Lắng Nghe Trong Gió

Quyển 2 - Chương 4




Hôm ấy, lúc ông Thiết gặp tôi, có một người cùng đi, đó là Trưởng phòng Liễu.

Nếu nói Lí là thư kí, giúp ông chạy đây chạy đó, lo trà nước, tiếp khách, xử lí công việc hàng ngày, vậy Liễu là đầu óc, là mưu sĩ, thay ông nhìn mây đoán mưa, bày mưu tính kế. Liễu là thế hệ giải mã đầu tiên do Trung Quốc đào tạo, anh theo dõi việc giải mã của các đơn vị, các phòng ban. Cùng Bộ Ngoại giao dự lễ truy điệu về được một lúc, Liễu đến nhà khách tìm tôi, khách khí gọi tôi là Phó thủ trưởng, khiến tôi rất ngại. Lúc đầu chúng tôi tán gẫu với nhau, nói chuyện một lúc trở thành người thân, nói mãi rồi cũng đến chuyện mật mã, công việc hiện nay của anh sẽ là việc sắp tới của tôi. Lúc nhắc đến mật mã Quang phục số Một, bỗng Liễu hỏi: “Anh Thiên, anh ở Liên Xô lâu, có nghe thấy tên một nhà toán học nào không?”.

Tôi hỏi: “Ai?”.

Anh nói: “Leleva Skin”.

Tôi nói: “Có nghe nói”. Người này ở Liên Xô là một tên tuổi lớn, là một kì nữ, thành tựu toán học rất cao, mà cũng rất kiêu ngạo. Nghe nói, một hôm Staline mời bà ăn cơm, bà từ chối vì bận xem một trận cầu. Tất nhiên về sau bị Staline trù dập, phải lưu vong sang Mĩ.

Liễu hỏi tôi: “Bà ấy sang Mĩ làm gì, anh có biết không?”.

Tôi nói: “Biết, giúp Mĩ soạn thảo mật mã”.

Liễu nói: “Xem ra anh biết rõ bà ấy nhỉ? Bà ấy là bạn học thời sinh viên của ông Androv, thầy dạy anh, quan hệ giữa họ rất thân thiết”.

Tôi nói: “Đúng vậy, thầy Androv thường nhắc đến bà. Anh nên biết, sau ngày sang Mĩ, bà ấy giúp Mĩ thiết kế một bộ mật mã có tên là Khó khăn của thế kỉ, nghe nói đấy là một trong những mật mã khó nhất thế giới, nhưng quân đội Mĩ không dám dùng, vì bà ấy là người Liên Xô”.

Liễu bảo có biết chuyện ấy, anh hỏi tôi: “Anh có biết mật mã ấy về sau ở đâu không?”.

Tôi nói: “Không biết!”.

“Tôi biết”. Nói xong, anh vừa lục tìm tài liệu đưa cho tôi xem, vừa nói: “Hiện tại, nhiệm vụ của chúng ta phá khóa mật mãQuang phục số Một thật ra là mật mã Khó khăn của thế kỉ do chính tay bà L. Skin nghiên cứu lập nên”.

Tôi chưa dám tin.

Nhưng sự thật là thế. Nói như Liễu, người Mĩ không dám dùng, bỏ cũng tiếc, nên họ chuyển cho phía Đài Loan, Quốc Dân Đảng coi nó như bảo bối. Tập tài liệu từ trong tay tôi rơi xuống... Chừng như cơ thể tôi có phản ứng sinh lí, hai mắt tối sầm, chân mềm nhũn, máu trên cơ thể đang chảy ngược... Ngay tối hôm ấy, tôi viết cho ông Thiết một báo cáo, chỉ ra rằng đây là bộ mật mã toán học đỉnh cao, không phải là mật mã toán học thông thường. Theo tôi, với nhân lực của chúng ta hiện tại, khó có thể giải mã nổi. Muốn giải được nó phải điều động người ngoài, mà cũng không phải là người bình thường. Tôi lại đề xuất, tôi không đảm đương nổi nhiệm vụ, đề nghị tổ chức giao việc phá khóa mật mã Quang phục số Một cho người khác.

Chiều hôm sau, Lí bỗng xuất hiện, đi sau anh là ông Thiết. Vừa bước vào phòng, ông Thiết cười, nói với tôi: “Xem ra anh hiểu L. Skin hơn ai hết”.

Tôi nói: “Bà ấy là bạn học của thầy giáo Androv”.

Ông nói: “Bây giờ biết rồi chứ, tại sao tôi yêu cầu anh?”.

Tôi nói: “Nhưng năng lực của tôi không thể đảm đương nổi, tôi không phải là nhà toán học...”.

Ông Thiết ngắt lời tôi: “Anh đã làm được rồi đấy. Anh đề xuất một phương án khả thi chứng tỏ làm được. Nói thật, đã từng có chuyên gia nói với tôi, với lực lượng giải mã hiện tại của chúng ta chắc chắn không thể giải được mật mã này, cho nên tìm người là tối cần thiết. Nói xem nào, anh định điều động ai? Chúng ta là hậu duệ của Tổ Xung Chi[3], nước ta không thiếu các nhà toán học tài giỏi. Có thì phải tìm, tìm và mời về. Anh không mời được, tôi sẽ mời, thì không mời được, tôi tìm người mời về. Tóm lại, không sợ không mời được người tài, chỉ sợ tìm không thấy, không biết tìm”. Nói thật, tôi làm sao tìm nổi? Tôi chỉ là loại chân đất, nửa chừng chuyển ngành, không có lí luận cơ bản, học được nghề ở các bậc sư phụ là nhân viên giải mã, hoàn toàn không hiểu gì về giới toán học trong nước, nếu các nhà toán học xếp hàng trước mặt tôi, tôi cũng không biết chọn ai. Ông Thiết nghe tôi nói, lại phê bình: “Anh có khó khăn nói ra là đúng, nhưng đừng để khó khăn dọa mình. Tôi nghe nói, giới mật mã Mĩ đánh giá cao mật mã này, nhưng chúng ta có điều kiện, bởi L. Skin là người Liên Xô, mật mã bà nghiên cứu không thoát khỏi dấu ấn mật mã của Liên Xô. Những năm gần đây, chúng ta với Liên Xô bất luận là giới mật mã hay giới toán học, nông sâu gì cũng có sự tiếp xúc, có tiếp xúc là có hiểu biết, đó là ưu thế của chúng ta. Thứ nữa, anh đã có một thời gian ở bên cạnh ông Androv là bạn học của bà L. Skin, cho nên, tôi nghĩ, cái khó đối với anh cũng ít hơn, nhưng không thể không có khó khăn, chỉ có điều vượt lên khó khăn, không còn đất lùi. Đấy là điểm thứ nhất tôi muốn nói”.

“Thứ hai, phải hành động ngay, phải chiêu binh mãi mã, đừng để mất thời gian, hãy hành động ngay từ bây giờ. Đầu tiên phải tìm người, tìm được người rồi, phải đưa về ngay 701, bắt tay vào việc, không thể chờ đợi, không thể trì hoãn”.

Điểm thứ ba, ông Thiết đã đặt cho hành động này một biệt danh, ông nói: “Chúng ta phải giải mã mật mã Quang phục số Một, vậy nên gọi hành động của chúng ta là Thiên tự số Một, anh không muốn làm trưởng nhóm cũng được, tôi làm trưởng, anh làm phó. Đấy là nhượng bộ duy nhất đối với anh, nếu anh còn kêu khó, muốn buông gánh, đừng trách tôi không khách khí”.

Đấy là thông điệp cuối cùng.

Tôi không còn lựa chọn nào khác, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Rất may còn có Liễu, anh là sinh viên xuất sắc của khoa toán Đại học Thanh Hoa, làm lâu năm trong ngành giải mã, anh đề cử cho tôi một người để tuyển chọn. Người này tên là Hồ Hải Ba, từ Mĩ về, mấy năm trước được Cục Tình báo Hải quân triệu đi làm công tác giải mã, được tặng danh hiệu Chiến công, chỉ trong một thời gian ngắn, người này đã phá được khóa của mấy bộ mật mã cao cấp, ngoài ra trong giới giải mã cũng còn có một số người tài nữa.

Liễu nói với tôi: “Hải Ba là người tương đối thích hợp, nhưng tôi thấy ít có khả năng triệu mời được anh ấy, trừ phi ông Thiết trực tiếp ra tay”.

Tôi báo cáo lại với ông Thiết, ông Thiết không hề do dự, tự mình đến gặp lãnh đạo Hải quân, yêu cầu được gặp Hải Ba. Hải Ba đang ở Bắc Kinh, ngày hôm sau anh đến. Anh này chừng trên 40 tuổi, mặc bộ quân phục màu xanh của Hải quân, quân hàm thượng tá, đeo kính cận, đầu cạo trọc, nói năng từ tốn, rất nho nhã, trí tuệ. Lúc tôi đến, ông Thiết và Liễu đã nói chuyện với Hải Ba được một lúc, hình như đang động viên anh ấy về đây, nhưng Hải Ba từ chối, Ông Thiết giới thiệu tôi với Hải Ba, tôi nhanh miệng nói dứt khoát với anh: “Thế này nhé, trước hết chúng ta không nói gì đến chuyện điều động, điều anh sang bên này cũng không ít khó khăn, dù anh đồng ý cũng chưa chắc đã được. Chúng tôi mượn tạm anh mấy tháng, việc này sẽ bàn với lãnh đạo bên anh, như thế được không?”.

Hải Ba suy nghĩ rồi rất thành khẩn: “Không phải tôi không đồng ý, nhưng mà... biết nói thế nào nhỉ, mật mã của L. Skin tôi không giải nổi, mật mã của bà ấy thuộc công thức mật mã Liên Xô, tôi chưa hề tiếp xúc, có đến cũng không giúp gì được cho các anh”.

Ông Thiết nói: “Chúng tôi cũng chưa tiếp xúc với mật mã Liên Xô. Quan hệ hai nước đang tốt đẹp, ít nhất là như trước đây, việc gì phải phá khóa mật mã của họ? Hơn nữa, không ai ngờ mật mã của L. Skin cuối cùng lại chuyển sang phía Đài Loan”.

Hải Ba nói: “Đúng vậy, trước kia họ toàn dùng mật mã kiểu Mĩ”.

Ông Thiết nói: “Cho nên, đấy là việc thứ nhất, chưa từng có từ trước tới nay. Bởi vậy hành động của chúng ta được gọi là Thiên tự số một. Nhưng tôi nghĩ, mật mã của thế giới đều có điểm tương đồng, anh đã phá khóa nhiều mật mã, kinh nghiệm và kĩ thuật không ai sánh bằng, chúng tôi mong anh giúp một tay”.

Hải Ba lắc đầu, cười nói: “Thủ trưởng, Thủ trưởng nói không đúng, mật mã trên thế giới không có điểm chung, nhất là mật mã của Liên Xô và Mĩ là hai dạng khác nhau, một bên đào sâu vào cái khó, tức là phức tạp, sâu sắc, hàm lượng kĩ thuật lớn; một bên theo hướng nghi vấn, chủ yếu là bí mật, giành thắng lợi bằng kĩ xảo, có thể nói khác nhau một trời một vực. Một đằng bay lên trời, một bên chui sâu xuống đất, khác biệt rất lớn. Đấy cũng là kết quả của các nhà nghiên cứu mật mã, cần có sự khác biệt, khác biệt càng lớn càng dễ thành công. Sau đấy những người phá khóa giải mã lại có một quy luật bất thành văn, tức là người phá mật mã kiểu Mĩ thường không phá được mật mã kiểu Liên Xô, mà có phá cũng không phá nổi. Một tấc cũng dài, một thước cũng ngắn, con người là thế, anh mạnh về mặt này, nhưng mặt kia lại yếu, mặt này càng mạnh, mặt kia càng yếu. Tình hình của chúng ta hiện nay là, các anh cảm thấy tôi mạnh, nhưng mật mã Quang phục số Một không phải là sở trường của tôi, mà chính là sở đoản. Các anh tìm một nhà toán học nhờ giúp còn tốt hơn tôi”.

Ông Thiết chỉ vào tôi, nói: “Anh này đã tìm khắp nơi, nhưng để một người mới bắt đầu công việc một mình, tôi nghĩ không khả thi, cho nên mời anh cộng tác, có anh cũng là có thêm chỗ dựa, không biết ý anh thế nào”.

Hải Ba nói: “Chỉ cần tìm được người thích hợp thì không thành vấn đề, phá khóa mật mã cũng giống như trai gái nói chuyện yêu đương, không phải tán nhiều là được, quan trọng ở chỗ phải có cảm giác, có duyên, có linh tính”. Hải Ba đề nghị với chúng tôi nếu không có gì trở ngại, nên đến tìm ở các viện nghiên cứu toán học, những năm gần đây có rất nhiều nhà toán học từ nước ngoài về, phần lớn họ làm việc ở đấy. Hải Ba nói: “Tuy không phải nhà toán học nào cũng làm được việc này, nhưng muốn làm được việc này thì phải gắn liền với toán học, ở đấy có nhiều người, có điều kiện để chọn lựa. Tôi có thể cung cấp cho các anh một số thông tin, tài liệu để tuyển chọn, có thể tìm được người đúng yêu cầu”.

Tài liệu ở đơn vị của Hải Ba, ông Thiết bảo tôi đi cùng để lấy về. Lúc chờ xe ở cửa văn phòng, bỗng Hải Ba nhớ đến một người, anh quay lại nói với ông Thiết: “Nếu các anh tìm được người này thì rất phù hợp với yêu cầu công việc của các anh”. Anh giới thiệu, người này trước kia làm việc cho Công ty RAND, nghe nói cô đã từng tham gia phá khóa mật mã của Liên Xô ở Mĩ. Ông Thiết tròn xoe mắt, hỏi Hải Ba có cách nào để tìm thấy người này. Hải Ba nói, mấy năm trước anh đã gặp cô này ở Đại học Quân sự Cáp Nhĩ Tân, còn trẻ, rất xinh đẹp, sau đấy nghe nói cô đa rời khỏi trường, đi đâu anh không biết.

“Cô ấy tên gì?”. Ông Thiết hỏi.

“Tên là Hoàng Tây” Hải Ba nói.

“Có họ có tên, có nơi ở, làm sao không tìm thấy?”. Ông Thiết chỉ thị cho chúng tôi chia nhau đi tìm, một do Liễu phụ trách, một nữa điện cho Đại học Quân sự Cáp Nhĩ Tân tìm người có tên là Hoàng Tây; một nữa do tôi phụ trách đến Viện Toán học xem xét tình hình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.