Cả đời Đồng Như chỉ nhận hai đồ đệ, một là Tưởng Bằng, một là Hàn Mộc Xuân.
Tưởng Bằng là đái nghệ tòng sư* vốn không phải môn hạ đệ tử của ông, được một vị lão hữu tạ thế nhờ chiếu cố. Tưởng Bằng vốn không muốn xem như chưa có sư phụ, chỉ làm đệ tử trên danh nghĩa, một năm thì có hơn phân nửa ở bên ngoài du lịch. Tư chất y thường thường, tính tình thành thật chất phác hơi xa cách, không có tâm tư hại người, cũng không quá đề phòng ai. Đối với Đồng Như tôn kính có thừa, cũng không quá thân cận.
(*): theo thầy khi đã có tài nghệ.
So với vị sư huynh trên danh nghĩa này, đồ đệ chính quy Hàn Mộc Xuân thì nhiệt tình hơn nhiều.
Có đôi khi Đồng Như nghĩ, nếu như số mệnh đời này của Hàn Mộc Xuân bình hòa hơn, thời niên thiếu bớt trớ trêu hơn, không có cơ duyên xảo hợp mà bái ông làm thầy, nói không chừng ở nhân gian có thể xuất tướng nhập tướng*, chí ít cũng có thể trở thành học giả uyên thâm. Suy nghĩ này cho dù vì Đồng Như xem trọng đồ đệ bảo bối thì cũng không phải là bịa đặt.
(*): ý nói ra trận có thể làm tướng, vào triều có thể làm tể tướng – chỉ người tài đức vẹn toàn, giữ những chức vụ quan trọng.
Hàn Mộc Xuân tuổi mụ mười hai, năm đó thi Hương được đề danh thủ khoa Quế bảng, cũng coi là chấn động một thời, đến tai thánh thượng.
Năm sau vốn vào kinh thi Hội, chẳng may cha mắc bệnh nặng không trị được. Mẹ y khó sinh mất sớm, từ nhỏ sống nương tựa vào cha, tình cảm gắn bó nên không có lòng thi tiếp. Vội vàng dẫn người về nhà chịu tang, trên đường xui xẻo, gặp phải thổ phỉ. Người nhà đều chết dưới đao kẻ cướp, lúc Hàn Mộc Xuân thoi thóp, được Đồng Như đi hái thuốc ngang qua cứu.
Dân chúng đồn rằng: Có một loại người, thông minh lanh lợi quá mức, trần gian không giữ được, nhất định đến từ đâu thì về lại đó —— có lẽ Hàn Mộc Xuân là mệnh chết yểu, nhờ Đồng Như cứu, chỉ là rẽ sang một lối nhỏ, trăm năm sau, vẫn như cũ trở lại quỹ đạo bạc mệnh.
Lúc Hàn Mộc Xuân mười ba mười bốn tuổi được ông dẫn về núi Phù Dao, sau đó bái nhập làm môn hạ Đồng Như. Từ đó biết tu sĩ khác với người phàm, liền bỏ lòng công danh. Một đứa trẻ, tốn nhiều năm học tập gian khổ, nói bỏ liền bỏ, ngay cả Đồng Như cũng không nhịn được hỏi thăm.
Hàn Mộc Xuân trồng hoa ngoài Bất Tri đường đến cao lớn, lúc đó vừa xoắn ống quần tưới nước, vừa thờ ơ trả lời: “Làm tu sĩ hay làm người phàm chỉ có thể chọn một, sao có thể hai bên đều được.”
Đồng Như hỏi: “Có gì không được?”
Hàn Mộc Xuân nói: “Người phàm và tu sĩ khác nhau quá nhiều. Nếu các tu sĩ thần thông quảng đại xen vào chuyện thế gian, chẳng phải người phàm sẽ như sâu kiến, trần gian càng loạn hơn ư? Người phàm loạn lạc chẳng có gì tốt với tu sĩ. Các tu sĩ dù không sinh con nối dõi, dù cho ích cốc ngự vật, chung quy vẫn phải mặc quần áo, thỉnh thoảng vẫn muốn hưởng thụ xa hoa lãng phí một chút. Luyện khí thì cần có tài liệu, nếu có thể mua được, ai sẽ tự mình tìm khắp trời nam biển bắc? Nếu tu sĩ cũng giống như người phàm, mọi người nhất định phải phân ra tam giáo cửu lưu, chắc chắn có tranh chấp, gây ra sát nghiệt, tất cả mọi người đều tẩu hỏa nhập ma sao?”
Đồng Như cũng không ngờ y còn có suy nghĩ vì thiên hạ này, có chút khó hiểu tên đồ đệ cà lơ phất phơ của mình.
“Cho nên,” Hàn Mộc Xuân hát khẽ một tiểu khúc rồi lẩm bẩm nói, “Trộn lẫn vào nhau đối với ai cũng không tốt… Đều nói đại năng sẽ phi thăng, con xem hết ghi chép ở chín tầng kinh lâu chẳng thấy ai bay được cả. Sư phụ à, người nói ‘Phi thăng’ sẽ không phải một củ cà rốt nhỉ?”
Đồng Như: “… Là, là cái gì?”
Hàn Mộc Xuân: “Củ cà rốt đó, treo ngay trước mũi con lừa. Các tu sĩ đều là lừa chạy theo cà rốt, có cà rốt phi thăng này treo, các tu sĩ chẳng thể làm gì khác là một lòng một dạ mà đuổi, bớt rảnh đi gây họa nhân gian rồi.”
Đồng Như nghe y nói càng lúc càng quá, cuối cùng đưa tay vỗ đầu y một cái: “”Nói bậy, chỉ biết thêm bớt lung tung —— công pháp ta cho con nghiên cứu tới đâu rồi?”
Hàn Mộc Xuân đắc ý vung tay giũ bùn: “Thuộc làu làu!”
Đồng Như bị y chọc cho nổi trận lôi đình: “Hay là ‘Thuộc như vẹt’, không lo dụng tâm tu luyện toàn làm chuyện đâu đâu, quá lì lợm!”
Hàn Mộc Xuân thông minh tuyệt đỉnh, nhưng lười biếng —— y dụng công giống như khắc dao. Cứ gặp khó khăn đều biết Đồng Như sẽ bỏ qua, dù còn khí lực cũng kiên quyết không dùng. Cứ như là đo lường được “ý của bề trên”, không muốn phí nhiều tâm tư. Cũng có thể y thà phí nhiều tâm tư chứ không chịu phí sức.
Vốn cho rằng mình “Được anh tài để dạy” làm Đồng Như buồn muốn chết.
Tưởng Bằng quanh năm đi vắng, đồ đệ bảo bối như vậy, Đồng Như nhìn y từ thời niên thiếu lớn lên thành dáng dấp chi lan ngọc thụ, chẳng đành lòng trách móc nặng nề. Có khi rảnh rỗi, sẽ nhắc y vài câu: “Tiểu Xuân, người tu đạo chúng ta, như chèo thuyền ngược dòng nước. Cả đời được đại đạo dẫn dắt, truy cầu trường thọ, không thể lười biếng nhàn rỗi chút nào —— tư chất con người chia năm bảy loại. Thiên tư của con quả thật có chỗ đáng khen, nhưng muốn đi được xa trên con đường này, chắc con cũng rõ. Vận may và tâm tính còn quan trọng hơn tư chất nhiều.”
Hàn Mộc Xuân khéo léo dâng trà, nét mặt vẫn cười đùa: “Sư phụ, uống trà.”
Một phen tận tình khuyên bảo của Đồng Như thành gió thổi bên tai, ông không thèm nhận chén trà, túm ngay quyển sách giải trí quất vào ót y: “Cử nhân lão gia, thứ sách thánh hiền nào dạy con thành cái đức hạnh này?”
Ông cũng không đánh thật, Hàn Mộc Xuân không tránh, chỉ hơi rụt cổ một cái, cười nói: “Thật ra cũng không phải con muốn đọc, con chỉ muốn làm một thợ cây cảnh bình thường thôi. Nhưng thân thể cha con không tốt, cứ nói sợ không kịp thấy con lớn lên thành tài, con mới nghĩ thi công danh sớm chút cho ông yên tâm… Bây giờ cha con đã mất rồi, chỉ còn mỗi thân nhân là sư phụ.”
Hàn Mộc Xuân nói đến đây, rũ mắt xuống, nhìn gợn nước trong chén trà, vẻ mặt trong chén nước khó tả.
Đồng Như bị hai chữ “Thân nhân” làm cho ngực run rẩy.
Hai mắt Hàn Mộc Xuân cong cong: “Đương nhiên con sẽ hiếu thảo với sư phụ, đợi…”
Vốn y định nói “Đợi người già rồi con sẽ chăm sóc người”, sau lại nhớ, dường như sư phụ không già. Bèn sửa: “Đợi mùa xuân đến, người sẽ thấy khắp núi Phù Dao nở đầy muôn hồng nghìn tía, tâm tình tốt lên, tu hành mới có thể làm ít công to đấy!”
… Nói nãy giờ vẫn muốn làm thợ cây cảnh.
Mặt Đồng Như vẫn còn giận, nhưng lòng đã mềm, chẳng biết nói gì, đành lườm một cái.
Mùa xuân năm đó, trên núi Phù Dao quả nhiên đặc biệt náo nhiệt. Hoa cỏ rực rỡ, ong bướm thành đàn, muông chim trong Yêu cốc kinh ngạc tranh nhau đến xem. Hàn Mộc Xuân xoắn ống quần cao thấp, ngồi trên một cái cuốc cũ nhè nhẹ bay, vẫy tay hào hứng với Đồng Như từ xa: “Sư phụ, xem con trồng cho người một núi hoa này!”
Đồng Như vẫn cho rằng số mình cô độc. Nhiều năm qua nếu không phải là tu luyện, chính là luận bàn với các đạo hữu, chưa từng có người nào đối với ông thân cận đến mức chẳng kiêng nể gì.
Cái vẻ mặt nịnh hót kia, khiến Đồng Như tha thứ luôn “Chuyện nhỏ” mà tên đồ đệ phá sản lén lấy phù chú của ông đi bán, đổi rượu uống mấy ngày trước.
Sống nương tựa lẫn nhau, thì không thê lương nữa.
Đến cuối xuân, hoa sắp tàn. Đồng Như tiếc nuối muốn dùng pháp thuật bảo vệ chúng lại, bị Hàn Mộc Xuân ngăn cản: “Tàn thì tàn, sang năm sẽ nở tiếp mà. Không làm thì không có ăn, xuân qua đông đến, thay đổi đều là chuyện thường. Cái nào cũng có cái hay, chớ vì cái này mà làm lỡ cái kia.”
Các đại năng bay trên trời chui xuống đất, tránh không được dè dặt, tự thấy vạn vật duy ngã độc tôn. Đồng Như nghe giọng điệu này, lại có chút tự giễu: “Cũng đúng, độc tôn như vậy để làm gì chứ? Trường sinh chẳng phải cũng vô vị ư? Chẳng có gì hay.”
Sở dĩ con người phải chờ “sang năm”, chính vì có thăng trầm thịnh suy.
Hoa tàn được Hàn Mộc Xuân giữ lại, cho thêm mật, ủ hơn mười vò rượu Bách Hoa, chôn lần lượt dưới mấy gốc cây. Vì việc này, Hàn Mộc Xuân chậm trễ bảy tám ngày học phù chú, bị Đồng Như phạt trồng chuối cả ngày.
Vào cuối mùa, dưới mấy gốc cây toàn mỹ vị nhân gian, phối với mấy con cua mập mạp nơi sông nhỏ sau núi, vừa hay thành một cặp hợp rơ.
Ai cũng muốn sống lâu hơn ít năm, nhưng nếu sống chịu giày vò, hoàn toàn không có người thân, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu, không được chốc lát yên bình, như vậy có cái gì thú vị đây?
Đạo lý này chưa bao giờ Đồng Như nghĩ đến, kể từ lúc ông có ấn tượng đến nay, đều ở trên núi Phù Dao tu hành đêm ngày. Không vui, không ý nghĩa, không thói quen. Suốt ngày chỉ uống nước trắng, cũng không biết cái gì là ngọt cái gì là đắng.
Cho đến khi có Hàn Mộc Xuân.
Mấy trăm năm vội vã lướt qua chỉ có chút mùi vị này, nếm đến thần hồn điên đảo.
Ngọt là rượu Bách Hoa ngọt, đắng là ba hồn của ông bám vào trong đồng tiền, nhìn núi Phù Dao cỏ dại um tùm, chẳng còn người trồng hoa nữa.
Đồng Như nhìn tiểu Xuân của ông nương thân vào xác chồn. Mỗi đêm khuya đều tĩnh tọa trong Bất Tri Đường bừa bộn với ngọn đèn chong, với đôi mắt khép hờ, vừa như thiền vừa như đắm chìm vào ký ức bao đời trong ấn chưởng môn.
Đồng Như không biết mình có để lại cái gì trong ấn chưởng môn không, cũng không biết Hàn Mộc Xuân có nhìn thấy chưa, càng không biết nếu như y đã thấy… Thì có cảm giác gì.
Dường như ngọt ngào chỉ một cái chớp mắt, đắng cay lại tốn rất nhiều năm.
Đến khi gặp lại, là ở cốc Vong Ưu nơi người sống không thể tới. Hàn Mộc Xuân dùng nguyên thần ngắc ngoải của y, vây một tàn hồn còn sót lại của ông ở cốc Vong Ưu.
Thật ra chỉ là quy định phạm vi hoạt động —— ngay cả nguyên thần có tiêu tán, chỉ còn lại tàn hồn. Đồng Như đã là người vấn đỉnh Bắc Minh, thật muốn tránh thoát, thì cỡ tu vi cẩu thả tầm thường của Hàn Mộc Xuân chưa chắc đã làm được gì với ông.
Có điều, ngay cả ngàn đao róc thịt Đồng Như cũng vô cùng vui vẻ chịu đựng. Ông hơi kinh sợ chấp nhận thụ hình với thiên địa, cuối cùng hồn phi phách tán. Bởi, cùng người nào đó đồng sinh cộng tử, đơn giản là cầu còn không được.
Tiếc là không còn rượu Bách Hoa nữa.
Trước đây Đồng Như luôn cảm thấy tính tình đồ đệ bảo bối nhà mình ôn hòa quá mức, có chút nước chảy bèo trôi. Về sau mới biết được, người phàm cũng tốt, tu sĩ cũng tốt, cả đời chỉ cần có vài chuyện chết cũng không hối hận là đủ rồi, những việc nhỏ không đáng kể kia cứ kệ đi.
Trước sau ông vẫn không hỏi câu “Nhiều năm như vậy, con nhìn thấy cái gì trong ấn chưởng môn”.
Mãi đến khoảnh khắc hồn quy thiên địa.
Một khắc đó, Hàn Mộc Xuân bỗng hết sức thân mật kéo tay ông qua, nhìn vào ánh mắt y như có một dải ngân hà mênh mông.
Trực đạo tương tư liễu vô ích, vị phương trù trướng thị thanh cuồng. (*)
Nói vậy nếu có chết cũng không tiếc, coi như là phi thăng đi.
(*) Câu cuối trong bài Vô Đề – Lý Thương Ẩn.
Dịch nghĩa: Biết người nói tương tư là vô ích
Nên chưa đem nỗi đau đổi lấy tiếng cuồng điên
Có bản dịch trên mạng là:
Dẫu biết tương tư vô ích lắm,
Si tình không ngại chuốc buồn thương.