Miếu Hoang

Chương 21: " Thanh Long "




- - Trời nắng quá thầy Lương nhỉ..? - Ông Vọng nói.

Khẽ lau mồ hôi trên trán, thầy Lương sắp xếp lại một ít vật dụng trong tay nải rồi gật đầu trả lời:

- - Vừa qua chính ngọ, hai ngày gần đây, kể từ sau cơn mưa thời tiết chuyển hanh khô, nắng nóng một cách khó hiểu.

Ông Vọng khẽ hỏi:

- - Liệu chuyện của làng có cách giải quyết không hả thầy...?

Thầy Lương đáp:

- - Đừng nóng vội, trước mắt cứ thực hiện theo những gì chúng ta được mách bảo. Còn về vấn đề nguồn nước, trận mưa vừa qua đúng là trong họa lại có phúc. Nhà nào cũng tích được một lượng nước mưa đủ dùng trong vòng 1 tháng tới. Trong thời gian này phải nhanh chóng tìm ra nguồn cơn dẫn đến việc mạch nước ngầm do đâu nhiễm độc. Cơ mà bác trưởng làng cũng phải dặn dò mọi người cần phải cực kỳ tiết kiệm nước, cẩn tắc vô áy náy, còn chưa biết tình trạng này kéo dài bao lâu.

Ông Vọng vâng dạ nói tiếp:

- - Nhưng ví dụ trong trường hợp tìm được nguyên nhân thì liệu có cách giải độc không thầy...? Vì như thầy thấy đấy, nước giếng bị nhiễm độc hết, chẳng lẽ phải tát cạn hay sao...?

Thầy Lương mỉm cười:

- - Cũng có thể hoặc không, thực ra mà nói, loại độc có trong nước cho đến lúc này tôi cũng chưa xác định được nó là loại độc gì. Khi không có phản ứng thì độc trong nước không có biểu hiện gì, nguồn nước vẫn trong, không bốc mùi.....Bác trưởng làng đừng lo, vạn vật trên đời đều tương sinh, tương khắc, độc còn có thể dùng độc trị cơ mà. Ngày hôm trước tại nhà trưởng làng, chắc trưởng làng cũng đã thấy vết nứt trên mai rùa, từ vị trí trung tâm của mai rùa bị vỡ, ngay sau đó những vết nứt lan rộng trên khắp bề mặt chiếc mai. Điều này ám chỉ, điểm trung tâm nơi bị vỡ của mai rùa chính là Long Mạch, độc có thể xuất phát từ đó và lan rộng ra khắp mạch nước ngầm trong làng. Vậy nên, khi xác định được nguồn gốc nơi độc phát tác, ắt sẽ có cách khắc phục. Nhưng suy cho cùng đó vẫn chỉ là dự đoán của tôi, tiếc là khả năng của tôi có hạn, không thể giải quyết ngay được.

Ông Vọng vội đáp:

- - Ấy chết, thầy đừng nói như vậy...Nghe thầy phân tích tôi cũng yên tâm phần nào. À mà nãy thầy hỏi tôi về chuyện cặp vợ chồng chết cách đây hơn 20 năm phải không..?

Thầy Lương nói:

- - Đúng vậy, bởi vì họ cũng là người từng đào bới ở khu đất này. Nếu được thì bác trưởng làng kể rõ chi tiết cho tôi nghe xem sao.

Ông Vọng thở dài rồi bắt đầu kể:

- - Năm đó tôi vừa xuất ngũ, chiến tranh mới chấm dứt, người dân còn khổ cực nhiều lắm. Mà làng tôi thầy cũng biết rồi đấy, người dân chỉ biết làm nghề nông, bà con lại bảo thủ, cổ hủ, sống theo tập tục của làng từ bao đời nay nên khi ấy lớp trẻ như tôi có khuyên các cụ cũng không nghe. Làng Văn Thái đất rộng, nhưng việc trồng trọt cũng không giúp đời sống của dân làng bớt cực nhọc được là mấy. Nhắm thấy Bãi Hoang này địa hình bằng phẳng, lại có kênh nước chạy ngang qua, tôi mới đề xuất ý kiến đến đây để khai hoang. Vì từ nhỏ tôi đã biết Bãi Hoang này mấy chục năm đều bỏ hoang, không ai canh tác. Mà đất đó làng cũng coi như bỏ, chẳng thèm đoái hoài gì đến luôn. Tuy nhiên, lạ một cái, khi tôi nói muốn đến Bãi Hoang để canh tác thì hầu như các hương thân, phụ lão đều ngăn cản. Họ bảo rằng đất đó không trồng trọt được, cây gì cũng không lớn nổi, chỉ có cỏ là sống được. Vốn tính bộ đội, xông pha bom đạn còn chẳng sợ thì sợ gì mấy câu chuyện ma quỷ của các cụ. Vậy nên dù bị ngăn cản nhưng tôi vẫn quyết tập hợp được thêm một vài người nữa trong làng, cũng đều là những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài tôi ra thì còn có 6 người nữa, trong đó có cặp vợ chồng kia. Năm ấy tôi chưa đầy 30, còn hai người họ hình như kém tôi 3-4 tuổi gì đó. Hôm nay ngồi tại Bãi Hoang, tôi lại nhớ đến giọng nói của họ...Người chồng tên Đà, còn người vợ tên Liễu.

Ông Vọng hồi tưởng.....

[.........]

- - Wow, khu đất này đẹp quá anh Vọng nhỉ...? Đất này xây nhà còn hết xẩy chứ đừng nói là canh tác để trồng trọt.

Vọng đưa tay lên trán che mặt trời rồi hướng tầm mắt ra xa bao quát một lượt, Vọng cười:

- - Đẹp thật, địa hình bằng phẳng, có kênh nước chạy qua, này chỉ cần đào mương dẫn nước tận ruộng là tha hồ mà trồng trọt.

Liễu hỏi Vọng:

- - Mà sao các cụ lại nói đất ở đây không trồng trọt được gì nhỉ..? Em thấy cỏ mọc xanh mướt thế này cơ mà...?

Vọng đáp:

- - Cô chú còn lạ gì các cụ trong làng, làng mình ấy, từ xưa đến nay luôn có những tục lệ riêng biệt, thậm chí ngay cả trong làng còn có những địa điểm mà các cụ cấm không cho người khác ra vào cơ mà. Cô chú theo người thân chạy nạn từ nhỏ nên không biết chứ, tôi từ ngày bé đã được quán triệt là không được lang thang ra Bãi Hoang này rồi, cỏ tốt thì tốt thật nhưng chẳng ai dẫn trâu bò ra đây chăn thả đâu. Nhưng chiến tranh xong, các cụ hương thân, già tuổi nhất làng cũng không còn mấy ai, thành ra giờ nó cứ phiên phiến đi.

Đà hỏi:

- - Nơi này có vấn đề gì hả anh Vọng..?

Vọng khẽ lắc đầu:

- - Tôi cũng không biết, chỉ biết là nhỏ bị cấm đến đây thôi chứ tại sao thì chẳng ai nói. Mà thôi, các cụ thì ai chẳng có những truyền thuyết ly kỳ, bí ẩn, rùng rợn....Ông bà ta lúc còn sống chẳng là những kho truyện ma, nghe các cụ có mà nghe cả ngày. Đi lính về hơn năm nay, thấy đất đai làng ta bỏ không nhiều quá, nhất là nơi này, vừa đẹp lại vừa tiện cho việc trồng trọt, cày cấy.....Vậy mà bỏ không chắc cũng phải mấy chục năm rồi quá. Khai khẩn mà ngon lành, có khi cô chú dựng cái nhà ở đây mà ở khà khà khà.

[.......]

Đến đây, ông Vọng dừng lại một nhịp rồi nhìn thầy Lương buồn bã:

- - Nói thật với thầy, hơn 20 năm nay, nhiều đêm tôi cũng nằm suy nghĩ rồi nhớ tới họ. Vì sau cái chết của họ, các cụ trong làng cho rằng họ chết là do xâm phạm vào mảnh đất bị nguyền rủa. Nhưng thầy thấy đấy, ngoài vợ chồng họ ra thì tôi cũng đào, mà mấy người khác cũng đào bới, xới đất....Nhưng chúng tôi có bị làm sao đâu, vậy nhưng tôi vẫn canh cánh trong lòng, vợ chồng Đà - Liễu chết là do một phần lỗi của tôi. Kỳ thực trên đời này có những thứ không nghe các cụ không được.

Thầy Lương hỏi:

- - Nhưng trước đó họ có biểu hiện gì lạ không..?

Ông Vọng suy nghĩ một hồi rồi trả lời:

- - Hai ngày đầu tiên, sau khi phân đất cho từng hộ thì họ làm việc chăm chỉ lắm, phát quang bụi rậm, cắt cỏ.....Ban ngày chúng tôi đến đây làm việc, đến chiều thì về. Chẳng ai làm sao cả, ai cũng vui vẻ vì khi xới đất lên, đất tơi xốp, có độ ẩm tốt. Chúng tôi còn tính trồng những loại cây dài ngày nhưng cho hiệu quả kinh tế cao cơ mà.

Đột nhiên ông Vọng nhớ đến điều gì đó, ông nói:

- - Nhưng.....đúng rồi, buổi chiều của ngày làm việc thứ 2....Khi mà tôi cùng 4 người kia thu dọn đồ chuẩn bị ra về thì hai vợ chồng họ đi đâu đó, tôi phải gọi đến câu thứ 3 họ mới hớt hải chạy ra và nói là đi rửa chân tay. Sớm đó vẫn còn kêu mệt, nhưng lúc ra về, trên đường cả hai cứ tủm tỉm nhìn nhau cười vui vẻ lắm. Nghĩ vợ chồng son, mới cưới nên tình tứ, chúng tôi còn trêu cơ mà. Khi đó Liễu còn quay lại hỏi lại tôi....

[........]

- - Ủa mà bác Vọng này, sao bác không gọi cả vợ bác ra đây làm cùng.

Vọng đáp:

- - Nhà tôi cũng có ruộng mà, tôi đi làm với mọi người để mọi người đỡ nghi kỵ là đất đai có vấn đề, vợ tôi ở nhà lo chuyện đồng áng chứ.

[.......]

Ông Vọng nói tiếp:

- - Sáng hôm sau, khi tôi cùng 4 người kia ra đến Bãi Hoang thì đã thấy vợ chồng Đà - Liễu có mặt ở đó từ sớm. Khoảng tầm tiếng sau thì Liễu bị đau bụng, họ bỏ dở công việc đang làm rồi xin về luôn. Chiều hôm đó tôi có đến thăm xem tình hình thế nào thì vợ chồng họ nói không ra Bãi Hoang nữa. Tôi có hỏi lý do thì họ chỉ bảo là ốm đau nên không làm được. Mình cũng không ép họ được nên cũng đành chịu. Những ngày sau đó nhóm của tôi vẫn tiếp tục làm, đất đai cải tạo xong, chúng tôi bắt đầu gieo trồng......Ba ngày sau khi đến nhà thì phát hiện họ đã chết. Cái chết của họ khiến cho dân làng xôn xao một thời gian dài, một thời gian sau nữa những cây giống, hạt giống mà chúng tôi trồng trên Bãi Hoang cũng cứ thế chết dần, không sống nổi. Và lúc này các cụ già trong làng cho rằng, cái chết của họ là do xâm phạm đến Bãi Hoang. Khi ấy những người đi cùng tôi bắt đầu sợ, cuối cùng thì từ đó đến nay, Bãi Hoang vẫn là Bãi Hoang.

Thầy Lương nheo mày:

- - Qua câu chuyện mà trưởng làng vừa kể, đúng là vợ chồng nhà nọ có chút vấn đề. Rõ ràng trước đó còn phấn khởi làm việc, nhưng ngay sau lại đổi ý. Điều này càng khiến cho suy nghĩ của tôi là đúng. Một gia đình khó khăn, không thể tự nhiên lại có số tiền lớn như vậy được. Mà cho tôi hỏi trưởng làng câu này...?

Ông Vọng đáp:

- - Có gì thầy cứ hỏi.

Thầy Lương tiếp tục:

- - Từ đời ông bà, cha mẹ của trưởng làng, có ai có liên quan gì đến Bãi Hoang này không....? Ví dụ như trước đó từng có ai trong gia đình sống ở đây hoặc canh tác ở đây chẳng hạn.

Ông Vọng lắc đầu:

- - Không thầy ạ, gia đình tôi là người gốc của làng này, tuy không khá giả nhưng cũng có mảnh ruộng để trồng trọt từ đời các cụ để lại. Nên tôi chắc chắn các cụ không có ai canh tác ở Bãi Hoang đâu. Mà sao thầy lại hỏi vậy..?

Thầy Lương im lặng suy nghĩ một hồi lâu, lúc sau thầy nói:

- - Trưởng làng là người tốt, chậc, thôi thế này, tôi cũng không muốn giấu làm gì......Bãi Hoang, hay là khu đất mà chúng ta đang đứng ở đây quả thực không phải là mảnh đất bình thường đâu, đất ở đây có thế đất rất rõ ràng. Chỉ có điều hình như làng mình không ai biết.

Ông Vọng hồi hộp hỏi lại:

- - Ý thầy là sao ạ...?

Thầy Lương đáp:

- - Mảnh đất này có thế Thanh Long, một trong tứ tượng tạo hình của Long Mạch.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.