Lộ

Chương 5




Không biết món trứng chưng bã rượu kia có thể thật sự chữa bệnh được hay không mà khi màn đêm dần buông xuống, sức khỏe của Giang Sầu Dư đã tốt hơn rất nhiều, ngày hôm sau, cậu đã khó nhịn nổi, muốn xuống giường ra ngoài đi dạo.

Đổng Chi Hiệp cợt nhả: “Không ngờ Giang Sầu Dư cậu nhìn cứng nhắc thế mà hóa ra cũng là người phong nhã.”

Giang Sầu Dư nghe thì không hiểu gì: “Tôi chẳng qua là muốn xuống giường đi lại một chút thôi mà, sao lại đột nhiên trở thành phong nhã?”

Phạm Nhân Kiệt nghiêng người tựa bên khung cửa, bày ra tư thế tự cho là lỗi lạc: “Cậu chẳng lẽ không biết? Nơi chúng ta tạm dừng chân đây gọi là Ngọc Bình, nói đúng hơn thì là Miêu trại.”

“Vậy không phải là rất tốt sao, đúng lúc có nơi để đi thăm thú…”

“Thôi thôi thôi, mấy lời nói như vậy để nói cho các thầy giáo nghe thôi, ở đây có mỗi mấy anh em chúng ta, cậu cũng đừng giả vờ giả vịt nữa.” Tôn Hành tức giận, “Ai mà không biết chứ, tới Miêu trại chính là tới thưởng thức đồ ăn ngon, uống rượu ngon, xem mỹ nhân, đừng nói với tôi rằng mấy thứ như tửu sắc tài vận cậu không dính tới nhé.”

Giang Sầu Dư cười lạnh một tiếng: “Thật không khéo, tôi đúng không dính tới mấy thứ này.”

Dứt lời, cậu phủ thêm áo khoác rồi lắc lư đi ra cửa.

“Tôi nói chứ, cái tên này, tự cho rằng bản thân là soái phủ công tử hay gì, tính tình thối hoắc.”

Khâu Giác Phi do dự một chút rồi cũng đuổi theo cậu.

Giang Sầu Dư một mình chầm chậm bước trên con đường đất đá, có chút mê mang nhìn thôn trại trước mắt.

“Họ gọi đây là Miêu trại, thực ra dân tộc này gọi là dân tộc Động.” Khâu Giác Phi từ từ giải thích.

“Dân tộc Động?” Giang Sầu Dư đánh giá mái ngói xanh nhỏ*, nhà sàn trước mắt, “Phong cách kiến trúc thật ra cũng không khác nhà của người Miêu cho lắm.”

Khâu Giác Phi cúi người tiện tay ngắt một cọng cỏ dại lên thưởng thức: “Không giống với ở phương Bắc cho lắm, cậu nhìn cái mái kia hếch lên cao chưa.”

“Đó gọi là mái cong*.” Giang Sầu Dư không nhịn được phải sửa lại đúng cho anh, lại thầm phỉ nhổ bản thân, đến đâu cũng không đổi được cái thói thích quạu quọ với người khác.

Khâu Giác Phi tùy tiện cũng không buồn để ý, vỗ vỗ vai cậu: “Đi thôi, chúng ta đi thăm thú.”

“Cậu…” Mới vừa rồi bị chế nhạo, Giang Sầu Dư còn đang nghĩ anh có phải là đang thầm mỉa mai mình hay không, đã nghe Khâu Giác Phi nói tiếp, “Lúc trước khi cậu còn đang tĩnh dưỡng, tôi từng đi theo tiên sinh gặp một vị hương thân địa phương, ông cụ đã 90 tuổi, mà sức khỏe vẫn còn rất khỏe mạnh. Ông ấy nói, phàm là người đã từng đọc sách khi tới Ngọc Bình, có một vật không thể không mua, có một cảnh sắc không thể không chiêm ngưỡng.”

“Ồ?”

Khâu Giác Phi dẫn đường, hai người dọc theo con đường nhỏ uốn lượn đi sâu vào trong thôn trại.

“Sầu Dư cậu vừa nhìn đã thấy là người phong nhã, thổi sáo chơi tiêu dưới ánh trăng hẳn đơn giản như ăn sáng, ông cụ có nói, các thợ thủ công ở Ngọc Bình đều rất được coi trọng ở Hội chợ Thế giới*, muốn mua một cây sáo không?” (1)

*Hội chợ Thế giới hay Triển lãm Thế giới là một loạt triển lãm lớn bắt đầu từ thế kỷ 19 để mọi quốc gia trưng bày những thành tựu công nghệ của mình.

Giang Sầu Dư nhếch môi, khó có lúc lại lộ ra nụ cười hơi kiêu ngạo: “Được Khâu huynh coi trọng, có thể coi là biết một chút.” Cậu dù sao cũng chỉ là một thiếu niên mười tám mười chín tuổi, ngày thường cho dù lời nói có lạnh nhạt tới mức nào, giao tiếp không tốt tới mức nào, thì khi nghe được lời khen ngợi vẫn sẽ không nhịn được mà rạng rỡ mặt mày, ngay cả khuôn mặt bệnh trạng bao ngày đi đường cũng ánh lên vài phần sức sống.

Khâu Giác Phi liếc mắt nhìn cậu, cười nói: “Vừa đúng lúc nơi này sơn thủy địa thế thuận lợi, không biết đêm nay tiểu sinh có thể may mắn được một lần làm Khâu Tử Kỳ hay không?”

“Giang Bá Nha” vẫn chưa đáp lại anh, sự chú ý bị từng cửa hàng bên đường hấp dẫn.

Khâu Giác Phi chỉ vào một cửa hàng: “Nghe nói sáo trúc nhà này có chất lượng tốt nhất.”

Giang Sầu Dư nghe theo lời đánh giá đi tới, phát hiện cửa hàng này thật sự không lớn nhưng cách bày biện khá cũ kĩ, trên cửa lớn có treo một tấm bảng, chữ ở trên viết theo thể chữ Khải, thế bút cổ cứng cáp, rất có khí tượng.

Một thợ thủ công già ngồi ngay ngắn sau một cái bàn vuông, đang cẩn thận mài giũa cây trúc nhỏ trong tay.

“Ông ơi?” Giang Sầu Dư gọi.

Thợ thủ công kia ngước mắt nhìn cậu một cái, lại tiếp tục cúi đầu hoàn thành tác phẩm.

Ông hờ hững làm Giang Sầu Dư có chút chần chừ: “Lão trượng nếu tiện, tại hạ muốn…”

Khâu Giác Phi cắt lời cậu, gọn gàng dứt khoát nói: “Cậu ấy muốn mua sáo.”

Lúc này thợ thủ công mới đưa mắt đánh giá họ, ngay sau đó đột nhiên đứng dậy, quay người đi vào phòng trong.

“Người này cử chỉ quái dị, hẳn cũng là một kỳ nhân.” Giang Sầu Dư lẩm bẩm.

Ông già tập tễnh ôm mấy cái hộp quay lại, lúc này Giang Sầu Dư mới phát hiện ông bị thọt.

Ông đặt một đống hộp lên trên bàn, không nói lời nào.

Khâu Giác Phi cười tủm tỉm nói một lời cảm ơn, cẩn thận mở một cái hộp ra đưa cho Giang Sầu Dư.

Giang Sầu Dư chỉ liếc mắt nhìn đã nói một tiếng tuyệt trong lòng, cậu chọn cây sáo có chất trúc nặng nhất, mà cây sáo trong tay này hẳn là dùng thủy trúc* tạo thành, màu sắc xanh tươi, chất liệu rắn chắc, phẩm chất vừa phải, đúng là một cây sáo trúc được tuyển chọn tốt nhất. Lại nhìn tới kỹ xảo, mỗi thân sáo trúc đều được mài tới bóng loáng, chưa quấn dây sơn màu, bên trên mỗi cây chỉ khắc sơn thủy thi họa tinh xảo.(2)

“Ồ!” Khâu Giác Phi cầm cây sáo trúc khẽ thốt lên một tiếng.

Giang Sầu Dư vừa nhìn, chỉ thấy vài nét sơn thủy ít ỏi trên cây sáo kia, chính là dùng lối viết chữ Thảo thanh mảnh đề lên.

“Giang vãn chính sầu dư, sơn thâm văn chá cô.”*

*Dịch nghĩa: mặt trời chiều ngả về tây cõi lòng đầy u sầu, lại thoáng nghe được tiếng chim chóc từ nơi núi sâu.”

《 Bồ Tát Man · Thư Giang Tây tạo khẩu bích 》 Tân Khí Tật thời Tống.

“Thật vừa khéo,” Giang Sầu Dư không cần nghĩ ngợi thêm đã nhìn thợ thủ công kia, “Tôi muốn mua cây sáo này.”

Thợ thủ công cầm giũa, tiện tay khắc vài nét chữ trên chiếc bàn dài.

“Tự định giá.”

Giang Sầu Dư do dự một chút, móc một đồng bạc ra từ trong ngực, đặt lên bàn.

Thợ thủ công kia lại viết: “Không có tiền trả lại.”

Giang Sầu Dư xoay người đi ra khỏi cửa: “Vậy thì đừng trả nữa.”

Cậu ước lượng cây sáo trúc trong tay, nghĩ tới nhân thế, không khỏi dâng lên bi thương, buồn bã nhẹ than: “Tây Bắc vọng Trường An, khả liên vô sổ sơn, Thanh Sơn già bất trụ, tất cánh đông lưu khứ, giang vãn chính…”(3)

*Dịch nghĩa: Từ Tây Bắc nhìn về Trường An, xót thương thay lại chỉ thấy toàn núi, Thanh Sơn chẳng thể nào che hết, nước dẫu sao vẫn chảy về hướng đông, sông đêm đang…

Tâm tư cậu ủ dột, ngay cả Khâu Giác Phi đã tới gần cũng chưa phát hiện ra. Bỗng một âm thanh chói tai vang lên, quay đầu lại thấy Khâu Giác Phi mang vẻ mặt tinh nghịch, miệng vừa mới rời khỏi cây sáo trúc.

“Cậu cũng mua?”

Khâu Giác Phi lắc đầu: “Cậu đưa nhiều tiền, ông già vừa rồi không đồng ý, nên đã tặng một đôi sáo long phượng*” (4)

Giang Sầu Dư nhận lấy, sáo thô khắc rồng, sáo mảnh vẽ phượng.

“Tôi mới vừa hỏi hàng xóm xung quanh, ông lão thợ thủ công kia xuất thân trong gia đình làm sáo, khi còn trẻ đắc tội người trong nha môn Mãn Thanh, bị đánh thành thọt trong tù, sau làm côn đồ nhiều năm, thật vất vả mới mua được một người vợ về thành thân, sinh con xong tức phụ kia chạy trốn, ông ấy một mình nuôi con trưởng thành.” Khâu Giác Phi lại lắc đầu thở dài, “Kết quả mấy năm trước, con trai độc nhất của ông bị Vương Gia Liệt* bắt tráng đinh, cũng không về nữa, tới tận bây giờ ông ấy chưa từng mở miệng nói lại câu nào cả.”

*Vương Gia Liệt (1893-1966): Chủ tịch chính phủ Quý Châu từ tháng 11 năm 1931 – tháng 5 năm 1935, đã liên tục chống lại nỗ lực của Tưởng Giới Thạch để thống nhất Trung Quốc.

Sắc trời dần tối, hai người đạp ráng chiều đi lang thang vô định trên đường ruộng nông thôn, tận cho tới khi Khâu Giác Phi dừng bước.

“Này,” Khâu Giác Phi chỉ, “Nơi này chính là cửa Bắc tôi đã nói.”

Cho dù trong ánh sáng lờ mờ, cũng có thể nhìn ra sông xuân như lụa, sắc nước trong sáng.

Trên sông có vài điểm sáng của thuyền chài, dưới chân là ánh trăng kéo dài, Khâu Giác Phi cười nói: “Hay là thổi một bài Xuân giang hoa nguyệt dạ*?”

*Xuân giang hoa nguyệt dạ là một bài thơ Trương Nhược Hư thời Đường. Theo Đường Thi tuyển dịch (tập 2), thì đây là một bài thơ tuyệt diệu với ngôn ngữ giản dị mà tươi tắn, thanh tao; âm điệu bàng hoàng, triền miên; hình ảnh sinh động, cảm xúc chứa chan.

Sáo mới mua, Giang Sầu Dư tuy nóng lòng muốn thử nhưng cuối cùng vẫn là tiếc sáo, chỉ lắc đầu.

Khâu Giác Phi rút cây sáo mình vừa mới mua ra đưa cho cậu.

Giang Sầu Dư vừa thấy là cây sáo phượng kia thì nói: “Đổi lại cây khác đi, tôi không muốn cây này.”

Khâu Giác Phi cười nhạo: “Vậy cậu dùng của cậu đi.”

Giang Sầu Dư trừng anh một cái, vẫn tập trung cầm sáo lên diễn tấu.

Trên thuyền có tiếng hát chiều muộn, rung động tới tận tâm can.

Một khúc tấu xong, Khâu Giác Phi vỗ tay: “Nếu bây giờ vẫn còn là thời hoàng đế thống trị, Giang Sầu Dư cậu nhất định có thể làm nhạc sư cung đình.”

“Chẳng lẽ tôi lại là con hát hay sao?” Giang Sầu Dư vừa giả vờ tức giận nói, vừa muốn trả cây sáo lại cho anh.

Khâu Giác Phi cười cười: “Vừa rồi ông già kia đã nhận tiền của tôi rồi, coi như cây sáo này tôi mua tặng cho cậu, cậu cầm lấy đi, coi như là tín vật kết bái huynh đệ của chúng ta.” (6)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.