Mật Ba Dao

Chương 2




Lúc ra khỏi bệnh viện đã là mười giờ tối. Bác sĩ thậm chí còn không kê đơn thuốc cho cô, chỉ dùng băng y tế dán lên trán và tai của cô để che kín miệng vết thương. Người bác sĩ với mái tóc bạch kim rất đẹp nói với cô rằng thời gian sẽ chữa lành vết thương cơ thể cho cô.

Phú Tiểu Cảnh chỉ cảm thấy người như không phải của mình, cũng chẳng còn sức đi tới trạm tàu điện ngầm. Bị cướp lần nữa không có ai cứu cô.

Đi ra cửa bệnh viện, cô lên một chiếc Ford Victoria Crown.

Đây là lần đầu tiên cô đi taxi ở Mỹ, tài xế là người gốc Ấn, nói nhiều không tưởng.

“Tôi đoán cô là người Trung Quốc.”

“Ông thật thông minh.”

Sau khi biết cô mới bị cướp, người tài xế nói liên tiếp cầu Chúa phù hộ cho cô.

“Cô có phải là người theo đạo Cơ đốc không?”

“Không.”

“Vậy cầu Marx phù hộ cô. Đừng lo, tôi không có thành kiến gì với người vô thần.” Người tài xế cho rằng Phú Tiểu Cảnh tin vào chủ nghĩa cộng sản, tự đổi Chúa thành Marx theo ý ông.

Phú Tiểu Cảnh đành phải nói cảm ơn.

Trên đường đi, người tài xế phàn nàn với cô là giấy phép lái xe taxi ngày càng đắt đỏ, bây giờ đã lên đến hơn 800.000 đô la. Nếu trước kia ông ấy chịu mua giấy phép thay vì trái phiếu Lehman thì tiền kia không bị mất vô ích; đám người khốn kiếp trên phố Wall gây ra khủng hoảng kinh tế mà không đứa nào phải vào tù, bây giờ lại càng ngày càng khá lên thì đúng là phi lý.

Phú Tiểu Cảnh vừa phụ họa vừa gấp chiếc áo khoác; nhãn hiệu trên cổ áo khoác đã chuyển thành màu trắng; không biết đã có từ tám hay mười năm trước, ba chục năm cũng không chừng, không biết là từ tiệm đồ second hand nào đào ra. Anh ta ném áo khoác cho cô là không cần nữa sao?

Thời tiết NewYork âm mười mấy độ, chỉ có áo khoác đơn chắc hẳn rất lạnh.

“Người Trung Quốc chắc hẳn không có khủng hoảng tài chính!”

“Khủng hoảng toàn cầu mà, nhưng không nghiêm trọng như Mỹ.”

“Xã hội chủ nghĩa cũng có khủng hoảng kinh tế?”

“…”

Năm 2008, khủng hoảng kinh tế lan tràn trong nước, hàng loạt nhà máy xuất khẩu sụp đổ, các nhà máy nhỏ cũng không may mắn thoát khỏi.

Tay Phú Tiểu Cảnh không rảnh rỗi, gấp xong áo khoác thì cô lại dùng băng dính dán đoạn dây da của túi tote.

Đây là cái túi mà cô mang lâu nhất. Từ nhỏ tới lớn, dù lúc giàu hay nghèo, cô chưa bao giờ thiếu túi xách, lúc tiểu học, năm ngày trong tuần là cặp sách của cô không bao giờ trùng lặp; sinh nhật bạn học, cô tặng túi xách là nhiều nhất.

Gia đình cô làm túi da xuất khẩu. Một nhà máy nhỏ với mấy chục nhân viên dĩ nhiên không đủ khả năng thuê nhà thiết kế, mẫu mã đều sao chép lại.

Khi cô học đại học, Phú Văn Ngọc tặng cô một túi xách có logo 2 chữ C lồng nhau*, nói với cô rằng: “Đừng xách mấy cái túi của nhà làm nữa, đeo ra ngoài mất mặt.” (Logo Chanel)

Phú Tiểu Cảnh lúc đó còn chưa tròn 17 tuổi, cô không đồng ý với lời của mẹ. Chiếc túi đó chẳng bao lâu sau đã bị cô bán đi, lấy tiền đó dẫn bọn trẻ con đi ăn vịt nướng.

Ba năm đầu đại học, cô chưa bao giờ phải lo lắng về tiền bạc, kể cả khi nhà máy sụp đổ, Phú Văn Ngọc phải đi bán bảo hiểm, bà vẫn gửi cho cô 3.000 tệ mỗi tháng chi phí sinh hoạt, quần áo, giày, mỹ phẩm, dưỡng da, ngay cả vớ cô cũng không phải tự mua.

Đến khi cô phát hiện gia đình mình không còn như hôm qua nữa thì nhà máy dã đóng cửa hơn một năm.

Chiếc taxi màu vàng cuối cùng cũng dừng lại ở một chung cư tầm trung trên đường 110.

4 tháng trước, cô chuyển từ Harlem đến Upper West Side, những thanh niên tình nguyện đưa cô về nhà nhiều hơn, nhưng cô không bao giờ chủ động mời ai lên nhà ngồi chơi.

Phú Tiểu Cảnh lấy thẻ tín dụng ra để thanh toán, trên giao diện thanh toán hiện lên 3 mục tùy chọn tiền tip: 20%, 25%, 30%. Nếu không sợ bị đánh thì cô muốn chỉnh thành 10% hoặc thấp hơn. Cuối cùng cô chọn 30%, hy vọng số tiền ít ỏi này sẽ giúp người tài xế cay đắng mùi đời này có thể vui hơn một chút vào đêm giao thừa.

Người tài xế mỉm cười rạng rỡ với cô, lại cầu Marx phù hộ cho cô lần nữa.

Thang máy dừng ở tầng 17.

Phú Tiểu Cảnh cầm tờ New York Times vừa lấy trong hộp thư ra, cứng đờ người đứng nơi cửa, không khí tràn đầy hormone những người trẻ tuổi phả ra qua khe cửa. Trong phòng khách đang mở tiệc.

Cô vén phần tóc dài sau tai ra, kéo về trước để che vết thương, lấy khẩu trang trong túi ra đeo lên che kín miệng mũi. Sau khi hít một hơi thật sâu, Phú Tiểu Cảnh mở cửa.

Bên trong còn tưng bừng hơn so với cô tưởng. Lò sưởi được mở với nhiệt độ rất cao, vừa bước vào cửa cô đã đổ mồ hôi, mấy cô gái đều mặc váy, ngắn dài khác nhau, mấy thanh niên mặc đồ khác lạ.

Đầu đĩa CD đang phát bản nhạc thịnh hành nhất, âm thanh tiếng đếm của mọi người còn lớn hơn cả tiếng nhạc.

Nhân vật chính của buổi tiệc hôm nay đang hôn nhau giữa sự ồn ào của đám đông, một số người đang đếm giây đồng hồ, không ai chú ý đến sự xuất hiện của cô.

Bước chân Phú Tiểu Cảnh vô cùng nhẹ nhàng, sợ làm mọi người chú ý.

Ở giây thứ 85, Phú Tiểu Cảnh bước đến giữa phòng khách, nhân vật nữ chính của cảnh hôn đó nhìn cô, “Tiểu Cảnh, cậu về rồi à?”. Hứa Vi mặc một chiếc váy dài hồng nhạt, một khoảng da hở giữa tay và cổ lộ ra lóa mắt.

Đám trai gái bên đó rõ ràng thấy không vui, “Sao cậu lại dừng sớm như vậy? La Dương, cậu không được à.”

Không khí trong nháy mắt đông cứng lại, nam chính La Dương nhìn cô với ánh mắt phức tạp. Mắt Phú Tiểu Cảnh dán chặt vào cổ anh ta, giày cô như bị dính keo 502, không thể đi được bước nào.

La Dương không nghèo đến nỗi không mua nổi cái cà vạt khác để đeo, nguyên nhân duy nhất có thể là anh ta quên đó là cà vạt do Phú Tiểu Cảnh đưa.

Giá của cái cà vạt đó vừa đủ để mua một máy in lazer trắng đen. Cái máy in phun của cô đã quá cũ, không thể sử dụng được, cô thực sự muốn lấy cái cà vạt trên cổ anh ta xuống, cô cần một cái máy in mới biết bao nhiêu.

Cô lắc đầu định thần lại, cười tự giễu dưới lớp khẩu trang, “Xin lỗi, làm phiền, mọi người tiếp tục, tiếp tục…”

Dứt lời, cô lẩn vào phòng mình tựa như trốn.

Dựa vào cửa, hít sâu.

Tiếng ồn ào ngoài cửa lại tiếp tục, sau đó lại bị tiếng nhạc bao trùm lên.

Đầu Phú Tiểu Cảnh tựa lên cửa, cơ thể không khống chế được mà trượt xuống đất. Cô vùi mặt vào chiếc áo khoác đen cũ kỹ, sau đó ngẩng đầu lên, hít mũi, lấy tờ NewYork Times ra lau vội lên áo khoác.

ăn phòng rất nhỏ, chiếc giường đơn hẹp chiếm một phần ba không gian. Phú Tiểu Cảnh bước tới bàn làm việc cạnh cửa sổ, lấy chai Vodka nhãn đen trong túi ra. Người đàn ông đó thật nghĩa khí, cô chỉ dám mua cho mình chai Vodka nhãn đỏ. Bằng lái xe nằm cạnh đèn bàn. Nếu không có La Dương, có lẽ cô đã không thi lấy bằng lái xe của Mỹ… (Vodka nhãn đỏ tầm 260k VNĐ, Vodka nhãn đen tầm 400k VNĐ)

Rât lâu sau có tiếng gõ cửa, là Hứa Vi, bạn cùng nhà với cô, cũng là nữ chính của cảnh hôn vừa rồi.

“Tiểu Cảnh, sao hôm nay về sớm vậy? La Dương nhận được offer của Goldman Sachs. Anh ấy mời champagne, ra ngoài uống một ly đi.”

“Thay tôi chúc mừng anh ấy.” Nói xong cô ngáp một tiếng rất to, “Nhưng tôi mệt quá, nằm lên giường rồi không muốn dậy. Mọi người chơi vui vẻ đi.”

“Ngày hôm nay quan trọng thế này mà sao cậu lại đi ngủ sớm thế?”

“Hôm qua tôi mất ngủ, đau đầu kinh khủng.”

“Có cần tôi vặn nhỏ tiếng lại không?”

“Đừng lo, bây giờ có xe lửa chạy bên cạnh tôi cũng ngủ được.”

“Chúng tôi có thuê một biệt thự trên Long Island tổ chức tiệc tân niên. Ngày mai có muốn đi chơi cùng không, có rất nhiều bạn bè đấy.”

“À, không may là tôi có hẹn vào ngày mai rồi.”

Từ lầu 17 nhìn ra ngoài, thấp thoáng vài ngôi sao trong màn đêm xám xịt, quá mức thưa thớt, không đủ gợi lên nỗi nhớ nhà.

Phú Tiểu Cảnh ngồi dựa vào bàn làm việc, hai tay ôm một chiếc ly sứ, gương mặt cô phản chiếu trong tấm kính cửa sổ nhỏ, cô hà một hơi ra cửa sổ, gương mặt cô mờ dần đi. Nói ngắn gọn là cô đã uống một ly Screw driver không chính tông, Vodka với nước cam tỉ lệ 1:1 vẫn ngọt đến ghê răng.

Hứa Vi đúng kiểu “Cục cưng”, không chỉ có vẻ ngoài ngọt ngào mà còn có giọng nói ngọt ngào, ngay cả nước hoa cũng là Miss Dior ngọt lịm. Cô ấy hào phóng thuê một căn hộ ba phòng ngủ, phòng ngủ chính do cô sử dụng, một phòng ngủ phụ làm phòng để quần áo, phòng ngủ nhỏ nhất cho Phú Tiểu Cảnh thuê lại. “Cục cưng” nhát gan không dám ở một mình.

Duyên phận của Hứa Vi và La Dương trong ý nghĩa nào đó là do Phú Tiểu Cảnh thúc đẩy.

Ban đầu La Dương hẹn hò với Phú Tiểu Cảnh, anh ta chủ động ngỏ lời tập xe cho cô. Phú Tiểu Cảnh đã có bằng lái ở Trung Quốc, nếu muốn lái xe ở Mỹ thì cần phải thi lại. Cô không có hứng thú với việc đổi bằng, giao thông công cộng của NewYork phát triển, cô lại không mua nổi xe, bằng lái chỉ có tác dụng như căn cước.

Nhưng La Dương chủ động cho cô mượn xe, cô cũng không từ chối.

Sau khi lấy bằng lái xe, Phú Tiểu Cảnh rủ La Dương đi xem trận Knicks và Celtics (2 bóng rổ nhà nghề Mỹ). Jeremy Lin không còn chơi cho Knicks vào thời điểm đó, Phú Tiểu Cảnh dù không hứng thú nhưng vẫn xem hết trận đấu, sau chiến thắng của Knicks, cô còn ở lại với La Dương đang phấn chấn cả một buổi. Sau đó, họ chính thức hẹn hò.

Mối quan hệ của họ chấm dứt sau khi “Cục cưng” mời La Dương lên phòng khách trên tầng 17. Sau đó, La Dương không bao giờ hẹn Phú Tiểu Cảnh nữa, nhưng cô lại thường xuyên thấy anh ta. “Cục cưng” đang theo học thạc sĩ tại trường Đại học C, giờ học thường là buổi tối, sau giờ lên lớp, La Dương lại lái chiếc Mercedes-Benz tầm thấp để hộ tống Bé yêu về nhà.

Ân ái triền miên, giết chết người nhìn, Phú Tiểu Cảnh chẳng có oán hận gì với cặp tình nhân này, nhưng nếu có tiền, ít nhất cô có thể dọn ra ngoài mà không cần ở lại đây xem phim tình cảm, chuyện này làm cô muốn quên cũng khó.

Wechat hiện lên lời mời chat video của Phú Văn Ngọc.

Phú Tiểu Cảnh sờ vết băng trên trán, chuyển cuộc gọi video bằng tin nhắn thoại: “Mẹ, con đang tụ tập với bạn bè bên ngoài, con đang trong toilet, không tiện gọi video. Mẹ có nhận được quần áo con gửi chưa?”

Ngày Black Friday, Phú Tiểu Cảnh đến Macy’s mua cho mình một cái khăn choàng cổ, một cái áo khoác cho bà, cho mẹ. Khi đi trạm tàu điện ngầm, cô quay lại, đổi chiếc khăn quàng cổ của mình thành một chiếc phù hợp với phụ nữ trung niên, gom lại rồi đóng gói gửi đi.

“Nhận rồi, mắt nhìn con khá hơn trước nhiều, bà lão đó vui gần chết. Mẹ để bà ở nhà là đã hết tình hết nghĩa, sau này con đừng có tốn xu nào cho bà nữa. Mẹ gửi cho con một ít đồ, toàn là món con thích ăn, lạp xưởng là do sư phụ Vương ở thành bắc làm. Còn mật ba dao con thích ăn thì cửa hàng đó đóng cửa, chỉ có thể mua ở Đạo Hương Thôn. Sáng nay mẹ mới gửi chuyển phát nhanh, chắc tầm tới tết nguyên đán là con nhận được.”

Tối NewYork là sáng đầu năm của Trung Quốc.

“Không phải nói với mẹ là đừng gửi đồ ăn cho con rồi sao, gửi tới hải quan cũng bị giữ lại.”

“Đó là do bên chuyển phát nhanh lần trước mẹ tìm có vấn đề, lần này chắc chắn gửi được.”

“Lần này thôi, lần sau đừng gửi nữa. NewYork có đủ hết. Mấy ngày trước con đến Flusing*, có mấy quầy bán mật ba dao không kém gì Đạo Hương Thôn đâu.” (khu chợ Hoa ở NewYork)

Mật ba dao ở đó bán ba cái hai đô, Phú Tiểu Cảnh thấy mắc quá không đáng, khi cô quay lại định mua thì sạp đó không còn nữa.

“Con tự mua cũng được. Hôm nay mẹ gửi cho con 3.000 đô, mấy ngày nữa mới tới. Tiểu Cảnh, nếu không có tiền thì nói với mẹ, đừng có lo tiết kiệm, có mấy chục đồng cũng tính toán bạc đầu.”

“Con đã nói với mẹ rồi mà, con có học bổng, không thiếu tiền đâu. Trong siêu thị, một cân chuối chỉ có 3 xu, táo lớn chỉ có mười mấy xu, một lít nước cam chỉ 1 đô. Học bổng con không có chỗ để xài, đồ ăn Nga, Ý, Hàn… chỉ cách mấy trạm tàu điện ngầm là con có thể ăn tới chán rồi.”

“Vậy tốt rồi. Nhớ kỹ, nếu có người đàn ông mới gặp vài lần đã cho con những món quý giá thì đừng nhận. Còn nữa, nếu con thực sự thích người nào đó nhưng hắn ta không có tiền, muốn con nuôi hắn, con phải làm gì?”

“Mẹ, mẹ có thấy phiền không, hỏi bao nhiêu lần rồi chứ!”

“Con sẽ làm sao?”

“Làm cho hắn cút càng xa càng tốt! Mẹ, con không nói với mẹ nữa, bạn con đang gọi…”

“Nhớ đó, con bé ngốc này, đừng để bị lừa.”

Tiếng nhạc vui vẻ bên ngoài vang ầm đến nhức cả tai. Cách một cánh cửa, họ như thuộc về hai thế giới.

Dạ dày Phú Tiểu Cảnh nóng ran, cô mở hòm đựng đồ, lấy bơ đậu phộng và nửa bao Leba * (大列巴: từ chung chỉ tất cả loại bánh mì của Nga). Hôm nay cô chỉ ăn hai quả trứng luộc.

Cô bôi một lớp bơ đậu phộng dày lên bánh mì, cắn một miếng, miệng ngọt đến ngấy lên, bánh mì lại quá khô, cô ăn một miếng thì uống một hớp rượu vào miệng. Rượu vừa vào miệng là cô sặc đến ho khan, lúc chạng vạng bị ăn một đá trên lưng, giờ ho như có ai đó đang dẫm trên lưng.

Cô đau đến mức rớt nước mắt lên tờ báo.

Phú Tiểu Cảnh nói dối, cô không có học bổng, và cô cũng không sống tốt như lời mình nói.

Chương trình thạc sĩ của đại học C không thể so với tiến sĩ, rất hiếm khi có học bổng, số học bổng có thì cũng ít tới đáng thương, cô có thể học miễn phí là đã cảm tạ trời đất. Tỉ lệ được ở ký túc xá càng thấp hơn so với tiến sĩ, ở nơi tấc đất tấc vàng Manhattan, ở ký túc xá tương đương với việc tiết kiệm tiền. Cô không đủ điều kiện để tiết kiệm nên phải thuê nhà bên ngoài.

Mặc dù sinh viên khoa chính quy có thể đăng ký học thẳng lên PhD nhưng năm ngoái cạnh tranh khốc liệt, khoa Nhân loại học chỉ tuyển một tiến sĩ người Trung Quốc. (PhD: Doctor of phisolophy – Tiến sĩ). Người kia đã tốt nghiệp hai bằng thạc sĩ, một trong hai là của đại học Chicago, anh ta cũng đăng được mấy bài báo tiếng Anh trên tạp chí chuyên ngành, lý lịch của Phú Tiểu Cảnh không bằng người ta, rơi vào đường cùng, cô đành học thạc sĩ trước.

Người có thị thực F1 chỉ được làm việc trong khuôn viên trường. Trong năm đầu tiên đến Mỹ, dựa vào viết email kể khổ, Phú Tiểu Cảnh đã đến làm việc bán thời gian ở thư viện trường, cộng với việc biên tập tài liệu du học bán thời gian cũng miễn cưỡng duy trì được cuộc sống. Tới năm thứ hai, giáo sư phụ trách cho cô làm trợ giảng, không được bao lâu thì giáo sư của cô bị đột quỵ, tương lai, tiền bạc của cô đều bấp bênh, vốn dĩ cô còn đang dự tính học tiếp tiến sĩ với giáo sư phụ trách mình.

(Thị thực F1: loại Thị thực học sinh phổ biến nhất. Nếu bạn muốn tham gia học tập tại Hoa Kỳ tại một trường đã được chấp thuận, như trường cao đẳng hoặc đại học được công nhận tại Hoa Kỳ, trường trung học tư thục hoặc chương trình ngôn ngữ tiếng Anh đã được chấp thuận thì bạn cần có Thị thực F-1. Bạn cũng sẽ cần Thị thực F-1 nếu khóa học của bạn có thời lượng trên 18 giờ mỗi tuần.)

Tiền của Phú Văn Ngọc đến quá đúng lúc, cô nghi ngờ lời nói dối của mình đã bị mẹ nhìn thấu.

Khi còn bé, mẹ cô đã rất hiểu cô. Giáo viên của cô từ tiểu học tới trung học đều được Phú Văn Ngọc mời đến phòng riêng của nhà hàng lớn nhất thành phố. Mỗi lần Phú Văn Ngọc bảo cô đi mời, cô đều ngại ninh nọt quá nên luôn nói mời mà thầy cô không đến, Phú Văn Ngọc cũng không vạch trần cô mà trực tiếp gọi điện cho thầy cô, kết quả là ai cũng đến.

Khi cô ngẩng đầu lên, tờ New York Times đã bị ướt.

Lật qua lật lại tờ báo cũng không tìm được máy in nào giảm giá. Cô quyết định không mua báo New York Times nữa, cô sẽ đọc báo miễn phí trong văn phòng, lấy tiền mua báo đi mua một pound chuối 39 xu trong siêu thị Mexico. Ăn nhiều chuối sẽ tăng khả năng miễn dịch. (1 pound khoảng 0.45kg)

Ngày mai là năm 2013, cô cần đối xử tốt với bản thân.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.