Minh Cung Truyện

Quyển 2 - Chương 91: Từng dây từng trục khiến ta nhớ về thời còn trẻ




MINH CUNG TRUYỆN – CHƯƠNG 91:

NHẤT TRỤC NHẤT HUYỀN TƯ HOA NIÊN

(Từng dây từng trục khiến ta nhớ về thời còn trẻ)

*Trích Cẩm sắt – Lý Thương Ẩn.

---------------------

Tháng tư, trời đất giao hòa, muôn vật tươi tốt. Năm nay thời tiết có vẻ nóng nực, mùa xuân chưa qua nhưng cái oi bức đã được cảm nhận rất rõ ràng.

Suốt một thời gian dài, Phương Hà cùng Tịch Thành vẫn cưỡi ngựa rong ruổi quanh vùng Tế Nam, Nam Kinh, Bắc Kinh, thậm chí qua cả Thái Nguyên tìm tung tích của Nhạc Hy, nhưng không có một chút dấu vết.

"Đại thiếu gia, cũng tám tháng trôi qua, chúng ta cũng không tìm thấy tiểu thư. Chỉ e là lành ít dữ nhiều." Phương Hà nói, đôi mắt thị hơi rớm lệ.

Bấy giờ là trời trở chiều, có đàn chim nhạn bay ngang. Tịch Thành ngồi bên một gốc cây bạch đàn trên gò đất trống. Y nghe mấy lời của Phương Hà cũng không trách móc, chỉ lặng im nhìn ra xa xăm, thở dài một tiếng.

Nhạc Hy đã không còn trên đời này. Chỉ là vì thi thể không tìm thấy, y không bao giờ muốn tin đó là sự thật cho nên vẫn luôn lừa mình dối người, không tiếc thời gian công sức, bấy lâu lặn lội kiếm tìm chút tung tích của nàng.

Những ngày đầu, y còn nhiều hy vọng. Về sau càng ngày càng mơ hồ... Y cũng đành lấy việc cưỡi ngựa khắp sông núi này làm niềm vui để bản thân cảm thấy khuây khỏa, cũng là để quên đi Nhạc Hy. Y đi đến đâu, mang theo bức chân dung Nhạc Hy hỏi đến ai cũng chỉ lắc đầu không biết.

Cũng phải, đại Minh rộng lớn như thế, dễ gì tìm được một người chưa chắc tồn tại.

"Không tìm thấy... Muội ấy thật sự đã..." Thẩm Tịch Thành siết chặt bàn tay, lòng đầy bất lực.

Phương Hà đau lòng vô cùng, nhẹ giọng thưa với y: "Thiếu gia, hay là chúng ta trở về Thẩm phủ đi. Những tháng ngày qua thiếu gia không trở về, phu nhân và lão gia hẳn là lo lắng lắm. Phu nhân sức khỏe vốn không tốt, lại trải qua nỗi đau mất đi đại tiểu thư, người không ở bên, phu nhân sợ là..."

Những điều này đều là nỗi lo lắng thường trực của Tịch Thành trong tháng ngày lặn lội khắp nơi kiếm tìm Nhạc Hy. Y lẽ nào không biết mình đang cố chấp không tin Nhạc Hy đã chết? Nhưng trở về Thẩm gia, y cũng không quên được nàng. Tịch Thành không cho mình là thánh nhân, nên y cũng có nỗi khổ, cũng có sự ích kỷ của một người bình thường.

Phương Hà hiểu con người Tịch Thành, không phải không muốn làm tròn chữ hiếu mà y không muốn bị gò bó và giam hãm. Thêm nữa y nặng tình với Nhạc Hy, quay về sẽ chỉ khiến y thêm muộn phiền. Phương Hà đều hiểu.

"Ngươi cũng đi theo ta lâu như vậy rồi, tin tức trong hoàng cung chúng ta cũng chỉ nghe ngóng được một chút. Trương gia gặp biến cố như vậy chắc phụ mẫu ta cũng lo lắng không ít. Ta cũng định trở về kinh thành sớm..." Giọng Tịch Thành trầm trầm.

Phương Hà gật đầu, cảm thấy trong lòng cũng yên tâm hơn phần nào. Trong đầu thị mơ màng hiện ra cái ngày cuối cùng thị nói chuyện cùng Nhạc Hy. Ngày đó, chủ nhân nói không muốn thị đi cùng bởi linh cảm xảy ra chuyện, muốn thị ở lại trong cung lo liệu mọi chuyện. [1]

[1] Xem chương 67.

Phương Hà trước khi đi khỏi Tử Cấm Thành cũng đã truyền đạt lại chuyện Nhạc Hy bảo cho Như Dung, còn dặn nàng ta nếu thời gian trong cung, Hoàng hậu có xảy ra chuyện gì thì tìm đến mấy người thân thiết với Hy tần là Khang tần với Túc phi. Bọn họ sẽ lo liệu được.

Hoàng hậu thực sự xảy ra biến cố, sự việc ở hậu cung lúc này chẳng biết đang thế nào.

"Nô tỳ... cũng muốn trở về Tử Cấm Thành." Phương Hà thỏ thẻ.

Tịch Thành biết rõ cung nữ sau khi được phóng thích, trở lại Tử Cấm Thành không phải chuyện gì dễ dàng nhưng với quan hệ của y, y cũng có thể giúp thị được. Y thở dài nói: "Ta cũng đoán ngươi sẽ trở về đó. Nửa đời ngươi cũng hết lòng hết dạ với Nhạc Hy, sau còn giúp muội ấy hoàn thành ý nguyện, muội ấy đi cũng cảm thấy an lòng."

Phương Hà nghe thấy ý vị chua chát trong lời của Tịch Thành, bất giác cũng cảm thấy cõi lòng thê lương. Đại thiếu gia... cuối cùng cũng phải chấp nhận sự thật là tiểu thư không còn nữa.

Những đám mây bàng bạc che khuất những ánh sáng như màu hoàng kim của chiều tà, thấp thoáng xa xa cuối trời có những con chim lượn bay thành hàng.

Nhạc Hy ở phường Đình Hạnh cũng được hơn bốn tháng, tài hoa xếp vào bậc nhất, sánh ngang với những cô nương có tiếng tăm trong phường như Thuấn Hương, Trầm Thủy... Nếu Thuấn Hương được biết đến với giọng hát như tiếng oanh du dương, lanh lảnh, thì Nhạc Hy được nhã khách đến phường gọi là "Trang Dung cầm thần".

Thuấn Hương và Nhạc Hy đều được Hàn Nương xem như ngọc quý của phường Đình Hạnh, gặp được các nàng cũng đều phải có chục lượng vàng, không dễ dàng. Nhạc Hy sau khi trở thành cầm nữ tài hoa nhất phường thì được Hàn Nương chuyển tới căn phòng khác, rộng rãi và đẹp đẽ hơn nhiều.

Phòng có bàn trà nhỏ để khách ngồi thưởng đàn, bàn đặt đàn của Nhạc Hy cách bàn của khách bảy bước chân, được ngăn bởi một tấm bình phong bằng lục sa, thêu hình bạch lộ. Nói cách khác, khách chỉ có thể nghe, có thể trò chuyện, không thể nhìn thấy nàng. Đây cũng là cách để đảm bảo nguyên tắc của phường từ trước đến nay.

Đêm, Thuấn Hương mang Vân Diên hương sang phòng Nhạc Hy, bấy giờ Nhạc Hy đang cắm lại bình hoa thược dược trong phòng.

"Trang Dung, cô thích hoa thược dược ư?" Thuấn Hương mấy ngày liền đều thấy Nhạc Hy cắm hoa thược dược trong phòng, không khó để nhận ra.

Nhạc Hy cười gật đầu.

"Thược dược đẹp cho riêng mình, thật là một loài hoa diễm lệ mà không phô trương, rất hợp với cô."

Thuấn Hương thả chút hương liệu vào lư hương, động tác nhanh nhẹn, thành thục. Nhạc Hy nhìn nàng ta, mơ hồ bảo: "Nhanh thật, không mấy mà ta đã ở đây được bốn tháng rồi."

Thuấn Hương lặng yên chốc lát rồi mới đáp: "Phải. Ở phường Đình Hạnh này, nói là thân thiết và hiểu ta nhất thì cũng chỉ có Trang Dung cô. Những cô nương ở đây khi mới đến đều là Hàn Nương dạy bảo, trò chuyện, chỉ đến cô, người mới bảo ta đến cùng cô bầu bạn. Giữa chúng ta cũng xem như có duyên."

Nửa đời trước Thuấn Hương sống trong sự vùi dập của chính thân nhân, nửa đời sau được chở che trong phường Đình Hạnh. Đối với nàng, phường Đình Hạnh như nhà vậy. Hàn Nương và Nhạc Hy đều là những người nàng thật sự trân trọng.

Nhạc Hy mỉm cười xinh đẹp: "Ta cũng nghĩ như vậy. Ta xem cô như bằng hữu của ta, thời gian qua đã giúp đỡ ta không ít."

Ở Thuấn Hương, Nhạc Hy thấy được bóng dáng của Trích Nguyệt ngày trước, một Trích Nguyệt biết tính toán cho bản thân, biết sống để không phụ lại bản thân chứ không phải một Nhạc Hy bị ràng buộc bởi thân nhân, lúc nào cũng trong tâm thế là một quân cờ tranh đấu của gia tộc.

"Trang Dung... ta muốn hỏi cô một chuyện." Giọng Thuấn Hương hơi ngập ngừng, lời như khó nói. Lưỡng lự chút ít nàng ta mới nói: "Cô làm sao quen với Tử Huyên? Có phải cô vốn là người trong cung?"

Phòng của Nhạc Hy nằm ở lầu hai. Nhạc Hy ngó bên ngoài, thấy hành lang không có ai đi qua, vội chạy ra đóng chặt cửa phòng rồi mới ngồi xuống từ từ nói với Thuấn Hương: "Thuấn Hương, ta đúng là người trong cung. Thân phận thế nào, ta sau này sẽ nói rõ cho cô biết."

Thuấn Hương hơi chau mày, gương mặt lộ rõ sự âu lo. Nàng cầm lấy tay Nhạc Hy, nói nhỏ nhẹ: "Trang Dung, nếu sau khi rời khỏi phường Đình Hạnh cô có ý định muốn tìm cách trở lại hoàng cung, nhất định phải đề phòng. Tử Huyên không phải người vừa đâu. Một khi nàng ta đã muốn cái gì thì sẽ bằng mọi giá giành được."

Nhạc Hy trịnh trọng gật đầu, lại mỉm cười tươi tắn để Thuấn Hương vơi bớt sợ hãi. Nhạc Hy biết Thuấn Hương vẫn ám ảnh chuyện năm đó bị chính muội muội của mình lừa bán vào phường Đình Hạnh nên mỗi lần nhắc đến tâm trí đều có phần hoảng loạn. Nhạc Hy liền bảo: "Cũng còn hai tháng nữa ta mới rời khỏi nơi này cơ mà. Cô nói như là chúng ta sắp sinh ly tử biệt ấy."

Thuấn Hương cười ngây ngốc: "Phải nhỉ? Cô xem ta lúc nào cũng như vậy. Ta luôn có cảm giác duyên giữa ta và cô rất dài."

Nhạc Hy cũng luôn mong như vậy. Thuấn Hương thật sự là một cô nương tốt, đáng để làm bằng hữu. Ở nàng ta, Nhạc Hy thấy được cái cảm giác thân thiết lạ thường mà trước đây khi lần đầu gặp Tử Huyên, thậm chí Tầm Phương hay Nhược Phân cũng không được như vậy.

Thuấn Hương đứng dậy, bảo: "Hàn Nương còn dặn ta nói với cô, nửa canh giờ nữa có một vị khách đặc biệt tới, nói cô chuẩn bị trà nước và cổ cầm."

Kỹ nữ trong phường Đình Hạnh tuy rằng được chia nhau tiếp khách, thế nhưng giờ giấc làm việc cũng rất thất thường. Có những khi đến quá giờ Tí vẫn còn khách nghe đàn ca.

Nhạc Hy gật đầu: "Được, ta biết rồi. Cũng không còn sớm nữa, cô cũng trở về đi."

Đêm nay yên tĩnh đến lạ kỳ. Mọi khi giờ này ngồi ở trong phòng, Nhạc Hy vẫn nghe được văng vẳng tiếng cầm tiêu du dương hay tiếng hát thanh thanh của kỹ nữ phường Đình Hạnh.

Hôm nay thì không hề. Cảm giác tĩnh lặng bất thường khiến trong lòng Nhạc Hy bất giác thấy nao nao, có chút khắc khoải và dự cảm có những chuyện quan trọng sắp đến.

Cửa phòng nàng bị đẩy ra một cánh, một bóng dáng nam tử mặc tử y bước vào. Mờ mờ sau bức bình phong bạch lộ, Nhạc Hy thấy người đó ngồi bên bàn trà. Không hiểu sao dẫu không nhìn thấy, nàng vẫn cảm giác như từ người đó toát ra một thứ khí chất không giống như những nhã khách đến phường Đình Hạnh.

"Cô nương chính là cầm nữ Trang Dung?" Vị khách kia giọng rất đỗi trầm và nhẹ, như có phần đuối hơi, Nhạc Hy cố dỏng tai mới có thể nghe được lời người đó nói.

Nhạc Hy nhẹ giọng đáp: "Vâng. Quan khách là lần đầu tiên đến phường Đình Hạnh?"

Người kia "ừ" nhẹ một tiếng. Nhạc Hy cũng đoán như vậy bởi hành động, lời nói đều không giống như những khách quen của phường.

"Ta nghe nói cô nương cầm nghệ tinh thông, thành thạo không chỉ một loại đàn, tiếng đàn có thể khiến người ta vơi bớt muộn phiền, trong lòng thanh thản. Ta vì thế chẳng tiếc vàng chục lượng đến đây thưởng thức."

Nhạc Hy từ sau bức bình phong cất tiếng cười thanh lãnh đáp lại: "Tiếng đàn đương nhiên có thể giải sầu, nhưng nhiều khi cũng khơi gợi buồn đau. Quan khách tìm đến người biết đàn, hẳn là đối với đàn có nhiều kỷ niệm; tiểu nữ chỉ sợ trong lòng người bi thương vô hạn, nghe đàn sẽ càng thêm xót xa hơn."

Người ngoài kia trầm mặc trong chốc lát rồi nói: "Dẫu sao cũng đã đến nơi này, chi bằng nghe một khúc đàn. Ta có hiểu một chút về cổ cầm, coi như lắng nghe tiếng đàn của cô nương để mở mang hiểu biết."

Nhạc Hy chẳng biết có phải vì ngồi cách xa nhau, chắn ngang qua bức bình phong không, mà nàng lại thấy giọng người kia yếu và nhẹ lắm, như thể bị nội thương hay bệnh trong người. Nàng cũng chỉ là cầm nữ của phường, khách đến nghe đàn nàng cũng không dám hỏi thêm lời gì vô nghĩa, đành đáp lại: "Vậy tiểu nữ sẽ đàn."

Nhạc Hy trịnh trong đưa khăn lau nhẹ qua dây đàn một lượt rồi mới bắt đầu gảy điệu "Hằng ưu".

Đêm khuya thanh thanh

Tiêu ai văng vẳng

Trăng vằng vặc soi bóng người đơn côi

Bên sông ngồi nhung nhớ.


Lòng đầy ưu sầu

Tâm ngập thương đau

Đàn cũ ngân ngân não nề lay động

Thổn thức trong ta, từng đêm kinh mộng

Nhưng tìm chẳng thấy dáng hồng nhan xưa.


Biết rượu Đỗ làm vơi âu lo

Nghe cỏ huyên khiến tan phiền muộn

Cũng muốn tìm giải bệnh tương tư

Ngây trong cỏ thơm, say trong rượu quý

Chìm vào u mê

Mộng xuân ngắn thế

Mà trong mộng chẳng được thấy người.


(Do tác giả tự sáng tác)

Đàn dứt. Người kia không nói gì. Nhạc Hy cũng trầm mặc.

Ngồi lặng yên, cách nhau một tấm bình phong bạch lộ, gần như chẳng trông thấy nhau. Đến sát giờ Hợi thì người đó đi hẳn.

Hai, ba hôm sau, trời đêm cũng thanh mát, yên ả như vậy. Nhạc Hy lại được báo có vị quan khách đến vào giờ Tuất. Nhạc Hy cũng thấy hơi kỳ lạ. Nếu là Hàn Nương chỉ định, một tuần chỉ có một ngày nàng phải làm muộn tầm giờ khuya thế này. Nhưng vừa hôm trước đã tiếp lúc giờ Tuất, hôm nay lại tiếp tục, chỉ có thể là cùng một người yêu cầu.

"Trang Dung cô nương." Quan khách kia cất giọng trầm nhẹ.

Nhạc Hy nhớ chất giọng này, chính là người hôm trước đến vào đêm khuya. Giọng người đó cũng nhẹ như thiếu hơi, đuối sức. Nghe bốn chữ "Trang Dung cô nương", Nhạc Hy chỉ thấy mình hoàn toàn đã quen với cái tên này, đến mức quên đi cả tên thật của mình, quên cả đi mình là ai.

Có khi nào giống như Thuấn Hương, cả đời ở trong phường Đình Hạnh...

"Vâng, quan khách người đến thưởng đàn ư?" Lời thốt ra khỏi miệng, Nhạc Hy mới nhận thức được mình vừa nói ra một câu vô nghĩa.

Người ngoài kia hình như đang cười, đáp lại: "Ta trở về mấy ngày, nhớ tiếng đàn lay động lòng người của cô nương không nguôi, nên hôm nay rỗi rãi lại tới nơi này."

Nghe tới câu đó, Nhạc Hy mới chắc chắn được là vị quan khách hôm trước. Cách một tấm bình phong, không nhìn rõ dáng hình người kia, nàng chỉ nói: "Tiểu nữ nhớ, là vị hôm trước tới nghe bài đàn "Hằng ưu"."

"Bài ấy khiến ta liên tưởng đến cố nhân."

Trái tim Nhạc Hy dường như đập chậm một nhịp, đoạn sau nàng mới hỏi: "Là lời ca khiến quan khách liên tưởng hay tiếng đàn của tiểu nữ giống tiếng đàn của cố nhân?"

Người kia như đang nghĩ ngợi, một lúc sau đáp: "Có lẽ là cả hai."

Những người hiểu về âm luật, đàn sáo cũng thường vì tiếng đàn ca mà xao động hoặc liên tưởng. Nghe âm thanh nhớ người cũ, đều là cảm xúc bình thường của con người. Chỉ là Nhạc Hy cảm thấy sợ... sợ bản thân tiếp tục phải "giống" một người nào đó.

Nhạc Hy cười nhạt, nói lãnh đạm: "Lòng quan khách từng vì tiếng đàn mà nhớ mãi không quên, đau thương vô hạn, cớ sao còn tìm đến đây khơi gợi lại thanh âm não nề? Chẳng bằng đừng lắng nghe, chóng quên đi muộn phiền, giải thoát cho bản thân."

Quan khách kia giọng đầy xót xa: "Quên đi là một cách tha thứ cho chính bản thân, nhưng ta không đáng được tha thứ."

Nhạc Hy bỗng cũng thấy đau lòng thay kẻ xa lạ kia, liền hỏi: "Vì sao không thể? Người đã khiến người đó phiền lòng ư?"

"Phải, nàng đã rất đau khổ, khiến nàng rơi nước mắt. Nàng đi rồi ta nhớ mãi không quên." Giọng người đó đầy tiếc nuối, đầy luyến lưu.

Nhạc Hy không phải người đa cảm, nhưng nghe đến đó tự dưng cảm thấy thân quen như mình bước ra từ trong câu chuyện của người nọ. Nàng thở dài một tiếng rồi bảo: "Trân trọng người đó rồi lại tìm tiếng đàn xa lạ để khơi gợi, người đó ở nơi xa cũng sẽ buồn lắm."

Quan khách im lặng hồi lâu.

"Cho dù là bản thân tự lừa mình dối người, ta vẫn muốn cảm giác nàng ấy vẫn còn trên nhân thế. Đằng nào cũng không thể quên, chi bằng để ta mãi nhớ nàng ấy bằng cách này vậy." Kẻ kia cười khổ.

Nhạc Hy cũng cười chua chát, bất giác nhớ đến một số chuyện trước đây. Chung quy đều là bệnh của kẻ si tình.

Con người cũng thật lạ kỳ. Đã không thể quên, sao cứ gợi nhớ để rồi tiếp tục đau khổ?

Nàng ngày trước chẳng phải cũng như vậy sao? Cũng si tình đến mức mơ hồ. Người ấy yêu nàng là thật lòng, yêu từ khi hắn chưa biết dung mạo nàng giống với cố nhân. Nhưng sâu trong lòng, cả hắn và nàng đều ngộ nhận và cho rằng hắn đều không quên được cố nhân ấy, nên cả hai cứ mãi hiểu lầm nhau.

Hiểu lầm để rời xa. Giờ chẳng biết có thể trở về hay không, trong lòng chỉ đầy nuối tiếc.

Mộng xuân ngắn thế

Mà trong mộng chẳng được thấy người...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.