Lá Bài Thứ XII

Chương 23




Đoán xem, Rhyme, có những hiện trường nhỏ đấy.

Em biết thế bởi em đang thấy một cái như vậy.

Amelia Sachs đứng trên phía tây phố 82, ngay phía Broadway, ở trước tòa nhà Hiram Sanford đầy ấn tượng, với kiến trúc lớn và tối màu kiểu thời nữ hoàng Victoria. Đây là trụ sở của Tổ chức Sanford. Xung quanh cô là những tòa kiến trúc của New York cổ kính và hài hòa: Bên cạnh tòa lâu đài hơn một tăm năm tuổi, là một bảo tàng nghệ thuật có từ khoảng năm 1910 và một hàng các ngôi nhà tuyệt đẹp. Cũng chẳng cần đến những nghi phạm với bộ đồ có các vệt sơn màu da cam mà khiến cô nổi da gà; ở ngay bên cạnh tòa lâu đài là khách sạn Sanford lộng lẫy và kỳ quái (có tin đồn là bộ phim Rosemary’s Baby lúc đầu định được thực hiện ở Sanford).

Những bức tượng thú vật nhìn vào Sachs từ các gờ tường như thể chúng đang nhạo báng nhiệm vụ hiện thời của cô.

Ở bên trong, cô được giới thiệu với người đàn ông mà Mel Cooper đã nói chuyện, William Ashberry, giám đốc của tổ chức và là giám đốc điều hành cấp cao của ngân hàng Sanford and Trust, hiện đang sở hữu một tổ chức phi lợi nhuận. Người đàn ông trung niên ăn mặc chỉnh tề chào đón cô với vẻ vồn

vã đầy hoang mang. “Chúng tôi chưa bao giờ có một cảnh sát ở đây, xin lỗi, một nữ cảnh sát, ý tôi là thế, chà, thực ra là chưa bao giờ có bất cứ cảnh sát nào cả.” Ông ta có vẻ hơi thất vọng khi cô đưa ra một lời giải thích mập mờ rằng mình chỉ cần một chút thông tin chung về bối cảnh lịch sử của khu vực và không cần sử dụng tổ chức làm nơi giám sát hay thực hiện một chiến dịch bí mật.

Ashberry sẵn lòng để cô đi quanh các kho lưu trữ và thư viện, dù cá nhân ông ta không thể giúp cô; chuyên môn của ông ta là về tài chính, bất động sản, và luật thuế, không phải về lịch sử. “Tôi thực sự là một người làm ngân hàng”, ông ta thú nhận, như thể Sachs không thể biết điều này từ bộ vest tối màu ông ta đang mặc, với chiếc áo sơ mi trắng, chiếc cà vạt sọc và cả các tài liệu kinh doanh khó nhằn cũng như những tờ ghi chép thống kê nằm thành chồng ngăn nắp trên chiếc bàn làm việc.

Mười lăm phút sau, cô đã được sự giúp đỡ của người quản lý - một người đàn ông trẻ, trong bộ quần áo bằng vải tuýt dẫn cô đi xuống một hành lang tối tăm vào khu lưu trữ nằm dưới tầng hầm. Cô đưa cho anh ta xem tấm ảnh ghép của Nghi phạm 109, nghĩ rằng tên sát thủ có thể cũng đã đến đây, tìm các tài liệu về Charles Singleton. Nhưng người quản lý không nhận ra bức ảnh của hắn và không nhớ ra bất cứ một ai hỏi về nào liên quan tới Tuần báo Minh họa dành cho người da màu thời gian gần đây. Anh ta chỉ ra chồng tài liệu và một thời gian ngắn sau đó cô đã ngồi xuống, cáu kỉnh và mệt mỏi, trên chiếc ghế cứng trong một căn phòng nhỏ xíu như một cái quan tài, vây quanh là hàng tá các thể loại sách và tạp chí, bản in, bàn đồ và các bản vẽ.

Cô thực hiện công việc tìm kiếm này theo đúng cái cách mà Rhyme đã dạy khi khám xét một hiện trường: nhìn tổng thể trước, lập ra một kế hoạch logic, rồi tiến hành tìm kiếm. Sachs trước tiên chia đống tài liệu thành bốn chồng: thông tin tổng họp, lịch sử khu West Side và Gallows Heights, quyền dân sự trong khoảng giữa những năm 1800 và Potter’s Field. Cô bắt đầu với cái nghĩa trang trước. Cô đọc từng trang, xác nhận đề cập của Charles Singleton về việc trung đoàn của ông tập trung ở đảo Hart, tìm hiểu quá trình hình thành của nghĩa trang và sự bận rộn của nó, đặc biệt trong thời kỳ dịch tả và dịch cúm hoành hành trong những năm giữa và cuối thế kỷ XIX, khi mà những chiếc quan tài bằng gỗ thông rẻ tiền có thể làm bẩn hòn đào, chất đống cao ngất, và chờ đợi được chôn cất.

Những thông tin chi tiết rất hay, nhưng không hữu ích lúc này. Cô quay sang những tài liệu về quyền dân sự, đọc một đống thông tin chán ngắt, bao gồm các tài liệu tham khảo về cuộc tranh cãi về Tu chính án số 14 nhưng không có gì liên quan hay đề cập chút nào đến những vấn đề mà Giáo sư Mathers gợi ý cho họ là động cơ của việc giăng bẫy Charles Singleton. Cô đọc một bài báo trong tờ New York Times năm 1867 mà Frederick Douglass và các nhà lãnh đạo quyền dân sự lỗi lạc khác của thời bấy giờ đã xuất hiện ở một nhà thờ tại Gallows Heights. Douglass đã nói với các nhà báo sau đó rằng ông tới khu vực xung quanh để gặp một vài người đàn ông trong cuộc chiến và bạc về việc thông qua bản sửa đổi. Nhưng điều này thì họ đã biết rồi, nó được nhắc đến trong những bức thư của Charles. Sachs không tìm thấy thông tin nào đề cập đến cái tên Charles Singleton nhưng có xem qua một tài liệu với một bài viết dài lê thê trong tờ New York Sun về những người cựu nô lệ và những người nô lệ tự do giúp đỡ Douglass. Dù vậy, vấn đề riêng biệt này không ở trong các lưu trữ.

Hết trang này đến trang khác, cứ như thế... Đôi lúc do dự, rồi lo lắng rằng mình có thể bỏ qua vài câu quan trọng mà có thể dẫn tới ánh sáng cho vụ án. Hơn một lần Sachs quay lại và đọc lại một hay vài đoạn mà cô nhìn qua chứ không đọc. Vươn vai, duỗi người, bồn chồn, ấn những chiếc móng tay, gãi xước cả da đầu.

Rồi lại cày bới những tập tài liệu một lần nữa. Những tài liệu cô đã đọc chất đống cao trên bàn nhưng cái tập giấy ở trước mặt vẫn chẳng có nổi một ghi chú nào.

Quay sang lịch sử New York, Sachs đọc thêm nhiều điều về Gallows Heights. Đó là một nơi mà có đến nửa số ân định cư ban đầu ở khu vực Upper West Side của New York, thực sự chia cắt các ngôi làng, giống như Manhattanville và Vandewater Heights (mà giờ là Morningside). Gallows Heights trải rộng về phía tây từ Broadway hiện tại cho tới dòng sông Hudson và từ khoảng phố 72 hướng về phía bắc tới phố 86. Cái tên có từ thời thuộc địa, khi những người Hà Lan xây dựng một cái giá treo cổ trên đỉnh một ngọn đồi nằm ở trung tâm khu định cư. Khi người Anh mua lại mảnh đất, chiếc giá treo cổ đã hành hình hàng tá phù thủy, tội phạm, các nô lệ nổi loạn và các tên thực dân cho tới khi hàng loạt các điểm thực thi công lý và trừng phạt ở New York được tập trung về khu trung tâm thành phố.

Năm 1811, các nhà quy hoạch thành phố đã chia toàn bộ Manhattan thành những khu được sử dụng như ngày hôm nay, mặc dù trong vòng năm mươi năm sau đó ở Gallow Heights (và phần lớn còn lại của thành phố) những ô vuông đó chỉ còn thấy trên giấy tờ. Trong những năm đầu 1800, khu đất ở đây là một mớ lộn xộn các con đường, cánh đồng trống không, khu rừng và các túp lều, khu chuồng trại lập tự phát của những người đến chiếm đất, nhà máy và các bến tàu khô cạn bên dòng sông Hudson, và một vài khu đất xinh xắn trải dài. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, Gallow Heights phát triển theo hướng đa dạng, được phản ánh trong tấm bản đồ mà Mel Cooper tìm thấy trước đó: Những tòa nhà to lớn nằm song song cạnh những tòa nhà chung cư dành cho tầng lớp lao động và các ngôi nhà nhỏ bé. Khu nhà ổ chuột chứa những băng đảng chuyển đến từ miền Nam, trong làn sóng vươn dài của thành phố. Và - cũng quanh co lươn lẹo và đầy mánh khóe như những tên trộm trên phố, mặc dù với quy mô lớn hơn và ranh ma hơn - Willam ‘Boss’ Tweed điều hành phần lớn bộ máy chính trị thuộc đảng dân chủ Tammy Hall thối nát, tham ô tham nhũng bằng những quầy bar và nhà hàng ở Gallows Heights (Tweed bị ám ảnh với việc làm lợi từ sự phát triển của khu vực xung quanh; trong một âm mưu vụ lợi điển hình, ông ta bỏ túi 6000 đô la một cách hợp pháp bằng việc bán một khoảng đất nhỏ xíu trị giá dưới 35 đô la cho thành phố).

Khu vực này giờ đây là khu hàng đầu của Upper West Side và tất nhiên, nằm trong số những khu vực đẹp nhất, giàu có nhất trong thành phố. Chi phí cho các ngôi nhà lên tới hàng ngàn đô la một tháng. (Và trong khi Amelia Sachs cáu kỉnh lúc này đang nghiền ngẫm trong cái “xà lim” nhỏ xíu với một “hiện trường nhỏ”, thì Gallows Heights ngày nay là nơi có những quầy bán đồ ăn nhanh và những tiệm làm bánh mỳ vòng bagel ngon nhất trong thành phố; mà cô vẫn chưa từng được ăn.)

Những dòng lịch sử dày đặc cuộn qua nhưng chẳng có gì liên quan đến vụ án cả. Khốn nạn, cô đáng ra phải làm công việc phân tích các vật ở hiện trường, hoặc ít nhất cũng là làm việc trên những con phố quanh căn hộ ẩn náu của nghi phạm, cố công tìm ra những kết nối dẫn đến nơi hắn sổng, tên hắn là gì.

Rhyme đang nghĩ cái không biết?

Cuối cùng, cô đã đến quyển sách duy nhất còn lại trong cái chồng cao ngất. Cô ước tính khoảng 500 trang (lúc này Sachs đã có nhãn quang tốt để đoán được điều đó), và nó có năm trăm linh bốn trang. Mục lục không cho thấy thông tin nào quan trọng mà cô cần. Sachs lướt qua những trang sách nhưng cuối cùng cũng không thể cố thêm được nữa. Cô quẳng cuốn sách sang một bên, đứng dậy, dụi mắt rồi vươn vai. Nỗi sợ những không gian hẹp đang biến mất, nhờ có cái không gian chật hẹp ngột ngạt của kho lưu trữ, nằm sâu hai tầng dưới mặt đất. Tổ chức này có lẽ đã được tu sửa vào tháng trước nhưng nơi này vẫn là tầng hầm ban đầu của Sanford Mansion, cô cho là vậy; nó có trần thấp, hàng tá các cột và các bức tường đá, khiến cho không gian nơi này càng trở nên chật chội.

Như thế đã đủ tệ rồi nhưng điều tồi tệ nhất là việc phải ngồi, Amelia Sachs ghét phải ngồi yên một chỗ.

Khi con chuyển động, chúng không thể tóm được con...

Không có hiện trường nhỏ nào cả, Rhyme? Chúa ơi...

Cô bắt đầu rời khỏi nơi này.

Nhưng ở thềm cửa, cô dừng lại, quay lại nhìn vào đống tài liệu và nghĩ: Một vài câu trong một quyển sách mốc meo này hay những tờ báo đã ngả vàng có thể tạo ra sự khác biệt, ranh giới giữa sống và chết với Geneva Settle - và cả những người vô tội khác mà Nghi phạm 109 có thể sẽ giết một ngày nào đó.

Tiếng nói của Rhyme hiện ra trong đầu cô. Khi đang khám nghiệm hiện trường, em lần tìm một lần, rồi một lần nữa và khi đã làm xong, em lại lần tìm một lần nữa. Khi em đã làm xong việc đó, em lại tiếp tục một lần nữa. Và...

Cô nhìn vào quyển sách cuối cùng - quyển sách đã hạ gục cô. Sachs thở dài, ngồi xuống, giở cái tập dày cộp năm trăm linh bốn trang ấy về phía mình và đọc nó một cách cẩn thận rồi lật ra những bức ảnh nằm ở giữa. Và rồi, nó hiện ra, là một ý tưởng tốt.

Cô thấy lạnh gáy, nhìn chằm chằm vào bức ảnh con phố West Eightieth, được chụp năm 1867. Cô cười, đọc dòng ghi chú và những dòng chữ trong trang đối diện. Rồi lôi chiếc điện thoại ra khỏi thắt lưng và nhấn phím tắt số 1.

“Em tìm ra Potter’s Field, Rhyme.”

“Chúng ta biết nó ở đâu”, anh nói vào trong chiếc loa thoại gần miệng. “Hòn đảo ở...”

“Có một cái khác.”

“Một nghĩa trang thứ hai?”

“Không phải là một nghĩa trang. Đó là một nhà hàng, ở Gallows Heights.”

“Một nhà hàng?” Chà, điều này thú vị đây, Rhyme nghĩ.

“Em đang xem một tấm ảnh, hoặc một tấm ảnh, chụp bằng phương pháp Daguerre[9] hay bằng bất cứ cách nào đi nữa. Một quán bar tên là Potter’s Field. Nó nằm ở phía tây phố 18.”

[9] Phép chụp hình được đặt theo tên Louis Daguerre, một nghệ sĩ, vật lý học người Pháp, được công nhận cho phát minh ra quy trình nghệ thuật chụp hình thực tiễn.

Vậy là họ đã sai, Rhyme nghĩ. Cuộc gặp gỡ định mệnh của Charles Singleton có lẽ hoàn toàn không phải ở trên hòn đảo Hart.”

“Và, có vẻ tin tốt là địa điểm ấy đã bị cháy rụi. Nghi là bị đốt. Thủ phạm và động cơ vẫn không rõ.”

“Liệu anh có đúng không khi đoán rằng đó chính là ngày mà Charles Singleton tới đó để - ông ấy nói gì nhỉ? Để tìm công lý?”

“Đúng vậy. Ngày 15 tháng 7.”

Mãi mãi nằm sâu trong bùn đất...

“Có gì khác về ông ấy không? Hay là cái quán ăn?”

“Chưa thấy.”

“Tiếp tục tìm kiếm đi.”

“Tất nhiên rồi, Rhyme.”

Họ ngắt cuộc gọi.

Cuộc gọi của Sachs được đưa ra loa ngoài; Geneva đã nghe thấy hết. Cô hỏi một cách đầy tức giận: “Chú cho rằng Charles đã đốt cháy chỗ đó à?”.

“Không cần thiết. Nhưng một trong những lý do cho việc phóng hỏa một địa điểm là để phá hủy các chứng cứ. Có thể đó là điều mà Charles định làm, che giấu điều gì đó về vụ trộm.”

Geneva nói: “Hãy đọc bức thư của ông ấy... ông ấy nói rằng vụ trộm là để làm mất uy tín của mình. Tới lúc này, chú vẫn không nghĩ rằng ông ấy vô tội sao?”. Giọng nói của cô bé thấp và cứng rắn, đôi mắt nhìn chằm chằm vào mắt Rhyme.

Nhà tội phạm học đáp trả ánh nhìn của cô bé. “Chú tin, đúng thế.”

Cô gật đầu, cười nhạt vào điều vừa biết được, rồi nhìn vào chiếc đồng hồ Swatch rạn vỡ của mình. “Cháu nên về nhà.”

Bell đang lo rằng nghi phạm có thể đã biết được nơi ở của Geneva. Anh đã chuẩn bị một chỗ trú ẩn an toàn cho cô bé, nhưng nó vẫn chưa sẵn sàng cho tới đêm nay. Trong lúc này, anh và đội bảo vệ sẽ phải đặc biệt cảnh giác.

Geneva thu lại các bức thư của Charles Singleton. “Hiện tại chúng ta sẽ giữ những thứ này.” Rhyme nói.

“Giữ chúng? Như là, làm bằng chứng?”

“Chỉ là tới khi chúng ta hiểu rõ được nguyên nhân của những gì đang diễn ra.”

Geneva nhìn vào những lá thư một cách do dự. Dường như có một khao khát mãnh liệt trong đôi mắt cô bé.

“Chúng ta sẽ giữ nó ở một nơi an toàn.”

“Được rồi.” Cô bé đưa nó cho Mel Cooper.

Anh nhìn vào vẻ mặt băn khoăn của cô bé. “Cháu có muốn bản copy của những lá thư này không?”

Cô có vẻ ngượng nghịu. “Vâng. Cháu muốn... Chỉ là... Chúng là, chú biết đấy, từ gia đình. Điều đó khiến chúng trở nên quan trọng.”

“Không vấn đề gì cả.” Anh copy mấy bản trên chiếc máy Xerox và đưa nó cho cô bé. Cô gập lại cẩn thận và chúng biến mất vào chiếc túi xách.

Bell nhấc điện thoại, nghe một lúc rồi nói: “Tuyệt, mang nó tới đây càng sớm càng tốt. Đánh giá cao điều đó”. Anh cho địa chi của Rhyme, rồi tắt máy. “Trường học. Họ tìm ra băng ghi hình an ninh khu vực sân trường khi kẻ đồng phạm của nghi phạm ở đó ngày hôm qua. Họ đang chuyển nó tới.”

“Ôi Chúa ơi”, Rhyme nói một cách gay gắt: “Ý anh là có một manh mối thực sự cho vụ án? Và nó không phải đã hơn một trăm tuổi rồi ư?”

Bell chuyển sang tần số đã được thay đổi và nói với Luiz Martinez về kế hoạch của họ, rồi điện đàm sang Barbe Lynch, viên sĩ quan đang bảo vệ khu vực phía trước ngôi nhà của Geneva. Cô báo lại rằng khu phố an toàn và đang chờ họ.

Cuối cùng thì viên sĩ quan đến từ Bắc Carolina nhấn vào nút l ngoài trên điện thoại của Rhyme và gọi tới người bác của cô bé để bảo đảm rằng ông ấy đang ở nhà.

“Xin chào!”, người đàn ông nói.

Bell giới thiệu tên mình.

“Con bé vẫn ổn chứ?”, người bác hỏi.

“Cô bé vẫn ổn. Chúng tôi chuẩn bị về bây giờ. Mọi thứ vẫn ổn ở đó chứ?”

“Vâng, thưa ngài, chắc chắn là thế.”

“Ông có nghe tin gì từ cha mẹ cô bé không?”

“Bố mẹ con bé? Có, em trai tôi gọi cho tôi từ sân bay. Bị hoãn chuyến bay hoặc gì đó. Nhưng họ sẽ sớm rời khỏi đó.”

Rhyme vẫn thường bay tới London để tham vấn với Sở cảnh sát Scotland và các cơ quan cảnh sát châu Âu khác. Bay ra nước ngoài không phức tạp bằng bay sang Chicago hay California. Không hề một chút nào nữa. Chào mừng đến với thế giới hàng không quốc tế hậu 11/9, anh nghĩ. Anh đã tức giận rằng bố mẹ cô bé mất quá nhiều thời gian để bay trở về. Geneva hẳn là đứa nhóc trưởng thành nhất mà anh từng gặp nhưng dù thế nào vẫn là một đứa bé và cần phải được ở với bố mẹ.

Rồi điện đàm của Bell kêu lẹt xẹt và tiếng Luis Martinez lẹt xẹt qua sóng báo cáo: “Tôi ở bên ngoài, thưa sếp. Chiếc xe ở phía trước, cửa mở”.

Bell ngắt điện thoại và quay sang Geneva. “Sẵn sàng thôi, cô bé.”

“Anh đây rồi”, Jon Earle Wilson nói với Thompson Boyd, hắn đang ngồi trong một nhà hàng ở trung tâm Manhattan, trên phố Broad.

Gã da trắng gầy giơ xương với mái tóc kiểu cắt ngắn ở hai bên và phía trước nhưng dài ở đằng sau gáy, đang mặc chiếc quần jeans màu be, không có gì quá sạch sẽ, đưa chiếc túi đựng đồ cho Boyd, đang nhìn chằm chằm vào bên trong.

Wilson ngồi xuống ở quầy đối diện với hắn. Boyd tiếp tục nghiên cứu chiếc túi. Bên trong là một chiếc hộp lớn của công ty chuyển phát nhanh. Một chiếc túi nhỏ hơn ở bên cạnh, từ tiệm bánh Dunkin’ Donuts, mặc dù những gì ở trong chắc chắn không phải là những chiếc bánh. Wilson sử dụng những chiếc túi đựng đồ từ các cửa hàng mua sắm liền dãy bởi nó được lót một lớp chống thấm nhẹ và cũng được bảo vệ chống ẩm.

“Chúng ta ăn gì chứ?” Wilson hỏi. Gã ta nhìn thấy món salad lướt qua. Hắn đang đói. Nhưng mặc dù hắn vẫn thường gặp Boyd ở các quán cà phê và các nhà hàng, cả hai chưa bao giờ bẻ chung một cái bánh mỳ. Món ăn ưa thích của Wilson là pizza và nước soda, thường có trong căn hộ một phòng của mình, chất đầy với các dụng cụ, dây rợ và những con chip máy tính. Gã cứ nghĩ là, với tất cả những gì gã đã làm cho Boyd, Boyd sẽ có thể mời hắn một cái sandvvich hay là cái khỉ gì đó.

Nhưng gã sát thủ nói: “Tôi phải đi trong khoảng một, hai phút nữa”.

Chiếc đĩa đựng những xiên thịt cừu nướng mới ăn một nửa nằm phía trước tên sát thủ. Wilson tự hỏi liệu hắn có đề nghị gã ăn một ít không. Boyd không làm thế. Hắn chỉ cười với cô hầu bàn khi cô tới và dọn chiếc đĩa. Boyd cười - điều này hoàn toàn mới lạ. Wilson chưa bao giờ thấy điều đó trước đây (dù hắn phải thừa nhận rằng đó là một nụ cười vô cùng kỳ quái).

Wilson hỏi: “Nặng, đúng không?”, và nhìn về phía chiếc túi. Hắn thể hiện ánh mắt đầy tự hào.

“Đúng.”

“Tôi cho là anh sẽ thích nó.” Gã tự hào bởi thứ hắn làm ra và có một chút bực mình vì Boyd không đáp trả.

Wilson hỏi tiếp: “Vậy mọi việc thế nào rồi?”.

“Vẫn đang diễn ra.”

“Tất cả ổn chứ?”

“Có một chút khó khăn. Đó là lý do tại sao…” Hắn hất đầu về phía chiếc túi và không nói gì nữa. Boyd huýt sáo một cách nhẹ nhàng, cố gắng để bắt vào giai điệu của một bản nhạc dân ca phát ra từ chiếc loa trên đầu. Tiếng nhạc thật kỳ cục. Một nhóm nữ ca sĩ chị em hoặc gì đó ở Ấn Độ hay Pakistan hoặc chỗ quái nào ai biết được. Nhưng Boyd bắt các nốt nhạc khá chuẩn. Giết người và huýt sáo - gã đàn ông này biết cách làm hai điều này.

Cô gái ở quầy thu ngân đánh rơi một chiếc đĩa đựng các món ăn vào khay của người dọn bàn với một tiếng động lớn. Khi mọi thực khách quay ra nhìn, Wilson cảm thấy có gì đó gõ nhẹ vào chân hắn phía dưới cái bàn. Gã chạm vào cái phong bì, nhét nó vào túi chiếc quần ống loe đang mặc. Thật ngạc nhiên khi chiếc phong bì mỏng này chứa đựng được 5000 đô la. Nhưng Wilson biết tất cả số tiền nằm đủ trong đó. Một điều về Boyd là: Hắn trả những gì mắc nợ và thanh toán đúng hẹn.

Một lúc trôi qua. Và họ không đang ăn với nhau. Họ ngồi và Boyd uống trà còn Wilson đang đói. Dù Boyd phải rời đi sau “một đến hai phút”.

Thế này là sao?

Rồi gã có câu trả lời. Boyd nhìn ra bên ngoài cửa sổ và thấy một chiếc xe tải nhỏ cũ kỹ không ký hiệu đi chậm rãi và bẻ lái vào con hẻm dẫn tới phía sau nhà hàng. Wilson nhìn thoáng qua người tài xế, một người đàn ông nhỏ bé với làn da nâu sáng và bộ râu quai nón.

Đôi mắt Boyd quan sát kỹ. Khi nó biến mất vào trong con hẻm, hắn đứng dậy, nhấc cái túi đựng đồ lên. Hắn để lại tiền trên bàn cho hóa đơn của mình và hất đầu với Wilson rồi bắt đầu bước về phía cửa. Hắn dừng lại và quay đầu. “Tôi đã cảm ơn chưa nhỉ?”

Wilson chớp mắt mắt. “Anh đã gì cơ?”

“Tôi đã cảm ơn chưa?” Hắn hất đầu xuống phía chiếc túi.

“À, không.” Thompson Boyd mỉm cười và cảm ơn mọi người. Hẳn phải là một đêm trăng tròn quái quỷ.

“Tôi đánh giá cao nó”, tên sát nhân nói. “Ý tôi là, công sức của anh. Thật đấy.” Những lời đó nói ra như thể hắn là một diễn viên tồi. Rồi, điều này cũng lạ lùng nữa, hắn nháy mắt chào tạm biệt cô gái ở quầy thu ngân và đi về phía cửa, bước ra những con phố ồn ào náo nhiệt của quận tài chính, đi vòng quanh con hẻm tới phía sau nhà hàng, với chiếc túi nặng trịch ở bên cạnh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.