Luật Công Bằng

Chương 4




10.

Theo kế hoạch của tôi, mẹ và Hứa Hân Duyệt thực sự bán ngôi nhà đang ở, đặt cọc cho ngôi nhà mới. Tôi cũng làm bộ làm tịch, hẹn ngày giao tiền.

Hứa Hân Duyệt đăng lên vòng bạn bè: “25 tuổi, sắp sở hữu ngôi nhà đầu tiên trong đời.” Nhìn qua như là cô gái trẻ làm việc chăm chỉ, có cuộc sống bình lặng. Mặc dù nguồn tiền từ ngôi nhà cũ của ba mẹ, sự hỗ trợ của chị, nhưng cô ta là người thu lợi, đương nhiên có thể khoe ra, phải không?

Tôi bấm like.

Sau đó gần đến ngày thanh toán, tôi chơi trò mất tích. Điện thoại không nghe, wechat không trả lời, không ai tìm thấy bóng dáng tôi. Ngay cả lãnh đạo công ty cũng không biết sau khi tôi nghỉ việc thì đi đâu.

Mẹ và em gái sốt ruột không chịu nổi, nếu có thể chắc đã tự mình đến Thượng Hải tìm tôi. Nhưng họ không biết địa chỉ cụ thể của tôi.

Nói ra cũng buồn cười. Tốt nghiệp hơn 5 năm, thỉnh thoảng tôi gửi đồ từ Thượng Hải về quê nhưng ở quê chưa một lần gửi đồ cho tôi.

Thế cũng tốt.

Nếu họ từng gửi đồ có lẽ tôi còn phải tìm cách chuyển nhà.

Ngày thỏa thuận thanh toán đã đến gần, thái độ mẹ và Hứa Hân Duyệt từ lo lắng, bất an ban đầu thành nhỏ nhẹ mềm mỏng.

Mẹ tôi gửi tin nhắn wechat hỏi, phong tôi muốn trang trí thế nào?

“Trước đây phòng ngủ của con quay về hướng bắc, không có nắng, lần này mẹ để phòng ngủ lớn nhất cho con.”

Hứa Hân Duyệt cũng thay đổi từ vênh váo tự đắc trước đây.

“Chị, có phải chị đổi ý rồi không? Thực ra em hiểu, chị bên ngoài dốc sức làm việc rất mệt mỏi, phải đưa nhiều tiền vậy mua nhà cho mẹ, chắc hẳn chị sẽ băn khoăn. Đây là lẽ thường tình. Chị yên tâm, trong nhà luôn có chỗ cho chị. Vì gia đình chúng ta, chị phải kiên định hơn.”

Nói có tình có lý.

Hứa Hân Duyệt có tài văn chương, luôn được khen ngợi trong tiếng Ngữ văn. Khi còn bé tôi có phần không phục, hiện giờ thì không phục không được.

Nó vắt hết đầu óc nói những lời này, hẳn là bực bội không ít.

Khi nó đăng những thứ này thì Thôi Ngộ đang ngồi cạnh tôi. Chúng tôi chọn một quán café yên tĩnh để anh phổ cập khoa học cho tôi về căn bệnh mà tôi sắp “mắc phải”. Liếc nhìn quá wechat của tôi, Thôi Ngộ nở nụ cười khổ. “Chà, chị em tình thâm.”

Tôi úp ngược điện thoại để lên bàn, ánh mắt hài hước. “Anh cảm thấy tôi sẽ tin nó? 25 năm, nếu hồi tâm chuyển ý thì tại sao chọn đúng lúc này nói tốt với tôi?”

Đôi mắt thường ngày nặng trĩu của Thôi Ngộ hiện lên một tia khen ngợi. Tôi tiếp tục chậm rãi nói.

“Từ nhỏ ba mẹ đã thiên vị em gái đến mức hết thuốc chữa. Ngay cả đặt tên cũng là tôi ‘thua thiệt’, nó là ‘vui mừng’. Bây giờ mẹ còn tính kế với tiền của tôi, tiếp tục bất công. Căn nhà muốn mua nếu như tôi đưa tiền đúng hẹn, như vậy ít nhất tôi trả 40%, nhưng họ còn không cần giấy chứng minh của tôi…”

Thôi Ngộ tiếp lời rất tự nhiên, “Chỉ có ký hợp đồng, đăng ký chứng nhận tài sản mới cần giấy tờ, điều này cho thấy cơ bản là họ không muốn chia cho cô bất kỳ phần nào. Quyền tài sản và quyền của chủ nợ khác biệt không nhỏ.”

Người này không chỉ đầu óc linh hoạt mà còn nói chuyện chẳng nể mặt ai. Một lời nói toạc ra tôi không được người nhà xem trọng.

Anh lại hỏi: “Cô định khi nào thu lưới?”

Tôi bĩu môi: “Lửa còn hơi thiếu.”

11.

Mặc dù nói là tôi ‘không có tin tức’, nhưng mẹ tôi và Hứa Hân Duyệt vẫn phải đối mặt với vấn đề khó khăn kia -- tìm khoản thiếu 500.000 đặt cọc ở đâu?

Cắn răng mua thì phải nghĩ cách đi vay tiền. Không mua thì vi phạm hợp đồng, không những mất tiền cọc mà còn chịu tiền bồi thường vi phạm hợp đồng.

Với tính cách của Hứa Hân Duyệt, đương nhiên nó chọn cắn răng mua. Nó đúng là to gan. Trong quan niệm của nó, cho dù gây họa thì cũng luôn có người nhà đứng ra giải quyết tốt hậu quả. Hơn nữa, đã đăng lên vòng bạn bè, nói mà không làm thì sao nó cam tâm?

Sứt đầu mẻ trán tìm cách góp tiền, mẹ tôi và Hứa Hân Duyệt vẫn không quên đem chuyện tôi ‘nói không giữ lời’ truyền bá khắp nơi.

Ngay cả bạn tiểu học nhiều năm không liên lạc cũng nhắn wechat cho tôi.

“Hứa Thiến, cậu không giữ lời, em gái cậu ở nhà tôi khóc biết bao lâu. Cậu nói đưa tiền sao lại không cho mượn?”

Tôi nhận tất cả những lời mắng mỏ, quở trách này. Cuối cùng đã đến bước này, bây giờ họ càng thông cảm với Hứa Hân Duyệt, sau này sẽ càng thông cảm với tôi.

Sau khi chắc chắn mẹ tôi và Hứa Hân Duyệt đã trả xong tiền đặt cọc, tôi lại lần nữa quay về quê. Ngay từ khi bước chân vào khu nhà đã thu hút sự chú ý của mọi người.

Bước vào nhà, dù cửa đóng then cài nhưng tôi hiểu, hàng xóm trước sau đều vểnh tai lên nghe nhà tôi sẽ bùng nổ xung đột thế nào?

Hẳn là họ sẽ không thất vọng.

Hứa Hân Duyệt là người đầu tiên tức giận. “Chúng ta đã trả hết tiền đặt cọc rồi chị mới về? Sao mà về ‘sớm’ thế! Hứa Thiến, chị ở Thượng Hải nhưng không kiếm được nhiều tiền đúng không? Chị là đồ lừa đảo, hại tôi còn tưởng chị có nhiều tiền có thể giúp đỡ trong nhà! Kết quả không phải tôi với mẹ trơ mặt ra cầu ông xin bà đi vay tiền sao.”

Mẹ tôi tuy tức giận nhưng vẫn còn lý trí. “Mất bò mới lo làm chuồng cũng không tính là muộn, Thiến Thiến, bây giờ con lấy 500.000 ra, chúng ta đi trả lại tiền đã vay.”

Hai mẹ con đều nhìn chằm chằm túi xách tôi mang theo, mong chờ bên trong có thẻ ngân hàng có thể cấp cứu.

Tôi lại cười nhạt: “Nhà không có tên con, sao con phải trả tiền? Chẳng những không thể đưa tiền ra mà lần này con về là để đòi tiền. Căn nhà cũ là tài sản chung của cha mẹ, bán 300.000, trừ phần tài sản chung của mẹ thì còn 150.000. Ba chúng ta là hàng thừa kế thứ nhất, nếu chia đều thì con có thể được chia 50.000. Làm phiền mẹ đưa tiền cho con.”

Hứa Hân Duyệt dựng ngược mày liễu: “Hứa Thiến, mẹ còn sống mà chị đã tính toán chia gia sản?”

Lần này người rơi nước mắt là tôi.

Thật ra khóc rất dễ. Chỉ cần nghĩ lại khi còn nhỏ, ba mẹ thiên vị Hứa Hân Duyệt thế nào, coi thường tôi thế nào thì rất dễ để khóc ra. Những giọt nước mắt đó chỉ là chịu đựng nén lại, đến thời điểm thích hợp, nó sẽ tự chảy ra ngoài.

Tôi vừa khóc vừa nói: “Có thể con không còn sống được mấy năm nữa. Con được chẩn đoán mắc căn bệnh khó chữa, chỉ có thể uống một loại thuốc nhập để duy trì sự sống. Một tháng cần tới hơn 20.000…”

Tôi bày ra mấy tờ biên lai, hồ sơ bệnh án -- đủ để lừa gạt người bình thường -- khóc như hoa lê trong mưa.

“Mẹ, em giá, hai người không thể thấy chết mà không cứu đúng không?”

12.

Mắt mẹ đỏ lên. Bà ngã phịch xuống ghế sofa, run run nói: “Sao lại thế, còn trẻ mà lại mắc bệnh này? Con đừng sợ, mẹ đập nồi bán sắt cũng phải cứu con.”

Tiếng khóc tôi ngừng lại một lúc. Nhưng người nhà đã quá nhiều lần làm tổn thương tôi, tôi không thể dễ dàng tin tưởng.

Tôi lau nước mắt, “Đập nồi bán sắt cũng phải trị cho con, mẹ nói thật sao, mẹ hủy hợp đồng đi.”

Mẹ rưng rưng gật đầu, Hứa Hân Duyệt vội la lên: “Chị, chị đừng liên lụy tôi! Không có nhà thì tôi với mẹ ở đâu? Hơn nữa còn tiền phạt vi phạm hợp đồng nữa.”

Mặt tôi vẫn sầu thương nhưng trong lòng đã thấy buồn cười.

“Chúng ta thương lượng với chủ nhà xem, có thể tránh hoặc giảm tiền vi phạm hợp đồng không. Còn thì mua căn nhà nhỏ cũng đủ ở.”

Hứa Hân Duyệt nhìn mẹ tôi, rồi lại nhìn tôi, miệng méo xệch, cũng bắt đầu rơi nước mắt. “Chị, chị yên tâm, cho dù chị có bệnh chết thì cũng còn em chăm sóc mẹ. Nhưng mà… người đi rồi, tiền tài cũng không mang theo được, chẳng phải rất đáng tiếc sao?

Mẹ tôi như bừng tỉnh. Bà nuốt nước miếng, do dự nói: “Em gái con nói cũng đúng. Thiến Thiến, có loại thuốc rẻ hơn không? Thuốc nhập khẩu chưa chắc đã tốt, không phải có phim gì nói thuốc Ấn Độ bào chế, hiệu quả như nhau đấy.”

Tình thân bạc bẽo đến dường này, thực ra không cần phải nói thêm gì nữa. Tôi cầm túi xách, giả vờ đau khổ quay người đi ra ngoài.

Vừa ra cửa đã đụng phải bác trai bác gái đi vào. Bác trai nhìn thấy tôi thì tươi cười: “Thiến Thiến, nghe nói cháu về, hai bác vội qua đây.”

Ngụ ý là đến giục tiền. Theo tôi biết, con trai bác gần đây cũng đang xem nhà, đương nhiên họ hy vọng mẹ tôi trả tiền càng sớm càng tốt. Tôi biết không chỉ có bác, còn có cô, dì, họ đều vì nghĩ tôi ‘có thể kiếm tiền’ nên mới cho mẹ tôi mượn tiền. Nếu không, dựa vào mức lương ‘công chức’ của Hứa Hân Duyệt thì làm sao nó trả lại được tiền?

Tôi ngước đôi mắt đỏ hoe, đầu tóc rũ rượi, nức nở nói: “Cháu phải về Thượng Hải.”

“Sao mới về đã vội đi?” Bác trai nhìn thấy sắc mặt tối đen của mẹ tôi trong phòng, kéo tôi vào nhà, “Hai mẹ con lại cãi nhau, có gì bất hòa thì nói, bác hòa giải cho.”

Tôi không chịu vào nhà, tránh khỏi tay bác muốn bỏ chạy. Khóa túi xách kéo không kín, rầm một cái, biên lai rơi vãi khắp sàn.

Bác gái nhặt lên, thấy kết quả chẩn đoán thì biến sắc: “Thiến Thiến, sao đột nhiên cháu…”

Bà ngập ngừng nhìn mẹ tôi: “Em dâu, tình hình nhà em thế này, đừng đổi nhà nữa. Tiền cọc đã trả rồi, thế chấp khó khăn vậy, giờ quan trọng là phải tiết kiệm tiền chữa bệnh cho Thiến Thiến.”

Mặt mẹ đỏ bừng, khó xử. Hứa Hân Duyệt lại bắt đầu khóc. “Nhưng mà… nếu có ngày chị muốn về quê tĩnh dưỡng thì nhà này chị cũng có thể ở mà.”

Nói tới nói lui cũng là không muốn bỏ ngôi nhà sắp mua được.

Bác gái giận đến run tay. “Duyệt Duyệt, cha mẹ cháu đúng là thương cháu uổng phí! Nó là chị ruột cháu đấy!”

Tôi giả vờ rộng lượng, dứt khoát nói: “Yên tâm, tôi không liên lụy mọi người. Tình cảm tình thân… cứ thế này mà cắt đứt đi. Cuộc đời của tôi, từ đây dựa vào chính mình.”

Ra ngoài cửa, ánh nắng chói chang chiếu nhức cả mắt. Vì vậy những giọt nước mắt này rơi, hẳn là không liên quan gì đến người nhà.

Rốt cuộc, tôi đã đạt được mục đích. Tôi biết, câu chuyện này sẽ từ từ truyền đến tai tất cả họ hàng thân thích.

Mẹ tôi, thà rằng mua nhà cho con gái út cũng không chữa bệnh cho con gái lớn, vậy thì tôi ‘đoạn tuyệt quan hệ mẹ con’, ai còn có thể chỉ trích tôi?

Con người luôn đồng cảm với kẻ yếu.

Trước đây, tôi là người chị mạnh mẽ hiếu thắng, vì vậy Hứa Hân Duyệt là ‘nạn nhân’ ngây thơ vô tội. Nhưng bây giờ, sự mạnh - yếu của tôi và nó đã xảy ra sự biến hóa ‘ nghiêng trời lệch đất’.

Vậy thì sự đồng cảm sẽ nghiêng về ai?

Tôi không phải là người sống trong lời đàm tiếu của người khác, nhưng Hứa Hân Duyệt thì có.

Chắc chắc nó không bao giờ tưởng tượng được, hơn 20 năm thiên vị từng li từng tí, cuối cùng có một ngày vượt khỏi tầm kiểm soát, phản tác dụng.

Trên đường về Thượng Hải, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của một người họ hàng xa bình thường không lui tới.

Người cô họ xa này nói: “Thiến Thiến, cô nghe nói cháu bị bệnh? Năm đó cháu dạy kèm giúp con gái cô nên con bé mới đậu chính quy. Tình nghĩa này chúng ta vẫn ghi nhớ. Gần đây con bé mới tốt nghiệp, mới về nhà làm việc. Nghe nói cháu bị bệnh, con bé khăng khăng chuyển hết tháng lương đầu tiên cho cháu. Cháu yên tâm chữa bệnh, đừng lo, y học giờ rất tiến bộ, có lẽ vài năm nữa sẽ có thuốc đặc trị.”

Trước kia kỳ nghỉ đông, nghỉ hè, tôi từng dạy kèm giúp rất nhiều con cháu họ hàng. Khi đó tôi chỉ thấy mệt mỏi với việc sắp xếp thời gian tùy tiện của ba mẹ, nhưng tôi không ngờ có người lại trân trọng công sức nhỏ bé của mình đến vậy. Có lẽ, vô tình gieo ‘nhân’, rất nhiều năm sau sẽ kết ‘quả’.

Tôi nén nước mắt, cảm ơn cô, cũng hứa chắc chắn sẽ sớm trả lại tiền.

Hơn nữa, tôi sẽ trả gấp đôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.