[Lão Cửu Môn] Phiên Ngoại Trần Bì A Tứ

Chương 3: Xuân thân




Truyền thuyết về Hỉ Thất nổi như cồn trong Lão Cửu Môn, nếu đi Hán Khẩu quả thực vẫn còn khảo được một vài chuyện về Hỉ tú tài năm xưa, nhưng thật thật giả giả, vĩnh viễn không thể có kết luận chính xác được. Chỉ biết, Trần Bì đã cầm bảng hiệu “Một trăm xu, một mạng người” kia đi mở sạp từ rất lâu, ở Hán Khẩu vẫn còn nhiều người nhớ. Nghe nói, khi Trần Bì mới mở sạp, người đi đường đều cười hắn là kẻ điên, chẳng những không ai hỏi han đến, mà còn thường xuyên có người đi qua chỉ mặt giễu cợt.

Trần Bì chỉ nhớ ánh mắt Hỉ Thất trước khi chết, nghĩ rằng Hỉ Thất này chắc hẳn không phải một kẻ tầm thường. Y thường bảo, đáng ra mình nên gặp quý nhân, tiếc rằng lại gặp phải Trần Bì, không phải người hữu duyên, cũng chỉ có thể điểm hóa được ngần ấy mà thôi.

Liên tiếp mấy ngày trôi qua, Trần Bì câu cua sống qua ngày, đến chiều chiều lại ra chợ bày sạp giết người, lũ trẻ nít bên bờ sông vẫn thường đến quấy rầy theo lệ. Chúng hoàn toàn không nhận ra trong số chúng đã thiếu mất một đứa, xem ra, người nghèo mạng tiện, quả thực là thế. Trần Bì không buồn để bụng, cuộc sống cứ trôi qua từng ngày từng ngày. Hán Khẩu bắt đầu vào đông, gần như không còn câu được con cua nào nữa, quân cảnh rầm rập đầy thành, không ai dám ăn trộm ăn cướp, Trần Bì bèn tìm đến bến đò, kiếm chút công việc nặng nhọc hòng sống sót qua mùa đông.

Lúc này, vẫn chẳng ai buồn mua hàng của hắn, hắn cũng bắt đầu hoài nghi, phải chăng Hỉ Thất trước khi chết chỉ nói những lời điên khùng.

Một ngày, hắn co mình sưởi ấm bên bếp lò, ngẩn người. Tấm bảng gỗ “một trăm xu, giết một người” không còn trân quý như trước nữa, bị đem làm đệm lót dưới mông, hàng chữ phía trên cũng đã bị mòn đi rất nhiều. Bỗng nhiên, trên đầu đau nhói, hắn bị một hòn đá ném trúng. Mở mắt nhìn, chỉ thấy một thằng bé con thò lò mũi xanh, đang cầm đá ném hắn.

Hắn vừa nhìn liền ngẩn cả ra. Hắn nhận ra khuôn mặt không cảm xúc đó, chính là thằng nhóc Thân đần mà hắn từng đạp xuống nước ngày trước. Hóa ra thằng ranh này vẫn chưa chết. Hơn nữa, lại còn béo trắng ra.

Trong nháy mắt khi hắn sững người, lại thêm hai hòn đá nữa từ Xuân Thân văng thật mạnh vào đầu hắn, khiến hắn nổ cả đom đóm mắt. Một thời gian không gặp, thằng khờ này ném đá ngày càng thuần thục hơn. Trần Bì gạt hòn đá tiếp theo vừa văng tới ra, Xuân Thân lập tức xoay người bỏ chạy, trốn sau lưng một người đàn ông cường tráng.

Gã đàn ông vạm vỡ đó ngẩng đầu nhìn Trần Bì, nét mặt có dăm bảy phần tương tự với Xuân Thân, nếu không phải cha thì chắc là chú bác gì đó. Hai bên vừa nhìn nhau một cái, gã đàn ông kia cũng chẳng nói một lời, chỉ đứng chắn trước mặt Xuân Thân.

Dân kéo thuyền trên dòng Trường Giang cực kỳ hung hãn, hơn nữa, lại đoàn kết, Trần Bì theo bản năng giật lùi về sau một bước, sát tâm trong bụng lại nổi lên, nhưng hắn lập tức nhìn thấy quân cảnh trên bến đò cách đó không xa.

Trần Bì nhớ ra rồi, người này là một trong những đốc công trên bến đò này, dân quanh bến đò đều nghe tiếng gã. Vào thời điểm này, công việc vận chuyển hàng quân đội trên bến đò đang bận rộn trăm bề, nếu bây giờ hắn xông lên đánh nhau với gã, thế nào cũng chỉ tự chuốc lấy xui xẻo, toán lính sẽ không bao giờ thộp cổ đám đốc công, mà mình lại phạm tội nhiễu loạn việc hậu cần, là tội chém đầu.

Hắn trợn mắt lườm Xuân Thân một cái, rồi co rụt trở về, tự an ủi: bây giờ giết người không có giá, giết người không có ích lợi gì không phải là quá rẻ mạt hay sao, hắn cũng chẳng thèm làm. Đầu xuân sang năm đừng để mình phải bắt gặp nó lần nữa, không nhìn thấy nó thế là mọi việc tự trôi qua.

Có điều, thằng ranh này xem ra mạng cũng lớn. Trần Bì nhìn gã hán tử kia vỗ vỗ sau cổ Xuân Thân, Xuân Thân bèn chạy ra xa, men theo con đê trên sông. Nó chạy đến bên một mạn thuyền, đó là một chiếc thuyền đánh cá nho nhỏ, một người đàn bà ôm nó lên thuyền. Hiển nhiên, cả nhà này là ngư dân kiếm sông ven sông, mùa xuân hạ thu thì lênh đênh trên sông bắt cá, đến mùa đông thì đi kéo thuyền. Cả một nhà chắc hẳn đều sống trên thuyền.

Bây giờ giặc cướp trên sông hoành hành ngang ngược, những người này cũng chỉ có thể bám trụ bên bờ sông, nương nhờ quân đội ở bến đò để bảo vệ mình.

Trần Bì nhìn người đàn bà đang ôm Xuân Thân phía xa xa, hắn mới phát hiện, thì ra đó không phải là mẹ Xuân Thân, mà chắc là chị gái nó. Đó là một cô gái nhỏ chừng 18 tuổi, thân hình thon thả. Con gái Hán Khẩu đa phần chân đều rất dài, quanh năm ngụp lặn trong nước, thiếu nữ 18 toát lên một vẻ mơn mởn đặc trưng. Hiếm thấy là, cô gái này tuy hàng năm dầm mưa dãi nắng trên thuyền, nhưng da dẻ lại rất trắng, hai cánh tay tròn lẳn như ngó sen vậy, thật khiến người ta nhìn mà muốn chặt ra làm gối đầu.

Không kìm được, Trần Bì liền bỏ ý định kiếm việc, kéo bảng hiệu của mình đến gần con thuyền đang neo gần bờ kia, ngồi xuống một gốc cây, nhìn cô gái nọ ra ra vào vào. Trần Bì nhìn chằm chằm cẳng chân nhỏ nhắn của nàng, hai cẳng chân nho nhỏ mà đầy tròn, bước đi trên boong thuyền trông cứ như đang nhảy múa vậy. Trần Bì sờ cổ mình, cảm thấy hết sức lạ lùng, trong lòng có chút phiền não. Cảm giác hơi giống những lần trước khi hắn ra tay giết người, nhưng lại không phải là sát tâm.

Xuân Thân thò lò nước mũi đứng ở đầu thuyền, ngơ ngác nhìn Trần Bì, nó cũng chẳng hề sợ Trần Bì. Cô gái làm việc luôn tay luôn chân, chốc chốc lại phải chùi mũi dãi cho nó. Thường xuyên ra ra vào vào, cuối cùng, cô gái cũng nhìn thấy Trần Bì.

Cô gái dừng công việc dang dở lại, con gái nhà nghèo hiểu chuyện sớm, thấy Trần Bì cứ nhìn chòng chọc vào cổ và ve áo mình, cô mắng, bằng tiếng Hán Khẩu: “Thứ đê tiện. Nhìn cái gì mà nhìn, cha ta về móc mắt mi ra.”

Trần Bì vẫn nhìn chằm chằm, cô gái liền nổi giận: “Nhìn đi nhìn đi, về mà nhìn mẹ nhà mi ấy.” Nói đoạn, cô cầm mái chèo lên hất nước bên mạn thuyền, nước bắn lên tạt vào người Trần Bì.

Trần Bì cuống quít né tránh. Hắn nhìn cái cổ trắng nõn kia, cảm giác nóng nảy trong lòng lại càng tăng thêm bội phần. Hắn đứng dậy, chống lấy bảng hiệu, mặt đối mặt với cô gái kia, nhưng lại không biết làm sao mới phải. Cô gái cũng hùng hùng hổ hổ trợn mắt nhìn hắn. “Nghe thấy không, cút ra khỏi chỗ gần thuyền của ta.”

Trần Bì lạnh lùng nói: “Tôi đang bày sạp mà, thuyền là của cô, nhưng bờ không phải của cô, cô kéo thuyền ra đi, đừng chắn hết cả tầm nhìn ngắm cảnh của tôi.”

Cô gái liền cười: “Tên ăn mày nhà mi bày sạp cái nỗi gì? Ăn mày mà còn bày sạp? Sao chẳng ai thèm mua hàng?”

Trần Bì chỉ vào tấm bảng: “Một trăm xu, giết một người. Là sạp hàng giết người.”

Cô gái lại cầm mái chèo tạt nước, nước bắn tung tóe ướt sũng cả người Trần Bì. Nước sông mùa đông lạnh buốt như băng, Trần Bì run bắn cả lên. “Chờ cha ta về xử lý mi, đúng là bệnh thần kinh.” Nói đoạn, cô kéo Xuân Thân vào trong khoang thuyền, kéo rèm che lại.

Trần Bì phủi nước trên người, vừa bị nước lạnh tạt, cảm giác nóng nảy trong lòng hắn bỗng dịu bớt đi rất nhiều. Hắn nhìn xung quanh, không thấy cô gái kia đâu nữa, lại nghe một tràng cười giễu cợt gần đó. Đám dân kéo thuyền đã xong việc, đang trên đường về nhà, Trần Bì đành phải hậm hực vác bảng hiệu lên.

Trong thuyền, cô gái đang co rúm một góc ở đầu thuyền, nhìn Trần Bì rời đi, mới thở phào nhẹ nhõm. Cũng không khỏi ngó ra nhìn thêm vài lần.

Dưới ánh nắng chiều, Trần Bì cà lơ phất phơ bỏ đi xa. Thật ra, cô gái đã nghe đồn về Trần Bì từ lâu, cha cô dặn, hễ thấy người này thì nhất định phải tránh ra thật xa. Từ hồi mùa hè, cả một dải ven Sa hồ, rất nhiều người đều nói Trần Bì là một kẻ hung ác. Bây giờ xem ra, người này đúng là thần kinh.

Vào thành, Trần Bì toàn thân ướt đẫm nước sông, chẳng muốn bày sạp nữa, hắn bèn kéo lê tấm ván gỗ vào một quầy lỗ chử[1], kiếm mấy tảng đá, rồi đặt tấm ván gỗ kê lên. Hai xu được một bát nước xáo, thêm chút ớt là có thể món canh nóng qua bữa. Nước xáo đỏ lừ, ăn xong, đầu hắn mồ hôi ròng ròng. Hắn húp sạch bách cả bát. Lại thêm một xu nữa để sang nhà tắm bên cạnh, tắm một lần. Còn một xu cuối cùng, để buổi tối đến miếu chơi chọi gà.

Ngâm mình trong nhà tắm, hắn nghĩ đến những chuyện của mình mà buồn rầu. Loại nhà tắm ven sông này toàn dân bốc vác đến tắm, thường kỳ lưng cho nhau. Ở đây có thể cảm nhận được gió từ khắp bốn phía thốc tới. Hắn nhớ đến cô nương nhỏ nhắn trên chiếc thuyền kia, cái cổ trắng nõn ấy, cùng với bắp chân nhỏ như thân rắn. Cảm giác nóng nảy lại nổi lên, hắn đành phải đứng lên, đến gần cái lỗ rách trên vách nhà tắm, hứng gió sông. Bấy giờ mới phát hiện cơ thể mình đã nổi lên phản ứng.

Nhìn ra ngoài qua cái lỗ rách, mặt sông ngoài kia lốm đốm ánh lửa, sương khói mịt mù bên bờ đối diện. Chuyện mà Hỉ Thất nói, biết bao giờ mới ứng nghiệm?

[1] Lỗ chử: một món ăn nổi tiếng ở Bắc Kinh, làm từ dạ dày heo và phổi heo hầm nhừ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.