Mười Lăm Năm

Quyển 2 - Chương 21: Thiên tài vs địa tài




Cái gọi là “Tương phùng cười mỉm oán thù tan” (1) đại khái chính là như vậy.

(1) Trích “Đề Tam Nghĩa tháp” của Lỗ Tấn.

Liễu Dung cảm thấy thế giới này thực kỳ lạ, ví dụ như Lương Túc và Thái Bảo Quang, rõ ràng thù hận xách dao truy sát vài con phố, thế mà trong nháy mắt, hiểu lầm tan hết, xưng huynh gọi đệ. Thái Bảo Quang tuy là kẻ xấu đấu ác đấu dũng nhưng vẫn biết lý lẽ, vừa biết tiểu huynh đệ Dao Cạo của mình là một thằng xúi quẩy chuyên ăn no rửng mỡ đi kiếm chuyện liền đích thân đập cậu ta một trận rồi xách tới chỗ Lương Túc.

Ví dụ như Hoàng Lỗi và Thường Lộ Vận, rõ ràng không thù không oán, vì chút chuyện cỏn con mà thời thời khắc khắc nồng nặc mùi thuốc súng. Hoàng Lỗi khả năng cao là giỏi về chính trị lịch sử, vô cùng có nghiên cứu trong lĩnh vực “trường kỳ kháng chiến”, quanh năm rình mò theo dõi xung quanh, đợi Thường Lộ Vận lộ ra chút sơ hở liền lao tới đạp mạnh tới tấp.

Liễu Dung luôn không hiểu, rốt cuộc cậu ta nghĩ không thông chỗ nào, có cần phải vậy không?

Thái Bảo Quang mang thanh “Kim Ti Đại Hoàn Đao” xưa nay luôn vô địch, không ngờ hôm đó hơi không tập trung liền bị một con nhóc đập, bây giờ vừa thấy Liễu Dung, tâm lý có chút phức tạp, một mặt là nghĩ thế nào cũng không hiểu, sao mình lại thua dưới tay một cô bé trông nhỏ nhắn ngoan ngoãn thế này, một mặt là hễ Liễu Dung thình lình đứng dậy hoặc có động tác gì lớn chút là cậu lại hoảng kinh hồn vía, ánh mắt bất giác lấm lét nhìn bên đó.

Trán cậu phải may sáu mũi đấy!

Đang là chủ nhật, khách ghé tiệm Lương Túc mua đem về nhiều, không có mấy người ngồi lại trong tiệm uống.

Căn tiệm nhỏ này của anh vô cùng độc đáo, cái bàn làm giống như cọc gỗ lớn, mang chút màu cổ xưa, quanh mỗi bàn là bốn chỗ ngồi, gồm hai ghế nhỏ làm cọc gỗ lùn hơn, hai cái khác thì như ghế đu, dùng dây thừng thô treo lên trần nhà, rất nhiều cô bé đều thích ngồi lên cái này.

Lương Tuyết chọc anh trai rằng như vầy là đạo rừng Goblin, nhưng Liễu Dung vừa nhìn liền thích kiểu ghế đu này ngay, ngồi lên mãi không chịu xuống.

Thường Lộ Vận và Liễu Dung đã lâu chưa gặp Lương Tuyết, ba cô gái tụ lại với nhau ríu rít trò chuyện, không biết ở đâu ra lắm chuyện để nói thế, tám về trường bạn, trường mình, phê phán cái vị Vu Hiểu Lệ phiên bản nam kia, Liễu Dung thả lỏng, chân nhón xuống sàn, lắc lư giữa không trung, vừa cắn ống hút trà sữa, vừa bắt chước cách nói của Hoàng Lỗi.

- “Trần Gia, mình nói với cậu rồi, mai mốt đừng lấy bút của mình dùng nữa, đồ đạc mà dùng lung tung hết là sao? Mất vệ sinh lắm! Hơn nữa, mình phải lấy cây bút này để đi thi đấy, hôm qua mẹ mình đi núi Vũ Di bái Phật, khó khăn lắm mới bái cho mình được ít tiên khí, bị cậu lấy hết rồi... Ui chao, cậu nhìn đi, chỗ này rõ ràng cậu viết ‘e’ nhưng thầy lại nhìn thành ‘a’nên chấm cậu đúng, lẽ ra cậu thấp hơn mình 1 điểm, mình phải đi méc thầy mới được.”

Giọng cô làm điệu làm bộ, biểu diễn vô cùng chính xác, chỗ cần cao giọng tuyệt đối sẽ không xuống giọng, chỗ cần the thé tuyệt đối sẽ không êm dịu, Lương Tuyết cười đến không nhìn thấy mắt.

Liễu Dung trở lại bình thường, bĩu môi:

- Mình nói các cậu này, người khác còn đỡ, nhưng mình tội nghiệp mẹ cậu ta lắm, do tác dụng của hoóc môn mà phải thương cậu ta, thân bất do kỷ, nỗi bi thảm của thế giới.

Lương Túc vừa làm xong trà sữa cho khách quen vừa nghe, cũng không kiềm được buồn cười, thầm nhủ cô nhóc này đúng là xấu tính.

Thường Lộ Vận trêu cô:

- Bạn Liễu Dung, bạn giỏi ăn nói như vậy, sao lại suýt rớt bài kiểm tra ngữ văn giữa kỳ thế? Phát phiếu điểm còn để cô Bạch cố ý khoanh tròn kết quả ngữ văn của cậu kìa.

Liễu Dung lập tức xù lông:

- Ai nói mình suýt rớt? Ai nói? Mình cao hơn điểm trung bình 5 điểm đấy! Thầy cứ nói mình viết văn lạc đề, mình có cách gì sao? Những người phàm tục bọn họ không hiểu được suy nghĩ của vĩ nhân, mình tha thứ cho họ.

____Sự thực là, sau ba năm viết văn lạc đề, thành tích ngữ văn của vị vĩ nhân này luôn quanh quẩn ở mức trung bình khiến giáo viên ngữ văn có thân thể phàm tục vô cùng tuyệt vọng.

Lương Túc dựa vào quầy vui ké, vừa quay đầu liền thấy Thái Bảo Quang nhìn chằm chằm Liễu Dung không chớp mắt, tưởng cậu còn ám ảnh sợ hãi, bèn nhỏ giọng an ủi:

- Không sao, cô nhóc đó miệng mồm tuy hơi kém, có chút xấu tính, nhưng không ai cầm dao rượt cô ấy thì bình thường cô ấy cũng sẽ không cầm đá đập người ta đâu.

Thái Bảo Quang ngơ ngác gật đầu, chợt nhỏ giọng hỏi:

- Lương đại ca, cô ấy... là bạn gái anh hả?

Lương Túc sững sờ:

- Cậu nói gì?

Thái Bảo Quang nhấp nhấp môi, lặp lại lần nữa:

- Cô gái đó, là bạn gái anh sao?

Lương Túc cau mày:

- Bậy bạ, là bạn học của em gái anh.

Mắt Thái Bảo Quang sáng lên, cười khà khà:

- Vậy à... hè hè, em nhìn cô ấy lâu rồi, cô ấy rất tốt, nếu không phải... a ơ, em...

Lương Túc nhìn theo ánh mắt cậu, không biết mấy cô nhóc nói đến cái gì mà cùng cười ha hả, ánh mặt trời ấm áp lọt qua khung cửa, rơi trên cái bàn hình cọc gỗ cổ xưa, rơi vào người Liễu Dung trên ghế đu, nửa ly trà sữa lắc lư trong tay cô, đôi mắt hàng mi cô cong cong, cười lên sinh động, ngũ quan không khiến người khác chú ý nhưng lại toát lên một vẻ đẹp êm đềm kỳ lạ.

Tựa như toàn thân cô trong suốt, lại tựa như một tinh linh trong rừng rậm ăn gió uống sương mà lớn, sạch sẽ và tinh khôi.

Trái tim Lương Túc như có thứ gì đó khẽ cựa quậy, bỗng dưng có chút không vui vì những lời của Thái Bảo Quang, anh lườm cậu:

- Nằm mơ cái gì đấy, người ta là gái ngoan, không phải loại như Lư Hiểu Mai, tương lai kiểu gì cũng là nòng cốt của trường đại học trọng điểm, cậu đừng làm lỡ dỡ tiền đồ người ta.

Anh ép giọng rất thấp, thu tầm mắt, lấy máy tính ra gõ gõ tính sổ sách, ngẩng đầu thấy Thái Bảo Quang còn lưu luyến nhìn sang bên kia bèn giơ tay gõ đầu cậu:

- Nhìn cái gì mà nhìn, còn không mau làm việc đi, chỉ muốn tiếp đãi người đập bể đầu mình, bị M à?

Thái Bảo Quang quẹt quẹt tay lên đầu, sờ đến vết may trên trán vẫn cảm thấy hơi đau, thế là nhe răng nhếch miệng quay đi, lòng thầm nghĩ có lẽ mình có chút khuynh hướng tự ngược thật.

Kỳ thi giữa kỳ, Thường Lộ Vận đứng hạng 26 cả lớp, lần kiểm tra tháng kế tiếp hạng 22, sau đó đến thi cuối kỳ thì lên hạng 19____cô ấy dùng thời gian một học kỳ, vững vàng lọt vào top 20.

Họp phụ huynh sau kỳ thi cuối kỳ, Thường Lộ Vận được đặc biệt gọi tên, cô Bạch nói, đây là học sinh duy nhất trong lớp càng kiểm tra càng tiến bộ, cô vô cùng thưởng thức sự kiên trì và bền bỉ của học sinh này.

Học sinh Thường Lộ Vận cũng trở thành học sinh duy nhất trong lớp 10/7 được cô Bạch nghiêm khắc nói ra hai từ “thưởng thức”, những người khác đều bị vài câu phê bình, không có ngoại lệ.

Bao gồm bạn lớp trưởng có năng lực hàng top Cố Thanh Dương, cô Bạch nói em ấy làm rất tốt công tác học sinh nhưng kết quả học tập chưa ổn định, hi vọng đừng lẫn lộn chính phụ; bao gồm tiểu thư hoàn mỹ Triệu Bân Bân của lớp, cô Bạch Ngọc nói em ấy có thể ổn định hơn, thành tích học tập không tốt như khi mới nhập học, hi vọng em ấy có thể nhận thức rõ con đường tương lai phải đi; bao gồm Liễu Dung đứng nhất kỳ thi cuối kỳ, cô Bạch sắc bén chỉ ra, học sinh này học quá lệch, dù bây giờ thứ hạng học tập nghe rất hay nhưng sau này chắc chắn sẽ hối hận, cô không nói nhiều, tự xem mà làm.

Liễu Dung từng xem kế hoạch học tập mà Thường Lộ Vận tự hoạch định cho bản thân, Thường Lộ Vận chưa bao giờ như những học sinh ưu tú khác mèo khen mèo dài đuôi hay không cho người khác xem đồ của mình, cô ấy luôn xem lời người khác nói để làm gương, lần nào cũng rất hào phóng lấy ra, còn sẵn lòng giải thích những ký hiệu này có ý nghĩa gì, cái nào là nhất định phải hoàn thành, cái nào là kém hơn một bậc, tại sao lại đặt ra như thế.

Thường Lộ Vận cũng chưa bao giờ quan tâm người khác “tán thưởng” mình với ngữ điệu không tốt “cậu học chăm thật đấy”, cô ấy cảm thấy học hành thì phải chăm, chẳng lẽ có ai không chăm mà học giỏi sao?

Ai cũng biết đó là chuyện không thể nào, ai cũng biết mình không phải thiên tài, nhưng lại cứ muốn người ta xem mình là thiên tài, chẳng phải buồn cười sao? Vả lại... dù thực là thiên tài thì sao chứ? Từ số liệu mà nói, Liễu Dung cũng được tính là thiên tài, nhưng vẫn bị giáo viên chủ nhiệm nghiêm khắc nói một câu “tự xem mà làm” đó thôi.

Họ không hiểu đạo lý này, là chính họ ngu xuẩn.

Trên đời có rất nhiều loại thiên phú, có loại “thiên tài” hơi nói sơ qua là tự suy luận và hiểu, cũng có loại “địa tài” không ngừng kiên trì, đã quyết chí thề là không thay đổi. Không phải ai cũng có năng khiếu làm “địa tài”, bảng kế hoạch của Thường Lộ Vận có hơn nửa lớp lấy làm gương nhưng không một ai có thể kiên trì như cô ấy, đây chính là chênh lệch.

Bọn trẻ không hiểu, nhưng cô Bạch hiểu, “thiên tài” là từ nguy hiểm, gánh chịu sự khen ngợi và suy đoán của quá nhiều người, dễ khiến người ta đắc chí, mất đi phương hướng, từ Phương Trọng Vĩnh (2) trở đi nó đã hủy hoại không biết bao nhiêu người không biết mệt mỏi. Mà “địa tài” thực ra là một loại năng khiếu càng hiếm hoi hơn cả thiên tài, mới là thứ chân chính khiến người ta thành công.

(2) Phương Trọng Vĩnh: nhân vật chính trong tác phẩm “Thương Trọng Vĩnh” của Vương An Thạch thời Tống, lúc nhỏ là thần đồng thiên phú hơn người, sau khi lớn lên trở thành người bình thường. 

Ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ đông lớp 10 có thể không cần mặc đồng phục học sinh đến trường, mọi người lĩnh kết quả học tập, bài tập nghỉ đông và những điều cần chú ý trong kỳ nghỉ là có thể tự do hoạt động.

Hoàng Lỗi bắt đầu khua môi múa mép với Trần Gia về kế hoạch nghỉ đông đi Hải Nam của mình, nước miếng văng tung tóe, huơ tay múa chân cứ như đảo Hải Nam là nhà mình ấy, cằm hất lên thật cao, vừa nói về nhiệt độ và khí hậu Hải Nam vừa gấp tờ thành tích thi cử không để cho người khác thấy.

Vương Bích Dao mang đôi giày cao gót, mặt không cảm xúc đi ngang qua bên cạnh, gót giày gõ xuống nền “cộc cộc”, Liễu Dung tình cờ ngẩng đầu, phát hiện cô ấy trang điểm. Miss Wang nghe lời Hoàng Lỗi nói thì cười khẽ, nói một đống lời bằng tiếng Trung Anh hỗn hợp, đại ý là: “Hải Nam có gì vui, mình định đi Australia lang thang cả kỳ nghỉ đây, muốn quà gì có thể đặt trước.”

Liễu Dung cảm thấy bạn học Vương đã tiến hóa, ít nhất biết nói mấy chữ tiếng Trung rồi.

Lúc này điện thoại di động của cô vang lên, Liễu Dung thấy là Hồ Điệp thì vội kéo Thường Lộ Vận qua, bắt máy.

Hồ Điệp ở bên kia hô to gọi nhỏ:

- Nghỉ chưa? Các cậu nghỉ chưa? Mau qua mình chơi! Mợ nó cái trường rởm này nghỉ mà cũng dạy thêm, thành thử nghỉ được có mấy ngày, chán chết đi được, bà đây sắp chết vì chán rồi! Mau qua an ủi trái tim bé bỏng của mình nào!

______

Thần đồng bất hạnh (sưu tầm trên internet)

Cậu bé tên Phương Trọng Vĩnh được sinh ra trong một gia đình nông dân. Gia đình cậu nhiều đời là nông dân, không có ai là trí thức. Khi cậu lên 5, vẫn chưa hề thấy qua những thứ như giấy mực bút nghiên gì cả.

Nhưng một hôm cậu bé phương Trọng Vĩnh đòi người nhà giấy mực bút nghiên, nói muốn viết thơ. Cha cậu vô cùng kinh ngạc, lập tức sang nhà hàng xóm mượn giấy mực bút nghiên, Trọng Vĩnh lấy bút viết 4 câu thơ, còn viết cả tiêu đề bài thơ. Mấy người có học trong thôn biết được chuyện này đều chạy đến nhà Trọng Vĩnh xem, mọi người đều nói cậu viết không sai. Vì thế chuyện này nhanh chóng truyền ra ngoài, ai biết được cũng kinh ngạc.

Từ đó nhà Phương Trọng Vĩnh lúc nào cũng nhộn nhịp, thường xuyên có người đến nhà chơi, có người ra đề cho cậu bé làm thơ. Bất luận là đề gì cậu bé Trọng Vĩnh cũng nhanh chóng làm thành thơ, hơn nữa nội dung rất sâu sắc tao nhã, tài văn chương đa dạng, được mọi người tán thưởng.

Không lâu sau, kỳ tài bẩm sinh của Phương Trọng Vĩnh truyền khắp cả huyện, gây chấn động lớn, mọi người đều cho rằng cậu bé là thần đồng. Những người giàu có, nổi tiếng trong huyện đều thích Phương Trọng Vĩnh, ngay cả địa vị của cha cậu bé cũng được nâng lên đáng kể. Mấy người đó nhìn cha cậu bé với ánh mắt khác, thường mang tiền đến giúp đỡ ông ấy. Vì thế cha cậu bé cho rằng đây là việc tốt có thể lợi dụng được, cho nên bỏ ý nghĩ cho cậu bé đi học mà hàng ngày dắt cậu bé đến những gia đình giàu có, nổi tiếng trong huyện nhằm tìm dịp để cậu bé thể hiện thiên tài làm thơ hòng nhận được những lời ca ngợi và sự khen thưởng từ những người kia. 

Thế là tài sáng tác của cậu bé ngày một kém đi, dần dà do chỉ dựa vào chút “thiên tài” mà sau đó không chịu học hành, dần tài năng mai một đi. Đến năm 12, 13 tuổi, thơ cậu làm kém xa trước kia, những người thường đối thơ với cậu trước kia cảm thấy thất vọng, đến năm 20 tuổi, tài năng của cậu mai một hoàn toàn, chẳng khác gì người bình thường, mọi người đều cảm thấy ngao ngán luyến tiếc, tiếc cho một thiếu niên thông minh đĩnh ngộ cuối cùng trở thành người tầm thường.

Rõ ràng, một người thông minh bẩm sinh mà không chú tâm học hành là không được, không chú ý tiếp thu kiến thức mới, cuối cùng cũng sẽ lạc hậu hơn so với người khác.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.