Mộng Đẹp Như Mơ

Chương 3




7

Vào năm Thừa Khánh thứ hai mươi mốt, một trận mưa to kéo đến.

Năm tai họa qua đi, cỏ xanh mọc đầy ruộng, một mảnh xanh mởn tươi tốt.

Năm đó đã có rất nhiều người c h ế t, đôi vợ chồng quản sự của nông trang ở huyện Mi bị ta châm một mồi lửa đốt cháy.

Không có ai quan tâm đến việc bọn họ c h ế t như thế nào, bởi năm đói kém như thế nếu có thể sống sót đều là người may mắn.

Lúc cỏ ở mộ phần của mẹ ta bắt đầu mọc lên thì cậu cả và cậu hai ta rốt cuộc cũng đến.

Mặt cậu hai xám như tro tàn, quỳ gối trước mộ của mẹ. Hình như ông ta không thể chấp nhận được việc mẹ ta đã qua đời.

Cũng chẳng trách được, từ khi mẹ ta và ta tới nông trang thì ông ta rất khó có thể gặp bà ấy nữa.

Một là vì sau khi chuyện năm đó bại lộ, cậu cả và mọi người trông giữ ông ta cực kỳ nghiêm ngặt, gần như không để ông ta ở lại Ung Châu.

Hai là vì mẹ ta không muốn gặp ông ta.

Có lần ông ta đã đến cửa phòng rồi nhưng mẹ ta lại đóng cửa nhốt ông ta ở ngoài, từ đầu đến cuối đều không hề mở cửa.

Những thứ ông ta mang tới đều bị bà ấy ném vào trong mương. Lúc còn nhỏ ta vẫn nhớ rằng cậu hai có dáng vẻ tuấn tú này đối xử với ta rất tốt. Lúc hai mợ và biểu ca nhục mạ chúng ta mà bị ông ta nghe thấy thì chắc chắn sẽ tranh chấp một trận.

Ông ta còn dẫn ta lên phố mua kẹo hồ lô đường, mua điểm tâm. Nếu nhìn thấy trâm cài tóc xinh đẹp ông ta cũng sẽ mua rồi bảo ta mang về đưa cho mẹ.

Nhưng mà cũng có ích gì đâu, ông ta ra ngoài buôn bán, không ở nhà thường xuyên.

Thôi, mấy cái chuyện xấu xa đó tạm thời ta chẳng muốn nhắc lại.

Ta chỉ đề cập một yêu cầu với bọn họ, rằng từ bây giờ cái điền trang ở huyện Mi này sẽ thuộc về ta.

Sau nạn hạn hán, vạn vật sống lại.

Nông trang không thuê thêm quản sự nữa, tất cả sổ sách thu hoạch của tá điền đều do ta tự tay tính toán.

Ngay sau khi năm thiên tai kết thúc, ta nhặt được một cô nương sắp c h ế t đói ở trên đường. Nàng tên là Hòe Hoa, mới trốn thoát ra từ huyện Khiên Âm ăn thịt người kia. Nàng nói nhà nàng mở gánh xiếc ở thị trấn, mặc dù có chút vốn liếng nhưng khi nạn hạn hán đến, muốn mua một thạch (*) gạo phải mất tới một vạn lượng bạc.

(*) Thạch: đơn vị dung tích khoảng 100 lít.

Vốn nghĩ rằng hay là cứ chuyển nhà trốn tai, nhưng sau đó mới phát hiện ra rằng nơi nào cũng giống nhau cả thôi.

Cuối cùng cả nhà nàng chỉ còn mình nàng sống sót.

Hòe Hoa biết kiếm thuật, ngay cả lúc nằm trên đường suýt chút nữa đã đói c h ế t, trong ngực nàng vẫn còn đang ôm kiếm của mình.

Ta cho nàng cơm gạo để ăn, từ đó nàng liền đi theo ta, nàng vẫn luôn ríu rít gọi ta là cô nương.

Ta nói: "Ngươi còn lớn tuổi hơn cả ta, ta nên gọi ngươi là a tỷ mới đúng."

Nàng lắc đầu: "Cô nương có ơn cứu mạng với ta, bây giờ lại còn thưởng đồ ăn cho ta nữa, từ nay về sau mạng của Hòe Hoa chính là của người."

Lam Quan đã biến mất gần ba năm sau này cũng đã quay về. Hắn cao hơn rất nhiều, dáng người cáo ráo rắn rỏi.

Mái tóc rối bời nhưng mặt mày vẫn xinh đẹp như xưa, ngũ quan đẹp đẽ đó chợt nhìn thấy ta thì hai mắt đã đỏ hoe, hắn ấm ức nói:

"Âm Âm, nhớ em."

Sau này ta mới biết được thì ra năm đó hắn đi ra ngoài tìm thức ăn nhưng lại không may bị thổ phỉ trên núi bắt lại.

Hắn ở trong ổ thổ phỉ đó suốt ba năm, làm trâu làm ngựa mãi cho đến nay mới tìm được cơ hội trốn thoát.

Nói đến mới nhớ, chẳng biết là may mắn hay bất hạnh, thế đạo có nhiều người c h ế t đói như vậy, ấy mà hắn lại có thể tiếp tục sống sót trong ổ thổ phỉ đó.

Nhà ngoại của ta bao đời đều theo kinh thương.

Năm ta mười lăm tuổi cũng coi như truyền thừa được một ít bản lĩnh của bọn họ. Không những xử lý nông trang rất tốt, mà thậm chí còn mở thêm cửa hàng trong thị trấn.

Cửa hàng bán bánh mì kẹp thịt, trừ Lam Quan ra ta còn thuê thêm hai người làm thuê để giúp đỡ.

Trong lúc rảnh rỗi Nhị cô nương nhà họ Diêu cũng đến nông trang thăm ta một lần.

Nàng mặc một chiếc váy gấm thêu hoa trông hệt như là tiên nữ hạ phàm, nàng dẫn theo hai cô thị nữ dịu dàng bước đến.

Lúc đó ta đang học kiếm cùng Hòe Hoa, nàng thấy hứng thú nên cũng tiến tới cầm lấy kiếm của ta, múa may vài chiêu thức xinh đẹp.

Ta hơi kinh ngạc, không ngờ nàng cũng biết dùng kiếm.

Diêu Cảnh Niên liếc nhìn ta một cái, thản nhiên nói: "Mấy chiêu để phòng thân mà thôi."

Năm đó nàng đã tròn mười bảy tuổi, thường thì quý nữ thế gia như nàng hầu hết đều đã nghị thân. Diêu Cảnh Niên cũng không hề ngoại lệ, rốt cuộc nàng vẫn phải về kinh.

Nhưng mà trước khi đi nàng và ta đã cùng nhau làm một chuyện kinh thiên động địa.

Từ sau khi tiếp quản nông trang, trong tay có dư tiền nên ta đã bắt đầu hỏi thăm một người. Đó là nha hoàn hồi môn năm đó của mẹ ta - Tú Thanh.

Chuyện mẹ ta qua đời đối với ta mà nói là một đả kích rất lớn.

Suốt một khoảng thời gian rất dài, đêm đêm ta đều không thể chợp mắt.

Trong phòng không đốt đèn, ta xõa mái tóc rối bù ngồi yên bên mép giường, nhìn lên thanh xà ngang trên nóc nhà.

Nhìn mãi, nhìn mãi, trời đã sáng rồi.

Cho dù mẹ ta có đủ điều không tốt, cho dù bà ấy nhu nhược đáng trách đến thế nào đi chăng nữa, nhưng trái tim của bà ấy hoàn toàn đều hướng về phía ta.

Mẹ ta là một người vô cùng dịu dàng, mỗi khi nói chuyện với ta đều luôn nhỏ nhẹ nói khẽ, ánh mắt điềm đạm.

Ngày bé lúc ta bị ốm, bà ấy không ngủ không nghỉ trông nom ta cả đêm. Mẹ ta dán trán mình lên trán ta, đau lòng đến độ không nhịn được nước mắt.

Chiều buông, bà ấy sẽ ôm ta ra sân phơi nắng, dùng giọng điều ôn tồn hát "Bái Nguyệt Đình" cho ta nghe.

Vương Thụy Lan khuê oán Bái Nguyệt Đình.

Sau này ta dần lớn lên, trở thành một cô con gái không quá giống với tưởng tượng của bà ấy.

Tính cách của ta rất cứng đầu, kiệm lời ít nói, đôi mắt không hề ôn hòa.

Ta biết thực ra mẹ ta vẫn luôn có chút sợ ta.

Bởi vì những câu chuyện cũ hoang đường của bà ấy cứ mãi bị mợ cả lấy ra để trào phúng trước mặt ta. Lâu dần, bà ấy không thể ngẩng đầu lên được trước cô con gái đang dần khôn lớn của mình.

Nhưng ta chưa bao giờ buông một câu oán hờn với bà ấy.

Bà ấy là mẹ ta.

Chỉ cần mẹ yêu ta, vậy thì cho dù bà ấy có muôn kiểu vạn loại không tốt, ta cũng không có tư cách oán trách bà ấy. Ta chỉ không thích dáng vẻ khúm núm của bà ấy mà thôi.

Sau khi chúng ta chuyển tới điền trang, bà ấy hái hoa bẻ liễu, đan thành một vòng hoa đeo lên đầu ta.

Bà ấy nói: "A Âm, từ nay về sau mẹ sẽ dẫn con sống thật tốt."

Sau đó bà ấy về nhà nấu cơm, ta cầm vòng hoa xuống ném vào đầu bờ ruộng.

Ta sẽ không bao giờ quên được giây phút bà ấy đi ra lấy củi, đúng lúc nhìn thấy vòng hoa bị ta vứt bỏ đó. Dáng vẻ mẹ ta đỏ hoe vành mắt, tay chân luống cuống không biết phải làm sao.

Bà ấy lau nước mắt quay về nhà.

Ta muốn giải thích với bà ấy, nói cho bà ấy biết rằng ta chỉ là không thích vòng hoa đó thôi chứ chẳng hề không thích bà ấy.

Nhưng bà ấy vừa bật khóc thì ta lại vô cùng bực bội.

Ta cau mày đi ra ngoài.

Giữa hai mẹ con chúng ta chung quy là đã có ngăn cách.

Mãi cho đến khi bà ấy c h ế t, ta bắt đầu nhìn về phía thanh xà ngang kia, tự hỏi tâm trạng lúc đó của mẹ ta sẽ như thế nào.

Nhất định bà ấy lại đang khóc, sợ hãi đến độ run rẩy cả người rồi đặt cổ mình vào trong lọng dây thừng kia.

Ngày trước mỗi lần bà ấy khóc đều trông đáng ghét cực kỳ. Đôi mắt đỏ ngầu trông y hệt con thỏ, cứ mãi muốn nói rồi lại thôi, ngập ngừng lẩm bẩm: "A Âm, A Âm,..."

Rốt cuộc bà ấy muốn nói cái gì cơ?

À, bà ấy muốn nói, mẹ sai rồi.

Ngày bà ấy qua đời, trên chiếc bàn mà bà ấy giẫm lên để treo cổ có ba chữ được viết bằng máu — Mẹ sai rồi.

A Âm, mẹ sai rồi.

A Âm, con đừng giận mẹ nhé.

Mẹ sai rồi, con đừng giận mẹ nữa, được không con...

Nửa đêm gà gáy, ta ngơ ngác nhìn về thanh xà ngang ấy, đột nhiên lại muốn biết cảm giác treo cổ sẽ như thế nào.

Cho nên ta cũng cầm một sợi dây thừng rồi bò lên mặt bàn, nhét đầu vào lọng dây thừng đó.

Sau đó ta ngả người về phía trước và nhấc hai chân lên.

Ngạt thở, giãy dụa....Cuối cùng ta được Hòe Hoa cứu sống.

Từ sau khi bà ấy c h ế t, hình như ta cũng đã bị bệnh rồi.

Mỗi ngày khi trời tối ta sẽ luôn nhớ đến bài hát "Bái Nguyệt Đình" mà bà ấy hát cho ta nghe. Tự hỏi rằng tại sao mãi đến khi bà ấy c h ế t rồi ta mới hiểu được nó có nghĩa là gì nhỉ.

Thì ra mẹ ta hâm mộ tiểu thư khuê các Vương Thụy Lan đến như vậy. Hâm mộ nàng ấy dù trải qua muôn vàn nhấp nhô nhưng vẫn có cơ hội quyết định vận mệnh của bản thân mình.

Tham cái đoạn giản tàn biên, cung kiệm ôn lương hảo khiển quyển.

Tham cái khinh công đoản kiếm, thô hào dũng mãnh ác nhân duyên.

Sống thẹn với lòng, ắt sẽ có cao xanh(*) chứng kiến (**).

(*)Nguyên văn từ cao xanh là 青天 (thanh thiên), xuyên suốt cả truyện tác giả có ý ẩn dụ từ thanh thiên này với ông Bao Thanh Thiên, ý chỉ nỗi oan khuất mong mỏi sẽ có người làm chủ để được rửa sạch tiếng ác. Từ này xuất hiện khá nhiều trong truyện, May sẽ dịch thành trời xanh, ông trời cho phù hợp với văn hóa Việt Nam nhé.

(**) Đây là ba câu hát được trích trong bài Bái Nguyệt Đình. Cha của Vương Thụy Lan có hai cô con gái, Thụy Lan là chị và có tình cảm với trạng nguyên ban văn (cả hai bên đều có ý với nhau) nhưng cha cô lại bắt cô lấy trạng nguyên ban võ, để em gái cô lấy trạng nguyên ban văn (cha cô thích võ hơn văn), nhưng cô không chịu và làm ầm lên nên cuối cùng cô được như ý muốn, gả cho trạng nguyên ban văn Tưởng Thế Long. Câu cuối là Vương Thụy Lan trách ý trung nhân của mình vì hiểu lầm người nọ bội ước. Hai câu trên là do Vương Thụy Lan nói, câu đầu tiên bà nhận xét việc mình thích người học văn, còn câu dưới nói về em gái Vương Thụy Liên "lấy người học võ tuy hào phóng dũng mãnh nhưng là nhân duyên độc hại."

8

Năm đó khi về tới Ung Châu, hai nha hoàn hồi môn cùng với bà vú của mẹ ta bị ông ngoại đang trong cơn thịnh nộ trực tiếp bán đi. Vài chục năm qua đi, bà vú đó hẳn đã không còn trên đời.

Ta nghe ngóng khắp nơi, còn nhờ cả Diêu nhị tiểu thư giúp đỡ thì cuối cùng mới tìm được Tú Thanh vào năm thứ hai sau khi mẹ ta mất.

Nàng ấy nay đã là dáng vẻ của một phụ nhân, nghe nói nàng bị bán sang châu khác và gả cho một kẻ góa vợ già.

Cuộc sống của Tú Thanh cũng không quá tốt đẹp, ta cho nàng một khoản tiền, nàng quỳ phịch xuống đất khóc lóc và nói rằng sẽ thưa với ta bất cứ chuyện gì ta muốn biết.

Mẹ ta vốn chẳng phải là con gái nhà họ Lê. Ngày còn trẻ cơ thể của bà ngoại không quá tốt, sau khi sinh hai cậu thì lại ngoài ý muốn có thai, sinh thêm một cô con gái.

Đáng tiếc bé gái kia vừa sinh ra đã là một cái thai c h ế t.

Ông ngoại sợ bà đau buồn quá độ nên đã ôm một đứa bé từ bên ngoài về. Đó cũng chẳng phải là bí mật gì, ta đã biết chuyện này từ rất lâu về trước.

Mặc dù mẹ ta không phải là con gái ruột nhà họ Lê nhưng bà ngoại vẫn luôn coi mẹ là ruột thịt, nuông chiều mẹ từ nhỏ đến lớn.

Cái ta muốn biết là người nảy sinh tình cảm với mẹ ta trong lời đồn rốt cuộc là vị biểu huynh đã bị đánh c h ế t kia hay là cậu hai của ta.

Tú Thanh khóc nức nở: "Lúc đó Ngô công tử tới phủ tìm nơi nương tựa, quả thực có đem lòng ái mộ với tiểu thư nhưng người thật sự quấy rầy không tha cho tiểu thư là nhị gia, ông ta quả thực là bị điên, ông ta nói muốn dẫn tiểu thư bỏ trốn, rời khỏi nhà họ Lê này."

"Tiểu thư vô cùng sợ hãi nên đã nói với lão gia, lão gia tức giận cực kỳ, sau khi đánh cho ông ta một trận nhừ tử thì đã lập tức định ra hôn sự cho ông ta. Mãi cho đến lúc ông ta thành hôn thì tiểu thư cũng được gả tới kinh thành."

"Nào có ai nghĩ tới ba năm sau nhị gia lại tới kinh thành làm ăn, thậm chí còn dẫn Ngô công tử theo rồi cùng vào nhà họ Thôi ở tạm."

"Chuyện sau đó cô cũng biết rồi, ta cũng không biết tiểu thư đi tới phòng nhỏ trong hậu viện để làm gì, lúc đó cô mới được mấy tháng, ta trông chừng cô ngủ trưa nên ngay cả việc tiểu thư đi ra lúc nào ta cũng không biết."

"Sau khi mọi chuyện xảy ra, vốn là tiểu thư định treo cổ tự vẫn nhưng nhị gia lại ôm cô đi mất, thế nào cũng phải ép nàng về Ung Châu, lúc ấy nàng đã chẳng còn cách nào khác nữa."

Những thứ Tú Thanh biết đến cũng chỉ có nhiêu đó mà thôi.

Nhưng chỉ nhiêu đó cũng đã đủ rồi.

Cậu hai Lê Bách Viễn của ta và mợ hai đã thành thân vài chục năm nhưng chưa từng có con cái. Giờ phút này chỉ cần dùng đầu óc ngẫm chút cũng biết, ông ta vốn đã chẳng thích mợ hai.

Sau khi ông ngoại c h ế t có lẽ ông ta vẫn còn ngóng trông muốn cùng mẹ ta bỏ trốn. Mẹ ta không chịu, chỉ một lòng muốn ở nhà họ Lê nuôi lớn, bảo vệ ta.

Đời này của bà ấy đã bị hủy hoại, bà ấy không muốn con gái mình cũng bị như thế.

Bà ấy là phận nữ nhi mềm yếu dễ bắt nạt.

Con gái ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng c h ế t thì theo con trai....Bà ấy cũng có con trai, a huynh Thôi Cẩm Trạch chỉ lớn hơn ta hai tuổi vẫn đang ở nơi kinh thành xa xôi.

Đến cuối cùng bà ấy vẫn vâng theo lời anh trai của mình, có lẽ cũng bởi vì đã bất đắc dĩ chẳng còn cách nào khác.

Không, bà ấy chỉ vì ta mà thôi.

Nếu chỉ còn một thân một mình thì bà ấy đã treo cổ tự vẫn từ lâu rồi.

Bà ấy hèn yếu nhát gan là thế, nhưng ở vị trí của một người mẹ, bà ấy lại thông suốt đến như vậy.

Năm đói kém mất mùa, vì mấy đấu gạo mà lại cắn răng đi theo cái loại tiểu nhân như Tiền Chương.

Thật đáng hận.

Nhưng mà mẹ ơi, mẹ không sai.

Là thế đạo này sai, lòng người này sai.

Mẹ không sai.

Sống thẹn với lòng, ắt sẽ có cao xanh chứng kiến.

Nếu trời xanh không thấy, vậy cứ để con làm ông trời của mẹ.

Năm mười lăm tuổi, Lam Quan dẫn ta lên núi tìm đám thổ phỉ kia, ta và bọn chúng thương lượng một vụ giao dịch.

Một tháng sau cậu cả và cậu hai của ta bị thổ phỉ cướp đoạt trên đường dẫn thương đội về Ung Châu.

Hành tung và đường về của bọn họ là do ta để lộ ra.

Không uổng công ta tới nhà họ Lê một chuyến, phải nghe mợ cả và biểu ca chửi bậy chửi bạ một phen.

Hai ông cậu kia là do ta tự tay g i ế t, nhất là Lê Bách Viễn.

Ông ta bị bịt mắt, nhốt ở trong trại thổ phỉ. Ta đứng trước mặt ông ta, bĩnh tĩnh đến độ mặt mày không gợn sóng, chẳng có biểu cảm gì.

Vải che bị giật xuống, ông ta nhìn thấy thanh kiếm trên tay ta.

Ông ta rất khiếp sợ nhưng cũng bình tĩnh rất nhanh, hỏi ta: "A Âm, con vẫn luôn không chịu nói cho ta biết, những năm đó con và mẹ con ở điền trang, mẹ con có từng nhắc đến ta không?"

"Cậu muốn biết sao?"

"Muốn!"

"Không, từ trước đến giờ đều không hề có."

Ta lẳng lặng nhìn ông ta: "Từ đầu đến cuối trong lòng mẹ ta đều chỉ có mình cha ta."

Vẻ mặt ông ta hiện lên chút kinh ngạc, sau đó nhỏ giọng bật cười: "Nhưng từ đầu đến cuối trong lòng ta cũng chỉ có mình em ấy mà thôi."

"Thế à? Nhưng phải làm sao đây cậu hai, mẹ ta cảm thấy ông vô cùng ghê tởm."

Ta giơ kiếm lên, khóe miệng ẩn chứa nụ cười như có như không: "Vậy cũng chỉ có thể dùng máu của ông rửa một chút."

Khi một người kề sát cửa tử, con ngươi của họ sẽ bởi vì sợ hãi mà bị phóng to ra.

Ta vẫn cứ nhớ mãi ánh mắt cuối cùng mà mẹ đã nhìn ta. Trong đôi mắt trừng to hết cỡ của mẹ là một cô nương có khuôn hung tàn, mặt mũi tràn đầy sát ý.

Hệt như giờ khắc này, hình bóng của ta ánh lên trong đôi mắt của cậu hai.

9

Thổ phỉ g i ế t người cướp của, tất cả người của thương đội nhà họ Lê không có một ai may mắn sống sót.

Quan phủ phụng mệnh bao vây tiễu trừ, mãi cho đến khi kết thúc thì sơn trại của thổ phỉ đã máu chảy thành sông.

Chuyện này ở năm đó đã oanh động toàn bộ châu huyện của Ung Châu.

Bởi vì người hạ lệnh cho Lý tri phủ ngay lập tức xuất binh diệt phỉ chính là em gái ruột thịt của Diêu quý phi.

Ta còn nhớ cảnh tượng ngày hôm đó, bọn họ đi dọc theo dấu vết ta lưu lại để lên núi, nội ứng ngoại hợp, huyết tẩy sơn trại.

Cũng đúng vào ngày hôm ấy, lần đầu tiên ta ý thức được thì ra Lam Quan - kẻ vẫn luôn uất ức tủi thân gọi ta là Âm Âm kia còn hung tàn ác liệt hơn nhiều so với tưởng tượng của ta.

Đứng trước thương đội của nhà họ Lê, hắn g i ết người diệt khẩu thuận tay hệt như đang g i ế t chó vậy.

Đôi mắt nhiễm đầy máu tươi, lông mi đen dài, nhìn trông vẫn sạch sẽ đơn thuần như xưa.

Có lẽ mấy năm nạn đói đó chắc hẳn hắn đã quen với việc nhìn thấy những cảnh tượng đẫm máu như thế ở trong trai thổ phỉ này.

Thậm chí sau này lúc ta phát bệnh, thời điểm ta phát cuồng mất khống chế, hắn còn tiện tay bắt một gã tá điền ở nông trường tới rồi đẩy qua cho ta g i ế t.

Cũng may là lý trí của Hòe Hoa vẫn còn tồn tại, kịp thời ngăn cản hắn.

Sau khi nhà họ Lê sụp đổ, ta bắt đầu bị bệnh.

Ngoài trừ hai cậu thì mợ cả và mợ hai cùng với biểu ca lớn hơn ta vài tuổi cũng đều đã c h ế t.

Không còn cách nào, ta muốn tất thảy sản nghiệp và mối làm ăn của nhà họ Lê, vậy nên bọn họ đều phải c h ế t.

Người động thủ là Lam Quan.

Hắn cột đám người đó vào một chiếc thuyền rồi sau đó vứt ra một mồi lửa.

Đối ngoại chỉ nói rằng là do thổ phỉ trả thù, diệt môn nhà họ Lê.

Thậm chí Diêu nhị cô nương còn ra mặt chất vấn Lý tri phủ rằng tại sao diệt phỉ nhưng vẫn còn để sót lại kẻ ác.

Mồ hôi lạnh trên trán Lý tri phủ rơi đầm đìa.

Bởi vì năm ấy trong kinh truyền tới tin tức Diêu quý phi đột ngột qua đời. Mà nhị cô nương đang ở Ung Châu xa xôi sẽ phải tiến cung thay thế tỷ tỷ phụng dưỡng anh rể là hoàng đế của mình.

Diêu Cảnh Niên biết rõ tất cả mọi chuyện của ta.

Nàng nhìn ta diệt cả nhà họ Lê, nuốt tất cả gia sản, nàng chỉ hỏi ta một câu: "Tiểu Bạch, em nói rằng nguyện học theo Phùng Huyên làm khách của Mạnh Thường Quân, tích cốc phòng cơ, nguyện ta có thể kê gối cao mà ngủ, bây giờ con giữ lời chứ?"

"Tất nhiên là giữ lời!"

"Được, hôm nay ta và em kết nghĩa kim lan, từ giờ trở đi em chính là nghĩa muội của Diêu Cảnh Niên này!"

Ngày tin tức Diêu quý phi qua đời được truyền đến, dường như Diêu Cảnh Niên đã lập tức thay đổi rất nhiều. Cặp mắt phượng vẫn luôn nheo lại kia trông vô cùng thâm trầm.

Nàng nói: "Cái c h ế t của a tỷ ta rất kỳ lạ."

Năm đó ở nông trang, ta và nàng cùng ngồi ở vùng ruộng đồng mênh mông, cả hai đều có những khúc mắc chưa thể giải quyết được.

Nàng nói: "Tiểu Bạch, em biết mấy chiêu kiếm thuật phòng thân của ta là do ai dạy sao?"

"Ai?"

"Tạ Tuyên của phủ Bình Viễn tướng quân, em hãy nhớ kỹ tên của hắn, bởi vì ta vốn nên phải gả cho hắn."

"Chỉ thiếu chút nữa thôi, ta và hắn là thanh mai trúc mã, cùng nhau lớn lên. Trước đây ta dự tính hồi kinh là bởi vì muốn nghị thân với hắn."

"Em nói xem, tại sao a tỷ của ta lại đột nhiên c h ế t như vậy cơ? Tại sao bọn họ lại muốn để cho ta tiến cung chứ?"

"Ta không muốn đi, ta muốn gả cho Tạ Tuyên! Hai chúng ta đã ước định, hắn cưới ta rồi sẽ dẫn ta đi tới biên giới phía Bắc, cùng ngắm nhìn khói mây nơi đại mạc, cùng ngắm nhìn hoàng hôn trên sông dài, cả đời này hắn sẽ chỉ có mình ta."

"Nhưng cha ta nói, thập tam hoàng tử mới bảy tuổi, nó là cháu trai của ta, nếu ta không tiến cung nuôi dưỡng nó thì nó rất khó có thể lớn lên."

"Tiểu Bạch, em biết không, hoàng thượng lớn hơn ta hai mươi tuổi, ông ta cũng gần già bằng cha ta rồi."

"Nhà họ Diêu chúng ta không huy hoàng như em nghĩ đâu."

Ánh mắt của Diêu Cảnh Niên nhìn về phía xa xăm, khóe miệng chứa ý cười: "Đây cũng là lý do ta nguyện ý giúp em, nếu như ta gả cho Tạ Tuyên, vậy đương nhiên ta sẽ kê gối cao ngủ mà chẳng cần lo lắng. Nhưng một khi ta đã vào cung, vậy cũng chỉ có thể nhìn xa trông rộng, thận trọng từng bước."

"Nhà họ Diêu có quyền thế nhưng sản nghiệp trên danh nghĩa lại không nhiều, cha ta là người đứng đầu của Lục bộ thượng thư, câu mà ông ấy hay nói nhất chính là cây to đón gió."

"Nhưng em nhìn xem, cơn gió này một khi đã tới thì không ai có thể ngăn nổi. Cho nên Tiểu Bạch à, từ giờ trở đi, em hãy vì ta mà tích cốc ở Ung Châu, sau này một khi ta đăng đỉnh thì ta chính là chỗ dựa lớn nhất của em." 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.