Mắt Bão

Chương 27: Thỏa hiệp




Type: Dung

Giản Lam không quên lời dặn của Chu Nham Quang, đưa tôi về bệnh viện trong vòng một tiếng. Đáng tiếc bãi xe tầng hầm đã kín chỗ, cô đành cho xe chạy ra bãi đỗ xe lộ thiên, sau đó thò người ra hàng ghế sau lục lọi túi xách, cố gắng tìm ô.

“Mình chắc chắn có mang theo mà.” Cô ấy không ngừng lẩm bẩm, nhưng không tìm ra. Dưới tình thế cấp bách, Giản Lam cau chặt chân mày, kéo thẳng giỏ xách lên đùi, vùi đầu tìm kiếm.

Đúng lúc này điện thoại trọng túi áo rung lên, tôi lấy ra xem, một dãy số xa lạ gọi đến. Tôi bắt máy: “Xin chào”.

“Cô Ngụy.” Tôi gần như sắp quên mất giọng người đàn ông đầu bên kia, “Tôi là Tiêu Minh”.

Ngơ ngác một chốc, bên tai tôi nhất thời chỉ còn lại tiếng mưa rơi dần rõ ngoài cửa xe.

“Sếp Tiêu.” Tôi nói.

Qua kính chiếu hậu, tôi thấy Giản Lam dừng tay lại nhìn tôi, thất thần trong phút chốc. Tiêu Minh bên kia điện thoại lại cất lời: “Nghe nói cô đang nằm viện, hiện giờ sức khỏe đã khá hơn chưa?”.

Không tài nào nghe được tâm trạng của anh ta qua giọng nói bình thản kia, tôi lười ứng phó, khẽ chớp mắt rồi nói cho có lệ: “Không có gì đáng ngại nữa, cảm ơn sếp đã quan tâm”.

Anh ta thong dong “ừ” một tiếng, không chịu mau chóng kết thúc cuộc gọi như tôi mong đợi mà chuyển sang một câu hỏi khác: “Bác sĩ điều trị cho cô là Chu Nham Quang à?”.

Không chỉ biết tôi nằm viện, còn biết rõ bác sĩ điều trị cho tôi là ai nữa. Tôi không khỏi bắt đầu hoài nghi trong lúc tôi hôn mê, Tần Sâm đã từng trao đổi bí mật gì đó với anh ta! Điều này khiến tôi cảm thấy bực bội, vì thế tôi cau mày, có phần không khống chế được giọng điệu của mình: “Đúng vậy, là bác sĩ Chu”.

Giản Lam lại liếc nhìn tôi qua kính chiếu hậu, nhưng tay vẫn kiên nhẫn tìm kiếm chiếc ô của cô ấy.

“Vậy có thể mời em gái của anh ta kiểm tra não bộ giúp cô đấy. Vết thương trên trán cô trông rất nghiêm trọng, nhưng nấn ná mãi không chịu đi bệnh viện.” Tiêu Minh không hề bị sự biến đổi tâm trạng của tôi ảnh hưởng, ít ra giọng điệu của anh ta vẫn thong thả, lạnh nhạt, “Hai anh em họ đều làm bác sĩ ở bệnh viện kia, nhưng không cùng khoa. Em gái của Chu Nham Quang là bác sĩ khoa Nội thần kinh, hai năm trước bị bắt cóc từng được anh Tần cứu mạng. Họ sẽ rất vui lòng giúp đỡ cô”.

Đây chính là nguyên nhân bác sĩ Chu Nham Quang có thái độ lạ lùng sao?

Cảm giác lo âu quái lạ nảy sinh, lồng ngực tôi hơi khó chịu, không muốn tiếp tục đề tài này với anh ta nữa, liền lạnh mặt nhìn cần gạt nước gạt qua gạt lại trên kính chắn gió: “Tôi biết rồi”.

Nhưng chiều hướng phát triển của câu chuyện lại thường không như mong muốn.

“Nói đến chuyên gia khoa Nội thần kinh...” Lần thứ hai anh ta nhắc đến từ này khiến thần kinh tôi căng đau. Tốc độ nói chuyện của anh ta khá ung dung, từng âm tiết đều thấm đẫm vẻ bình tĩnh gần như lạnh lùng của anh ta, “Ba năm trước sau khi hai người rời khỏi thành phố X không lâu, có một chuyên gia khoa Nội thần kinh đến từ nước Mỹ được tòa án nhân dân tỉnh tuyên bố mất tích. Khi ấy Tổ chuyên án chúng tôi đang điều tra một vụ trọng án, gã là nghi phạm chúng tôi nhắm tới. Theo tôi được biết, chuyên gia khoa Nội thần kinh này là bạn học thời đại học của anh Tần”.

Một gương mặt mơ hồ dập dờn hiện lên trước mặt tôi. Trong khoảnh khắc nào đó, tôi như thể thấy được đôi mắt hung ác của gã phản chiếu ngọn lửa bùng cháy và ý cười điên cuồng. Tôi ngồi cứng đờ trên ghế lái phụ, thoáng chốc toàn thân lạnh buốt.

“Gã tên là Sanchez Harris, cô đã nghe anh Tần nhắc đến bao giờ chưa?” Giọng Tiêu Minh truyền qua điện thoại.

Nỗi sợ hãi đã bóp chặt cổ tôi, trong phút ngạt thở ngắn ngủi, tôi bỗng nhận ra ý đồ của anh ta, anh ta đang thăm dò tôi. Anh ta có đủ cơ hội tự mình hỏi Tần Sâm, nhưng anh ta lại hỏi tôi.

Trong phút phân tâm, cửa sổ xe bên tôi đột ngột bị gõ vang. Tôi quay đầu sang, đúng lúc nhìn thấy đôi mắt sâu hút của Tần Sâm. Anh khom người đứng bên cạnh cửa xe, trong tay cầm một chiếc ô màu xanh đen thật to, vẻ mặt đã bị màn nước trên xe làm mờ. Tôi chú ý thấy anh đã thay chiếc áo hoodie xám rộng rãi và quần jeans, trông rất trẻ trung. Dáng vẻ này khiến tôi nhớ đến khoảng thời gian chúng tôi cùng nhau đi du lịch ngày trước. Bình thường Tần Sâm luôn ăn mặc nghiêm trang, đến ngày nghỉ lại hết sức tùy ý, tính tình trẻ con càng biểu hiện rõ rệt.

Khoảnh khắc nhìn vào mắt anh, tôi đã tỉnh táo lại, buông tay phải đang nắm lấy điện thoại di động xuống, cúp máy.

Giản Lam hạ cửa kính xuống, giọng anh truyền vào xe trước tiên, sau đó mới là không khí lành lạnh và mùi bùn đất ẩm ướt bên ngoài: “Tôi đến đón Ngụy Lâm”.

Khi nói câu này, vẻ mặt anh khá hờ hững, đôi mắt đen láy sáng rõ, nhưng ánh mắt nhìn Giản Lam lại chẳng mảy may che giấu vẻ lạnh nhạt và cảnh giác. Trông trạng thái tinh thần anh rất tốt, nhưng quầng thâm dưới mắt lại đậm hơn vài phần so với lúc trước, có thể thấy chất lượng giấc ngủ của anh vẫn tệ như cũ.

Giản Lam cũng không ra vẻ hòa nhã gì với anh.

“Chờ tôi tìm ô đã, tôi đi vào với hai người.” Giọng cô ấy rất bực bội, chỉ liếc mắt nhìn anh rồi quay đầu tiếp tục tìm kiếm túi xách, động tác trở nên thô lỗ hơn, ra sức kéo banh miệng túi như đang phanh thây mổ bụng kẻ thù.

“Không cần đâu, cảm ơn ý tốt của cô.” Tần Sâm không để ý đến biến chuyển tâm trạng của Giản Lam, dửng dưng từ chối, còn không quên ‘tốt bụng’ nhắc nhở: “ Tôi nhớ ba giờ cô còn phải về đài truyền hình quay chương trình”.

Ngừng lại hành động nóng nảy, Giản Lam nhìn lướt qua đồng hồ trên xe. Mắt cô ấy vẫn còn hoen đỏ, lồng ngực cũng vì kiềm chế tâm trạng mà phập phồng kịch liệt, qua một lúc lâu mới quay mặt nhìn về phía tôi, dường như có điều muốn nói.

“Mình sẽ đến thăm cậu sau.” Cuối cùng cô ấy nói.

Tôi bèn chào tạm biệt cô ấy qua quýt rồi xuống xe. Lúc tôi mở cửa xe ra, Tần Sâm đã đưa tay nắm lấy cánh tay tôi. Anh nắm rất mạnh, vẻ mặt căng thẳng, quai hàm bạnh ra vì hàm răng nghiến chặt. Trong khoảnh khắc ấy, tôi cứ tưởng anh muốn lôi thẳng tôi ra xe luôn nữa kia. Nhưng anh đã kiềm chế nỗi kích động, chỉ nắm chặt bờ vai tôi, như thể làm vậy để phòng ngừa tôi đổi ý chui vào trong xe vậy.

Chờ khi tôi ra khỏi xe hẳn, anh liền dang rộng cánh tay choàng qua vai tôi, bàn tay cầm ô chuyển sang phía tôi, tránh nước mưa rơi vào tay trái tôi. Không nói gì với Giản Lam nữa, Tần Sâm hiên ngang ôm tôi sải bước đi thẳng vào khu nội trú. Cơn mưa tầm tã, tuy chỉ che ô đi quãng đường hai trăm mét, nhưng ống quần đã ướt đẫm.

Anh im lìm dẫn tôi đi thang máy lên tầng, không hỏi tôi vừa nghe điện thoại của ai, cũng không định cãi nhau với tôi ở nơi đông người. Tôi dựa vào người anh, cảm nhận nhịp tim anh dần bình ổn.

Sau khi trở vào phòng bệnh, tôi ngồi xuống giường, đưa tay với lấy túi ni-lông trên tủ đầu giường, định thay quần áo. Một tay hành động không tiện, tôi định ấn chuông gọi y tá đến giúp, lại thấy Tần Sâm buông ô xuống, đi thẳng đến trước mặt tôi, ngồi xuống thay giày cho tôi.

Tôi ngây ngẩn, lúc ngộ ra thì có nỗi xung động khiến tôi muốn rút chân lại né tránh tay anh.

Chuyện này quá khác thường, mấy năm nay đều là tôi chăm sóc anh, bỗng thay đổi vị trí khiến tôi không thể thích ứng, đến nỗi có chút cảm giác khủng hoảng và phẫn nộ thoáng qua. Tần Sâm cũng chú ý đến vẻ cứng ngắc của tôi, đáng tiếc việc này không ảnh hưởng đến anh. Anh cởi giày giúp tôi, sau đó thẳng lưng lên cởi dây nịt và nút quần jeans, kéo khóa kéo cho tôi. Suốt quá trình anh đều nhíu mày, vẻ mặt nghiêm túc và bình tĩnh.

Anh đứng dậy ra hiệu cho tôi: “Đứng lên đi”.

Tôi biết anh muốn cởi quần giúp tôi. Cảm giác này rất quái dị, cứ như tôi biến thành một đứa trẻ không có năng lực tự lo liệu cuộc sống vậy. Tiếp theo tôi lại nghĩ đến, ba năm nay anh cũng sống như vậy. Vì thế tôi đứng dậy, để anh cởi quần dài ra rồi ngồi lại xuống giường. Anh giũ chiếc quần ngủ của tôi ra rồi ngồi xuống xỏ ống quần vào chân tôi. Tôi đứng dậy lần nữa, để anh kéo lên eo giúp tôi.

Sau khi cởi áo ra, tôi giơ tay phải ôm lấy cánh tay trái, chờ anh mặc áo ngủ cho tôi như vừa rồi. Không khí se lạnh, lúc đầu thấy cánh tay tôi sởn da gà, tôi cũng đồng thời cảm giác được phản ứng sinh lý sinh ra từ lồng ngực. Dù có mặc áo lót vẫn khiến tôi gượng gạo, nhất là khi ánh mắt Tần Sâm nhìn lướt qua thân thể tôi, tôi sẽ không kiềm được căng thẳng. 

Mấy năm nay, hoàn toàn không có chuyện tôi không mặc quần áo dưới ánh đèn sáng rực vào lúc anh tỉnh táo như vậy. Tôi cảm thấy không quen, còn mất tự nhiên nữa. Tôi biết thật ra tôi có thể nói là tự mình mặc được, có điều bây giờ làm thế quá dư thừa, chỉ càng khiến tôi lúng túng hơn thôi. May mà Tần Sâm vẫn bình thản, nhanh chóng mặc quần áo cho tôi.

Tôi nằm xuống giường, khẽ thở phào. Bác sĩ Chu Nham Quang rất biết canh giờ đến gõ cửa phòng, kiểm tra tình trạng tay trái cho tôi, lại bật đèn soi bên giường rồi rời đi. Suốt quá trình ấy Tần Sâm vẫn đứng yên bên giường bệnh, hơi cúi mắt lạnh nhạt nhìn chằm chằm tay trái tôi. Ngoại trừ gật đầu vài cái tỏ vẻ đã nghe, họ gần như không có trao đổi gì.

“Chu Nham Quang, một giờ trước bọn anh đã gặp nhau.” Đến lúc Chu Nham Quang rời khỏi phòng bệnh, Tần Sâm mới ngồi xuống chiếc ghế dựa cạnh giường, chủ động giới thiệu, “Hai năm trước anh giúp anh ta tìm được cô em gái mất tích, sau đó bọn anh luôn giữ liên lạc với nhau”. Anh thoáng dừng lại, vẻ mặt vẫn tẻ ngắt, “Trước kia anh có rất nhiều tay trong, em biết anh không thể nào giới thiệu từng người một cho em biết mà”.

“Ừ.” Tôi đáp có lệ, nghiêng mặt qua quan sát chiếc đèn soi kia. 

Tần Sâm lặng thinh một hồi. Anh không ngồi hơi cong lưng như ngày thường, cũng không thẳng lưng giống như xưa, chỉ cố dựa vào lưng ghế dựa, hai chân duỗi ra trước chống đỡ thân mình.

“Anh nghĩ kỹ rồi.” Một lúc lâu, anh mới lên tiếng lại, “Về chuyện muốn một đứa con nữa ấy”.

Tôi ngước mắt nhìn anh, anh vẫn nhìn tôi, vẻ mặt bình lặng. Từ lúc tôi biết anh đến nay, rất hiếm khi thấy anh nhìn tôi bằng vẻ mặt này. Bình thường khi nhìn tôi, anh luôn lơ đãng lộ ra một biểu cảm nhỏ bé hoặc một sự thay đổi trong ánh mắt ẩn chứa tình cảm của mình. 

“Em biết sao ba năm nay bệnh anh không khá hơn không?” Anh nói với giọng vừa phải, đôi môi khẽ hé, đôi mắt bị hàng mi dày và dài che đi hơn phân nửa phản chiếu bóng dáng tôi, đáy mắt tối tăm giấu đi tất cả cảm xúc, “Một mặt là trong lúc trị liệu bằng thuốc anh không kết hợp trị liệu tâm lý, mặt khác là anh không bao giờ uống thuốc theo liều bác sĩ đã cho. Anh biết rất rõ những thứ thuốc kia sẽ gây nên thương tổn gì cho sức khỏe của anh. Nếu hoàn toàn dựa vào thuốc sẽ không thể nào khỏi hẳn, anh không thể để tình trạng thân thể mình ngày càng sa sút, khiến em thêm gánh nặng nữa”.

Tôi mệt mỏi nhìn anh: “Nên anh đổ hết thuốc đi à?”.

“Không phải mỗi lần đều đổ. Thỉnh thoảng cũng sẽ uống, nhưng uống rất ít. Lúc anh cảm thấy cần tỉnh táo, anh sẽ thử tăng liều thuốc.” Anh giải thích với vẻ điềm tĩnh, giọng điệu cũng bình thản, “Sự thật chứng minh, trị liệu bằng thuốc vẫn có tác dụng nhất định. Ít ra có thể giúp anh giữ tỉnh táo trong thời gian ngắn”.

Cuối cùng anh đã giải thích nguyên nhân cho tôi biết tại sao trong khoảng thời gian này anh thường giữ được tỉnh táo. Trước kia cũng có đôi lần tôi phát hiện anh lén đổ thuốc đi, nhưng không ngờ anh còn biết tự mình khống chế lượng thuốc nữa.

“Chuyện này có liên quan gì đến con cái?” Tôi hỏi anh.

Đi ra ngoài một chuyến đã khiến tôi mệt mỏi bội phần, hiện giờ tôi chỉ mong anh mau chóng nói đến vấn đề trọng điểm để tôi có thể ngủ một giấc. 

“Nếu em lại muốn một đứa con...” Có lẽ phát giác ra tôi không kiên nhẫn nổi nữa, cuối cùng anh cũng đi thẳng vào vấn đề, “Như vậy đứa bé sẽ cần một.... hoàn cảnh gia đình tương đối bình thường”. Anh ngập ngừng lựa chọn từ, cụp mi giơ tay lên che đi mắt và mũi giây lát, mới thả tay xuống ngẩng đầu đón nhận ánh mắt tôi, nói tiếp, “Nói cách khác, anh phải uống thuốc đúng liều, mà việc này sẽ gây ra ảnh hưởng đến cơ thể anh. Anh có thể sẽ béo phì, thường xuyên cảm thấy buồn nôn, thích ngủ, tụt huyết áp, tăng đường huyết, thường xuyên chảy dãi dính đầy áo như trẻ con... Nghiêm trọng hơn còn có thể bị thiếu bạch cầu hoặc mắc bệnh gì khác. Đến lúc đó, anh có thể giữ được tỉnh táo trong hầu hết tình huống nhưng em không chỉ phải chăm sóc cho con, còn phải chăm sóc cho người bệnh là anh”.

Tôi không nhịn được bật cười: “Đây chính là cái cớ anh tìm được à?”.

“Không.” Ngoài dự liệu của tôi, anh cau mày phủ nhận, trấn tĩnh nhìn xoáy vào mắt tôi: “Anh biết em có lòng tin đồng thời chăm sóc tốt cho một lớn một nhỏ. Vì vậy anh cảm thấy nếu có một đứa con nữa cũng không thành vấn đề.

Vẻ mặt tôi ắt hẳn rất hoang mang. 

Tần Sâm im lặng quan sát vẻ mặt tôi rồi mới thong dong bổ sung: “Nhưng anh muốn em đồng ý với anh hai việc”.

“Việc gì?”

“Cho dù em có thể chăm sóc anh và con, cũng không chứng tỏ em sẽ sống nhẹ nhàng.” Anh liếc nhìn tay trái của tôi, hai giây sau ánh mắt lại dời lên mặt tôi, “Vì vậy em phải hứa với anh, em không thể tự làm tổn thương mình nữa. Điều đó sẽ khiến cho cuộc sống gia đình chúng ta thêm khó khăn”.

“Có thể.” Ngẫm nghĩ chốc lát, tôi đồng ý, “Điều thứ hai thì sao?”.

Theo thói quen, mười ngón tay anh đan vào nhau, chăm chú nhìn vào mặt tôi cả nửa phút, cuối cùng mới mở miệng: “Bất kể xảy ra chuyện gì, em cũng không thể rời khỏi anh”.

Tôi ngả người nằm trên giường bệnh nhìn anh hồi lâu, không hiểu anh muốn biểu đạt điều gì.

“Chẳng phải ba năm trước em đã đáp ứng anh chuyện này rồi.” Tôi nhắc nhở.

Vẻ mặt anh vẫn nghiêm trang không hề thay đổi, hệt như điều kiện quái gở này của anh: “Cam đoan thêm lần nữa sẽ khiến anh vững lòng hơn”.

Tôi nhìn anh, nhất thời im lặng. Có lẽ anh hiểu rõ hơn tôi, chúng tôi hoàn toàn không thể bắt đầu lại lần nữa, dù có thêm một đứa con cũng không thể nào. Nhưng tôi vẫn nhoẻn môi, nở một nụ cười với anh: “Em cam đoan”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.