Linh Phi Kinh

Quyển 3 - Chương 14-2: Ấn Thần Cổ Mộ (2)




Ba người đi vào rừng tìm kiếm quanh quất một buổi, sắc trời dần hửng sáng, cảnh vật cũng trở nên rõ ràng. Bất chợt xuyên qua những tàng cây bóng lá, vượt qua một con suối nhỏ, chợt thấy giữa hai gốc cây đằng xa thấp thoáng hiện ra một cái lán nhỏ được dựng bằng thân trúc. Đến gần quan sát, trong lán không một bóng người, Diệp Linh Tô khều khều đám tro tàn dưới đất, bảo:

– Tro lạnh rồi, bọn chúng không trở lại đây!

Tịch Ứng Chân gật đầu:

– Đại hòa thượng biết thời biết thế, không phải phường ngu muội, trên người y bị thương nên không dám lộ diện gặp ta.

– Thế thì hỏng bét! – Diệp Linh Tô ngẩng nhìn xung quanh, thầm thấy thất vọng: – Hòn đảo này lớn như vậy, nếu y cố tình trốn tránh, vậy thì biết đi đâu tìm y cơ chứ?

Tịch Ứng Chân ngẩng đầu nhìn sắc trời, vầng dương đã lên cao, muôn tia nắng phủ khắp khu rừng. Lão đạo sĩ cảm giác thời gian càng qua nhanh, đạo tâm(*) càng không giữ được, ông trở nên nôn nóng, kiên quyết nói:

(ND chú: đạo tâm chính là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín trong đời người, cũng là “Ngũ thường” trong Nho gia. Đạo tâm còn ám chỉ mục tiêu và ý nghĩa trong cuộc đời, mỗi người nên tự tìm ra một “đạo tâm” mà phấn đấu)

– Thời gian của ta không còn nhiều, bất kể y ở đâu đều phải tìm cho bằng được.

Diệp Linh Tô nhìn ông, mím môi bảo:

– Khu rừng ở phía tây vẫn chưa soát qua.

Tịch Ứng Chân gật đầu, hai người sử dụng khinh công, chạy nhanh về hướng tây, mới đi hơn chục bước chợt nghe phía sau vang lên một tiết “Huỵch”. Quay đầu nhìn lại, Nhạc Chi Dương vừa ngã lăn ra đất, nhắm mắt cắn răng, dường như đã mê man.

Hai người thất kinh, Tịch Ứng Chân quay trở lại đỡ lấy thiếu niên, vỗ vỗ vào nhân trung gã. Nhạc Chi Dương dần hồi tỉnh, sắc mặt tái xanh, khóe môi rung lên bần bật. Tịch Ứng Chân bắt lấy mạch môn của gã xem xét, chợt “Ồ” một tiếng, buột miệng hỏi:

– Ngươi cũng trúng Nghịch Dương Chỉ?

Diệp Linh Tô giật mình kêu lên:

– Sao lại thế được?

Tịch Ứng Chân sa sầm nét mặt, lại thăm mạch thêm một lát, đoạn lắc đầu:

– Không phải Nghịch Dương Chỉ, nhưng trong Xung Mạch của nó lại xuất hiện một luồng khí Thiếu Dương ngang nhiên chảy ngược lung tung khắp kinh mạch.

Ông chăm chú nhìn Nhạc Chi Dương, ánh mắt đượm buồn, hỏi:

– Nhóc con, lúc ngươi và Trúc Nhân Phong đánh nhau, chưởng lực của hắn có điều chi quái lạ hay không?

Nhạc Chi Dương có bụng tự biết, việc này hoàn toàn không liên quan đến Trúc Nhân Phong, chỉ trách bản thân gã chữa lợn lành thành lợn què. Luồng khí nóng bỏng kia mặc dù đã thuyên giảm đôi chút nhưng vẫn còn nằm chắn ngang giữa hai mạch Xung-Nhâm, khí ở trên thì không dễ truyền xuống, máu huyết bên dưới lại khó mà lên trên, một khi cố tình cưỡng ép vận khí sẽ khiến cho luồng nghịch khí chảy giật tung như rồng như rắn, như đâm như cắt, nỗi đau đớn bên trong khó mà tả nổi. Vừa rồi gã định dùng “Loạn Vân Bộ” đuổi theo hai người, kết quả là khi vừa vận nội lực, nghịch khí phản lại, đau đến mức hôn mê ngay tức khắc.

Diệp Linh Tô thấy gã lặng im, lòng nóng như hơ, không nhịn được gắt gỏng:

– Ngươi câm rồi ư? Tịch đạo trưởng hỏi ngươi kìa, có phải Trúc Nhân Phong đả thương ngươi hay không?

Nhạc Chi Dương tự làm tự chịu, xấu hổ không tiện đáp, đành ậm ừ bảo:

– Ta cũng không biết, có lẽ ta luyện công dẫn đến đau sốc hông.

– Đau sốc hông á? – Diệp Linh Tô ngớ người: – Ngươi luyện môn nội công gì?

Nhạc Chi Dương quanh co đáp:

– Môn này à, tên gọi là Linh Phi Công.

Diệp Linh Tô ngẫm nghĩ rồi cười lạnh:

– Nội công trên thế gian này ta biết qua cũng không ít, chưa bao giờ nghe đến cái môn nào gọi là “Linh Phi Công” cả. Tên khoác lác kia, ngươi lại tán phét đúng không?

Nhạc Chi Dương vốn đang khó chịu, nghe thấy câu này như châm dầu vào lửa, sẳn giọng đáp:

– Ngữ thằng con cô mới tán phét ấy.

Gã nói năng không thèm ngại miệng, Diệp Linh Tô đỏ bừng cả mặt, hét lên:

– Ngươi… Ngươi nói linh tinh gì đấy! Ta… Ta làm gì có con?

Nhạc Chi Dương cười bảo:

– Thì chẳng đúng, cô không có con, nên ta đương nhiên cũng không phét.

Diệp Linh Tô giận đến á khẩu nhưng cũng chẳng thể đánh được bệnh nhân, nhất thời chẳng biết trút giận vào đâu liền tìm đến một góc khuất, huơ kiếm chém bừa vào bụi cây cho hả dạ. Kiếm Thanh Li sắc bén vô cùng, chỉ thấy lá bay lả tả, cành nhánh tan tác, vừa chém bảy tám kiếm chợt nghe tiếng sột soạt, trong bụi cây có kẻ nhảy ra, giơ hai tay lên trời, rối rít kêu:

– Đừng chém, đừng chém, ta đầu hàng, ta đầu hàng.

Việc xảy ra quá đột ngột, ngay cả Diệp Linh Tô cũng hoảng hồn lùi lại mấy bước. Cô đưa mắt nhìn kỹ, chỉ thấy Thích Vương Tôn đang đứng nơi đó, đầu cổ phủ đầy cành lá, sắc mặt kinh hãi. Thì ra, hắn trốn trong bụi cây ấy, vốn đang định chờ cho ba người rời khỏi đây, nào ngờ Diệp Linh Tô mặt mũi hầm hầm đi đến vung kiếm chặt cây. Thích Vương Tôn nhát gan như thỏ, cho rằng bản thân đã bị bại lộ, sợ đến mức lật đật nhảy ra đầu thú.

Diệp Linh Tô vô tình chém bừa chém bậy, chả ngờ lại ép được một tên tù binh lộ diện, nhất thời vui mừng khôn xiết, quát to:

– Ngươi ở đây làm gì?

Trường kiếm vung lên chĩa ngay trước ngực hắn.

Thích Vương Tôn chỉ thấy kiếm khí lạnh buốt, hoảng sợ đến hai chân lẩy bẩy, lập cà lập cập đáp:

– Ta… Ta ở đây đại tiện.

Diệp Linh Tô không ngờ hắn trả lời như vậy, nhất thời ngẩn người, bỗng nghe Nhạc Chi Dương cười hỏi:

– Họ Thích kia, ngươi mặc cả quần để đại tiện à?

Thích Vương Tôn cũng mặt dày không thua ai, ngang nhiên đáp:

– Có người còn cởi quần thả rắm, cớ gì ta không thể mặc quần đại tiện được?

Hai bên lời qua tiếng lại, càng nói càng thêm bậy bạ, Diệp Linh Tô nghe không lọt tai, lườm Nhạc Chi Dương một cái rồi quay lại bảo:

– Thích Vương Tôn, ngươi mà còn lảm nhảm, ta chém xuống một nhát thì cả đời của ngươi cũng đừng hòng … ừm… thả cái gì gì ấy ra nữa.

– Vâng… Vâng… – Thích Vương Tôn chỉ cảm giác mũi kiếm càng nhích đến gần, hắn hoảng hồn hoảng vía gật đầu liên hồi:

– Kẻ hèn không dám nói nhảm nữa.

– Tốt, ta hỏi ngươi, ngươi trốn ở đây làm gì?

Thích Vương Tôn hậm hực đành trả lời:

– Minh Đấu muốn giết ta, ta đành phải đi trốn thôi.

– Sao lão ta lại muốn giết ngươi? – Diệp Linh Tô lấy làm lạ: – Các ngươi chả phải rắn chuột một loại với nhau hay sao?

– Rắn chuột một loại, vậy cô cũng thừa biết ai là rắn ai là chuột rồi? – Thích Vương Tôn rầu rĩ kể: – Tối qua ta nửa đêm tỉnh giấc, định tìm bụi cây để làm… chuyện khó nói ấy, vừa mới ngồi xuống thì chợt nghe có tiếng chân vang lên, ngẩng đầu xem thì ra là bọn hòa thượng ba người đã trở về. Vì ta chưa “ấy” xong nên đương nhiên không tiện đứng dậy gọi họ, lúc ấy bỗng nghe Minh Đấu nói: “Họ Thích sao lại vắng mặt? Xem ra, có lẽ không giết hắn không được rồi.” Ta nghe thấy lời này, sợ đến điếng người, lập tức kềm hãm hô hấp, hít thở mạnh cũng không dám, chỉ nghe Trúc Nhân Phong lại đế thêm: “Giữ kẻ này lại sau này cũng thành họa, chẳng có gì bảo đảm hắn không biết lối vào mộ cả.”

– Lối vào mộ? – Tịch Ứng Chân không nhịn được tò mò: – Ngươi biết lối vào mộ thật à?

– Đương nhiên là ta không biết! – Thích Vương Tôn thành thật khai: – Nhưng Minh Đấu lại bảo: “Không sợ nhất vạn, chỉ e vạn nhất, nếu hắn biết được vị trí vào mộ rồi nói cho Tịch Ứng Chân biết, bọn ta sẽ khó mà trốn được”. Lúc này Xung đại sư lại nói: “Để hắn đi đi, ta vắt óc cả mấy ngày mấy đêm mới nghĩ ra lối vào nằm ở đâu, chắc hắn chả biết được đâu.” Minh Đấu lại nói: “Kẻ trí tính toán bằng trời cũng có lúc sai, nếu đại sư không tự tin quá mức thì đã chẳng lọt vào bẫy của Tịch Ứng Chân. Bất kể ra sao, Thích Vương Tôn cũng là hậu duệ của Thích gia, biết được lối vào mộ huyệt cũng không có gì là lạ, chỉ là hắn vì muốn độc chiếm thứ bên trong mộ huyệt cho nên không chịu thổ lộ sự thật. Mấy lần ta muốn truy hỏi hắn đều bị ngươi ngăn cản, giờ hắn không thể đi tới nơi đó, mà lưu lại đây thì càng thêm hậu hoạn.” Trúc Nhân Phong cũng đồng tình: “Phải đấy, giết quách đi.”

– Ta nghe xong sợ đến mất mật, may mà Xung đại sư bảo: “Chính vì hắn không thể đi được cho nên muốn đến được đó phải nhờ vào chúng ta.” Minh Đấu lại nói: “Vậy cũng chưa chắc, biết đâu hắn lại không muốn dựa vào ta và Trúc huynh, chỉ muốn dựa vào một mình đại sư.” Xung đại sư hỏi: “Minh tôn chủ hoài nghi ta đã sớm biết lối vào mộ huyệt hay sao?” Minh Đấu đáp: “Ta chỉ biết, nếu không phải đến bước đường cùng, ngươi cũng sẽ không dẫn bọn ta tiến vào.” Ta nghe mà cảm thấy khó hiểu, tên họ Minh trước nay luôn vâng vâng dạ dạ với Xung đại sư, cớ gì hôm nay lại hùng hổ hăm dọa, quan sát kỹ một lượt mới phát hiện sắc mặt Xung đại sư rất khó coi, giống như là bị đổ bệnh trầm trọng. Y nghe xong mấy lời của Minh Đấu, cúi đầu hậm hực không đáp. Lúc này Trúc Nhân Phong giục giã: “Tranh cãi cái gì chứ, còn không mau khởi hành? Kẻ địch mà tìm đến cửa thì có khi chẳng đi được nữa đâu.” Dứt lời, cả ba liền rời khỏi.

Diệp Linh Tô nghe xong câu chuyện, trong lòng đã đoán được sơ lược sự tình. Xung đại sư tìm ra lối vào mộ huyệt, vì để trốn tránh Tịch Ứng Chân, muốn vào trong đó ẩn nấp. Minh Đấu thì nhận ra Xung đại sư từ miệng Thích Vương Tôn biết được đường hướng, cho nên muốn giết Thích Vương Tôn diệt khẩu. Nghĩ đến đây, cô cao giọng chất vấn:

– Ngươi thật sự không biết đường vào?

Thích Vương Tôn giơ ngón tay lên trời, thề thốt:

– Ta mà biết thì cho thiên lôi đánh trúng.

Diệp Linh Tô bảo:

– Vậy thì lạ thật, bọn chúng cớ gì phải giết ngươi bịt miệng chứ, bộ dẫn ngươi đi theo không được hay sao?

Thích Vương Tôn rầu rĩ đáp:

– Bọn họ nói ta đi không được.

Diệp Linh Tô thắc mắc:

– Vì sao đi không được?

Lời vừa dứt bỗng nghe Tịch Ứng Chân thở dài:

– Ta biết vì sao rồi. Bởi vì lối vào không ở dưới đất mà ở trên trời.

– Ở trên trời? – Ai nấy đều kinh hãi. Tịch Ứng Chân gật đầu: – Hòn đảo này nằm cô lập giữa biển, xa xôi mù khơi không trông rõ mặt đất, lại không nối liền dãy Thiên Sơn, cho nên chốn phong thủy trọng yếu sẽ không nằm tại nơi tiếp giáp địa khí mà là ở cao điểm tiếp giáp với trời. Nếu đem ví hòn đảo này với hình dáng một con rồng, vậy thì thế đảo vây quanh chính là thân rồng, ngọn núi cao ngất chính là đầu rồng, duy chỉ khi miệng rồng hướng lên trên mới có thể vọng Liêm Trinh, hầu Bắc Đẩu, phun nhả trời trăng, hít thở gió mây, cứ như vậy đoạn long mạch này mới là mạch sống được.

– Ồ! – Nhạc Chi Dương vỗ trán: – Ý đạo trưởng là, lối vào mộ nằm trên đỉnh núi?

Mọi người nghe đến đây đồng loạt ngẩng đầu nhìn ra xa xa, dưới ánh ban mai, ngọn núi trơ trọi dốc đứng như thể nung lửa nấu vàng, bốn bề cao ngất, tuyệt không đường lên. Thích Vương Tôn thắc mắc:

– Lối vào nằm ở đâu chứ?

Tịch Ứng Chân trỏ về phía đỉnh núi đáp:

– Chả phải nơi đó sao?

Mọi người giương mắt nhìn kỹ, ở nơi sát gần đỉnh núi có một hang động tối đen hun hút. Nhạc Chi Dương chỉ cảm thấy quen quen, một ý nghĩ lóe lên, gã chợt thốt:

– Ôi chao, đó là tổ của Phi Tuyết!

Động nham thạch ấy chính là sào huyệt của Hải Đông Thanh, cách mặt đất hơn mấy chục trượng, từ dưới nhìn lên toát cả mồ hôi. Thích Vương Tôn liên tục tặc lưỡi, ngơ ngác bảo:

– Trời ạ, cao như thế này, nếu quả là lối vào mộ huyệt, vậy thì quan tài làm sao mà đưa được lên trển?

– Các ngươi đã nghe qua “Quan tài treo” chưa? – Lão đạo sĩ hỏi. Tất cả đều lắc đầu.

– Năm ấy ta đi du lịch Tam Hiệp, hai bờ sông Hiệp vách đứng cheo leo, có rất nhiều huyệt động chất đầy quan tài gỗ, quan tài gỗ treo giữa chừng không, nhìn qua vô cùng độc đáo. Sau này ta tìm hiểu kỹ càng, phát hiện trên vách đá có đục lỗ trống, chỉ cần gắn cọc gỗ vào rồi lắp ván lên thì có thể tạo ra một sạn đạo (*) dẫn thẳng lên động huyệt ở trên cao. Nếu muốn đưa quan tài lên núi, chỉ cần tu sửa sạn đạo rồi khiêng quan tài lên núi, đến khi tháo bỏ sạn đạo đi, quan tài sẽ được neo tại không trung. Phương pháp treo quan tài này thứ nhất có thể phòng ngừa đạo tặc, thứ nhì có thể tựa núi gần sông, tích nước tránh gió, có thể xem là một phương pháp an táng kỳ diệu, một dị thuật trong phong thủy.

(ND chú: sạn đạo là con đường nhỏ trên bờ vực hoặc hẻm núi làm bằng cọc gỗ lát ván)

Nhạc Chi Dương thắc mắc:

– Tên lừa trọc không rành phong thủy, cũng chưa chắc là tường tận về chuyện “Quan tài treo”, làm sao y biết được lối vào nằm trên núi?

– Việc này đơn giản thôi. – Tịch Ứng Chân ảo não nói: – Ta từng kể, muốn đưa quan tài lên đỉnh núi thì cần phải đục lỗ trên vách, thi công sạn đạo. Sạn đạo có thể rút bỏ nhưng hốc đá thì vẫn còn đó. Hòa thượng thông minh như thế, chỉ cần trông thấy hốc đá thì dần dà tự nhiên có thể đoán biết điều ảo diệu bên trong….”

Đang nói, Diệp Linh Tô bỗng chỉ lên ngọn núi kêu to:

– Trông kìa!

Ai nấy đều giương mắt nhìn ra xa, trên mặt vách dựng đứng chợt đâu xuất hiện ba bóng người đang mon men trườn lên theo sườn núi.

– Quả nhiên trúng phóc. – Thích Vương Tôn tấm tắc khen: – Lão đạo sĩ, ông đúng là liệu sự như thần. Chẳng trách bọn họ nói ta đi không được, vách núi này nhẵn bóng như một mặt gương, đến chúng cũng phải bò từng chút lên! Mẹ nó, ba tên khốn này không phải người mà là thằn lằn, hừ hừ, ông cầu cho chúng bây tay mềm chân run, rơi xuống đất chết thê thảm.

Hắn vốn mang lòng đố kỵ, mở miệng lập tức trù ẻo.

Ba người không dám chậm trễ, vội vàng chạy đến chân núi, quả nhiên trông thấy trên vách có không ít hốc đá, đường kính cỡ năm tấc, cách nhau chừng vài thước, nối thành một dãy khúc khuỷu bất định, theo hình chữ “Chi” (之) kéo dài lên trên, nối thẳng đến bên dưới tổ chim ưng.

Lúc này, bên trong hốc đá đã được đóng cọc gỗ vào, lõi gỗ trắng bóng còn lẫn vỏ xanh, bị ai đó dùng một lực cực mạnh đánh ngập vào trong hốc tạo thành một cái thang gỗ cho người ta đặt chân vào. Quan sát kỹ, bọn người Xung đại sư ai nấy đều dùng dây mây quấn chặt lấy cọc gỗ. Minh Đấu một mình đi đầu, dùng “Qua Toàn Kình” đẩy cọc gỗ xuyên ngập vào hốc đá, cọc gỗ trong tay lão vừa hết thì hai người Xung-Trúc bên dưới lập tức chuyển những cọc đã dùng xong lên trên. Lúc mọi người nhìn thấy thì ba kẻ nọ đã leo được đến lưng chừng núi.

– Hay thật! – Nhạc Chi Dương vỗ tay khen: – Có đám trẻ ngoan ở trước mở đường, chúng ta vừa hay có thể đạp vào bậc thang sẵn có để trèo lên.

– Chớ vội khinh địch – Tịch Ứng Chân quan sát bên trên, chợt nói: – Để mình ta lên, các người ở lại đây

Diệp Linh Tô khẽ nhíu đôi mày cong, ngập ngừng chưa quyết. Nhạc Chi Dương cao giọng:

– Ngài nói gì thế, sự đến nước này, chúng ta cùng sống cùng chết.

Diệp Linh Tô liếc nhìn gã, gật đầu:

– Đúng thế, chúng ta cùng sống cùng chết.

Cô nói chậm rãi thế nhưng thần thái kiên nghị, không chút đổi sắc.

Tịch Ứng Chân chăm chú nhìn hai người, vừa buồn bực lại vừa cảm động, đành bảo:

– Trận chiến này vô cùng quan trọng, hai đứa không cần miễn cưỡng…

Ông lại đưa mắt nhìn Nhạc Chi Dương, muốn bảo gã đang rối loạn chân khí thì nên ở lại chân núi, nhưng thấy vẻ mặt gã cương quyết, cuối cùng cũng chẳng thể cất lời, nghĩ thầm: “Hai đứa trẻ này có tình có nghĩa, vì ta mà mất mạng thật sự không đáng. Ầy, thôi vậy, ta đành liều cái mạng già này bảo vệ cho tụi nhỏ an toàn là được.”

Nghĩ đến đây, ông tung người phóng lên cọc gỗ, lao vun vút lên trên hệt như chuồn chuồn vẫy nước. Diệp Linh Tô nhìn Nhạc Chi Dương, giục:

– Ngươi đi trước đi.

Nhạc Chi Dương hỏi:

– Vì sao?

Diệp Linh Tô đanh mặt gắt:

– Bảo ngươi đi thì ngươi cứ đi, nói nhiều làm gì?

Nhạc Chi Dương lè lè lưỡi, nhảy lên cọc gỗ, từng bước lần dò leo lên trên. Gã từng nếm mùi đau khổ, lần này không dám sử dụng nội lực nữa. Nhưng gã tập võ đã lâu, cho dù không dùng nội công thì thân thủ cũng linh hoạt hơn người bình thường.

Đi chừng mười bước, chợt nghe bên dưới có tiếng la thảm, Nhạc Chi Dương cúi đầu xem tình hình, bất chợt buồn cười suýt sặc. Thì ra Thích Vương Tôn không tự lượng sức, cũng mon men trèo lên cọc gỗ, kết quả đạp hụt chân té xuống từ khoảng cách cao hơn một trượng, đầu toác máu chảy, nằm chỏng vó trên mặt đất rên la oai oái.

Sạn đạo càng đi càng nguy hiểm, đến khoảng nửa chừng núi, gió biển rít gào thổi đến như muốn thổi bay cả người rơi xuống. Nhạc Chi Dương không khỏi giật mình, cúi đầu nhìn lại, dưới núi nhấp nhô bụi cây, xa xa mênh mang khói sóng, tự bản thân như thể đang treo giữa vách núi dựng đứng, lay lắc bất định nương theo cơn cuồng phong. Gã càng nhìn càng khiếp vía, chỉ thấy đầu váng mắt hoa, thế nhưng khi đi trên cao hễ càng lo sợ lại càng dễ xảy ra chuyện. Nhạc Chi Dương nơm nớp không yên, vừa dợm chân được hai bước, bỗng đâu dưới chân chợt hẫng, thân người lập tức ngã về sau. Trong lúc hoảng loạn gã với tay chụp lấy vách đá, cú chụp này dùng đến nội lực, nhất thời nghịch khí phản lại, nội lực tiêu tán, cả người lay động ngã chúi xuống bên dưới ngọn núi.

Đột nhiên, một cánh tay vươn tới nhanh như chớp, giữ chặt lấy cánh tay của gã. Thế rơi Nhạc Chi Dương bị ngắt lại, gã đưa mắt nhìn, chỉ thấy Diệp Linh Tô mặt hoa phớt hồng, mắt như sao sáng, dáng hình như một cánh yến trắng, một tay níu giữ lấy gã, một tay móc vào cọc gỗ.

Thiếu nữ dồn khí vào cánh tay, êm ái hô lên, kéo giật Nhạc Chi Dương trở lên. Thiếu niên dù đứng vững lại trên cọc gỗ hãy còn rung lẩy bẩy. Diệp Linh Tô cũng phi thân bay đến, trừng mắt nhìn gã khẽ thở hổn hển:

– Ngươi chú ý một chút đi, chớ có làm vướng tay vướng chân ta nữa

– Ai vướng tay vướng chân chứ? – Nhạc Chi Dương hậm hực: – Chẳng phải chỉ là té một cú thôi sao?

– Té một cú? – Diệp Linh Tô cười lạnh: – Chỉ sợ té một cú đến âm tào địa phủ thì có!

Nhạc Chi Dương không chịu thua, cao giọng bảo:

– Vậy cũng tốt, ta còn chưa được đến nơi đó, sẵn dịp xem thử cảnh trí Âm tào Địa phủ ra làm sao.

Diệp Linh Tô giận dỗi:

– Còn nói xằng, ngã lần nữa thì không ai thèm cứu ngươi đâu.

Nhạc Chi Dương thấy nét mặt của cô như vậy, thầm cười trong bụng, hỏi:

– Diệp cô nương à, cô cố tình đi ngay sau ta, chính là sợ ta ngã xuống đấy à?

Diệp Linh Tô bị gã nhìn rõ ý đồ, mặt hoa đỏ ửng, vội chối:

– Ngươi nằm mơ à? Cái tên khoác lác nhà ngươi, ngã chết một trăm lần ta cũng không thèm quan tâm.

Nhạc Chi Dương cười ha hả. Chợt nghe Tịch Ứng Chân gọi to, hai người ngẩng đầu nhìn lên, lão đạo vẫy vẫy:

– Tiểu nha đầu, rút mấy cây cọc gỗ mang lên đây cho ta.

Hóa ra Xung đại sư gian xảo, trông thấy có người đuổi theo, mỗi một bước trèo lên lại hủy đi một cây cọc gỗ phía sau. Tịch Ứng Chân chẳng còn đường lên, đành phải nhổ mấy cây cọc gỗ ở bên dưới đến bổ sung. Diệp Linh Tô rút cọc gỗ, ném về phía Tịch Ứng Chân. Lão đạo đón lấy, đoạn cắm chúng vào trong hốc đá.

Màn đuổi bắt như vậy thật sự là xưa nay hiếm có. Hai bên hết rút cọc đi rồi lại cắm cọc vào, tùy cơ mở đường, quanh quanh quẹo quẹo đi lên trên. Mắt thấy đám người Xung đại sự càng đi càng cao, tiến sát đến tổ ưng, Nhạc Chi Dương bất chợt rút thanh sáo ngọc ra, cố sức thổi tấu. Diệp Linh Tô thầm thấy quái lạ, thắc mắc:

– Ngươi làm gì vậy?

Lời còn chưa dứt, từ trong tổ chim vang lên một tiếng kêu lanh lảnh, một bóng trắng bay vọt ra. Thiếu nữ ồ lên:

– Là Phi Tuyết!

Nhạc Chi Dương vẫy sáo ra hiệu lệnh, ưng trắng rít lên một tiếng, hình dáng như một mũi tên bổ nhào xuống, nhắm thẳng về phía đỉnh đầu Minh Đấu.

Minh Đấu đột ngột bị tập kích, tay chân lập cập, rụt đầu trốn tránh. May mà Trúc Nhân Phong nhanh nhẹn ném cọc gỗ trong tay ra, Phi Tuyết lạng người né đi, Minh Đấu mới tạm thời thoát hiểm, nhưng dù như thế thì vai lão cũng bị trúng một trảo, máu tuôn ướt đẫm.

Phi Tuyết bị cọc gỗ chọc giận, chuyển hướng bay về phía Trúc Nhân Phong. Trúc Nhân Phong vì nó mà xấu mặt xấu mày, vốn hận con chim này đến thấu xương, lập tức quát lớn, dồn sức vỗ ra một chưởng. Chưởng phong như đao, phát ra hơn một trượng, Phi Tuyết còn chưa kịp đến đã bị quét trúng, nhất thời một chùm lông trắng bay lả tả, cất lên tiếng kêu thảm. Nó nếm phải đòn đau, bèn tung cánh bay cao, vòng ra sau người Trúc Nhân Phong, hai móng cùng một lúc chụp xuống, quắp mạnh vào cổ hắn.

Đổi lại lúc bình thường, Trúc Nhân Phong xoay trở tùy ý, dư sức phòng thủ, nhưng lúc này lưng tựa vách núi, cử động bất tiện, làm sao so được với Hải Đông Thanh cưỡi gió vờn mây, bay lượn như chớp, chỉ thấy đằng sau nổi gió, muốn tránh né cũng đã không kịp. Xung đại sư từ sau trông thấy, một quyền tống thẳng lên trên, Phi Tuyết không dám tiếp đỡ đành bay vút ra xa, lượn một vòng trên không rồi lại bay bổ về phía Xung đại sư.

Ưng trắng bản tính cao ngạo, bị đòn đau càng thêm hung hãn. Nó thay đổi phương cách, vừa thấy ba người động tay liền lập tức bay đi xa, liên tục đảo vờn xung quanh, lượn đến góc chết của ba người mới phát động đòn tấn công mạnh mẽ, quả là đến như gió, đi như tuyết, ba tên ác nhân hành động bất tiện, nhất thời bị một chú chim vây khốn giữa vách núi.

Chứng kiến Nhạc Chi Dương có tài ngự ưng như vậy, lão đạo sĩ thật sự vui mừng ngoài dự kiến. Ông và Diệp Linh Tô chung tay hợp sức, rút gỗ mở đường, rất nhanh đã tiến đến gần kẻ địch. Nhạc Chi Dương sợ Phi Tuyết đánh lâu xảy ra sơ suất, vội trỗi sáo ra hiệu, Phi Tuyết nghe thấy liền bỏ dở kẻ thù, lượn vòng liên tục trên trời cao.

Nhạc Chi Dương vừa mừng rỡ vừa bất ngờ, Diệp Linh Tô cũng thầm kinh ngạc. Cần biết tính hiếu sát là bản năng của loài ưng, nếu muốn nó buông tha cho con mồi thật sự là vô cùng khó khăn bởi hành vi này đi ngược lại thiên tính của nó. Phi Tuyết vừa nghe lệnh lập tức rút lui khỏi cuộc chiến đủ thấy nó đã hoàn toàn khuất phục, xem Nhạc Chi Dương là chủ nhân đích thực.

Tiếng sáo chưa vơi, Tịch Ứng Chân đã đuổi đến sát bên dưới Xung đại sư. Hòa thượng trở chân đá xuống, Tịch Ứng Chân né khỏi mũi chân y, giơ tay móc lấy cọc gỗ, phiêu phất bay lên như một cánh diều, hai chân ông cùng lúc tung ra, chọc về phía Trúc Nhân Phong ở phía trên cao. Trúc Nhân Phong huơ chưởng nghênh đón, chân tay hai bên va vào nhau, đôi tay Trúc Nhân Phong nóng rần, cả người bay ra sau, hai chân chợt đạp vào không khí, rơi thẳng xuống núi.

Tên tiểu tử này sợ đến mức kêu thét ầm ĩ, tiếng thét vừa ra khỏi miệng, bờ vai đột nhiên bị nắm chặt, hóa ra đã được Minh Đấu giơ tay chộp lấy. Trúc Nhân Phong còn chưa hoàn hồn, đang định cảm tạ chợt nghe Minh Đấu hừ lạnh một tiếng, nắm lấy người hắn quét về phía Tịch Ứng Chân.

Trúc Nhân Phong lần đầu tiên trong đời bị kẻ khác dùng làm vũ khí, lập tức chuyển từ vui mừng sang phẫn nộ, ngoác miệng chửi to. Tịch Ứng Chân đang giao thủ cùng Xung đại sư, chợt thấy thế gió mạnh mẽ, cả người Trúc Nhân Phong đang lao ầm ập đến. Kẻ kia dẫu sao cũng là người sống, lúc lao đến thừa cơ tung ra cả quyền lẫn cước. Tịch Ứng Chân bất đắc dĩ đành ngừng đánh cùng Xung đại sư, xoay người lại nghênh địch.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.