Mộng Cũ 1913 - Đợi Anh Năm 1913

Chương 43




Lan Quân:

Sáng sớm hôm nay anh phát hiện bên thái dương mình có sợi tóc bạc lơ thơ.

Đã bao nhiêu năm trôi qua kể từ lần đầu anh gặp em, bốn mươi năm nhỉ, đúng là đáng sợ đấy, nhoáng cái đã qua cả nửa thế kỷ rồi.

Giờ em vẫn khỏe chứ? Giờ anh đang làm huấn luyện viên ở trường quân sự Hoàng Phố, thế hệ thanh niên trai tráng tư thế oai hùng, hừng hực sức sống khiến anh chợt nghĩ về thời còn học ở trường sĩ quan, anh cũng giống họ vậy, trẻ trung và đầy nhiệt huyết.

Anh rất hài lòng với công việc hiện tại, anh nói rồi, vũ trang là nền tảng của cách mạng, nếu cách mạng dân chủ muốn thành công thì phải có lực lượng quân sự mà nó dày công bồi dưỡng. Anh sẵn lòng hiến dâng phần đời còn lại, vì nước nhà đào tạo ra thật nhiều nhân tài quân sự.

Càng làm anh vui hơn đó là, dường như anh đã tìm được đường đi đúng đắn, một con đường cách mạng dân chủ không coi nhẹ “dân”, mặc dù việc thực thi cụ thể vẫn còn đang trong quá trình thương thảo nhưng anh vẫn thấy được tia hy vọng…

Cố Linh Dục, viết ngày mười sáu tháng bảy năm Dân quốc thứ mười lăm.

- -----

Phó Lan Quân chậm rãi lật xem từng trang nhật ký đầy ắp là nét bút của Cố Linh Dục, mỗi một trang có thể coi là mỗi một bức thư hắn muốn gửi đến cô, hắn chẳng mong mỏi gì cao xa, rằng cô sẽ nhìn thấy những bức thư này, những bức thư mà cất giấu trong đó vô vàn bí mật đau thương trọn hai mươi năm đằng đẵng.

Nhật ký viết trang được trang không nên cũng không tính là quá nhiều, Phó Lan Quân lật đến trang cuối cùng, viết vào ngày ba tháng tư năm Dân quốc thứ mười sáu, trước lúc Cố Linh Dục mất tích.

Ngày ấy, đúng vào kỷ niệm ngày cưới của Cố Linh Dục và Phó Lan Quân.

Lan Quân:

Em có còn nhớ không, hai mươi ba năm trước, chính là ngày này, em đã ngồi lên kiệu hoa bước vào nhà anh.

Khi đó anh biết em dù cực kỳ không muốn nhưng cũng đành chịu hàng dưới sự sắp đặt của gia đình, đêm động phòng còn đấm đá ầm ĩ với anh một trận, rõ ràng người bị đánh là anh, thế mà trông gương mặt cau tít lại vì tủi thân của em kìa, như thể chính anh mới là kẻ xấu xa vừa bắt nạt cô dâu mới của mình.

Quả tình, đúng là anh đã bắt nạt em, chẳng thèm quan tâm em có bằng lòng hay không đã nhanh nhanh chóng chóng rước em về làm vợ. Khi đó tuổi anh còn trẻ, suy nghĩ còn nhiều non nớt, kiêu căng ngạo mạn, anh tự thấy mình nhất định có thể mang lại tình yêu cho em, nhưng cuối cùng vẫn là thất bại ê chề.

Năm mười lăm tuổi ấy, anh dẫn theo anh Vân Sơn khăn gói đến Thượng Hải mong được tìm tòi học hỏi thêm nhiều điều, ngồi lên chiếc tàu thủy hướng tới Thượng Hải, phóng xa tầm mắt dõi nhìn con sông Hoàng Phố mênh mông và cả đám người chen chúc như nêm trên bờ, nhìn thấy hàng hàng những tòa kiến trúc nguy nga đồ sộ, anh đã bày tỏ lý tưởng lớn lao của mình với anh Vân Sơn bằng một giọng sôi nổi: “Đời này của em phải thực hiện ba điều: một là cứu quốc cứu dân, hai là kiến công lập nghiệp, ba là sống như đóa hoa tươi thắm.”

Khi đó, anh thực sự cho rằng thế giới nằm ngay dưới chân mình, đại đạo thông thiên, phồn hoa như gấm, không có gì là anh không làm được.

Nhưng thất vọng nửa đời, cho tới bây giờ anh phát hiện mình đã thất bại triệt để, thua không còn mảnh giáp, ba chí nguyện to lớn mà trong đó một cái có lẽ sẽ chẳng bao giờ thực hiện được.

Mấy ngày trước anh về thăm thầy, không hiểu tại sao tự dưng lại nói chuyện này với thầy: “Nếu em đi trước thầy, thầy hãy khắc lên mộ bia của em rằng, người này chí lớn nhưng tài mọn, cả đời không làm nổi.”

Anh từng nản lòng thoái chí và nghĩ muốn từ bỏ thứ gọi là “đạo” ấp ủ trong lòng bấy lâu, mặc kệ thiên hạ, cùng em về quê ở ẩn, ngồi đầu giường nghe mưa đêm rả rích, sớm mai dậy ngắm hoa hạnh nở.

Thế nhưng thiên hạ không phải của mình anh, ngay cả em cũng thuộc về một người khác.

Thậm chí so với thiên hạ em càng khó có được hơn.

Lúc gặp lại em ở Jaipur, có một giọng nói cứ hoài vang lên trong đầu anh: Chính là cô ấy.

Anh nghĩ, chính là em. Anh cũng biết, lúc em nhìn thấy anh cũng không hẳn chỉ nghĩ đến cậu ấy. Nhưng khi đó anh quá tự cao, tin chắc vào câu nước chảy đá mòn, thành tâm thờ phụng ắt sẽ linh, anh vẫn nung nấu ý nghĩ muốn lay động trái tim em.

Giờ đây anh không thể không thừa nhận, anh thất bại rồi.

Hồi còn đi đánh trận, đêm xuống cắm trại nghỉ ngơi, các anh em rủ nhau ngồi bên đống lửa trại chuyện trò, chủ đề xoay quanh việc sau khi chiến tranh kết thúc thiên hạ thái bình thì mọi người sẽ đi về đâu.

Bọn họ đều nói, rằng phải về nhà, trong nhà còn vợ bồng con đang chờ, có cô em gái ở đầu thôn đang gom góp của hồi môn chờ người mình yêu đánh giặc trở về. Lần nào nghe anh cũng thấy lòng mình nặng nề chùng xuống, cảm giác hụt hẫng ăn mòn cả tâm trí. Ai ai cũng có nhà để về, còn anh thì sao? Mọi người đều chiến đấu vì gia đình của họ, còn anh chiến đấu vì điều gì đây?

Anh không có nỗi lo về sau, cũng không biết thế nào là niềm vui khi có cái cho mình lo toan suy nghĩ, chung quanh chỉ có mờ mịt bủa vây.

Nhưng đều đặn mỗi khi ánh hừng đông ló rạng, anh vẫn khoác lên mình bộ quân trang và bước chân ra chiến trường.

Cho dù đã không còn tình yêu, anh vẫn còn những việc mình phải làm. Em xem đi, trên đời này chẳng có ai không thể sống thiếu ai, chỉ là cuộc sống ấy có tốt hay không mà thôi. Em không yêu anh, cũng được, thế thì sau khi anh chết, ít nhất em có thể tiếp tục sống không vướng bận gì.

Gần đây chả hiểu tại sao anh hay nhớ tới những khoảnh khắc vụn vặt khi hai ta ở bên nhau, từng khoảnh khắc đều khiến anh bất giác mỉm cười hạnh phúc, và từng khoảnh khắc cũng khiến tinh thần anh hoang hoải rã rời.

Nhiều lần anh hoài nghi mỗi một khoảnh khắc đều là sai lầm, nếu không phải vậy thì tại sao chúng ta lại đi đến bước đường này?

Anh từng nghĩ, có phải mình rất vụng về, gặp lại em ở Jaipur, anh trông chẳng khác nào một thằng nhóc mới lớn ngốc nghếch, cố gắng thu hút sự chú ý của em bằng những lời lẽ mình tự cho là hài hước, dùng thái độ đối chọi ngông cuồng để em nhớ kỹ anh.

Anh cũng từng nghĩ, nếu anh không phải quân nhân, hẳn em sẽ không sợ hãi rồi xa lánh vì mùi máu tanh trên người anh.

Anh còn nghĩ, nếu anh chưa bao giờ tham gia vào chính trị quân sự, chỉ làm một thư sinh bình thường thôi, mỗi ngày cùng em đố sách rót trà, bàn thi từ ca phú rồi âm nhạc, có phải những việc khiến hôn nhân của chúng ta sụp đổ sẽ không có khả năng xảy ra hay không?

Nghĩ nhiều lắm, gần đây anh hay mơ thấy những giấc mộng toàn viễn cảnh ngọt ngào.

Mơ thấy mình được cùng em về quê ở trong một gian nhà tranh be bé, anh đào giếng trước cửa, em ngồi bên hồ sen đùa nghịch với đám vịt trời đạp nước.

Anh từng nghĩ, nếu có thể làm lại từ đầu, anh có thể buông bỏ tất thảy, nay đi cứu quốc cứu dân, mai đi kiến công lập nghiệp. Anh chỉ cần “như hoa mỹ quyến, tự thủy lưu niên”*.

*Người đẹp tựa hoa, xuân thì như nước.

Giấc mộng đẹp biết bao nhiêu, những tưởng tượng mỹ mãn đến nhường nào. Nhưng mỗi khi kết thúc đều sẽ chợt nghĩ, sự thực là em vốn không yêu anh.

Mấu chốt vấn đề ở chỗ, em vốn không yêu anh.

Vì thế tất cả phỏng toán ảo tưởng chớp mắt tan thành bọt nước, chỉ còn lại cảm giác mất mát lấp đầy lỗ hổng trống hoác của cõi lòng.

Mấy năm nay Nam chinh Bắc chiến, người anh đã hứng chịu không biết bao nhiêu là súng đạn, nhưng lực sát thương của chúng cũng chẳng bằng một câu, em không yêu anh.

Anh từng thử lấy thầy làm tấm gương để mình noi theo.

Thầy quả là một người hết sức tuyệt vời, em tin được không, mấy năm nay ông ấy không hề cô độc một mình như vẻ bề ngoài.

Người trong lòng ông, từ đầu chí cuối vẫn luôn sát cánh bên ông.

Thầy nói với anh, sống hoặc chết, với ông và người ấy không quan trọng tới vậy, thực tế thì nó cũng chẳng liên quan mấy đến hai người khi mà người ấy còn sống, khoảng cách một ngàn dặm hay khoảng cách giữa sự sống và cái chết, với họ mà nói, đều là giống nhau cả.

Chỉ cần trong tim có tình yêu, năng lượng của tình yêu giúp con người ta tạo được thế giới riêng của mình, đó là một vùng thế giới chủ quan, toàn bộ do mình làm chủ, mọi thứ sinh sôi bằng cách nương tựa lẫn nhau và cứu lấy nhau trong lúc hoạn nạn đều có thể hoàn thành trong tưởng tượng, hơn nữa loại cảm giác này rất chân thật, thầy thực sự hạnh phúc, ông cảm nhận được rằng người trong lòng mình chưa bao giờ rời đi.

Lần trước đến thăm thầy, anh hỏi thầy, rằng hôm qua các thầy làm gì thế. Thầy bảo với anh, hôm qua ông và người ấy ngồi dưới tàng cây đánh cờ cả ngày.

Thật thần kỳ đúng hay không, người ngoài nhìn vào, ông như một kẻ điên.

Quả thật là điên rồi, là điên, là thỏa hiệp, là hạnh phúc lớn nhất đạt được dưới những trói buộc bất đắc dĩ.

Anh dần dần hiểu ra, cái gọi là đời người viên mãn, chẳng qua cũng chỉ là tự lừa mình dối người, bởi lẽ đã quá bất lực.

Anh từng nếm thử cảm giác đó, vẽ ra trong đầu bao cảnh anh và em ở bên nhau, nhưng cuối cùng là thất bại. Có được thành công là do thầy biết rõ người ấy cũng yêu mình, mà anh lại tỏ tường một điều, em không yêu anh. Bốn chữ “em không yêu anh” đó khắc sâu trong tâm trí anh, không cách nào quên được.

Cả đời này của anh gắn liền với thất bại, Dân quốc ba năm không đợi được một trận mưa, cả đời này của ta cũng chẳng đợi được một tiếng yêu của người.

Cố Linh Dục, viết ngày ba tháng tư năm Dân quốc thứ mười sáu.

- -----

Cuốn nhật ký rơi xuống đất, gió bắt đầu nổi, những trang giấy ngả vàng bị gió thổi tung.

Gió mát đâu biết chữ, lật trang sách làm chi?

Nếu đã không thấu hiểu, còn gặp gỡ làm gì?

- -----

[Vĩ thanh]

Năm 1931 Phó Lan Quân trở lại Anh.

Cô bôn ba khắp Trung Quốc suốt hai năm tìm Cố Linh Dục nhưng không có kết quả. Mùa thu năm 1931, quân Nhật xâm chiếm Đông Bắc, biến cố “Ngày 18 tháng 9” bùng nổ, dưới sự thúc giục của Đồng Sĩ Hồng cô quay về nước Anh, Đồng Sĩ Hồng đã đồng ý một khi có tin tức của Cố Linh Dục thì sẽ lập tức báo cho cô biết.

“Sở dĩ cậu ấy sắp xếp cho các cô xuất ngoại chính vì sợ biến động bất ngờ trong nước ảnh hưởng tới các cô, cô mau về Anh đi, nói không chừng một ngày nào đó mở cửa ra thì cậu ấy đã đứng bên ngoài mỉm cười dang tay với cô rồi đấy.”

Phó Lan Quân khẩn thiết xin nhờ Đồng Sĩ Hồng: “Nếu thầy có gặp được anh ấy, xin hãy nói với anh, tôi yêu anh, tôi sẽ ở Jaipur đợi anh.”

Rời khỏi Đồng gia, Phó Lan Quân quay đầu nhìn thoáng qua hình ảnh Đồng Sĩ Hồng khom lưng ngồi dưới tàng cây xòe rộng chăm chú đánh cờ, chỗ ngồi đối diện ông trống không, rồi lại giống như đã được lấp đầy.

Về đến Anh, hôn lễ của Tuyết Nhi và bạn gái cậu kết thúc, Phó Lan Quân dẫn theo Đào Chi sang Jaipur Ấn Độ chờ Cố Linh Dục.

Cô không còn nghe thêm bất cứ tin tức nào về hắn nữa.

Năm 1939, Đồng Sĩ Hồng qua đời, ông tốt nghiệp từ học viện hàng hải, là vị danh tướng đã từng trải qua những thay đổi vào cuối thời nhà Thanh và đầu Trung Hoa Dân Quốc. Sau khi giết chết gã lính Nhật giở trò lăng nhục với một người phụ nữ bằng bội kiếm luôn mang bên người, ông qua đời tại nhà vì bệnh, hưởng thọ bảy mươi tuổi.

Đồng Sĩ Hồng tạ thế, việc tìm kiếm Cố Linh Dục giao phó cho Dương thư sinh, nhưng năm năm sau khi Đồng Sĩ Hồng mất, Dương thư sinh chết trận nơi sa trường.

Nghe tin Dương thư sinh vì đất nước hy sinh thân mình, Phó Lan Quân không màng chiến hỏa chạy về Trung Quốc vài lần, nhưng kết quả lần nào cũng uổng công vô ích.

Sau đó, Trung Cộng mà Cố Linh Dục viết trong nhật ký là niềm hy vọng đã giành được thắng lợi trong cuộc nội chiến và trở thành đảng cầm quyền, thành lập một Trung Quốc hoàn toàn mới.

Sau đó nữa, vì nguyên nhân này nên Phó Lan Quân đã mất hết liên lạc với bạn bè thân thích trong nước.

Ai nào ngờ lần cách biết này kéo dài những ba mươi năm.

Ba mươi năm ấy, cô nghĩ đủ mọi cách để tìm Cố Linh Dục. Cô từng nghĩ, có lẽ Cố Linh Dục đã đi Đài Loan, nghe nói có tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan giúp đỡ các cựu chiến binh tìm lại người thân của họ, thế là cô chạy đến Đài Loan nhờ người giúp cô tìm Cố Linh Dục. Khi người ta hỏi muốn xem ảnh của Cố Linh Dục, bấy giờ Phó Lan Quân mới nhận ra, ngay cả một tấm ảnh của hắn cô cũng chẳng có.

Cô đành phải tìm người vẽ chân dung rồi miêu tả cho người ta phác họa lại diện mạo của hắn. Trong trí nhớ của cô, Cố Linh Dục thời còn trẻ là chàng thanh niên có gương mặt trái xoan hệt quả trứng ngỗng, khuôn cằm đầy đặn, mi dài mắt sáng, khóe miệng hơi nhếch lên, đằng trên lông mày phía bên phải có một nốt ruồi be bé, rất đen, đen như đôi con ngươi sâu không thấy đáy của hắn vậy… Cô muốn được gặp lại gương mặt này, muốn in một nụ hôn thật nồng nàn lên đó, vậy nhưng thậm chí đến một bức ảnh của hắn cô cũng chẳng có.

Cô còn mua một mảnh đất ở Jaipur để trồng hoa hồng, rồi tạo ra tinh dầu hoa hồng và bán đi khắp các nơi trên thế giới, dưới đáy lọ có khắc dòng chữ nhỏ: Đợi anh năm 1913.

Từ khi nào đã nghĩ về điều đó? Chắc là vào một buổi sớm tinh mơ, cô đột nhiên phát hiện, cây trâm đính hoa hồng vàng Cố Linh Dục cài lên vạt áo cô lúc trước khi chia tay thực ra không phải món quà Nam Gia Mộc tặng.

Hắn làm lại đóa hoa hồng mới, lấy danh nghĩa Nam Gia Mộc cài lên áo Phó Lan Quân, để đóa hoa hồng ấy bầu bạn bên cô cả đời, và có thể cả đời cô sẽ chẳng bao giờ nhận ra, hắn đã dùng cách âm thầm như thế để được đi cùng cô nốt chặng đường cuối.

- -----

Ba mươi năm trôi qua, rốt cuộc Phó Lan Quân cũng được về lại Trung Quốc. Với những chấp nhất của bà, người trong nhà thấy hơi khó hiểu. Cố Linh Dục sinh năm 1886, bây giờ chắc cũng hơn chín mươi rồi, đặt giả thiết nếu hắn không bỏ mạng trong chiến tranh loạn lạc, sống được đến tuổi này thì đúng là hiếm đấy?

Huống chi Phó Lan Quân cũng không còn trẻ trung gì nữa, xương cốt người già đụng cái là hỏng, ngộ nhỡ xảy ra chuyện trên máy bay thì làm sao bây giờ?

Bất luận kẻ khác phản đối thế nào, Phó Lan Quân vẫn một mực đòi về nước.

Bà đã thay đổi, thành Ninh An đã thay đổi, tất cả đã thay da đổi thịt, giai nhân già rồi, thành cũng già rồi, trước mắt là thế giới mới, mà bà lại chỉ nhìn được đầy rẫy những đau thương, năm tháng thuộc về bà và hắn giờ đây đã là của dĩ vãng.

Biệt thự Cố gia hiện tại đã được chính quyền tiếp quản, tư liệu lịch sử ghi chủ nhân cuối cùng của ngôi nhà này là một người phụ nữ họ Trình, bà ta sống lủi thủi một mình, tính tình cổ quái, đêm trước thắng lợi cuộc kháng chiến 1945 có người phát hiện bà ta chết trong phòng, thi thể đông cứng lạnh ngắt, nghe nói trước khi chết bà ta bị điên.

Núi Phượng Minh lột xác hoàn toàn, am Bạch Lộc và thư viện Thanh Nhai đã chôn vùi trong chiến hỏa, biệt viện từng là nơi nghỉ ngơi cho các thương binh, bốn bức tường khảm đầy những mảnh gương rực rỡ sắc màu của cung điện kính đã bị người ta dỡ xuống hết, chỉ còn là một đống hoang tàn.

Mà Cố Linh Dục… Ninh An đổi mới địa chí, tên Cố Linh Dục cũng được đưa vào đó, nhưng đánh giá về hắn chẳng tốt lành gì cho cam.

Hắn ở Ninh An đợi cho tới năm 1913, và sau đó không còn thấy xuất hiện ở Ninh An nữa, ký ức của người dân Ninh An về hắn dừng lại tại năm 1913. Năm ấy, hắn vẫn bị coi là đầu cơ cách mạng của đảng Viên, dân Ninh An không biết chuyện về sau hắn tham gia hộ quốc hộ pháp, làm huấn luyện viên gia nhập đảng cộng sản, mà họ chỉ biết trước năm 1913 trong tay hắn dính đầy máu tươi của cách mạng đảng.

Trong cuốn địa chí, hắn là ác nhân, hắn là nịnh thần.

Phó Lan Quân tìm đến bộ biên tập muốn sửa án xử sai cho hắn, nhưng đối phương yêu cầu bà giao chứng cứ, Phó Lan Quân đưa nhật ký của Cố Linh Dục ra, biên tập viên nhìn bà cười khổ: “Lão phu nhân làm khó chúng tôi rồi, nhật ký của đương sự đâu dám chắc là đúng?”

Nhưng bà biết giao cái gì nữa đây? Mấy mươi năm giang sơn tan hoang nước nhà hỗn độn, vô số người chìm ngập trong con sông dài của lịch sử, bà phải đi đâu để tìm chứng cứ?

Bà không tìm thấy hắn, cũng không tìm được cách trả lại trong sạch cho hắn, lúc còn sống bà đã phụ lòng hắn, ngày sau hắn còn bị thế nhân hiểu lầm.

Không, hình như bà đã thấy được tiểu viện chốn thôn quê non nước ấy rồi! Tựa như câu nói khờ dại của bà năm đó.

Là ai, là ai xây nên tiểu viện này, mở cửa bước vào, có hay chăng còn được ngắm nhìn nụ cười hắn bình yên hạnh phúc.

Nam Vi khẽ gõ lên cánh cửa.

Qua hồi lâu cuối cùng cửa cũng mở, có người ló đầu ra và nói bằng chất giọng Ninh An đặc sệt: “Các người tìm ai?”

Là một cô gái trẻ, đôi mắt Phó Lan Quân thoáng ảm đạm, Nam Vi nói với cô gái kia: “Chúng tôi đi đang dạo loanh quanh đây, thấy kiến trúc của tiểu viện này vừa đẹp vừa độc đáo nên định bụng vào hỏi thăm.”

Cô gái cũng rất niềm nở mở cửa dẫn họ vào rồi liến thoắng giới thiệu: “Đẹp lạ chỗ nào chứ, trông quê mùa thế còn gì, nhiều lần tôi muốn đập đi xây lại nhưng cha không cho phép, bảo đây là nơi do ông nội xây, dựng một trăm năm đợi một người…”

Cửa nhà chính bị đẩy ra, một khung ảnh lớn treo ngay giữa bức tường, nhịp tim Phó Lan Quân bỗng như đình trệ.

Là ai, người ở giữa tấm ảnh đã hoen cũ màu thời gian? Là ai, thiếu niên thuở ngây ngô bồng bột, là ai, kìa mi dài mắt sáng?

Cô gái thấy Phó Lan Quân cứ nhìn đăm đăm vào khung ảnh bèn vội tháo xuống, lấy tấm ảnh bên trong ra cho bà xem: “Bà biết người này ư? Đây là người mà ngôi nhà này đang đợi đấy.”

Môi Phó Lan Quân run run không thốt nên lời, Nam Vi nói hộ bà: “Xin hỏi tiểu thư họ gì?”

Cô gái đáp: “Tôi họ Tề.”

Cô ấy họ Tề.

Là con cháu của Tề Vân Sơn, cô ấy chính là con cháu của Tề Vân Sơn!

Tề Vân Sơn không hề chết trong lao, năm đó Phó Vinh nóng lòng diệt trừ nhược điểm là Tề Vân Sơn, đồng thời tạo cơ hội cho Cố Linh Dục, hắn đã lén làm một cuộc giao dịch với ngục tốt. Thi thể tội phạm được trình báo khi ấy vốn không phải của Tề Vân Sơn, chẳng qua là thay thế bằng một xác chết đã bị hủy dung có dáng người tương tự mà thôi. Tuần phủ không có ở đó, nha môn sợ phải chịu trách nhiệm nên đã gấp gáp vạch trần sự việc, nhưng lại không để lòi đuôi. Sau đó Diệp Tế Châu lợi dụng việc này đạp đổ Phó Vinh, Diệp Tế Châu vẫn chưa phát giác Tề Vân Sơn là Tề Vân Sơn giả, thế rồi ngục tốt vui vẻ giấu nhẹm chuyện đi và không trình báo lên trên.

Cứ thế, Tề Vân Sơn được Cố Linh Dục bí mật cứu ra ngoài, anh ấy rời Ninh An đến vùng Vân Nam Quý Châu. Anh ấy từng theo bọn cướp đường, sau lại được quân phiệt địa phương chiêu hàng trở thành một trong những thành viên của quân cách mạng. Lúc quân hộ quốc đánh Quý Châu, anh ấy tình cờ gặp lại Cố Linh Dục…

Cách mạng thắng lợi, Tề Vân Sơn trở lại Ninh An xây nên tòa tiểu viện này rồi dặn đàn con cháu rằng, phải giữ gìn tiểu viện sừng sững một trăm năm, đợi A Tú của anh ấy về nhà.

Bởi vì rất lâu về trước A Tú có nói với anh ấy rằng: “Em muốn có một tòa tiểu viện mà đối diện có con nước nhỏ, cùng với Lan Quân sống một cuộc sống bình thường êm ả, tối nghe tiếng mưa rơi, bình mình lên ngắm hoa hạnh, vô lo vô nghĩ.”

Là người sinh ra và lớn lên tại Ninh An, Như Thanh Giang đã đến núi Phượng Minh không biết bao nhiêu lần, còn rủ rê mấy đứa đồng bọn của mình đi gỡ hết mấy mảnh gương óng ánh trong biệt viện trên núi. Nhưng biệt viện trước mắt này thì hoàn toàn khác xa so với trí nhớ của anh ta.

Biệt viện hình như vừa được tu sửa lại, mời anh ta tới đây hôm nay là chủ nhân mới của biệt viện, Nam tiểu thư Hoa kiều Ấn Độ và bà ngoại của cô ấy. Họ đã ở Ninh An được nửa năm rồi, cứ đều đặn dăm ba bữa là Nam tiểu thư sẽ chạy đến chính phủ một lần chỉ để nhờ xin sửa lại những ghi chép về Cố Linh Dục.

Như Thanh Giang đẩy cửa bước vào, đập ngay vào mắt là một cây hoa mai trồng chưa lâu, chắc nửa năm là cùng. Cành cây khẳng khiu trơ trọi nhìn chẳng có tí thẩm mỹ nào, Phó lão phu nhân ngồi thẫn thờ cạnh gốc mai, bà ngồi trên xe lăn, đùi đắp tấm chăn vàng kim, dáng vẻ già cỗi khắc khổ của bà lão bất giác khiến người khác chua xót vô hạn.

Cửa thư phòng vang tiếng “kẽo kẹt”, Nam tiểu thư đứng ở ngưỡng cửa nhìn anh ta: “Mời Như tiên sinh vào nhà.”

Anh ta đi vào thư phòng, cẩn trọng quan sát bốn bề mới ngồi xuống, Nam tiểu thư ngồi phía đối diện nhẹ nhàng cất tiếng: “Hôm nay mời ngài đến đây mục đích là muốn kể với ngài một câu chuyện. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1904 ở Jaipur Ấn Độ…”

Jaipur Ấn Độ năm 1904, tiểu thư quý tộc Phó Lan Quân mười bảy tuổi gặp được chồng tương lai của mình, chính là Cố Linh Dục khi ấy hai mươi tuổi phóng khoáng khôi ngô mới tốt nghiệp trường quân sự…

Chuyện kể xong cũng là lúc hoàng hôn sắp sửa buông xuống, ráng mây tía nơi chân trời đang ra sức tỏa hết những tia sáng chói lọi cuối cùng.

Như Thanh Giang đứng dậy tạm biệt Nam tiểu thư, đi tới cửa anh ta xoay người lại: “Nam tiểu thư, tôi không có quyền hạn ghi chép vào sách sử những điều không có căn cứ rõ ràng, nhưng tôi có thể chọn không ghi về người này…”

Đẩy cửa ra khỏi thư phòng, anh ta khẽ thở phào một hơi nhẹ nhõm.

Phó Lan Quân còn đang ngơ ngác, Như Thanh Giang rảo bước qua chào bà: “Lão phu nhân, bà nhìn gì thế?”

Phó Lan Quân thất thần nhìn áng mây ngũ sắc, giọng bà rất nhẹ nhưng rành mạch lạ thường, bà nói: “Cậu nói xem, hôm nay trời có mưa không?”

Như Thanh Giang lặng lẽ rời khỏi tiểu viện, đóng chặt cửa sài.

Khoảnh khắc anh ta vừa quay người, bầu trời bỗng trút xuống một trận mưa to.

HOÀN CHÍNH VĂN

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.