ngẩng đầu nhìn ra cửa sổ, nhưng gã không thấy ai đứng bên ngoài, chỉ có những vệt nước mưa chảy dài bên hiên nhà, giống như nước mắt của một người.

Mấy ngày sau, Hạ Vũ Bình gọi điện thoại đến số máy văn phòng của Hoàng Bách Thành, hai người im lặng hồi lâu.

Cuối cùng Hạ Vũ Bình lên tiếng trước: “Em biết nhà anh ở đâu, một người bạn làm bác sĩ tình cờ nói với em điều đó. Em cũng biết anh còn có vợ và con trai.”

Hoàng Bách Thành ấp úng: “Ừm… Anh có… có lỗi với em! Bình Bình, chuyện là thế này, khi anh ra nước ngoài…”

Hạ Vũ Bình ngắt lời gã, cô chỉ nói gọn lỏn: “Em vừa trúng sổ xố.”

Hoàng Bách Thành ngớ người, ngây ngô hỏi lại: “Trúng sổ xố ư?”

Hạ Vũ Bình nói tiếp: “Vâng! Nên em không cần đến số tiền em cho anh vay nữa. Giờ em có nhiều tiền rồi!”

Hoàng Bách Thành vội hỏi: “Em trúng bao nhiêu?”

Hạ Vũ Bình nói ra một con số.

Hai mắt gã sáng rỡ, gã lắp bắp: “Thật… Thật không?”

Hạ Vũ Bình thản nhiên nói tiếp: “Anh có thể cùng em đi đối chiếu số trúng thưởng và lĩnh tiền không? Từ khi chia tay lúc nào em cũng nhớ anh, đến giờ em cũng chưa kết hôn.”

Hoàng Bách Thành lập tức nhận lời: “Đương nhiên là được! Bình Bình, đàn bà con gái như em đi lĩnh tiền một mình nguy hiểm lắm.”

Hạ Vũ Bình bảo: “Anh nói dối em chuyện anh đã có gia đình, em đã tha thứ cho anh. Em rất muốn gặp anh, dẫu chỉ là lần sau cuối cũng được, hay là anh đến nhà em nhé!”

Hoàng Bách Thành lại giở bài cũ, gã hứa hẹn: “Anh sẽ li dị, em cho anh chút thời gian nhé! Bình Bình, thực ra anh chẳng còn tình cảm gì với vợ…”

Hạ Vũ Bình gật đầu như thể cô rất tin gã: “Vâng! Em chờ anh! Số điện thoại của em vẫn không thay đổi, bao nhiêu năm nay em luôn chờ cuộc gọi của anh.”

Rồi Hạ Vũ Bình cay đắng khóc thành tiếng, Hoàng Bách Thành không ngừng an ủi, dỗ dành cô, gã hứa với cô ngày mai sẽ dẫn cô đi đối chiếu số trúng thưởng. Tối hôm ấy, Hoàng Bách Thành lên mạng tra cứu thông tin trên trang sổ xố kiến thiết. Tin ngay trang nhất trên tờ báo của tỉnh đăng tải như sau: “Một công dân của thành phố Lam Kinh đã may mắn trúng giải thưởng lớn giá trị hàng chục triệu tệ, nhưng nhân vật thần bí này vẫn chưa xuất hiện để lĩnh tiền.”

Những dòng chữ ấy khiến gã tin sái cổ rằng Hạ Vũ Bình vừa trúng giải độc đắc. Lòng tham khiến gã cắm đầu chạy vào con đường không có lối về.

Hôm sau, tức thứ ba ngày mùng 10 tháng 9 năm 2008, Hoàng Bách Thành đáp chuyến xe đầu tiên khởi hành từ mờ sáng đến thành phố Lam Kinh. Hạ Vũ Bình chuẩn bị sẵn bữa sáng chờ gã đến. Dựa theo địa chỉ mà Hạ Vũ Bình nhắn tin, Hoàng Bách Thành đã tìm thấy nhà cô. Sau khi bước vào nhà, hai người ôm nhau và trao nhau nụ hôn nhẹ. Một bé gái đứng cạnh Hạ Vũ Bình, cô bảo đó là con của chị gái.

Hoàng Bách Thành cúi xuống bảo đứa bé: “Chào chú đi nào!”

Bé gái lắc đầu. Hạ Vũ Bình khẽ mỉm cười.

Hoàng Bách Thành liên tục hỏi dò về chuyện trúng thưởng, nhưng Hạ Vũ Bình cố tình lảng sang chuyện khác. Sau khi ăn xong hai thanh quẩy, mấy chiếc bánh bao nhỏ và một hộp sữa, Hoàng Bách Thành cảm thấy đầu óc hơi choáng váng, gã toan đứng dậy nhưng thấy trời đất chao đảo, quay mòng mòng, gã ngã vật xuống đất. Khi tỉnh lại, gã phát hiện thấy mình nằm trên giường, chân tay bị trói cố định vào bốn điểm trên thành giường.

Hoàng Bách Thành hoảng hốt hỏi: “Cô làm gì thế? Cô vừa cho tôi ăn gì vậy?”

Hạ Vũ Bình chậm rãi đáp: “Thuốc ngủ! Từ khi anh bỏ đi, đêm nào em cũng mất ngủ.”

Hoàng Bách Thành liền đổi giọng dỗ dành: “Bình Bình! Em đừng manh động! Anh sẽ lấy em, đợi sau khi chúng ta đi lĩnh tiền về, anh sẽ lập tức li hôn với vợ và kết hôn với em.”

Hạ Vũ Bình nhỏ nhẹ nói: “Anh biết không, em đã sinh cho anh một đứa con, giờ nó đã bốn tuổi rồi.”

Hoàng Bách Thành thảng thốt: “Hả? Chẳng phải em viết thư cho anh nói rằng em đã bỏ cái thai đó rồi sao? Thế nó tên là gì?”

Hạ Vũ Bình trả lời: “Hoàng Tiểu Quất.”

Rồi cô kéo tay con gái lại gần và bảo: “Quýt nhỏ! Con gọi bố đi! Đây chính là bố con, người mà chúng ta đã đi tìm ròng rã suốt bốn năm. Rất vất vả đúng không con?”

Quýt nhỏ ngọng nghịu gọi: “Bố!”

Hạ Vũ Bình hỏi con: “Con thấy trông bố bây giờ giống chữ gì nào?”

Quýt nhỏ đáp: “Chữ đại[1] ạ!”

Hạ Vũ Bình lắc đầu, rồi mỉm cười bảo: “Không phải! Bây giờ trông bố giống chữ thái[2], nhưng chút nữa thôi mẹ sẽ biến bố thành chữ đại!”

Hạ Vũ Bình đưa Quýt nhỏ đi nhà trẻ, trước lúc đi, cô ta còn cẩn thận lấy băng dính dán chặt miệng Hoàng Bách Thành lại.

Ngoài ô cửa, mưa bắt đầu rả rích, rồi đổ ào ào giống hệt lần đầu tiên họ gặp mặt.

Hạ Vũ Bình nói: “Tôi đã âm thầm điều tra và biết năm 1996 anh thực tập tại một bệnh viện ở thành phố Lam Kinh. Đúng thời điểm ấy, ở Lam Kinh xảy ra một vụ án mạng rất dã man. Chắc anh còn nhớ chứ? Vụ giết người rồi băm xác nạn nhân ấy! Bây giờ tôi sẽ tái hiện lại vụ án ấy lần nữa, tôi sẽ chặt xác anh thành từng mảnh nhỏ và vứt vào thùng rác.”

Hai mắt Hoàng Bách Thành trợn trừng, lộ tia nhìn khiếp đảm đến cùng cực.

Cô ta bắt đầu hôn gã, gã nhoài người ra sức tránh né nụ hôn của cô ta bởi lưỡi cô ta giống như lưỡi rắn. Cô ta hôn từ cổ gã lướt xuống khuôn ngực, rồi cứ trượt mãi xuống… Hoàng Bách Thành đau đến cứng người, gã liền rơi vào trạng thái hôn mê và từ đó không bao giờ tỉnh lại.

Hạ Vũ Bình lấy dao dỡ băng dính dán quanh miệng gã ra, cô ta nâng đầu người tình và hôn lên trán. Máu tươi dấp dính chảy lên người cô ta. Cô ta bật khóc.

Chưa vội nói đến tình yêu điên cuồng của cô ta, thì bản thân vụ án này đã đủ kinh thiên động địa, chấn động tâm can cả cõi thế tục này rồi. Mỗi nhát dao đều là một nghi thức của tình yêu.

Hàng trăm hàng ngàn nhát dao Hạ Vũ Bình nhẹ nhàng nói: “Em sẽ chôn trái tim anh trong lòng em, để không ai có thể chia lìa chúng ta được nữa!”

Hạ Vũ Bình bày bốn đôi đũa lên bàn ăn. Ngày thường cô ta luôn bày ba đôi đũa lên bàn khi dọn cơm mặc dù trong nhà chỉ có hai mẹ con. Cô ta thường nói với con gái thế này: “Có thể hôm nay bố sẽ đến ăn cơm với mẹ con mình đấy!” Còn ngày hôm đó, cô ta bày bốn đôi đũa, rốt cuộc đôi đũa thừa ra dành cho ai, chúng ta không thể nào biết được!

Mưa tạnh hạt! Sắc trời âm u! Lúc xế chiều, cô ta đón con gái ở nhà trẻ về. Vết máu đọng trong phòng khách làm đứa trẻ thấy hơi sợ, cô bé chẳng may trượt chân ngã vào vũng máu, hai tay và hai chân chống trên sàn nhà, cô bé phải quỳ hai chân xuống để đứng lên – chứ không phải cô bé dập đầu cầu xin mẹ tha mạng giống như suy luận và phỏng đoán của cảnh sát. Trên thực tế người mẹ đã cho con uống thuốc an thần. Cô bé nhanh chóng chìm vào giấc ngủ say.

Hoa dạ hương bừng nở, đưa hương thơm ngát trong mưa, những giọt nước long lanh như ngọc đọng trên đóa hoa trắng muốt.

Hoa dạ hương tàn úa, rơi rụng khi trời sáng, cô ta phải xử lí xong tử thi của gã trước lúc mặt trời mọc.

Cô ta tất bật suốt một đêm, rồi đạp xe vứt các phần thi thể người tình cùng quần áo đẫm máu vào thùng rác.

Xong đâu đấy, Hạ Vũ Bình trở về nhà, khóa cổng sắt lại vứt chìa khóa vào trong bồn cầu, ôm đứa con bé bỏng trong tay, thì thầm vào tai nó: “Con ơi! Lẽ ra con không nên đến thế giới này!” Rồi cô ta nhẫn tâm dùng dao cứa đứt cổ tay con gái, sau đó đặt con vào bồn tắm.

Cô ta cũng bước vào bồn tắm, ngồi xuống đó cắt cổ tay tự sát bằng dao gọt hoa quả.

Mẹ và con gái cùng ngồi trong bồn tắm, chờ đợi thần chết đến đón về nơi cần đến, người sẽ lên thiên đường kẻ sẽ xuống địa ngục. Cạnh họ còn có một thi thể không đầu.

Đây là một gia đình ba người!

Nếu tình yêu không đủ lời lẽ để biểu đạt, thì cô ta nguyện lấy sinh mạng để chứng minh.

Có lẽ bởi người mẹ không nhẫn tâm làm mạnh tay, nên vết thương trên cổ tay bé gái không sâu lắm, đứa trẻ không chết ngay, nó vùng tỉnh dậy vì đau đớn, chạy ra khỏi phòng tắm, chạy qua phòng khách, mở cửa ra, đứng trên ban công. Cổng sắt đã khóa.

Đứa bé ngơ ngác nhìn thế giới u tối, sau đó nó quay lại, cổ tay vẫn giỏ máu, nó trở về phòng tắm và ôm lấy mẹ.


Vậy là bao nỗi trần ai của vụ án băm xác 11.9 đã hạ màn, hôm sau tổ chuyên án định rời khỏi thành phố Lam Kinh, nhưng vụ án này vẫn còn rất nhiều điều bỏ ngỏ bởi hung thủ đã chết, người ta chỉ có thể suy đoán và phân tích về những ẩn số còn lại. Cảnh sát thành phố Lam Kinh tiếp tục đi sâu điều tra hơn về thân thế của Hoàng Bách Thành, trong lí lịch của gã ghi rằng năm 1996, gã thực tập tại một bệnh viện ở thành phố Lam Kinh, khi ấy gã thuê nhà trọ ở gần trường đại học Lam Kinh. Những thông tin mới khiến cảnh sát lập tức liên hệ gã với hung thủ trong vụ băm xác Điêu Ái Thanh.

Cựu giám đốc sở cảnh sát nói: “Ngay từ lúc ấy chúng tôi đã nghi ngờ hung thủ sát hại Điêu Ái Thanh hành nghề bác sĩ ngoại khoa hoặc đầu bếp.”

Giáo sư Lương hỏi: “Có thể tìm thấy nơi Hoàng Bách Thành thuê trọ năm 1996 hiện ở chỗ nào không?”

Cựu giám đốc sở đáp: “Năm ngoái người ta đã phá dỡ khu dân cư đó rồi!”

Bao Triển nói: “Có thể trước khi khu nhà bị phá dỡ, Hạ Vũ Bình đã đến đó điều tra, không biết cô ta đã phát hiện thấy điều gì.”

Tô My nêu nghi vấn: “Trong thư điện tử, Hạ Vũ Bình viết cô ta biết chút ít nội tình về vụ án băm xác 19.1. Không hiểu nội tình mà cô ta muốn ám chỉ là chuyện gì nhỉ?”

Họa Long bổ sung thêm: “Hạ Vũ Bình tốt nghiệp trường đại học Lam Kinh, lại là bạn học cùng khóa với Điêu Ái Thanh. Chúng ta cần hết sức lưu ý đến điểm trùng hợp ngẫu nhiên này.”

Tuy có nhiều điều nghi vấn nhưng trên thực tế chẳng hề có bất kì chứng cứ nào chứng thực Hoàng Bách Thành và Hạ Vũ Bình có liên quan đến vụ án băm xác 19.1 xảy ra vào mười năm trước, có điều rất nhiều điểm trùng hợp khiến người ta không thể không đặt dấu hỏi. Liệu có phải một trong hai người Hạ Vũ Bình hoặc Hoàng Bách Thành chính là thủ phạm giết Điêu Ái Thanh? Liệu có phải Hạ Vũ Bình chỉ đơn thuần muốn mô phỏng vụ án thảm khốc đó?

Còn một điểm nữa, tại hiện trường vụ án 11.9, cũng chính là tại nhà của Hạ Vũ Bình, cảnh sát phát hiện bốn đôi đũa đặt trên bàn ăn, trong khi trên hiện trường chỉ có ba xác chết. Phải giải thích thế nào về chuyện này?

Trong lúc ăn trưa, vấn đề đôi đũa thứ tư đã tìm thấy lời giải đáp!

Vụ án băm xác 11.9 đại cáo thành công, sở cảnh sát thành phố Lam Kinh tổ chức buổi tiệc mừng công để chúc mừng tổ chuyên án và các chiến sĩ cảnh sát, tất cả các thành viên đều tham dự đầy đủ. Giám đốc sở cảnh sát long trọng đứng lên phát biểu, ông ta bày tỏ lòng cảm ơn và trân trọng sâu sắc đối với những gì lực lượng cảnh sát trong cả thành phố đã thể hiện. Trong tiếng vỗ tay vang dội như sấm dậy, các thành viên của tổ chuyên án cũng được mời lên phát biểu, giáo sư Lương và Tô My nói một vài câu khách sáo thể hiện tổ chuyên án không dám coi đây là công lao của riêng mình, mỗi một vụ án được phá giải đều dựa trên sự nỗ lực và công lao của mỗi thành viên trong đội.

Họa Long chỉ nói một câu: “Cảnh sát luôn có hai danh xưng là “anh hùng” và “anh hùng rơm”, muốn chọn danh xưng nào tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi cảnh sát.”

Toàn bộ cảnh sát dưới khán đài đều im phăng phắc, rồi sau đó từng tràng pháo tay rộ lên vang dội, mọi người đều hô lên khen hay.

Họa Long đưa micro cho Bao Triển. Anh bước lên khán đài với vẻ thẹn thùng vì không biết nói gì trước bao nhiêu người thế này. Mọi người đều im lặng chờ đợi, Bao Triển khẽ hắng giọng rồi nhắc lại nguyên văn lời tuyên thệ anh từng đọc khi gia nhập tổ chuyên án.

“Thề trước quốc kì, từng lời nói hành động của cảnh sát tuyệt đối không dây bẩn sao vàng. Thề trước hiến pháp, từng suy nghĩ ý thức của cảnh sát tuyệt đối không phạm tới tôn nghiêm của pháp luật. Thề trước nhân dân suốt đời suốt kiếp của cảnh sát tuyệt đối không phụ sự kì vọng của nhân dân. Trước quốc kì và quốc huy, tôi xin thề: Sẽ đấu tranh không ngừng nghỉ đến giọt máu cuối cùng với mọi hoạt động phạm tội vì sự hưng thịnh của quốc gia, vì an ninh của nhân dân! Tôi thề sẽ làm tất cả vì sứ mệnh thần thánh, vì sự hi sinh cao cả của các chiến hữu. Được làm cảnh sát và đứng ở đây là vinh dự của cả đời tôi!”

Mặc dù lời tuyên thệ ấy không hợp thời hợp lúc nhưng vẫn lay động bầu nhiệt huyết của tất cả cảnh sát có mặt ở hiện trường, mọi người vỗ tay vang dội.

Bốn thành viên của tổ chuyên án trở lại bàn tiệc, giám đốc sở cảnh sát Lam Kinh và cựu giám đốc sở cảnh sát liền đến chúc rượu. Ly thứ nhất, cựu giám đốc sở tưới lên mặt đất, ông xúc động nói: “Tuy vụ án này đã được phá giải, nhưng tôi vẫn không thể vui nổi. Ly rượu này tôi dành cho những nạn nhân vô tội. Cháu bé trong vụ án 11.9 đáng thương quá, cả cô Điêu Ái Thanh nữa, suốt mười hai năm ròng vất vưởng ở dương gian, biết lúc nào mới có thể an lòng mà nhắm mắt xuôi tay?”

Giám đốc sở cảnh sát thành phố Lam Kinh thở dài bảo: “Tôi nhận được bưu kiện do một sinh viên gửi tới. Cậu ta không phải cảnh sát nhưng từ mấy năm trước luôn âm thầm ra sức điều tra vụ án 19.1. Bắt đầu từ khi vào cấp ba đến giờ, cậu ta đã thu thập tất cả tư liệu liên quan đến vụ án mà mình biết, từ việc cắt tin tức đăng tải trên báo cho đến tự ghi chép những nhận định của mình, thậm chí cậu ta còn ghi chép cả những điều mà bản thân điều tra được. Tất cả tư liệu này phải nặng đến chục cân. Đối diện thùng bưu kiện, tôi thấy rất xấu hổ.”

Tô My nói: “Rất nhiều người tham gia mạng xã hội quan tâm đến vụ án này. Có thể nói đó là vụ án đạt tỉ lệ quan tâm cao nhất trên mạng. Tôi cảm thấy hung thủ… Chỉ là suy đoán của cá nhân tôi thôi nhé…”

Giáo sư Lương cắt ngang: “Tôi thấy thế này, chúng ta hãy nêu phân tích và suy đoán của mình, nghĩ thế nào cứ mạnh dạn nói ra, không cần phải chịu trách nhiệm về những phán đoán đó, cũng không cần nghĩ đến chứng cứ hay tính thận trọng làm gì. Chúng ta cứ nói ra tự nhiên giống như cư dân mạng thảo luận với nhau ấy!”

Tô My gật đầu bảo: “Vâng! Thế thì tôi xin nói tiếp. Lẽ thường không khảo thì ba năm sau kẻ trộm cũng xưng, nhưng hung thủ giết Điêu Ái Thanh vẫn không bị sa lưới, đến giờ y vẫn tiêu dao tự tại ngoài vòng pháp luật chắc chắn y cảm thấy rất đắc ý, bao nhiêu năm trôi qua, y cho rằng mình đã an toàn bởi vậy y mới hùng hồn lên mạng bàn tán tình hình vụ án với các cư dân mạng khác, thậm chí còn cố tình hé lộ một số tình tiết vụ án. Hồ như y rất thích phân tích và thảo luận. Một số suy luận của cư dân mạng khiến hắn cũng hơi hoảng, vì cẩn tắc vô áy náy nên y lặn mất tăm. Nhưng một thời gian sau, y không chịu được cô đơn nên lại tái xuất giang hồ… Có lẽ hung thủ là một trong những cư dân mạng tham gia thảo luận về vụ án. Tôi để ý và thấy rằng cứ cách một thời gian thì lại có người đăng bài hoặc chia sẻ những topic liên quan đến vụ án, rất có khả năng kẻ làm việc đó chính là hung thủ. Chỉ có điều chúng ta không thể khảo chứng được trong nguồn tin tức khổng lồ xuất hiện trên mạng.

Bao Triển phản bác: “Tôi lại nghiêng về nhận định hung thủ là kẻ chuyên giết mổ gia súc. Có thể y là một tay bán thịt lợn ngoài chợ, còn độc thân hoặc đã li dị, y sống một mình trong ngôi nhà có vườn bao quanh, trong khu vườn hoang tàn ấy đựng chiếc xe ba bánh. Một số người suy đoán phương tiện vận chuyển mà hung thủ sử dụng khi đi phi tan thi thể nạn nhân là xe đạp hoặc xe hơi loại nhỏ, vì không ai nghĩ đó là xe mô tô ba bánh nhỉ? Loại xe nông dụng này rất phù hợp với những tay chuyên giết mổ gia súc hoặc bán thịt gia súc ngoài chợ. Có lẽ chiếc xe đó rất cũ kĩ, không có đèn, phanh không ăn. Ngày 19 tháng 1 năm 1996, nhiệt độ ngoài trời hạ xuống âm bốn độ C, thành phố Lam Kinh bị tuyết bao phủ hoàn toàn, vì trước đó vừa xảy ra trận tuyết lớn. Rất có khả năng Điêu Ái Thanh mất tích vì bị tai nạn giao thông. Hung thủ lái mô tô ba bánh, vì khi ấy trời vô cùng giá rét, mặt đất đóng băng nên hung thủ vô tình đâm phải Điêu Ái Thanh đang đi tản bộ vào buổi tối. Điêu Ái Thanh không chết nhưng bị thương nặng, hung thủ lấy lí do đưa cô ấy đến bệnh viện để bế cô lên xe. Nhưng giữa đường y chợt thay đổi ý định, y kéo nạn nhân vào trong nhà giết người diệt khẩu. Vì bệnh nghề nghiệp nên y chọn cách phi tang thi thể bằng cách chặt xác nạn nhân. Căn cứ vào loại ba lô kiểu dáng xưa cũ, ta có thể đoán cuộc sống của hung thủ không lấy gì làm dư dả và hoàn toàn phù hợp với thân phận của một kẻ giết mổ gia súc hoặc bán thịt ngoài chợ.”

Họa Long cũng đưa ra nhận định: “Đối với vụ án 19.1, tôi có suy đoán thế này: Nạn nhân Điêu Ái Thanh mất tích ngày mùng 10 tháng 1 năm 1996, thi thể được phát hiện vào ngày 19 tháng 1, trải qua chín ngày thi thể mới được phát hiện, nhưng tại sao lại là chín ngày? Sau khi giết người, việc hung thủ muốn làm nhất là tiêu hủy xác chết, vậy mà mãi chín ngày sau y mới đi vứt xác. Phải chăng thời gian chín ngày là hơi dài? Liệu trong đó có ẩn chứa uẩn khúc nào không? Điều đáng phải đặt một dấu hỏi là hai con số 110 và 119[3]. Mọi người đều biết hai con số này đại diện cho điều gì phải không? Đó chính là hai số điện thoại khẩn cấp báo cảnh sát chúng ta. Điều này có nghĩa gì? Chúng ta có thể lí giải động cơ của hung thủ thông qua thông điệp mà y gửi đến không? Theo tôi y chính là một phạm nhân đã ra tù từng phải chịu sự đối xử bất công hoặc chịu một cú sốc nào đó do các cơ quan pháp luật gây ra, y lợi dụng vụ án giết người này để thách thức và khiêu khích cảnh sát!”

Cựu giám đốc sở phá lên cười: “Ha ha! Tôi thấy suy đoán vô căn cứ này khá thú vị đấy! Nói thực tôi luôn nghi ngờ một người, nhưng cũng chẳng có chứng cứ xác thực nào cả. Mọi người đã mạnh dạn nói ra phỏng đoán của mình thì tôi cũng không ngại chia sẻ suy nghĩ của mình với mọi người. Tôi cảm thấy trong quá trình điều tra phá án và thăm dò dư luận chắc chắn chúng ta từng chạm trán với hung thủ, nhưng vì quá ít manh mối nên chúng ta đã để y lọt mất. Tôi cho rằng hiện trường vụ án thứ nhất là ở một ngõ nhỏ hoặc ở một đoạn nào đó trên đường Thanh Đảo. Khi ấy chúng tôi cũng tiến hành điều tra, rà soát tại hai vị trí trọng điểm trên, cảnh sát gõ cửa từng nhà tìm kiếm nghi phạm. Khi ấy chúng tôi nghĩ rằng mặc dù manh mối nắm trong tay vô cùng ít ỏi nhưng chỉ cần rà soát đại trà là có thể thu hẹp phạm vi. Lúc lục soát một quán mì, tôi đặc biệt để ý đến chủ quán, đó là người đàn ông ngoài ba mươi tuổi. Theo dân quanh vùng phản ánh thì anh ta là kẻ vô cùng ki bo, keo kiệt, tinh thần cũng hơi bất bình thường, dáng người khá cao, vai rộng, da đen nhẻm. Nếu nhìn bề ngoài thì nom anh ta không hề nanh ác hay nham hiểm, nhưng không hiểu sao khi nhìn anh ta, tôi lại thấy lạnh người. Tôi làm cảnh sát từng ấy năm, gặp biết bao loại tội phạm, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy sợ như thế. Hai mắt anh ta nhìn chằm chằm vào người đối diện, ánh mắt ngây dại. Chúng tôi tìm thấy một cuốn sổ tay trong nhà anh ta, đó là một cuốn sách cổ đã cũ kĩ, chữ bên trong được viết bằng bút lông, nom đã khá nhiều năm rồi. Nội dung cuốn sổ là các thủ pháp lăng trì, giảng giải khá chi tiết về các thao tác tiến hành kiểu khổ hình này. Sau khi tra hỏi, anh ta khai ông nội của ông nội anh ta là đao phủ, chuyên lăng trì phạm nhân. Cuốn sổ này do tổ tiên truyền lại đến đời anh ta. Khi ấy, trong đầu tôi chợt nảy ra một suy nghĩ, liệu hậu thế của tay đao phủ đó có tiện tay tóm cổ một người bất kì rồi thực hiện xử phạt người đó bằng khổ hình lăng trì giống như nội dung ghi trong cuốn sổ hay không?”

Họa Long cắt ngang: “Quán mì đó bán những loại mì gì?”

Cựu giám đốc sở đáp: “Nhiều loại lắm! Mì thịt sợi rau cải, còn có cả thịt xiên nướng nữa! Ta không thể định tội cho một người chỉ vì người ấy có cuốn sổ chép tay ghi các nội dung liên quan đến lăng trì nên chuyện cũng chỉ dừng lại ở đó. Nhưng đến tận giờ tôi vẫn nhớ như in ánh mắt của kẻ đó. Sau khi thành lập đội án tồn, tôi liền dẫn cảnh sát đến đó thăm dò lần nữa nhưng quán mì đó không còn nữa, khu dân cư đã bị phá dỡ từ lâu, không rõ kẻ đó chuyển đi đâu? À mà đúng rồi! Khi ấy Hoàng Bách Thành thuê trọ chính trong khu dân cư đó.”

Giám đốc sở cảnh sát đưa ra quan điểm của mình: “Tôi cho rằng khả năng tập thể gây án không lớn lắm. Một vụ án nghiêm trọng như thế này không thể do một tập thể cùng thực hiện được bởi một miệng thì kín chín miệng thì hở, chẳng ai dám đảm bảo đối phương sẽ vĩnh viễn giữ được bí mật, càng chẳng biết lúc nào những ân oán cá nhân sẽ bùng phát, chẳng ai dám tin bí mật này sẽ mãi mãi được đào sâu chôn chặt cùng thời gian. Bởi vậy vụ án này do một người gây ra, nói cách khác, hung thủ là một cá nhân chứ không phải một tập thể. Mà thời điểm ấy, Điêu Ái Thanh vừa mới vào năm thứ nhất, các mối quan hệ vô cùng đơn giản, có khả năng hung thủ và cô ấy không hề quen nhau. Đây chỉ đơn thuần là vụ án mạng ngẫu nhiên, mà loại án mạng này lại khó phá giải nhất. Điêu Ái Thanh thích văn học, hung thủ có thể là một ông chủ hiệu sách, khi cho cô ấy mượn sách, hai bên xảy ra mâu thuẫn nên ông chủ đã lỡ tay giết người, sau đó tìm cách phi tang vật chứng. Ngoài ra còn một khả năng nữa, khi ấy nhà trường còn rộ lên phong trào trao đổi nhật kí, trước khi gặp nạn, Điêu Ái Thanh từng nói mình quen một nhà văn, có lẽ gã nhà văn đó và cô ấy từng viết thư qua lại cho nhau, rồi hẹn gặp mặt. Vào ngày hai người gặp nhau, gã nhà văn đã cưỡng bức cô và giết người diệt khẩu. Y làm tất cả những việc còn lại với tử thi chỉ vì muốn tiêu hủy tang chứng mà thôi.”

Giáo sư Lương nói: “Còn tôi thấy vụ án này xuất hiện hai nghi vấn mà nghĩ nát óc mãi vẫn không ra. Thứ nhất là gã gù làm việc trong nhà hỏa táng, tên này có thói quen biến thái ăn thịt người. Căn cứ theo điều tra của chúng ta thì năm 96 hắn làm nghề phu xe, nhưng trong quá trình thẩm vấn hắn lại phủ nhận điều này, hắn nói mình nối nghiệp cha từ khi tốt nghiệp cấp hai và làm việc tại nhà hỏa táng liên tục từ đó đến nay. Vì sao hắn lại cố tình giấu giếm thời gian đi kéo xe đó? Liệu có phải khi hắn đang kéo xe trên phố thì Điêu Ái Thanh đã vô tình lên xe hắn, để rồi vụ án 19.1 xảy ra ngay sau đó? Còn một điểm nghi vấn nữa…”

Trên bàn tiệc có sáu người với sáu đôi đũa, giáo sư Lương cầm một đôi đũa, đặt lên bàn, rồi chậm rãi nói: “Trong vụ án 11.9 lại thừa một đôi đũa, điều này có nghĩa gì? Ai có thể nói cho tôi biết được không?”

Sau một lát ngây người nhìn đôi đũa, cuối cùng Họa Long ngẩng mặt lên nói: “Tôi biết đáp án.”

Bao Triển vội hỏi: “Nó có nghĩa gì?”

Họa Long nâng ly rượu uống cạn, vẻ mặt thoáng nét bi thương, anh kể: “Trước đây, tôi cũng tham gia một bữa tiệc mừng công, lẽ ra bữa tiệc ấy phải có ba cảnh sát tham gia, chúng tôi là một nhóm cảnh sát nằm vùng, nhưng hai đồng nghiệp ấy đều hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, chỉ còn mình tôi sống sót. Bữa tiệc mừng công diễn ra rất rôm rả, nhiều cảnh sát tham gia giống như hôm nay, chỉ có tôi lặng lẽ rời khỏi bữa tiệc, một mình tìm quán rượu nhỏ, gọi mấy món nhậu. Hôm ấy, tôi uống say khướt, rồi khóc tu tu như trẻ con. Mặc dù chỉ uống rượu một mình, nhưng tôi lại đặt ba đôi đũa trên bàn ăn, tôi cảm thấy hai người kia vẫn còn sống, họ đang ngồi ngay cạnh tôi…”

Tô My hỏi: “Ý anh là đôi đũa thừa ra đó dành cho người chết sao?”

Giáo sư Lương trầm ngâm tiếp lời: “Người chết! Lẽ nào đôi đũa ấy để cho Điêu Ái Thanh?”


Chiều muộn ngày hôm đó cũng chính là đêm trước tổ chuyên án rời khỏi thành phố Lam Kinh, đồn công an phân cục Cổ Lâu nhận được một cú điện thoại báo án gọi đến từ phòng bảo vệ của trường đại học Lam Kinh. Một đêm khi bảo vệ đi tuần xung quanh bốn khu kí túc xá ở phía nam nhà trường, họ đã gặp sự việc quái lạ. Khu kí túc xá phía nam của trường có một gian phòng luôn luôn trong trạng thái khóa trái. Một cậu bảo vệ mới đến công tác đi cùng một bác bảo vệ giàu kinh nghiệm công tác tại trường, bác bảo vệ già khuyên: “Tốt nhất không nên đi tuần ở đây!”

Cậu bảo vệ mới ngạc nhiên hỏi: “Vì sao vậy? Chẳng lẽ trong đó có ma à?”

Bác bảo vệ già đáp: “Cậu không nên biết thì hơn.”

Lòng hiếu kì thúc giục cậu bảo vệ mới đêm nào cũng đi một vòng quanh kí túc xá phía nam để xem xét tình hình. Cậu ta bật đèn pin tuần tra tòa nhà cũ kĩ, khi đến trước cánh cửa đóng chặt, cậu ta dừng lại, cơn âm phong lạnh teo teo càn quét hành lang, cậu ta soi đèn pin vào cánh cửa đang đóng kín. Ổ khóa đã bị han gỉ, từ bản lề và móc khóa có thể thấy rõ cánh cửa này đã không mở trong nhiều năm rồi.

Giờ thì cánh cửa đã mở!

Cậu bảo vệ không nén được tò mò thò tay giật ổ khóa xuống, ốc vít đã han gỉ nên trở nên lỏng lẻo, sau mấy lần giật, ổ khóa đã bị giật tung ra khỏi móc khóa.

Sau đó nhiều người đã hỏi cậu bảo vệ nhìn thấy gì khi mở cửa, cậu bảo vệ chỉ trầm ngâm không muốn nói nhiều.

Có người trêu: “Hay anh nhìn thấy một cô gái mặc áo trắng?”

Cậu bảo vệ cười cười lắc đầu.

Có người lại hỏi: “Hay phía sau cửa là một cô gái tóc tai xõa xượi?”

Cậu bảo vệ đành trả lời: “Trong đó chẳng có người nào hết!”

Ngay cả đội trưởng đội bảo vệ cũng tò mò hỏi dồn: “Thế cậu nhìn thấy gì?”

Nói ra thật khiến người ta khó tin, sau khi mở cửa ra, cậu bảo vệ thấy căn phòng trống tênh, bụi phủ thành lớp dành, mùi ẩm mốc xộc thẳng vào mũi, cậu soi đèn lên, vừa lúc ấy có một tờ giấy từ không trung chầm chậm bay xuống, rơi ngay dưới chân.

Có lẽ trong sát na cửa mở, tờ giấy đó đã bị gió thổi bay xuống đất.

Cậu bảo vệ hỏi: “Trên tờ giấy viết một cái tên. Điêu Ái Thanh là ai?”

Đội trưởng đội bảo vệ nhìn cậu bảo vệ trẻ tuổi, cậu ta còn chưa đến hai mươi, mười hai năm trước chỉ là một thằng nhóc vắt mũi chưa sạch. Đội trưởng kể: “Năm 96, trong kí túc có một nữ sinh tên là Điêu Ái Thanh bị giết hại, hung thủ băm xác cô ấy ra thành ngàn mảnh, đến giờ cảnh sát vẫn chưa bắt được hung thủ. Vì vụ án này quá khiếp đảm nên từ đó đến nay kí túc đó vẫn để trống, không ai dám vào ở.”

Cậu bảo vệ lấy tờ giấy mà mình phát hiện trong kí túc ra cho mọi người xem, trên đó viết tên Điêu Ái Thanh, ngoài ra còn vẽ những đường vòng kì quái, thoạt xem thì hao hao giống một chú dê, nhưng nhìn kĩ lại thấy giống bản đồ chỉ đường kì bí nào đó. Sau khi phòng bảo vệ của nhà trường điều tra thì biết đó là tờ giấy mà hai nữ sinh trong trường đã chơi trò cơ bút. Trò cơ bút là một trò chơi cầu cơ, mời gọi thần thánh linh hiển, trò này rất thịnh hành trong giới sinh viên, theo luật thì sau khi mời gọi thần linh về, người chơi phải đốt tờ giấy đi, nhưng hai nữ sinh nọ quá sợ hãi nên họ lẳng lặng nhét tờ giấy vào trong căn phòng kí túc mà khi xưa mà Điêu Ái Thanh từng ở.

Đội trưởng đội bảo vệ phản ánh sự việc này cho đồn công an phân cục Cổ Lâu, phân cục trưởng lại báo cáo tình hình cho tổ chuyên án.

Rất nhiều cảnh sát trong đó có cả phân cục trưởng đều cho rằng cơ bút là trò mê tín dị đoan vớ vẩn và không đáng tin nên cho rằng bộ chỉ huy vụ trọng án sắp giải tán này sẽ không quan tâm, bởi rốt cuộc cảnh sát chỉ phá án dựa trên những căn cứ khoa học, chỉ duy Tô My kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình, cô cho rằng cơ bút là trò chơi bói toán rất kì lạ, nó có thể nói cho chúng ta biết những việc từng xảy ra trong quá khứ cũng như những việc sắp xảy ra trong tương lai. Hồi còn học đại học, cô cũng chơi trò này.

Giáo sư Lương đề nghị mọi người bỏ phiếu biểu quyết nếu vượt quá bán thì bộ chỉ huy sẽ ra lệnh tiếp tục đi sâu điều tra theo manh mối này.

Tô My là người đầu tiên giơ tay.

Bao Triển sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nên anh luôn tin vào những điều thần bí, bởi vậy anh cũng giơ tay.

Họa Long hỉ mũi tỏ vẻ xem thường. Anh không giơ tay, chỉ nói: “Đúng là mê tín dị đoan!”

Giáo sư Lương không có động thái gì, nếu ông bỏ cuộc thì vụ án sẽ chấm dứt tại đây, ngày mai tổ chuyên án sẽ rời khỏi thành phố Lam Kinh và trở về tổng bộ. Tô My căng thẳng nhìn ông, Bao Triển cũng chờ đợi quyết định của giáo sư Lương. Họa Long cười nhạo: “Nếu bảo trò cơ bút này linh thiêng thật thì giáo sư cứ để bút tiên đưa ra quyết địnhh xem thế nào.”

Giáo sư Lương nhìn tờ giấy và nói: “Trước khi đến đây phó cục trưởng đã tặng chúng ta bảy chữ “Đừng để hổ thẹn với lương tâm”, có thể tờ giấy này chẳng hề có chút giá trị nào, nhưng những việc cần làm chúng ta vẫn phải làm, dẫu cho nó vô ích. Như thế mới không cảm thấy có lỗi với bản thân.”

Giáo sư Lương yêu cầu tất cả thành viên của tổ chuyên án đều mặc cảnh phục giống như lúc mới đến. Họ muốn xuất hiện trước đông đảo sinh viên trường đại học Lam Kinh trong trang phục trang nghiêm của cảnh sát, để ngầm nói với họ rằng cảnh sát không bao giờ buông tay trước vụ án Điêu Ái Thanh, không bao giờ bỏ qua hung thủ.

Họa Long lái xe đưa tổ chuyên án đến trường đại học Lam Kinh. Màn đêm bắt đầu giăng mắc khắp nơi, giáo sư nhìn đồng hồ, bây giờ chính là thời gian Điêu Ái Thanh rời khỏi trường và mất tích. Đội trưởng đội bảo vệ chạy ra tiếp đón tổ chuyên án, hiệu trưởng và các lãnh đạo trường khác cũng vội đến ngay sau đó. Trước tiên, tổ chuyên án gọi hai nữ sinh đã chơi trò cơ bút đến, rồi thẩm vấn cậu bảo vệ phát hiện ra tờ giấy. Cậu bảo vệ trình bày: “Họ đã điều tra, căn cứ vào dấu vết in trên tờ giấy thì phát hiện hai nữ sinh này đã nhét tờ giấy vào phòng kí túc của Điêu Ái Thanh qua khe cửa.” Hai nữ sinh cũng khai: Họ nghe các anh chị khóa trên nói trước đây Ái Thanh ở gian kí túc đó.

Tờ giấy cầu cơ là một trang A4, trên đó viết tên của Điêu Ái Thanh và vẽ cả những đường kẻ khá phức tạp và bất quy tắc.

Bốn thành viên của tổ chuyên án đứng trước cửa phòng kí túc mà Điêu Ái Thanh ở năm xưa. Căn phòng trống trơn không có bất kì đồ đạc gì ngoài bụi trần. Đèn không sáng. Mọi người lặng lẽ nhìn vào bóng đêm. Năm 1996, nữ sinh Điêu Ái Thanh đã rời khỏi căn phòng này, để rồi sau đó biến mất trong thành phố này. Mãi chín ngày sau, từng phần thi thể của cô mới được phát hiện.

Đây chính là xuất phát điểm!

Giáo sư Lương giơ tờ giấy lên, soi đèn pin xuyên qua nó, nheo mắt quan sát kĩ, rồi lẩm bẩm như đang nói với oan hồn: “Rốt cuộc cháu muốn mách bảo điều gì cho chúng tôi nhỉ?”

Bao Triển cũng nhìn tờ giấy, anh thấy rất rõ điểm đặt bút.

Như chợt nhớ ra điều gì, giáo sư Lương đột nhiên lớn giọng nói: “Mang bản đồ thành phố Lam Kinh ra đây! Bản đồ năm 96 ấy! Nhanh lên!”

Phòng bảo vệ nhà trường lập tức đi tìm bản đồ, cứ ngỡ bản đồ năm 96 rất khó kiếm nhưng chẳng ngờ lại thấy nhanh đến vậy – Một bác lái taxi già trong trường vừa vặn có tấm bản đồ thành phố từ năm 96.

Giáo sư Lương lấy bút đỏ chấm vài điểm trên bản đồ, những điểm đánh kí hiệu bằng mực đỏ chính là những địa điểm vứt xác năm đó, sau đó lấy điểm xuất phát là trường đại học Lam Kinh, rồi úp tờ giấy vẽ những đường nhằng nhịt, phức tạp lên bản đồ, chẳng ngờ tất cả các điểm vứt xác ấy lại nằm trên đường kẻ của tờ giấy cầu cơ. Sự trùng hợp này khiến người ta chỉ biết tròn mắt kinh ngạc.

Bao Triển nói: “Chẳng lẽ đây là tuyến đường vứt xác năm đó của hung thủ?”

Tô My tiếp lời: “Có thể hiện trường băm xác của vụ án thứ nhất ở đoạn nào đó trên tuyến đường này.”

Giáo sư Lương lập tức ra lệnh: “Họa Long! Mau lái xe!”

Họa Long ngần ngừ: “Bác Lương, bác không đùa đấy chứ? Chúng ta là cảnh sát, lẽ nào lại đi tìm hung thủ dựa trên tuyến đường viết trên tờ giấy cầu cơ sặc mùi mê tín này sao?”

Giáo sư Lương vỗ vai anh: “Thì cậu cứ coi như chúng ta đang đi dạo thành phố Lam Kinh là được chứ gì? Cứ đi theo tuyến đường này, ắt sẽ tìm thấy đích đến.”

Quá trình tìm kiếm này giống như một trò chơi, các nét vẽ trên tờ giấy che phủ cả bản đồ thành phố, có điều chẳng thể phán đoán được tỉ lệ và phương vị của bản đồ, chỉ cần sai lệch một chút thì khoảng cách giữa hai con phố, hai con đường hoặc vị trí của hai khu dân cư sẽ bị sai lệch hoàn toàn. Họa Long nổ máy dẫn đường, bốn thành viên của tổ chuyên án chẳng hề ôm hi vọng trong lòng, giống như giáo sư nói, coi như họ đi thăm thú cảnh đẹp của thành phố Lam Kinh mà thôi. Họ biết đây là chuyến tìm kiếm vô nghĩa, chỉ có điều họ làm vậy để lương tâm mình được thanh thản.

Từ xuất phát điểm, chiếc ô tô từ từ rời khỏi trường đại học Lam Kinh. Trong màn đêm u tối, có lẽ ai đó đã dẫn đường cho họ.

Tô My nghe nhạc bằng máy MP3, Họa Long hỏi: “Bài gì thế?”

Tô My đáp: “Bèo dạt, một bài hát xưa cũ!”

Lo chi ngày sau kết thúc thế nào

Ta từng gặp mặt chẳng phải sao

Cần gì lao tâm tìm cách trói

Cần gì lời hứa hái trăng sao.

Này cô thiếu nữ đương độ tuổi hoa bị giết hại một cách tàn nhẫn từ mười năm trước! Em có nghe thấy không? Đây chính là bài hát mà em từng thích nhất đấy!

Hãy để chúng tôi đi đến tận cùng thành phố Lam Kinh! Em hãy hiển linh và nói cho chúng tôi biết ai là hung thủ và hắn đang ở đâu?

Hãy để gió dẫn chúng tôi đi tìm hung thủ! Hỡi linh hồn phiêu bạt khắp chốn nhân gian chẳng được an nghỉ của em hãy dẫn đường cho chúng tôi!


Mười năm! Thành phố này đã thay đổi đến điên đảo quay cuồng, chỉ duy một thứ không thay đổi đó là những người mưu sinh bằng nghề nhặt rác. Người phát hiện ra tử thi của Điêu Ái Thanh là một nữ công nhân vệ sinh, cô ấy cũng nhặt rác, khi phát hiện một thanh sắt phế thải cô đã rất vui mừng, huống hồ còn phát hiện hẳn một bọc thịt, vì thế cô định mang về nhà ăn. Hơn chục năm trôi đi, bể rác đắp bằng xi măng được thay bằng các thùng rác nhựa màu xanh da trời, hết đám người nhặt rác này đi lại có một đám người khác đến, họ nhặt phế liệu tìm kiếm tài vận từ những thứ chúng ta vứt đi.

Người nghèo trong thành phố giống như những cánh hoa bồ công anh, chúng xoay xoay, bay bay, trôi dạt trên nền xi măng theo chiều gió, chúng mang theo hi vọng có thể lịm tắt bất cứ lúc nào, vô vọng tìm kiếm từng hạt đất để cắm rễ nảy mầm.

Đặc điểm nổi bật của thùng rác là vô cùng thành thật, chúng không biết nói dối, lại vô cùng công bằng, coi người giàu cũng như kẻ nghèo. Đó chính là nơi người người công bằng theo nghĩa đích thực, mọi vật đều trở lại bộ dạng ban đầu của nó, mỗi vật đều tìm thấy điểm cuối của cuộc đời. Những chiếc răng giả dối trá cuối cùng cũng trở thành răng giả đơn thuần, những bình rượu chứng kiến bao cuộc bán trác hủ bại cuối cùng cũng trở thành bình rượu đơn thuần. Đầu lọc thuốc mà anh công nhân vừa hút, quả táo mà bà mệnh phụ phu nhân vừa cắn dở gặp nhau ở thùng rác, hình đầu người người trên tờ tiền rách và bọt đờm gói trong giấy vệ sinh cũng gặp nhau ở thùng rác. Những chiếc mặt nạ ngụy trang đầy giả tạo bị lật bỏ – thùng rác có ý nghĩa hình tượng như vậy đấy!

Họ lái xe đi loanh quanh thành phố này, lượn qua ngõ Tiểu Phấn, nhà hỏa táng, rồi vòng qua đường Thanh Niên, đường Hoa Kiều, gặp phải mấy ngõ cụt, lại ngang qua hiện trường vứt xác lúc gây án, rồi xuyên qua rất nhiều con đường và khu dân cư… Suốt quá trình đó, họ còn bị lạc đường, nhưng cuối cùng họ cũng đến đích.

Bốn thành viên của tổ chuyên án xuống xe, đó là một quảng trường rộng lớn, người đi lại như mắc cửi, rất nhiều nhóm tập thể dục hoặc khiêu vũ. Vừa nhìn là biết quảng trường này mới được xây dựng chưa lâu, xung quanh vẫn còn một vài ngôi nhà kiểu cũ, có lẽ nhiều năm trước, nơi này từng là khu dân cư cũ nát. Ở chính giữa quảng trường có đài phun nước, cạnh đài phun nước đặt vài thùng rác.

Một cậu học sinh nhỏ tuổi ngồi trên thành hồ.

Tô My đẩy xe giúp giáo sư Lương đến gần đài phun nước, mọi người nhìn ngó xung quanh, một bài hát ở đâu đó bất giác vang lên.

Giáo sư Lương cúi xuống dịu dàng bảo cậu bé dáng chừng mới học tiểu học: “Một mình cháu chơi ở đây à? Thế bố mẹ đâu? Cháu đừng chạy lung tung kẻo bố mẹ không tìm thấy nhé!”

Cậu bé chợt nói: “Khi nãy cũng có một người hỏi cháu y như ông vậy!”

Tô My giật thột vội hỏi: “Người đó hỏi cháu chuyện gì?”

Cậu bé đáp: “Hỏi cháu sao lại chơi một mình ở đây, rồi hỏi bố mẹ cháu đâu.”

Bao Triển hỏi: “Thế người ấy là ai?”

Cậu bé trả lời: “Cháu không quen.”

Giáo sư Lương gợi ý: “Thế người đó trông như thế nào?”

Cậu bé lắc đầu, bảo: “Trông như mọi người thôi ạ!”

Có lẽ cậu bé này mới học lớp một, đòi hỏi một đứa trẻ mới học lớp một miêu tả hình dáng và khuôn mặt của một người là điều vô cùng khó khăn, cậu bé ngẫm nghĩ một lát rồi nói tiếp: “Người ấy mặc áo may ô, quần yếm, đeo găng tay trắng.”

Họa Long ngạc nhiên hỏi lại: “Găng tay trắng ư? Cháu có chắc người ấy đeo găng tay không?”

Cậu bé gật đầu với vẻ đầy khẳng định.

Bốn thành viên tổ chuyên án lập tức cảnh giác, giờ đang là tháng chín, thời tiết rất nóng bức, một người đeo găng tay giữa mùa này quả là đáng nghi.

Giáo sư Lương vội hỏi: “Thế người ấy tầm bao nhiêu tuổi?”

Bao Triển chỉ về phía một người trung niên tầm hơn bốn mươi, gần năm mươi tuổi đang đứng trên quảng trường, rồi hỏi: “Cháu thấy người đó có tầm tuổi chú kia không?”

Cậu bé lại gật đầu.

Giáo sư Lương hỏi tiếp: “Thế người đó còn làm gì?”

Cậu bé nói: “Chỉ đi vứt rác thôi ạ!”

Họa Long và Bao Triển lập tức lật tung thùng rác, căn cứ theo lời mô tả của cậu bé, họ tìm thấy một tờ giấy bị vo tròn do người lạ mặt ném vào thùng rác, từ nét chữ và tờ giấy ngả vàng, có phần mềm mủn của tờ giấy có thể đưa ra phán đoán bước đầu là tờ giấy này được giữ gìn ít nhất mười năm trở lên. Tờ giấy vốn rất phẳng, chỉ vừa bị vò nát mà thôi, còn trước đó có lẽ nó được kẹp trong một cuốn sách nào đó.

Nội dung trên đó lẫn tạp một vài từ địa phương và những lời chửi tục thô lỗ, xem ra người viết là một kẻ vô văn hóa, nhưng điều kì lạ là nét chữ lại rất đẹp, đáng ngờ hơn là khoảng cách giữa các chữ lại không đồng nhất, một vài chữ đứng xa các chữ còn lại một cách rõ nét, nom nó trơ trọi đến nỗi chỉ cần nhìn một cái là phát hiện ra ngay.

Nội dung toàn văn như sau, để phân biệt những chữ đứng độc lập, tổ chuyên án còn cố tình bôi đậm:

“Xã hội bây giờ tối như hũ nút, làm đếch gì cũng phải luồn cửa sau, phải có quan hệ. Kẻ nhiều tiền thì ít mà người rỗng túi thì nhiều như quân Nguyên. Mấy đứa chuyên hát hò, đóng phim đúng là người làm trò, vậy mà chúng chỉ cần ngoáy mông vài cái là hái ra tiền, còn những người không tiền thì làm mệt phờ râu trê, tối ngày chổng đít lên trời vẫn chả kiếm nổi mấy đồng, một tháng chỉ vài trăm tệ là cùng, chả đủ tiền mà cưới vợ, không có tiền ai thèm nghe mình nói. Mấy thằng ôn phá dỡ nhà cửa người ta tanh bành hết cả, mẹ chúng nó chứ! Lại còn mấy trò lừa đảo của bọn cảnh sát nữa, cảnh sát là người ăn cơm nhà nước mà toàn nói nhảm, làm ăn đại khái, trong khi lòng tham thì vô đáy, tóm được lá củ cải liền mang đổi lấy rau cải, rồi lại lấy rau cải đổi lấy lá cà rốt. Ông mày làm trâu làm chó cả đời thử hỏi biết sống làm sao? Thời gian cứ ngày một trôi, người lại ngày một già. Đừng hỏi ông mày muốn làm gì, ông mày chỉ muốn sống sung sướng và thoải mái hơn bây giờ chút thôi! Đầu tiên ông phải tìm thằng nào đó, rồi chặt béng cổ nó ra, róc ngón tay, ngón chân nó cho hả dạ.”

Tất cả có bảy chữ, nom nổi bật hẳn trên cả đoạn văn, có lẽ người viết đã cố tình để cách ra, bảy chữ đó lần lượt là: rỗng, mệt, là, ôn, mà, và, tiên.

Đoạn văn này rất giống màn tự sự của hung thủ. Họa Long lập tức lao ra quảng trường tìm người đàn ông trung niên mặc quần đùi, áo may ô và đeo găng tay trắng, dòng người đi lại trên quảng trường nhộn nhịp và liên tục di chuyển, ngay gần đó có một ngã tư, nếu một người định bụng rời khỏi đây thì chỉ cần mười phút là có thể hoàn toàn mất hút trong màn đêm, mất hút giữa biển người mà không thể nào tìm thấy nổi.

Giáo sư Lương và Bao Triển hỏi cậu bé thật tỉ mỉ xem người đàn ông đó trông như thế nào, nhưng cậu bé không thể mô tả một cách chuẩn xác, chỉ nói rằng người đó trông rất bình thường, không hề có đặc điểm gì nổi bật hay đặc biệt, ông ta giống như bao người khác đang đi trên phố.

Thực ra mỗi người bình thường mà chúng ta nhìn thấy cạnh mình đều có một khuôn mặt bí mật ở sau lưng mà chúng ta không tài nào phát hiện ra.

Rất có thể tổ chuyên án đã đi sượt qua vai hung thủ thực sự mà không hề hay biết.

Sau khi trở về sở cảnh sát, tổ chuyên án tiến hành phân tích, họ cho rằng xuất phát từ tâm lí biến thái, một số hung thủ có thói quen lưu giữ lại một vài kỉ vật của nạn nhân, phần thi thể mà cảnh sát phát hiện thấy không phải cơ thể hoàn chỉnh của Điêu Ái Thanh, rốt cuộc y đã vứt những những bộ phận còn khuyết ở đâu mà cảnh sát mãi vẫn không thể tìm ra? Theo thói quen vứt xác của hung thủ thì rất có khả năng y đã vứt chúng vào thùng rác.

Có lẽ những dòng chữ này là do hung thủ viết.

Tổ chuyên án tràn trề hi vọng tiến hành kiểm định nét chữ, nhưng kết quả lại khiến ai nấy đều ủ dột, những chữ đó không phải của gã gù, lại càng không phải của Hạ Vũ Bình hay Hoàng Bách Thành. Họ kiểm tra thông đêm tất cả các nét chữ của từng nghi phạm xuất hiện trong vụ án nhưng không có nét chữ nào trùng khớp với nét chữ trên trang giấy.

Trời hửng sáng! Tổ chuyên án định bỏ cuộc, họ ngồi ngâm cứu, phân tích bảy chữ đó suốt một đêm ròng, nhưng vẫn không thể giải mã được câu đố, thế là hoài công cả một đêm! Họ mệt mỏi ngồi nghỉ ngơi một lát rồi chuẩn bị ra máy bay rời khỏi Lam Kinh.

Giáo sư Lương nhìn ra ngoài cửa sổ, tia hừng đông đầu tiên đang le lói phía chân trời, ông chợt nói: “Ồ! Chúng ta quên chưa đối chiếu nét chữ của một người nữa!”

Tô My hỏi: “Ai vậy?”

Giáo sư Lương đáp mập mờ: “Nét chữ của một người chết!”

Họa Long nói: “Những người cần đối chiếu, chúng ta đã đối chiếu hết rồi còn gì?”

Bao Triển thăm dò: “Lẽ nào… ý của bác là…”

Giáo sư Lương gật đầu tiếp lời: “Đúng vậy! Nét chữ của Điêu Ái Thanh!”

Tên sát thủ lừng danh ở Mỹ có biệt danh là Keystone từng bắt nạn nhân lê ruột của mình đi quét dọn hiện trường. Tên sát thủ có biệt danh Đứa con của Sam và tên sát thủ có biệt danh là Zodiac thậm chí còn cố tình gửi thư cho cảnh sát trước khi gây án, thậm chí Đứa con của Sam còn cố tình để lại kí hiệu gợi ý cho cảnh sát.

Giáo sư Lương nhận định có khả năng hung thủ đã ép Điêu Ái Thanh phải viết những dòng chữ này trước khi xử tử cô, chỉ vậy mới lí giải được nguyên nhân vì sao nội dung văn bản tục tĩu, thô lỗ nhưng chữ viết lại rất đẹp và ngay ngắn. Điêu Ái Thanh là sinh viên đại học, cô là người có văn hóa, có đầu óc, khi ấy cô chắc chắn biết rằng mình đang rơi vào tình thế vô cùng nguy hiểm, bởi thế cô mới cố tình để lại manh mối, tách bảy chữ ra khỏi các chữ khác làm thành bảy mật mã ngầm ám chỉ lai lịch của hung nếu giải đáp được câu đố này có thể sẽ tìm ra chân tướng sự thật.

Tô My nói: “Có thể các nét chữ của bảy chữ đó tổ thành một số điện thoại hoặc số nhà gì đó.”

Họa Long bổ sung thêm: “Cũng có thể là mã code BB, mười năm trước đang thịnh hành loại máy BB call này mà!”

Bao Triển chậm rãi nói: “Tôi đã đoán ra được ba từ phía trước, còn bốn từ phía sau thì chịu.”

Giáo sư Lương kinh ngạc bật hỏi: “Thật không? Ba từ, đó nghĩa là gì?”

Bao Triển giải thích: “Từ “rỗng” được cấu thành bởi bốn chữ cái, từ “mệt” được cấu thành bởi ba chữ cái, có một từ ghép rất quen thuộc với chúng ta cũng được cấu thành bởi cụm bốn – ba chữ cái hai từ này, rồi thêm từ “là”, nối lại chúng lại với nhau, ta sẽ được một cụm từ có nghĩa.”

Giáo sư Lương sốt ruột: “Thôi cậu đừng giải thích vòng vo nữa! Mấy từ còn lại mọi người sẽ cùng đoán sau, giờ cậu mau nói ra ba từ đầu tiên nghĩa là gì đi đã!”

Bao Triển thả từng chữ: “Hung thủ là…”

[1] Chữ “đại” trong tiếng Hán có hình dáng giống như người nằm dang tay, dang chân “大”.

[2] Chữ “thái” tiếng Hán viết là “太”.

[3] Trong tiếng trung, ngày 10/01 và ngày 19/01 được viết theo thứ tự ngược lại là 1/10 à 1/19, viết tắt sẽ thành 110 và 119. Cùng với 112, thì 110 và 119 là ba số gọi cho cảnh sát Trung Quốc khi xảy ra tình trạng khẩn cấp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.