Liêu Nhàn

Chương 4: Chương 4





Phạm Phong nhìn phản ứng của sư muội mình thì biết người nhà của Ôn Chủy Vũ không nói với cô nên không tiện nói thêm gì, chỉ mở miệng thốt ra một câu mơ hồ: "Nữ nhân đó không phải người dễ đối phó."
Ôn Chủy Vũ khẽ gật đầu đồng ý: "Đã thấy qua." Nhìn thái độ này của Phạm Phong, cô lờ mờ cảm giác được Diệp Linh có điểm bất thường, hỏi: "Diệp Linh có chuyện gì đúng không?" Lại nghĩ tới Diệp Linh có chuyện gì cũng đâu liên quan đến cô? Cho dù Diệp Linh có lừa thì tranh của cô, nhà của gia đình cô đều bán cho người ta rồi, giao dịch đã hoàn thành, ước chừng sau này sẽ không còn tiếp xúc nữa.
Phạm Phong không nhiều lời, chỉ dặn lại một câu: "Nếu qua lại với cô ta, phải cẩn thận một chút."
Ôn Chủy Vũ nghĩ chắc danh tiếng của Diệp Linh ở bên ngoài không tốt lắm, nhưng như vậy, khó tránh khỏi có vướng mắc nhân tình.

Thế gian, nợ tiền dễ trả, dù thiếu nhiều tiền, ít ra cũng có một con số rõ ràng, chẳng qua tính thêm chút lãi rồi từ từ trả, có một ngày cũng trả sạch hết.

Nhưng nợ nhân tình lại thường khó đo đếm.

Cô vẽ, là xuất phát từ hứng thú và sở thích, là gởi gắm tinh thần, là dựa vào những gì bản thân góp nhặt được, tự mình tán thưởng.

Sư huynh cô vẽ, truy cầu danh lợi, đường anh đi là con đường kinh doanh.

Không nói ai cao quý hơn ai, ai tốt đẹp hơn ai, mục đích kiếm tìm không giống nhau, thì sẽ đi trên hai con đường khác nhau, họp lại rất dễ nảy sinh ra mâu thuẫn.

Cô không muốn có một ngày tình nghĩa giữa hai sư huynh muội cô bị hủy hoại vì chút chuyện này.
Ôn Chủy Vũ có chút mâu thuẫn cùng do dự.

Trước kia cô không thiếu tiền, không cần phải dựa vào việc bán tranh kiếm sống, cho nên mới có thể giữ mấy bức tranh ấy cho riêng mình thưởng thức.

Hiện tại dùng tài khoản tiết kiệm của cô mua một chiếc xe điện cũng không đủ, còn trả không nổi lương của chú Triển Trình và dì Tôn.

Cô ba đối xử tốt với cô, tình nguyện giúp cô, nuôi cô nhưng nếu cứ để cho cô ba mãi nuôi cô như vậy, ngay cả bản thân Ôn Chủy Vũ cũng tự xem mình không ra gì.
Cô muốn nuôi cả gia đình thì trước tiên phải học cách kiếm tiền, sở trường duy nhất của cô chính là vẽ, ngoài ra bà nội còn dạy cho cô học vài loại nhạc cụ.


Trong vài loại ấy, cô chơi đàn tranh tương đối tốt, khổ nỗi nếu kiếm tiền bằng cách dạy người ta học đánh đàn, dám chừng số tiền kiếm được còn không đủ cho cô trả tiền lương cho vị trí vệ sĩ toàn thời gian kiêm luôn lái xe của chú Triển.
Nếu cô muốn dựa vào việc vẽ tranh để kiếm tiền, thì buộc phải bán tranh, muốn bán tranh được giá cao, không tránh khỏi phải tiến hành kinh doanh, tuyên truyền,...!Bản thân cô là một họa sĩ, phải ra ngoài giao thiệp, xã giao với đủ loại người.

Trước không nói đến lúc giao tiếp cá nhân sẽ gặp phải dạng người khó chung đụng hay không, nếu cô bận xã giao, sao còn thời gian để vẽ?
Cô rất rõ, muốn vùi đầu chuyên tâm vẽ tranh giống như trước đây, phớt lờ đi cuộc sống ngày thường là chuyện không có khả năng, nhưng giữa việc vẽ và sống, cô phải cân nhắc sao cho phù hợp.
Chuyện này, cô vẫn chưa nghĩ xong.
Hơn một tháng tiếp theo, Ôn Chủy Vũ liên tục nhận được rất nhiều thư mời và hợp đồng, ngoài trừ ý muốn giúp đỡ đến từ chỗ ông chủ của nội cô, sư phụ cùng các sư huynh muội ra thì vẫn còn có vài chỗ muốn chiêu nạp cô đến đánh bóng tên tuổi, cũng có vài người cảm thấy gia đình cô nghèo khổ túng quẫn, có thể lợi dụng, liền có ý quá phận, mượn danh nghĩa mời cô sang vẽ để treo đầu dê bán thịt chó.
Phượng hoàng gãy cánh không bằng gà.
Nơi đây có đủ loại người, khoảng thời gian bán của bán nhà cô đã gặp qua không ít, chẳng thấy bất ngờ mấy.
Chuyện khiến Ôn Chủy Vũ cảm thấy không ngờ nhất chính là người cô luôn tưởng rằng về sau sẽ không còn quan hệ gì nữa như Diệp Linh lại cho người gửi bái thiếp(1) đến.
Ôn Chủy Vũ nghe Tôn Uyển nói Diệp Linh sai người mang bái thiếp tới thì lặng người mất vài giây.
Bây giờ người muốn đến nhà thăm viếng đều gọi điện thoại liên hệ trước, hẹn xong mới tới, vậy mà lại có người vẫn gửi bái thiếp?
Cô sững sờ nhận lấy bái thiếp trong tay dì Tôn, sau khi mở ra, va vào mắt là hàng chữ bút máy viết tay thanh tú chỉnh tề, chữ thư pháp viết bằng bút đầu cứng, là Khải thư(2).

Từ bút tích có thể thấy nét phẩy, nét mác được kéo dài mảnh, hơi hất, lộ ra vài phần phóng khoáng, nhưng khi gập góc lại rõ ràng sắc sảo, mà bút lực thấu giấy, vô cùng khỏe khoắn, mang đến cảm giác mạnh mẽ cứng cáp.
Nét chữ nết người.
Ôn Chủy Vũ nhìn thấy chữ của Diệp Linh, nhớ tới ngày hôm đó nàng ta ngồi lì một chỗ ở nhà cô chẳng chịu đi, uống hết tách trà này đến tách trà khác, cứ phải dây dưa đến khi cô đồng ý bán tranh.

Người như thế, cô gặp lần thứ nhất thì lập tức không muốn chạm mặt lần thứ hai.

Trong điện thoại cô có lưu lại số của Diệp Linh, chuyện mua bán giữa cô và Diệp Linh cũng đã hoàn tất, nếu Diệp Linh gọi cho cô, cô tuyệt đối sẽ không nghe máy.
Nhưng lúc này bái thiếp đã đưa đến tận nhà, người mang thiếp tới cũng đi rồi, cô không thể vứt nó đi mà chưa nhìn lấy một lần.
Sau khi Ôn Chủy Vũ xem xong bái thiếp liền hối hận sao không trực tiếp ném bỏ.

Bái thiếp viết:
Chủy Vũ
Kính thưa
Có việc quan trọng cần thương lượng, mong dành chút thời gian gặp gỡ.

Giờ thân ngày mai đến phủ tiếp kiến.
Diệp Linh khấu đầu.
Ôn Chủy Vũ nhìn chằm chằm bái thiếp mấy giây, mới dằn lại cảm giác kích động muốn vứt nó vào sọt rác, cô thuận tay đặt bái thiếp lên bàn.

Cô chưa từng gặp qua ai như thế! Hẹn người ta bàn chuyện lại không gọi điện trước, không hẹn ở ngoài, trực tiếp gửi một tấm bái thiếp đến báo tin kêu cô đợi ở nhà.
Giờ thân, một giờ bằng hai tiếng đồng hồ, từ ba giờ đến năm giờ là giờ thân.
Dịch đúng nghĩa thì chính là: "Ôn Chủy Vũ, Diệp Linh tôi có việc muốn tìm cô, ngày mai từ ba giờ đến năm giờ cô ở nhà đợi tôi sang."
Ôn Chủy Vũ cảm thấy, nếu bản thân tu dưỡng kém, Diệp Linh mà đang đứng trước mặt cô, nói không chừng cô sẽ tự tiếp cho mình thêm chút dũng khí, sau đó mang bái thiếp dán lên mặt họ Diệp kia.
Cô tưởng tượng đến cảnh mình cầm tấm thiếp dán lên mặt Diệp Linh một lát, lại cảm thấy làm vậy không ổn lắm, huống hồ những người khác cũng đưa bái thiếp đến, ngày mai cô không có dự định ra ngoài....!Ôn Chủy Vũ thở dài, trong lòng nghĩ: "Đợi thì đợi thôi." Để cô xem thử Diệp Linh muốn làm cái gì.
Tiết trời Giang Nam vào tháng Năm là thời điểm thích hợp cho lộc biếc vươn chồi, tường vi nở rợp góc sân, nhành hoa phủ kín mái tường, hoa giăng đầy cành, muôn hồng nghìn tía nổi bật trên nền lá, rậm rạp xanh tươi.

Ánh nắng lung linh chiếu khắp sân nhà, xuyên qua cành lá trên mái tường như vẩy lên nền đất hàng loạt vệt sáng tối loang lổ.
Ôn Chủy Vũ pha một ấm lục trà, bày cạnh một chiếc ghế bập bênh, nằm trong sân ngắm nhìn bầu trời trong xanh trên đỉnh đầu, trông những đám mây trắng kia mặc gió biến đổi thành đủ thứ hình thù.

Thi thoảng lại có cánh chim bay vút ngang, bóng dáng nhàn nhã, tùy ý nghiêng mình chao liệng, tự do vùng vẫy khắp đất trời.
Dường như tâm trí của Ôn Chủy Vũ cũng đã trôi dạt theo cánh chim và những đám mây trôi bồng bềnh kia.
"Bắc Minh có loài cá, tên là Côn.


Côn to lớn, không biết trải mấy nghìn dặm; hóa thành điểu, kỳ danh là Bằng.

Lưng Bằng rộng không rõ mấy nghìn dặm; khi Bằng vỗ cánh bay lên, đôi cánh như mây lớn che trời.

Biển động, Bằng bay sang Nam Minh..."
Ôn Chủy Vũ đang nghĩ có nên lấy không trung, trời Nam, biển lớn làm bối cảnh vẽ một bức Côn Bằng Đồ hay không thì vòng đồng trên cửa lớn bị gõ vang, tiếng đập cửa trầm đặc kéo hồn Ôn Chủy Vũ trở về thực tại.
Tôn Uyển ra mở cửa.
Nhà cùng sân nhỏ, ngay cả bức bình phong án ngữ cũng không có, cửa lớn mở ra, người trong sân có thể quan sát được tình hình ở bên ngoài, và đồng dạng, ở bên ngoài vẫn nhìn thấy người đang ở trong sân.
Cửa mở, Ôn Chủy Vũ liền trông thấy Diệp Linh mang theo hai người xuất hiện ở trước cổng.
Một người theo Diệp Linh đang nói chuyện với Tôn Uyển, nói rõ mục đích đến lần này.
Cô nhìn sang Diệp Linh, Diệp Linh cũng nhìn cô, khóe môi khẽ giương, hướng về phía cô gật đầu cười một cái.
Ôn Chủy Vũ rất muốn quay về phòng xem giờ một chút.

Hẹn từ ba giờ đến năm giờ, cơm trưa mới ăn chưa được bao lâu thì đã đến? Ăn trưa chưa vậy?
Người đến là khách, lại gửi bái thiếp đến trước, cô không tiện từ chối gặp mặt, bèn đứng dậy, bảo Tôn Uyển dẫn khách vào trong.
Diệp Linh mặc vest đen, quần kaki bảy tấc, giày cao gót độ chừng bảy tám phân, tay áo vest được vén lên một nửa, dáng vẻ trông rất lanh lợi cùng giỏi giang, giống như vừa bước ra từ công sở.
Ôn Chủy Vũ thấy bộ dáng chỉn chu có công sự cần phải giải quyết của Diệp Linh, cũng không thể tùy ý tản mạn mời khách ngồi trong sân nhỏ uống trà bàn chuyện nên mời người ta vào phòng khách.
Sau khi cô vào trong phòng khách, thuận mắt quét ngang chiếc đồng hồ cổ điển đặt trong gian phòng, thời gian vừa đúng ba giờ, trong lòng cô không kiềm được mà nghi rằng Diệp Linh cố tình canh giờ để đến, theo bản năng liếc nhìn Diệp Linh một cái, thấy mắt của Diệp Linh đang ngó nghiêng nhìn quanh phòng, cô cũng nương theo ánh mắt Diệp Linh nhìn sơ phòng khách của gia đình mình một chút.
Mặc dù nói ngôi nhà này không lớn, nhưng phòng khách vẫn xem như rộng rãi.
Thông thường mà nói, nhà cổ đều mang vẻ âm u, bất quá hiện tại thủy tinh rất rẻ, đổi vài miếng ngói lam trên nóc nhà thành ngói thủy tinh trong suốt, ánh sáng từ trên mái nhà chiếu xuống tràn ngập căn phòng, lại mở hết toàn bộ cửa gỗ, cả phòng khách lập tức bừng sáng.
Phòng khách được trang trí rất đơn giản, một bộ nội thất bằng gỗ đàn hương dành để tiếp đãi khách theo kiểu Trung, bên trên đặt vài chậu cảnh tươi tốt, trong phòng có treo mấy bức họa do chính tay Ôn Nho lão tiên sinh vẽ, lại thêm ít món đồ trang trí đời nhà Thanh không quá đắt tiền, dù có sửa sang lại đôi chút nhưng mơ hồ vẫn có thể nhìn ra.
Ánh mắt Ôn Chủy Vũ chuyển từ phòng khách sang nhìn Diệp Linh, cô phát hiện tầm mắt của Diệp Linh lại đang dừng lại trên người mình, tựa như bản thân cô có chút không ổn? Ôn Chủy Vũ không nhịn được cúi xuống ngắm nghía quần áo đang mặc.

Cô ở nhà nhãn rỗi, mặc sao tự nhiên thoải mái là được.

Một chiếc áo sơ mi lụa màu xanh lơ rộng thùng thình phối cùng quần lụa dài cũng rộng không kém, thêm đôi dép đế bằng đi trong nhà, hình như đâu có gì không ổn? Lần nữa, cô quay sang Diệp Linh, nhìn người ta một thân quần áo công sở rồi lại tiếp tục nhìn bộ trang phục hưu nhàn trên người mình, nếu so sánh hai người với nhau, bỗng cảm thấy vẫn có chút kì quái.
Trong lòng Ôn Chủy Vũ nói: "Kì thì kì, dù gì cũng là ở nhà của tôi, tôi thích mặc sao thì mặc." Cô thoải mái mời Diệp Linh ngồi xuống, sau Khi Tôn Uyển mang trà lên, trông thấy Diệp Linh không nói đến chính sự, thong thả cúi đầu dùng trà.


Cô nhìn bộ dáng này của Diệp Linh cũng không giống đến để thưởng trà, liền hỏi: "Không biết lần này Diệp tiểu thư đến nhà có việc quan trọng gì không?"
Diệp Linh ngồi từ từ uống trà, lúc này nhân viên đi cùng ở bên cạnh mới đưa đến một chiếc hộp gấm dài chừng nửa mét.
Chiếc hộp được chế tác từ gỗ đàn hương đỏ, chạm nổi hình cây tùng xanh, trông khá tinh xảo.
Diệp Linh mở hộp ra, từ trong ấy lấy ra một bức tranh đã được cuốn lại.
Giấy vẽ còn chưa được bồi, chưa được gắn cuộn gỗ, trên giấy có vết tích mực nước thấm vào, giống như đã từng có người vẽ lên.
Ôn Chủy Vũ giơ tay nhận bức họa mà Diệp Linh vừa mới đưa sang, mở ra, một bức họa chỉ vẽ được một nửa.

Trong tranh, một con chim hoàng(3) màu sắc sặc sỡ đang dang rộng đôi cánh bay thẳng lên trời, đầu nó ngẩng cao, ánh mắt sắc bén, một cổ khí phách xem cái chết nhẹ tựa không, xơ xác tiêu điều như muốn xuyên cả giấy.

Thiên không, những đám mây đen giăng kín trời cùng sấm chớp chỉ mới vẽ được phân nửa, những chóp núi ở phía dưới vẫn chưa kịp vẽ...
Đây là nửa bức vẽ ngày đó cô đã bỏ lại trong phòng tranh – Hoàng Chiến Thương Thiên Đồ.
- ---------------------------------
Tác giả có lời muốn nói:
Dạo gần đây bận chuyện bảo vệ quyền lợi, ngưng cập nhật lâu như thế, vô cùng xin lỗi..

ngôn tình tổng tài
Về vấn đề bảo vệ quyền lợi đã giao cho luật sư xử lý rồi, rốt cuộc cũng có thể rảnh rang update chương mới.
- ----------------------------------
Chú thích:
(1) Bái thiếp (拜帖): Thời xưa, đây là một tấm thiếp dùng thông báo trước khi đến thăm ai đó.
(2) Khải thư (楷书): Khải thư hay chữ khải, còn gọi là chân thư, chính khải, khải thể và chính thư, là phong cách viết chữ Hán ra đời muộn nhất, do đó đặc biệt phổ biến trong việc viết tay và xuất bản hiện đại.

(3) Chim Hoàng (凰鸟): Phượng hoàng là loài chim có trong thần thoại, vua của các loài chim và là một trong bốn Tứ linh.

Trước đây người ta hay gọi Phượng là chim trống và Hoàng là chim mái, nhưng ngày nay sự phân biệt đó gần như không còn.

Vì bám sát theo truyện nên mình xin mạn phép dịch nó thành chim hoàng hoặc hoàng điểu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.