Martin Eden

Chương 45




"Này, Joe," đó là câu gã chào người bạn lao động ngày xưa sáng hôm sau. "Ở phố hai mươi tám có một người Pháp. Anh ta làm ăn phát tài và sắp trở về quê, muốn bán một xưởng giặt nhỏ, loại cừ, thiết bị đầy đủ. Đó là bước bắt đầu cho cậu nếu cậu muốn ổn định. Này, cầm lấy cái này, mua vài bộ quần áo, mười giờ cậu hãy lại phòng làm việc của gã đó. Gã ta đã ình xem cái xưởng giặt ấy, gã sẽ dẫn cậu đi xem xét các nơi. Nếu cậu thích và cho là phải giá - mười hai nghìn - thì cứ ình biết và nó sẽ thuộc cậu đấy. Thôi nhanh lên. Mình đang bận. Sẽ gặp cậu nhé."

"Này, Mart này," Joe nói chậm rãi, anh đang giận sôi lên. "Sáng hôm nay tớ đến để thăm cậu. Hiểu không? Tớ đến đây không phải là để lấy cái xưởng giặt. Tớ đến đây để chuyện trò với cậu vì tình nghĩa bạn bè ngày xưa, thế mà cậu lại đẩy đến cho tớ một xưởng giặt. Để tớ dạy cho cậu một bài học. Mặc xác cậu với cái xưởng giặt của cậu."

Joe định lao ra khỏi phòng, nhưng Martin đã nắm lấy vai anh ta và quật lại.

"Nghe đây, Joe," Martin nói. "Nếu cậu xử sự như thế tớ sẽ nện vào cái đầu cậu. Và vì tình nghĩa bạn bè ngày xưa tớ sẽ nện cho ra trò. Hiểu không? Hiểu chứ, hiểu không?"

Joe đã nắm lấy Martin định quật ngã xuống, anh ta đang oằn người quằn quại vùng ra khỏi tay Martin. Họ đẩy nhau quanh phòng, ghì chặt lấy nhau, cuối cùng cả hai ngã xuống đánh rầm một cái, một chiếc ghế mây gãy. Joe nằm dưới, hai tay dang ra vì bị giữ chặt, đầu gối Martin tì lên ngực. Joe tở hồng hộc lấy hơi khi Martin buông anh ra.

"Bây giờ chúng ta nói chuyện một lúc," Martin nói. "Đừng có khách khí với tớ. Tớ muốn cái chuyện xưởng giặt ấy xong cái đã. Thế rồi cậu sẽ lại đây, ta sẽ chuyện trò vì tình nghĩa bạn bè ngày xưa. Tớ đã bảo cậu là tớ đang bận. Cậu thấy đấy."

Người hầu phòng bước vào, mang theo một tập to tướng thư và tạp chí chuyến sáng.

"Tớ làm sao mà có thể vừa vùi đầu vào cái đống này vừa nói chuyện với cậu được? Cậu cứ đi thu xếp - việc xưởng giặt, rồi chúng ta sẽ gặp nhau."

"Thôi được," Joe nhận một cách miễn cưỡng. "Tớ cứ tưởng rằng cậu định đuổi tớ đi, nhưng tớ chắc rằng tớ đã nhầm. Nhưng mà này, cứ đường đường chính chính mà đánh nhau thì cậu không thể hạ nổi tớ đâu. Quả đấm của tớ cũng có thể đương nổi với cậu đấy."

"Rồi chúng ta sẽ cố gắng và xem thế nào." Martin vừa nói vừa mỉm cười.

"Hiểu rồi, ngay sau khi thu xếp xong cái xưởng giặt," Joe giơ cánh tay ra. "Cậu thấy quả đấm này chứ? Rồi nó sẽ cho cậu nếm thử một ít."

Martin thở một hơi dài nhẹ nhõm khi cửa đóng lại sau lưng anh bạn thợ giặt. Gã đã trở thành người ghét những chuyện giao tiếp. Hằng ngày gã thấy thật phải căng thẳng lắm mới giữ được nhã nhặn hòa khí với mọi người. Sự có mặt của họ quấy rối gã, chuyện trò với họ làm gã bực mình. Họ làm gã khó chịu bồn chồn, chưa trò chuyện được với họ mấy câu gã đã tìm cách cáo lỗi để tống họ đi.

Gã không động đến những bức thư, gã ngã mình trong chiếc ghế, suốt nửa tiếng đồng hồ, không làm gì hết trong khi những ý nghĩ mơ hồ chưa thành hình hẳn, thỉnh thoảng lại lọt vào đầu óc gã, hay nói cho đúng hơn, thỉnh thoảng làm đầu óc khi mờ khi tỏ của gã cũng chỉ có những ý nghĩ đó tự nó thành hình.

Gã cố phấn chấn tinh thần và bắt đầu lướt nhìn những bức thư gửi tới. Có đến hơn chục bức xin xỏ nhà nghề, có những bức thư của những anh chàng kì quái, lần lượt từng một anh chàng khoe là đang chế được một cái máy có động cơ vĩnh cửu, một anh chàng đang cố chứng minh trái đất là phía trong của hình cầu rỗng, cho đến một anh chàng đương đi tìm nguồn giúp đỡ về tài chính để mua một bán đảo ở miền hạ California để làm một khu vực cộng sản. Có những bức thư của phụ nữ tìm cách làm quen với gã, có một bức làm gã mỉm cười vì trong thư gửi kèm một giấy biên lai và tiền đăng ký chỗ ngồi ở nhà thờ coi đó như chứng cớ của lòng sùng đạo và sự đoan trang của cô ta.

Các ông chủ bút của nhà xuất bản cũng đóng góp phần mình vào cái đống thư hằng ngày đó, các ông chủ bút thì cầu xin bản thảo của gã, các nhà xuất bản thì cầu xin sách của gã - những bản thảo bị khinh miệt đáng thương đã khiến gã trước kia có bao nhiêu thứ đều phải mang ra hiệu cầm đồ trong bao nhiêu tháng dòng thê thảm cốt để lấy tiền mua tem gửi chúng đi. Có nhiều tấm ngân phiếu bất ngờ về quyền được đăng nhiều kỳ trong báo tiếng Anh và tiền đặt trước cho các bản dịch ra tiếng nước ngoài. Người đại lý của gã ở Anh báo cho biết ba cuốn sách của gã đã được bán bản quyền dịch ra tiếng Đức và cũng báo thêm là với nhà xuất bản Thụy Điển thì gã không mong đợi được gì đâu vì Thụy Điển không là một thành viên theo công ước Berne 1 nhưng sách họ in đã bán ra thị trường. Ngoài ra còn một bức thư cho phép xin dịch một tác phẩm của gã ra tiếng Nga cũng không tham gia ký công ước Berne.

Gã giở cái đống to tướng những bài cắt ở báo của Nghiệp đoàn cung ứng đã gửi đến cho gã, gã đọc những bài viết về gã và tình hình thiên hạ hoan nghênh gã, bây giờ nó đã trở thành điên cuồng. Toàn bộ sáng tác của gã trong một loại kỳ lạ đã được ném ra hết cho độc giả. Điều đó hình như giải thích được cái chuyện gã được hoan nghênh đến điên cuồng như vậy. Gã làm cho độc giả phát cuồng lên đi tìm đọc tác phẩm của gã như Kipling khi đã gần chết rồi thì đám quần chúng hạ tiện, bị kích động bởi một tư tưởng hạ tiện, bỗng nhiên bắt đầu đọc ông. Martin nhớ lại rằng cũng cái thế giới độc giả hạ tiện ấy đọc Kipling tán thưởng ông, và không hiểu nổi ông một chút nào, bỗng nhiên vài tháng sau lại quay qua đả phá ông, xé ông ra từng mảnh nhỏ. Nghĩ như thế, Martin cười gằn. Gã là ai mà gã có thể sẽ không bị người ta đối xử như thế trong vài tháng nữa. Được lắm, gã sẽ chơi cho cái bọn hạ tiện này một vố. Gã sẽ đi xa, đến biển miền Nam, dựng tòa nhà bằng cỏ, buôn bán ngọc và cúi dứa khô, cưỡi thuyền vượt những mỏm đá ngầm san hô, săn cá mập và cá giác, săn sơn dương trên những mỏm núi cao tít của cái thung lũng gần thung lũng Taiohae.

Đúng vào lúc nghĩ như vậy, tình trạng tuyệt vọng lại đến với gã. Gã trông thấy rất rõ ràng là gã đã bước vào Thung lũng Tử thần. Tất cả cuộc sống trong gã mờ đi, nhạt đi, tiến gần tới cõi chết. Gã nhận thấy sao gã ngủ nhiều thế. Ngày xưa gã ghét giấc ngủ. Giấc ngủ ngày xưa đã cướp đi mất của gã những giây phút quý giá của cuộc sống. Bốn giờ ngủ trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ có nghĩa là nó đã cướp mất bốn giờ của cuộc sống. Sao mà lúc ấy gã ghét giấc ngủ đến thế? Bây giờ cái gã ghét lại chính là cuộc sống. Cuộc sống không có gì tốt đẹp, mùi vị của nó trong miệng gã không có một chút ngọt ngào nào, chỉ toàn là cây đắng. Nguy cơ của gã là ở chỗ đó. Cuộc sống mà không vươn tới sống thì chính là nó đang đi tới chỗ ngưng lại. Một bản năng bảo tồn xa xăm nào bỗng rộn lên trong lòng gã, khiến gã hiểu rằng gã phải đi xa. Gã đưa mắt nhìn quanh phòng, cái ý nghĩ phải xếp hành lý thật là một gánh nặng. Có lẽ cứ để cái đó đẩy cho đến phút cuối cùng.

Lúc nãy gã có thể đi sắm một ít đồ đã.

Gã đội mũ và bước ra, dừng lại ở cửa hiệu bán súng. Gã lấy số tiền còn lại buổi sáng mua súng tự động, mua đạn và mấy bộ đồ câu. Lề lối buôn bán bây giờ thay đổi rồi, và gã biết gã có thể đợi đến khi tới Tahiti rồi mới lấy hàng cũng được. Những thứ đó có thể gửi từ Úc bằng cách này hay cách khác. Biện pháp giải quyết này làm cho gã sung sướng. Gã đã tránh được khỏi phải làm một công việc, và làm bất cứ một công việc gì lúc này cũng đều khó chịu. Gã sung sướng quay về khách sạn với một cảm giác hài lòng nghĩ tới cái ghế bành thoải mái kiểu Morris đang đợi gã. Gã rên lên trong lòng lúc bước vào phòng thấy Joe đang ngồi trong chiếc ghế đó.

Joe sung sướng vì cái xưởng giặt. Mọi việc đều đã thu xếp xong, và ngày hôm sau anh ta đã trở thành ông chủ rồi. Martin nằm trên giường, mắt nhắm lại trong khi Joe cứ nói. Trí óc của Martin ở tận đâu đâu - ở rất xa đến nỗi hầu như gã không biết rằng mình đang nghĩ gì nữa. Phải cố gắng lắm thỉnh thoảng gã mới trả lời được. Ấy thế mà đây lại chính là Joe, con người mà gã vẫn luôn luôn yêu mến ấy. Nhưng Joe đang quá say sưa với cuộc sống. Sự say sưa ầm ĩ của anh ta làm cho tâm hồn đã chán chường của Martin thấy khó chịu. Nó làm cho thần kinh đã mệt mỏi của gã đau đớn. Khi Joe nhắc tới chuyện rồi đây một ngày nào đó trong tương lai hai người cùng làm ăn với nhau, thì Martin gần như hét lên.

"Này Joe, cậu phải nhớ rằng cậu sẽ quản lý cái xưởng giặt theo những quy tắc mà cậu vẫn thường nói tới hồi ở Shelly Hot Spring đấy nhé. Không làm quá sức, không làm đêm. Không dùng trẻ con đứng máy giặt. Không dùng trẻ con ở bất cứ chỗ nào. Lương phải trả trả cho hậu."

Joe gật đầu và rút ra một cuốn sổ tay.

"Cậu nhìn đây, mình đã thảo ra những quy tắc trước bữa điểm tâm sáng nay. Cậu thấy thế nào?"

Joe đọc to lên, Martin vừa tán thành đồng thời vừa bực mình không hiểu đến lúc nào anh chàng Joe này mới xéo đi cho.

Mãi đến chiều gã mới trở dậy. Thực trạng của cuộc sống lại chậm chạp quay lại với gã. Gã nhìn quanh căn phòng, chắc rằng Joe đã lẻn ra khi thấy gã gà gật ngủ. Gã nghĩ đó là một cử chỉ tế nhị của Joe. Rồi gã lại nhắm mắt và ngủ tiếp.

Những ngày sau, Joe còn bận tổ chức thu xếp xưởng giặt cho nên không đến quấy rầy gã nhiều. Và mãi đến tận hôm trước ngày khởi hành, các báo mới loan tin rằng gã đã lấy vé đáp tàu Mariposa. Có một lần, khi bản năng sinh tồn thúc giục, gã tới bác sĩ để khám toàn thân. Không thấy bệnh tật gì ở gã cả. Tim và phổi gã rất tốt. Mọi cơ quan, những cái mà bác sĩ có thể biết được, đều bình thường, hoạt động bình thường.

"Ông Eden, ông không có bệnh tật gì." Bác sĩ nói. "Chắc chắn là ông không có bệnh tật gì đâu. Sức khỏe của ông rất tốt. Tôi rất thèm có được một sức khỏe như ông. Thật là tuyệt. Thử nhìn bộ ngực mà xem. Chính ở trong lồng ngực này và bộ dạ dày của ông đã ẩn tất cả những bí mật của cái thể chất đặc biệt của ông. Đứng về mặt thể chất mà nói, thì phải hàng nghìn người mới có một người cho ông. Trừ phi gặp tai nạn còn thì ông có thể sống đến trăm tuổi."

Và Martin thấy rằng lời chẩn đoán của Lizzie là đúng. Về thể chất, gã không có bệnh tật gì. Chính cái "bộ máy suy nghĩ" của gã đang có bệnh, không có gì có thể chữa chạy được, chỉ trừ phải đi tới biển miền Nam. Phiền một nỗi là, lúc này ngay trước khi đi, gã lại không muốn đi nữa. Biển miền Nam không còn làm cho gã say đắm cũng như cái nền văn minh tư sản. Không có một chút hăng say nào trong ý nghĩ ra đi, trong khi việc ra đi lại làm cho gã kinh sợ như một nỗi mệt mỏi về thể xác. Giá như gã đã lên tàu và đi rồi thì có lẽ gã cảm thấy dễ chịu hơn.

Ngày cuối cùng là một sự thử thách đau buồn. Sau khi đọc báo buổi sáng được tin gã xuống tàu, Bernad Higginbothan, chị Gertrude cùng gia đình, cả hai vợ chồng Hermann Von Schmidt và Marian đều đến chào tiễn biệt gã. Rồi còn phải giải quyết một số công việc, phải thanh toán một số hóa đơn, còn phải chịu đựng các ông phóng viên không bao giờ hết. Lúc đưa Lizzie Connolly tới cửa lớp học ban đêm, gã đột ngột từ biệt nàng và vội vã quay đi. Gã gặp Joe ở khách sạn. Suốt ngày Joe quá bận với công việc ở xưởng giặt không đến sớm hơn được. Đã mệt mỏi lắm rồi, nhưng Martin vẫn nắm chặt lấy tay ghế, nói chuyện và nghe trong nửa tiếng đồng hồ.

"Này Joe ạ," gã nói. "Cậu biết đấy, cậu không bị ràng buộc vào cái xưởng giặt ấy đâu. Không có sợi dây nào trói buộc cậu cả. Cậu có thể bán nó đi bất cứ lúc nào và xài cho hết tiền. Bất cứ lúc nào cậu chán nó và lại muốn sống cuộc đời lang thang thì cứ việc. Cứ làm thế nào cậu sung sướng nhất thì làm."

Joe lắc đầu.

"Chân thành cám ơn cậu. Mình không muốn sống lang thang nữa. Sống lang thang thì cũng được thôi, duy có một điều không ổn là thiếu con gái. Mình không sao khác được, mình là một thằng phải có đàn bà. Mình không thể sống nếu không có họ; và khi làm cái nghề lưu đãng thì đành phải chịu không có đàn bà thôi. Những lúc đi qua các nhà có nhảy nhót, có tiệc tùng, nghe thấy có tiếng đàn bà cười, trông thấy những bộ áo trắng của họ, những bộ mặt tươi cười của họ qua cửa sổ thì - trời ơi! Lúc đó thật khổ bằng sống trong địa ngục. Mình thích nhảy, thích cắm trại, thích đi chơi trăng và tất cả những cái khác, thích lắm. Mình, ông chủ một xưởng giặt, mẽ người bảnh bao, với những đồng đô la to tướng rủng rỉnh trong túi. Mình đã gặp một cô, vừa mới hôm qua thôi, thế mà cậu có biết không, mình đã cảm thấy thế nào cũng phải lấy cô ta bằng được. Nghĩ tới chuyện đó, mình cứ huýt sáo cả ngày. Cô ta người thật đẹp, đôi mắt hiền hậu nhất đời, giọng nói dịu dàng nhất đời. Cậu không bao giờ được nghe một giọng nói như thế đâu. Mình thế nào cũng phải lấy cô ta. Cậu cứ yên trí điều đó. Này, cậu có bao nhiêu tiền để xài như thế, mà sao không kiếm lấy một cô vợ? Cậu có thể kiếm được một cô đẹp nhất trên đời."

Martin lắc đầu mỉm cười, nhưng trong thâm tâm gã ngạc nhiên tự hỏi, tại sao người nào cũng cần lấy vợ. Hình như đó là một điều kỳ quái, không thể hiểu nổi.

Từ trên boong tàu Mariposa lúc khởi hành, gã trông thấy Lizzie Connolly lẫn trong đám đông trên bến. "Hay đưa nàng cùng đi với mình," gã bỗng nghĩ. Làm điều đó cũng dễ. Nàng chắc sẽ vô cùng sung sướng. Trong một phút, nó hầu như là một điều cám dỗ, nhưng phút sau nó trở thành một nỗi khủng khiếp. Gã kinh hoàng nghĩ tới điều đó. Tâm hồn của gã kêu lên phản đối. Gã quay mình khỏi lan can, rên lên một tiếng và lẩm bẩm: "Gã kia, mi ốm yếu lắm rồi, ốm yếu lắm rồi!"

Gã chạy trốn vào trong buồng riêng, gã náu kín trong đó cho đến khi con tàu khuất hẳn bến cảng. Trong phòng ăn, bữa chiều, gã thấy mình ngồi ở chỗ danh dự bên phải ông thuyền trưởng; và chẳng phải lâu la gì, gã thấy mình là một người vĩ đại không toại nguyện như thế. Suốt buổi chiều, gã ngồi trong một cái ghế trên boong, mắt nhắm nghiền gà gật, và đến tối gã đi ngủ sớm.

Sau ngày thứ hai, qua cơn say sóng, toàn bộ những hành khách đã ra mặt đông đủ: càng trông thấy họ, gã càng ghét. Gã biết như thế là bất công đối với họ. Họ đều là những người tử tế; gã bắt mình phải thừa nhận, và trong khi thừa nhận, gã lại thấy rằng họ tốt, tử tế như tất cả bọn tư sản với sự trói buộc về tâm lý, và sự rỗng tuếch về tri thức của bọn tư sản. Họ làm cho gã bực mình khi họ nói chuyện với gã, những bộ óc nhỏ bé nông cạn của họ thật là trống rỗng, trong khi đó sự vui nhộn ầm ĩ và cái khí lực quá thừa thải của bọn trẻ làm cho gã khó chịu. Bọn này không bao giờ ngồi yên, suốt ngày ném vòng ở trên boong, đi dạo, hay chạy xô ra lan can, la hét om xòm khi nhìn thấy những con cá heo chồm lên, hay những đàn cá bay.

Gã ngủ nhiều. Sau khi ăn sáng, gã ra ngồi ở chiếc ghế trên boong với tờ báo mà không bao giờ gã đọc hết. Những trang chữ in làm cho gã mệt mỏi. Gã thắc mắc không hiểu tại sao người ta lại tìm được nhiều cái để viết như thế, và trong khi thắc mắc, gã lại gà gật ngủ. Khi tiếng cồng báo bữa ăn chiều đánh thức gã, gã bực mình vì phải thức dậy. Phải thức, thật không có chút nào vui vẻ.

Có lần gã đã cố rũ mình khỏi trạng thái mê mộng này, bước vào buồng lái với các thủy thủ. Nhưng những người thủy thủ hình như cũng đã thay đổi, không như cái ngày gã đã sống ở buồng lái. Gã không thể tìm thấy một chút dây mớ rễ má gì với những con người mặt mũi đần độn, đầu óc ngu ngốc như thú vật này. Gã thất vọng. Trên cao kia, thì không ai cần Martin Eden vì gã, mà gã thì lại không thể quay lại với giai cấp của mình, với những người đã cần gã trong quá khứ. Gã không cần họ nữa. Gã không thể chịu được họ, cũng như gã không thể chịu đựng được những ông bà hành khách ngu xuẩn trong ca-bin hạng nhất và bọn trai trẻ ầm ĩ kia.

Cuộc sống đối với gã như một luồng ánh sáng trắng mạnh mẽ làm đau nhói đôi mắt mệt mỏi của một người ốm. Trong những phút gã tỉnh lại, cuộc sống lại lóe lên trong ánh gay gắt, chung quanh gã, trên mình gã. Nó làm cho gã đau đớn. Nó làm cho gã đau đớn một cách tàn nhẫn. Đây là lần đầu tiên trong đời Martin đi hạng nhất. Ngày xưa, trên những chuyến tàu đi biển, gã chỉ ở phòng lái, chỗ bánh lái, hay ở những chỗ sâu thăm thẳm tối om của hầm than, sức than. Những ngày ấy trèo lên những bậc thang sắt, ra khỏi cái hầm nóng ngột ngạt, gã thường nhìn thấy những hành khách trong những bộ quần áo trắng mát, không làm gì cả, chỉ vui chơi dưới những mái che gió, che nắng với những người hầu khúm núm sẵn sàng chiều theo mọi ý muốn, mọi sở thích của họ; đối với gã hình như cái thế giới mà trong đó họ cử động và cuộc đời của họ không là gì khác mà chính là một thiên đường. Ừ, bây giờ gã ở đây, một con người vĩ đại trên tàu, ở đúng trung tâm của con tàu, ngồi ngay bên phải ông thuyền trưởng, ấy thế mà gã vẫn cứ đi tìm hoài một cách vô vọng nơi buồng lái, trong hầm than, cái Thiên đường mà gã đã để mất. Gã không tìm thấy một thiên đường mới, và bây giờ gã lại chẳng thể tìm được cái thiên đường cũ nữa.

Gã cố kích động mình và lên tìm một cái gì để gây hứng thú ình. Gã vào buồng ăn những hạ sĩ quan, và sung sướng khi ra thoát. Gã nói chuyện với một gã thủy thủ hết giờ trực, một anh chàng thông minh, vừa mới gặp đã đem chủ nghĩa xã hội tuyên truyền thuyết phục gã và nhét vào tay gã một bó truyền đơn và những bài đả kích. Gã nghe anh chàng giải thích cái đạo đức nô lệ, vừa nghe gã vừa mệt mỏi suy nghĩ tới cái triết học Nietzsche của mình. Nhưng xét cho cùng, nó có giá trị gì cơ chứ? Gã nhớ lại một trong những lời phát biểu điên rồ của Nietzsche trong đó cái con người điên rồ ấy đã nghi ngờ chân lý. Nhưng ai là người nói đúng bây giờ? Có lẽ Nietzsche đúng chăng? Có lẽ không có chân lý ở trong bất cứ một cái gì, không có chân lý trong chân lý - không có một cái thứ gì gọi là chân lý cả. Nhưng trí óc chóng mệt mỏi quá, gã hài lòng quay lại với chiếc ghế, và gà gật ngủ.

Đã khốn khổ đến như gã trên con tàu này, thế mà vẫn còn một nỗi khổ mới nữa đè nặng lên gã. Khi con tàu tới Tahiti rồi thì sao nhỉ? Gã sẽ phải lên bờ thôi. Gã sẽ phải đi lấy các thứ hàng đặt mua, tìm một chỗ. Trên con thuyền buồm tới Marquesas, làm hàng trăm hàng ngàn việc lặt vặt, nghĩ đến đã phát sợ lên rồi. Bất cứ lúc nào gã ráng sức để suy nghĩ, gã cũng có thể thấy được cái tình trạng nguy hiểm tuyệt vọng hiện nay của mình. Đúng quá rồi, gã đang ở trong Thung lũng của Tử thần, và cái điềm nguy hiểm của gã là ở chỗ là gã không thấy sợ hãi. Giá mà gã sợ thì gã có thể hướng tới cuộc sống được. Bởi chúng không sợ nên càng ngày gã càng chìm sâu xuống bóng tối của Tử thần. Gã không còn thấy một sự hứng thú nào trong những cái của cuộc sống quen thuộc xưa cũ. Con tàu Mariposa lúc này đang đi trong những trận gió mậu dịch Đông Bắc, những trận gió say người này nổi lên đập vào người làm cho gã bực dọc. Gã phải chuyển ghế đi để tránh sự ôm ấp của người bạn những ngày đêm xưa đầy sức lực.

Hôm con tàu Mariposa tiến vào khu vực gần đường xích đạo lặng gió, Martin càng cảm thấy đau khổ hơn bao giờ hết. Gã không thể ngủ được nữa. Gã ngủ đã quá nhiều, và bây giờ gã buộc phải thức để mà chịu đựng cái ánh sáng chói chang của cuộc sống. Gã đi đi lại lại bồn chồn. Không khí ẩm ướt nhớp nháp, những trận mưa xối xả không làm cho con người ta dễ chịu. Gã cảm thấy đau đớn với cuộc sống. Gã cứ đi quanh boong cho đến khi không thể nào chịu nỗi sự đau đớn ấy nữa, rồi gã ngồi xuống ghế cho đến gã lại bắt buộc phải đi tiếp. Cuối cùng, gã buộc mình phải đọc hết tờ tạp chí, và gã mượn rất nhiều tập thơ trong thư viện trên tàu. Nhưng nó cũng chẳng giúp gì được gã, gã lại phải đứng dậy, đi đi lại lại.

Sau bữa ăn tối, gã nán lại trên boong rất khuya, nhưng cũng chẳng ăn thua gì, bởi khi gã bước xuống phòng bên dưới, gã vẫn không thể ngủ được. Cái sự ngừng sống tạm thời này không đến với gã. Thật là quá lắm. Gã bật đèn điện lên, và cố gắng đọc. Trong những tập thơ này có một cuốn của Swinburne. Gã nằm trên giường đưa mắt qua những trang giấy, cho đến lúc gã cảm thấy mình đang đọc một cách hứng thú. Gã đọc hết một đoạn, định đọc tiếp, nhưng rồi lại quay lại đoạn ấy. Gã đặt úp cuốn sách lên ngực, và bắt đầu suy nghĩ. Đây rồi. Chính nó đây rồi. Lạ một điều là trước kia nó không hề đến với gã. Đó là tất cả ý nghĩa cuộc đời. Gã đã trôi nổi suốt cả đời mình theo chiều hướng đó, và bây giờ Swinburne đã chỉ cho gã con đường sung sướng để ra thoát. Gã cần nghỉ ngơi, và đây, nghỉ ngơi đang đợi gã. Gã đưa mắt nhìn qua cái cửa sổ để mở. Phải, nó cũng đủ rộng đấy. Lần đầu tiên trong suốt mấy tuần lễ, gã cảm thấy sung sướng. Cuối cùng, gã đã tìm ra phương thuốc để trị bệnh. Gã nhặt cuốn sách lên, chậm chạp đọc to đoạn thơ đó.

Vì quá yêu cuộc sống,

Vì quá kinh khiếp cũng như quá nhiều niềm hy vọng,

Với những lời ngắn ngủi, dù sao,

Ta cũng hãy cảm ơn thượng đế

Rằng không cuộc sống nào là vĩnh cửu,

Rằng người chết không bao giờ còn đứng dậy,

Và ngay đến những con sóng mệt mỏi nhất,

Cũng lượn khúc đâu đây êm ả trôi

Ra biển. 2

Gã lại nhìn cái cửa thành tàu để mở. Swinburne đã cho gã chiếc chìa khóa. Cuộc sống đã ốm yếu, hay nói đúng hơn đã trở nên ốm yếu - không thể chịu đựng nổi nữa. "Rằng người chết không bao giờ còn đứng dậy!" Dòng thơ này rộn lên trong lòng gã với một cảm giác biết ơn sâu sắc. Đó là cái điều nhân nghĩa nhất của vũ trụ. Khi cuộc sống đã trở thành một nỗi mệt mỏi đau đớn thì cái chết sẵn sàng dịu đi trong một giấc ngủ bất tận. Nhưng gã còn đợi gì nữa! Đã đến lúc phải đi rồi.

Gã đứng dậy, thò đầu ra khỏi cửa sổ mạn tàu, nhìn xuống dòng nước trắng như sữa. Con tàu Mariposa chở nặng, bíu tay vào cửa sổ, chân đã có thể chạm mặt nước. Gã có thể trườn xuống không một tiếng động. Không ai nghe thấy được. Gã thấy mặn mặn ở môi mùi vị thật là dễ chịu. Gã tự hỏi không biết có nên viết một bài thơ cuối cùng không, nhưng gã cười lớn xua đuổi ý tưởng đó đi. Không có thì giờ nữa. Gã nóng lòng muốn đi lắm rồi.

Tắt đèn trong phòng để khỏi bị lộ. Qua cửa sổ mạn tàu gã đưa hai chân ra trước. Vai gã vướng, gã lại phải lùi lại để đưa một cánh tay ra trước. Một cái lắc của con tàu đã giúp gã, gã lọt qua, hai tay bíu lấy thành cửa. Khi chân gã chạm mặt biển, gã buông tay ra. Gã đã ở trong dòng nước tung bọt trắng như sữa. Thành tàu Mariposa lướt qua gã như một bức tường đen, đây đó có điểm những khung cửa sáng đèn. Chắc chắn con tàu đang đi nhanh. Nhưng trước khi nhận ra điều đó thì gã đã ở phía sau rồi, đang bơi nhẹ nhàng trên mặt nước sủi bọt.

Một con cá giác đớp vào cái thân thể trắng trẻo của gã, gã cười lớn. Nó đứt một miếng thịt ra, gã đau nhói và nhớ lại tại sao mình ở đây. Trong khi bắt tay vào việc gã đã quên mất mục đích của nó. Ánh sáng của con tàu Mariposa mờ đi ở phía xa, còn gã vẫn ở đây đang bơi một cách yên trí y như thể ý định của gã là bơi tới một miền đất gần nhất cách xa khoảng nghìn dặm chi đó.

Đó là cái bản năng máy móc, muốn sống. Gã ngừng bơi, nhưng khi thấy nước dâng lên quá mồm, tay gã lại sải mạnh với một động tác chồm lên. Ý chí muốn sống, đó là ý nghĩ của gã lúc bấy giờ, nhưng ý nghĩ đó lại kèm theo một tiếng cười mỉa. Phải, gã đã có ý chí - ừ, ý chí đủ mạnh đến nỗi chỉ cần một chút cố gắng cuối cùng, nó cũng có thể tự tiêu diệt và ngừng tồn tại.

Gã đổi thế, bơi đứng. Gã ngước mắt nhìn những vì sao yên tĩnh, đồng thời gã thở hết không khí ở phổi ra. Với những động tác nhanh, mạnh của tay và chân, gã chồm vai và nửa ngực ra khỏi mặt nước. Như thể để có đà mà chìm xuống. Rồi gã cứ để mặc cho người chìm dần, không cử động, như một pho tượng trắng chìm sâu xuống biển. Gã thở mạnh, chầm chậm trong nước theo kiểu một người hít thuốc mê. Khi gã nghẹt thở hoàn toàn không tự giác, tay và chân gã lại bíu lấy nước và nhô lên trên mặt biển dưới bầu trời sáng sao.

Ý chí muốn sống - gã nghĩ một cách khinh bỉ, cố gắng một cách vô ích không hít không khí vào buồng phổi đang rạn nứt của mình. Ừ, phải làm một kiểu khác vậy. Gã hít không khí vào buồng phổi, hít thật đầy. Cách này làm cho gã chìm sâu hơn. Gã lộn người, đầu chúc xuống dùng hết sức lấy hết ý chí để bơi. Càng ngày gã càng bơi sâu xuống. Mắt gã vẫn mở, gã nhìn thấy cái vệt sáng lân tinh như bóng ma của những con cá giác lao đi. Gã vừa bơi, vừa hy vọng rằng chúng không cắn gã, vì chúng có thể làm đứt tung sự căng thẳng của ý chí gã. Nhưng chúng đã không cắn, và gã còn đủ thì giờ để mà biết ơn cái ân đức cuối cùng của cuộc đời này.

Xuống, xuống, gã cứ bơi mãi xuống cho đến tận khi tay chân gã mệt mỏi rã rời không còn cử động được nữa. Gã biết rằng mình đã ở sâu rồi. Sức ép của nước vào hai bên màng nhĩ làm gã đau nhói, đầu gã kêu vo vo. Sức chịu đựng của gã đã giảm đi. Nhưng gã bắt chân và tay phải đưa gã xuống sâu hơn cho đến khi ý chí của gã đứt tung, không khí ào ra khỏi buồng phổi bật nổ lớn. Những bong bóng lướt đi nhảy lên như những khinh khí cầu nhỏ chạm vào má, vào mắt gã trong khi chúng sủi lên. Rồi gã thấy đau đớn và nghẹt thở. Nỗi đau đớn này không phải là cái chết, đó là ý nghĩ lay lứt trong nhận thức đang quay cuồng của gã. Cái chết không làm cho đau đớn. Chính cuộc sống, những nỗi rày khổ của cuộc sống, cái cảm giác nghẹt thở đáng sợ này mới làm cho đau đớn; đó là cái đòn cuối cùng mà cuộc sống đã giáng cho gã.

Đôi bàn tay và đôi chân bướng bỉnh của gã lại bắt đầu đập, quay cuồng loạn xạ và yếu ớt. Nhưng chính gã đã đánh lừa cả ý chí muốn sống đã làm cho chúng đập và quay cuồng như vậy.

Gã đã chìm quá sâu rồi. Chúng không còn bao giờ có thể đem gã lên mặt nước được nữa. Gã hình như trôi nổi một cách biếng nhác trong một biển cả của một giấc mơ. Những màu sắc, những ánh sáng lao quanh gã, tắm gã, tràn ngập con người gã. Cái gì thế nhỉ? Hình như đó là một ngọn hải đăng, nhưng nó lại ở trong óc gã - một tia sáng lóe trắng, chói. Nó lóe lên càng ngày càng nhanh hơn. Có tiếng động rầm rầm kéo dài, hình như gã, đang rơi xuống một cái cầu thang mênh mông không bao giờ hết. Và đâu đây tận dưới đáy sâu, gã rơi xuống nơi tăm tối. Gã chỉ biết có thế. Gã đã rơi xuống nơi tăm tối rồi. Và lúc gã biết điều đó thì cũng là lúc gã ngừng biết.

Chú thích:

1. Nguyên văn: Berne convention - đây là một quy ước xuất bản ký năm 1886 gồm có các nước Anh, Đức, Ý và một số nước khác.

2. Đó là một đoạn thơ trong bài "Khu vườn của Proserpine" (The garden of Proserpine) của Swinburne.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.