Một Tay Che Trời

Chương 2: Cầu không được, ước chẳng thấy




Tháng chạp năm Bình Nguyên thứ nhất, vua ban lệnh chiêu mộ hiền tài khắp thiên hạ. Chỉ trong thời gian ngắn, những người có chí hướng làm quan đều về làng xã báo danh. Đầu tiên phải thông qua vòng sơ khảo mà tuyển chọn người tài, sau mới lên các châu mà thi. Rồi những người đậu xuất sắc nhất sẽ được đề cử lên kinh, đến Lại bộ báo danh, tùy theo năng lực mỗi người mới bắt đầu phân việc.

Tháng chạp qua đi thì xuân nối theo, trạm nghỉ nơi nơi đều tấp nập, chỗ nào cũng rộn lên vì chuyện tuyển chọn. Đến giữa tháng tư, Lại bộ mới duyệt được danh sách sơ tuyển để trình lên hoàng đế.

Năm nay mùa xuân đến kinh thành có phần trễ tràng, giữa tháng tư hoa đào mới nở rộ. Thật khác hẳn với tiết đông, màu trời dần dà trong xanh hơn, những đám mây trắng cũng xốp mềm ra. Khí trời mỗi lúc mỗi quang đãng, sắc mặt dân chúng ai cũng tươi roi rói. Sau khi đổi ngôi hoàng đế, chỉ trong nửa năm đã khác xa lúc trước.

Lúc Ngôn Khiêm còn nắm ngôi đã bị xem là hôn quân, cũng may thời gian hắn cầm quyền không lâu nên không có tác động lớn lao đến nền tảng nước nhà. Còn với vị vua đương trị vì kia, dân chúng chỉ biết hắn là một tướng quân chiến tích hiển hách, ai cũng mong hắn sẽ mang ấm no hạnh phúc đến cho dân chúng. Có điều, Ngôn Ấp luôn ẩn thân hết sức thần bí. Người ta còn gọi vị hoàng đế đó như thần phật, sau khi dẹp hết đám cỏ dại trong triều thì ẩn mình trong miếu đường nghi ngút khói nhang trong cung. Còn có một dạo, không ít người đi cầu phúc cho hoàng đế, hy vọng quân vương được an khang trường thọ. Chừng cuối tháng tư, dân tình mới chuyển đề từ vị quý nhân tôn quý thần bí kia nói sang chuyện chọn tân quan.

Việc thay đổi quan lại đã diễn ra từ bốn năm trước. Ký ức cái thời thay quan đen tối đó còn khắc như in trong lòng thiên hạ, đó là lúc Ngôn Khiêm làm vua được ba năm. Năm đó tất thảy Lại bộ đều thu bộn bạc, chuyện mua quan bán chức cứ thế mà lộng hành. Sau kỳ thay đổi, các tân quan lại đổi gió ép đòi phí tổn trợ giúp béo bở từ các quan địa phương. Mà năm nay ngoại trừ Lại bộ ra, hoàng đế còn phái một toán người thân tín cải trang tuần tra khắp nơi, hòng giữ cho cuộc tuyển chọn được công bình. Những quan viên các châu huyện nào bị nghi là lấy tiền đút lót sẽ bị bãi chức ngay, rồi đợi thẩm tra. Tức khắc, những quan viên mấy huyện còn lại siêng năng ra mặt ngay.

-0-

Tóm gọn mà kể là hoa đào nở rực từ nam đến bắc, khắp chốn nhân gian đều thấy hoa trên cành rực rỡ nở đan xuyên nhau, cảnh sắc mới mỹ lệ dường bao.

Trong sân đình khách *** Cát Lai có một số cây đào sống rất lâu năm. Tuy những cây này có hơn mười năm tuổi, nhưng cánh hoa lại rất mềm mại như nàng thiếu nữ e lệ ghé mắt ngắm thế nhân.

Lý Tịch ngáp một cái rõ to mới lê cái thân ngồi dậy. Y dặn tiểu nhị chuẩn bị nước nóng xong thì mở cửa sổ ra.

Tiểu nhị bưng chậu nước ấm vào, vừa cười vừa cúi người: “Xin chào Lý gia, ngài ngủ có ngon không?”

Lý Tịch phất tay, lại ngáp cái nữa: “Xin chào.”

Tiểu nhị đặt chậu nước xuống rồi nói: “Phải rồi Lý gia à, nghe nói vài ngày nữa triều đình sẽ ra bố cáo. Bên ngoài rất nhiều vị đang xôn xao nghe ngóng, không biết là những ai mới có tên trên bảng danh của Lại bộ đây. Sao không thấy Lý gia sốt sắng gì cả vậy?”

“Mấy chuyện này có hứng thú gì mà nghe ngóng. Chỉ uổng công tốn của thôi.” Lý Tịch uể oải ngáp cái nữa. Y quay sang bên, thấy hoa đào nở rộ thì mỉm cười tự nhủ. Chắc hoa đào trong nhà Tiểu Tiệm đã rụng hết rồi. Nghe tiếng tiểu nhị đóng cửa phòng, Lý Tịch mới đến bên chậu nước rửa mặt.

Mặt trời thật tốt quá đi, rọi nắng đúng ngay kẻ lười làm xương cốt đều xốp xộp. Lý Tịch rửa mặt xong xuôi thì đến ngồi bên cửa sổ, lần tay vào ngực lấy ra một túi hương nhỏ nhắn, bên trong là mấy cánh hoa đào đã tàn. Đây là hoa do chính tay Tiểu Tiệm đã hái ngoài cửa sổ của nàng. Lúc chia tay, y nửa đùa nửa dùng dằng với đứa con gái tròn trĩnh luôn tươi cười đó, bảo là đi rồi sẽ không thấy hoa đào nở nên thôi không đi kinh thành đâu. Kết quả, hôm sau Tiểu Tiệm đưa cái túi thơm hoa đào này cho y, bảo là chính tay nàng khâu lấy. Nàng dặn y phải mang theo, còn hơi giận mà xỉ trán y: “Nếu không chịu đi kinh thành, xem muội có bẻ xương huynh không đây?” Khuôn trăng tròn trĩnh của nàng không hề có uy lực gì, vậy mà vẫn khiến Lý Tịch cam tâm tình nguyện nghe lời mà đến đây.

Tuy y không có nguyện vọng làm quan thăng chức, nhưng Tiểu Tiệm nói xương cốt y chắc lười đến ra mỡ rồi đây, bộ dáng tức giận dữ lắm. Nếu đã là mong ước của nàng thì thỉnh thoảng làm nàng vui lòng cũng không sao. Dù sao, còn mấy ngày nữa là về nhà được rồi. Lúc trước y nghe nói muốn làm quan thì phải bỏ tiền ra. Y không có bỏ tiền ra thì sao triều đình nhận đây?

Dù sao y cũng không có mộng đỗ đạt làm rạng rỡ tổ tông, mấy chuyện tốt này thôi cứ để người khác hưởng đi.

Người con trai mà sau này người đời xưng tụng là “tướng hiền” này thấy hoa đào thì tâm tình phấn khởi hẳn ra, vừa mân mê túi thơm vừa suy tính không biết nên mua gì về cho ý trung nhân mình đây. Thế nhưng, y không biết đời có câu là ‘ông trời lúc nắng lúc mưa, huống chi lòng người lắm phen thay đổi.’ Chuyện hôm nay đã rất khác chuyện xưa, sự thanh liêm của triều đình hiện giờ lại như đám mây đen chụp lên đầu y.

Với lại nên biết rằng, cái câu người ta nói với Lý Tịch, ‘chỉ cần có lòng mong muốn, chấp tay nguyện cầu sẽ được ngay’ chỉ là gạt người thôi.

Đáng tiếc, lúc đó tuổi Lý Tịch hẵng còn trẻ, không thể lĩnh hội được sự huyền ảo trong câu nói kia.

-0-

Ngày thứ tư, Lại bộ cho người đến truyền Lý Tịch vào Công bộ chuẩn bị thực tập. Nghe nói lý do là bài văn chương Lý Tịch viết thật như “có uống vào mới biết ấm lạnh ra sao,” đại để ý viết về những trở ngại của công trình thủy lợi trong nước khiến cho vị đại nhân nào đấy trong Lại bộ vừa thấy xúc động mà cũng rất thiết thực.

Lý Tịch nghe tuyên cáo xong thì thiếu điều rớt quai hàm. Sau khi nghe cái lý do trên thì nửa phần hồn y cũng ráng thoi thóp. Vậy cũng được sao? Rõ ràng từ đầu y đã cố tình viết lạc đề mà?! Tuy nói lời văn đúng là ý thâm uyên sâu thật, nhưng có thâm thúy cỡ nào thì cũng là lạc đề! Chẳng lẽ triều đình thiếu người tới độ nhắm mắt quơ đại?

Nhưng nói thế có nghĩa là… không về nhà được rồi?

Người thanh niên làm biếng chảy thây này đau khổ ra mặt, người đưa tin của Lại bộ thấy vậy thì cuống quít an ủi: “Không sao đâu, tuy là thực tập không có chức vị chính thức, nhưng ai trúng tuyển năm nay cũng đều như thế. Nghe nói là để cho hoàng thượng cẩn trọng quan sát các vị làm việc một thời gian. Lý gia không cần nản lòng, ta tin chẳng mấy chốc ngài sẽ thăng chức rất nhanh thôi.”

Trong lòng Lý Tịch tức nhặng xị lên. Đây đâu phải là vấn đề! Sau đó y suy tính, trên đường không biết trốn chạy thì sao đây, có điều nghĩ đến bốn chữ “phạm tội khi quân” thì lập tức bỏ ngay mặc niệm đó.

Dù y rất muốn ngắm hoa đào với Tiểu Tiệm, nhưng mà đặt lên cán cân thì cái mạng nhỏ này vẫn quan trọng hơn tí tẹo.

Thông minh như Lý Tịch chưa gì đã nảy ra một cách khác: Còn quan sát có phải không? Vẫn chưa xác định phải không? Bản thân làm không tốt là sẽ bị bãi chức đuổi về quê ngay! Nghĩ vậy, y đang ủ dột thì cứ như mặt trời chiếu rọi…

Lý Tịch phấn chấn hẳn ngay. So với chuyện phấn đấu lao khổ đạt thành tựu thì cái chuyện đâm nồi chọt niêu này, Lý Tịch y xưa nay xưng thứ nhì thì ai dám xưng nhất đây?

Bất quá… những người tự cao tự đại cho mình là nhất thảy thiên hạ thường không học được chữ ngờ đâu…

Lý Tịch đã quên rằng, người đâm nồi chọt niêu không phải là y mà chính là tiểu mỹ nhân đáng yêu của y kìa. Còn về phần Lý Tịch, y quả là dạng chuyên đi thu dọn tàn cuộc của người khác mà.

-0-

Ngày mười lăm tháng năm, năm Bình Nguyên thứ hai, mọi sĩ tử trúng cử vào triều đều được diện kiến hoàng đế. Đây cũng là ngày mà người đời xưng truyền là lúc “minh quân” và “tướng hiền” gặp nhau.

Khổ nỗi trong lần gặp đầu tiên này, ấn tượng của hai bên về nhau không được tốt đẹp cho lắm.

Nguyên nhân ấy à?

Lúc Ngôn Ấp đi ngang qua Lý Tịch thì Lý đại nhân của chúng ta ngáp cho một cái rõ to…

Thiệt sự là khiến người ta xấu hổ lắm.

-0-

Lý Tịch đang ngồi sao chép công văn trong bao năm qua của thời Gia Vĩnh, vừa chép mà vừa ngáp khí thế.

Có người đi đến gần, thấy bộ dáng ngáp ngắn ngáp dài của y thì bật cười: “Đây chính là Lý Tịch dám ngáp trước mặt hoàng thượng, mà còn may chưa bị chém đầu sao?”

Lý Tịch đứng lên chấp tay hành lễ, dù sao cái động tác thừa thãi này y tính không biết đã hành lễ biết bao lần bao chỗ rồi.

Đối phương đứng săm soi y một hồi rồi cười lớn: “Xem ra chỉ là Thị lang đại nhân đang bận sắp đặt cho người mới nên mới cho ngươi tạm ở đây thôi.” Mấy người ngồi cạnh y hừ lạnh một cái. Lý Tịch nghe được cả tiếng của Thượng ti, xem ra đạo đức của mình càng thêm sa sút rồi, làm cho Thượng ti mất mặt trước đám đông là tội không nhỏ đâu. Lý Tịch mãn nguyện nhoẻn cười.

Phải nói là cái ngáp hôm đó nằm ngoài dự kiến của y. Lý Tịch đã nghe từ lâu, rằng vị hoàng đế bệ hạ này đối với bản thân rất nghiêm ngặt, đối với bộ hạ mình thì càng đòi hỏi nghiêm khắc hơn. Trước mặt người đó mà dám ngáp như thế… không mất mạng thật sự là rất may mắn.

Kết cục thì kẻ kia lạnh lùng nhìn y một cái, ánh nhìn lạnh băng như rét tháng chạp, muốn cử động cũng không được. Đối với tính cách thờ ơ uể nhác như Lý Tịch đây mà cũng ráng nuốt trọng cái ngáp kia, chậm rãi cúi thấp đầu, nhân tiện y bắt đầu lo lắng, thật sự là còn mạng trở về nhìn mặt Tiểu Tiệm không đây…

Chờ mãi, chờ cho đến khi nghe tiếng chân người kia từ tốn bước đi.

Nhưng Lý Tịch vẫn nghe tiếng hừ khẽ từ hoàng đế bệ hạ.

Chắc đối phương rất khinh thường loại tép riu như mình nên mới chẳng màng đến. Lý Tịch quả quyết rằng, cuộc sống tự do tốt đẹp của y đã không còn xa nữa. Y nghĩ đến đây thì ngẩng mặt lên trời… mà ngáp cái nữa.

Hây da, tiết xuân có đi ngủ mới biết, ngủ cỡ nào cũng không đủ nha.

Y mở quyển văn án ra tiếp tục sao chép.

Kết quả, trời còn chưa quá trưa thì Thượng ti đại nhân đáng yêu lại mang một đống sổ sách đến trước mặt y, gọi mỹ miều là “phó cho trọng trách” chứ thật ra là “lợi dụng đồ ăn hại” thôi. Lúc sắp đi, Thượng ti đại nhân còn trịnh trọng phán một câu: “Chỗ này là toàn bộ tình hình cần nhập sổ gấp trong năm nay. Lý Tịch, ngươi ráng mà sắp xếp cho lớp lang đi.” Tiếng nói của ngài mới đẫy đà đay nghiến làm sao ấy.

Lý Tịch lấy tay chà sát cổ xong thì ngáp một cái. Trên cơ bản, đối với văn nhân đọc thi thư ngũ kinh, từ nhỏ xem chuyện làm thơ đối ngẫu là bổn phận của mình thì việc nhìn đống hồ sơ này đã chán ngán lắm rồi, cảm giác như là lấy dao trâu mổ gà vậy, ngao ngán lắm. Có điều, với tính cách Lý Tịch thấy gì cũng hờ hững mà nói, chuyện sao chép này cũng không thấy gì là quá trớn.

Sau khi ngáp cho hai cái liền, Lý Tịch đại nhân bắt đầu sao chép tiếp.

Nói đi cũng phải nói lại, sau này từ Công bộ mà sinh ra một bậc kỳ tài Lý Tịch liền lưu truyền một nghi vấn muôn thuở. Vì sao suốt ngày y ngáp ngắn ngáp dài mà chưa khi nào thấy y ngủ gật?

Kỳ quái quá đi.

Ngày đầu tiên ngồi sao chép, bình thường trung bình cũng ngáp tới hơn mười cái đi, thôi cũng tạm cho là được.

Ngày thứ hai ngồi sao chép, tốc độ ghi của Lý Tịch đã có nhanh hơn, trung bình ngáp khoảng mười lăm cái, miễn cưỡng đi.

Ngày thứ ba ngồi sao chép, văn án trên bàn Lý Tịch đại nhân vơi đi có phân nửa… Nghe kháo nhau rằng, đống văn kiện đó cần tới mười người chép trong năm ngày mới xong… Mà hôm đó, Lý Tịch đại nhân chắc chắn là vừa ngáp vừa sao chép, trung bình cũng hai mươi mấy gần ba mươi cái ngáp. Đúng là cừ nha!

Ngày thứ tư, số liệu thống kê còn chưa kịp ra lò nhưng tốc độ sao chép của Lý Tịch đã chậm lại. Lúc này cái y đang chép chính là tài liệu mà Chử châu trình lên hồi tháng bảy năm ngoái.

Chử châu… Nếu y nhớ không lầm thì nơi đây rất nghèo khó. Lúc còn thiếu niên, y có du ngoạn qua vùng Chử châu, cuộc sống dân chúng nơi đó phải nói là khổ cùng bất tận, miễn cưỡng sống qua ngày. Một nhà mười miệng ăn mà chỉ có một người có quần áo mặc, cảnh tượng ấy còn hiện rõ trước mắt. Nghe nói thuế ruộng đất chỗ đó nặng hơn những nơi khác rất nhiều. Tất cả đều do dân chúng phải nộp tiền cho việc củng cố đê điều chống lũ. Năm đó y chỉ mười một tuổi, nhưng vì chịu không nổi tiếng than oán bi ai của dân mà phải đi khỏi Chử châu ngay. Người đáng thương nhiều như vậy, huống chi là tình cảnh quá mức thế này?

Tuy giờ nghĩ lại, năm đó bản thân quá mức khờ dại đi.

Hiện giờ, y đang cầm là báo cáo việc thâu thuế năm qua của châu này, còn kèm theo mảnh giấy thỉnh triều đình tiếp tục giúp đỡ chuyện tài chính: tiền thuế bao năm nay đều chi cho việc đắp đê.

Lý Tịch chậm rãi nhướn mày. Qua bản báo cáo này, có thể thấy rõ vị quan đại nhân này đúng là cần chính yêu dân đấy… Đáng tiếc, với y mà nói chỉ là lời lừa trời gạt đất thôi.

Đưa mắt nhìn đống sổ đã sao chép xong, bỗng nhiên y rất muốn biết có bao nhiêu cấp quan lại đã bịa đặt trong đó.

Không muốn sống nữa à? Cái gì khiến cho đám người này bất chấp sống chết mà tranh đoạt như vậy?

Tiền sao?

Lý Tịch y từ nhỏ không thiếu hụt tiền gì, chỉ đành thở dài mở văn án ra.

Lúc cầm đến tài liệu này, y chợt nhớ người ăn xin đứng ngoài thành Chử châu năm nào.

Trời thật bất công quá, sao lại đến nông nỗi này?

Người có quyền thế thì chưởng quản cả thiên hạ, dân đen cùng cực thì đổ máu lẫn nuớc mắt chỉ vì miếng ăn, bất công đến thế là cùng.

Lý Tịch thở dài, lắc đầu ngao ngán. Y vừa kéo đống sách vào vừa từ tốn sao chép tiếp. Tất cả văn tự y đều khắc ghi vào lòng, nhưng trên mặt không hề biểu lộ ra.

Nếu có ai từ ngoài nhìn vào, nhất định sẽ bị ánh mắt sắc lẻm như đao của y dọa điếng hồn.

Là thanh đao hiếm khi tra ra vỏ.

-0-

Ngày thứ mười, Lý Tịch đem toàn bộ hồ sơ đã sao chép xong giao cho Thượng ti. Thượng ti cho người kiểm tra kỹ càng thì đem trình lên trên. Đấy cũng là chuyện một tháng sau. Trong tháng đó, Lý Tịch béo lên được một vòng. Thật mà, trợ lý chỉ có việc ngồi một đống ra đấy, không béo cũng uổng.

Đầu tháng bảy, hoàng đế phái khâm sai đi điều tra tường tận chuyện của Chử châu. Giữa tháng bảy, vị quan của Chử châu đã mất đầu.

Cũng trong tháng đó, có mười một quan lại mang tội danh “khi quân phỉnh gạt bề trên,” có tên bị tống vào ngục, có tên bị xử trảm ngay tại chỗ. Đó cũng là tháng mà hoàng đế thanh trừng hết bè phái lúc trước, nắm trọn cục diện triều đình, gây nên uy vang lẫy lừng.

Hành động rền vang choáng ngợp này thực sự khiến người ta trở tay không kịp, chẳng biết phản ứng ra sao. Bộ hạ của hoàng đế nắm giữ thực quyền trong triều chiếm gần như tám phần, còn sót mấy lão thần thì lại như cỏ dại run rẩy trước gió thu, nhất thời im bặt. Tuy biết có lẽ sẽ đến lượt mình, nhưng căn bản những tên này vẫn nuôi ý đồ xấu. Thêm nữa, chúng có cái gọi là áp lực của khâm sai nên tạm thời được vô sự.

Còn với đám tàn quân kia thì gom gọn chúng quả hơi khó khăn. Hơn nữa thoạt nhìn thì đối thủ rất mạnh, người thức thời đều hiểu giấu tài là hay hơn.

Mà hoàng đế bệ hạ vừa ý có lẽ cũng là điểm này.

Sau khi Lý Tịch biết tin này thì hơi chau mày, lập tức vùi đầu trong đống văn án.

Bất quá lúc đó lời chưa nói ra miệng là. Xem ra không thể trêu ngươi con người kia được rồi… Lần sau, giá nào cũng không thể ngáp trước mặt người đó nữa…

Các vị không cần trừng mắt nhìn ta, Lý Tịch đại nhân vốn là người không có chí hướng mà.

-0-

Thấm thoát thời gian trôi qua cũng nhanh, tiết thu đã đến cửa thổi cuốn lá cây rơi khắp nơi, từ khia nào hoa cúc đã thế chỗ hoa đào. Lý Tịch đại nhân vẫn hì hục cố gắng lăn trong đống giấy tờ, vẫn vô duyên chưa thể về nhà gặp Tiểu Tiệm.

Trung thu sắp đến, cuộc sống cật lực của Lý Tịch xem chừng cũng có tia hy vọng cuối đường hầm. Nghe nói sau trung thu, hoàng đế bệ hạ sẽ tuyên bố danh sách những quan viên trúng cử, những kẻ rớt thì cuốn gói về quê.

Lý Tịch hớn hở bắt đầu thu dọn hành lý, dù thế nào thì y làm sao có khả năng ở lại Công bộ được. Trước hôm công bố danh sách một ngày, vị thị lang kia vỗ vai Lý Tịch bảo: “Lý Tịch, sau này có muốn kiếm người nhanh nhẹn như ngươi vậy chắc khó lắm…” Câu nói của hắn đầy ý mỉa mai rõ ra đấy.

Lý Tịch nghe xong thì lòng mừng như mở cờ, nhưng khuôn mặt vẫn bình thản: “Đại nhân quá khen rồi.”

Thị lang đại nhân thiếu chút nữa là mắc nghẹn: Quá khen? Ta đâu có khen ngươi đâu…

Lý Tịch, ngài đúng là ngu ngốc mà.

Sau này, khi chuyện hiếm ai biết này truyền ra thì sự đánh giá của tất cả với Lý Tịch càng cao thêm.

-0-

Đêm đó, Lý Tịch nốc một bình rượu. Rượu kia dở đã đành mà lại nồng xé người. Lý Tịch mới nhấp có một ngụm mà chân đã xiêu vẹo, ngẩng đầu nhìn trăng mà ngân nga hát. Đầu lưỡi tê rần, tiếng gió thổi cũng không nghe rõ. Có điều cái khuôn mặt cười toe toét tới độ trăng còn phải thẹn thùng nấp đi. Đúng là dọa chết con người ta đó… Cười đến méo mặt rồi kìa…

Lúc này, vị hoàng đế nghiêm khắc với bản thân và nghiêm ngặt với người khác Ngôn Ấp đang ngủ.

Ngọn nến dập dờn soi trong cung điện rộng lớn, mỗi khi gió lùa sang, ánh nến cứ chập chờn le lói.

Hương thơm của đàn hương khẽ khàng dậy lên trong đêm. Hoàng đế đang ngủ thì thức dậy, hắn ngước xem ánh trăng thanh trong sánh đôi với ngọn nến phập phừng.

Ngôn Ấp trở mình. Ra đây gọi là long sàng to mà cứng, hoàng cung lộng lẫy mà vắng bóng người. Hắn nhớ đến những tháng ngày ăn gió nằm sương thì thở dài.

Ngôn Ấp lại mơ thấy mình đang cưỡi ngựa đứng trên cao nguyên dõi mắt nhìn xuống, ráng chiều như rực máu, cát vàng trải xa ngàn dặm đến tận chân trời. Đằng xa diều hâu đang đấu đá nhau, tiếng kêu đau đảu xé nát cả lòng người.

Nhưng, mỗi lần đến lúc ấy lòng hắn lại nảy ra xúc cảm khác.

Những nơi mắt dõi đến được đều là thiên hạ của ta.

Hiện nay đối mặt với ao trăng lạnh mát này, sao không khiến người khác hoài niệm cho được?

Có điều nỗi tình tự này chỉ là chớp mắt đã tan, Ngôn Ấp liền nhắm mắt. Hắn vẫn ngủ được thêm chút nữa. Tuy thân không còn chinh chiến sa trường nhưng mỗi ngày đều đối đầu với hiểm nguy mọi bề, hắn cần dưỡng sức để toàn lực đối phó.

Rất nhiều năm trước đây, mẫu thân từng bảo bản tính hắn rất “hiếu chiến.” Có điều, cuộc sống không có chiến tranh và tranh đấu thì sẽ nhàm chán biết mấy.

Ngôn Ấp nặng nề chợp mắt.

Hôm sau, Ngôn Ấp vào triều, ra lệnh chỉnh đốn các Bộ.

Chúng quan thần hai bên nhìn nhau, ai cũng hiểu là hoàng đế muốn thanh trừng triệt để bè đảng cũ. Các chúng thần, người thì hăm hở ra mặt chỉ muốn ra tay góp sức ngay, nhưng cũng có người đăm chiêu nét mặt, thấy sẽ có chuyện lớn xảy ra.

Đến ngày thứ ba sau mệnh lệnh đó, Thị lang trong các bộ có thuộc hạ bê tha chểnh mảng sẽ bị đề tên lên. Ngay cả Công bộ cũng không ngoại lệ.

-0-

Cuộc sống mấy ngày qua của Lý tịch không được tốt cho lắm.

Thật ra y không liên quan gì đến chuyện trong triều. Dù y có lười nhác cỡ nào thì cũng là nhân vật vô cùng phụ, chỉ là thực tập thôi. Có điều, mấy người xung quanh suốt ngày than ngắn thở dài đến độ y cũng loạn.

Đương nhiên, nguyên nhân là do lệnh mà hoàng đế ban ra khiến lòng người hoảng sợ. Mỗi ngày, số lần Thị lang đại nhân đi tuần tra chỉ có thêm chứ không giảm. Những lúc quay về thì mắt long sòng sọc, trừng mắt tứ tung, ai cũng biết hắn đang nhặt sạn.

Cũng vì Lý Tịch gây cho người khác ấn tượng “chẳng tranh với đời, không vương khói bụi” – kỳ thật là dạng người không có nguyên tắc, có thì tốt mà không có cũng chẳng sao – nên mấy ngày qua, bất đắc dĩ y phải sắm vai “tri âm của nhiều người.”

“Chắc chắn Thị lang đại nhân sẽ đổ hết tội lên ta rồi…” Người lên tiếng là Chủ sự đại nhân, trợ thủ đắc lực của Thị lang đại nhân. Hiện tại xem ra có khả năng sẽ đảm nhiệm chức vụ mới là “người chịu tội thay” đây.

“Khẳng định giữ không được chức quan này rồi…” Đại nhân đang nói là Ti trưởng đại nhân, trợ thủ của Chủ sự đại nhân, rất có triển vọng đi lưu đày cùng thượng ti của mình.

“Giờ phải làm sao? Ngày tháng sau này của chúng ta sẽ ra sao?” Cái vị nhân huynh đang oán giận này chức quan thật sự nhỏ lắm, bất quá là quản lý được chút xíu chuyện, chính là thất phẩm Đốc sự trung (1) đại nhân.

“Lần này thì xong rồi… Không biết ai sẽ bị rơi đầu đây…” Cái người bi quan kia cũng vẫn là thất phẩm Đốc sự trung đại nhân nữa.

-0-

Đi bái lạy chúc phúc cho hoàng đế bệ hạ, gần đây quan hệ của Lý Tịch với mấy vị đại nhân trong Công bộ có cải tiến rõ rệt. Nhất thời, y trở thành tri âm tri kỷ đệ đệ Lý đại nhân được hoan nghênh khắp nơi. Lúc nào Lý đại nhân cũng chăm chú lắng nghe, chống cằm gật gù rất thông cảm. Hơn nữa bất kể ai có nói gì thì lúc sau hỏi Lý Tịch đại nhân, y đều chu đáo trả lời rằng “Đã quên rồi.” Thế nên độ nổi tiếng của y mỗi lúc mỗi lan xa.

Thực ra lúc Lý Tịch học ở tư quán trung học đã học được một điều từ một vị đại thần công chính là, lúc người khác nói những chuyện y không thích nghe thì tự động trùm lên “trạng thái bảo vệ lấy mình.” Cái gọi là bảo vệ lấy mình đương nhiên là chỉ việc ngủ. Bất quá Lý Tịch đã tu luyện đến mức không cần nhắm mắt cũng ngủ say được, đến khi đối phương dừng nói thì thức đúng lúc mà xuýt xoa đồng tình. Về phần gật đầu… là chuyện không tránh khỏi, người đang ngủ gật thì gáy thiếu chỗ tựa, đương nhiên biên độ vận động phải có.

Chư vị đại nhân đáng thương ai cũng mười năm gian khổ đèn sách, đọc đủ loại thi thư, chưa từng gặp nhân vật không có tiền đồ như Lý Tịch đây. Lúc họ đọc sách thì chỉ hận không thể nuốt cả cuốn kinh thư vào, tất nhiên không có kinh nghiệm đúc sống cả đời “ngủ gà ngủ gật” này. Kết quả là cũng có manh mối để bồi dưỡng cho Lý Tịch đại nhân, hằng ngày đều có người mời y uống rượu.

Mười lăm ngày sau, thị lang ở các Bộ báo cáo tình trạng của bộ hạ mình lên trên. Danh sách của Công bộ thị lang cũng đúng giờ đúng khắc được thông qua, đương nhiên những người đi kiếm Lý Tịch đại nhân kể khổ đều ào ạt trúng tiễn ngã ngựa, không ai may mắn thoát khỏi.

Kết cục càn sát các bộ xong, số người ở đây không biết mình qua ải được bao lâu, tính đi hỏi mà lại sợ bị chém đầu trảm. Đa số sống mà không biết mình trụ được bao nhiêu ngày nữa.

Nhưng sự việc lại có chuyển biến bất ngờ.

Những người có tên trong danh sách mà các Bộ đưa lên đều bị triệu kiến từng người một. Hoàng đế phái sáu vị thuộc hạ thân tín đi thẩm tra tỉ mẩn, tra cả những công trạng của những người đó.

Mấy người đó nghĩ dù sao cũng sắp chết, tất cả đều không hẹn mà nhất trí đồng lòng kéo luôn thượng ti của mình xuống luôn. Tự nhiên, các quan viên hễ biết là sẽ nói, mà đã nói thì nói cho hết, còn phải thêm mắm dặm muối vào hết sức nghiêm túc, dụng tâm hết mình nữa kìa.

Một ngày nọ, ngoại trừ những Thị lang đại nhân không thẹn với lòng thì còn lại ai cũng tái xanh.

-0-

Đầu tháng tám, hoàng đế bệ hạ ra chiếu thư chỉnh đốn các Bộ, trong đó Lại bộ thị lang và Công bộ thị lang đều bất hạnh rớt chức, còn những Thị lang và thuộc hạ các Bộ còn lại đều chịu phạt nhẹ là hai mươi trượng. Cũng có vài kẻ bị tội nặng thì xử phạt rất nặng. Trước trung thu đã có mười ba người bị lưu đày, trong đó gồm có hai vị Thị lang đại nhân, có hai người bị xử trảm.

Đồng thời, danh sách những tân quan của các Bộ cũng được công bố.

Lý đại nhân của chúng ta vinh hạnh được thăng chức lên thất phẩm Cấp sự trung, từ nay về sau bắt đầu sinh nhai trên con đường làm quan vẻ vang.

Nghe nói, chủ yếu mọi người trong Công bộ đều hết lời ca ngợi năng lực và nhân phẩm của Lý đại nhân. Biết bao lời ca thán đồng lòng này cũng như việc ác ý hãm hại Thị lang trước đây thôi, khiến hoàng đế phải cẩn trọng tự hỏi có nên thay đổi ấn tượng về Lý Tịch hay không. Trong trí nhớ rất tốt của Ngôn Ấp, thoạt nhìn tên nam nhân uể oải dám ngáp trước mặt hắn thật sự không có điểm nổi bật gì.

Nghe đồn đêm đó, Lý Tịch vừa thấy thánh chỉ đã chạy ra góc sân, chốc sau truyền ra tiếng gào khóc thảm thiết đến độ khỉ cũng phải hộc máu.

Đương nhiên, chuyện này để sau hẵng bàn.

Ngày mười bốn tháng tám, hoàng đế bệ hạ ra lệnh cho Lục bộ vào cung dự yến tiệc.

Lý Tịch nghe được thì cười khẩy. Vừa đánh lại vừa xoa, quyền mưu của hoàng đế thật thâm cao mà.

Không nhầm đâu, sau khi biết mình phải ở lại cái hoàng thành chim không dám thải, gà chẳng buồn đẻ trứng này thì Lý Tịch liền kết thù hận bất hủ với hoàng đế bệ hạ. Lý Tịch cần một kẻ thù ảo để trút hết oán khí trong lòng. Nhớ lại mấy chư vị đồng sự giậu đổ bìm leo trước đây đều là thượng ti của y, lỡ đụng tới gót giày họ thì cả đời Lý Tịch sẽ khó yên. Nhưng hoàng đế thì khác nha, tuy rằng là vua nhưng mà ngất ngưởng trên mây không thể gặp, cho nên Ngôn Ấp liền vinh quang đảm nhiệm cái vai trò hình nộm trút giận kia.

Mục tiêu trước mắt của Lý Tịch là giữa tháng tám năm sau phải xin được phép về quê…

Hây da, nếu có thể đem Tiểu Tiệm vào kinh thì tốt rồi… Nhưng nhất định nàng sẽ đanh thép bảo y rằng, nàng còn đang chăm sóc mẫu thân ốm nặng trên giường, mà mẫu thân đại nhân lại không chịu được đi đường dằn xóc vân vân và vũ vũ. Nói tóm lại, nhất định Tiểu Tiệm sẽ không đi, nói ngoa lên thì nàng còn giễu cợt y rằng: “Huynh lớn đầu vậy còn muốn ta lẽo đẽo theo sau hả?” Tưởng tượng thế, y dẹp chủ ý đó ngay.

Thôi quên đi, sang năm lúc về thì thành thân với Tiểu Tiệm cho rồi.

Lý Tịch tính toán thế, sau đó mới xót xa phát hiện ra năm nay phải ăn trung thu với cái kẻ đáng ghét kia.

Trời thiệt bất công mà, bất công quá đỗi đi nha.

Lúc ca bài than oán đó thì Lý Tịch đã tự động lược bớt hết hàng ngũ của Lục bộ, chỉ còn mỗi hoàng đế bệ hạ thôi, thực sự là nhớ mãi không quên, toàn tâm toàn ý làm một thần tử trung thành chỉ nghĩ đến quân vương thôi.

Rốt cục Lý Tịch phát hiện, vào cung không ngờ cũng có thu hoạch. Rượu mà yến tiệc thết đãi là “Quế hoa chưng” danh tiếng, mới nếm đã thấm hương thơm nồng mà pha chút mùi hoa quế. Rượu quế hoa chưng ngon nhất trong tương truyền chính là rượu ủ năm năm trong triều nhà Trần, nhiều hơn một năm thì ra vị nhà Trần mà thiếu một năm thì lại ra nửa vời. Lý Tịch mới nhấp ngụm đầu tiên đã say ngất.

Y còn đang tính xách một bình về nhà từ từ uống nữa… Bản thân chỉ có thể uống ba chén thôi, uống hơn nữa nhất định sẽ say… Thật sự là quân vương vô nhân đạo mà.

Không hiểu sao Ngôn Ấp lại thấy nhột gáy.

Lý Tịch thong thả mà uống, cuối cùng quyết định uống thêm nửa chén nữa. Chừng chút rượu vậy chắc không sao đâu ha?

Kết quả chưa đầy nửa canh giờ sau, lúc hoàng đế rời khỏi bàn tiệc thì bước chân Lý Tịch đã xiêu vẹo. Để tránh mất mặt, y viện cớ là đi “nhà xí.”

-0-

Ánh trăng tản mạn khắp nơi soi bóng cây in dấu trên đất, gió hây hẩy thổi qua khiến mặt hồ lấp lánh gợn sóng.

Lý Tịch còn chưa qua khỏi cây cầu giữa hồ đã ngã lăn ra đất. Y dựa người vào tảng đá chậm rãi hít thở, chỉ thấy hơi thở nồng đậm mùi hoa quế.

Y cười gượng. Độ thấm của rượu này quả nhiên như dự đoán, y đã hết đứng lên nổi rồi.

Y tựa người vào tảng đá, thong thả khép mắt lại.

Dọc theo khúc cầu kiều, Ngôn Ấp đang tản bộ dọc bờ hồ.

Gió mát nhàn hạ thổi sang, xung quanh một khoảng tĩnh lặng, chẳng có ngọn đèn nào, chỉ còn mỗi vầng trăng mờ ảo soi vào lòng hắn. Bỗng nhiên hắn nhớ đến ánh trăng miền phương bắc.

Vầng trăng nơi đây sao lại nhỏ thế này?

Ngôn Ấp đã cho người hầu lui hết từ lâu.

Hắn thấy như không ai có thể cùng mình ngắm trăng.

Trông thấy ánh trăng, Ngôn Ấp vươn hai tay ra. Ánh trăng chiếu soi vào lòng bàn tay. Hắn chậm rãi nắm lại. Nỗi tịch mịch trong lòng chưa kịp trào lên thì hắn thấy có gì động đậy đằng trước.

Ngôn Ấp lấy làm ngạc nhiên, sau đó cất bước đến trước.

Có một người nồng mùi rượu đang ngồi dựa tảng đá, xem ra là một tên say.

Ngôn Ấp khẽ chau mày, là ai to gan lớn mật đi say xỉn ở ngự hoa viên?

Hắn đạp kẻ kia một cái thì người đó té ngửa mặt ra, pho pho mà ngủ, ánh trăng lướt qua khuôn mặt y.

Ngôn Ấp chau mày hậm hực. Nếu nhớ không lầm, đây là tân quan Cấp sự trung của Công bộ, hình như tên là Lý Tịch thì phải?

Người thế này mà làm quan được sao? Ngôn Ấp tự sám hối con mắt nhìn người của mình.

Hắn đá kẻ kia một cước, vậy mà đối phương vẫn không nhúc nhích, đoạn hắn nhìn sang mặt hồ.

Tức thì, hắn đá Lý Tịch rớt xuống hồ.

Một tiếng thét kinh hoàng vang lên khiến chim chóc đều run bắn choàng dậy. Nhất thời trong hoa viên đại loạn, quan lại bủa tới hỏi: “Hoàng thượng làm sao vậy” Ai cũng lo sợ. Chẳng lẽ có thích khách sao? Đâu có xui xẻo tới vậy? Tới khi tất cả thấy bóng dáng Ngôn Ấp đứng bên bờ hồ mới yên lòng thở phào. Người kéo đến càng lúc càng đông, dưới mặt hồ đang có tiếng vùng vẫy tán loạn, ánh trăng tan nát cả rồi còn đâu.

Ai ai cũng nín thở nhìn khuôn mặt lạnh băng của Ngôn Ấp, đoạn nhìn ra đằng trước mới thấy có người đang vùng vẫy kêu cứu trong hồ, tiếng giãy dụa thảm thiết lắm, thi thoảng còn có tiếng “Cứu mạng!” nữa.

-0-

Cuối cùng Lý Tịch cũng tỉnh.

Lý Tịch được người ta vớt lên, toàn thân y ướt sũng run rẩy quỳ sấp giữa sân. Ngôn Ấp thấy bộ dáng “sợ hãi” của đối phương lại chau mày. Xem ra Lý Tịch này chắc cũng biết sai rồi, Ngôn Ấp suy ngẫm. Cũng sắp đến trung thu, kẻ này lại mới nhậm chức, tuổi trẻ khí thịnh, có phạm lỗi âu cũng khó tránh. Lúc này đang cần dùng người, trong triều chỉ toàn là lão thần, cũng cần những bộ mặt mới, chuyện này cứ phạt chút là xong thôi.

Hắn nghĩ vậy thì quay sang bảo Lý Thừa Hạ: “Truyền chỉ cho Lại bộ, khấu trừ bổng lộc nửa năm của Lý Tịch.”

Lý Thừa Hạ đáp lời nhận chỉ.

Có điều cái người đang quỳ kia thì lại có ý kiến khác, y vừa run vừa nói: “Bệ hạ, thần sợ đã mạo phạm đến thiên uy, tội đáng chết vạn lần. Thần không còn mặt mũi nào hầu hạ hoàng thượng nữa, cúi xin hoàng thượng hãy bãi bỏ chức quan của thần.”

Vừa nói Lý Tịch vừa dập đầu, sẵn tiện cũng mẩm là nước hồ lạnh thiệt nha, cả người cứ run bần bật lên, thật là đáng ghét mà! Bất quá nếu có thể nhân cơ hội này thoát ly quan trường thì trận “bơi trong gió thu này” cũng không uổng phí. Về nhà nhất định phải uống nước gừng trị cảm ngay.

Ngôn Ấp âm thầm gật gù. Tuy không có tài năng nhưng cũng là người phạm sai biết sửa, âu cũng là đức tính tốt. Xem ra đánh giá của Công bộ về Lý Tịch thật ra cũng đúng. Suy cho cùng, trong giới quan trường lùn cúi lo giữ mão thì người như Lý Tịch đây quả là hiếm thấy.

Hắn nghĩ vậy thì lòng ghét người kia đã giảm đi ba phần. Ngôn Ấp hòa nhã bảo: “Lý Tịch, phạm sai mà biết sửa là quan trọng nhất. Nếu ngươi đã biết sai thì từ nay đừng uống rượu kẻo hỏng việc nữa là được.”

Lý Tịch ớ ra đấy. Chẳng phải bảo hoàng thượng quản quân rất nghiêm minh sao, động một tí là phạt trên phạt dưới? Chẳng lẽ giờ người này đổi tính à? Y vừa nghĩ vừa dập đầu tiếp, mà nói ra từ lúc vào cung tới giờ, cái công phu dập đầu càng lúc càng nhanh nhảu mà.

“Thần sợ hãi, tội thần đáng chết vạn lần, xin bệ hạ cứ trách phạt thẳng tay!”

Ngôn Ấp thấy người kia hăng hái dập đầu như giã tỏi thì lòng ghét bỏ càng giảm thêm nữa: “Thế nào, Lý Tịch? Ngươi đang nghi ngờ trẫm sao?” Thanh âm tao nhã của hắn có phần gằn trong đó.

Đầu Lý Tịch hết sức dập rồi, còn dập nữa là tiêu thật đó. Mặt y đau khổ, xem ra lần này lại không thành rồi… Sau đó y nhận mệnh: “Thần lĩnh chỉ, tạ chủ long ân.”

Thân thể càng lúc càng lạnh, gió thổi mỗi lúc mỗi to, có một đóa hoa đào bay rũ xuống…

Không phải vậy chứ, may gì mà may dữ vậy… Lý Tịch run càng lúc càng nhiều.

Ngôn Ấp nhìn y một hồi thì quay sang bảo người hầu: “Truyền chỉ cho Thái y viện, nấu thang thuốc cho Lý Tịch đi.”

“Dạ.”

Lý Tịch cứng đờ. Không phải chứ…

———

Danh tính:

Lý Tịch 李寂: ‘Tịch’ trong tịch mịch, hiu quạnh.

———

Ghi chú:

Theo từ điển Hán Việt và Wikipedia, trong chế độ quan thời xưa có sáu Bộ, bao gồm:

Lại bộ: giữ việc quan tước, phong tước, ân ban thuyên chuyển, lựa chọn, xét công, bãi truất và thăng thưởng, bổ sung quan lại, cung cấp người cho các nha môn.

Hộ bộ: quản lý chuyện tài chính.

Lễ bộ: kiêm cai quản học giáo, khoa cử, khảo thí cùng các công việc tiếp tân khách khứa ngoại quốc.

Binh bộ: tuyển dụng võ quan và ghi chép binh lính, khí giới, quân lệnh.

Hình bộ: quản lý hình ngục và xử án.

Công bộ: chuyên xây dựng thành hào, cầu cống đường sá, việc thổ mộc, thợ thuyền, tu sửa xây dựng, thi hành lệnh cấm về núi rừng, vườn tược và sông ngòi.

Kỳ lũ lụt này qua rồi, nhưng không biết có bao nhiêu nhà còn vẹn toàn.

Mặc dù muội không làm được gì, nhưng Tịch ca có thể giúp muội tạo phúc cho thiên hạ, để người người khắp nơi đều hưởng phúc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.