Mùa Thay Lá

Chương 8




Sau mấy ngày về nhà tôi trở lại trường, đúng lúc đề tiểu luận được giáo sư giao xuống. May là đề lần này không khó mấy, khó ở đây là thầy chủ nhiệm khoa hay yêu cầu quá cao, mấy tiết thầy trên lớp làm tôi cực kì căng thẳng, thế mà thầy còn bảo tôi tệ nhất lớp, kích động tôi và nhất quyết tiểu luận lần này phải thật tốt.

Mấy ngày nay Vũ bận tối mắt tối mũi, đến thì giờ nói chuyện với tôi cũng không có, có hôm tôi chờ anh tới nửa đêm đến sáng hôm sau vẫn không thấy anh về, anh Liêu lâu lâu chỉ gọi cho tôi rồi bảo bận quá không về được, riết rồi tôi cũng chẳng thiết tới chuyện nấu cơm cháo gì. Lúc đói cũng chẳng muốn ăn, cứ đọc sách rồi đến trường, rồi đến thư viện thu thập tài liệu làm tiểu luận.

Bất quá tôi lại lôi mấy chai rượu trong tủ ra uống nhưng lại sợ tửu lượng kém nên chỉ uống Brandy hay rượu truyền thống. Nhưng rượu nào uống mà chẳng say, đừng nói say không mà gọi là quắp cần câu, uống từ chiều đến tận tối mịt, lấy điện thoại ra gọi cho anh, đáp lại là giọng đều đều của cô tổng đài. Không biết tôi uống bao nhiêu nhưng bây giờ chuyển sang uống chai không còn uống trong ly nữa rồi, gọi không được tức quá nên tôi bưng mặt khóc lớn. Tôi chưa từng nghĩ có ngày tôi lại vì một người đàn ông mà ra đến nông nỗi này, không còn ra thể thống gì nữa.

Nhưng đêm nay khác, anh Liêu và Vũ trở về lúc hơn mười một giờ đêm, tệ hơn là tôi đang nằm ngay phòng khách uống rượu, thấy anh tôi cũng chẳng thiết nói nhiều, chỉ nói:

- Về rồi.

Anh Liêu thoáng bất ngờ nhưng rồi lại đi lên lầu, Vũ tiến thẳng về phía tôi rồi bế phốc lên làm chai rượu trong tay tôi rơi xuống sàn nhà kêu xoảng lên một tiếng, rượu vang đỏ văng ra khắp nơi. Anh bế tôi đi lên lầu, mày cong nhíu lại mắng:

- Mấy ngày anh không có ở nhà em đã làm gì? Đừng nói là uống hết rượu của anh đấy.

- Biết rồi còn hỏi, chẳng phải anh đâu cần cái nhà này nữa, đâu cần em nữa đến một cuộc gọi cũng không có. Rốt cuộc đâu có quan tâm tới em còn hỏi để làm gì. - Tôi nói giọng điệu giận dỗi mà thật ra là giận thật, chưa bao giờ có cảm giác khó chịu thế này.

Anh mở cửa phòng, đặt tôi xuống giường rồi quay đi, tôi liền tức giận hỏi dồn:

- Rốt cuộc anh còn yêu em không? Sao lại lạnh lùng như vậy hay anh có người khác rồi?

- Anh mệt lắm, em đi ngủ đi, đừng hỏi nữa.

Đầu tôi bắt đầu nổi điên lên, mấy ngày liên tiếp không về, không nói chuyện cũng không hỏi thăm, có phải anh đã nguội lạnh?

- Anh lấy tư cách gì bảo em đi ngủ, bảo em không hỏi, anh mau trả lời đi, có phải anh đã không còn...

- Không có, Nhã Ái, anh rất mệt, em nằm yên đi có được không? - Anh cởi áo vest rồi leo lên giường ôm lấy tôi.

Tôi nghe anh thở nhè nhẹ bên tai, có lẽ anh mệt thật. Tôi nằm im bên cỗ ấm áp kia, mùi bạc hà trên người anh thoang thoảng quanh mũi mới thật sự dễ chịu làm sao. Chẳng mấy chốc mà tôi chìm vào giấc ngủ đến khi nhận ra mùi bạc hà đã biến mất, xung quanh không còn ấm áp lan tràn nữa mới tỉnh dậy. Bên cạnh không có anh, phòng tắm vang lên tiếng nước chảy róc rách. Chắc là anh nhớ ra mình chưa đi tắm nên mới thức dậy thế, lại còn tắm rất muộn nữa.

Gió lạnh không biết bằng cách nào lùa vào bên trong lạnh toát, tôi quấn chặt chăn mà vẫn thấy lạnh, lạnh hơn cả mấy hôm trước nữa.

Anh từ bên trong đi ra, tôi biết vì nghe thấy tiếng bước chân đều đều của anh, bước chân vô cùng quen thuộc. Rồi một phần nệm bị lún xuống, tôi biết anh lên giường nhưng không quay lại, có chút giận anh. Bỗng nhiên anh kéo tôi vào lòng, tì cằm lên chóp đầu tôi thủ thỉ:

- Em chưa ngủ, anh xin lỗi, lu bu quá nên không gọi được cho em.

Tôi im lặng nghe anh nói, tức giận trong lòng không biết như thế nào lại bay mất hết chỉ còn lại lo lắng, lúc nãy tôi không chú ý nên không biết anh có ốm đi không nhưng lúc này tôi nhìn ra cửa sổ và có lẽ anh cũng đang nhìn ra cửa sổ. Lát sau tôi mới lên tiếng:

- Em xin lỗi.

Nhưng đáp lại là tiếng thở đều đều của anh, anh ngủ rồi.

Hai tuần trôi qua kể từ ngày hôm đó, tiểu luận của tôi hầu như sắp hoàn thành luôn rồi, vé máy bay đã có, chỉ chờ tới dăm ba hôm nữa tới thánh đường đưa Ly về rồi thu dọn hành lý là tuần sau có thể đi được.

Nói tuần sau để thấy dài thôi chứ thời gian trôi qua nhanh không tả nổi, mới đó mà đã đến ngày bay. Trước khi đi tôi không quên chào tạm biệt Cadi, cậu còn đặc biệt đưa cho tôi thêm một số thuốc và dặn phải uống đều. Nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của cậu ta tôi không thể không gật đầu.

Lúc lên máy bay tôi gặp được giáo sư khoa tôi, thấy còn kinh ngạc hơn tôi nhiều, lúc ngồi máy bay may mắn cũng ngồi gần nhau. Còn Vũ lại ngồi ghế trên tôi, máy bay vừa cất cánh anh đã ngủ mất, tôi tranh thủ hỏi han thầy về bài tiểu luận sắp hoàn thành, có thầy chỉ dạy tôi mới phát hiện còn nhiều chỗ sai sót, định bụng khi nào về Hà Nội thì sửa luôn thể.

Mấy tiếng trên máy bay không đủ thấm thía cơn buồn ngủ của tôi, lúc xuống máy bay còn ngáp ngắn ngáp dài. Vũ thì đặc biệt hưng phấn vì lâu ngày về quê hương, mau mau vừa kéo hành lí ra ngoài. Tôi chào giáo sư rồi nhanh chóng đuổi theo Vũ, í ới gọi.

Anh nhìn phố xá Hà Nội năm hai lẻ ba có cái gì đó mới mẻ, cũng là hai dãy phố dài, nhà cao tầng lớp lớp, dây điện chằng chịt, hoa lá xanh tươi trên ban công từng lầu.

Tôi vừa kéo vali lên một chiếc xe xích lô, anh lại đi lên một chiếc xích lô khác, không khí thời bình đúng là khác trước kia rất nhiều. Chú đạp xích lô mồ hôi nhễ nhại hỏi han tôi:

- Cô từ nước ngoài về à? Trông không giống người ở đây bây giờ.

- Vâng, cháu mới từ Canada về, nhưng cháu là người ở đây mà!

- Thật sao? Chú cứ tưởng cháu là người Sài Gòn, kìa, người ở đây thế đấy! - Chú nhìn về hướng mấy cô cậu học trò phía đường bên kia.

Lòng tôi lại rạo rực mong mau tới nhà, mấy cô gái nữ sinh mặc áo dài trắng mang cặp táp da, tóc tết thành hai bím đáng yêu, làn da ngăm ngăm nổi bật của người Việt. Ngẫm lại nhìn tôi đúng là không giống người ở đây thật, chắc là do sống lâu ở Canada nên màu da thay đổi, thật đáng buồn.

- Bây giờ chúng ta về nhà em nhé! - Tôi quay qua hỏi Vũ.

Anh chưa kịp trả lời thì nước từ đâu nhẹ nhàng rơi xuống, tôi lau lau mới ngửi thấy mùi nước xả quần áo, ngước lên mới thấy một người phụ nữ tầm bốn mươi đang giũ đồ trên ban công hướng xuống lòng đường. Chú đạp xích lô cũng bị dính nước liền ngước lên nhắc nhở người phụ nữ:

- Thím tư cẩn thận đấy, ướt hết rồi này.

Tôi chỉ nghe thấy tiếng thím đáp:

- Biết rồi, nói mãi!

Tôi nhìn sang Vũ không nhịn được cười, lát sau mới nói:

- Ta về thẳng nhà nhé!

- Ừ!

Tiếng lạch cạch của xe đạp qua lại rất vui tai, người bán người mua tấp nập, nhộn nhịp và sầm uất lạ thường.

Sau khi xích lô dừng lại trước nhà tầng tập thể chúng tôi xuống xe, tôi đưa cho chú năm mươi ngàn, thời này hai mươi ngàn là số tiền không hề nhỏ, thấy tôi đưa chú nhiều tiền thế chú liền lên tiếng từ chối, lâu lắm mới chịu nhận.

Vũ đã trả tiền xong từ lúc nào, đang đứng nhìn lên phía trên cao, đôi mắt thoáng bất ngờ, lúc đi vào trong anh liền nói:

- Khác nhiều quá, lúc trước ở đây làm gì có nhiều nhà chung cư đến thế!

- Mẹ em lúc trước cũng có một căn nhà cấp bốn nho nhỏ nhưng sau đó không biết sao lại bị thu hồi, sau đó lại dọn đến đây. Dù sao sống nơi phố thị này có hàng xóm gần bên có lẽ sẽ tốt hơn.

- Thế nhà em ở tầng mấy. - Anh và tôi quất bộ cầu thang tới mấy tầng.

- Chắc là tầng năm, mẹ chỉ đưa cho em số nhà mà không đưa số tầng.

- Chắc chết!

Nói thế nhưng thật ra nhà mẹ tôi ở tầng ba, đứng trước nhà bấm chuông mãi mà không thấy ai ra mở. Anh đứng bên ngoài cùng tôi thấp thỏm không biết mẹ tôi có trong nhà hay không. Cô hàng xóm bên cạnh thấy tôi và Vũ đứng bấm chuông nên hỏi:

- Cháu là Nhã Ái đúng không?

- Vâng, thím có biết mẹ cháu đi đâu không ạ?

- À, mẹ cháu đi thăm bạn ở xa rồi, bà ấy có nhờ thím gửi cho cháu chìa khóa đây này!

Thím khó khăn lấy trong túi ra chìa khoá rồi đưa cho tôi, tôi nhận lấy rồi quay ra mở cửa.

- Là bạn trai cháu đúng không, đẹp trai quá!

- À, vâng. - Tôi thấy hơi ngượng ấp ấp úng úng.

- Khi nào rỗi qua nhà thím chơi nhé? Nhà thím sát cạnh đây thôi!

- Vâng, khi nào được chúng cháu qua chơi ạ! - Anh nói.

Tôi mở xong cửa, anh kéo hai vali hành lí vào, thím đi về trước. Bước vào nhà tôi thấy choáng váng với mọi thứ, bụi đóng dày mặt ghế, anh đứng giữa nhà lần mò tìm công tắc điện. Bóng đèn bật sáng, tôi đi về hướng cửa sổ kéo cao rèm lên, mở tung cửa sổ ra, Vũ đứng sau lưng tôi nhìn xuống bên dưới lòng đường, tiếng xe đạp leng keng và xích lô qua lại, bỗng nhiên bụng tôi kêu ọt ọt. Sau lưng lại vang lên một tràng cười lớn, anh nói:

- Chúng ta ăn gì đi, nhà có mì ăn liền không?

- Chắc là có.

Tôi chạy vào bếp, anh đi cùng tôi tìm cây chổi lông gà lau dọn sơ qua bàn ăn rồi mở tủ lấy ra hai gói mì ăn liền úp ra. Tôi ngồi bắt chân lên ghế thổi mì nóng khẽ than:

- Đã về đến đây rồi mà còn phải úp mì ăn liền, ngán quá. Chiều nay phải dọn dẹp hết nhà nữa, khi nào dọn xong chúng ta ra chợ mua thêm đồ ăn nhé!

Ăn mì xong tôi bắt đầu cùng anh dọn dẹp, mãi đến tận giữa chiều mới đi đến chợ.

Cả đêm cùng anh nói chuyện đã ghi vào tim tôi muôn vàn kỉ niệm, có mệt có vui, cũng có buồn ngủ giống như lúc ngồi cùng mẹ cạnh bếp lửa than nấu bánh chưng hồi còn bé, kí ức những thời tuổi thơ lùa về như sóng vỗ, mấy cái tết năm xưa còn có đốt pháo nữa nhưng nay đã bị cấm mất rồi. Ngày nay đốt pháo là vị phạm, chắc chắn bị “ áp giải” đến phường.

- Vũ, anh có nhớ khi giao thừa năm trước hai ngàn, lần nào mọi phố phường cũng đốt pháo nổ rân trời, anh có nhớ?

Chúng tôi nhóm một bếp lửa tham lên cho ấp, không hiểu sao mùa này gió đông bắc về lại lạnh hơn so với những năm trước quá. Tôi nhìn vào bếp than hồng, tí tách nổ ra lốm đốm, màu lửa ấm áp dễ chịu, chìm ngập trong những dòng hòi tưởng mông lung. Về một thời bên gia đình ăn Tết năm xưa.

- Nhớ chứ! Mỗi lần giao thừa Hà Nội ngập trong tiếng pháo nổ, mùi thuốc cay cay nhưng rộn ràng mùi tết. Mấy đứa trẻ trạc tuổi anh còn hay chơi đùa trong chợ tết, đòi mua hết nhánh đào này đến nhánh đào khác. Từng nụ đạo hồng tươi rất đẹp, lúc ấy mấy dì trong cô nhi viện cũng có lúc dẫn anh đi chợ tết nhưng ít khi mua nhiều quà bánh. Lúc ấy dù chỉ nhận được một miếng mứt gừng cay xè anh cũng thấy rất vui.

Tôi thấy giọng anh nhẹ đi, đến mức gần như im bặt, mắt tôi cay cay, có lẽ sau năm hai ngàn mọi thứ cũng thay đổi nhiều rồi. Bất chợt tôi dựa lên vai anh, không phải là yếu đuối mà là muốn gần anh. Đây là cái tết đầu như cuối của chúng tôi và có lẽ lời nói chờ đến giáng sinh năm sau cùng ngắm mưa mùa đông uống cà phê sẽ không thành hiện thực. Tôi hít nhẹ mũi, mùi bạc hà thoang thoảng từ áo anh, từng khoảnh khắc này tôi sẽ trân trọng nó hơn bất cứ thứ gì của tôi.

Tôi luộc một nồi khoai, nghe tiếng nước sôi thật lâu, độ khoai vùa chín mới thử mớ nắp xem chắc chắn đã chín chưa. Tôi thử mở nắp nồi, khoai chín vỡ vỏ ra, lộ ra phần bên trong vàng mượt.

Tôi vớt hết khaoi ra ngoài, hơi nóng bốc lên nghi ngút, mờ ảo như màn sương. Trong lúc chờ khoai nguội, tôi mở ngăn bếp ra tìm mãi mới thấy một hộp đậu phộng rang liền mang ra, anh thấy thế liền kinh ngạc hỏi:

- Cái gì thế?

- Đậu phộng rang là mẹ em rang, thơm lắm.

Mấy năm rồi mẹ giữ thói quen ấy, biết tôi rất thích ăn đậu phộng rang nên bà rất hay rang rồi để vào hộp kín, đến hôm nay khi tôi muốn ăn vẫn có.

Tôi mở nắp hộp lấy vài hạt cho vào miệng rồi đưa cho anh một ít. Mùi vị quen thuộc lan tràn ra khoang miệng, thơm ngọt mê ly.

- Có một năm nào đó vào ngày đầu năm anh đã cho một cô bé viên kẹo duy nhất anh có, hình như cô bé lúc ấy đang khóc.

Anh im lặng một hồi rồi lên tiếng, tôi nghe anh nói liền khẳng định cậu trai năm xưa cho kẹo tôi chính là anh. Cuối cùng sau bao lâu tôi cũng tìm thấy anh, hoá ra bao lâu nay tôi vẫn luôn bên anh không rời. Tuy nhiên tôi không nói ra mà chỉ chọc ghẹo anh:

- Hoá ra là thế, thích người ta rồi chứ gì, về Hà Nội rồi là nhớ đủ chuyện đến cả mối tình đầu nữa chứ!

- Đâu có, chỉ thấy cô bé ấy trông rất giống em hồi bé nên mới thăm dò xem có phải em không. Mà thôi... cô bé đó đáng yêu thế làm sao là em được!

- A, thế là anh nói em không đáng yêu, hứ, anh đi tìm cô bé đó đi!

Tôi vờ ngoắt mặt đi nơi khác. Anh ngay lập tức lên tiếng dung túng:

- Thôi thôi, cô bé đó đáng yêu còn em thì xinh đẹp, anh thích em xinh đẹp.

Tôi cố nén cười, ra vẻ không tin:

- Lời con trai nói ra đúng là không đáng tin, em không tin anh đâu.

- Nghe nói em đang ghen nha!

Tôi giật nảy người:

- Làm gì có, ghen gì mà ghen, em mà thèm ghen. Thôi, không nói nữa. Sao anh lại biết lúc nhỏ em thế nào được?

- Lúc chiều dọn dẹp phòng anh vô tình thấy ảnh lúc bé của em, đúng là trán cao rất ngang bướng, vừa nhìn qua đã biết là cô bé cá tính rồi.

- Em xem nó là lời khen vậy.

Tôi nháy mắt nói rồi cho mấy hạt đậu phộng vào miệng cười khanh khách. Đúng là hình như tôi đang ghen với chính tôi trong quá khứ thì phải.

Sáng hôm sau khi thức giấc tôi mới nhận ra mình ngủ quên mất mà còn ngủ xấu nữa chứ, nằm dài trên nền lạnh cong lưng về phía anh. Tôi khẽ nhúc nhích rồi ngồi dậy, anh cũng đúng lúc mở mắt ra, gãi gãi đầu ngái ngủ. Tôi đứng dậy đi vào phòng vệ sinh không quên quay lại nói:

- Chúng ta ăn cháo nhé?

Anh không đáp lại tôi rồi đi vào phòng lấy quần áo. Đánh răng xong tôi ra bếp lấy gạo nếp bỏ vào nồi cơm rồi bật bếp ga, đúng là có bếp ga vào thời này xem như là khá giả lắm rồi, đáng tiếc đó chỉ là hào nhoáng bên ngoài còn thật ra lại là cái bếp cà tàng đến không chịu nổi, bật mãi không chịu lên nữa. Khó khăn lắm mới có lửa nấu, nước trong nồi sôi lên nghi ngút hơi, điện thoại tôi rung lên, trên màn hình cuộc gọi đến hiện lên chữ “mẹ“. Tôi khẩn trương nhấn nút nghe rồi nói:

- Mẹ, con nghe.

- Con về lâu chưa? Ở nhà có gì ăn không, hôm bữa mẹ đi gấp quá nên chẳng mua gì để sẵn cả.

Tôi lắc đầu, tay đảo đảo nồi cháo nói:

- Con lớn rồi mà, muốn ăn thì có thể ra chợ mua lấy mà, thế khi nào mẹ về, ta còn phải mua mứt tết với bánh kẹo nữa?

- Chiều nay mẹ về. Mẹ quên mất, thế con rể tương lai của mẹ có đang cùng ở nhà không?

Một tia ngại ngùng vọt lên từ đáy lòng tôi rồi lan ra, lan đến mặt, nóng bừng:

- Mẹ này, anh ấy là bạn thôi mà, làm gì có con rể tương lai chứ? Khi nào mẹ về thì dẫn con đi mua đồ tết nhé, con muốn mặc áo dài màu đỏ cam như hồi bé.

Bên kia khẽ có tiếng thở hắt ra, ngay lúc này tôi chẳng thể nhớ rõ ràng khuôn mặt mẹ, đã ba năm tôi chưa đối diện với mẹ bằng xương bằng thịt, thỉnh thoảng chỉ nghe được giọng nói của bà hay xem qua bức ảnh mà bà gửi đi. Đáng tiếc vì cước điện thoại đắt đỏ, phí gửi thư cũng đắt nên hiếm khi tôi và mẹ trao đổi nhiều với nhau. Giống như lúc này tôi chợt nhận ra mình chẳng còn nhiều khái niệm của mình về mẹ nữa rồi.

- Sao không nói sớm mẹ đi may sẽ vừa vặn hơn. Chứ mua áo hàng ngoài rất khó đẹp mà chưa chắc đã vừa, con gái mà mặc áo dài đó đi chúc tết chắc chắn sẽ có nhiều bao lì xì cho mà xem.

Tôi xuýt bật khóc nhưng lại kìm xuống không bật ra tiếng, khẽ nói:

- Mẹ nghỉ ngơi nhé, con phải làm một số việc rồi, khi nào mẹ về bất ngờ với sự thay đổi của con gái cho mà xem.

- Được rồi.

Mẹ cúp máy, tôi bỏ điện thoại vào túi rồi tắt bếp đúng anh từ trong đi ra:

- Mẹ em chiều nay sẽ về đó.

Anh kinh ngạc:

- Chiều nay á? - Nói rồi giọng điệu lại chuyển thành lo lắng:

- Anh chưa chuẩn bị tinh thần mà! Nếu như bác không thích điểm nào của anh thì sao đây. Không được rồi, làm sao đây, làm sao đây!?

Anh liên tục hỏi “làm sao đây” làm tôi thấy buồn cười hết sức, trông bộ dáng vừa lo lắng vừa khẩn trương của anh hệt như đứa trẻ lo sợ khi cô giáo đến nhà vậy, đáng yêu chết được!

Tôi dọa anh, để xem xem anh sẽ làm gì:

- Mẹ em khó tính lắm đấy, mẹ đòi hỏi nhiều thứ lắm đấy. Nào là tố chất nè, công việc, sự nghiệp nữa nha...

- Anh quyết định rồi, không gặp mẹ em nữa, khi nào có thời cơ gặp sau.

Tôi xuýt nữa phá lên cười nhưng lại ra sức thuyết phục anh, đẩy việc anh gặp mẹ tôi trở nên nghiêm trọng hóa vấn đề:

- Nhưng anh nói rồi mà, nhất định lần này anh phải gặp mẹ em, nếu anh không gặp khác nào không chịu trách nhiệm với lời nói của mình à? Mẹ em đúng là rất khó tính nhưng anh rất ưu tú, chắc chắn sẽ tốt mà!

Anh im lặng, lần đầu tiên tôi mới thấy mặt hình sự này của anh, cuối cùng anh gật đầu. Bỗng chốc tôi thấy mình như đang đưa anh ấy ra làm trò đùa rồi, khiến anh lo lắng nhưng thực ra mẹ tôi rất dễ tính, lúc nghe tôi nói là dẫn bạn về bà đã rất vui vẻ. Tuy nhiên để anh lo lắng một chút cũng tốt, lại có thể khiến anh chuẩn bị đầy đủ tư thế sẵn sàng.

Trước khi mẹ về có thông báo cho tôi, anh bắt đầu đi tìm quần áo, tôi nói anh không cần thế nhưng anh nhất quyết phải mặc quần áo thật chỉnh tề mới tạo được ấn tượng tốt, thế nên anh mặc sơ mi và quần âu.

Mẹ vừa bấm chuông tôi đã vội ra mở cửa, anh đứng ngay ở cửa chào cuối đầu nói:

- Cháu chào bác.

Mẹ tôi bước vào nhà, ánh mắt hết sức vui mừng nhìn anh - người mà bà gọi là đứa con rể mong ước bấy nhiêu năm nay.

Thế nhưng lúc anh ngẩng đầu lên, đôi mắt bắt kịp khuôn mặt mẹ rồi từ vui mừng chuyển sang ngạc nhiên rồi âm trầm lạ lùng.

Mẹ đứng như trời trồng một hồi, mắt kinh hoàng như đang nhìn phải thứ kinh khủng, không nói được lời nào.

Tôi đứng yên quan sát, rõ ràng giữa họ có điều gì đó mập mờ. Sự yên lặng họ tạo ra bao bọc tôi cứng nhắc không lỗ hổng, một bên là mẹ, một bên là anh, đôi mắt một đau khổ một căm hận.

Tôi cố gắng đè nén những câu hỏi rối bòng bong lên tiếng phá vỡ khoảng không gian im lặng:

- Mẹ chúng ta vào trong đi.

Nghe thấy tôi nói mẹ liền đi vào nhà, anh khẽ nhích người sang một bên rồi đứng sựng ở đó. Tôi không hiểu vì sao nhưng khi thấy dáng vẻ anh tôi lại thật thương tâm, giống như một mình một thế giới vậy. Mẹ tôi vừa ngồi xuống ghế tôi liền lấy mấy xách rau quả và một ít thịt mang vào trong, lúc đi qua anh anh lại nắm cổ tay tôi níu lại nói:

- Anh có chuyện cần về Canada gấp, vé máy bay cho em anh kẹp vào sổ tay trên bàn trong phòng ngủ, em lấy đi.

Anh đi vào trong phòng, mẹ tôi không nói gì còn tôi thì vội vã đem mấy xách đồ vào trong. Vừa xếp xong gọn gàng cũng là lúc anh kéo vali đi ra ngoài, tôi vội vàng chạy theo.

Anh đi rất nhanh, tôi đuổi theo muốn hụt hơi mà không kịp, không biết có chuyện gì anh phải về gấp thế, hơn nữa anh cũng không nói lời nào với mẹ tôi.

Chạy qua liên tiếp mấy bậc cầu thang làm tôi mệt không thở nổi đành í ới gọi với theo:

- Vũ, khoan đã!

Anh đã đi khuất ra bên ngoài nhưng nghe thấy tôi gọi anh liền đứng lại. Tôi thở hổn hển đứng nhìn anh từ phía sau, vừa thở vừa nói:

- Anh... sao lại.. vội như thế? Có chuyện gì anh nói với em được không?

Anh im lặng, vai khẽ run, tôi đứng sau lưng nhìn tấm lưng rộng, bên ngoài người đi qua lại tấp nập.

Linh cảm lại mách bảo tôi nếu lần này tôi để anh đi anh sẽ đi mãi mãi không bao giờ quay về nữa, mãi mãi lạc trong thế giới xô bồ như con phố ngoằn nghèo kia.

Sự im lặng của anh cũng như gió lạnh giữa mùa đông tê buốt, vừa lạnh lẽo vừa khô ráp, mỗi lần thổi qua da làm da co rúm lại, lạnh thấu xương tuỷ.

Tôi đứng yên mà lòng ấm ức, anh chẳng thèm trả lời câu hỏi của tôi, ít nhất lúc này tôi chỉ có thể mếu máo khóc như trẻ con. Cứ tưởng nếu tôi khóc anh sẽ quay lại, nhưng không, anh lại tiếp tục bước.

Bước chân đặt xuống lòng đường, mạnh đến mức có thể đạp tôi xuống vực sâu muôn trượng còn anh lúc này tự do như cánh chim chao liệng giữa bầu trời xanh.Tiếng bánh xe vali ma sát xuống nền đất xoạt xoạc như tiếng lá thu bị dẫm nát.

Tôi đứng lặng hồi lâu, lòng ngổn ngang những cảm xúc vụn vặt rồi góp nhặt lại thành nỗi vô vọng lớn lao.

Tôi không trách anh đi mà không chịu nói cho tôi biết điều gì làm anh gấp gáp mà là tôi lo nếu như những việc tiếp theo giống như sự lo lắng lạ lùng của tôi nhưng chính tôi cũng không biết nguy hiểm gì.

Câu nói còn nữa của Ngân Đình không phải vô tình nói ra mà chắc chắn có ý nghĩa gì đó rất thâm sâu mà chính xác là một cái bẫy đặt sẵn.

Tôi trở vào nhà, lúc vào trong thì thấy mẹ đang đứng trước bàn thờ thắp hương cho cha, tôi cũng đi đến đứng sau mẹ lấy nén nhang thắp lên lư hương, một câu nói đầy ý cầu nguyện: “Mong Vũ bình an.”

Lúc sau tôi mới đúng lúc mẹ đang đứng trong bếp mà hỏi bà:

- Mẹ ơi, lúc nãy mới gặp anh sao mẹ hốt hoảng thế? Không lẽ mẹ và anh quen biết nhau?

Mẹ đứng yên, mắt đượm buồn như áng mây cuối chân trời, một nỗi buồn sâu kín đến mức chẳng ai có quyền được biết. Không lâu sau áng mây trong mắt mẹ trôi mất, lại trở nên trong trẻo, môi cười nhẹ nhàng nói:

- Đâu có, chỉ là gặp được con rể tương lai nên mẹ nhất thời vui quá thôi. Chiều nay chúng ta ra nhà dì Loan mua áo dài cho con, nếu biết số đo mẹ đã may cho con rồi. Tiệm may nhà mình cuối năm đông khách lắm, tới mức mẹ quên mất may cho một bộ áo dài mới.

- Vâng.

Tôi chỉ trả lời lấy lệ thế, còn trong đầu không ngừng đặt câu hỏi nếu không có gì sao mẹ buồn thế?

Nhưng mà tôi không dám hỏi nữa.

Suốt kì nghỉ tết tôi rất vui vẻ, có ngày đi thăm bạn bè của mẹ tôi và những người hàng xóm cùng sống trong cùng khu nhà, có ngày tôi lại sửa lại tiểu luận, nhờ đó mà tiểu luận của tôi hoàn thành trước thời hạn hơn một tuần. Đặc biệt tết lần này mẹ tôi mua rất nhiều mứt, có đậu phộng bọc mè, có vỏ cam tẩm đường cực kỳ ngon.

Mấy ngày ở nhà cũng sớm kết thúc, tôi thường liên lạc với giáo sư và các bạn học ở Canada. Tuy nhiên gần đây cũng không có liên lạc với Mary, từ lúc cô ấy cưới Weasly chúng tôi không hay đi cùng nhau nữa, nói chuyện cũng chỉ qua điện thoại, đến hôm nay tôi đã rất lâu không nói chuyện với cô nhưng không dám gọi điện, chỉ sợ quấy rầy cô nên cũng không dám gọi.

Gần đây tôi không gọi được cho Vũ, còn anh Liêu thì lâu lâu gọi được vài lần rồi thôi. Nhận vé xong tôi về thu dọn quần áo rồi tạm biệt mẹ lên máy bay, trước khi đi không quên ghé vào chùa thắp nén nhang cho Ly và mẹ cô.

Mấy tiếng trên máy bay tôi chán vô cùng, lần trước có Vũ đi cùng nên tôi rất vui nhưng lần này lại chẳng có anh.

Máy bay vừa hạ cánh tôi đã vội bắt xe chạy về nhà, đồ vật còn vương một lớp bụi mỏng, có lẽ đã mấy ngày chưa lau dọn. Tôi lo lắng gọi cho Apby hỏi thăm tại sao lâu không thấy anh về nhà, cũng may chị chuyền máy cho anh, bên kia vang lên tiếng thở mệt mỏi, anh ậm ừ một câu rồi nói:

- Tiểu Ái, anh rất bận, chắc em về Canada rồi đúng không? Anh mới thay số điện thoại nên em không gọi được, lát nữa anh nhắn số qua cho em.

Anh nói một dây làm tôi choáng váng, vừa nói xong đã định dập máy, tôi vội ngăn cản:

- Khoan đã, anh Vũ đâu ạ? Em về nhà rồi nhưng không thấy anh ấy, cũng không gọi điện được.

Tiếng thở dài lặp lại một lần nữa, có lẽ là điều khó nói hoặc là anh đang mệt mỏi, lát sau mới âm trầm đáp:

- Thật ra cũng không phải chuyện gì quá nguy hiểm nhưng hiện tại Vũ đang ở Macao. Mấy ngày trước cậu ta đột ngột trở về đây, anh có hỏi lí do nhưng cậu ta chẳng nói gì cả. Hôm qua Khả Dư Khoa đã gọi điện cho Vũ, nói rằng nếu muốn lấy lại số tiền đã mất thì đến Macao. Dư Khoa có một casino ở đó, cậu ta định chuyển sang cho Vũ. Chắc là Vũ còn nể mặt thằng lừa đảo đó nên chiều qua Vũ đã đi rồi. Sáng nay lại gọi điện cho anh nói sẽ đem bán casino kia cho một vị khách giàu có nào đó nhưng từ sáng đến giờ vẫn chưa có tin tức gì cả.

Tôi bất động một giây, đây rốt cuộc là tin tốt hay tin xấu. Tôi quả thật chẳng hiểu con người của Khả Dư Khoa, lừa người một lần ắt có lần thứ hai, chưa kể Vũ không thông thuộc Macao bằng Khả Dư Khoa.

Tôi vâng vâng dạ dạ hai ba tiếng nghe anh Liêu dặn dò đôi ba câu rồi cúp máy. Tôi chỉ lo cho Vũ, đi âm thầm khiến tôi càng nghĩ nhiều đến câu nói của Ngân Đình.

Tôi xếp quần áo vào tủ quần áo xong lại quay ra dọn dẹp nhà cửa, lau dọn bàn ghế. Lúc dọn dẹp nhà kho mới phát hiện ra trong góc khuất có một cái máy nghe nhạc cũ kĩ, loa to xoè ra như bông hoa loa kèn đẹp đẽ. Tôi vẫn còn giữ một đĩa nhạc cũ, trông cái máy chắc là vẫn còn sử dụng được thế là tôi chạy đi lấy đĩa rồi lắp vào máy. Chiếc đĩa bắt đầu quay tròn tròn, bài hát Je T"anime kéo dài ra, càng nghe lại càng buồn, tâm trí hiện lên hàng trăm vạn làn mưa chuyển mùa, nhanh chậm không đoán trước.

Giống như một đoá hoa giấy đem tình yêu dâng trọn trái tim cho một đoá cẩm tú cầu lạnh lùng để nhận lại chính ánh mắt lạnh hơn tuyết, một câu chuyện buồn nhưng đẹp, đẹp như chính hai loài hoa đó.

Tôi cứ nghe lặp đi lặp lại bài đó rất nhiều lần, nghe đến khi dọn xong nhà, nấu xong bữa chiều. Thế mới biết khi phải làm việc thì thời gian trôi qua rất nhanh.

Tôi ngồi yên xem ti vi, đợi đến chiều thì điện thoại có tin nhắn, tôi mở ra mới biết là anh Liêu nhắn, anh nhắn tin để tôi lấy số điện thoại mới và báo tối nay anh ở lại công ty, tôi nhắn em biết rồi thì anh không nhắn lại nữa.

Để tính xem tôi còn bao nhiêu thời gian, hôm nay là ngày mười lăm tháng hai, tôi còn hơn hai tuần nữa sau đó tôi phải nhập viện, Cadi luôn bắt tôi nhập viện. Không sao, chờ Vũ trở về tôi sẽ tìm cách bỏ đi, còn hôm nào phải mời anh Liêu ăn một bữa cơm, xem như tận nghĩa thời gian qua anh quan tâm chăm sóc và người anh trai tốt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.