Ma Thổi Đèn

Quyển 8 - Chương 68: Rửa tay chậu vàng




Trương Tam Gia là bậc lão thành trong nghề trộm mộ cuối thời Thanh, ông một mình đeo ba lá bùa, người đời thường hay gọi là Trương Tam Liên Tử, tên thật không rõ là gì, dù thời trước nhậm chức ở núi Côn Luân, thân trong cửa quan, cũng chỉ dùng họ thật mà giấu đi tên.

Tên húy của Trương Tam Gia là gì, đến cả đệ tử con cháu trong nhà cũng đa phần không biết, tại sao lại thế ? Chỉ vì bình sinh những việc ông làm, thảy đều phạm vào cấm kỵ, trong hai đạo hắc bạch không ai không biết, cũng thuộc hàng có số có má trong chốn lục lâm.

Trước thời Dân quốc, Trung Quốc vẫn còn thuộc chế độ phong kiến, thảng như phạm phải tội lớn tày trời, có khả năng sẽ bị tru di cửu tộc, một người gây chuyện, thân thích bằng hữu của y đều bị liên lụy theo, vì vậy người trong giới lục lâm đều không dùng tên họ chân thực, mà chỉ gọi nhau bằng biệt hiệu, ngoại hiệu, dù một số người danh tiếng lẫy lừng khắp thiên hạ, đến lúc chết cũng chỉ để lại thế gian một biệt hiệu mà thôi.

Tuy Trương Tam Gia vướng vào không biết bao nhiêu vụ án, nhưng thời trẻ ông từng được hoàng đế Hàm phong phong thưởng, lại thành thạo sự đời, dùng các thứ cổ vật hiếm quý đổ đấu được kết giao vô số vương công đại thần, quan lại bổ khoái vốn không dám động đến ông, vì vậy mà môn hạ đệ tử rất đông, gia tài giàu không kế xiết, hào kiệt khắp ngũ hồ tứ hải đều muón kết giao cùng.

Một năm nọ, Trương Tam Gia nảy sinh ý định muốn thoái ẩn, ông hiểu được mệnh trời, chán ghét những chuyện cơm áo gạo tiền của thế gian, định quy ẩn chốn núi rừng, sống nốt quãng đời còn lại trong bình yên. Ông liền gửi thiếp mời rộng rãi, mời bạn bè ở khắp nơi đến nhà họ Trương ăn tiệc.

Đã lăn lộn trong hắc đạo thì không thể tách khỏi đám cường đạo Xả Lĩnh khống chế bảy tỉnh miển Nam sáu tỉnh miền Bắc, thời bấy giờ, quan và phỉ là một nhà, Trương Tam Gia tự nhiên cũng phải nhập bọn. Lần rửa tay chậu vàng công khai này, chính là để rút hương trên Thường Thắng sơn.

Khi đó, thế lực của cường đạo Xả Lĩnh đã suy vi, rất nhiều người không hề biết Trương Tam Gia chính là Mô Kim hiệu úy Trương Tam Liên Tử, thêm nữa, thân phận của thủ lĩnh cường đạo tuy tương đối cao, nhưng thanh danh còn xa mới bì kịp Trương Tam Gia, vì vậy hành vi này của ông, còn gây vang động hơn cả chuyện trùm cướp rời băng, có thể coi là một chuyện lớn trong giới lục lâm đương thời.

Những kẻ giang hồ lớp sau, có ai mà không muốn được mở rộng tầm mắt chứ? Đến ngày mười lăm tháng Sáu âm lịch, quả nhiên khách khứa chật nhà, tề tựu đông đủ. Những người đến đây, không ai không phải giang dương đại đạo, giặc cướp lục lâm, bàn ghế kê từ nhà chính ra đến cổng lớn, hai bên chái nhà cũng chật kín người, rất nhiều kẻ thân phận thấp đều phải đứng chứ chẳng có chỗ mà ngồi.

Sau khi sắp xong chỗ ngồi dựa theo thân phận, trước tiên là mở hương đường, bái lạy tổ sư Võ Thánh chân quân, rồi bắt đầu đại lễ. Kỳ thực, đây cũng chỉ là làm ra vẻ vậy thôi, nhưng tục lệ thì không thể miễn được, càng không ai dám sơ suất coi thường. Ngó nhìn trăng trên trời đã tròn, sao cũng lên đủ, người xướng lễ bèn mời thủ lĩnh Xả Lĩnh ra ngồi bên dưới thần vị trong nhà chính, phụ lễ hai bên khênh một lò hương tới, bên trong cắm mười chín cây hương lớn, ba trước, bốn sau, năm trái, sáu phải, một cây ở chính giữa.

Sau một hồi chiêng trống, giờ hành lễ đã đến, các nhân vật hắc đạo đến xem lễ lập tức im bặt như tờ. Lúc này, Trương Tam Gia bước ra, quỳ một chân trước mặt thủ lĩnh hành lễ. Thời bấy giờ, đạo lục lâm vào thì dễ, rút thì khó, người bình thường đều không dám rút hương, giặc cướp bình thường muốn rửa tay không làm nữa, trừ phi cha mẹ ruột hoặc vợ con xảy ra chuyện lớn, người chủ sự trong nhà không thể không trở về thì mới dám nhắc đến chuyện rửa tay chậu vàng. Sau đấy, thủ lĩnh phái người điều tra đích thực có chuyện như vậy, mới có thể cho y rút hương, bằng không giết chết không tha. Tuy Trương Tam Gia thân phận khác thường, nhưng vẫn không tránh khỏi những lễ tiết này, trước tiên phải trần thuật lý do rút hương trước mặt thủ lĩnh.

Trương Tam Gia bẩm rõ nguyên do muốn rút hương rời khỏi đảng cướp, không ngoài những câu như bệnh cũ quấn thân, lại có vợ con nheo nhóc vướng bận, khó thể làm những việc giết người cướp hàng được nữa, cúi mong tổ sư gia và thủ lĩnh giơ cao đánh khẽ, cho đệ tử được toàn thân rút lui!

Thủ lĩnh nghe xong vội đỡ Trương Tam Gia dậy, cười xòa nói: "Chúc mừng Tam ca rửa tay chậu vàng, dũng cảm thoái lui giữa dòng nước xiết là việc đáng quý vô cùng, Hắc bạch lưỡng đạo tren thế gian này, bên nào cũng là nước sôi lửa bỏng, có thể cầm cự đến ngày hôm nay cũng thật không dễ dàng gì, có câu rằng... gió mây thường đến hội, tụ tán chẳng có kỳ, rút hương rời bọn, nhưng nghĩa khí vẫn còn lưu."

Vậy là Trương Tam Gia cùng thủ lĩnh bước tới trước ban thờ, đứng bên cạnh lò hương, miệng lầm bầm khấn: "Tinh tú đầy trời rải bốn phương, núi cao Thường Thắng ở chính giữa; lưu lãng giang hỗ mấy chục năm, nhiều phần nhờ các huynh đệ chiếu cố; hôm nay tiểu đệ phải rời đi, khẩn thỉnh các huynh đệ khoan dung; tiểu đệ về nuôi mẹ già, nhưng vẫn cùng các huynh đệ đồng mệnh tương liên; binh đến tướng đến, đệ truyền báo; có nước có lửa đệ thông tri; dưới có hoàng thổ trên có trời, đệ và các huynh chung một thuyền; chùy sắt vỡ răng miệng không khai, dao thép cắt gan tâm không đổi; tiểu đệ có sai một lời, ngũ lôi oanh đỉnh diệt toàn gia; xin chúc sao Khôi tụ kim quang, hương hỏa Thường Thắng át Côn Luân, thế thiên hành đạo mãi lưu truyền."

Trong đạo lục lâm, bất kể ai rút hương, đều phải khấn bài này, nói nhà mình có mẹ già phải phụng dưỡng là lấy cớ "trăm việc thiện, hiếu đứng đầu", dẫu có viện cớ bằng trời, củng không thể ngăn cản người tận hiếu đạo được. Tuy Trương Tam Gia từ nhỏ cô khổ, không cha không mẹ, nhưng vẫn phải khấn đúng nguyên văn, không thể sửa chữa mảy may, vả lại trong quá trình khẩn không thể sai sót một chữ, cũng không được dừng lại nửa chừng để ngẫm nghĩ, bằng không ắt bị coi là trong lòng hổ thẹn, ý đồ bất chính, đám đạo tặc xung quanh sẽ lập tức nhao lên loạn dao phân thây, băm kẻ tụng niệm kia thành tương thịt.

Toàn văn bài khấn tổng cộng có mười chín câu; khấn một câu lại nhổ một cây hương, khi Trương Tam Gia khấn xong, hương trong lò cũng đã nhổ hết. Lúc này, thủ lĩnh lập tức chắp tay ôm quyền chúc mừng: "Tam ca đi mạnh giỏi, khi nào nhớ nhà thì quay lại uống chén rượu." Đến đây coi như xong lễ từ nay trở đi Trương Tam Gia không còn liên can gì đến những sự vụ của đạo lục lâm nữa. Mọi người xung quanh cùng bước lên chúc mừng, bên ngoài trang viện pháo nổ rầm trời, trống nhạc tưng bừng, người hầu kẻ hạ lập tức bày tiệc lên, nhất thời rượu thịt ê hề, ly chén chạm nhau, chủ khách đều vui vẻ.

Trong tiệc, đám cường đạo lục lâm đang chén chú chén anh, chợt có người đề nghị: "Hôm nay là ngày Trương Tam Gia nhổ hương rời đảng, các lộ hào kiệt đều tụ tập về đây, trên bàn toàn là rượu ngon thức hiếm, thật thống khoái vô cùng, hiềm nỗi không có thứ gì để đưa rượu, thế này gọi là chỉ sướng mà chưa vui, khó lòng tận hứng. Giới lục lâm chúng ta toàn bọn hán tử thô lỗ, tu mi trượng phu, cũng không thể học theo bọn vản nhân mặc khách chơi trò "hành tửu lệnh", thế thì nên thế nào đây? Tiểu tử cả gan, xin được mời các vị cao nhân trong tiệc kể lại những sự đắc ý bình sinh của mình cho mọi người, hễ nói đến chỗ kỳ dị, vũ dũng, hay người thường không bì được, chúng ta lại uống một bát lớn để tán thưởng".

Cả đám đều nhao nhao khen phải, Trương Tam Gia vốn là người thoải mái, ông hiểu rõ đám này muốn tranh thủ cơ hội nghe chuyện của mình năm xưa, đương khi cao hứng, sao có thể chối từ, bèn ngồi giữa bàn tiệc kể chuyện. Có điều, Trương Tam Gia đeo bùa Mô Kim là chuyện bí mật, không tiện thổ lộ trước chốn đông người, nên chỉ ngắt đầu bỏ đuôi, kể cho cả bọn nghe mấy sự việc kỳ hiểm mình từng trải trong đời.

Trương Tam Gia là hậu duệ danh môn, sau khi gia tộc suy vong, từ nhỏ đã phải lưu lạc nơi hẻo lánh, thời thiếu niên tham gia phá giải mấy vụ kỳ án, nhờ dẹp giặc ở Giang Nam mà thành danh, về sau làm quan, từng đánh trận với quân Thái Bình, đàn áp khởi nghĩa nông dân ở vùng An Huy, Giang Tô, đi theo Tả đại nhân trấn áp phiến loạn Tân Cương, cuộc đời nhiều lần qua lại chốn sa trường, tung hoành nơi chiến địa, kỳ ngộ nhiều không kể xiết.

Sự tích của Tam Gia, tùy tiện kể chuyện nào cũng đều là, "nói ra làm trăng sao lu mờ, cất tiếng khiến sông ngòi chảy ngược" làm cả bọn nghe như say như mê. Ông kể xong, lại dựa theo thân phận và lai lịch, lần lượt mời mấy vị tiền bối giảng giải sự tích của mình, đám cường đạo này tung hoành Nam Bắc, qua lại vạn dặm, ngoài giết người phóng hỏa ra còn làm không ít vụ đố đấu quy mô lớn. Trải nghiệm của bọn họ đều khiến người nghe rởn cả tóc gáy, người trong giới lục lâm lại rất thích khoe khoang những sự tích hào kiệt của mình, thật đúng là người nói mặt mày rạng rỡ, người nghe thần hồn điên đảo, trong tiệc không biết đã dốc cạn bao nhiêu vò rượu, mọi người say sưa sảng khoái, uống từ chập tối đến tận sáng hôm sau mới say khướt ra về.

Trương Tam Gia mất hơn một tháng mới thu xếp xong xuôi mọi việc ở hai giới hắc bạch, bấy giờ mới dẫn theo gia quyến trở vé quê cũ. Ông còn phải tháo bỏ bùa Mô Kim trước thần vị tổ sư, sau này không làm Mô Kim hiệu úy nữa.

Trên thế gian này chỉ còn lại ba lá bùa Mô Kim, là vật truyền từ đời này sang đời khác, theo lệ cổ, không đeo bùa không được đổ đấu. Trương Tam Gia có một trai một gái, ngoài ra còn bốn đệ tử. Trừ người con gái không tính, tổng cộng có năm sư huynh đệ. Nhà họ Trương đều là cao thủ phong thủy, đương thời người đủ tư cách đeo bùa này, không ngoài Trương Tam Gia và đám đệ tử của ông, nếu nói rộng hơn, thì cũng không đủ mười người.

Có điều, bùa Mô Kim chỉ có ba lá, rốt cuộc nên truyền cho ai cũng phải lao tâm khó tứ suy nghĩ một phen.

Bốn người đệ tử của Trương Tam Gia, người nào cũng có chỗ hơn người, một là Liễu Trần trưởng lão sau này xuất gia đi tu ở chùa Vô Khổ, năm ấy Liễu Trần trưởng lão vẫn chưa xuống tóc, nhưng không dùng tên thật trong giới lục lâm, không ai biết được danh tính tục gia của ông là gì. Người này từ nhỏ đã là một tên đại đạo có tài phi thiềm tẩu bích, biệt hiệu "Phi thiên thần châu", chưa một lần thất thủ, khinh công leo trèo cực kỳ xuất chúng, Tầm long quyết và thuật Phân kim định huyệt đã học hết chân truyền của Trương Tam Gia. Liễu Trần tính nóng như lửa, thích quản chuyện bất bình trong thiên hạ, có lòng tế thế cứu nhân.

Một người nữa là Kim Toán Bàn, xuất thân trong nhà buôn bán, hiểu được các loại kỳ môn ám khí, con người tinh minh láu lỉnh, nhưng lại có một tấm lòng chính trực hiếm có, chỉ tội quá đỗi tự cao, không để người thường vào trong mắt, chiếc bàn tính bằng vàng ròng không bao giờ rời tay, trên hạt bàn tính và khung giá đều khắc chi chít các ký hiệu Thiên can Địa chi. Chiếc bàn tính này của y không dùng để tính, mà để suy diễn thuật số Ngũ hành, chiêm nghiệm phương vị bát môn. Kim Toán Bàn và Trương Tam Gia quen biết từ xưa, giao tình bất phàm, nửa là sư đồ, nửa là bạn bè.

Người thứ ba là m Dương Nhãn Tôn Quốc Phụ, vốn là con cháu thế gia, khi sinh ra đã có một đôi mắt âm dương, từ nhỏ đã "nhìn được quỷ thần", vì vậy bị đuổi khỏi nhà, lưu lạc bốn phương, về sau Trương Tam Gia gặp phải, bèn thu làm đồ đệ. Người này trạch tâm nhân hậu, đầy bụng kinh luân, lại tương đối truyền thống thủ cựu, tuy học được một thân bản lĩnh nhưng không thích làm chuyện đổ đấu kiếm tiền, xưa nay chưa từng tham dự hành động tụ nghĩa chia tài nào trong giới lục lâm, vì vậy đi tới đâu cũng đều dùng chân danh thực tính.

Người nhỏ nhất, là đệ tử quan môn của Trương Tam Gia, có biệt hiệu Cối Xay Sắt, tu luyện ngạnh công Thập Tam Thái Bảo Hoành Luyện, từng làm thảo khấu, cũng từng tham gia khởi nghĩa nông dân, hồi trước đã giết người vô số, nhưng Trương Tam Gia nói tính khí của y rất giống với một người huynh đệ năm xưa của mình, lại xét thấy y thủ đoạn cao cường, làm người thành thực, mới thu vào làm môn hạ.

Hôm ấy, Trương Tam Gia gọi đệ tử và con cháu đến trước ban thờ, đặt ba lá bùa Mô Kim lên khay ngọc, nói với mọi người: "Chọn ngày không bằng gặp ngày, hôm nay ta sẽ truyền lại bùa Mô Kim. Trong thiên hạ không có bữa tiệc nào không tàn, dù lấy được bùa hay không lấy được bùa, kể từ hôm nay, các con sẽ phải tự lập môn hộ, dựa vào bản lĩnh của mình mà xông pha bên ngoài. Nhưng có một điều, kẻ nào học Tầm long quyết và thuật Phân kim định huyệt của Mô Kim hiệu úy mà không đeo bùa Mô Kim đi đổ đấu, một hai lần có lẽ còn may mắn nhặt được cái mạng về, nhưng đã phạm phải lệ cổ, sớm muộn cũng không tránh khỏi kiếp số, các con nếu không nghe lời này của sư phụ, tới khi đại họa giáng xuống đầu, chớ trách kẻ làm thầy này không nói rõ từ trước."

Con cháu đệ tử đều biết Trương Tam Gia là nhân vật thông tuệ cái thế, lời đã nói ra không bao giờ sai, đương nhiên không dám không nghe, đều nhất loạt bước lên quỳ lạy, nói: "Ba lá bùa Mô Kim truyền cho ai, đều do sư phụ làm chủ, đệ tử không dám hai lời."

Trương Tam Gia gật gật đầu, tuy kể cả con trai thì ông có năm đệ tử, song kỳ thực trong lòng sớm đă định đoạt sẽ truyền bùa Mô Kim cho ai rồi. Trước tiên, ông bảo con trai mình lùi ra bên ngoài. Thì ra, bí thuật Mô Kim này truyền thừa nghìn năm nội quy cực nhiều, bùa thật không truyền cho hậu nhân trong nhà chính là một trong số đó.

So với đám trộm mộ dân gian không có phép tắc gì, quy định này xuất phát từ việc đổ đấu trộm mộ kiếm lợi là hành vi cực kỳ tổn âm đức, mặc dù Mô Kim hiệu úy trộm mộ lấy báu vật hầu hết đều để tế thế cứu dân, nhưng những thứ châu báu ấy đa phần không phải phàm vật, một khi lộ diện trên đời, nhất định sẽ dân đến minh tranh ám đấu, truy đến tận cùng thì người đổ đấu đào mộ lấy báu vật ra cũng phải gánh tội nghiệt không nhỏ, bởi vậy mới có câu "làm một đời, nghỉ ba đời". Tính từ đời con trai Trương Tam Gia, thì tới đời chắt của ông cũng không thể đeo bùa Mô Kim làm nghề đổ đấu, bằng không ắt sẽ bị trời phạt, đoạn tử tuyệt tôn, tan cửa nát nhà.

Cùng là người làm nghề trong xã hội cũ, nghề mổ lợn xưa cũng có cách nói như vậy. Ở phủ Tế Nam tỉnh Sơn Đông, đã có truyền thuyết đồ tể bị báo ứng, nhưng không phải chuyện đồn đại trong dân gian bình thường, mà rất đáng tin. Vì những nghề này đều là tổ tiên truyền xuống, chỉ truyền cho nam không truyền cho nữ, làm bao nhiêu đời đồ tể đều có ghi chép rất rõ ràng.

Phàm là đồ tể, cứ cách ba đời lại có một đời không thể làm đồ tể, tuy cũng phải học lấy tay nghề của đời cha ông, nhưng không thể tự lập môn hộ, giết mổ súc sinh. Nghe nói, quy tắc này là vì lo người sát sinh quá nhiều, sợ tuyệt hậu, nhưng nguyên nhân có phải vậy hay không đến giờ không ai nói rõ được. Tóm lại, cứ ba đời, ắt phải có một đời không thể giữ lấy nghiệp tổ, mà phải học nghề khác mưu sinh, đợi đến đời sau mới có thể tiếp tục làm đồ tể.

Nhà họ Mễ đời đời làm nghề giết mổ dê lợn, truyền đến đời "Mễ đồ tể" liền phạm vào đại kỵ, nghề giết mổ truyền đến đời y, theo lệ cũ vốn không thể động đến đao đồ tể nữa, nhưng y không hề để chuyện này trong lòng, vẫn cứ giết lợn mở tiệm thịt bình thường. Một hôm, trời còn chưa sáng Mễ đồ tể đã thức dậy để giết thịt một con lợn nái, một mình y vào phòng giết mổ thắp đèn, vật con lợn nái xuống đất, tiện tay lần mò mạch máu trên cổ, rút đao định chọc tiết luôn. Nào ngờ con lợn kia đột nhiên cất tiếng, nói bằng tiếng người: "Tôi lẽ ra đến mười lăm tháng Năm mới chết, hôm nay mới mười bốn, ngày giờ không đúng, sao ông dám giết tôi ".

Gan kẻ làm đồ tể không phải người thường có thể sánh được, vả lại Mễ đồ tể dậy quá sớm, mắt mũi kèm nhèm, còn tưởng mình nghe lầm, lại nghe thấy lợn nói tiếng người, bèn chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, vung đao chọc tiết luôn, mặc cho con lợn nái eng éc giãy giụa, cũng không buồn mảy may động lòng.

Nhưng đến ngày hôm sau, chính là mười lăm tháng Năm, Mễ đồ tể vẫn dậy sớm giết lợn, không ngờ hôm nay y càng mệt mỏi hơn, đến đèn cũng chẳng buồn thắp, đằng nào cũng đã quen tay, lần mò trong bóng tối vẫn làm được. Có điều, lần này không nghe thấy con lợn bị giết kia nói chuyện, lúc giết mổ cũng rất thuận lợi, tựa hồ không phí chút sức lực nào, đến lúc cạo lông, Mễ đồ tể vẫn còn thắc mắc: "ừm, lạ thật, con lợn bị chọc tiết hôm nay sao không thấy kêu la gì nhỉ ? Mà... mà chân lợn sao ít lông thế, trơn nhẵn bóng loáng, sờ cứ mềm mềm như chân gái ấy..."

Nghĩ tới đây, Mễ đồ tể giật mình sực tỉnh, nhận ra mình không hề vào phòng giết mổ mà đang ngồi trong nhà, trên giường dưới đất be bét máu tươi, trên tay y cầm một cái đùi đàn bà trắng toát như tuyết. Mỗ đồ tể lập tức ba hồn rời xác, bảy vía thăng thiên, không dám tin thảm cảnh trước mắt là thật, không ngờ trong lúc mộng du y đã coi vợ mình như con lợn, tự tay xẻ ra làm tám mảnh, máu tươi khắp nhà vẫn còn nóng hôi hổi. Kết quả, ngay ngày hôm ấy Mễ đồ tể treo cổ tự vẫn, trước lúc chết còn dùng máu tươi viết lên tường mấy chữ lớn: "Ngày giờ không đúng."

Chuyện này nói là lời đồn đãi ở chốn thôn quê cũng tốt, mà là sự tích chân thực cũng được, tóm lại những kẻ dựa vào tay nghề kiếm cơm, đều thà tin là có, chớ ngờ là không, vì vậy Trương Tam Gia không muốn để con trai mình làm Mô Kim hiệu úy nữa. Như vậy, người có thể đeo bùa, chỉ còn lại bốn đệ tử của ông. Trong bốn người này, m Dương Nhãn Tôn Quốc Phụ là tú tài không đội mũ quan, căn bản không muốn làm nghề đổ đấu mà cam tâm tình nguyện làm một số việc tầm thường mưu sinh, hoặc mở trường dạy học, hoặc xem bói chọn đất, tìm nơi xây nhà xây mộ cho người ta, dù sao thì người này đa tài đa nghệ, không lo vô kế sinh nhai.

Trương Tam Gia thấy m Dương Nhãn tâm ý đã quyết, bèn lấy ra một cuốn sách, sách này tên gọi Thập lục tự m dương Phong thủy bí thuật, ghi chép lại tỉ mỉ tất cả sở học bình sinh của Trương Tam Gia.

Mô Kim bí thuật kỳ thực chính là một phân chi của Dịch, quẻ cổ Chu Thiên tổng cộng có mười sáu chữ, truyền tới hậu thế chỉ còn lại tám quẻ, tám quẻ này lại phân thành Tiên thiên bát quái và Hậu thiên bát quái. Tương truyền, Tiên thiên bát quái do Phục Hy đại đế có được từ hình vẽ trên mai rùa, Hậu thiên

bát quái là của Chu Văn Vương suy diễn, kỳ thực đều là do người đời sau nghĩ ra, trên thực tế, hai thứ này khác nhau không lớn, đều thuộc Thiên quẻ lấy "long" làm tượng, vì vậy Chu Dịch giải quẻ hẳn thuộc về Long quẻ. Trong các hào của Bát quái này, tuy có cả tượng hưng vong, nhưng xét kỹ ra, đều là số chấn hưng, vì vậy Kinh Dịch từ thiên mở đầu đến thiên kết thúc, đều nói về Càn nguyên thiên đạo.

Còn tám quẻ đã thất truyền từ thời Tây Chu kia, lại thuộc vẻ quẻ m, đa số đều lấy "phượng" làm tượng, người xưa cho rằng quẻ cổ quá chu toàn, đã phát hiện hết thảy mọi bí ẩn trong trời đất, như vậy ắt sẽ bị quỷ thần đố kỵ, dẫn đến việc chẳng lành, bèn hủy đi một nửa của mười sáu quẻ, từ đây không còn lưu tồn trên chế gian nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.