Miếu Hoang

Chương 1: Thầy Tàu




" Ăn...đi....Tiếp...tục...ăn...đi..."

" Hi...hi...hi.... Nó...ngon...lắm.... có...phải.....không...? "

- - Rất ngon, nó rất ngon....

" Nhoàm.... nhoàm.... nhoàm..."

" Rầm "

Cánh cửa của ngôi nhà sàn bị đạp bung ra, tiếng nói ồn ào cũng với tiếng những bước chân đang chạy trên chiếc cầu thang gỗ vang lên dồn dập, nhưng rồi những kẻ chạy lên sau bỗng nhiên bị khững lại, đập mặt vào lưng của người phía trước:

- - Cái gì vậy...? Tại sao lại dừng lại...?

Tiếp theo đó là một tiếng hét thất thanh:

- - QUỶ..... QUỶ ĂN THỊT NGƯỜI..... CHẠY..... CHẠY..... NGAY... ĐII....

Một vài kẻ yếu bóng vía lập tức quay đầu, bỏ chạy trối chết, thậm chí còn ngã lăn lộn từ trên bậc cầu thang xuống bên dưới nền đất khô cằn đầy đá sỏi. Những kẻ bạo gan hơn thì tiếp tục tò mò, bám vào thành cửa, họ không dám tin vào mắt mình. Đang ngồi giữa nhà chính là người thầy thuốc mà họ vô cùng tin tưởng, quý mến. Nhưng bộ dạng đó không phải người thầy thuốc với ánh mắt nhân từ, ân cần thường ngày, thay vào đó là một tấm thân nhuốm đầy máu tươi, trên sàn nhà là một người phụ nữ đã chết. Nhưng đó vẫn chưa phải cảnh tượng kinh khủng nhất. Người thầy thuốc đó trên tay đang cầm một quả tim người và nhe răng cắn xé, nhai một cách ngấu nghiến. Đôi mắt anh ta đỏ sọc, sau những nhát cắn, khóe miệng của hắn lại rỉ ra những giọt máu tươi rồi chảy tong tong xuống sàn nhà. Quả tim đó là quả tim của cô con gái đang nằm ngay bên dưới chân của hắn.

" Ăn... đi.... ăn.... tiếp... đi..."

" He... he... he... Nó... ngon... lắm.... phải... không...."

" Nhoàm... Nhoàm.... Nhoàm "

- - Phải rồi.... hi... hi... hi... nó.... rất ngon....

[.........]

" Uỳnh "

Một tiếng sấm nổ vang, cảm tưởng như cả ngôi nhà vừa khẽ rung chuyển. Mở trừng mắt, bốn xung quanh chỉ là một màu đen tối. Bên ngoài có lẽ trời sắp đổ mưa lớn, những ánh chớp lập lòe thi thoảng lại giật lên khiến ánh sáng len lỏi qua những khe hở của cánh cửa sổ lâu năm có phần ọp ẹp. Tất cả những chuyện vừa rồi chỉ là một giấc mơ. Không, nó không hẳn là mơ, bởi đó là những việc đã xảy ra trong quá khứ. Một quá khứ nghiệt ngã, đau thương tưởng chừng như chỉ có cái chết mới khiến cho người đàn ông này trút bỏ được gánh nặng. Một giấc mơ có thật, kéo dài dai dẳng suốt 30 năm qua.

" Cạch "

Khẽ mở cửa phòng vì thoáng nghe thấy tiếng động bên ngoài. Dưới ánh đèn dầu leo lắt, chủ nhà trọ cuống quýt xin lỗi:

- - Ấy chết, thầy Lương, có phải do tôi gây tiếng động khiến thầy không ngủ được phải không ạ...?

Ông Lương đáp:

- - Không phải do bác chủ đâu, tiếng sấm ban nãy to quá.

Chủ nhà trọ nói:

- - Dạ đúng rồi thầy, sấm động giữa đêm, trời bất chợt chuyển mưa lớn, không biết có xảy ra chuyện gì không...? Ban nãy tôi đi xem cái máng nước, sợ rác nó tắc, mưa lớn, nước không chảy đi được rồi lụt hết vào bên trong. À mà, cái cửa sổ phòng của thầy hơi cũ rồi, tiện thầy còn thức, để tôi lấy thanh gỗ chẹn lại cho chắc ăn. Kẻo đang ngủ mà bị gió thổi bung ra, bất tiện lắm.

Ông Lương đáp:

- - Vậy cảm phiền bác chủ.

Bước vào trong, chủ nhà trọ châm thêm ngọn đèn dầu trong phòng rồi lịch kịch chèn cửa. Vừa chèn ông vừa bắt chuyện:

- - Vậy là thầy Lương chỉ ở lại đây đêm nay nữa thôi phải không...? Cũng phải 3 năm rồi thầy mới quay lại đây đấy nhỉ...?

Ông Lương khẽ gật đầu:

- - Bác chủ vẫn còn nhớ quá nhỉ....? Ba năm trước mộ tổ nhà họ Nguyễn phát mộ kết, xuất hiện dây tơ hồng. Lúc đó gia chủ họ Nguyễn mời tôi về ban đầu chỉ là làm một cái lễ cầu siêu cho người cha mới mất. Ông ta ngỏ ý muốn đưa xác cha về mảnh đất xây mộ tổ để chôn cất. Nhưng khi đến đó xem tôi thấy không được, mộ kết, lại nằm ngay trên long mạch của làng. Nếu đào huyệt chôn ở đó, không cẩn thận, không chỉ họ Nguyễn lụi bại mà cả dân làng cũng phải chịu hậu quả về sau. Do vậy tôi có lời khuyên không nên chôn ông cụ tại đó, và đợi 3 năm sau mới được trùng tu, xây sửa lại mộ tổ..... Nay công việc cũng đã xong, trưa mai tôi đi có chút công chuyện ở chùa Thiên An rồi sẽ rời khỏi đây.

Chủ quán trọ đã chèn xong cửa, phủi phủi tay ông ta cười rồi nói:

- - Phải nhớ chứ ạ, tiếng tăm của thầy Lương khắp nơi ai mà không biết. Họ Nguyễn có thầy giúp đỡ thế này thì lại nở mày, nở mặt rồi. Nhưng được cái họ giàu mà cũng biết san sẻ lắm. Âu cũng là phúc đức gia tộc tích cóp để lại cho con cháu sau này. Tiện đây, nếu thầy không chê, trưa mai mời thầy về nhà tôi dùng bữa cơm. Cảm kích tấm lòng của thầy mà sau mấy năm mới dám ngỏ lời. Nói nhà tôi chắc thầy lạ vì tôi sống ở đây, nhưng đó là nhà vợ tôi. Khổ cũng hơn 40 tuổi rồi, cố lấy mụn con trai nên sinh xong, tôi đưa vợ về bên ngoại để bà chăm sóc. Nhà cũng ở gần chùa Thiên An thôi, thầy cứ đi công chuyện, khoảng mấy giờ xong tôi đến chùa đợi thầy.... Được không ạ.

Nhìn vẻ mặt phúc hậu của chủ quán trọ, cộng thêm lời mời chân thành, 3 năm trước cũng từng trọ tại đây, 3 năm sau gặp lại âu cũng là có duyên, ông Lương mỉm cười rồi gật đầu đồng ý.

Đêm đó trời mưa rất lớn, nhưng may thay đến sáng thì trời quang mây tạnh. Cơn mưa rào buổi đêm lại khiến cho không khí có phần mát mẻ, thoáng đãng hơn. Thịnh tình của chủ quán trọ còn được biểu hiện bằng việc, mới sáng sớm, chủ quán trọ đã pha trà, đem thêm một vài cái bánh nếp nhân đậu xanh lên tận phòng của ông Lương.

Ông Lương khẽ nói:

- - Như này bác chủ khiến tôi cảm thấy ngại quá, không có công sao dám nhận hậu đãi.

Chủ quán trọ vội xua tay:

- - Ấy chết, thầy đừng nói vậy....Chút đồ điểm tâm này đâu có là gì, chỉ là lòng thành của tôi đối với thầy thôi. Thầy dùng xong rồi sửa soạn còn lên chùa sớm chứ, mạn phép hỏi thầy, khoảng mấy giờ thì thầy xong việc ạ..?

Ông Lương trả lời:

- - Tôi lên đó cũng không lâu đâu, trước là thăm sư trụ trì, sau có một vài việc nhỏ. Chắc chỉ khoảng độ 10h sáng là tôi xong việc.

Chủ quán trọ vâng dạ rồi nói:

- - Vậy khi ấy tôi sẽ đứng đợi thầy ở đầu con đường đi vào chùa. Trà nóng, bánh nóng, thầy dùng đi ạ.

Ăn điểm tâm sáng xong, ông Lương sửa soạn đồ đạc rồi đi bộ đến chùa Thiên An. Cái thời mà dân còn không đủ ăn thì nói gì đến việc tu sửa, chăm lo cho đình chùa, miếu mạo. Trải qua những cuộc chiến tranh dai dẳng, nhiều ngôi chùa, ngôi đình bị thực dân Pháp tàn phá. Chùa Thiên An cũng không ngoại lệ, sau chiến tranh, dù đã được bà con giúp sức tu bổ, nhưng cũng chỉ phần nào. Cảnh quan của chùa rất đẹp và thanh tịnh, nhưng những khoảng sân, những bờ tường, hay thậm chí gian nhà chính của chùa cũng phải chắp vá, lụp xụp..... Nhưng điều đó không phải là nguyên nhân khiến thầy Lương lui đến chùa. Mà là, dù cho ngôi chùa có tiêu điều đến đâu thì đó vẫn là nơi mà sư trụ trì Thích Vạn Đức đang cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi, những đứa con bị lạc mất cha mẹ, hoặc cũng có thể cha mẹ chúng đã chết bởi những lý do nào đó mà chúng trở thành trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.

Bước vào chùa, ông Lương thấy người đang quét những chiếc lá rụng lả tả sau cơn mưa đêm qua chính là sư trụ trì. Khẽ cúi đầu, ông Lương nói:

- - Kính bạch thầy, đã lâu không gặp. Bạch thầy vẫn khỏe chứ.

Thoáng thấy tiếng người, sư trụ trì dừng tay lại rồi nhìn về phía ông Lương, nở một nụ cười hiền hậu, sư trụ trì đưa tay trước ngực rồi cúi đầu chào đáp lễ:

- - Thì ra là thí chủ, đã ba năm rồi mới thấy thí chủ quay lại vãn cảnh chùa. Mời thí chủ vào bên trong, bần tăng pha trà mời thí chủ.

Ông Lương kính cẩn rồi bước vào bên trong mái hiên của chùa, nhác thấy người lạ đến chùa, những cô bé, cậu bé mới chỉ khoảng chừng 5-6 tuổi len lén đứng sau cây cột trụ trong chùa nhìn ra bên ngoài. Rót trà vào hai cái chén đã cũ kỹ nhưng rất sạch sẽ, sư trụ trì khẽ nhìn bọn trẻ rồi mỉm cười nói:

- - Đã ba năm rồi, mấy đứa nhỏ giờ cũng đã lớn hơn trước. Ngày thí chủ đến đây lần đầu mấy đứa hãy còn nhỏ xíu, thí chủ lượng thứ nếu các con không nhận ra mặt ân nhân.... A di đà phật.

Ông Lương nói:

- - Bạch thầy đừng nói vậy, tất cả cũng là vì một chữ duyên. Giúp người mà đợi trả công thì không còn là giúp người nữa. Thật may mắn khi đến đây, thấy bạch thầy và bọn trẻ vẫn khỏe mạnh.

Sư trụ trì nhìn ông Lương, thoáng buồn, nhà sư tiếp:

- - Chẳng hay cuộc sống ba năm qua của thí chủ đã gặp phải nhiều khó khăn, biến cố...?

Ông Lương hỏi lại:

- - Sao bạch thầy lại hỏi vậy...?

Nhà sư đáp:

- - Chỉ ba năm mà thí chủ đã già đi trông thấy, đuôi mắt, vầng trán, tất cả đã xuất hiện thêm nhiều nếp nhăn.

Ông Lương cười:

- - Ha ha ha, ra là vậy..... Bạch thầy đừng lo, công việc của tôi vốn dĩ đã như vậy. Thôi, không dài dòng nữa, tôi đến đây hôm nay là muốn đưa cho thầy thứ này.

Dứt lời, ông Lương lấy tay nải mở ra, cầm lấy cái bọc nhỏ bằng nắm tay được làm tử vải đen. Ông Lương đặt xuống mặt rồi nói:

- - Mong bạch thầy nhận lấy số tiền này để trang trải cuộc sống.

Sư trụ trì mở cái túi ra, nhà sư vội đặt xuống rồi xua tay từ chối:

- - Nhiều tiền quá, cảm ơn lòng tốt của thí chủ. Ba năm trước, nhờ thí chủ mà các con vượt qua được cảnh đói khát, ơn đức của thí chủ với các con và nhà chùa cao tựa mây xanh. Còn chưa trả được ơn làm sao nhà chùa dám nhận tiếp.

Ông Lương mỉm cười:

- - Ban nãy tôi đã nói với bạch thầy, giúp người đâu cần đến chuyện đền ơn. Bạch thầy yên tâm, những đồng tiền này đều là tiền chân chính, không phải cướp bóc, dối lừa của ai. Bọn trẻ cần phải ăn uống, nhà chùa cũng đâu dư dả gì, mọi người cần số tiền này hơn tôi. Bạch thầy có thể không biết, nhưng ba năm trước tôi đến mảnh đất này, duyên số đã đưa tôi đến chùa Thiên An kịp lúc. Và ba năm sau, tôi có việc phải quay lại đây, tất cả những điều đó như một sự sắp đặt của ông trời. Tôi, bạch thầy và bọn trẻ, có một sợi dây nào đó gắn kết chúng ta lại với nhau, đó là số trời. Bạch thầy từ chối há chẳng phải muốn trái lệnh trời hay sao. Hơn nữa số tiền này là để dành cho bọn trẻ, những người như chúng ta tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, mong bạch thầy suy nghĩ những điều tôi vừa nói và nhận cho.

Bên trong chùa, bọn trẻ không còn thấy lạ nữa, từng đứa, từng đứa bước ra cửa rồi nhìn ông Lương bằng những cặp mắt long lanh, ngây thơ, non dại. Nhìn những bộ quần áo rách phải chắp vá những miếng vá nham nhở, nhưng nụ cười của bọn chúng lại tươi sáng và vô cùng hồn nhiên. Ban nãy sư trụ trì có nói sau ba năm ông Lương đã già đi nhiều, nhưng nhà sư quên mất rằng, bản thân nhà sư cũng đã gầy đi quá nhiều so với ba năm trước, đôi gò má hốc hác, tuy ánh mắt của nhà sư vẫn đầy nhân từ, hiền hậu nhưng nhiêu đó cũng không thể thay đổi sự thật, cuộc sống của họ vẫn còn nhiều nỗi trăn trở.

Sư trụ trì rơi nước mắt khi nhìn đám trẻ, nhà sư chắp hai tay trước ngực rồi cúi đầu:

- - A di đà phật, cảm tạ công đức của thí chủ. A di đà phật.

Ông Lương cũng chắp tay, cúi đầu đáp lễ........ Công việc mà ông Lương nói với chủ quán trọ cần lên chùa Thiên An chính là đem toàn bộ số tiền ông được trả công sau khi giúp họ Nguyễn phát mộ kết để công đức, cứu tế cho nhà chùa.

Trước khi rời đi, ông Lương có nói thêm với sư trụ trì:

- - Sau này tôi sẽ không trở lại đây nữa, công việc của tôi ở đây đã hoàn thành. Tôi cũng có một giao kèo với họ Nguyễn, nếu như trong vòng 1 năm tới mà đại sự hanh thông, họ Nguyễn ăn lên làm ra, thì khi đó chỉ mong họ trích một phần nhỏ để công đức cho chùa. Đó cũng là điều cuối cùng tôi có thể giúp cho bọn trẻ và nhà chùa...... Chào bạch thầy, tôi đi.

Ông Lương rời khỏi chùa Thiên An, bọn trẻ đứng bám lấy chân của sư trụ trì, chúng hỏi nhà sư:

- - Ông lão đó là ai vậy, thưa thầy...?

Nhà sư chắp tay cúi đầu tiễn bước ông Lương rồi khẽ trả lời:

- - Ông ấy là một người Trung Quốc, nhưng dành phần lớn cuộc đời ngao du khắp nơi trên đất nước của chúng ta. Cũng là ân nhân của các con, ông ta tên là Lương..... Người đời gọi ông ta bằng cái tên quen thuộc, thầy Tàu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.