Mài Giũa

Chương 13




Bố mẹ Trần Trác tới đêm ba mươi mới về nhà, cả nhà xa cách lâu ngày, mấy khi năm miệng ăn cùng nhau gói sủi cảo cũng ấm cúng và náo nhiệt ra phết.

Trần Khải Sinh và Tần Nghệ hỏi chuyện học hành ở trường của con trai, sau hàng loạt những câu “Đã quen môi trường cấp ba chưa”, “Có áp lực lớn quá không” đại loại như vậy thì hai người chuyển sang một vấn đề ít khi nào được nhắc tới:

–  A Trác à, con có bạn ở trường mới chưa?

Cha con rất hiếm tâm sự với nhau, từ sau khi tốt nghiệp tiểu học thì Trần Trác cũng chẳng bao lần được nghe bố mẹ gọi “A Trác” nữa cả.

Sở dĩ Trần Khải Sinh hỏi vấn đề này là vì để coi chừng. Ông còn nhớ năm Trần Trác học lớp 6, ông trở về nhà nghỉ phép thì vừa khéo kịp dự họp phụ huynh. Trần Trác học sáu năm tiểu học, lần đầu tiên có người khác ngoài ông bà đến dự họp. Trần Trác học giỏi, giáo viên chủ nhiệm cũng tôn trọng công việc nghiên cứu khoa học của Trần Khải Sinh, lúc nói chuyện cô biểu dương Trần Trác không ngớt lời. Nhưng cuối cùng cô vẫn ngập ngừng nhắc nhở:

– Phương diện nào của Trần Trác cũng ưu tú cả, nhưng mà thỉnh thoảng hơi… cô độc, nhà trường cảm thấy trẻ con ở tuổi này nên tiếp xúc với nhiều bạn học cùng lứa hơn.

Vợ chồng Trần Khải Sinh đều là người hướng nội, vừa rời trường là vùi đầu vào viện nghiên cứu luôn nên không có nhiều mối quan hệ. Nghe cô giáo nói thế ông mới nhận ra hình như con trai mình có hơi khác mấy đứa cùng tuổi. Mỗi khi đám trẻ con tụ tập nô đùa dưới lầu thì Trần Trác lại đang đọc sách hoặc là xếp lego trong phòng.

Vì thế mấy ngày sau, trước khi Trần Khải Sinh về viện nghiên cứu đã âm thầm tới trường nhòm Trần Trác học thể dục, quan sát hết nửa tiết thì cũng tạm yên tâm. Tuy Trần Trác trầm tính nhưng nhóc con học giỏi lại ưa nhìn, nên không phải là không có ai để ý. Ông lại nhớ ngày xưa hồi còn đi học mình cũng là một thành viên hướng nội trong lớp, sau này làm nghiên cứu và lập gia đình cũng vẫn thuận lợi và mỹ mãn.

Về sau khi Trần Trác lên cấp hai cũng là lúc hai vợ chồng Trần Khải Sinh bận rộn nhất. Trong suốt ba năm đó, thời gian mà cả nhà đoàn viên cộng lại cũng chưa đến ba tháng. Thi lên cấp ba xong, Trần Trác có đến Tây Bắc một chuyến, Trần Khải Sinh chỉ cảm thấy con trai xa cách đã lâu càng ngày càng không ưa nói chuyện, thế là trái tim vốn đã yên lại nôn nao lần nữa: Chẳng lẽ nó bị tự kỉ thật sao?

Thành ra trên bàn cơm ba mươi tết, Trần Khải Sinh dè dặt hỏi vấn đề này.

Trần Trác đáp hời hợt:

– Có ạ.

– Là bạn cùng lớp của con à?

– Vâng, tên Tống Lãng Huy.

Trần Khải Sinh không quen biết gì cái tên này cả, nhưng Tần Nghệ bình thường cũng có xem mấy bộ phim truyền hình trong nước, nên xen vào cuộc nói chuyện giữa hai bố con:

– Là con trai của Tống Cảnh với cô ảnh hậu đó phải không?

– Vâng ạ.

Cả nhà làm thinh không dám nói gì. Điều Trần Khải Sinh và Tần Nghệ đang nghĩ là: E là con trai mình có chướng ngại giao tiếp thật rồi nên mới bịa ra một người bạn nào đó để an ủi bố mẹ. Dù cả hai có tin Tống Lãng Huy là bạn học của Trần Trác thì cũng không thể nào tin được hai đứa này có khả năng trở thành bạn bè.

Khi Trần Trác thốt lên cũng đang nghĩ: Tuy bình thường đúng là cậu không có bạn bè nào để suốt ngày kè kè bên nhau, nhưng cũng có bạn học thân thiết, ví dụ như Lý Quyết, nhưng tại sao lúc nãy trong đầu mình lại nảy ra ba chữ Tống Lãng Huy thế nhỉ? Hai đứa chẳng qua chỉ là đôi bạn cùng tiến, thỉnh thoảng trong lúc làm bài tập có hàn huyên đôi điều về những muộn phiền mà lứa tuổi này hay có thôi mà.

Nhưng bà của Trần Trác thì cười khúc khích:

– Là cậu bé diễn viên đóng cái quảng cáo nước ngọt gì đấy hay chiếu trên tivi dạo gần đây phải không? Cháu mời bạn tới nhà mình chơi đi, cho bà nghía thử nào.

Chủ đề này cứ thế mà trôi qua trong mơ hồ, sau đó cuộc đối thoại đổi sang ông bà cậu khuyên bố mẹ cậu nghĩ cách chuyển về viện nghiên cứu trong thành phố, tuy không phải cao cấp nhưng cũng không thể bỏ mặc con cái mãi được.

Ăn cơm xong cũng đã gần chín giờ, cả nhà ngồi ở phòng khách xem Gala Đêm xuân. Tuy Trần Trác thấy chương trình tẻ nhạt nhưng cũng đành phải dự phần vào giây phút đoàn viên hiếm có này. Chủ đề nói chuyện của gia đình cũng toàn xoay quanh Trần Trác, thi thoảng cậu đáp lại vài câu, mãi cho đến khi Trần Khải Sinh nói:

– Chắc con cũng đang chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi môn Lý phải không? Có cần bố liên hệ bạn cũ của bố đang làm giảng viên đại học để bồi dưỡng thêm cho con không? Qua Tết thi con mà giành được giải thì ít nhất cũng có thứ để bảo đảm, chứ đánh cược hết vào năm lớp 11 thì mạo hiểm lắm. (*)

(*) Thi học sinh giỏi này chỉ dành cho lớp 10 và 11, nếu lớp 10 rớt thì còn được thi tiếp lớp 11. Bạn nào đọc Roche thì cũng biết Lý Quyết ngày xưa lớp 10 không thi được nên lên lớp 11 mới thi đấy.

Trần Trác yên lặng lắng nghe, Trần Khải Sinh nói nghe rất vô tư, nhưng Trần Trác có thể cảm nhận được thật ra cả nhà đều đang dõi theo đoạn đối thoại này. Đột nhiên cậu thấy hoang mang, bèn hỏi:

– Bố ơi, có bao giờ bố nghĩ… sau này con chưa chắc sẽ theo vật lý không ạ?

Đương nhiên Trần Khải Sinh chưa bao giờ có suy nghĩ đó. Thực tế thì ngay cả Trần Trác đến trước khi lên cấp ba ý nghĩ đó cũng chưa bao giờ quá bước đến trí óc cậu. Từ nhỏ cậu đã được mọi người khen ngợi mình được di truyền bộ não của bố mẹ, sự thật cũng chứng minh cậu học hành không hề kém cạnh ai hết. Nhưng từ khi cậu quen biết Lý Quyết, quen biết chàng trai Tống Lãng Huy có thân phận đặc biệt thì cậu đã biết cái gì mới là “thiên phú” thật sự. Có lúc Trần Trác nghĩ nếu mình tiếp tục đi con đường này thì sẽ thế nào, cứ nhìn bố mẹ cậu là biết. Nobel và Onsager (*) là giấc mộng mà chỉ có những người như Lý Quyết mới dám mơ tới, mà chưa kể rất có khả năng đó chỉ là mơ mà thôi. Còn Trần Trác thì sẽ giống như bố mẹ mình vậy, tốt nghiệp xong vào làm ở một viện nghiên cứu nào đó, kết hôn, sinh con, một năm gặp con hai lần.

(*) Lars Onsager:  nhà hóa học người Mỹ gốc Na Uy. Ông giành Giải Nobel Hóa học năm 1968.

Đây không phải di truyền khả năng thiên bẩm, mà là di truyền đời người.

Âm cuối của Trần Trác hòa cùng tiếng pháo nổ ngoài cửa sổ, không biết Trần Khải Sinh do không nghe thấy thật hay là giả vờ không nghe thấy, tóm lại là một mình ông vẫn tự trù tính, trường nào trong nước mạnh về lĩnh vực nghiên cứu thiên văn, trường tốp đầu ở Bắc Kinh tuy điểm đầu vào Vật lý thấp nhưng nguy hiểm quá nên thôi bỏ, con trai đồng nghiệp trong viện nghiên cứu đến trường Max-Planck (*) học tiến sĩ, chừng nào người ta về nước có thể thu xếp cho Trần Trác đi gặp mặt… vân vân mây mây.

(*) “Hiệp hội Max Planck vì sự Phát triển Khoa học” có 83 viện nghiên cứu thuộc Hội Max Planck với mục đích nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, khoa học xã hội và nghệ thuật nhân văn. Các viện nghiên cứu này cũng có trường học chuyên về nghiên cứu nữa. 

Bây giờ Trần Trác chỉ mong cho pháo vang to hơn chút nữa.

Chương trình cuối cùng trước khi đếm ngược vẫn còn đang đàn ca hát xướng thì điện thoại bàn trong nhà reo lên. Trần Khải Sinh ngồi gần đó nhất bắt máy:

– Alo? … Kiếm Trần Trác à? Cháu đợi chút nhé. A Trác, có bạn tìm này.

Trần Trác đứng dậy, đối mặt với bốn đôi mắt đầy hiếu kỳ và âm thanh tivi quá ồn ào, cậu nói:

– Pháo nổ ồn quá, con vào phòng nghe điện thoại.

Vừa bắt máy lên thì đã nghe được câu trêu ghẹo từ đầu dây bên kia:

– Chúc mừng năm mới nhé A Trác.

Nghe giọng là biết ngay ai, cậu cũng dùng tên cúng cơm của người ta để đáp lại:

– Chào cậu Lãng Lãng, năm mới vẫn chưa đến mà.

Tống Lãng Huy nói:

– Mình với cậu không cùng múi giờ, bên mình đã sang năm mới rồi.

Và thế là Tống Lãng Huy bắt đầu giới thiệu cho cậu về cuộc sống thong dong ở Úc, bà nội anh ngày ngày vỗ béo anh như thế nào, cả thằng nhóc đáng ghét nhà bên nữa. Trần Trác đang có tâm sự nên không chú tâm nghe, thấy tốc độ nói nhanh hơn và thanh điệu cao hơn bình thường của anh thì đột nhiên Trần Trác ngắt ngang để hỏi:

– Cậu cảm thấy nếu như sau này mình không theo Vật lý nữa thì sẽ thế nào?

Trần Trác tưởng anh sẽ tỏ ra kinh ngạc và tò mò lắm chứ, nhưng Tống Lãng Huy không ngần ngừ một giây, mới câu trước còn đang thao thao “Ở đây kì lạ lắm, rõ ràng cùng một thế giới mà bên cậu là mùa đông còn mình lại là mùa hè”, ngay câu sao đã trả lời câu hỏi của cậu luôn:

– Chả thế nào cả, cậu vừa thông minh này, tướng mạo cũng đẹp này, học gì mà chả được. Cậu ấy à, nếu không muốn học gì hết thì theo mình học ngành diễn xuất cũng có thể đạp đầu cơ man người trong giới bây giờ đấy.

Trần Trác không nói gì, tiếng pháo hoa bên ngoài mỗi lúc một hoành tráng, tưởng chừng như bản thân mình đang ở trong chân không vậy. Cậu thầm nghĩ: Tại sao một người đến cả Marie Curie làm ngành nào cũng không biết, chưa thèm hỏi một câu tiền căn hậu quả ra làm sao, thế mà bất cứ lúc nào cũng dám khẳng định về tương lai tươi sáng rực rỡ của mình vậy nhỉ?

Tiếng la hét và pháo vang bên ngoài kéo Trần Trác quay về hiện thực. Tống Lãng Huy nghiêm túc nói chuyện điện thoại không chú ý thời gian, bèn hỏi:

– Bên cậu có chuyện gì thế?

Trần Trác trả lời:

– Năm mới đến rồi.

– … Trần Trác.

– Hở?

– Chúc cậu năm nào cũng vui vẻ như hôm nay.

– Được thôi.

Năm mới đến thật rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.