Ly Uyên

Chương 3: Lân Tiêu | 2




BẠCH Y THƯỜNG BẰNG CHU LAN LẬP, LÃNH NGUYỆT HÀNH TÂY, ĐIỂM TẤN SƯƠNG VI, TUẾ ÁN TRI QUÂN QUY BẤT QUY...

________________________________________________________________________________

Kể từ đó cuộc sống phẳng lặng của Trịnh Uyên có những đổi thay nho nhỏ. Hầu hết thời gian cậu vẫn là con tin nước Trịnh với dáng vẻ phục tùng cúi mắt, dù có đi trước hay đi sau người khác cũng không dám cả tiếng nói năng. Cậu bắt đầu thích ngồi ngẩn ra để ngắm hoa đào đang trổ rực rỡ trong men say của mùa xuân, lúc đọc sách cũng to giọng hơn trước một chút. Cậu đọc đi đọc lại Liên Hoa kinh, chút vô ý, chút cố tình. Vì thế cũng hay bị Tiểu Viên lúc bất chợt ghé qua đây trêu chọc.

Tiểu Viên sẽ nhân lúc lão sư quay lưng đi sẽ mở toang cửa sổ nơi phòng cậu để rón rén lẩn vào trong, nhón chân đến sau lưng Trịnh Uyên, sau đó đưa tay qua bên tai cậu vỗ cái bốp cho thật kêu, khiến sắc mặt của Trịnh Uyên trở thành trắng bệch. Nếu lúc đến nhằm ngay khi Trịnh Uyên đang tập viết chữ, Tiểu Viên sẽ kéo soạt chiếc bút từ phía sau, thế là bàn tay của Trịnh Uyên bị dây mực đen thui, cằm của cậu bé cũng không tránh né được. Lúc bấy giờ Tiểu Viên sẽ nhìn vào cậu mà nói, năm xưa khi Vương Hữu Quân dạy con tập viết thì thường hay cướp bút của con. Ta đây đều là vì muốn tốt cho cậu đấy thôi. Sau đó cậu ta sẽ nhìn trái nhìn phải bộ mặt xụ xuống của Trịnh Uyên mấy lượt rồi hì hì cười: "Bình thường trông cậu trắng ơi là trắng, bây giờ vẽ mực đen lên thì đúng là một bức tranh thủy mặc rất đẹp đó." Lão tiên sinh đứng bên cạnh nghe mà ấm ức, nhưng vì kiêng nể thân phận của Tiểu Viên nên đành ngậm bồ hòn. Trịnh Uyên cũng không chấp, chỉ đáp lễ cậu ta: "Huynh đúng là sung sướng. Hôm nay học theo người giật bút. Sau này lại thành học theo người thản phúc đông sàng, câu "Xưa nay không có kẻ thứ hai" của Vương Hữu Quân huynh đã học được hơn phân nửa rồi đấy." Tiểu Viên nghe cậu nói lý sắc bén như vậy thì không cãi lại được gì, nhưng cũng không giận mà cười hì hì lấy chiếc khăn lụa ra vắt nước rồi cẩn thận lau sạch sẽ khuôn mặt của Trịnh Uyên, xem như là chuộc lỗi với cậu.

Dần dà, Trịnh Uyên đã có thể cảm nhận được gót chân êm ái như mèo đi của Tiểu Viên. Dù cậu ta có nấp trên nóc nhà, trèo lên cây, hay là đang ở trong một xó xỉnh nào đấy dưới đất bên ngoài phòng nơi không nhìn đến được, Trịnh Uyên vẫn có thể phán đoán chính xác sự tồn tại của cậu ấy. Cậu sẽ ngay lúc trước khi Tiểu Viên xuất hiện mà đổi từ kinh Liên Hoa vốn hay đọc sang bộ kinh Kim Cang rất bình thường, hoặc sẽ ngay khi Tiểu Viên sắp vỗ tay hoan hô thì đứng phắt dậy, khiến Tiểu Viên đang xớ rớ ở cạnh đó phải lảo đảo. Những biến chuyển như thế khiến Tiểu Viên hơi thất vọng một chút. Có điều chẳng bao lâu sau cậu ta đã nghĩ ra trò chơi mới. Ví dụ như, mặc cho tiên sinh phản đối, cắp ngang hông Trịnh Uyên leo tuốt lên cây, để cho cậu có thể đứng ở nơi ào ạt gió ngàn cao tít bên trên điện Tá Minh mà ngắm nhìn thành Lân Tiêu rộn rã như mộng ở xa xa ngoài cung.

Thường thì khi người ta cười tươi, ánh cười trước nhất phải lóe lên trong mắt. Nhưng Tiểu Viên không như thế. Lúc cậu ta cười cũng rướn hàng mi, nhưng thần sắc của đôi mắt vẫn rất bình thường. Có đôi khi, lúc cậu ta lau sạch vết mực cho Trịnh Uyên, hoặc là đỡ lấy Trịnh Uyên đang ngả nghiêng sắp té trên ngọn cây thì bỗng dưng mỉm cười, nhưng con ngươi vẫn không một gợn sóng, chong chong nhìn về khoảng thinh không phía trước. Trịnh Uyên phát hiện, dưới nắng trời đôi mắt của cậu ta hiển hiện một màu xanh đen kỳ lạ, như hồ nước sâu thẳm sâu nhìn không thấy đáy trên đỉnh núi tuyết trong truyền thuyết. Có người nói rằng đó là dấu tích còn bảo lưu lại từ tổ tiên là những người ở quan ngoại tiến vào nước Ngụy. Trịnh Uyên nghĩ nụ cười của cậu ấy êm ái đến tận xương, rất khó hiểu. Cậu không biết có phải đó là do mùi hoa quá đỗi ấm áp đã tạo ra ảo giác hay không.

Xuân năm ấy so với xuân của mọi năm qua đi chóng vánh hơn hẳn. Cội hoa trổ rực lặng lẽ trút hết thành tàn hồng đầy đất. Lúc xưa kia Trịnh Uyên rất mong ngóng tới mùa Tết đến. Bây giờ cậu đang trong một cuộc sống mà không ai còn nhớ tới, cho nên chỉ có thể thanh nhàn một thoáng, tiêu dạo tự tại trong gian phòng đơn sơ của chính mình. Bây giờ niềm hân hoan đắc ý của ngày xưa cũng trở thành buồn chán. Suốt trong những buổi lễ khánh lớn nhỏ cậu chưa một lần gặp được Tiểu Viên. Trịnh Uyên lặng lẽ tưởng tượng cảnh thiếu niên luôn nhảy nhót không sợ gì đó mặc áo gấm đeo hoa ngồi chỉn chu trong một xó xỉnh nào đó mà mình không thấy, nghĩ chắc cũng như vượn đội mũ người đấy mà. Mỗi khi cậu hạ quyết tâm rằng thấy Tiểu Viên phải chọc ghẹo, đều rốt cuộc là không có gan mở miệng ra chọc. Cậu biết nếu như mình bước qua khỏi ranh giới ấy, Tiểu Viên sẽ chẳng còn là Tiển Viên nữa.

Nhưng mà, giá như có thể bước qua khỏi ranh giới đó thì thật tốt. Trịnh Uyên nhìn khuôn mặt rạng rỡ của Tiểu Viên thầm nghĩ. Bước ra khỏi vạt rừng đào này, cậu ta sẽ trở thành một người thế nào nhỉ. Là vênh mặt hất hàm hay khiêm nhường lễ nghĩa, là vô lại tiêu dao hay lòng ôm trời đất. Suy nghĩ này gần đây thường khiến cho cậu thất thần, Tiểu Viên liền đưa tay xoa đầu cậu: "Nghĩ gì đó?"

"Không có đâu." Cậu cúi mắt xuống.

Tiểu Viên tỏ vẻ biết tỏng rồi nhé, rồi hào hứng cúi xuống nhìn Trịnh Uyên: "Ta biết, cậu nhớ nhà."

"Ơ?"

"Trung Thu tháng tám tới ngay đây ấy mà." Tiểu Viên bỗng dưng chăm chú, trầm giọng bảo Trịnh Uyên, "Uyên, ta nói cho cậu biết một bí mật rất quan trọng, ngàn vạn lần cậu không được cho người khác biết đâu đấy."

Tim Trịnh Uyên đập lùng bùng. Cậu còn chưa kịp gật đầu thì Tiểu Viên đã ghé sát vào tai thầm thì: "Tới lễ Trung Thu, ta dẫn cậu ra ngoài cung đi chơi!"

Tểu Uyên có thể chắc chắn, vẫn có niềm đắc ý quen thuộc với cậu đến thế trong giọng nói của Tiểu Viên.

Sau khi thông báo quyết định rất đáng sợ kia xong, Tiểu Viên không xuất hiện nữa. Tiểu Viên thấp thỏm chờ ngày Trung Thu đến. Cậu sợ cuộc thử nghiệm hoàn toàn mới mẻ đang đến rất gần trước mắt, nhưng sợ hơn nữa là Tiểu Viên lỡ hẹn. Và thế là, ngày Trung Thu mà toàn thể thành Lân Tiêu da diết chờ cứ khoan thai mà đến. Hoàng cung bình thường nghiêm túc là vậy mà cũng có một chút xôn xao.

Với người nước Ngụy, Trung Thu là gần đến Tết, cũng vừa rơi vào mùa thu hoạch, là một trong những dịp lễ lớn nhất của cả nước. Gần đến Trung Thu, điện Tá Minh trở nên thưa vắng bóng người. Đêm trước Trung Thu, Trịnh Uyên cố ý bước ra ngoài phòng ngắm trăng. Khoảnh sân nơi cậu ở rất hẹp, còn chưa rộng đến một thước, cũng hoang vắng không có chút sinh khí nào. Trịnh Uyên ngước lên nhìn vầng sáng bạc treo cao cao đỉnh đầu, trăng đã tròn vành vạnh đến thế, cũng không thiên vị mà soi sáng luôn nơi nhỏ bé này của cậu. Dường như khắp trời đất này chỉ còn cậu lẻ loi một mình. Cậu thầm nghĩ, nếu như ngày mai Tiểu Viên có lỡ hẹn thật, cậu cũng coi như đã ngắm được trăng tròn. Ừ thì, trăng của hôm nay và trăng của ngày mai chắc cũng chẳng khác biệt là bao.

Chớm có tiếng gà gáy sang ngày, Trịnh Uyên đã thức dậy đi học. Dù mọi trò vui của lễ Trung Thu phải đến đêm xuống mới bắt đầu, nhưng cậu đã nghĩ muốn đi sớm để đợi Tiểu Viên. Nhanh chân chạy đến phòng học thì chẳng có ai ở đó. Biết là tiên sinh nghỉ dạy hôm nay, nhưng Tiểu Viên chắc cũng chẳng đến sớm như thế đâu. Trong lòng cậu, từng cơn lạc lõng tràn lên tiếp nối nhau, trực giác thấy thất vọng, nghĩ là Tiểu Viên hôm nay không trốn đi được rồi.

Đang miên man nghĩ, cánh cửa phía sau bỗng kẽo kẹt kêu lên. Cậu hớn hở ngoái lại nhìn, rồi lại thấp thỏm mình quên đóng cửa, để một trận gió thu không mời cũng thốc tới. Trịnh Uyên bất đắc dĩ bèn bước tới để đóng cửa, thấy bình minh đã tỏ dần ở bên ngoài nên tiện thể bước sang mở cửa sổ ra.

Cánh cửa rộng mở, khung cảnh bên ngoài vẫn không có gì khác lạ. Tay Trịnh Uyên khẽ run. Cậu cũng đã nghĩ, biết đâu Trịnh Uyên nấp bên ngoài cửa sổ để làm cậu giật mình.

Nhưng lúc cậu xoay người định trở về đọc kinh, vừa bước đi đã nghe âm ấm trên vai. Đôi bàn tay đặt lên trên vai cậu tuy không hẳn đã quá quen thuộc, nhưng là của ai thì đã rõ mười mươi. Một hơi thở nhẹ nhàng lan đến, bất giác vành tai cậu nóng lên: "Ta ấy à, trời còn chưa sáng đã tới rồi. Lần này cậu cũng chả đoán ra ta ở nơi nào nhé."

Đột nhiên Trịnh Uyên quay người lại, đôi mắt đăm đăm nhìn như muốn xuyên thấu lòng Tiểu Viên. Cậu nhìn như thế khiến Tiểu Viên phát hoảng, buông vai cậu ra rồi nói: "Ta đùa cậu đấy, thật tình là ta đợi cậu lâu lắm luôn." Nói xong thì lấy ra một bộ quần áo vải thô đưa cho Trịnh Uyên: "Mặc cái này vào."

Trịnh Uyên vội vàng thay áo, lúc này cậu mới thấy quần áo Tiểu Viên đang mặc cũng là loại bình thường, mái tóc thì cột tự nhiên sau vành tai, vài sợi còn sót buông lưa thưa bên gò má, dây lưng vải bố cũng chỉ thắt lại sơ sài bên hông. Cậu nghĩ như thế này chẳng giống nề nếp thường ngày của Tiểu Viên chút nào. Cậu ta là kẻ ra bộ thì tùy tiện, nhưng phục sức mỗi ngày đều nghiêm chỉnh đến mức có gì đó buồn cười. Hôm nay thấy cậu mặc quần áo thô mộc, thế mà khí chất cao quý vẫn đâu đó quanh người. Nhìn cứ như là công tử thiếu gia đang cải trang, không có chút nghèo khó nào cả.

Trịnh Uyên thay quần áo xong thì hỏi Tiểu Viên: "Chúng ta cứ vầy mà đi à?"

Tiểu Viên chỉ nhìn cậu mà cười: "Cậu ăn mặc vầy mà cũng dễ coi ghê."

Trịnh Uyên thấy lạ, cũng nghệt mặt ra nhìn vào Tiểu Viên một cách rất chi thất thố. Cậu cũng chẳng trả lời, chỉ hỏi nhỏ: "Đi chơi Trung Thu không phải chờ lúc trăng lên mới bắt đầu sao?"

Tiểu Viên lắc đầu cười: "Đợi tới trăng lên thì mười dặm bên ngoài Ngụy Cung đều giới nghiêm hết, sao mà đi ra được. Với lại, chỗ bọn ta ấy, Trung Thu khác với những nơi khác, ban ngày mới đẹp."

Nói xong thì quay trở ra ngoài, Trịnh Uyên đành đuổi theo phía sau.

Dù đã ở nước Ngụy hai năm nhưng chưa một lần nào Trịnh Uyên đi ra khỏi cửa cung. Ngay cả những nơi khác ngoài điện Tá Minh ra cũng hiếm khi lui tới, chỉ có mỗi năm cùng tất cả chúng đại thần lũ lượt đến điện Vô Lương bái tạ ơn trạch của Thiên tử. Cậu nghĩ chắc chẳ Tiểu Viên sẽ dùng cách quái chiêu nào đấy để trốn khỏi cung, không ngờ cậu ta chỉ đi thẳng qua điện Dưỡng Tâm ở hậu cung, điện Thanh Hoa nơi nghỉ ngơi của thiên tử, điện Vô Lương nơi quần thần lâm triều, rồi đi qua vài cửa cung nữa đến cửa chính Triêu Thiên, không ngại có kẻ hầu người hạ nào trông thấy hai đứa.

Tới trước cửa Triêu Thiên, quân lính canh cửa thấy hai người quần áo đơn sơ, nhưng thần thái thì một kiêu ngạo một nghiêm trang thì cũng không dám ngăn cản, chỉ nói rằng hôm nay Trung Thu, cung cấm tăng cường canh giữ, dù có lệnh bài cũng không được tùy tiện ra vào. Trịnh Uyên chỉ thấy Tiểu Viên khoan thai lấy một tấm lệnh bài từ bên hông ra giơ lên trước mắt bọn họ: "Thế này các ngươi cũng không cho đi?"

Hai người quan binh kia vừa thấy qua thì biến sắc, vội vàng lùi lại cùng hô to: "Lệnh bài của quý Hầu phủ, bọn tôi nào dám không cho qua. Nhưng hôm nay trong thành rất hỗn loạn, nhị vị công tử, ngàn vạn lần nhớ cẩn thận,"

Tiểu Viên rút lệnh bài lại, nháy mắt nhìn Trịnh Uyên rồi nghênh ngang ra khỏi cung.

Năm ấy, Trịnh Uyên lên mười ba, lần đầu tiên trong đời cậu được thấy Lăng Tiêu, đô thành sung túc, sầm uất đệ nhất của lục quốc mà tiếng tăm còn vang mãi đến hậu thế. Về sau, người ta phỏng đoán, khi ấy, Trịnh Quốc công tử tuổi còn non trẻ, đối mặt với một Lân Tiêu xa xỉ, giàu có và hãnh tiến nhường ấy, có chăng đã nghĩ rồi một ngày kia tất cả sẽ tan biến thành tro bụi dưới mưu sâu của mình.

Người dân trong thành Lân Tiêu nườm nượp đổ ra ngoài đường, chỉ còn mấy nhà hàng tiện là còn mở cửa để tranh thủ làm thêm đao thêm kiếm phòng nhỡ lúc cần kíp. Sự thanh bình giữa thời loạn không vững chắc như sự thanh bình khi thịnh thế, nhà nào cũng cất kỹ vài món đồ để phòng thân. Nắng mai lấp lánh phía trên đầu, dội lên từng phiến đá trên đường phố, ánh sáng thanh sạch biết mấy. Tiểu Viên nói vọng lại, ban ngày phải đi xem diễn xiếc trên bờ, ban đêm phải đi xem hoa đăng dưới nước, rồi cứ thế dắt Trịnh Uyên đi qua dòng người huyên náo. Lúc đi qua một hàng đồ ăn treo tấm chiêu bài cao cao giữa chợ, họ chỉ thấy trong hàng chỉ có bàn ghế đơn sơ bằng trúc còn trống nằm bên vệ đường. "Bình thường thì ở đây đã đông nghịt từ lâu rồi đấy, không chen vào nổi luôn." Tiểu Viên hoa tay múa chân diễn tả.

Trịnh Uyên không ghìm nổi tò mò mà hỏi cậu ta: "Huynh không ở trong cung mà suốt ngày ra ngoài chơi sao?"

Tiểu Viên cười trừ: "Ta trốn đi đấy, đừng nói ai biết nhé."

Trịnh Uyên không hỏi nhiều, cậu mở tròn mắt ngắm nghía xung quanh, chân cũng bước chậm lại. Nước Trịnh trải qua mấy năm liền chiến tranh, bách tính vẫn luôn tự cung tự cấp lấy, nào có đâu cảnh tượng chợ búa hàng quán phong phú đến chừng này. Lúc cậu mông lung nghĩ thế thì đã bươc ngang qua một hàng bán gạo, ông chủ quầy hàng đang đếm tiền thu trong ngày rồi chuẩn bị đóng cửa, thấy hai đứa bé kia một nối đuôi nhau một trước một sau thong thả bước thì mỉm cười ra chiều thích thú. "Bọn tôi làm nghề buôn gạo, có chuyện lớn tới đâu thì sáng sớm cũng phải mở hàng một canh giờ, nếu không thì đứt bữa gạo ăn nhà người ta. Có bỏ lỡ cuộc vui nào thì cũng đành chịu thế thôi chứ biết sao. Hai vị tiểu ca đây đi chơi sao ung dung quá vậy, không phải đang định đi xem xiếc à?"

Trịnh Uyên mới sực nhớ ra là muộn giờ mất rồi. Nhưng Tiểu Viên vẫn đang chờ cậu phía trước. Cậu vội vội vàng vàng chạy tới, Tiểu Viên quay người lại cười với Trịnh Uyên, nắm lấy tay cậu: "Cậu đừng nghe ông ta nói bậy. Tới sớm hay muộn gì cũng thấy như nhau hết, chúng ta tìm được chỗ là xong, không lỡ đâu."

Bàn tay của Tiểu Viên bình tĩnh cứng cáp, những ngón tay có vài nốt chai, có lẽ là thường tập luyện võ nghệ. Trịnh Uyên bị nắm tay, mặt cậu khẽ ửng hồng nhưng không biết phải nói gì. Cậu nắm tay Tiểu Viên đi thêm một lúc nữa, rồi nghĩ có khi xem xiếc cũng chẳng đến mức quá quan trọng nữa.

Chưa đến được giữa chợ đã nghe tiếng ồn ào rầm rĩ, rất đông người chen chúc đứng quanh một vòng tròn to. Trịnh Uyên còn chưa hay biết gì thì cả hai dường như đã bị nuốt chửng vào trong đám đông. Đó là lần đầu tiên Trịnh Uyên hòa mình vào đám đông bách tính bình thường, dòng người xô đẩy người cậu hết ngả sang trái rồi nghiêng sang phải, có khi chực té xuống. Cậu không nhìn thấy gì hết, chỉ nắm tay Tiểu Viên thật chặt. Tiểu Viên cứ lủi hết bên này sang bên kia như cá lội, cuối cùng cũng chen vào được một chỗ ở phía trước mọi người. Cậu ta kéo tay Trịnh Uyên xuyên qua sóng người cuồn cuộn. Trước mắt cậu dần dần sáng tỏ, đã thấy lấp loáng có ngói xanh tường trắng hiện qua kẻ hở trong đám người. Cuối cùng bọn họ cũng tới được phía trong cùng của vòng tròn lớn, Trịnh Uyên mê mải ngắm cuộc vui say sưa phóng khoáng của người dân nước Ngụy.

Ở chính giữa bãi đất trống, nghệ nhân từ các nơi đang diễn xiếc. Nào là nuốt lửa, ảo thuật, quay đĩa, xiếc rối, cầm gậy đi trên dây, đàn ca múa hát... tất tần tật. Được chú ý nhiều nhất là người nghệ nhân đang chầm chậm dò bước trên không trung, hai tay giang rộng ra như cánh chim bay, uyển chuyển mà mạnh mẽ. Ai nấy đếu nín thở ngước cao đầu, chân cũng lần bước theo bước chân của nghệ nhân. Ai đó va trúng gót hài của Trịnh Uyên, suýt nữa thì đã giẫm lên chân cậu. Tiểu Viên đứng phía sau đỡ lấy, bảo cậu đừng sợ.

Cứ thế mà dung dăng dung dẻ đi chơi đến chiều tà. Chân Trịnh Uyên bị đôi hài cấn đến phồng rộp, nhưng cậu nghĩ suốt mười ba năm qua chưa bao giờ vui vẻ đến thế. Tiểu Viên còn dẫn cậu chạy đến bên bờ hồ Dao Nguyệt trong thành. Đêm buông xuống, trên mặt hồ lung linh hàng vạn chiếc đèn lồng, những chiếc thuyền hoa đủ màu sắc, những hàng quán rao bán thức ăn, đồ chơi, những ca nương điểm trang tươi đẹp, tóc kết hoa ôm đàn tì bà cất giọng hát bên mạn thuyền, và sẽ có những lãng tử áo xanh bên thuyền khác gõ nghịp trống hòa theo.

Tiểu Viên dắt Trịnh Uyên leo lên một cây nhãn cao nhất bên bờ hồ, chọn một cành cây cứng cáp để hai đứa sóng vai ngồi xuống ngắm cảnh, rồi bình phẩm đủ trò khi pháo hoa buông xuống mặt hồ. Cậu ta chỉ cho Trịnh Uyên thấy một nữ tử áo đỏ bên bờ trái đang ôm đàn cất tiếng hát nỉ non, như đóa thược dược bị bỏ rơi bên bỉ ngạn. "Thật ra cô ấy là người hát hay nhất, gọi là Liễu Nương, tiếc là ngọc đã phủ bụi rồi. Có thấy chiếc trâm cửu hạc nghênh phượng cài trên tóc cô ấy không? Cái màu xanh bạc ấy.... là khi xưa do bệ hạ ban tặng đấy."

Cậu ta chỉ một chiếc thuyền hoa đẹp đẽ nhưng lẻ loi trên mặt hồ, kể với Trịnh Uyên là mấy năm trước đây bệ hạ có dừng bước ở lại trên chiếc thuyền ấy ngắm cảnh gióng gió. Huyền diệu ấy, bây giờ chỉ e đã bị đám người thân đầy mùi tiền che lấp cả rồi.

"Cơ mà", khuôn mặt Tiểu Viên kề sát vào cậu, "Chỗ chúng ta ngồi bây giờ so với ngày xưa bệ hạ ngồi còn tốt hơn đấy, có phải không?"

"Ừ, cứ như quỳnh sơn tiên cảnh ấy."

Nói đến đấy thì từ ngữ bỗng dưng biến mất, hai người im lặng ngắm nhìn hồ nước. Trịnh Uyên nghe tiếng huyên náo vang đến từ hồ nước đang lùi xa dần, chỉ có tiếng hát của Liễu Nương vẫn rõ ràng văng vẳng: "Bạch y thường bằng chu lan lập, lãnh nguyệt hành tây, điểm tấn sương vi, tuế án tri quân quy bất quy..." (Có người áo trắng đứng tựa lan can sơn son. Trăng lạnh lẽo ngả về trời tây. Tóc mai đã lấm tấm bạc, tuổi già rồi mà biết chàng có quay về hay chăng...)

Bỗng dưng giọng hát nghe lạnh lẽo như kể chuyện kiếp người buồn đau, thoắt cái thì thấy như đang nhớ về giấc mộng xuân đã không còn dấu tích, mà tình hãy còn thiết tha như trước. Cậu nghe mà ngây dại, ngước lên thấy trăng tròn ngời sáng vẫn đơn côi như vậy, chỉ là, hình như đã tròn thêm một chút.

"Đẹp không?"

"Ừ."

Tiểu Viên quay sang nhìn Trịnh Uyên, hấp háy mắt như có hơi men, "Phải về rồi, tiếc quá ha, mai không dậy muộn được."

Trịnh Uyên cũng quay sang cậu ta, "Ngày trọng đại như vậy, huynh ra khỏi cung cả ngày có sao không?" Cậu nói lúc này thì không còn ý muốn dò xét nữa, chỉ thấy lo lắng cho cậu ta.

Tiểu Viên cười, thả mình rơi xuống đất, "Cậu xuống đi, ta cõng cậu đi về."

"?"

"Nghỉ ngơi đêm nay, mai sẽ hết đau chân." Tiểu Viên cười rất chi vô tội, từ phía dưới tàng cây ngước mắt lên nhìn, "Nhảy xuống đi, ta đón cậu."

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.