Lam Y Nữ Hiệp

Chương 37: Huyết thắm phủ vương, cung môn tử chiến Thưởng công đền tội, Mã soái hồi Kinh




Sáng hôm sau, nhận được trát mời đại hội toàn thể chư tướng, Hoàng Bách Thắng lập tức triệu mọi người đến tư dinh ghi thêm vào giấy mời kèm theo lệnh tiễn khoản "Đai nịt gọn ghẽ, võ trang đầy đủ".

Năm tướng và các tay giang hồ đại đạo không hiểu cái chuyện gì cần kíp nguy hiểm, đều vội vàng y lệnh vào dinh Nguyên soái.

Tới nơi, thấy Hoàng Bách Thắng ngồi chờ ngay ở Hổ tướng, kế bên dựng cây bát xà mâu, trang phục đảo giáp thiệt gọn ghẽ, oai phong lẫm liệt. Kế bên là Quân sư Tôn Hoàn.

Nhận thấy nét ngạc nhiên trên nét mặt chư tướng, Hoàng Bách Thắng giải thích ngay :

- Bữa nay, Vương gia triệu đột nhiên triệu đại hội không ở phòng thường trực mà trái lại ở Đại sảnh hậu cung, trái với thường lệ kể từ nhiều năm nay. Đáng lẽ kỳ hội đông đủ này phải triệu tập ngay ngoài công đường. Bởi vậy, bổn soái nghi ngờ có điều chi bất lợi, và bất lợi về phần chúng ta. Ít lâu nay, tánh tình Vương gia, bổn soái nhận xét có phần thay đổi nhiều, không tự chủ cương quyết như xưa. Hình như Người bị ảnh hưởng của một khối ngoại nhân mà kẻ chủ mưu có lẽ không phải ai xa lạ: chính là hai Thế tử và Quận chúa Lan Anh, nếu bổn soái không lầm.

Phàm kẻ có tội khi đã ăn năn thường hay đới tội lập công bán dư đảng mình hòng thoát lỗi. Đó là trường hợp hiện tại trong Vương phủ, và nhân tiện có buổi triệu tập hôm nay, bổn soái mới giãi bày cùng chư tướng và quý vị hảo hán.

Ngoài ra, còn có một vài chi tiết khả nghi mới thâu lượm được tối qua. Do thám tử gặp đoàn xe tứ mã của Vương cung trên đường lên Bắc. Sự kiện này có nghi gì chăng? Bổn soái chưa hiểu rõ nhưng rất có thể là Vương gia cùng ba người con ngấm ngầm hành động chi đây, hành động ấy có lẽ phương hại cho chúng ta.

Trước đây, hầu hết các vị thuộc giới giang hồ phiêu bạt, nghe đồn Kim Lăng chiêu nạp nhân tài võ dũng nên kéo nhau về đầu bôn, kẻ nọ giới thiệu người kia. Chúng ta bao lâu nay đem tài sức ra giúp Người, giờ đây Người không cần tới ta nữa và coi ta như vật hi sanh, liệu ta có chịu như vậy không?

Nhất quyết không! Chư tướng, quý vị hảo hán hãy cùng bổn soái họp lại thành một khối vững chắc bảo vệ lấy quyền lợi chung của chúng ta. Nếu không xảy ra chuyện gì thôi, bằng như có sự phản phúc, chúng ta sẽ chống trả lại mãnh liệt, trước hết chiếm Vương phủ hoạt động khố và tức khắc khởi binh.

Vị nào theo bổn soái, hãy đứng sang bên hữu. Vị nào muốn bỏ đây ra đi đứng sang bên tả. Mấy lời tâm huyết, mong tất cả hiểu cho bổn soái. Ta hành động tức khắc, kẻo hối bất cập.

Hoàng Bách Thắng vừa dứt lời, toàn thể mọi người đều đứng sang bên hữu, đồng thanh :

- Chúng tôi theo Nguyên soái, tùy lệnh người chỉ huy.

- Bổn soái cảm ơn toàn thể, vậy ta hành động ngay.

Họ Hoàng nói riêng với Tôn Hoàn :

- Nếu cần đảo chánh, việc trong Vương phủ này không có gì khó khăn đáng kể. Yêu cầu Tôn huynh tạm về dinh chờ đợi. Trong trường hợp chuyện đáng tiếc không xảy ra, tôi sẽ cho người ra mời vào họp, nếu trái thì việc cần sử dụng tới võ lực không hạp với Tôn huynh, người cứ ở nguyên trong dinh chờ báo tiệp.

Tôn Hoàn ra về.

Hoàng Bách Thắng thắt lại đai kiếm, cầm xà mâu hỏi :

- Chư tướng sẵn sàng chưa? Hãy theo tôi.

Đoàn người hùng dũng đi thẳng vào Vương cung, tiến tới nơi công đường...

Nói về Tôn Hoàn khi trở về tới dinh lên lầu thấy Đường Trại Nhi đang ngồi thảnh thơi nhìn ra lan can. Nàng ngạc nhiên hỏi :

- Sư huynh dự đại hội sao về lẹ vậy?

Tôn Hoàn kể cho nàng nghe hành động của Hoàng Bách Thắng. Trại Nhi biến sắc suy nghĩ. Tôn Hoàn ngồi xuống bên thắc mắc :

- Sư muội nghĩ gì thế?

Trại Nhi lẳng lặng hồi lâu, buông xõng :

- Đại sự hỏng mất rồi!

Tôn Hoàn giật mình :

- Sao lại hỏng được? Căn cứ vào điểm nào?

Trại Nhi thở dài :

- Không khi nào Thuận Vương dại dột đến nỗi chỉ trông cậy vào tài lực của ba người con và một số gia tướng trong Hậu cung mà dám phục kích một lực lượng lớn lao như thế!

Thuận Vương thừa biết tài lực của các tướng lãnh, lẽ nào tin tưởng ở tài sức mấy người con và một số gia tướng trong cung, có khác nào trứng chọi với đá không?

Biết đâu bấy lâu nay, bọn Trấn Quốc, Bảo Quốc, Lan Anh không bí mật liên lạc với một lực lượng nào ngoài sự hiểu biết của chúng ta, mưu tính vụ phục kích hôm nay, nếu có phục kích? Biết đâu lực lượng hậu thuẫn của ba anh em Trấn Quốc không phải là bọn anh hùng nghĩa sĩ đã từng hoạt động trong kỳ kỵ mã hội năm rồi? Nghe đâu như Lan Anh là môn đồ thuộc phái Thiếu Lâm, phải không?

Tôn Hoàn im lìm, tái mặt khẽ gật đầu. Đường Trại Nhi chậm rãi nói tiếp :

- Trước đây, tôi tưởng thành công khi Hoàng Bách Thắng và các tướng lãnh đứng trong địa vị chủ động, nghĩa là tự ý lật hay áp bức Thuận Vương phải theo lực lượng Kim Lăng xuất quân. Trái lại, giờ đây quyền chủ động không ở họ Hoàng nữa. Y cảm thấy bị thụ động, ở vào trường hợp nguy hiểm, nên mới hô hào chư tướng võ trang, quyết liệt tranh đấu buổi hôm nay.

Tôn Hoàn ngắt lời :

- Hay là để ngu huynh...

Nhưng Đường Trại Nhi đã xua tay :

- Làm gì cũng trễ cả rồi! Cha con Thuận Vương triệu tập đại hội nguy hiểm tới mực độ này, tức là đã sửa soạn hoàn toàn mới quyết liệt hành động. Tôi không trách ở sư huynh hay riêng một ai thấp trí, vì tất cả chúng ta đều thấp trí thua mưu, đã bỏ phí không biết bao nhiêu cơ hội thuận tiện có lợi cho chúng ta. Vừa rồi sư huynh định triệu một số binh tướng trong trại quân của Vương phủ tiếp tay cho mọi người chớ gì? Sư huynh quên vụ Kỵ mã hội rồi chăng? Cả một thao trường, quân tướng đầy đủ, sẵn sang mà bọn anh hùng nghĩa sĩ đối lập kia đã chống trả lại như thế nào? Và họ cũng vẫn thành công thoát khỏi trùng vi như thường!

Tôn Hoàn phản đối :

- Nhưng ta bị bất ngờ, vả lại khinh thường không dung toàn lực áp đánh. Vì sao được với bây giờ ngu huynh huy động toàn lực binh đội bao vây Vương phủ?

Trại Nhi cười lạt :

- Tăm tối như chúng ta, thất bại là phải! Sư huynh còn tin tưởng ở các nơi phủ môn hiện không có người của đối phương cải trang canh phòng sao? Người nào ra khỏi phủ sẽ bị bắt hết! Sư huynh hãy cố tin ở dự tính của tôi. Giờ đây không còn cách chi bằng sư huynh và tôi liệu đường cải trang trà trộn thế nào đào tẩu ngay ra khỏi Vương phủ mới kịp. Không còn chút hi vọng nào đâu. Từ nãy đến giờ, Hoàng Bách Thắng không cho người ra thỉnh sư huynh tức là có chuyện không hay rồi. Lẹ lên kẻo chẳng ra thoát khỏi dinh. Có đường ngầm hay cửa bí mật nào không? Việc này sư huynh hiểu biết hơn tôi.

Tôn Hoàn nói ngay :

- Có cửa bí mật ở ngay thành tường Vương phủ do Hoàng Bách Thắng dự báo từ lâu, nhưng phải sang ngay dinh của y. Sư muội biết dinh họ Hoàng có một con đường nhỏ ăn thông ra tận mé tường Vương phủ chớ gì?

Trại Nhi gắt :

- Tôi qua đó bao giờ mà biết? Sửa soạn mau!

Hai người vùng đứng lên vào phòng thay đổi y phục, thu xếp tiền bạc đeo vào một bọc lẩn ra cổng hậu, đi vòng vèo sang dinh họ Hoàng, lẩn ra lối sau mở cửa tiến vào một con đường gạch xây kín tối mờ mờ đi hồi lâu mới cuối đường bít kín.

Tôn Hoàn nói :

- Đây là tường thành Vương phủ, phía ngoài có khoảng đất trống ăn tới một phố nhỏ. May ra thoát.

Họ Tôn vận động cơ quan, rút mạnh vòng sắt ở chân tường.

Trại Nhi không thấy cửa mở, nóng ruột :

- Sao chẳng thấy chuyển động cả gì thế này?

- Rút then chốt ở dưới rồi, bây giờ chỉ khẽ đẩy vào khuôn cửa đá này là mở được.

Miệng nói, tay làm, quả nhiên cửa đá chuyển, mở ra phía ngoài.

Tôn Hoàn ló đầu nhìn ra thấy khu đất vắng tanh liền kéo tay Trại Nhi, kéo sụp mão xuống tận trán, thản nhiên đi thẳng ra phố nhỏ như cặp vợ chồng thường nhân vậy.

Trại Nhi nói :

- Không nên đi ngoài đường lộ liễu quá. Kia có tửu quán nhỏ, ta vào đó sai tiểu nhị đi gọi xe ngựa ra khỏi thành đi Tô Châu ngay bây giờ...

Chư tướng theo Hoàng Bách Thắng vào tới công đường hỏi quân hầu :

- Vương gia đã ra đại sảnh chưa?

- Con không rõ, mời Nguyên soái vào.

Chờ mọi người vào khỏi công đường, tên quân canh vừa rồi vội vàng chạy theo lối khác vào Hậu cung báo với Thế tử Trấn Quốc :

- Thưa Thế tử, họ qua công đường rồi, người nào cũng vận đoản giáp, võ trang thiệt đầy đủ.

- Vậy hả? Cho người lui.

Tức khắc Trấn Quốc vào căn phòng kế bên có các anh hùng hiệp sĩ và một phần cung thủ đang nấp, nói cho Chu Đức Kiệt và Lam Y biết.

Không do dự, Chu Đức Kiệt nói ngay :

- Nếu thế, chúng nghi ngờ rồi. Cuộc cung thủ phục kích chắc bất thành. Chi bằng đại ca và Bảo Quốc tiếp chúng, trong khi anh em tôi vượt qua nóc điện xuống trước công đường chặn lối ra của chúng, bắt buộc chúng phải kéo lùi thẳng vào hoa viên, chiến đấu ở đó rộng rãi tiện hơn. Không chờ Trần Quốc trả lời, Đức Kiệt nhờ Lan Anh hướng dẫn lối vượt lên nóc điện ra ngoài công đường.

Nói về bọn Hoàng Bách Thắng qua công đường, theo mấy dãy hành lang kín mái vào tới gần đại sảnh, Bách Thắng đưa cây xà mâu cho Triệu Đại Bằng cầm hộ mà rằng :

- Các vị hãy đứng lại đây, tôi vào cửa đại sảnh xem sao.

Dứt lời, họ Hoàng thong thả tiến tới thì cũng vừa lúc Chu Trấn Quốc đi đến đầu bên kia. Thấy Thế tử không võ trang, Hoàng Bách Thắng hơi an tâm, nghĩ thầm có lẽ mình nghi ngờ quá đáng chăng. Trấn Quốc thản nhiên vái chào :

- Kìa, Nguyên soái đã tới, xin mời vào sảnh, Quân sư và Chư tướng đâu?

Họ Hoàng chào lại :

- Mọi người chờ cả ngoài kia. Vương gia đâu chưa thấy ngự trước.

- Phụ vương tôi bắt chợt mắc chút việc bận nhưng cũng sắp ra đó. Mời Nguyên soái và chư tướng vào đại sảnh chờ một lát.

Bách Thắng cười gằn :

- Quân sư và Chư tướng là những người có lễ độ lẽ nào nhập sảnh họp trước Vương gia? Chúng tôi chờ chừng nào Người tới sẽ vô theo.

Trấn Quốc thản nhiên cười theo :

- Việc đó tùy ý Nguyên soái, tôi đâu dám ép. Chẳng hay Nguyên soái đi đâu về mà mặc cả đoàn giáp tới phiên họp?

- Trong nhiều năm nay, nhờ ơn Vương gia, tôi được hưởng cuộc đời an lạc, không bao giờ dùng tới mấy thứ này. Bữa nay trở ra mặc thử thấy còn vừa vặn y nguyên, mới biết rằng thân thể chưa đến nỗi bì trệ nên mặc luôn vô đây cho thêm phần trịnh trọng oai nghiêm trong buổi đại hội đặc biệt bất thường.

- Tướng quân trở giáp là điềm chinh chiến sắp tới nơi.

- Chúng ta há không phải là những người chủ chiến đó ư? Kìa, nhưng tôi lấy làm lạ sao Vương gia bữa nay trì trễ nhiều vậy?

Lượng đoán các anh hùng hiệp sĩ đã đủ thì giờ xuống công đường, Trấn Quốc thừa dịp Bách Thắng vừa hỏi, rút lui :

- Để tôi trở vào xem sao.

Dứt lời, chàng quay ngoắt lẹ bước vào hậu cung.

Bách Thắng nhìn quanh, khó chịu vì bầu không khí nặng nề quá an tĩnh chốn thâm cung, toan đi trở ra thì đã thấy chư tướng kéo rốc vào.

Triệu Đại Bằng liệng cây xà mâu cho Hoàng Bách Thắng bắt, la lớn :

- Hữu biến rồi! Bảo Quốc, Lan Anh cùng bọn người lạ chắn đường ra đang từ công đường tiến vào đây!

Hoàng Bách Thắng trợn mắt nhìn quanh :

- Anh em theo tôi ra ngã này, nơi đây chật khó dụng võ. Lẹ lên kẻo chúng chặn đầu kia.

Bách Thắng hoa mâu rảo bước, chư tướng chạy theo, người nào cũng mắt trước, mắt sau phòng ngừa.

Giữa lúc ấy, toán anh hùng nghĩa sĩ cũng vừa ập đới đuổi dồn. Bọn tặc tướng do Bách Thắng dẫn đầu chạy xuyên dọc dãy hành lang tới đầu nội điện thoát ra hoa viên rộng rãi. Ngay giữa hoa viên, Chu Trấn Quốc cầm ngang ngọn ngân thương chờ, mỉm cười.

Bách Thắng quát :

- Thế ra đại hội là một trận phục kích phản phúc hèn hạ, nhưng các người lầm! Chúng ta đã sẵn sàng. Uổng công ta đã giới thiệu anh em người lên La Phù sơn.

Miệng quát, họ Hoàng đưa mắt quan sát các bụm cây quanh đấy xem có phục binh hay không, Chư tướng chạy dàn rộng ra khắp xung quanh.

Trấn Quốc mắng lại :

- Hoàng Bách Thắng! Tự vấn xem ai phản phúc? Diện đối diện chiến đấu đàng hoàng. Ta không phục binh hoa viên đâu mà lo!

Bách Thắng vẫy tay dàn trận thành hàng chữ Nhất thì vừa lúc các anh hùng hiệp sĩ cố ý chậm bước ra tới nơi nhìn khí giới đối phương, lựa địch thủ đã chỉ định phần mình đứng đối diện cách nhau chừng hai mươi bước. Bọn Hoàng Bách Thắng nhận ra nhiều nét mặt quen thuộc chuyến trước ở Kỵ mã hội, biết ngay là gặp toàn tay kình địch ghê gớm.

Chu Đức Kiệt hất hàm hỏi :

- Bọn ngươi nhận được người quen hả? Ta cũng nhận ra mấy tên mất ngù mão năm ngoái và bọn thoát chết ở Xích Hoa viện, Hắc điếm Sơn Phu.

Chỉ ba anh em họ Mã và hai người họ Hà, Đức Kiệt nói tiếp :

- Các ngươi đừng tiếc không kịp khởi binh tạo phản, nghe? Năm vị anh hùng đây là con Mã nguyên soái và Hà tổng trấn, vậy binh tinh nhuệ triều đình đã vây chặt Kim Lăng, bọn ngươi không hòng thoát nổi thành môn đâu. Còn đây là Lam Y nữ hiệp, một người mà các ngươi đã từng nghe danh từ hai năm nay tại đất Giang Nam. Biết điều bỏ giáo lai hàng ngay, may ra cứu được tội rụng thủ cấp!

Hoàng Bách Thắng hầm hầm nổi giận đưa tay về phía hàng ngũ của mình, quát :

- Ngươi thử trông xem chúng ta có phải hạng người biết sợ không? Đã gặp nhau đây, ta thử nữa một phen! Còn ngươi là ai mà dám đối diện ta? Phi Thiên Hổ Hoàng Bách Thắng này không thèm hạ kẻ vô danh!

Chu Đức Kiệt mỉm cười :

- Sơn Đông Đơn Đao Chu Đức Kiệt đã đưa hồn sư thúc Phi Không của ngươi về địa ngục là ta. Cho ngươi tùy ý lựa đối thủ.

Bách Thắng cười ha hả :

- Được lắm! Ta đang muốn gặp ngươi và Lam Y xem Đao pháp gia truyền họ Chu thế nào. Đã mang danh anh hùng, ta nên xử sự cho đàng hoàng. Người muốn hổn đấu hay đấu từng người một?

- Thế nào chúng ta cũng theo được. Đơn chiến hay kép chiến ta đâu có ngán? Nếu là bọn ngươi thì ta hỗn chiến may ra nhờ xáo trộn mới có đường tẩu thoát!

Quay lại hàng ngũ của mình, Hoàng Bách Thắng hỏi :

- Anh em muốn hỗn chiến hay đơn chiến?

Đồng loạt hô :

- Đơn chiến sợ chi!

Hầu Văn Bảo nóng ruột không chịu được, xách song phủ chạy ra trước hô lớn :

- Đánh đi cho rồi! Tụi bây ai muốn thử song phủ Bạt Sơn Hổ Hầu Văn Bảo?

Mã Thành Báo vát đại phủ ngăn lại :

- Có đệ nhị công tử Mã nguyên nhung trướng hạ Hoa Ban Báo đây.

Hàng ngũ đôi bên cùng lùi lại nhiều bước nhường chỗ cho hai dũng tướng cùng lực lượng mặt sắc đen sì, râu quai nón tua tủa, dữ dội như hung thần giáp chiến.

Một bên, Hầu Văn Bảo mặc đồng phục ngũ hổ đen tuyền.

Một bên, Mã Thành Báo vận võ phục áo đen loáng chấm đỏ như bộ da báo hoa, ngực phanh ra nở nang lông lá xồm xoàm, hai tay xắn cao lộ cánh tay chắc nịch bắp thịt nổi lên như thừng cháo, quần đen tuyền, chân giận võ hài da báo.

Hai thanh niên võ tướng lừ lừ nhìn nhau như muốn dò lực lượng đối thủ qua hai luồng mắt sáng quắc nẩy lửa, xa trông như hai pho tượng đồng.

Bỗng thét lớn một tiếng vang động cả hoa viên, Hầu Văn Bảo nhảy vụt tới lia lưỡi phủ tay tả vào ngang hông địch thủ, đồng thời ngọn phũ bên hữu hạ như chớp nhoáng xuống vai họ Mã. Đó là thế Song Phủ Đồng Khoa rất lợi hại.

Bộ tấn vững như chôn xuống đất, Mã Thành Báo hoa đại phủ quay tròn đi một vòng gạt văng song phủ địch sang một bên.

Hai tiếng "Chát! Chát!" vang lên ghê rợn, cả hai tướng cùng khen thầm nhau dũng mãnh. Vừa gạt xong đòn địch, Mã Thành Báo đánh theo luôn một thế Di Sơn Đảo Hải nhằm cổ địch lia đại phủ tới cực kỳ dữ dội. Muốn tỏ sức mạnh, Hầu Văn Bảo không né tránh đưa luôn song phũ lên gạt. Chém mạnh mà gạt cũng mạnh, hai tướng cùng đảo cả người sang hai bên, khí giới va vào nhau chát chúa, nảy lửa. Nhưng cả hai lại sáp chiến luôn. Ba ngọn phủ xoắn lấy nhau, công phá dồn rập, chém toàn đòn chí mạng, hai đấu thủ chỉ sơ hở chân tơ kẽ tóc là đủ mạng vong ngay. Kỳ phùng địch thủ, tướng ngộ lương tài, không ai chịu nhường ai, trận đấu thấm thoắt đã ngoài trăm hiệp. Hai bên thay phiên nhau tấn công, Hầu Thiên Bảo thừa thế chém luôn năm bảy nhát ào ào như gió khiến đối thủ phải hồi bộ theo đà tấn công của họ Hầu. Nhưng rồi Mã Thành Báo lại phản công ngay dùng đốc phủ thúc vào mặt vào ngực, lia phủ ngang dầu, ngang hông. Hầu Văn Bảo bị dồn hẳn vào một góc, gần cây cổ thụ cao bằng đầu người. Hầu Văn Bảo vội vàng nhảy lộn bật người qua ngọn cây đo ra phía sau. Mã Thành Báo hét lớn chém theo một đại phủ Thiết Hoàn Tử, hụt người nhưng cây đó bị lưỡi phủ tiện làm đôi.

Hầu Văn Bảo cười sằng sặc :

- Ủa! Cái cây này làm sao mà mi chém? Coi này!

Tức thì, họ Hầu chồm tới hoa song phủ tấn công tới tấp.

Mã Thành Báo lùi bước vừa đỡ vừa nói:

Cây đó thế mạng cho mi đó! Sẽ đến lượt mi!

Họ Mã lùi một chập đến trên mười thước tới một gốc cây hòe lớn. Mừng quá, Hầu Văn Bảo quyết hạ độc thủ, liền nhằm ngực đối phương phóng luôn một phủ bên hữu. Lằn phủ xẹt ra như chớp, Mã Thành Báo né vội sang một bên. Ngọn phủ phóng trượt cắm nhập vào cây hòa. Lá vàng bị động rụng lác đác. Thành Báo la :

- A ha! Mất một phủ rồi con ơi! Trúng sao được?...

Chắc chắn hạ địch thủ với lối phóng lợi hại đó, chẳng dè hụt, Hầu Văn Bảo tái mặt, chuyển cây phủ còn lại sang tay hữu. Thừa dịp ấy, Mã Thành Báo nhào tới hạ phủ đánh liên miên, đòn nào cũng chí tử. Mất chiếc phủ, sức chống đỡ và tấn công của họ Hầu kém hẳn gần phân nửa. Y cố lùi bước vòng ra chỗ cây hòe để thâu lại khí giới.

Thành Báo biết ý cản đường. Dịp này không hạ địch còn chờ dịp nào nữa? Chàng dùng toàn lực áp đảo họ Hầu tơi bời. Cây đại phủ hoa lên vùn vụt như gió dạt mưa rào áp đảo đối phương.

Đứng ngoài, Hoàng Bách Thắng lo ngại, biết Hầu Văn Bảo lâm nguy, muốn tiếp tay nhưng không được vì đã nhận lời đơn chiến, không lẽ vừa mới đánh mà đã nuốt lời! Bách Thắng liền hất hàm về phía cây hòe nháy mắt Triệu Đại Bằng đứng bên mình. Đại Bằng biết ý chạy vòng qua nơi hai đấu thủ đến cây hòe rút chiếc phủ của Hầu Văn Bảo ra, định ý tiếp tay họ Hầu bằng cách liệng cây phủ trả y. Nhưng bên phía trận các anh hùng hào kiệt, một người đã đặc biệt chú ý đến các hành động của Triệu Đại Bằng. Người đó là Mã Thành Hổ có nhiệm vụ đấu với cây giáo ba mũi.

Khi họ Triệu rời hàng ngũ chạy ra phía cây hòe, Mã Thành Hổ biết ngay ý định của y, chờ cho Đại Bằng rút cầm hẳn ngọn đoạn phủ trong tay, mới rời hàng ngũ của mình chặn đường quát :

- Bỏ cây phủ đó lại. Đã hứa đơn chiến sao còn tiếp tay?

Đại Bằng quắc mắt như con diều hâu :

- Bộ ngươi muốn cấm ta trả khí giới cho y sao?

Mã Thành Hổ cười gằn, cầm ngang cổ giáo sắt :

- Như vậy là phạm luật đơn chiến. Họ Hầu đã có tài phóng phủ hại người, tự y phải thâu phủ giữ mình. Hành động của ngươi là tiếp tay. Ta phản đối.

- Phép đơn chiến không cấm tiếp khí giới. Ta cứ trả họ Hầu cây phủ này!

- Nhưng ta không cho ngươi trả.

- Ngươi tên chi?

- Ngọc Diện Hổ Mã gia trưởng tử Thành Hổ.

- A! Trưởng huynh của Thành Báo? Hèn nào!

- Hèn nào sao?

- Hèn nào ngươi không muốn ta trả ngọn phủ cho địch thủ lợi hại của em ngươi.

Mã Thành Hổ cười gằn :

- Dù em ta rớt cây đại phủ ta cũng mặc. Y phải tự lực chiến đấu. Ngươi tên chi?

- Quá Sơn Hổ Triệu Đại Bằng.

- Dứt lời họ Triệu xách đoản phủ chạy về bổn trận, nhưng Mã Thành Hổ chặn đường quát :

- Bỏ ngọn phủ lại. Nếu không mi sẽ có chuyện với ta!

- Bộ ngươi làm chi nổi?

- Đi thử mà coi.

Triệu Đại Bằng cứng cổ tiếp tục quay về trận mình, nhưng Mã Thành Hổ đã quật luôn một cán giáo vào mặt y. Họ Triệu vội liệng cây phủ xuống đất, hai tay cầm đao ba mũi gạt mạnh. Thành Hổ thừa dịp bồi luôn mấy ngọn giáo sắt nữa buộc Đại Bằng rời khỏi chỗ có ngọn đoản phủ. Dùng chân hất món khí đó về mặt trận mình, Mã Thành Hổ chống giáo, nhảy ra khỏi vòng chiến quát :

- Đại Bằng! Ngươi muốn đấu cùng ta, lát nữa sẽ được như ý.

Họ Triệu toan theo tiếp đấu nhưng Thành Hổ đã chạy về bổn trận. Chàng lượm ngọn phủ liệng ra thật xa ra phía sau hàng ngũ mình.

Nói về Hầu Văn Bảo khi thấy đồng bọn chạy ra rút ngọn phủ ở cây hòe thì khắp khỏi mừng, chẳng dè bị Mã Thành Hổ đâm ngang cản lại. Hầu Văn Bảo cố ý lùi về phía Triệu Đại Bằng những mong họ Triệu tiếp tay tung trả lại cây đoản phủ. Mã Thành Báo biết vậy đánh ráo riết chặn ngang thành thử Hầu Văn Bảo hết hy vọng luống cuống bị dồn ra xa.

Xưa nay chuyện đánh song phủ mà mất một chiếc thì chẳng khác chi kẻ bị cụt một tay. Sở dĩ hồi nãy, Hầu Văn Bảo dám táo bạo liệng phủ định hạ ngay đối thủ vì y cậy tài phóng búa bách phát bách trúng, đang lúc đối phương bị dồn vào gốc hòe, không trổ ngón độc đó kết thúc trận đấu còn chờ gì nữa?

Dè đâu, Mã Thành Báo lanh lẹ, tinh mắt tránh nổi ngọn búa phóng nguy hiểm đó, chàng biết cách khai thác thế trận hãm họ Hầu vào vòng nguy nan.

Về phía Hầu Văn Bảo không dám gạt đỡ những thế đại phủ nặng như Thái Sơn của đối phương như lúc hai tay còn đủ song phủ cân đối. Y nhảy ngang, nhảy dọc tránh hết thảy các thế búa mạnh mẽ của họ Mã. Cũng vì thế, y tốn sức rất nhiều. Tuy vậy y vẫn tính toán sử dụng tài phóng cây đoản phủ. Chuyến này thắng thì đã đành là thắng trận, trái lại, nếu hụt hay đối phương né kịp, thì phải chạy ngay may ra mới thoát chết.

Như đoán được ý định của Hầu Văn Bảo, Mã Thành Báo bèn nghĩ ra một kế.

Chàng hạ luôn mấy thêm đại phủ thiệt mạnh rồi vờ trượt chân loạng choạng hớ hênh, cầm dọc cán phải, hở ngực và bụng. Hầu Văn Bảo cả mừng, đứng sững lại nghiến răng dung toàn lực phóng luôn ngọn phủ thứ hai nhằm ngực đối thủ. Thứ khí giới nặng nề đó xẹt thẳng vào ngực Mã Thành Báo. Cả hai chiến tuyến cùng hồi hộp.

Chát!... Lẹ như cắt, Mã Thành Báo hoa cây đại phủ gạt văng đoản phủ lên không trung rớt về mặt trận nhà.

Hầu Văn Bảo co chân chạy. Không kịp, Mã Thành Báo phi thân tới ngay sau lưng lao thẳng ngọn đại phủ trúng giữa lưng địch thủ. Hầu Văn Bảo chỉ kịp kêu dội lên một tiếng cực kỳ ai oán, xương sống bị lưỡi phủ nặng nề sả làm đôi, hồn phiêu diêu nơi thế giới âm u... Thâu cây đại phủ lại, Mã Thành Báo chùi vấy máu ở lưỡi phủ vào áo thây ma rồi trở về bản trận.

Cái chết của Hầu Văn Bảo làm xúc động hàng ngũ tặc đảng không ít. Triệu Đại Bằng thương bạn gầm lên như sấm vang, vác đao ba mũi nhảy xô ra đánh Mã Thành Báo :

- Hầu hiền đệ có linh thiêng hãy coi ta lấy đầu tên này!...

Mã Thành Báo toan đưa đại phủ gạt thì Mã Thành Hổ đã kịp múa giáo sắt hất ngược cây đao ba mũi trở lại :

- Triệu Đại Bằng! Ngươi phải đấu với ta!

Quy cả trách nhiệm về cái chết của Hầu Văn Bảo lên đầu Mã Thành Hổ, Triệu Đại Bằng nộ khí xung thiên :

- Vì ngươi tiểu tâm không trả lại cho bạn ta cây đoản phủ nên y mới bị hại. Hãy coi ta phục thù.

Đại Bằng lia luôn một đao vào ngang sườn đối thủ, Thành Hổ biết lợi hại xoạc hai tay cầm chắc cán giáo, cản lưỡi đao địch lại, đồng thời tiện tay chọc luôn mũi giáo vào mặt họ Triệu theo thế Lý Ngư Ngộ Thủy. Triệu Đại Bằng trổ tài đưa đốc đao gạt băng giáo địch sang bên, rồi xử thế Giao Long Xuất Hải chém ngược đao ba mũi từ dưới lên trên lợi hại, những tưởng xã luôn địch thủ ra làm hai mảnh. Đảo bộ sang tả, Mã Thành Hổ đưa đầu giáo sắt chặn lưỡi đao đó lại và ghì chặt ấn mạnh xuống. Triệu Đại Bằng cố hất ngược đao lên. Hai bến cùng gắng thi sức, không ai chịu nhường ai. Hai cặp chân vững chãi xoay tròn. Cổ phồng, cầm bạnh ra, bắp thịt vai nổi lên cuồn cuộn căn cả vai áo cơ hồ muốn rách toang.

Hai tướng vận dụng toàn lực, bên ấn mạnh giáo xuống, một bên cố hất đao lên. Hai thứ võ khí toàn thép bỗng tượt chệch sang bên, khiến cả hai đối thủ cùng đao đi mỗi người một ngã. Nhưng họ lấy thăng bằng, quay lại xáp chiến ngay dữ dội.

Trong khi ấy thì hàng ngũ bên Hoàng Bách Thắng, hai người Dư Đông Bích và Tống Võ Cường chạy ra khiêng xác Hầu Văn Bảo vào đặt nằm dưới một bóng cây đại thọ.

Thanh đao ba mũi của họ Triệu như đại bàng vũ cánh chém ngang, tạt dọc loang loáng như chớp giật mưa rào. Ngọn giáo của Thành Hổ đâm đông, thích tây huyền ảo, lẹ làng tựa mãng xà nhập động. Hai món khí giới va vào nhau chan chát, hai tướng tài sức đồng đều, quay tròn lấy nhau hỗn đấu bất phân thắng phụ.

Bỗng trong một hiệp mà hai bên cùng áp dụng thế công, hai món binh khí va vào nhau quá mạnh đến nỗi buột khỏi tay đấu thủ văng ra ngoài vòng chiến đến hơn một trượng nằm song song trên bờ cỏ gần chỗ Mã Thành Hổ đứng hơn, Mã Thành Hổ chồm tới trước dẫm chặt lấy thanh đao và ngọn giáo. Trễ mất một bước, Triệu Đại Bằng cố liều cúi xuống định rút đao ra nhưng Mã Thành Hổ đã nhằm mặt y tống luôn một Thôi Sơn Thủ.

Họ Triệu vội nhảy lùi lại tránh đòn, thì Thành Hổ đã đưa thừa dịp ấy cầm ngọn giáo sắt lên, lăm lăm chĩa vào phía địch thủ. Đại Bằng lùi luôn ra xa tay không thủ thế.

Mã Thành Hổ cười khanh khách :

- Vào đây mà lấy đao!

Họ Triệu đứng y nguyên thủ thế Thạch Mã Trụ, tay hữu xòe Cương Đao đưa ra phía trước, tay tả nắm lại co vào bên sườn, chân đứng "Chảo Mã Tấn", tả "Mã sinh", hữu "Mã tử".

- Người nhào tới đây đi, ta coi?

Nổi nóng vì thái độ khinh thường của đối phương. Mã Thành Hổ nhảy tới tạt luôn một cán giáo vào mặt y. Đại Bằng cúi xuống né khỏi, nhưng ngọn giáo sắt tạt chéo lên bắt buộc y phải hồi bộ ra xa nữa. Mã Thành Hổ cười vang, giơ cây giáo lên khỏi vai nhằm ngực địch thủ như muốn phóng. Triệu Đại Bằng tưởng thật vội nhảy chéo xa nữa ra phía sau. Nhưng Mã Thành Hổ đã hạ giáo xuống, quay ngoắt về chỗ cũ nhặt thanh đao lên, lao cắm phập xuống mặt đất cách nơi chàng đứng non hai trượng :

- Ta trả đao đó, lấy đi và đấu nữa. Lúc nãy, Hầu Văn Bảo vì thiếu cây phủ mà thí mạng, trái lại, ngươi thiệt mạng vì có cây đao này.

Nói đoạn, chàng chống giáo đứng chờ tỏ ra mình quân tử không thèm đánh bất ngờ :

- Vào lấy đao ngay! Ngọc Diện Hổ này không ưa đánh kẻ cùng đường.

Triệu Đại Bằng chạy tới rút phắt cây đao ba mũi lên :

- Ta nợ ngươi lần này, chuyến sau sẽ trả.

Mã Thành Hổ nói khẩy :

- Chết đến nơi rồi, còn trả với không trả nổi gì! Đánh đi!

Tức thì, hai tướng lại áp vào đánh nhau dữ dội hơn trước.

Đấu một chập trên bảy mươi hiệp nữa, Mã Thành Hổ thở dốc, ra chiều mệt mỏi lùi dần.

Triệu Đại Bằng mừng rỡ đuổi theo đánh ráo riết. Thành Hổ gạt đỡ loạng loạng lùi đến chỗ có mấy viên đá lớn bày bên khóm phong lan, bỗng vấp phải đá ngã ụp mặt ra phía sau. Đại Bằng xô vội tới dơ đao nhằm lưng địch thủ đâm xuống, nhưng Mã Thành Hổ trá mệt, chỉ chờ có thế, trong khi mũi đao còn ở trên cao chưa kịp hạ xuống thì chàng đã lăn nghiêng đi nửa vòng, đâm ngược mũi giáo trúng bụng họ Triệu. Triệu Đại Bằng thét lớn lùi lại ba bước, ruột lòng thòng theo mũi giáo vừa rút buột ra ngoài giơ tay hữu vận dụng hết tàn lực lao cây đao ba mũi vào ngực Thành Hổ.

Lúc đó họ Mã chưa kịp trỗi dậy, mãi nhìn bụng địch thủ và cũng không ngờ đối phương còn đủ lực đánh liều đòn cuối cùng ấy, tới lúc thất kịp thì chỉ còn đủ thì giờ nghiêng người đi, lưỡi đao cắm phập vào bả vai. Buông tay giáo, Thành Hổ đỡ lấy cán đao rút ra, đứng hẳn dậy. Vừa khi ấy, Triệu Đại Bằng loạng choạng, đau đớn, hai tay ôm đống ruột lòng thòng, huyết từ vết thương phun ra như suối, té lăn ra mặt cỏ, nấc lên mấy tiếng, trút linh hồn.

Thế là hết đời Quá Sơn Hổ. Tiếc thay! Anh hùng dọc ngang hồ hải, chỉ vì không biết noi theo chánh đạo nên táng mạng vô ích.

Phía hàng ngũ bên kia, Hoàng Bách Thắng và Tống Võ Cường vội chạy tới chỗ Mã Thành Hổ còn đứng nhìn Triệu Đại Bằng.

Thấy vậy, Chu Đức Kiệt và Mã Thành Báo cũng vội vàng phóng mình chạy tới, tưởng hai địch tướng muốn đánh Thành Hổ báo thù.

Nhưng không, Hoàng, Tống hai người thấy họ Triệu đã tắt thở chỉ quắc mắt căm thù nhìn Mã Thành Hổ rồi khiêng tử thi về để song song với xác Hầu Văn Bảo.

Thành Hổ cắm cây đao ba mũi xuống đất, lượm lấy ngọn giáo sắt, vai tả máu chảy dầm dề, bảo hai người :

- Không sao đâu, nhưng cần buộc thuốc cầm máu.

Chu Đức Kiệt nói :

- Tôi có sẵn thuốc đây. Hãy trở về hàng ngũ đã.

Ba người về tới mặt trận nhà, thì Chu Bảo Quốc và Trấn Quốc đã lấy sẵn vải thuốc và nước, rạch áo Thành Hổ ra chùi vết thương rắc thuốc và buộc lại cẩn thận.

Bị mất liền một lúc hai tướng tài, Hoàng Bách Thắng vừa lo vừa giận, chưa biết tính đường nào thì phía trận bên kia, một tướng dong dỏng ốm nhom, mặt vàng khè, tóc vàng như râu ngô búi ngược, vận võ bào, lưng đeo lá đáp, chân vận ủng da, tay cầm cặp thiết chùy Tòng cát lớn, nhảy ra trước trận, quát :

- Tiên Phong Trại Nguyên Khánh đâu? Hãy ra đây cùng ta giao đấu ba trăm hiệp!

Phía trận địch nhận ra người lợi hại đã thắng giải xe tứ mã ở kỵ mã hội đầu năm ngoái.

Còn căm thù vì mấy chuyến trước, Điêu Thiên Phượng vốn đã muốn cùng viên tướng đó so tài thử lửa lần nữa, nghe gọi đích danh bèn xách cặp bát giác đồng chùy nhảy vọt ra trước trận :

- Trại Nguyên Khánh Điêu Thiên Phượng đây! Ngươi là ai?

- Tứ Xuyên, Thành Đô tổng trấn đệ nhị công tử Trại Nguyên Bá Hà Thiên Khánh đây. Nếm mấy thiết chùy năm ngoái còn chưa biết sợ sao?

Điêu Thiên Phượng quát :

- Năm ngoái nhờ kế nghi binh, ngươi thừa dịp nhá nhem tối trốn thoát, nay thử nữa coi!

Trên mặt trận, một tướng lực lưỡng như hộ pháp hùng dũng oai phong, một dong dỏng gầy guộc, lanh lẹ như một con hầu lòng vàng.

Cặp bát đồng chùy đã lớn, nhưng song thiết chùy còn lớn hơn, một tám, một mười. Hai hổ tướng sử dụng khí giới nặng nề ấy một cách thiệt nhẹ nhàng.

Hà Thiên Khánh cười lớn :

- Ngươi muốn chết, ta vui lòng chỉ đường cho xuống địa ngục. Cho ngươi đánh trước đi kẻo thiên hạ đồn ta không biết nhường đàn em!

Điêu Thiên Phượng chạm lòng tự ái gầm lên như hổ dữ, nhảy chồm tới úp cặp bát giác nặng nề xuống Thiên Khánh theo kế Lôi Đả Thiên Môn.

Hà Thiên Khánh thét :

- Khá lắm! Coi đây!

Chàng tọa bộ Trung bình tấn đưa cặp thiết chùy lên khỏi đầu chịu đòn. Đó là thế Hầu vương hiến quả. Cặp bát giác đồng chùy như hai chiếc búa lớn đập xuống trúng song thiết chùy vững chắc như chiếc đe, bật ra tia lửa sáng ngời và hai tiếng chát chúa vang động cả hoa viên. Sức đánh xuống của Trại Nguyên Khánh đã dũng mãnh như thần tướng, nhưng sức chịu đựng vô song của Trại Nguyên Bá lại càng ghê gớm nữa. Chàng trơ ra như toàn thân và song chùy liền nhau toàn thép, hai cánh tay không hề rung chuyển, khiến cả hai bên hàng ngũ đều có cảm tưởng như Thiên Khánh bị hai vồ đập lùn hẳn xuống mặt đất. Hai bổ tướng cùng khen thầm nhau dũng lực.

Điêu Thiên Phượng tức khắc hạ thấp bát giác đồng chùy, chuyển bộ cước thành Chão Mã Tấn tả tiền, hữu hậu, khoát hai tay đánh thốc ngược cả cặp chùy vào cằm đối phương. Đó là ngọn Song Tinh Xuất Thế. Họ Điêu sử dụng thế chùy nguy hiểm này, cốt đánh bể mặt địch thủ.

Nhưng có dễ dàng như vậy đâu? Địch thủ của chàng là một viên hổ tướng hữu danh với tước hiệu Trại Nguyên Bá đâu có dễ chịu thua dễ dàng như vậy! Bộ tấn nguyên như cũ, Hà Thiên Khánh hạ luôn cặp song chùy xuống chặn khí giới đối phương. Bốn ngọn chùy lại có dịp dập vào nhau chát búa, ghê rợn. Hà Thiên Khánh cười ha hả :

- Ta nhường hiền đệ hai đòn rồi đó nhé! Cho thêm đòn nữa là ba!...

Điêu Thiên Phượng cũng hét :

- Này ba đòn!...

Tức thì, chuyển mình sang bên, tọa tấn thiệt thấp, quật trái luôn một đồng chùy nặng nề theo thế Lão Hán Quải Sơn vào sườn địch thủ, Hà Thiên Khánh thuận tay đưa thiết chùy chặn chiếc bát giác lại.

Sở dĩ ngay từ lúc khởi chiến, Điêu Thiên Phượng đã xử dùng toàn đòn độc chí mạng là vì y biết đối phương sức lực, bản lãnh không vừa, nếu không áp đảo ngay, e về sau khó thắng. Phần Hà Thiên Khánh nhường họ Điêu ba đòn khởi trận không phải là vì hoặc khinh thường, hoặc thương hại gì Thiên Phượng nhưng trước mặt các vị anh hùng - nhất là Tam hiệp, ba nhân vật đã cứu chàng ra thoát Nam môn kỵ mã trường, chàng muốn phô trương để mọi người được mục kích đại lực trời cho của mình. Trừng mắt nhìn họ Điêu, Hà Thiên Khánh nạt :

- Qua nhường hiền đệ ba đòn rồi, nay đến lượt qua thử chùy chớ?

Tin ở sức mình, Điêu Thiên Phượng nhảy ra khỏi vòng chiến :

- Được lắm, bình phủ thần thủ đi.

- Ta sẽ dùng các thế ngươi vừa sử dụng nhé! Chịu được hãy đỡ, đừng cố lấy mẻ mà chết đa! Coi chừng!

Tức thì, Hà Thiên Khánh hoa song chùy lên một vòng vùn vụt như gió, cất chân nhảy chồm lên nhằm đầu họ Điêu quật xuống sử dụng thế Lôi Đả Thiên Môn. Thiên Phượng vận dụng toàn lực đưa chùy lên đỡ.

Tiếng "Chát", rùng rợn vang động. Hai thứ kim khí va mạnh tóe lửa. Điêu Thiên Phượng chùn tay, toàn thân rung chuyển. Chàng có cảm tưởng như vừa bị một tảng đá lớn ngàn cân từ không trung rớt trúng cặp bát giác đồng chùy của chàng.

Đảo hẳn người ra phía sau năm, sáu bước, họ Điêu còn đang bàng hoàng thì Hà Thiên Khánh đã rượt tới dùng ngọn Song Tinh Xuất Thế thúc song chùy vào mặt. Thiên Phượng sợ hãi muốn né tránh mà như kẻ bị điện lực của đôi mắt diều hâu họ Hà sai khiến, tránh không nổi, đành cố sức đưa chùy dập xuống chặn khí giới địch. Bốn ngọn chùy vừa chạm nhau thì cặp bát giác đồng chùy buột khỏi tay họ Điêu văng mỗi ngọn sang một bên như hai trái cầu.

Toàn thân bủn rủn tê buốt, Điêu Thiên Phượng bật nửa người lăn đi hai vòng, loạng choạng cố bò dậy, nét mặt nhăn nhó, đau đớn, hai bàn tay đẫm máu, co ro chạy về bãi trận. Hà Thiên Khánh cười lớn :

- Điêu Thiện Phượng! Lượm chùy đánh nữa?

Nhưng họ Điêu còn đánh sao được, hai tay toạc hổ khẩu, máu chảy dầm dề, mười ngón tay hầu như gãy vụn...

Bên mặt trận tặc đảng, khi thấy Hà Thiên Khánh đỡ ba thế chùy dũng mãnh của Điêu Thiên Phượng một cách dễ dàng. Hoàng Bách Thắng lượng đoán ngay được thế trận, một lần nữa sẽ bất lợi cho mình toan gọi Điêu Thiên Phượng về bản trận thì Hà Thiên Khánh đã khởi thế tấn công.

Bách Thắng bèn bảo mọi người :

- Sau Thiên Phượng, tôi sẽ đấu. Khi nào thấy tôi yếu thế, các vị cứ ào vào hỗn chiến mạnh ai nấy đánh không được thì chạy tháo thân, chớ câu nệ mà hại cả lũ. Tiếp tục đơn chiến sẽ bị đối phương tỉa lần lần. Đừng trái lời.

Bởi vậy, lúc thấy Điêu Thiên Phượng bỏ chạy tháo thân, thì Hoàng Bách Thắng vác luôn trượng Bát xà mâu toàn thép nặng tám mươi ba cân chạy vùn vụt ra không nói không rằng đâm săn vào bụng Hà Thiên Khánh thật dữ dội.

Thiên Khánh biết là Phi Thiên Hổ Vô Địch tướng quân khởi chiến nhưng tin tưởng ở dũng lực của mình và sức nặng hơn bốn trăm cân của cặp thiết chùy nên ngang nhiên đưa chùy ra gạt mạnh, tưởng địch thủ sẽ bị ảnh hưởng đàn áp của món võ khí nặng nề của mình.

Nhưng chàng tính thầm!

Chùy tuy nặng, nhưng chỉ là món đoản khí và dễ đàn áp những món võ khí đồng loại, như bát giác chùy, song đoản phủ, đồng nhân nếu những món này nhẹ hơn. Như trận đấu với Điêu Thiên Phượng vừa rồi, sở dĩ họ Điêu nếm mùi thất trận ngay là vì cặp bát giác đồng chùy nặng có ba trăm cân. Khi hai khối kim khí gặp nhau, lẽ tự nhiên khối nặng hơn chuyển động bởi một sức mạnh hơn, thì khối nhẹ hơn sử dụng bởi một sức hoặc cân đối, hoặc yếu hơn tất thế nào cũng bị đàn áp ngay. Thiên Khánh mạnh hơn sử dụng song chùy nặng hơn, đàn áp Điêu Thiên Phượng yếu hơn chống đỡ với cặp chùy nhẹ hơn.

Trái lại, chùy rất kỵ các đoản khí nhẹ như kiếm, đơn đao, đoản đao, tiên, giản. Đấu với những đoản khí này người sử dụng trừ khi gặp một địch thủ bản lãnh, sức lực hoặc hơn mình hoặc ngang mình sẽ bị bất lợi chỉ vì không thể xoay, chuyển, biến trá mau lẹ bằng địch thủ dùng các đoản khí nhẹ.

Chùy còn kỵ cả các trường khí như mâu thương, giáo, kích, đại đao, côn trường. Sức mạnh của Thiết chùy gạt một trường khí, dù người dùng chùy chuyển hết lực vào cánh tay, cũng không mạnh bằng đập trúng một ngọn trùy khác. Sức gạt mạnh ấy kém hẳn đi bẩy phần mười vì hai lẽ:

Lẽ thứ nhất: Trường khí không toàn khối nên khi va chạm với ngọn chùy không bị ảnh hưởng toàn lực.

Lẽ thứ nhì: Khi biết bị chùy gạt, đấu thủ sử dụng trường khí sẽ thâu ngay khí giới của mình về. Trừ khi đấu thủ bản lãnh quá kém không ước lượng nổi đòn của đối phương - trong trường hợp ấy dù có bị chùy gạt trúng, áp lực đối phương không đáng kể.

Bởi vậy, khi hai đấu thủ bản lãnh vào hạng cao siêu giáp chiến, ta không nên hấp tấp vội cho ngay người sử dụng song chùy nặng nề sẽ thắng người dùng trường khí nhất là khi món trường khí ấy nặng tám mươi ba cân và người sử dụng là Hoàng Bách Thắng, một tay kiệt liệt của La Phù sơn, sức mạnh hơn cả sư trưởng Thiên Không.

Một đấu thủ hiểu biết giá trị bản lãnh Công phu chân tài của mình, biết cái "lợi hại", cũng như "yếu điểm" của thứ võ khí mình cầm trong tay, biết ước lượng lợi hại của đối phương để khai thác lợi thế khi giáp chiến, đấu thủ đó chắc chắn ít khi bị sút kém, trừ khi gặp phải một đối phương bản lãnh cao hơn mình nhiều bực.

Hoàng Bách Thắng, vốn là một tay lão luyện giang hồ, tính như vậy nên không e ngại cặp thiết chùy nặng nề của Hà Thiên Khánh, quyết đánh để gỡ danh dự và mong chuyển lại tình thế sau khi ba dũng tướng bên mình, hai bị tử thương, một bị trọng thương, loại khỏi vòng chiến.

Bởi thế, khi Hà Thiên Khánh vận dụng thần lực đưa trái thiết chùy nặng nề gạt ngọn xà mâu thì chỉ trúng nhẹ như một món võ khí thường thôi, vì Hoàng Bách Thắng đã dung thế Tam Hóa Liên Mâu ngoằng mũi mâu từ bụng địch thủ lên ngực và từ ngực lên mặt.

Ba mũi đâm liên tiếp vừa mạnh, vừa lẹ trong chớp mắt cực kỳ lợi hại ấy áp đảo hẳn họ Hà.

Gạt hỏng mất mũi mâu thứ nhất ở bụng, Thiên Khánh không kịp đưa chùy lên gạt hai ngọn sau nên đành phải lùi luôn bốn, năm bước thiệt lẹ mới tránh khỏi lối đánh Liên Mâu. Không tha, Hoàng Bách Thắng trở đốc mâu thành trượng quật luôn một ngọn ngang mắt cá chân địch thủ. Thiên Khánh gạt được một đòn, nhưng đòn thứ nhì đã tới ngay bụng.

- Tại sao Hà lại sút kém như vậy?

- Thưa không, Thiên Khánh không sút kém. Đây là cái "lợi hại" môn chùy pháp và Mâu pháp.

Mâu pháp đã lanh lẹ, ngọn mâu lại do Hoàng Bách Thắng sử dụng, lẽ cố nhiên cán cân trận đấu phải lệch về bên họ Hoàng.

Nói về "Lực", Hà Thiên Khánh không khỏe gấp đôi, gấp ba Hoàng Bách Thắng, mà sử dụng món võ khí nặng gấp trăm lần cây Xà mâu, họ Hà phải xuất năm lần hơn về "năng lực" mới đối chọi kịp với ngọn Mâu của Bách Thắng.

Trái lại, nếu Thiên Khánh không cung cấp đủ số năng lực ấy, sự Lanh lẹ dĩ nhiên phải kém địch thủ những mấy lần. Trên chiến trường xung phong ồ ạt, Hà Thiên Khánh có thể là một viên dũng tướng Vô Địch trong việc phá thành, chiếm ải, vượt cặp thiết chùy nặng nề ấy như Tấn Vương Lý Nguyên Bá thời Đường, Nhưng trước một địch thủ tài lực như họ Hoàng sử dụng toàn đòn Giang Hồ với một thứ võ khí kỵ với thiết chùy, thì Hà Thiên Khánh khó bề thủ thắng.

Tam hiệp, Tòng Cát, Tòng Đức chú ý lối đánh của Hoàng Bách Thắng ngay từ lúc khởi chiến và dự tính ngay được tình hình bất lợi cho Hà Thiên Khánh.

Bởi thế, sau khi họ Hoàng dùng lối "Tam Hóa Liên Mâu", Chu Đức Kiệt và Lam Y là hai người đứng gần vòng chiến hơn hết đã phòng bị can thiệp.

Nhờ vậy, khi Bách Thắng đâm mũi mâu thứ hai sắp trúng bụng Hà Thiên Khánh thì Chu Đức Kiệt phi thân tới kịp, đạp bật cán mâu họ Hoàng sang bên, đồng thời điểm luôn mũi Thất Tinh đao vào mặt y khiến y phải vội vàng lùi luôn mấy bước tránh đòn.

Để che đậy việc cứu trợ người đồng bọn, Chu Đức Kiệt nói lớn :

- Hoàng Bách Thắng! Ngươi đấu với ta mới hợp lẽ chớ?

Đang sắp hạ kẻ địch bỗng bị phá ngang, Bách Thắng phản đối :

- Ngươi xử sự không anh hùng chút nào cả, sao dám can thiệp cứu bạn trong một trận đơn chiến?

- Ta đâu có cứu ai, nhưng ngươi phải cùng ta đơn chiến như chính ngươi đã nhận phân đấu cùng ta hồi nãy. Sau khi hạ Điêu Thiên Phượng, Hà tướng quân hết phận sự trên trận địa này rồi.

- Ta sẵn sàng, ngươi đánh đi!

Hoàng Bách Thắng nổi giận đùng đùng hoa mâu nhập chiến.

Trông hai người thiệt là kỳ phùng địch thủ.

Chu Đức Kiệt vận võ phục đen tuyền, tóc búi ngược như Lữ Ôn Hầu hậu Hán, lưng thắt thanh sô sa đới, chân dận Bạch vân võ ủng, sử dụng đơn đao Thất Tinh ánh sáng xanh lè.

Một bên, Hoàng Bách Thắng cũng vận võ phục đen nhưng đeo đoản thiết giáp lóng lánh, đầu đội bao câu chiến mão ngù đen, ống chân đeo lá đáp buộc giải chéo lối Sơn Đông hướng mã, chân đi Hắc bổ hái, tay cầm ngọn xà mâu toàn thép xám đen ngù xanh biếc.

Cả hai đấu thủ cùng lực lưỡng, Họ Chu Đức Kiệt kiêu hùng, dáng điệu hào hiệp phong lưu mã thượng.

Họ Hoàng dữ dội, hiên ngang quả không hổ danh Vô Địch tướng quân. Hoàng Bách Thắng thấy đối phương dùng đơn đao liền áp dụng lối đánh ồ ạt với cây xà mâu vừa dài vừa nặng hơn. Ngọn mâu trong tay họ Hoàng rất lợi hại, lúc đâm lúc quất lanh lẹ, dữ dội, quằn quại như con mãng xà giỡn mồi.

Chu Đức Kiệt khen thầm mâu pháp họ Hoàng quả đã đạt tới mực độ cao siêu. Tuy là đồ đệ của Thiên Không, sư trưởng La Phù sơn, và phải gọi Phi Không là sư thúc nhưng tài nghệ và nguyên lực của Hoàng Bách Thắng trội hơn hẳn vài ba độ. Cũng vì vậy Chu Đức Kiệt tiếc cho y không biết lựa đường ngay mà đi. Với tài ấy, sức ấy làm gì họ Hoàng không kiếm nổi một chức lớn trong quân binh của Tri đình, hoặc trở thành một khách giang hồ mã thượng hữu danh trong thiên hạ?

Đâm luôn một lúc trên mười mũi mâu, mũi nào họ Hoàng cũng yên trí trúng đích, nhưng kỳ thay, Đức Kiệt không đỡ gạt, chập chờn như bóng ma. Mỗi khi ngọn mâu sắp tới người chỉ còn độ vài tấc thì chàng đã quay ngoắt né sang bên, khiến Bách Thắng đâm trượt hoài mặt đỏ gay tức bực.

Chống mâu nhảy ra khỏi vòng chiến, Bách Thắng quát :

- Khoan!

Đức Kiệt thâu đao lại :

- Muốn gì?

- Nghe ngươi danh trấn giang hồ, võ dũng tuyệt luân, lẽ nào né đường mâu của ta hoài khiến trận đấu mất thú, nên ta ưng thuận cho ngươi đổi võ khí rồi tái đấu ba trăm hiệp chơi?

Chu Đức Kiệt cười lớn :

- Hoàng Bách Thắng! Sao ngươi lầm lẫn tới nước ấy, dù có thác cũng không oan. Tất ngươi biết ngọn thiết thiền trượng của Phi Không nặng không kém chi xà mâu của ngươi, vậy mà y đã táng mạng tại Kim Cương tự. Tại sao?

Đưa ngược Thất Tinh đao ra phía trước mặt, Đức Kiệt nói tiếp :

- Là cao đồ La Phù sơn, ngươi không hiểu thế nào là Kiếm Thanh Hoa Ảnh lục ư? Hãy nhận xét kỹ xem thanh đao này có biết sợ bất cứ thứ võ khí nào ở trên đời này? Ta còn e có hại cho ngươi là khác nữa?

- Được lắm! Trận đấu sẽ trả lời. Nhưng ta có một điều kiện?

- Nói đi, ta nghe!

- Trong trận đấu này, nếu ngươi thắng ta thì không sao, trái lại, nếu ngươi thất trận, ta yêu cầu ở ngươi một lời hứa: mặc cho hàng ngũ bên ta tự tiện ra khỏi nơi Vương phủ này. Chịu không?

- Được chớ, khó chi điều ấy?

Nhân dịp, Hoàng Bách Thắng quay về bản trận dặn lại Dư Đông Bích, Tống Võ Cường :

- Nếu ta không thắng nổi Chu Đức Kiệt, liệu áp đánh trúng ngay và mạnh ai người ấy tẩu thoát, chớ có do dự mà bị bắt tất cả. Rất có thể người của chúng vây phía ngoài Vương phủ, nhưng dù sao cũng còn có hy vọng thoát thân. Nhắn bảo mọi người ngay.

Về phần Chu Đức Kiệt, chàng nghi ngờ đối phương tạ sự ngắt quãng trận đấu để ra mạng lệnh gì đó cho đồng bọn, bèn dặn Lam Y nữ hiệp :

- Chúng bị mất ba viên dũng tướng nên có ý muốn hỗn chiến thoát thân đấy nhé. Hiền muội liệu cắt đặt lại hàng ngũ của ta cho cân đối. Cố bắt cho kỳ được chớ đừng nên sát hại nhiều. Nếu không vì Nhạc Lan Anh thì bọn giang hồ hiệp khách chúng ta không nên can thiệp vào vụ này.

Lam Y nói nhỏ :

- Ngu muội đồng ý, hiền huynh an tâm.

Chu Đức Kiệt trở ra trận địa thì Hoàng Bách Thắng cũng vừa tới nơi.

Chuyến này, họ Hoàng lễ phép hơn, hoa xà mâu diễn mấy đường bái tổ, bộ pháp tuyệt hảo nhà nghề.

Để đáp lại, Chu hiệp cũng sử dụng lối bái tổ hoa mỹ của đao pháp gia truyền Chu Gia Phong Vũ Đao thập phần hùng dũng. Chàng hất hàm mời Bách Thắng nhập chiến.

Tức thì, họ Hoàng đảo bộ nhảy tới dùng thế Mã Sà Phiên Thân nhằm vai tả địch nhưng khi mũi mâu gần tới nơi thì đảo luôn đâm thẳng vào vai hữu.

Chu Đức Kiệt hiểu thế đánh huyền bão linh động của đối phương, ngay từ đầu, ung dung đưa giọng đao gạt hẳn mũi mâu sang bên, đoạn tiếp sát quơ luôn một đao ngang đầu địch. Lằn đao vút như gió, Bạch Thắng tọa bộ nhường lưỡi đao lướt qua đầu, rồi thúc luôn một đốc mâu vào bụng đối phương.

Đức Kiệt hạ đao gạt, đồng thời xử thế Đại Bàng Chiến Dự phóng luôn một ngọn cước hữu vào mặt địch thủ. Bách Thắng khen thầm hảo thủ, liền đưa tay tả chặn ngọn cước đó lại, đồng thời tay hữu thích luôn mũi mâu vào đùi tả của đối phương. Nhưng y đâm hụt vì Đức Kiệt vừa nhảy khỏi mặt đất, táp luôn cước tả vào mặt họ Hoàng. Bách Thắng kinh hoảng không ngờ Đức Kiệt cùng một lúc, không cần trớn, mà phóng luôn hai thế đá lợi hại như vậy. Lùi mấy bước tránh đòn, họ Hoàng đâm luôn một mâu nhằm ngực địch thủ. Lẹ như chớp, Đức Kiệt khẽ né sang bên, vươn tay tả cặp được cán mâu giựt mạnh. Ngọn mâu buột khỏi tay, bị chớm giựt, Bách Thắng nhào đi mấy vòng, nhưng quẩy mình đứng lên luôn, thì vừa kịp thấy ngọn mâu do Chu Đức Kiệt phóng tới.

Vươn tay bắt lấy lại khí giới, Bách Thắng mừng rỡ chưa kịp nhập chiến thì Chu Đức Kiệt đã nhảy tới tấn công liên tiếp như vũ bão, làm Thất Tinh đao xanh lè, vi vu lạnh người, đâm đâm chém chém linh động ghê hồn.

Hoàng Bách Thắng cũng tận tâm giao đấu, cây mâu xoay tròn gạt đỡ tấn công không ngừng. Thiệt là kỳ phùng địch thủ, tướng ngộ lương tài. Trận tranh hùng vừa ác liệt vừa thập phần hào hứng. Chu Đức Kiệt dũng mãnh kiêu hùng như giao long hí thủy. Hoàng Bách Thắng nhuệ khí đằng đằng tựa mãnh hổ nghinh phong.

Trận đấu diễn trên hai trăm hiệp.

Thanh Thất Tinh báu đao có thể chặt đứt được ngọn mâu địch bằng thép thường, nhưng trong nhiều trận đánh, Chu Đức Kiệt giao tranh rất đàng hoàng, dùng công phu tập luyện bình sanh để thắng kẻ địch chớ ít khi chàng dùng tới lợi khí đó, trừ phi trường hợp cấp bách cần phải tranh thủ thời gian.

Vì lẽ ấy, họ Hoàng mới có dịp tranh tài cùng đối phương.

Tới mực độ trên hai trăm hiệp, sức lực Bách Thắng kém lần lần, thở mạnh, mắt bắt đầu loạn, phần vì sử dụng ngọn mâu nặng, y phải tổn nhiều sức mới chống đỡ nổi thanh Thất Tinh đao biến hóa vô chừng, phần vì nguyên căn thần khí của y không đầy đủ như Chu Đức Kiệt, nên y bắt đầu mất sức lùi dần.

Trên bước giang hồ, đụng độ với nhiều tay kiệt liệt tài sức của Lam Y nữ hiệp và Chu Đức Kiệt rất đều nhau, hai nhân vật ấy chưa từng phải giao tranh tới dư hai trăm hiệp.

Nay Hoàng Bách Thắng cầm cự oanh liệt đến mực độ ấy, công phu khổ luyện của y cũng đã đáng liệt vào hạng siêu đẳng, danh Vô Địch quả bất hư truyền trong giới hắc đạo, hiềm vì y không chuyên như anh em Chu gia nên dĩ nhiên kém bền bỉ một khi trận đấu kéo dài.

Bên hàng ngũ địch, Dư Đông Bích, Tống Võ Cường thấy Hoàng Bách Thắng bắt đầu kềm thế lùi dần, liền ra hiệu cho đồng bọn ào sang hàng ngũ nghĩa sĩ hỗn chiến.

Đã dự phòng, các vị anh hùng tức thì đón đánh. Trận giao đấu khởi toàn diện trong hoa viên, khí giới sát phạt nhau va chạm chan chát, rợn người. Bọn quân hầu thuộc hạ các tướng trong Vương phủ thấy động kéo vào xem sự gì. Tới khu công đường, chúng bị đoàn gia tướng hậu cung chặn lại, điều qua tiếng lại xúc mích, thành thử hai bên mở thêm một trận xung đột hỗn độn.

Thấy các tướng đã xáp trận, Hoàng Bách Thắng cố gắng chống trả đòn địch, muốn chạy thoát thân. Biết vậy, Chu Đức Kiệt chém luôn hai lát nhằm vai họ Hoàng cốt ý bắt đối phương phải đưa mâu lên gạt đỡ, đồng thời chàng dùng thêm Phượng Hoàng Phi Độc Cước phóng chân hữu đá vào mỏ ác địch, trong khi tay tả xòe Cương Đao thọc thẳng vào xương quai sanh y giựt mạnh xuống. Bách Thắng đuối sức không tránh được nữa, trúng cả hai đòn một lúc té ngửa ngất lịm.

Chu Đức Kiệt không cố ý đả tử nên chỉ dùng một phần sức lực hạ địch thủ ngất đi mà thôi. Chàng cúi xuống tháo đai của Bách Thắng trói chặt y gò cánh xẻ ra sau lưng, đoạn lượm ngọn xà mâu đứng lên quan sát trận thế.

Gần bên chàng đứng nhất ở bên tả có Âu Dương Bích Nữ đang đấu với hai đầu đà bụng phệ Giới Tăng và Đức Năng.

Hai tên này sử dụng thiền trượng lanh lẹ phi thường, khác hẳn với bề ngoài ai cũng tưởng chúng nặng nề chậm chạp vì béo mập thù lù. Bên hữu, Lam Y nữ hiệp đánh với Bạch mẫu Ngô Công Tần thị và Đới Ngọc Hoàn.

Còn các cặp khác chiến đấu rải rác trong hoa viên.

Chu Đức Kiệt gọi Âu Dương Bích Nữ :

- Âu Dương hiền muội!

Âu Dương Bích Nữ nhảy ra khỏi vòng chiến.

Chu Đức Kiệt liệng cây bát xà mâu cho nàng :

- Dùng mâu đấu với trượng coi.

Nàng bắt lấy ngọn mâu. Gài Trăm Lư vào vỏ thì vừa lúc hai đầu đà Giới Tăng và Đức Năng xông vào đánh tới tấp.

Ngọn mâu ở trong tay Âu Dương Bích Nữ thiệt lợi hại. Nàng hoa lên hai vòng đánh bật địch thủ sang bên, đoạn nàng xông liền vào áp đảo tơi bời. Không mấy chốc, nàng đã đâm trúng vế Đức Năng lăn kềnh ra đất rên xiết.

Giới Tăng yếu thế kéo lê thiền trượng toan chạy, nhưng Âu Dương Bích Nữ nhảy tới đâm luôn một lát vào bụng chân y té nhào. Hai đầu đà trúng thương nặng lê lại gần nhau Âu Dương Bích Nữ nhìn quanh, đoạn gọi Lam Y :

- Lam Y hiền muội, xà mâu đây.

Lam Y đưa tay tả ra hiệu bảo Âu Dương Bích Nữ liệng mâu, băng mình ra khỏi vòng chiến.

Tần Thị thét lớn múa thiết trúc trượng áp đánh, nhưng Lam Y đã cầm gọn xà mâu trong tay, quát lớn :

- Ác phụ không biết điều, bản cô nương đã sanh phước không thèm hạ sát hai đứa bây mà không biết đường trốn chạy như ở Sơn Phu hả?

Tần Thị thét vang :

- Ai sợ Lam Y nữ hiệp chớ tổ mẫu bây đây không coi mày ra gì đâu. Hãy nhận lấy trượng này!

Dứt lời, Bạch Mẫu Ngô Công vụt luôn một trượng vào mặt địch thủ Đới Ngọc Hoàn cũng vác đao nhảy vào tiếp tục chiến đấu.

Lam Y gạt khí giới địch sang bên, nhảy lùi lại mấy bước chỉ mặt Đới Ngọc Hoàn :

- Con dâm nữ muốn ta đưa về chầu Xích Hoa Xà và Mẫu Dạ Xoa phải không? Biết điều hãy đào tẩu ngay kẻo toi mạng.

Đới Ngọc Hoàn nghiến răng rít lên :

- Ta phải moi gan mi ra mới hả giận. Coi đây!

Ngọc Hoàn lăn xả vào đánh, Tần thị xông theo, Lam Y nhắm lưỡi đao của họ Đới vụt mạnh một mâu. Thanh đao buột khỏi tay Ngọc Hoàn quay ra xa. Họ Đới cánh tay tê buốt, nhăn nhó bỏ vòng chiến. Lam Y quật luôn một mâu nữa đánh văng thiết trúc trượng của Tần thị. Cũng như Đới Ngọc Hoàn, Tần thị toàn thân rung động, tê buốt vì ngọn mâu quật nặng nề ấy.

Lam Y nữ hiệp thâu xà mâu lại chống xuống đất cười khanh khách.

Tần thị và Đới Ngọc Hoàn ngó trước ngó sau, chạy ra mé tường hoa viên phi thân đào tẩu.

Lam Y nhìn Chu Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ :

- Sanh phước cho hai chúng nó. Một đứa mất con, một đứa mất cha mẹ, thế đủ rồi. Nếu gặp lần thứ ba quyết không tha!

Chợt nhớ ra điều gì, nàng nói tiếp :

- Ủa! Không thấy Tôn Hoàn và Đường Trại Nhi. Chị em ta lùng bắt chúng đi.

Âu Dương Bích Nữ giật mình :

- Quên khuấy đi mất! Có lẽ chúng cao chạy xa bay rồi. Nhưng cứ thử tìm xem, dù sao cũng có bọn nữ binh của Lan Anh hành động trước ta.

Lam Y cắm phập xà mâu xuống đất, rồi cùng Âu Dương Bích Nữ ra khỏi hoa viên theo đường cũ ra lối công đường, thì nghe tiếng reo hò sát phạt. Hai nữ hiệp vội lẹ chân ra xem mới biết là bọn gia tướng đôi bên đang ấu đả. Cả hai bên cùng có kẻ chết và bị thương.

Đứng trên bực cao, Lam Y gọi lớn :

- Bớ các gia tướng, hãy ngưng chiến nghe ta nói đây!

Chúng thâu khí giới lại, đứng hai bên tả, hữu sân. Nàng dõng dạc nói tiếp :

- Ngũ hổ tướng, Tiên Phong và những người khác định tạo phản nên do lệnh Thuận Vương chúng đã bị vây bắt trong hậu cung rồi. Không tin, cho phép vào thẳng trong đó mà coi xem có thiệt như vậy không.

Giờ đây, quân triều đình vây trọn Vương phủ rồi, nếu các ngươi muốn bị tội theo bọn tướng tá chủ nhân của các ngươi, thì cứ việc theo chúng chống cự lại quân hậu cung. Bằng như các ngươi mong được sống bình an, ta khuyên người của dinh nào nên về ở dinh đó cho tới khi có lệnh mới định đoạt. Nghe chưa?

Bọn gia tướng có mục đích gì đâu. Chúng liền theo lời hạ khí giới.

Lam Y hỏi :

- Trong bọn các ngươi, có người nào thuộc dinh Tôn Hoàn không?

Bốn tên bước ra chắp tay đứng nghiêm chỉnh.

Một tên ra vẻ lanh lợi hơn nói :

- Thưa nữ tướng, chúng con thuộc dinh Quân sư, ít người hơn cả.

- Tôn Hoàn và Đường Trại Nhi đâu?

- Con tưởng Quân sư và Đường cô nương vào cả hậu cung. Hai người bỏ dinh đi lâu lắm rồi, ngay từ lúc đầu theo Ngũ Hổ thì phải.

Tên gia tướng trong dinh Hoàng Bách Thắng bước tới thưa :

- Lúc mới đầu con trông thấy hai người vào dinh Hoàng nguyên soái.

Lam Y lấy làm lạ :

- Dinh họ Hoàng có cửa thông ra ngoài Vương phủ hay có lối đi ngầm nào không?

- Con không rõ, nhưng có một cửa sau mà Nguyên soái không bao giờ cho phép ai được mở hết.

Nghe tới đây, Âu Dương Bích Nữ bảo Lam Y :

- Có lẽ là cửa bí mật mà chỉ riêng Hoàng, Tôn hai tên biết với nhau thôi. Chắc chúng cao chạy xa bay rồi, nhưng ta cứ ra đó xem thế nào. Con yêu nữ họ Đường khôn vô tả! Nó chạy mất thì đáng tiếc!

Lam Y gật đầu đồng ý, bảo tên gia tướng của Bách Thắng :

- Các ngươi có bao nhiêu người hãy theo ta, còn thì đâu về đó.

Lam Y chỉ tên gia tướng dinh họ Hoàng đã trông thấy Tôn Hoàn và Đường Trại Nhi mà rằng :

- Còn ngươi phải theo ta, khá đi trước dẫn đường.

Tên kia vâng lời quay ra. Lam Y và Âu Dương Bích Nữ theo sau. Vừa vòng vèo đi được một quãng đường thì có tiếng chân chạy phía sau.

Hai người quay vội nhìn lại thì ra Nhạc Lan Anh, tay vác phương thiên kích chạy tới.

Lam Y nữ hiệp hỏi :

- Hạ tên Bào Chí Cường rồi ư? Mũi kích còn vấy máu kia kìa.

Lan Anh đáp :

- Dạ, tên đó hết nhìn láo liên rồi. Tiểu muội ghét cặp mắt y quá! Nhị vị hiền thơ đi đâu thế này?

Lam Y kể việc Tôn Hoàn và Đường Trại Nhi cho nàng nghe.

Ba người lẳng lặng đi tới dinh Hoàng Bách Thắng.

Tên gia tướng dẫn tới chỗ cửa hậu, ngạc nhiên la lớn :

- Ủa! Ai đã mở then và gióng cửa ra thế này?

Lam Y mở cánh cửa lúc đó chỉ có khép hờ lại, dặn tên gia tướng chờ ở đó, rồi cùng Âu Dương Bích Nữ và Lan Anh đi vào con đường nhỏ bí mật. Lúc sau, ra tới chân tường, Lam Y nhìn quanh, nhận thức ngay lối sử dựng cơ quan. Cánh cửa đá chuyển động mở hẳn ra.

Ba người bước ra khu đất trống vắng vẻ và đi thẳng tới khu phố nhỏ, Âu Dương Bích Nữ nói :

- Con yêu nữ và Tôn Hoàn tẩu thoát rồi! Hoàng Bách Thắng không cần giấu lối cửa sau dinh y vì cho rằng không cần thiết.

Ba người quay vào đóng cửa lại như cũ rồi trở lại.

Ra tới ngoài con đường nhỏ, Lan Anh đóng cửa lại như trước và bảo tên gia tướng theo sang dinh Tôn Hoàn.

Ba người lên thẳng thượng lầu xem xét. Trong phòng Đường Trại Nhi, xiêm y vẫn để trong rương nguyên vẹn.

Lam Y nữ hiệp nói :

- Đường Trại Nhi lanh lợi lắm. Chắc Tôn Hoàn hay Hoàng Bách Thắng để lộ chuyện gì nên nó dự tính đào tẩu ngay.

Ba người đi xuyên gần hết Vương phủ. Lam Y và Âu Dương Bích Nữ tấm tắc khen ngợi cách kiến trúc hoàn toàn đặc biệt trong phủ.

Lam Y nói :

- Từ ngàn xưa, phàm kẻ nào lo đại sự mà nghịch đạo Trời, trái ý dân cũng không đạt. Tiếc cho Thuận Vương và cũng may cho ta, Hoàng Bách Thắng bị nói khích chịu nhận đấu ở hậu hoa viên, dễ dàng đỡ mất thì giờ cho ta biết chừng nào. Trái lại, nếu y không chịu giàn mặt chiến đấu rút vào khu phòng vệ kiến trúc kiểu trôn ốc này, chắc chắn bọn ta không thắng ngay đâu và còn mất nhiều thì giờ là khác.

Âu Dương Bích Nữ nói :

- Họ Hoàng kiêu hãnh tin ở lực lượng hùng hậu của y, nên mới nhận chiến ở hoa viên.

- Lực lượng và tài nghệ chiến của chúng như vậy không tự tin sao được?

- Tuy hạ bọn họ Hoàng, tôi vẫn thấy tiếc thay cho các nhân tài ấy.

Ba người vừa đi vừa chuyện trò vào tới hậu hoa viên thì các trận đấu cũng vừa tàn.

Trừ Hầu Văn Bảo, Triệu Đại Bằng, Bào Chí Cường tử thương, hai đầu đà Thạch Căn và Tử Nguyên cũng bị Hà Thiên Tường và Mã Kim Loan hạ sát. Còn tất cả đều trúng thương bị bắt.

Bọn quân binh hậu cung giúp việc trói các tướng, hò nhau khiêng đặt thành hàng dài dưới mái hiên.

Trận đánh kéo dài suốt từ trước Ngọ đến chiều tối mới chấm dứt.

Anh em Trấn Quốc sửa soạn giải lao mọi người và mở phủ môn cước mấy đạo binh trá hình thường dân vào phủ.

Các anh em hai họ Mã, Hà hỏi tướng binh xem Nguyên soái và Hà tổng tr ấn đâu, mới biết hai vị cao cấp còn ngồi cả bên Hoa Vương lầu gần phủ chờ tin.

Mã Thành Long nói :

- Nếu không nhờ quý vị anh hùng giúp sức, chắc chắn đại sự không thể thành công mau lẹ như hôm nay. Đại công ấy, tôi sẽ tâu trình Hoàng đế để ghi danh quý vị vào bảng vàng Giang Hồ Hiệp Khách.

Chu Đức Kiệt nói :

- Nguyên soái quá khen, anh em giang hồ chúng tôi thế thiên hành đạo, nay vừa làm bổn phận một công dân đất nước. Giờ đây xin kiếu về Cao gia trang.

Mã Thành Long ngạc nhiên :

- Các vị về Cao gia trang ngay bây giờ sao?

- Dạ! Ở lại Vương phủ cũng không ích lợi gì. Bọn tặc tướng trừ Tôn Hoàn, Trại Nhi vừa chết vừa bị bắt hầu đủ duy thiếu có mụ Tần thị và Đới Ngọc Hoàn trốn thoát.

Còn việc giải ngũ một số binh lực Kim Lăng và phân phát mọi công việc trong Vương phủ, chúng tôi không biết luật lệ binh ngũ ra sao, ở lại thêm quẩn chân Nguyên soái trong lúc người cần xếp đặt gấp rút cho sự an ninh dân chúng được đều hòa như không xảy ra chuyện gì cả.

Về tới Cao gia trang, tôi sẽ cho người đem hành trang của Người và của chư tướng vào đây, như vậy Nguyên soái đỡ phí thì giờ sai người qua lại.

Mã Thành Long cười :

- Quý vị Giang Hồ Hiệp Khách hành động mau lẹ hơn chúng tôi chậm chạp vì thủ tục rất nhiều. Vài bữa nữa, chúng ta sẽ họp mặt trên tiệc rượu khánh hỷ. Vậy nhờ khách anh hùng chuyển lời cám ơn chúng tôi lên Trại Mạnh Thường lão hán và Cao trang chủ hộ, nhé!

Chu Đức Kiệt vâng lời, cùng Lam Y và ba anh em Âu Dương ra khỏi đại sảnh cùng chư tướng tạm biệt.

Trấn Quốc nói với năm hiệp khách :

- Anh em tôi đang bận việc Vương phủ, ngày khác chúng ta tái kiến?

Chu Đức Kiệt cười :

- Ta còn gặp nhau nhiều mà! Tôi rất mừng cho nhị thế huynh rằng tình hình đang biến chuyển có lợi cho lệnh Phụ vương. Trấn Quốc nói mấy lời cảm ơn. Vừa khi đó, thị nữ Tố Vân tiến tới :

- Quận chúa cho con đến mời các vị anh hùng vào tư phòng.

Năm người liền theo Tố Vân vào hậu cung. Nhạc Lan Anh đứng chờ sẵn ở phòng ngoài.

An tọa xong, thị nữ dâng trà, Lan Anh nói :

- Sở dĩ tiểu muội lưu quý vị đại huynh và thơ thơ lại tư thất là có ý muốn thổ lộ vài điều.

Lam Y nữ hiệp ngồi bên, cầm tay nàng thân ái :

- Hiền muội chưa nói tôi đã hiểu rồi đó nhưng thử nói đi nghe nào!

Lan Anh chậm rãi :

- Cuộc sống trong Vương phủ của tiểu muội kể từ đây chấm dứt, và muốn trở về chốn xưa của cố song thân phụng thờ hương khói bỏ lửng đã hai chục năm trường.

Lam Y nữ hiệp nói :

- Việc tế mộ phần tôi không dám ngăn, nhưng lẽ nào hiền muội ở lại nơi hoang vu ấy sống với một kỷ niệm xa xưa, mai một thân thế chăng? Thiển nghĩ từ tấm bé đến nay, hiền muội vẫn được vợ chồng Thuận Vương thương quý như con ruột, vậy nếu hai Thế tử về Kinh sư, hiền muội cúng nên đi theo cho phải đạo dưỡng nữ. Tuy mất chức vụ ở Kim Lăng, tôi chắc Thiên tử công minh chánh đại không nở bắt tội Thuận Vương đâu. Trong khi Trấn Quốc bàn giao công việc Vương phủ, Hiền muội vào Vũ Hồ tế mộ phần, xong rồi về đây cùng đi Yên Kinh có hơn không?

Nhạc Lan Anh gật đầu :

- Trong quãng mười chín năm trời, tiểu muội đã xa Vương cung theo sư phụ trên Long Sơn ngót bẩy năm rồi. Trở về Kim Lăng được đúng hai năm thì xảy ra vụ này, nhưng lúc nào tiểu muội cũng không vui với cảnh sống bó buộc trong cấm. Đối với công dưỡng dục của Thuận Vương, tiểu muội đã trả ơn bằng cách giải quyết vụ Kim Lăng này rồi, chắc dưỡng phụ không còn điều chi chê trách. Mai một đây, tiểu muội sẽ trình bày thiệt sự cho Trấn Quốc biết gia cảnh tiểu muội, và nhất quyết ra đi. Giờ đây, nhờ các vị cho Vương nhũ mẫu và hai a hoàn theo đem rương trang ra khỏi đây thôi.

Lam Y thấy Lan Anh quyết định rời Vương phủ bèn nói nhỏ với Âu Dương Bích Nữ mấy câu.

Âu Dương Bích Nữ gật đầu mỉm cười đưa mắt nhìn nhị huynh Tòng Đức, đoạn nói với Lan Anh :

- Hiện thời, chúng tôi còn ở lại Cao gia trang một thời gian ngắn nữa và vui lòng chờ Nhạc hiền muội. Sau hai chục năm trời, chắc nơi nhà cũ đổ nát rồi. Vậy phải tính chuyện xây đắp mộ phần lệnh song thân cho được vĩnh viễn. Rời Kim Lăng, chúng tôi sẽ cùng đi với hiền muội, nhưng với điều kiện là... là...

- Là sao? Hiền thơ cứ dạy.

- Là mời hiền muội cùng về ở chơi tại tệ trang bên Tô Châu một thời gian rồi sau sẽ hay, có được không?

Lan Anh cảm động :

- Rời khỏi Vương phủ, tiểu muội tứ cố vô thân, được hiền thơ phong nạp cho thì còn gì mà không nhận lời? Hiềm một nỗi đem theo đông người quá.

- Không sao. Lấy hành trang đủ dùng đem theo người. Gia phụ và gia huynh Tòng Cát sẽ về Tô Châu trước, nên cho ba a hoàn đem tư trang đi theo. Còn Vương nhũ mẫu và Tố Vân cùng đi Vũ Hồ với chúng ta.

- Chúng tôi có ngựa riêng rồi, hiền muội nên sửa soạn một xe ngựa để nhũ mẫu và Tố Vân đi cho tiện.

Lan Anh nói :

- Có sẵn xe chờ dưới hoa viên rồi.

Tam hiệp và Tòng Cát, Tòng Đức đứng cả lên, cầm theo khí giới.

Lan Anh đưa mọi người xuống hoa viên. Một chiếc xe song mã và bẩy năm con ngựa yên cương sẵn sang chờ ở nơi gần giả sơn. Vương nhũ mẫu, Thu Nhi, Thu Nguyệt ngồi sẵn trong xe. Hai tên quân hầu chạy tới thưa :

- Nhị vị Thế tử cho chúng con đem ngựa đến để quý vị anh hùng về Cao gia trang.

Chu Đức Kiệt cười :

- Nhị vị Thế tử chu đáo quá, nhưng ai sẽ đem bầy ngựa này về trả Vương phủ được?

Quân hầu đáp :

- Con có lệnh đi theo để làm nhiệm vụ đó.

Năm người tạm biệt Lan Anh lên ngựa theo quân hầu dẫn đường ra khỏi Vương phủ.

° ° °

Nguyên soái Mã Thành Long đã biết trước rằng anh em Trấn Quốc, Bảo Quốc là hai người trung dũng, xếp đặt vụ Vương phủ nên mọi việc đáng lẽ bùng nổ lớn thì được thâu gọn lại đỡ tổn sức hao quân, nên đối với hai người rất có cảm tình.

Từ trước đến nay, công việc trong Vương phủ phần nhiều do Trấn Quốc điều động, còn Thuận Vương thì chỉ ký nhận làm vì, nên cuộc bàn giao công khố, trình sổ sách, danh tánh các nhân viên, nhất nhất rõ ràng không có gì khó khăn cả.

Họ Mã vốn người hiền đức không muốn hại Thuận Vương là người đã biết hối cải, nên tự ý chuyển số binh đội dư ở Kim Lăng sang binh đội của mình và chỉ giữ nguyên số do triều đình chỉ định cho địa hạt Kim Lăng thôi. Sau đó, họ Mã lập một bổn phúc trình rành mạch kể công hai Thế tử và Quận chúa Lan Anh trong vụ lập mưu bắt các phản tướng lời lẽ thiệt hiền lành gỡ tội cho vị Vương gia lỡ lầm.

Thành Long đưa bổn phúc trình cho Hà tổng trấn coi. Họ Hà cũng nhân đức ưng thuận. Riêng Đàm Bá Phục vắng mặt vì miền duyên hải Trấn Gian Thành mới xảy ra một vụ cướp biển, nên phải đích thân trở về Đại bản doanh điều tra, trao quyền điều động binh đội cho con trai là Đàm Bá Lân.

Mã Thành Long cho phi kỵ quân cấp tốc đem phúc trình về Yên Kinh và xin cho Chu Trấn Quốc là người không thạo công việc cai trị Kim Lăng tạm quyền hành thay thế Thuận Vương được ở lại cho đến khi triều đình ban lệnh mới, hoặc phái người thay thế, hoặc bổ nhậm vĩnh viễn Chu Trấn Quốc. Một mặt Hà Thiên Thọ cùng hai con Thiên Tường, Thiên Khánh rút binh đội Tứ Xuyên về cả Thành Đô.

Đàm Bá Lân cũng rút đoàn thủy quân lục chiến về Trấn Giang. Riêng bộ độ Miền Bắc được giữ lại.

Trước khi giải tán hai đạo quân Đông, Tây về vị trí cũ, Mã Thành Long đặt một bữa tiệc lớn ngay trong phủ thành, mời Trại Mạnh Thường lão anh hùng, Cao trang chủ và toàn thể các vị hiệp khách nghĩa sĩ đồng dự.

Sau bữa đại tiệc, mọi công việc đã tạm rảnh rang. Nhạc Lan Anh mời hai Thế tử về tư thất nói thiệt tình cảnh của mình.

Trấn Quốc, Bảo Quốc giật mình, không ngờ Lan Anh mà hai chàng vẫn yên trí là em ruột lại có một tiểu sử gia đình bi đát đến như thế. Trấn Quốc bùi ngùi nói :

- Cớ sự đã xảy ra như vậy, vạn nhất chẳng đều qua số mệnh, thì mới đây, kẻ gây ra tội lỗi là thúc thúc Vĩnh Bình cũng đã bị hạ sát rồi, thiết tưởng hiền muội chẳng nên cùng gia đình ngu huynh ly tán. Từ trước đến nay, song thân rất chiều chuộng quý mến hiền muội có phần hơn cả con ruột, chuộc được phần tội lỗi nào cho mối hận giữa hai họ chúng ta. Nay hiền muội ra đi, song thân phiền muộn xiết bao. Tiện đây, ngu huynh sẽ phái thợ vào tận Vũ Hồ xây đắp lại mộ phần lệnh Tôn lệnh mẫu. Bảo Quốc không có trách nhiệm ở Kim Lăng sẽ theo hiền muội kính viếng mộ phần cho thỏa linh hồn người quá cố.

Lời nói nhân nghĩa của Trấn Quốc khiến Lan Anh rơm rớm lệ.

Nàng nói :

- Tiểu muội không cố dứt tình. Nhưng yêu cầu nhị vị hiền huynh cho phép tiểu muội được làm nhiệm vụ của một người con đối với vong linh cha mẹ. Sau đó, tiểu muội đi cùng Tam hiệp qua Âu Dương trang bên Tô Châu như đã hứa với các vị ấy. Nếu triều đình ra ơn cho trưởng huynh Trấn Quốc được ở lại Kim Lăng, dĩ nhiên gia đình sẽ được đoàn tụ như xưa. Trái lại, hiền huynh phải về Kinh thì qua Tô Châu cũng nên tìm đến Âu Dương trang cho tiểu muội biết tin rồi sẽ hay. Mã nguyên soái nhân đức thiệt, song ở trong Vương phủ với tình trạng bị chiếm đóng, tiểu muội thấy khó chịu lắm. Tam hiệp hiện còn chờ ngoài Cao gia trang, mai tiểu muội sẽ ra đón rồi cùng đi viếng mộ phần ở Vũ Hồ.

Trấn Quốc suy nghĩ giây lát :

- Hiền muội đã quyết định như vậy, ngu huynh không lẽ chẳng chiều lòng. Sáng mai ngu huynh sẽ đón đoàn thợ vào Vũ Hồ chờ hiền muội tới sẽ khởi công xây đắp.

- Đa tạ hảo ý của hiền huynh nhưng phái thợ từ đây tới Vũ Hồ hơn hai trăm dặm xa xôi, để tiểu muội tự liệu lấy cũng được. Thợ ở Thái Bình huyện thiếu gì và chỉ cách có vài dặm đường.

- Ngu huynh đã quyết định, hiền muội cản trở vô ích. Lạ một điều là tại sao song thân lại giấu diếm việc này và không cho xây đắp mộ Nhạc tướng công và phu nhân từ trước.

- Dễ hiểu lắm, Phụ vương không muốn cho tiểu muội biết tiểu sử bi đát của gia đình. Nếu không nhờ Thượng Thái sư phụ thì chính tiểu muội cũng mịt mờ không biết gì.

Hôm sau, Nhạc Lan Anh từ biệt mọi người đem Tố Vân, Tố Muội ra khỏi Vương phủ đến Cao gia trang.

Anh em Chu gia và Âu Dương vui mừng, đón nàng vào trong chào Cao Thiệu Đàm và Trại Mạnh Thường.

Lão anh hùng nói :

- Lão phu nghe nói điệt nữ sẽ cùng Tam hiệp và Tòng Đức đi Vũ Hồ, sau đó về Tô Châu, vậy điệt nữ cứ tùy tiện nhé. Ta coi điệt nữ như con chớ có nề hà.

Lan Anh cảm động vâng lời, trở ra đàm luận cùng năm người. Lam Y nói :

- Chúng ta mất nhiều thì giờ ở Kim Lăng rồi, liệu mai hay mốt khởi hành đi thôi.

Lan Anh góp ý kiến :

- Vũ Hồ là vùng hoang vắng, theo lời Vương nhũ mẫu thì trên đường Kim Lăng, Thái Bình huyện còn có hàng quân, nhưng từ đại lộ rẽ vào Vũ Hồ hoàn toàn hoang vắng. Chúng ta phải đem theo lương thực cùng các thứ cần dùng đóng trại nhiều ngày. Trong lúc chờ xây xong mộ phần, quý vị có thể giải trí bằng cách săn cáo nhị thể.

Âu Dương Bích Nữ mừng rỡ :

- A ha, với da cáo nhị thể, ta sẽ khâu võ bài và túi dạ hành tuyệt đẹp.

Nội nhật hôm sau, năm người có phận sự đi Vũ Hồ kéo nhau vào thành mua sắm các thứ cần dùng.

Trại Mạnh Thường và Âu Dương Tòng Cát khởi hành về Tô Châu trước. Lan Anh căn dặn ba a hoàn thân tín Tố Muội, Thu Nhi, Thu Nguyệt đem theo tư trang cùng các trường khí về Âu Dương trang cho nàng. Trại Mạnh Thường đi khỏi, các vị anh hùng nam nữ cùng từ tạ Cao trang chủ lên đường đi Vũ Hồ. Tam hiệp, Tòng Đức, Lan Anh đi ngựa. Vương nhũ mẫu mừng rỡ được trở lại chốn cũ lên xe song mã chở các vật dụng do a hoàn Tố Vân cầm cương. Đêm hôm đầu ngủ ở tửu điếm. Trưa ngày thứ hai, đoàn nhân mã đi tới quãng đường rẽ vào Vũ Hồ.

Đường đó là một con độc đạo, cây cỏ rậm rạp, băng qua các ngọn đồi nhấp nhô những tảng đá thiên nhiên cực kỳ lớn.

Qua một khúc đường độ mươi dặm rậm rạp như vậy, cảnh sắc bỗng đổi hẳn. Các ngọn đồi thoai thoải thấp hơn khu bên ngoài nhiều, cỏ hoa xanh mướt cao hơn mắt cá chân ngựa chút ít, cây cối thưa đi nhiều, nhưng đủ giữ bóng mát đó đây. Thỉnh thoảng lại có một dòng nước róc rách, quằn quại chảy như rắn bạc luồn mình qua đồng cỏ xanh rì.

Vương nhũ mẫu cố nhận xét nhớ lại con đường mà chính mình suốt mấy chục năm nay cũng chỉ qua có ba lần, lần này là lần thứ ba.

Chuyến đầu theo vợ chồng chủ nhân Nhạc Hoàng vào lập trại và chuyến thứ hai theo Thuận Vương về Kim Lăng, trong tay khư khư bế nữ tiểu chủ thỉnh thoảng lại khóc giãy lên đòi mẹ.

Phần Nhạc Lan Anh, nàng rất đỗi hồi hộp. Mỗi bước chân ngựa, quãng đường được thu ngắn lại, đưa nàng vè nơi chôn nhau cắt rốn và cũng là nơi mà song thân nàng tử nạn, bỏ lại đứa con còn măng sữa chơ vơ với người lão bộc trung thành.

Thấm thoát đã hai chục năm!...

Nàng thúc ngựa lên ngang xe song mã, hỏi nhũ mẫu Ý Lan :

- Nhũ mẫu nói rằng, chỉ có trại nhà ta ở trong khu Vũ Hồ này?

Vương Ý Lan gật đầu, nheo mắt vì vừng thái dương đã ngã non Tây chiếu tréo vào mặt :

- Phải rồi chỉ có một mình nhà ta. Tôi nhớ lắm, Lan nhi à. Tướng công ăn thịt, chủ mẫu trồng rau, một tháng đôi lần, Tướng công đánh xe lên huyện bán da cáo nhị thể và mua các thực phẩm khác về.

- Thiệt chắc không có ai tới nữa chớ?

- Có một hai lần Tướng công đưa người bạn trên huyện về chừng hơn một ngày rồi họ đi ngay. Còn chuyến sau cùng có nhiều người đột nhập khu này là đoàn săn của Thuận Vương.

Lan Anh chỉ vết đường mòn :

- Nếu vậy, có thể nói là suốt bao nhiêu năm nay không có bóng người lai vãng khu này nữa, vậy mà nhũ mẫu coi này!... Đường mòn rất rõ rệt như thế vẫn có người qua lại.

- Lằn bánh xe in rõ ràng! Có cả lằn mới nữa. Không lẽ bây giờ có người khác cư ngụ Vũ Hồ?

Nhũ mẫu đáp :

- Tôi cũng nghĩ vậy nên rất phân vân. Đáng lẽ không còn lối đi nữa vì cỏ mọc đều rồi.

Bốn người cỡi ngựa đi sau nghe Vương nhũ mẫu và Lan Anh bàn tán, Lam Y nói :

- Nhạc hiền muội à, rất có thể có người khác vào ở vùng Vũ Hồ được, nhiều người ở cũng chưa biết chừng, hai chục năm qua rồi, cuộc đời phải tiến theo vòng thời gian chớ?

Chứng cớ hiển nhiên là ngay tờ hồi ấy, Thuận Vương đã biết lần mò vào khu hẻo lánh này săn cáo nhị thể.

Lan Anh nhìn mọi người như phân vân :

- Không hiểu bị thúc đẩy bằng ý nghĩ gì, nhưng tiểu muội vẫn có cảm tưởng rằng chỉ riêng gia phụ mới vào ở Vũ Hồ, ngoài ra không có ai hơn nữa. Kỳ thiệt!

Đoàn người vừa đi vừa chuyện trò, không mấy chốc vừng thái dương đã ngã hẳn xuống chân trời.

Cảnh chiều tà bao phủ khắp vùng hoang vu tịch mịch.

Tới một dốc đồi, bỗng Vương nhũ mẫu reo lên, chỉ tay phía tả :

- Ồ!... Kia rồi!

Mọi người nhìn theo phía tay chỉ.

Quả nhiên, Vũ Hồ long lanh phẳng lặng như tấm gương sáng ngời phản chiếu cảnh trời xanh mây trắng.

Bên bờ hồ, một căn trại nhỏ, hai nếp nhà cây nối vào nhau theo hình chữ "Đinh". Làn khói lam phảng phất như dải lụa xám, bốc từ mái nhà lợp ngói lên cao.

Lam Y nói :

- Có người ở mà! Chắc phải khu trại cũ không?

Nhũ mẫu nói :

- Chắc chắn là trại này rồi. Mặt nước Vũ Hồ kia và bên hồ chỉ có một trại nhỏ. Tôi còn nhớ lắm, Nữ hiệp ạ. Chắc rằng người vào đây thấy căn trại bỏ hoang nên sang sửa lại, rồi ngụ cư liền.

Bỗng có tiếng gọi từ phía trại nhỏ :

- Lan... an... an... n Anh... nh... nh!...

Một lần nữa, tiếng gọi vọng lên dài hơn trước.

- Ai đó biết nàng Lan Anh đã tới mà hò gọi như vậy?

Đành rằng phải có người quen biết, biết là nàng vào Vũ Hồ mới gọi như vậy, nhưng quả tình ai cũng cảm như đó là tiếng vọng của oan hồn vợ chồng Nhạc tướng công mừng rước con gái độc nhất thân yêu đã trở lại chốn xưa.

Lam Y nữ hiệp nóng ruột giục giã :

- Đi lẹ lên xem ai gọi mà lạ kỳ như vậy. Đứng mãi đây suy nghĩ sao?

Đoàn người ngựa tiến lẹ hơn trước, chẳng mấy lúc tới nơi.

Trước cổng trại lố nhố những người, có cả ba chiếc xe ngựa lớn đậy ở ven giữa hàng rào.

Một bầy sáu con ngựa ăn cỏ thơ thẩn đó đây.

Hai người chạy ra mừng đón đoàn người mới đến.

Bọn Lam Y nhận ngay ra là Chu Bảo Quốc và Dương Hoài Ngọc!

Bảo Quốc nói lớn :

- Sao quý vị đến trễ vậy? Tôi chờ ba hôm nay rồi!

Lan Anh đem việc Trấn Quốc Chiêu Đức thiền sư nhị Thế tử dẫn thợ vào Vũ Hồ xây dựng lại mộ phần của song thân nàng nói qua cho mọi nghe.

Bấy giờ ai nấy mới vỡ nghĩa.

Mọi người cùng xuống ngựa, vui vẻ chào hỏi nhau.

Lan Anh nói với Bảo Quốc :

- Ngờ đâu hiền huynh vào Vũ Hồ sớm thế!

- Hôm sau, huynh trưởng giục ngu huynh lên đường ngay.

Chàng chỉ ba xe ngựa mà rằng :

- Ba xe này trở các dụng cụ vật liệu, hiện để cả trong vườn, nhưng không phải dùng tới nữa vì mộ phần đã có người xây dựng thiệt đồ sộ và quanh năm hương khói ngay từ ngày xảy ra chuyện chẳng lành rồi. Những người mới đến nghe Lan Anh, Bảo Quốc nói chuyện với nhau, không hiểu đầu đuôi ra sao cả.

Bảo Quốc quay lại toan giới thiệu Dương Hoài Ngọc với mọi người thì đã thấy Lam y, Chu Đức Kiệt, Âu Dương, Tòng Đức chuyện trò thân mật với họ Dương rồi.

Chàng ngạc nhiên :

- Ủa! Các vị quen biết nhau từ hồi nào vậy?

Chu Đức Kiệt phì cười :

- Lâu rồi, bây giờ đại ca mới hỏi thì vừa!... Vào cả trong nhà nói chuyện, bộ đứng mãi đây sao?

Vương nhũ mẫu dắt tay Lan Anh chỉ chỗ này chỗ kia lăng xăng nói chuyện. Hai người vào trại trước.

Trong khu vườn trước nhà cây cối trồng ban xưa vẫn y nguyên từ bồn cây, đám cỏ rất gọn gang nhất nhất như trước.

Duy có dưới gốc cây cam ở mảnh vườn bên hữu, hai ngôi mộ xây bằng vân thạch màu xanh biếc nằm song song trơ trơ cùng tuế nguyệt.

Hai tấm bia bạch thạch khắc chữ vàng đỏ ối.

Bia bên tả đề: "Nhạc tướng công húy Hoành chi mộ".

Bia bên hữu: "Nhạc phu nhân Miêu gia húy Thúy Lan chi mộ".

Mấy hàng chữ nhỏ hơn ghi tuổi người quá cố và ngày mất.

Hai tô nhang sứ đặt ngay trước hai tấm bia dưới mái xây cầu vồng che nắng mưa. Chân nhang còn đỏ nguyên tỏ rằng hàng ngày có người trông nom việc hương khói.

Vương nhũ mẫu và Lan Anh quỳ xuống trước hai phần mộ lẩm nhẩm khấn vái, nước mắt chan hòa...

Các anh hùng đứng nghiêm chỉnh cả phía sau tôn trọng giây phút cảm động linh thiêng.

Lam Y và Âu Dương Bích Nữ đỡ hai người dậy, đưa vào trong nhà lúc đó đã lên đèn.

Ngoài trời, hoàng hôn ảm đạm, màn sương lam nhẹ phủ khắp vùng cô liêu tịnh mịch.

Trong nhà đồ vật vẫn nguyên như hai năm trước, duy chỉ khác ở giáp vách nơi giữa nhà có bày một bàn thờ lớn nhang khói quyện trầm hương.

Một lần nữa, Vương nhũ mẫu cùng Lan Anh quỳ lạy trước bàn thờ.

Sau đó, nhũ mẫu cùng Lan Anh vào căn phòng cũ của song thân nàng, giảng giải chuyện xưa.

Họ Vương chỉ vết giáo sắt của Nhạc Hoàng đã gài kẻ tử thù trên vách ván cho nàng coi và nơi vợ họ Nhạc ngã gục khi trút linh hồn...

° ° °

Sau bữa cơm tối, mọi người quây quần cả ở gian giữa nói chuyện.

Bảo Quốc gọi một người trạc ngũ tuần, nét mặt trung hậu ra chào mọi người.

Chàng nói :

- Người này là Tạ Chấn trước kia hầu trong hậu cung Vương phủ Kim Lăng. Phụ thân tôi đã phái y vào Vũ Hồ với phận sự trông nom phần mộ của Nhạc tướng công và phu nhân từ hai chục năm nay. Tạ Chấn có đem cả gia đình y vào Vũ Hồ và hiện ở căn nhà ngang trong nhà sau. Khi họ Tạ vào ở Vũ Hồ, tôi còn nhỏ tuổi không biết gì, nên nhường lời cho y hầu chuyện cùng quý vị.

Theo lời Tạ Chấn, thì sau khi ở Vũ Hồ ra về, Thuận Vương phái người vào xây dựng hai ngôi mộ họ Nhạc, sửa sang lại toàn bộ khu tiểu trại và đích thân dẫn Tạ Chấn tới ở hẳn nơi đó.

Hàng năm, Thuận Vương cung cấp thực vật tiền bạc cho Tạ Chấn mà nhiệm vụ chỉ trông nom hương khói mộ phần và sửa sang khu trại gìn giữ cho được như xưa.

Trong thời gian ấy, tuy Thuận Vương không vào Vũ Hồ nữa nhưng vẫn mỗi năm hai ba lần, cho người đến kiểm soát phận sự của họ Tạ và cung cấp các vật dụng cho y luôn thể.

Nghe chuyện Tạ Chấn, mọi người đều khen ngợi cử chỉ tuyệt đẹp của Thuận Vương đối với gia đình họ Nhạc.

Cử chỉ toàn hảo ấy đã gỡ được phần nào mối hận giữa hai họ Chu, Nhạc từ bao năm nay.

Vương nhũ mẫu và Nhạc Lan Anh cảm động vô cùng!

Riêng Lan Anh, nàng thấy Thuận Vương quả rất tốt với cá nhân nàng. Vị Vương gia kỳ khôi ấy đã làm một việc mà ngay chính nàng cũng không thể làm hơn được.

Mộ phần song thân xây đắp không khác chi mộ Đế Vương. Khu trại nhỏ vô giá trị của gia đình nàng vẫn nguyên nếp khang trang như cũ.

Còn nàng, nàng sống trong điện vàng, các ngọc, đời sống của một vị Quận chúa cao quý, nhung gấm, lụa là.

Phải, không còn chối cãi được, Thuận Vương tự lãnh phần trách nhiệm phụ mẫu gây dựng cho nàng, nên mới còn có ngày nay.

Nếu Thuận Vương không đức độ, có lẽ hiện thời nàng đang phiêu bạt nơi nào rồi cũng chưa biết chừng!

Các hành động của nàng mới đây trong Vương phủ Kim Lăng có lợi cho tình thế của Thuận Vương rất nhiều đối với triều đình. Âu đó cũng là một lối trả ơn vì nàng đã gỡ cho dưỡng phụ khỏi tội phản nghịch đoạn đầu.

Chu Bảo Quốc nói với Lan Anh :

- Các vật liệu tải từ Kim Lăng vào đây để lại cho Tạ Chấn dùng mỗi khi phải trùng tu trang trại. Thiệt không ai ngờ rằng Phụ vương hành động ngoài sự hiểu biết của chúng ta.

Âu Dương Tòng Đức nói :

- Chu đại huynh đi không về rồi như vậy mất công quá nhỉ?

Bảo Quốc đáp :

- Không, chuyến này, tôi lên thẳng Bắc Kinh thăm tin tức song thân.

- Chúng ta sẽ đồng hành vì đàng nào cũng qua Tô Châu. Hiện thời không phải xây đắp mộ phần, cúng bái xong chắc đi ngay.

Âu Dương Bích Nữ nói :

- Vậy không săn cáo nhị thể ư? Sao tính chuyện đi ngay?

Chu Đức Kiệt nói :

- Có săn để lấy bộ da nhị thể khâu võ hài chớ!

Lam Y nữ hiệp hỏi Dương Hoài Ngọc :

- Còn Dương tôn huynh đến đây từ bao giờ mà không thấy có tấm da cáo nào trong nhà.

Dương Hoài Ngọc nói :

- Từ ngày rời Tam Môn cốc, tôi về qua Nghĩa Hưng phủ đóng cửa võ đường, ngao du đây đó. Một hôm đến Thái Bình huyện định qua Kim Lăng, nửa đường thấy lối đi lạ, bèn tò mò rẽ vào coi. Vui mắt đi mãi chẳng dè vó ngựa liên miên đưa tôi vào tới Vũ Hồ thì trời tối hẳn. Hàng quán không có, nhà cửa dân cư cũng không, tưởng sẽ phải ngủ ngoài trời. Chợt thấy ánh đèn le lói, tìm tới thì gặp Tạ Chấn. Cảnh đẹp lưu luyến gót giang hồ, tôi ở lì đây ngót hai tháng rồi mà chưa muốn cất bước phiêu lưu. Con cáo nhị thể, trong thời gian vãng cảnh Vũ Hồ, tuy thấy đã nhiều nhưng tôi không săn, vì giống thú ấy có bộ lông hai màu thiệt đẹp. Không có giống thú ấy, Vũ Hồ sẽ như một giai nhân tuyệt sắc thiếu vẻ dịu hiền!

Lam Y mỉm cười :

- Ngờ đâu Dương tôn huynh là trang võ dũng mà còn kiêm cả nghề thẩm mỹ nữa. Địch Phượng Tiên ở Tam Môn cốc mong chờ tôn huynh nhiều lắm.

Chu Đức Kiệt nói thêm :

- Từ ngày Dương đại ca ra đi, Địch tiểu thơ rất đỗi buồn bã. Mỗi chuyến ra Âu Dương trang thăm chúng tôi, nàng nói tới đại ca rất nhiều. Lão tiên sinh Địch Lân cũng vậy, than phiền, mong cùng đại ca tái kiến.

Dương Hoài Ngọc đáp :

- Thiệt vậy không? Tam Môn cốc, đất đá trơ trọi, ít cây lớn, bóng mát không có nên mọi người đều mắc tật nóng nảy. Không hạp với cá tính tôi thì ở lâu sao được?

- Ủa! Đại ca nghi ngờ lời nói của anh em tôi ư?

Hoài Ngọc vội lắc đầu :

- Không, tôi đâu dám thế, nhưng tôi sẽ qua Tô Châu Phương tiểu thơ được mạnh không?

Tòng Đức nói :

- Phương tiểu thơ nay là tẩu tẩu tôi rồi.

- A! Nghĩa là kết duyên châu trần với lệnh huynh Tòng Cát? Đẹp đôi quá!

- Phải. Cưới hồi cuối năm ngoái. Phương phu nhân dọn vào ở trong tệ trang.

- Nếu vậy, chắc Địch tiểu thơ có dịp tới Âu Dương trang thăm lệnh tẩu luôn.

Lam Y nói :

- Tôi khuyên Dương tôn huynh nên qua thăm Địch gia trại. Điềm tĩnh trước những cảnh quá ngang ngược như Tôn huynh thì ai cũng phải lầm, chẳng cứ gì Địch tiểu thơ. Tôn huynh ra đi đúng lúc họ Địch hiểu và khâm phục. Vậy lỗi lầm ấy đáng được tha thứ. Chẳng nên vì thế lỗi nghĩa phu thê.

Dương Hoài Ngọc suy nghĩ hồi lâu :

- Nữ hiệp đã dạy, tôi sẽ theo lời qua bên Địch gia trại.

Chu Đức Kiệt vui cười :

- Chúng tôi lại có dịp được uống tửu thiệt say rồi!

Dương Hoài Ngọc mỉm cười :

- Rượu thì đâu sẽ có đó, lúc nào muốn uống là có ngay. Các vị đại hiệp vào Vũ Hồ với ý định đi săn mà không lập chương trình săn như thế nào, cứ bắt Dương mỗ này đãi rượu! Uống trước cũng được, mời quý vị ra Củng gia điếm.

Lam Y nữ hiệp nói :

- Củng gia điếm? Nơi Vũ Hồ này phong cảnh hiền lành lặng lẽ, nếu không có loài cáo nhị thể thì còn có gì đặc biệt hơn khiến người đáng chú ý? Quanh vùng toàn đồi thoai thoải, một ngọn núi lớn cũng không. Ai quen cảnh hùng vĩ chắc không ở nổi nơi này lấy mười ngày.

- Phải đi mấy ngày mới tới Củng gia điếm, hả tôn huynh?

Dương Hoài Ngọc phản đối :

- Chắc Nữ hiệp biết Vũ Hồ qua lời Vương nhũ mẫu? Hoặc căn cứ vào cảnh sắc quanh khu trại này nên tưởng lầm như vậy! Thiệt ra, trái ngược hẳn lại. Lúc mới đến trại Nhạc gia, tôi cũng nghĩ như Nữ hiệp, sau mấy ngày tò mò thăm thú quanh vùng, tôi mới biết rõ.

Chu Đức Kiệt hỏi :

- Dương đại ca nhận xét như thế nào, tả cho chúng tôi nghe với.

- Ai vào Vũ Hồ theo đường Kim Lăng Thái Bình huyện đều nghĩ rằng khu này là cái túi không có lối khác, ngoài con đường mà quý vị đi qua hồi trưa vào Vũ Hồ.

Ngắm phong cảnh, người ta thấy trời xanh ngắt, nhưng vướng các ngọn đồi, không ai thấy một điểm kỳ lạ về phương Tây nam.

Tây nam là hướng trước cổng trại Nhạc gia.

Vừng thái dương mọc trước giờ Thìn vòm trời xanh mát dễ chịu, chỉ riêng hướng Tây nam là từ lúc mặt trời mọc tự nhiên bị lớp sa mù che lấp hẳn cho đến lúc sương chiều bốc lên thay thế bao phủ vạn vật.

Sáng mai dậy sớm trước khi mặt trời ló dạng, quý vị sẽ thấy ở hướng Tây nam có một chặng núi đá màu lam khá cao sừng sững như bức thành. Nhưng cứ từ lúc có ánh Thái dương le lói là chỉ trong một khắc, sa mù bốc lên cao che lấp toàn thể chặng núi ấy.

Nếu ta nhắm hướng Tây Nam mà đi chỉ độ hai mươi dặm đường là tới chân chặng núi hùng vĩ ấy.

Đi vòng mỏm núi sang hướng Bắc bộ hai dặm nữa có làng Thanh Phiên độ hai trăm nóc nhà, dân cư trù mật. Vị trí làng này giáp ngay chân núi thoai thoải cây xanh bóng mát rườm rà, suối lớn róc rách trong như lưu ly.

Củng gia điếm ở ngay đầu làng trên đường từ Thái Bình qua Thạch Tắc huyện giáp ranh giới tỉnh Hồ Bắc, đường núi nhấp nhô.

Uống rượu ở Củng gia điếm tuyệt thú!

Chu Đức Kiệt hỏi :

- Ngọn núi đá lam đó có tên không?

- Kỳ Hầu sơn. Từ lưng chừng núi trở xuống cây cối rậm rạp. Trái lại, phía trên trơ trọi đá lam.

- Người làng Thanh Phiêu không qua Vũ Hồ này bao giờ ư?

- Tôi có thăm dò mới biết không ai qua lối Vũ Hồ vì nhiều lẽ.

Tại làng Thanh Phiêu củi rừng có sẵn, suối nước ngay bên, đầu làng có đường đi lên huyện, họ vào Vũ Hồ toàn đồi cỏ không có ích lợi gì cho cuộc sống hàng ngày.

Từ Thanh Phiêu trông qua phía Vũ Hồ, dân làng tưởng không có lối ra. Họ là những người hiền lành chất phác, quanh năm chỉ biết công việc thường ngày, đi xa nữa làm chi!

- Họ không biết trong làng Vũ Hồ có cáo nhị thể. Nếu biết, họ đã tổ chức săn bắn lấy da rồi.

- Lạ nhỉ! Giống cáo thường hay sống rất xa. Kỳ Hầu sơn có rừng lớn sao chúng không tràn lan tới?

Dương Hoài Ngọc đáp :

- Nhờ mấy tháng ở đây, tôi nhận xét kỹ rồi. Cáo nhị thể không ăn mồi thịt như loại cáo đen, cáo xám. Chúng sống bằng củ sắn và mấy thưa ấy chỉ trong khu Đông bắc Vũ Hồ mới có.

- Đại huynh coi, Tây nam, Đông bắc hai hướng trái ngược hẳn, vì lẽ ấy dân Thanh Phiêu không biết có giống thú tuyệt đẹp ấy trong vùng Đông Bắc Vũ Hồ.

- Mai mốt săn, đại huynh sẽ nhận định được ngay hình thế địa lý khu Đông bắc khác hẳn khu Tây nam.

Từ làng Thanh Phiêu trở đi, chặng Kỳ Hầu sơn ăn liền với các dãy núi chạy dài vào đất Hồ Bắc. Nhưng từ Vũ Hồ này vào khu Đông bắc toàn đồi, đọt cỏ xanh miên man đi mãi tới đâu không rõ.

- Loài cáo chị thể móng dài và sắc đào đất thành hang hốc ở ngay trong lòng các đồi đất chi chít như mạng nhện vậy.

- Vì địa lý, hai vùng khác nhau nên cáo nhị thể chỉ sống trong khu đồi đất hợp với chúng hơn. Có lẽ chúng lan tràn vào sâu khu Đông bắc nhưng tôi chưa đi tới.

- Trước kia chắc Nhạc tướng công biết rõ địa thế toàn khu, chỉ vì thích săn cáo nhị thể nên Tướng công ở ngay Vũ Hồ là đầu địa điểm vào khu Đông bắc.

Đẩy ghế đứng lên, Dương Hoài Ngọc lấy bầu rượu treo trên tường xót ra ly mời mọi người uống :

- Thứ rượu này tôi mua ở Củng gia điếm. Vì còn ít quá sợ thiếu niên hồi nãy không dám mời. Các vị dùng thử xem và cho biết ý kiến.

Mọi người cùng cầm ly, men rượu ngào ngạt thơm phưng phức.

Âu Dương Tòng Đức khen ngợi :

- Thơm dịu, chưa uống đã thấy ngon!

Ai nấy đều cạn chén, Lam Y khà một tiếng :

- Chà! Hảo tửu! Nhân dịp này hôm nào ra khỏi Vũ Hồ ta sẽ đi lối Kỳ Hầu sơn để được uống rượu ở Củng gia điếm mới được!

Dương Hoài Ngọc nói :

- Hai mươi dặm đường không bao xa, mai tôi sẽ đi mua về đây đủ dùng trong nhiều ngày...

Tòng Đức cười :

- Bộ Dương đại ca định cố thổ ở Vũ Hồ sao...

Dương Hoài Ngọc chưa kịp trả lời thì Lam Y chợt hỏi Chu Đức Kiệt :

- Huynh trưởng nhắp ly rượu Củng gia vừa rồi có nhận thấy gì lạ không?

Câu hỏi đột ngột của nàng khiến ai nấy đều ngạc nhiên.

Chu Đức Kiệt nói :

- Có hương vị đặc biệt lắm. Ngu huynh biết đã uống thứ mỹ tửu này ở đâu rồi nhưng không nhớ ở đâu nữa.

Lam Y gật đầu :

- Tiểu muội cũng vậy không nhớ đã uống ở nơi nào rồi... Phải đến Củng gia điếm uống tại chỗ mới thích thú, nhân tiện văn cảnh Kỳ Hầu sơn.

Nàng quay lại hỏi Chu Bảo Quốc :

- Khi Thế tử rời Vương phủ Kim Lăng, Mã nguyên soái có hành động gì khác không?

- Nguyên soái đổi ý, để Mã Thành Hổ ở lại cùng gia huynh Trấn Quốc điều khiển công việc Kim Lăng về đích thân kéo binh đội giả tù xa về Yên Kinh trước.

- Thế cũng may, việc Kim Lăng tạm giải xong, kéo dài ngày nào, chúng tôi khó chịu lo lắng ngày ấy. Nhưng gia phụ về triều không biết lành hay dữ?...

Chu Đức Kiệt khuyên giải :

- Theo sự hiểu biết của tôi, lệnh phụ hồi triều mới không nguy. Hà tất nhân huynh phải lo.

Mọi người chong đèn chuyện vãn đến khuya mới đi nghỉ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.