Mộ Vân Thâm

Chương 14




“Nghe nói Việt đại nhân là người thiện rượu, hôm nay tại hạ mang tới, Việt đại nhân thưởng thức xem có vừa miệng không.”

Việt Lâm Xuyên chìa tay nhận lấy chiếc chén, nhìn thứ màu huyền ảo hợp tan trong chén, nói: “Hi Tuyệt Thiên Hạ uống một ngụm lại thèm một ngụm này mà không dùng chén dạ quang để đựng, thật đáng tiếc.”

Người đối diện đang chăm chú ngắm ráng mây đỏ như gấm lưu ly đằng trời Tây, nghe hắn nói thế, quay đầu lại đáp: “Là tại hạ sơ sót, Việt đại nhân thứ lỗi.” Đôi mắt ấy phản chiếu lại ráng chiều màu quả quýt, loang loáng một vẻ ma mị.

Việt Lâm Xuyên thầm thở dài, từ nhỏ đã phải nhìn thẳng vào đôi mắt ấy, nếu Tam điện hạ có thể ngồi yên không loạn thì sớm đã thăng tiên rồi, còn mong mỏi làm hoàng đế cái gì chứ.

“Hôm nay phủ Tam điện hạ vui mừng náo nhiệt, Mạch đại nhân không tới góp vui sao?”

“Người Tam điện hạ lấy chính là muội muội của tại hạ, bên nhà gái chỉ có nữ quyến mới được tham gia hỉ yến, tại hạ cũng không muốn phá quy củ.”

“Mạch đại nhân ngàn tính vạn tính, vậy mà lại tính sót mất muội muội nhà mình.”

Mạch Sở Địch khẽ cười gật đầu, “Chuyện thiên hạ đúng là không thể gạt được tuệ nhãn của Việt đại nhân, tại hạ cũng có kế để sửa chữa, thành sự hay không nhờ cả vào tấm lòng hào phóng của Việt đại nhân.”

Việt Lâm Xuyên đặt chén rượu lên môi khẽ nhấp một ngụm, “Mạch đại nhân muốn mượn hạ quan vật gì?”

Mạch Sở Địch nâng hũ rót đầy vào chén rượu của hắn, “Lần trước Việt đại nhân đề cử người kia với tại hạ, tại hạ quả thật muốn mượn dùng một lát.”

Việt Lâm Xuyên cầm chén rượu, một ngụm lại một ngụm nhấp rượu, cười khẽ, “Vì vài hớp rượu này mà phải cho mượn những hai mạng người, hạ quan thấy dường như không đáng.”

“Có mượn tất nhiên có trả. Thứ nhất, tại hạ không hề sốt ruột, cái tính mạng nhỏ kia có thể giữ lại bên cạnh đại nhân; thứ hai, cái tính mạng lớn kia cũng có thể toàn thân trở ra, sau này xong việc, tại hạ sẽ tặng cho nàng một đại lễ.”

“Bây giờ nàng ra mặt, chắc chắn sẽ bị phán tội chết, Mạch đại nhân sao lại bảo nàng toàn thân trở ra được?”

“Tạm điện hạ lần này tới Thục Châu, vốn vì gỡ gạc nạn châu chấu và hạn hán ở đó, Việt đại nhân có biết không?”

Việt Lâm Xuyên nghe vậy mỉm cười, “Tâm cơ Mạch đại nhân quan tuyệt triều dã*, hạ quan hôm nay lĩnh giáo, bội phục vô cùng.”

(Quan tuyệt triều dã: đứng đầu triều đình.)

Mạch Sở Địch chỉ cười: “Việt đại nhân khen lầm rồi, không biết đại nhân có bằng lòng giúp đỡ?”

“Mạch đại nhân mở miệng xin giúp, trăm năm khó gặp, nếu hạ quan không nhân cơ hội này bắt bí một chút, sau này nằm mơ cũng sẽ hối hận, thổ huyết luôn đó.”

Mạch Sở Địch vẫn cười nhạt, “Chỉ cần là việc đại nhân muốn, tại hạ nhất định có thể cho. Đại nhân cứ nói thẳng.”

Việt Lâm Xuyên đưa mặt kề sát lại, nhìn chằm chằm vào con ngươi y: “Thứ hạ quan thật sự muốn, đại nhân nhất định không chịu cho… Thôi thì xin mong muốn thứ hai vậy, hạ quan xin đại nhân hai bức viết.”

Mạch Sở Địch nhìn vào đôi mắt hắn liền biết nửa câu đầu hắn nói đùa, song y vẫn tiếp lời: “Tại hạ có là gì đâu. Giấy Tuyên mực tùng viết linh tinh thôi mà lừa được phân ngưỡng mộ này của đại nhân, đúng thực là vinh hạnh của tại hạ.”

“Chữ đại nhân viết linh tinh thôi mà những kẻ phàm trần này giành được chẳng mấy dễ dàng. Bình thường ngoài chép bia đề chỉ ý của Hoàng thượng, một năm viết mấy lần tế văn chúc tụng ra thì không có lấy nửa nét truyền đời, hạ quan nghe có người trả giá trên trời chỉ để xin hạ nhân trong phủ ngài mấy tờ giấy rách giấy bỏ ngài luyện tay hàng ngày, ấy vậy mà cũng chẳng biết họ được quản giáo thế nào, chẳng có lấy nửa phần động tâm. Chữ đại nhân quý giá nhường ấy, Lục sư phụ của ta thì lại luôn phong nhã, nếu hạ quan tặng người mấy bức viết của ngài nhất định người sẽ vui vẻ, huống chi…”

Việt Lâm Xuyên nói xong kề sát Mạch Sở Địch, khóe miệng nhếch khẽ, hai mắt nheo lại: “Xem dáng đại nhân, chắc hẳn ngày tháng cũng chẳng còn dài nữa, sau này đại nhân qua đời, chữ ngài nhất định là trân phẩm hiếm có, hạ quan cũng muốn cầm một bức làm vốn.”

Trong lòng Mạch Sở Địch chẳng có chút tức giận, nghe hắn nói thẳng bốn chữ “ngày tháng chẳng dài” thấy thật thú vị, mỉm cười bảo: “Đúng như đại nhân nói, đó cũng là may mắn của tại hạ. Thê tử chưa bao giờ đề cập với tại hạ, tại hạ cũng không biết cữu huynh đại nhân* lại vừa mắt mấy con chữ của mình, nếu viết cho nhị vị đại nhân, tại hạ nhất định nỗ lực đạt thành. Chỉ là không biết Việt đại nhân muốn tại hạ viết chữ gì đây?”

(Cữu huynh đại nhân: anh vợ. Lục Diệu Am là anh trai Lục Li – Lục thị phu nhân, phu nhân của Mạch Sở Địch.)

Việt Lâm Xuyên vốn không ngờ xin chữ còn có thể yêu cầu nội dung, nhíu mi nghĩ ngợi giây lát, nói: “Hai bức một là ‘Lục y’, một là ‘Hoàng điểu’.”

Mạch Sở Địch khẽ nhíu mày, “Bài từ tưởng nhớ người khuất rất không may mắn, Việt đại nhân quả thật… đặc biệt.”

Việt Lâm Xuyên cất giọng cười to: “Hai bài thơ này có nguồn gốc sâu xa với hạ quan, người ta xem là điềm xấu, nhưng với tại hạ nó là may mắn. Hôm nay hạ quan kính Mạch đại nhân một chén trước, chứ sau này treo xong chữ, lấy tính cách cổ hủ của Lục sư phụ nhà ta thể nào chẳng khăng khăng mang rượu sang cảm ơn.”

Mạch Sở Địch nói: “Trúc Diệp Thanh tính lạnh, cơ thể tại hạ chỉ uống được Hoa Điêu thôi, Việt đại nhân thứ lỗi.”

Nụ cười bên môi Việt Lâm Xuyên càng sâu, “Nếu hạ quan gọi Trạng Nguyên Hồng thì đại nhân có nể mặt mà uống mấy ngụm không? Hôm nay đại nhân không muốn uống rượu, hạ quan hiểu nên không làm khó đâu.”

(Rượu Thiệu Hưng nấu cho khi sinh con trai thì gọi là Trạng Nguyên Hồng, cho con gái thì gọi là Nữ Nhi Hồng, mà Nữ Nhi Hồng sẽ mở nắp ngày con gái gả đi, cà khịa chuyện Như Hồng gả cho Dục Sơ.)

Hai kẻ khôn ngoan cùng chung bàn, Mạch Sở Địch thấy Việt Lâm Xuyên thẳng thắn cũng vui lòng nói với hắn hai lời thật tâm: “Nếu đổi lại là người khác, mấy câu đó của Việt hiền đệ đủ làm người ta tức chết.”

“Nếu không biết chắc là chẳng tức chết được Mạch huynh, tiểu đệ nào có dám lỗ mãng. Đừng nói đến tức chết người, lời ấy vốn chỉ có một chút đùa cợt, không kẻo sau này thiên hạ đổi dời, đầu của tiểu đệ lại chuyển nhà đi mất.”

Mạch Sở Địch cười khẽ, “Người ta bảo Việt hiền đệ miệng lưỡi sắc sảo, nói năng chả nể nang ai, không biết Việt hiền đệ có hiểu những lời ấy nên nói với ai không.”

“Người nói thì hiểu nhưng người nghe hiểu được nữa mới hay.” Việt Lâm Xuyên vừa nói vừa nhếch miệng, “Đêm nay Tam điện hạ chung gối với Mạch tiểu thư, Mạch huynh chắc chẳng ngủ yên được, tiểu đệ tiến cử mấy cô đẹp nức kinh thành đến đây yên gối cho Mạch huynh được chứ?”

Từng câu lọt vào tai, Mạch Sở Địch quả có hơi bực mình, chỉ cười nhẹ: “Tại hạ nghe nói mấy tháng nay Việt hiền đệ cáo biệt thanh lâu, phụ lòng hoa khôi, mà cô nàng ấy nghe đâu là hoa khôi đứng nhất kinh thành, có lẽ hiền đệ không biết.”

Việt Lâm Xuyên cười to, tay chống trán nhìn Mạch Sở Địch: “Dù sao cũng từng khiến y mất hứng, những chuyện có thể sửa đều sẽ sửa… Ta nói này Mạch huynh, câu ‘sinh niên khổ đoản’* Mạch huynh nhất định hiểu rõ hơn ta, cớ gì cứ khăng khăng cố chấp để cả mình cả người phải chịu tội, hà tất phải khổ thế?”

(‘Sinh niên khổ đoản’ của tác giả cũng giống như ‘nhân sinh khổ đoản’, cuộc đời ngắn ngủi, sống sao cho mình vui là được.)

“Tùy tâm sở dục, chung quy cũng phải xem thời xem thế, Việt hiền đệ bây giờ đường hoàng tùy ý như vậy, chút nữa về nhà có trung thực nề nếp như vậy không? Nếu tại hạ không xét thời thế mà chịu đựng, Việt hiền đệ có vừa lòng ở đây nói chuyện với tại hạ như bây giờ không?”

Xét thời thế mà chịu đựng… Việt Lâm Xuyên nhìn nam tử nhợt nhạt gầy yếu trước mắt, chỉ sợ huynh chẳng đợi được đến ngày mình không chịu đựng nổi nữa. Nhưng lời ấy, Việt Lâm Xuyên không nói mà chỉ đáp: “Có thể cùng nhau nói chuyện thoải mái như vậy, thế gian khó cầu, nếu Mạch huynh cũng thấy thế, sau này ta làm bằng hữu tốt được chứ?”

Mạch Sở Địch nghe thế mỉm cười, nhấc ấm bạch ngọc rót đầy chén mình, “Chắc rằng Việt hiền đệ không giận, nhưng hôm nay vi huynh không thể không uống với đệ một chén.” Nói xong đẩy chén về phía trước, chắc giọng ngâm, “Giải hậu thưởng tâm nhân, dữ ngã khuynh hoài bão’*, tam sinh hữu hạnh.”

(Trích từ bài “Tương phùng hành” của Tạ Linh Vận. Nôm na nghĩa như này: Tình cờ gặp lại tán thưởng lòng nhau, vậy hãy cùng ta giãi bày hoài bão.

Còn ‘tam sinh hữu hạnh’ là may mắn ba đời, ý là khen ngợi tình bạn giữa đôi bên thật hiếm có, may mắn lắm mới gặp được nhau.)

Đông qua xuân tới, Thục trung đại nạn, lúa mì chết sạch. Mấy ngày đầu hạ mưa phùn rả rích, vào giữa hè lại chẳng có lấy một hạt mưa. Châu chấu hoành hành, những nơi đi qua cỏ cây trơ trụi, mạ giống tang tóc, đá phơi trắng hếu ngọn đồi, đất đỏ nứt ngang đồng trống, thắng địa danh lam ngày nào mà nay ngập trong tai ương thê thảm.

Thục Châu thừa Khương Ích liền gửi đi bốn thớt ngựa khỏe về triều đình cấp báo, ngay sau ngày thành thân, Dục Sơ lập tức nhận lệnh rời kinh, chỉ huy quan viên Hộ bộ ngày đêm tốc hành đến Cẩm Quan thành. Vào đến cảnh nội Thục Châu, từ trên thuyền đến yên ngựa, dọc đường đi nạn dân đầy rẫy, áo quần tả tơi mặt mũi tiều tụy, trong mắt họ chẳng có lấy một chút ánh sáng, dường như chỉ đợi cái chết đến với mình.

Khi nhìn về những sai nha áo gấm ngựa khỏe bọn hắn thì lại trở nên điên cuồng. Trên đường, Dục Sơ kinh hãi không thôi, ngựa không dừng vó chạy thẳng vào Cẩm Quan thành, thấy nhà nhà khóa cửa chặt, nạn dân chết đói nằm la liệt khắp đất, dân lao động toàn thành đã bỏ đi hết, thời tiết ngày càng nóng nực, ruồi muỗi bay loạn, mùi thối ngập trời. Thục Châu thừa Khương Ích chưa nhận được ý chỉ, nay nghe tin khâm sai tới liền lộn xộn rời phủ nghênh đón, thấy người ngồi trên ngựa y phục vàng rực, nhất thời không biết xưng hô thế nào, chỉ quỳ xuống đất dập đầu.

“Không nhớ sao? Ta là Tam hoàng tử Dục Sơ, khi ngươi nhậm chức ta cũng ở trong điện.”

Khi Khương Ích nhậm chức gã hết sức lo lắng, nào dám nhìn mặt ngang mũi dọc những người còn lại trong điện, bây giờ nghe Tam hoàng tử lại nhớ rõ mình, lời lẽ thì giá buốt, mồ hôi lạnh liền tuôn ra liên tục, không dám đáp lại nửa câu.

“Long ân thiên tử, trao cho ngươi chức cao vọng trọng nơi biên ải này là để ngươi ăn không ngồi rồi như vậy sao?”

“Hồi bẩm điện hạ… Hạn hán, châu chấu là thiên tai trời giáng, vi thần…”

Dục Sơ xoay người xuống ngựa, vừa bước về phía đại môn Châu phủ vừa nói: “Châu khố có bạc, thương khố có gạo, dân sinh đã suy bại đến nông nỗi này, sao ngươi chưa từng mở kho phát chẩn?”

“Kho lương là việc lớn, không có lệnh thiên tử, vi thần không dám tự ý quyết định…”

“Những nhà giàu trong thành vẫn còn lương thực, sao không khuyến phú tế bần?”

(Khuyến phú tế bần: khuyến khích nhà giàu giúp người nghèo.)

“Nước ta không có luật về việc này… Nếu nhà giàu không muốn, vi thần… cũng đâu thể cướp…”

Dục Sơ đã bước đến giữa sân, lúc này liền quay lại nhìn gã, nói: “Nhìn mặt ngươi cũng đâu có vẻ gì là xanh xao, có lẽ phủ nha vẫn còn thóc gạo, nếu nhà giàu không chịu giúp, ngươi là phụ mẫu của dân, trấn thủ một phương, tại sao không chịu xuất ra chút lương thực?”

Khương Ích vốn đứng dậy đuổi theo, nghe xong lại cuống cuồng quỳ sụp xuống: “Lương thực tồn lại trong phủ vi thần cũng chỉ có thể miễn cưỡng duy trì gia đình vi thần với các sai nha mỗi ngày hai bữa, hôm nay trong nhà… cũng chẳng còn gạo nấu cơm nữa…”

Dục Sơ sai hắn bình thân, xoay người lại đi vào trong phủ, “Mặc dù ngươi vô dụng song cũng không phải vô lý, sẽ giáng chức ngươi về Lại bộ, bây giờ ta đốc quản Hộ bộ, không thể ngay lập tức phạt ngươi. Lệnh vua đã tới, chuyện cứu tế phát chẩn vẫn cần Thục Châu các ngươi trên dưới nỗ lực đồng tâm, nếu nạn đói bị trì hoãn, sẽ để ngươi lấy công chuộc tội, nếu nạn đói thêm nặng nề, e rằng phải để ngươi noi gương vị Ngư Dương thái thú Thương Bỉnh Trung tiền triều, thiêu người hiến tế trời đất để cầu mưa.”

Những lời nói ấy nói rất nhẹ, ngôn từ tuy lạnh, nhưng trong giọng nói không có lấy một chút tức giận, thoạt tiên nghe như lời sai bảo ngày thường, song vẫn dọa Khương Ích đồng ý lia lịa, run như cầy sấy, cơ hồ muốn quỳ sụp xuống thêm lần nữa.

Dục Sơ bước vào phòng chính, ngồi xuống rồi nói với Khương Ích: “Gọi quan chấp chưởng kho lương, hộ tịch và bảo vệ thành tới đây.”

Khương Ích xuống dưới gọi, mấy ông quan lớn quan nhỏ sợ hãi bước tới, quỳ xuống dập đầu.

“Vị nào là Thái thương lệnh?” (Thái thương lệnh: cai quản kho lương thực.)

“… Vi thần có mặt…”

“Tên là gì?”

“… Phó Mẫn Hâm.”

“Toàn bộ Thục châu còn thừa bao nhiêu lương thực?”

“Bẩm điện hạ, ước chừng… bốn vạn thạch.” (Thạch: là đơn vị dung tích, khoảng 100 lít.)

“Đều ở Cẩm Quan thành?”

“Thương khố ở các huyện khác cũng còn một ít nữa.”

“Ti dân lệnh?” (Ti dân lệnh: điều hành dân chúng.)

“… Vi thần Khấu Trung.”

“Tính theo dân số Thục châu, bốn vạn thạch đủ ăn bao lâu?”

“Việc đó…” Mồ hôi Khấu Trung từ quai hàm rớt xuống, “Vi thần nhất thời… chưa thể tính chính xác được…”

“Bây giờ tính đi, tính xong báo lên. Kim ngô lệnh?” (Kim ngô lệnh: quản lí tiền nong.)

“Vi thần Trương Mẫn Từ.”

“Mang binh lính thủ thành sắp xếp phần đất trống trước phủ nha, trước hết phải phát cháo cứu tế tạm thời đã.”

“Điện hạ ——”

Nghe thấy đằng sau có người chen lời, Dục Sơ quay đầu, thấy một Lang trung ngũ phẩm của Hộ bộ đang khom người thi lễ, dường có chuyện muốn nói.

“Nói.”

“Vi thần lỗ mãng. Vi thần cho rằng, phát cháo trong Cẩm Quan thành bây giờ là không hợp lý.”

Dục Sơ cau mày một thoáng, nói: “Trong thành dày đặc dịch bệnh, thêm nữa là đường xá chật hẹp, sợ dân chen chúc mà sinh biến sao?”

Lang trung nọ đáp: “Điện hạ anh minh.”

Dục Sơ sở trường là nhớ tướng mạo người khác, nay thấy y rất lạ mắt, nghĩ y vốn là tân quan của Hộ bộ nên cả đường chưa từng chú ý, liền hỏi: “Tên họ là gì?”

“Hồi bẩm điện hạ, vi thần Dụ Thanh.”

Dục Sơ bừng tỉnh, quay đầu nói với Kim ngô lệnh Trương Mẫn Từ: “Chọn một chỗ thoáng đãng ngoài Cẩm Quan thành để phát cháo, lệnh sai dịch đưa dân đói ra khỏi thành, phát cáo thị khắp đường lớn đường nhỏ rằng chúng ta phát cháo. Phát cả hai buổi sáng chiều, nồi bếp đặt ở mấy chỗ khác nhau, việc khơi thông cũng cần chú ý, chớ khiến nạn dân chen lấn, rõ chưa?”

“Vi thần đã rõ.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.